Biến C Thánh Mu Fatima
m màn cho thi đim
ca Lòng Thương Xót Chúa

Thật vậy, Thời Điểm của Lòng Thương Xót Chúa đã được nhen nhúm với một vị thánh được sinh vào thời điểm ngay trước Biến Cố Fatima và chết ngay trước Thế Chiến Thứ Hai, đó là Chị Thánh Faustina (1905-1938), và đã được thực sự mở màn khi Chúa Giêsu nói với chị nữ tu này vào ngày 22/2/1931 rằng: “Hãy vẽ một hình ảnh theo mẫu con thấy, với lời đề tựa: Giêsu ơi Con tin nơi Chúa. Cha muốn bức ảnh này được tôn kính, trước hết ở trong nguyện đường của con đây, rồi trên khắp thế giới… Cha muốn có một Lễ kính Tình Thương. Cha muốn bức ảnh này, bức ảnh con sẽ vẽ bằng cọ ấy, được long trọng làm phép vào Ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh; Chúa Nhật này phải là Lễ kính Tình Thương”.

Đúng thế, Biến Cố Fatima là dạo khúc cho Thời Điểm của Lòng Thương Xót Chúa, cho Thời Điểm của Chúa Tình Thương. Bởi thế, nếu so sánh hai sứ điệp của Biến Cố Fatima và Biến Cố Faustina, chúng ta thấy có ít là 4 điểm tương đồng liên quan đến Lòng Thương Xót Chúa.

Thứ nhất, Chúa Tình Thương không trừng phạt thế giới tội lỗi bằng công lý mà bằng tình thương trước.

Ở Fatima, trong thị kiến phần thứ ba của Bí Mật Fatima, chúng ta được tiết lộ cho biết rằng Đức Mẹ đã ngăn chặn việc hủy diệt loài người bằng gươm lửa công lý đầy giận dữ của Thiên Chúa: “Có một vị Thiên Thần cầm một lưỡi gươm cháy lửa nơi tay trái; thanh gươm chớp chớp phát ra những ngọn lửa như muốn thiêu đốt thế giới; tuy nhiên, những ngọn lửa ấy đã bị tắt mất trước ánh quang sáng ngời từ bàn tay phải của Đức Mẹ phát ra chiếu về phía vị Thiên Thần, bởi thế, lấy bàn tay phải của mình mà chỉ xuống trái đất, vị Thiên Thần đã kêu lớn tiếng rằng: ‘Hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội!’”.

Ở Faustina, Chúa Giêsu cũng cho “vị Thánh đầu tiên của thiên kỷ thứ ba Kitô Giáo” (ĐTC GPII tuyên bố trong bài giảng phong thánh cho chị ngày 30/4/2000) biết rằng: “Trong thời Cựu Ước, Cha đã sai các tiên tri sử dụng những lời đe dọa đối với dân Cha. Ngày nay Cha sai con đến với dân chúng trên toàn thế giới với tình thương của Cha. Cha không muốn trừng phạt nhân loại nhức nhối mà là muốn chữa lành nó, ghì lấy nó vào Trái Tim Nhân hậu của Cha. Cha sử dụng hình phạt khi chính họ bắt Cha phải làm như thế; bàn tay của Cha lưỡng lự sờ đến thanh gươm công lý. Trước Ngày Công Lý Cha đang gửi tới Ngày Xót Thương” (Nhật Ký 1588)

Thứ hai, Chúa Tình Thương cần đến những hy tế cứu độ: 

Ở Fatima, 3 Thiếu Nhi Fatima là những hy tế cứu độ, khi các em trung thành thực hiện một cách trọn hảo ơn gọi “dâng mình cho Thiên Chúa để chấp nhận mọi đau khổ Ngài gửi đến như một việc đền tạ những gì Ngài phải chịu mà cầu cho các tội nhân ơn ăn năn hối cải”.

Ở Faustina, Chúa Giêsu cũng muốn y hệt như thế: “Cha khát. Cha khát phần rỗi của các linh hồn. Hỡi con gái của Cha, con hãy giúp Cha cứu các linh hồn. Con hãy hiệp những khổ đau của con với Cuộc Khổ Nạn của Cha và hãy hiến dâng những đau khổ ấy lên Chúa Cha cho các tội nhân” (Nhật Ký, 1032)

Thứ ba, Chúa Tình Thương muốn cầu nguyện cho thành phần tội nhân.

Ở Fatima, ba Thiếu Nhi Fatima chẳng những hăng say hy sinh cho các tội nhân (xin xem lại trang 24-27) mà còn cầu nguyện cho họ nữa, như Mẹ Maria sau khi tiết lộ cho các em biết toàn bộ Bí Mật Fatima ngày 13/7/1917 đã xin các em sau mỗi chục kinh Mân Côi đọc thêm lời nguyện cầu cho “những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”, vì như Mẹ đã khẳng định ở ngay lần hiện ra sau đó là ngày 19/8/1917 là: “Nhiều linh hồn bị sa hỏa ngục vì không có ai chịu hy sinh cầu nguyện cho họ”, nên Mẹ đã kêu gọi: “Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều và hy sinh cho các tội nhân”.

Ở Faustina, Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng thiết tha mong muốn y như thế: “Việc hư mất của mỗi một linh hồn dìm Cha vào nỗi buồn tử nạn. Con lúc nào cũng an ủi Cha khi con nguyện cầu cho các tội nhân. Lời nguyện cầu đẹp lòng Cha nhất đó là lời cầu nguyện cho việc ăn năn hối cải của các tội nhân. Con gái của Cha ơi, con hãy biết rằng lời cầu nguyện này bao giờ cũng được lắng nghe và đáp ứng” (Nhật Ký 1397). Đó là lý do Thánh Tâm Chúa Giêsu còn tỏ cho chị Faