Đau Khổ
 



Ý Nghĩa của Đau Khổ: Cảm Nhận Chủ Quan

Không một con người nào được sinh vào trần gian này thoát được khổ đau. Có thể nói chính vì đau khổ là thân phận của con người mà vừa mở mắt chào đời là con người đã bật tiếng khóc, tiếng khóc chào đời. Đến nỗi, ai không bật tiếng khóc đầu tiên này được coi là bất thường hay phi thường.

Cách đây 15 năm, tôi biết có một bé trai Việt Nam, con của một người bạn chí thân của tôi ở tiểu bang Wisconsin, đã không hề khóc, chẳng những từ khi lọt lòng mẹ mà còn cho tới nay nữa. Cha mẹ em cho biết họ không bao giờ thấy em khóc hay nghe em khóc. Tôi đã gặp em bốn năm lần, lần cuối cùng vào tháng 8/2002 tại Missouri, em đã trở thành một thiếu niên, hoàn toàn bình thường và rất dễ thương về cả tâm hồn lẫn thể xác. Hầu như em không biết buồn. Em cũng có ý riêng, cũng đòi cha mẹ điều này điều kia. Nhưng em không hề bất mãn khi không được thỏa nguyện. Không biết tương lai của em như thế nào. Hiện tại em đúng là một con người thật sự hiếm có trên đời.

Tôi còn thân với một người bạn nữa, lớn hơn tôi mấy tuổi, người nhỏ con, ăn ít, ngủ ít, song làm nhiều, mà hầu như thân xác của anh chẳng có bệnh tật gì bao giờ. Theo anh cho biết, từ năm 1956 đến năm 1982, năm chúng tôi xa nhau, anh chỉ uống một viên Aspirin duy nhất, bất chấp cảm cúm hằng năm hoành hành cộng đoàn cả trăm người anh chung sống. Đặc biệt nhất là, trong thời gian sống sát bên con người này từ năm 1964 tới 1982, tôi không hề thấy anh tỏ ra bất mãn với ai bao giờ, dù có bị những người nhỏ tuổi chọc ghẹo hay bị bất cứ ai xúc phạm cách nào. Không biết anh bạn có tâm tính dễ thương được mọi người quí mến đây có giống em bé chào đời và sống trên đời chẳng bao giờ khóc trên đây hay chăng, tôi chưa kịp hỏi. Dầu sao đó cũng là những trường hợp thuộc luật trừ.

Thế nhưng, vấn đề ở đây là những con người thuộc loại luật trừ này, dù không bao giờ khóc, hay bị bệnh hoạn, hoặc tỏ ra khó chịu bất mãn, có bao giờ họ cảm thấy đau khổ một cách nào đó chăng? Chắc chắn là có. Chẳng hạn họ cảm thấy đói khát khi thiếu của ăn nước uống, dù không mở miệng kêu ca, cảm thấy nóng lạnh theo mùa thời tiết hay trong lúc thất thường khí hậu, dù không lên tiếng kêu than, nhất là cuối cùng họ sẽ đi đến cái đau khổ cuối cùng của cuộc đời con người đó là cái chết, dù họ không sợ chết. Bởi thế, vấn đề đau khổ ở đây trước hết liên quan đến vấn đề cảm nhận chủ quan hơn là khách quan.

Thật vậy, về khách quan, đau khổ có thể bao gồm tất cả những gì phản lại với bản tính tự nhiên của con người, tức phản lại với thể xác, nhất là tâm hồn của con người, phản lại nội tâm của con người, phản lại với ý nghĩ, ý thích và ý muốn của con người, những phản khắc khiến con người cảm thấy hết sức khó chịu. Đến nỗi, nhiều khi họ tỏ ra những phản ứng kinh hoàng khiếp đảm, đi tới chỗ “cả giận mất khôn”, “mắt đền mắt răng đền răng”, như tình hình khủng bố tấn công và tấn công khủng bố vào đầu thiên niên kỷ thứ ba hiện nay trên thế giới, nhất là tại Trung Đông, giữa khối Palestine và Do Thái hiện nay. Vì đau khổ liên quan đến cảm nhận chủ quan của con người như thế mà nếu con người nào không hề cảm thấy đau khổ một tí nào trong cuộc đời, gây ra bởi những gì phản lại với bản tính tự nhiên của mình như thế, họ chỉ có thể là một xác chết vô hồn.

Cho dù thành phần chậm phát triển nặng, profound mental retarded, cũng không thoát được cảm nghiệm khổ đau này. Một con người bị stroke nặng, hoàn toàn bất động như chết về thân xác, kể cả miệng lưỡi, nhưng trước khi lìa đời, thân nhân của họ vẫn thấy họ âm thầm thốt lên lời vĩnh biệt được bộc thoát, qua những giọt lệ khổ đau trào ra từ khóe mắt hấp hối của họ. Thành phần nhân gian gọi là “thánh nhân dị chúng nhân” cũng thế, dù siêu việt và siêu thoát mấy đi nữa, cũng cảm thấy khổ đau. Chỉ khác chúng nhân ở chỗ họ không bị khổ đau quật ngã mà thôi. Trái lại, họ còn có thể nhờ khổ đau để vươn lên, để luyện thân cho khôn ngoan và cứng cát hơn, nhờ đó họ có đủ khả năng thông cảm với đời và phục vụ đời hơn. Về lãnh vực tình yêu nói chung và tình yêu phái tính nói riêng, càng khổ vì người yêu mà chủ thể yêu vẫn cứ yêu, không phải là dấu chứng tỏ cho thấy nhờ đau khổ tình yêu của chủ thể yêu đã thực sự trở nên chân chính và trọn hảo hay sao? Nhân gian Việt Nam đã chẳng cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa và tác dụng tích cực của khổ đau khi nói “thời thế tạo anh hùng”, “cái khó bó cái khôn”, “thất bại là mẹ thành công” v.v. là gì?

Giá Trị của Đau Khổ: Tác Dụng Nhân Bản

Vấn đề thứ hai được đặt ra ở đây là, nếu đau khổ có một giá trị nhân bản hóa con người như thế, ở chỗ nó có thể giúp cho con người đốt giai đoạn một cách short cut, để chẳng những thành nhân, như trường hợp những đứa con mồ côi bao giờ cũng khôn lanh hơn những đứa con có cha có mẹ, mà còn thành “thánh nhân dị chúng nhân” như thế, thì tại sao, thực tế cho thấy, con người lại sợ hãi đau khổ, lại hết sức tìm cách thoát khổ, trái lại, tại sao con người không hiên ngang và hăng hái đi tìm đau khổ như đi tìm một kho tàng quí nhất trên đời?

Thực ra, về phương diện thể xác cũng như tâm linh, con người đã từng tìm kiếm đau khổ, thậm chí họ không có đau khổ không được, đến nỗi có người sống với đau khổ như người tình trăm năm của mình. Không phải hay sao, nếu đau khổ là tất cả những gì phản lại bản tính tự nhiên của con người, thì chua cay tự bản chất vốn là một những chất vị không hợp với khẩu vị và tâm lý tự nhiên thịnh ngọt của con người. Ấy thế mà nhiều người lại thích chua cay, nhất là phái nữ, thèm chanh nghiện ớt, đến nỗi, không có ớt bữa cơm mất ngon, tìm trái cây nào chua chua ăn mới thú vị. Về phương diện tâm linh cũng thế, nếu đau khổ là tất cả những gì làm cho con người tự nhiên cảm thấy khó chịu, thì tại sao có những con người đã tự động trở thành ẩn sĩ, tu sĩ, chẳng những sống đời ăn uống khem khổ, trái với bản năng thích ăn uống cao lương mỹ vị của mình, mà còn sống đời độc thân, trái với bản năng phái tính vốn bị chi phối mãnh liệt bởi nhu cầu sinh lý dục tình của mình. Điển hình nhất là Đức Thích Ca Mâu Ni, vị đã từ bỏ mọi sướng vui trên đời, giầu sang phú quí và vợ con, đang được hưởng bấy giờ để sống đời khổ hạnh. Đấy là chưa kể đến thành phần tử tự, đã tìm kiếm cái chết là đệ nhất đau khổ làm cứu cánh của mình, là cứu tinh của mình.

Thật ra, các nhà tu hành và thành phần tự tử không lấy đau khổ làm cùng đích mà chỉ là phương tiện để đạt đích của họ mà thôi. Tại sao? Điển hình nhất là trường hợp của con người tự tử, thành phần chỉ muốn lạm dụng cái chết để thoát khổ. Đó là lý do, nếu họ không đi đến chỗ cùng cực hay ở trong tình trạng cùng khổ, chẳng những họ, mà tất cả mọi con người hạnh phúc trên đời khác sẽ không một ai muốn chết, trừ khi chết vì chính nghĩa, vì lý tưởng. Còn các vị tu hành, sở dĩ họ cương quyết dấn thân vào cuộc đời khổ hạnh là vì họ muốn sử dụng chiêu “gậy lưng đập lưng ông”, hay lợi dụng phép “của độc giải độc”. Nghĩa là họ muốn dùng khổ hạnh để họ có thể thoát khỏi tình trạng chết chóc nội tâm, tình trạng tách lìa phần thượng với phần hạ nơi họ, một tình trạng báo trước biến cố hồn thiêng thuộc phần thượng lìa biệt xác chất thuộc phần hạ trong giờ lâm tử của họ, một tình trạng cho thấy phần hạ luôn lấn át và làm chủ phần thượng của con người, một tình trạng con người cần phải hạ thấp mới có thể bay cao, mới có thể làm chủ con người mình, nhờ đó họ chẳng những có thể sống đúng với thiên chức siêu việt và phẩm giá cao quí làm người của họ, mà còn có thể cứu nhân độ thế nữa.

Phật Giáo Với Đau Khổ: Diệt Dục Vô Ngã

Các đạo giáo, mỗi đạo đều có một chủ trương chuyên nhất khác nhau, một chủ trương làm nên căn tính của đạo mình. Nếu Khổng Giáo thiên về hay nổi bật về vấn đề giáo dục con người và xây dựng xã hội, như đã mới được đề cập đến trong bài về Con Người Thành Nhân và Con Người Vào Đời, thì Phật Giáo thiên về hay nổi bật về vấn đề Cứu Độ, tức cứu nhân độ thế, một vấn đề liên quan đến bài này và một bài nữa về đề tài Cứu Độ.

Thật vậy, có thể nói, Phật Giáo được bắt nguồn từ cảm nghiệm nhân sinh hết sức thực tế “đời là bể khổ”, một thực tại đồng thời cũng là một chân lý không ai có thể chỗi cãi. Đó là lý do thực tại “đời là bể khổ” chính là chân lý thứ nhất trong giáo thuyết Tứ Diệu Đế của Phật Giáo, tức giáo thuyết về bốn chân lý huyền diệu, đó là Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Vấn đề Cứu Độ theo Phật Giáo là con đường con người đi từ Khổ Đế, thực tại liên quan tới sinh-bệnh-lão-tử, đi vào Tập Đế, chân lý liên quan tới căn nguyên của đau khổ là Lục Côn, Lục Trần và Lục Đạo, qua Diệt Đế, chân lý liên quan tới Ngũ Giới và Bát Chính Đạo, sau cùng đến Đạo Đế là chân lý liên quan tới Luân Hồi và Niết Bàn.

Khổ Đế hay hiện tượng đau khổ, theo Phật Giáo, trước hết do sáu gốc được gọi là Lục Côn, đó là thị, thính, khứu, vị, xúc và tri, hay mắt, tai, mũi, lưỡi, da thịt và tri thức, một bộ Lục Côn hoàn toàn bị chi phối bởi ngoại cảnh, bởi Lục Trần là sắc, thanh, hương, vị, cảm, pháp, hay nhan sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc và tưởng tượng, những gì làm cho con người bị tục lụy nên phải luân hồi trong Lục Đạo là thiên đạo, nhân đạo, qủy đạo, A-Tu-La đạo, súc sinh đạo và địa ngục đạo. Nhưng sở dĩ Lục Côn của con người còn bị Lục Trần chi phối là vì con người còn sống trong tục lụy vô minh. Thật vậy, Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên của Phật Giáo bao gồm 12 nhân quả đó là Lão-Tử, Sinh, Thủ, Hữu, Ái, Thụ, Xúc, Lục Nhập, Danh Sắc, Thức, Hành và Vô Minh.

Theo thuyết Thập Nhị Nhân Duyên này: 1) cái nguyên Nhân của Lão-Tử là biểu hiệu và cũng chính là thực tại của đau khổ - Duyên do là bởi Sinh, tức nếu không sinh ra sẽ không bị khổ; 2) cái nguyên Nhân của Sinh - Duyên do là bởi Hữu, tức bởi con người muốn thành một cái gì đó; 3) cái nguyên Nhân của Hữu - Duyên do là bởi Thủ, tức bởi con người muốn nắm giữ trần gian; 4) cái nguyên Nhân của Thủ - Duyên do là bởi Ái, tức bởi con người ham hố hưởng thụ; 5) cái nguyên Nhân của Ái - Duyên do là bởi Thụ, tức bởi việc con người tiếp nhận cảm giác khoái lạc của ngũ quan; 6) cái nguyên Nhân của Thụ - Duyên do là bởi Xúc, tức bởi việc con người tiếp xúc với sự vật ngoại tại; 7) cái nguyên Nhân của Xúc - Duyên do là bởi Lục Nhập hay Lục Côn nơi con người mà có; 8) cái nguyên Nhân của Lục Nhập – Duyên do là bởi Danh Sắc, tức bởi Lục Trần bên ngoài chi phối con người; 9) cái nguyên Nhân của Danh Sắc – Duyên do là bởi Thức, tức bởi ý thức, tâm thức của con người tỏ ra muốn tiếp thụ ngoại vật; 10) cái nguyên Nhân của Thức – Duyên do là bởi Hành, tức bởi tất cả Nghiệp Báo của quá khứ thúc đẩy con người hành động; 11) cái nguyên Nhân của Hành – Duyên do là bởi Vô Minh, tức bởi con người hành động một cách mù quáng theo bản năng và xu hướng tự nhiên; 12) chính vì Vô Minh là Duyên do của khổ lụy, của Lão, Tử nên con người cần phải tiến đến chỗ Giác Ngộ.

Đó là lý do, một khi con người đã được Giác Ngộ, được ở vào tình trạng giống như Phật Tổ sau thời gian tọa thiền dưới gốc cây Bồ Đề, con người, về tiêu cực sẽ giữ đủ Ngũ Giới, và về tích cực hoàn toàn sống theo Bát Chính Đạo, một đời sống khiến họ, trước mắt chúng sinh, trở thành những bậc thánh nhân hay Bồ Tát, thành Phật sống, chẳng những bản thân họ được siêu độ, được thoát tục, được vào cõi Niết Bàn hiện sinh, mà còn có thể cứu nhân độ thế như Phật Tổ nữa, như Phật Tổ sau khi Giác Ngộ vậy. Ngũ Giới của Phật Giáo là không sát sinh, không trộm cắp, không gian dâm, không nói bậy và không rượu thịt. Bát Chính Đạo của Phật Giáo là chính kiến, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính định, chính niệm, chính tư duy và chính tinh tấn. Tóm lại, theo Phật Giáo, nếu căn nguyên khiến con người đau khổ là tham, sân, si, tức tham vọng, giận dữ và ngu muội, những gì khiến con người bị đầu thai luân hồi thì con người chỉ hoàn toàn thoát khổ và được cứu độ khi con người không còn luân hồi nữa, không còn bị Nghiệp Báo nữa, tức không còn Chấp Ngã trong cõi nhân gian Thường Trụ, song trở thành Vô Ngã trong cõi Vô Thường.

Kitô Giáo Với Đau Khổ: Thập Giá Cứu Độ

Theo Thánh Kinh Do Thái Giáo và giáo lý Kitô Giáo, con người được Tạo Hóa dựng nên ngay từ ban đầu là để hưởng phước, được tự do thoải mái, chứ không phải để bị đọa đầy, trừng phạt, khổ đau. Đó là lý do, Sách Sáng Thế Ký, cuốn sách đầu tiên trong bộ Thánh Kinh Do Thái Giáo đã cho thấy, Thiên Chúa Hóa Công sau khi dựng nên con người đã chẳng những đặt họ làm chủ tất cả những gì Ngài dựng nên trên thế gian, mà còn mang họ vào vườn địa đường để họ được sống một cuộc đời tự do thoải mái trong phạm vi tạo vật của họ nữa (xem 1:28; 2:15-17). Thế nhưng, như Cuốn Sách Thánh Kinh đầu tiên này cho biết, con người đã vượt biên, đã tự động ra khỏi phạm vi tạo vật của mình, tức đã lạm dụng quyền tự do của mình để làm trái ý muốn tối cao của Đấng đã tạo dựng nên mình.

Do đó, họ đã làm đảo lộn trật tự bẩm sinh nơi bản thân họ, ở chỗ họ muốn lên bằng Thiên Chúa, muốn tự mình toàn quyền quyết định như Thiên Chúa, một hiện tượng hằng diễn tiến trong suốt giòng lịch sử của con người, nhất là trong thời đại văn minh vật chất và nhân bản của họ hiện nay. Để rồi, với vai trò làm chủ trái đất của mình, tác động phản loạn của họ đối với chủ tể của họ cũng làm đảo lộn cả trật tự giữa họ và thiên nhiên tạo vật nữa, tức họ cho mình là chủ tể tối cao của những gì đã được trao cho họ, chứ không phải là quản lý của Đấng đã trao cho họ những gì Ngài dựng nên vì họ và cho họ. Hậu quả của hành động được Kitô Giáo gọi là nguyên tội này là ở chỗ, con người phải chịu đau khổ ở đời này, nam thì vất vả làm ăn sinh sống, nữ thì phải phục tùng chồng và mang nặng đẻ đau, để rồi cuối cùng sẽ phải chết, phải trở về với bụi đất (xem cùng nguồn 3:16,18-19).

Theo Kitô Giáo, tự bản chất, đau khổ là sự dữ do tội lỗi của con người mà có, nhưng nó đã được biến thành sự thiện nhờ Vị Thiên Chúa Làm Người là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện chấp nhận vác Thập Giá và chết trên Thập Giá, tiêu biểu cho tội lỗi và sự chết, để cứu chuộc con người khỏi tội lỗi và sự chết, tức để nhân tính đã bị hư đi theo nguyên tội của con người, nhưng lại là một nhân tính đã được Ngài mặc lấy khi làm người, chẳng những được tái sinh, được trở về với tình trạng công chính tốt lành nguyên thủy, mà còn được sống một sự sống thần linh dồi dào hơn, nhờ đó họ cũng có thể như Ngài chiến thắng sự dữ bằng sự lành.

Đó là lý do Thập Giá chính là biểu hiệu cho Kitô Giáo, và những ai muốn theo Ngài mà không chịu vác thập giá không đáng làm môn đệ của Ngài. Đó cũng là lý do như lịch sử cho thấy trên khắp thế giới, thân phận của những ai theo Vị Sáng Lập Kitô Giáo này, ở nhiều nơi và nhiều thời điểm, thậm chí giữa thế giới văn minh nhân bản ngày nay, nhất là nơi thế giới Hồi Giáo và Ấn Giáo, đã và đang bị bách hại và tử đạo. Thực tế cho thấy, trong tất cả các đạo, chỉ có Kitô Giáo là bị bách hại và sát hại nhất, thế nhưng, càng bị khổ đau bởi bách hại và tử đạo khắp nơi trong suốt giòng lịch sử của mình, Kitô Giáo chẳng những không bị tiêu diệt, trái lại, còn lan tràn khắp thế giới, một thế giới Kitô Giáo coi như môi trường tông đồ truyền giáo của mình với vai trò làm men trong bột, được thể hiện sống động nhất qua đời sống tu trì dấn thân phục vụ tha nhân, thăng tiến xã hội, bằng các việc từ thiện bác ái, cứu nhân độ thế, như các dân nước đều tận mắt chứng kiến thấy.

Nếu Thập Giá thời đế quốc Rôma là biệu hiệu cho tội lỗi và sự chết, mà Thiên Chúa Làm Người đã giang tay chịu chết trên Thập Giá, thì Vị Thiên Chúa Vô Cùng Toàn Hảo này đã xuống tận cùng vực thẳm khốn nạn của loài người để tìm kiếm và cứu độ họ, và bởi thế, nhân loại cũng sẽ không thể nào có thể chắc chắn tìm thấy và hiệp thông với Vị Thần Linh Vô Cùng Siêu Việt này ngoài Thập Giá. Đó là lý do không một vị thánh Kitô Giáo nào không bị khổ, và càng được đau khổ thanh luyện càng trở nên đại thánh. Đó còn là lý do Thập Giá đối với Kitô Giáo là biểu hiệu cho ân phúc và sự sống. Tóm lại, nếu Thiên Chúa đã dùng Thập Giá để cứu nhân độ thế thì con người sa đọa và đã được cứu chuộc bởi Thập Giá của Đức Giêsu Kitô cũng chỉ tìm thấy hạnh phúc hiện sinh và đạt được vinh phúc ngàn thu qua đau khổ và nhờ đau khổ mà thôi. Linh đạo của Kitô Giáo chính là ở chỗ vượt qua sự chết mà vào sự sống vậy!


Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 47, 8/12/2002)



 


KHỔ !
 


Trần Mỹ Duyệt

 



“Đời là bể khổ”. Tư tưởng này có bi quan quá không? Và con người phải làm gì để thoát khỏi bể khổ ấy? Hoặc con người có hy vọng không rơi vào bể khổ ấy?! Câu trả lời là có và không.

Nếu cho rằng đời là bể khổ rồi để đời cuốn trôi mặc theo số mệnh thì đó là một quan niệm và lối sống bi quan. Nhưng nếu bảo rằng mình phải tìm cách đừng rơi vào bể khổ, thì đó lại là một thứ lạc quan hão huyền và kỳ cục. Tâm lý học khảo cứu những người gặp cùng cảnh ngộ trong hoạn nạn, hoặc sợ hãi cho thấy rằng, những người này có khuynh hướng xích lại gần nhau, và trở thành thân thiết với nhau một cách nhanh chóng, như ý nghĩa của một câu nói trào lộng: “Hoạn nạn cùng chia, vui sướng hưởng một mình” là vậy.

Cũng trong cùng một cảnh ngộ, thí dụ, một người găp tai nạn giữa đường, nếu trong lúc xẩy ra tai nạn chỉ có một người qua đường, thì nạn nhân sẽ được người qua đường săn sóc và giúp đỡ. Ngược lại, nếu trong lúc xẩy ra tai nạn mà có nhiều người qua lại cùng một lúc, thì sẽ chẳng ai buồn nhìn và giúp đỡ nạn nhân. Tâm lý này lột tả đúng ý nghĩa câu ca dao tục ngữ Việt Nam: “Aùch giữa đàng quàng vào cổ”. Do đó, không ai muốn mình bị liên lụy, hoặc nhường cái ách ấy cho người khác.

Qua hai thí dụ trên cho thấy rằng, đau khổ, thử thách và những thách đố cuộc đời nếu xét theo một khía cạnh tích cực, nó thật sự đóng góp rất nhiều vào sự trưởng thành của con người, và cho đời một ý nghĩa để sống. Người ta sẽ chẳng có gì để nói, để bàn, hoặc để ca tụng khi thấy một người được sinh ra trong giầu có, được mọi chiều chuộng, được nuôi nấng đầy đủ, được học hành đến nơi, đến chốn, và khi lớn lên lại được ngồi vào những chiếc ghế quyền hành, có danh giá địa vị. Nhưng cũng cùng một con người ấy, nếu sinh ra trong thanh bần, lớn lên trong nghèo nàn, và cuộc đời đầy những sóng gió, thử thách nhưng đã vươn lên và thành công, thì sự ca tụng của người đời mới thật là giá trị. Ngoài ra, chỉ khi nào con người trải qua những đau khổ, lúc ấy mới có kinh nghiệm để chia sẻ, và nâng đỡ những người cùng cảnh ngộ. Và sự trưởng thành tâm linh cũng lớn lên từ đó.

Như vậy, đau khổ hay những vất vả, và khó khăn chính là gia nghiệp của kiếp người. Những thứ này ai cũng muốn tránh, và không muốn chúng xẩy đến cho mình, nhưng lại không ai có thể trách khỏi. Người khổ về tinh thần, người khổ về thể xác. Có người khổ vì bệnh tật, người khác khổ vì trí khôn kém thông minh. Người khổ vì thiếu sức khoẻ, kẻ khổ vì thiếu tự do. Người khổ vì chồng, người khác khổ vì vợ, vì con, vì cháu. Và đây cũng là tâm lý tự nhiên, một nhận thức chung của con người. Nếu có ai nói rằng mình thích được khổ, thích được người đời chê bai, và thích được sống nghèo, sống trong tù đày, bệnh tật, thì người đó một là thánh nhân, hai là điên khùng. Tuy nhiên, khi nói rằng tôi muốn vươn lên từ những thử thách của cuộc đời, thì tâm lý ấy là một tâm lý tích cực và là một động lực thôi thúc những cố gắng mang lại những giá trị cho cuộc đời.

Nhưng tất cả những đau khổ mà con người phải chịu, dưới hình thức này hay hình thức khác được chia thành hai loại: Đau khổ và thử thách thể xác. Đau khổ và thử thách tâm hồn. Người Việt Nam ta thường gọi là “lao tâm” và “lao lực”. Vất vả về thể xác như mệt nhọc, bệnh tật, đau yếu, đói, khát, lạnh, nóng là những cái thuộc về lao lực. Để đối phó với cái khổ này, con người phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, phải vận dụng bắp thịt của mình để mưu cầu sự sống, và để sinh tồn. Điều này ta thấy nơi những người làm việc lao công và khó nhọc ngoài đường, ngoài đồng ruộng, hoặc trong các hầm mỏ, công sở đòi hỏi sức lao động.

Khó nhọc, mệt mã thuộc lãnh vực tâm linh, tức những người phải vận dụng chất xám của óc. Những nhà chính trị, những nhà tư tưởng, những người làm việc mà khả năng đòi phải suy nghĩ và dùng trí tuệ. Bề ngoài, những người này ít đổ mồ hôi, không bị chai bàn tay, không phải dùng đến bắp thịt, nhưng họ lại là những con mồi ngon của các chứng nhức đầu kinh niên, lở loét dạ dầy, chai gan, cứng tim, hoặc đau thận, và nhất là các chứng ung thư. Họ được xếp loại những người “lao tâm”.

Tuy đau ốm, đói khát đáng thương vì nó trực tiếp liên quan đến thể xác con người. Nhưng nếu xét về một khía cạnh mà ảnh hưởng của những đau khổ có thể làm suy sụp và nhận chìm một con người, thì những đau khổ ấy là những đau khổ của tâm hồn. Tâm lý học coi những đau khổ tinh thần có chiều kích ảnh hưởng xâu xa hơn những đau khổ thể xác. Lấy một thí dụ, tại Việt Nam có hơn 80 triệu dân mà phần đông nghèo nàn và đói khổ về thể xác. Nhưng nếu ở đó con người được tự do, được thoải mái và được tôn trọng thì cũng chẳng ai muốn bỏ nước ra đi; cũng chả cần ai biểu tình, phản đối, hoặc xuống đường đả đảo. Đó chỉ là một hình ảnh rất mờ nhạt về sự đau khổ của tâm hồn, sự “lao tâm” tinh thần.

Nhưng để sống vui với những đau khổ và để chinh phục những đau khổ, thì ta phải làm gì? Có ít nhất hai phương pháp ta có thể áp dụng để vượt thắng đau khổ và để mang lại cho đời một ý nghĩa.

- Về tâm lý:

1. Chúng ta hãy tự an ủi mình rằng con người sinh ra ai cũng phải khổ. Nguyễn Công Trứ nhìn đời bằng con mắt thực tế nhưng cũng không kém phần hài hước. “Vừa sinh ra đà khóc choé. Đời có vui sao chẳng cười khì”. Một cách bình tĩnh, ta hãy nhủ mình: “Nếu đời cho mình một trái chanh, thì hãy dùng nó để vắt lấy một ly nước chanh đường”. Như vậy, không phải là vừa đi trên đường đời vừa khóc, mà là vui vì vừa đi đường mệt mỏi và lại có ly nước chanh để nhâm nhi cho đỡ khát và đỡ mệt.

2. Nghĩ rằng mình khổ, thì cũng có người khổ hơn mình. Có những người mà nếu mình chia sẻ được 1/10 cái đau khổ của họ, chưa chắc mình sống nổi.

3. Tích cực hơn, hãy nghĩ rằng chiếc mề đay bề ngoài càng đẹp bao nhiêu, thì bề trong càng nhiều mối chỉ và đường may bấy nhiêu. Và đó là những giá trị thật của cuộc đời, của đau khổ và của kiếp người. Ở đây ta thấy đúng với ý nghĩa của một câu nói người xưa: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng, hào kiệt có hơn ai”.

- Về tâm linh:

1. Tạo cho mình một niềm tin vững chắc, và tin tưởng mãnh liệt. Đây là một khám phá mới mẻ của tâm lý và y khoa gần đây. Về mặt tôn giáo, niềm tin xây dựng một đời sống nội tâm và đạo đức. Về mặt tâm lý và khoa học, niềm tin có khả năng chữa lành bệnh tật. Trong một cuộc khảo cứu về tâm lý trị liệu, người ta khám phá ra rằng, những ai có niềm tin thì sống thanh thản hơn. Ít bệnh tật hơn. Khi có bệnh thì dễ chữa hơn, và mau bình phục hơn.

2. Dùng niềm tin để thắng vượt được đau khổ. Điều này có thể tìm thấy nơi những nhà tuẫn giáo, tức là những người dám chết cho niềm tin của mình. Ngoài ra, dù chỉ là tin mù quáng và cuồng tín như những anh chàng Hồi Giáo ôm bom tự sát, hay lái máy bay đâm đầu vào hai toà cao ốc 9 tháng 11 năm ngoái tại New York chẳng hạn, tất cả đã nói lên niềm tin có sức giúp con người vượt thắng sợ hãi, vượt thắng đau khổ. Ai cũng biết rằng cái đau khổ và sợ hãi nhất là sự chết. Nhưng với niềm tin, con người đã có thể thắng vượt nổi sự sợ hãi và đau khổ cuối cùng này.

***

Tóm lại, trốn thoát và chạy trốn đau khổ là một điều không ai có thể làm nổi. Vậy chỉ còn cách là tìm cho đau khổ một ý nghĩa tích cực, và sắm cho mình một niềm tin vững mạnh. Và đó là hai phương pháp giúp con người tìm được ý nghĩa của cuộc sống, và ý nghĩa của đau khổ.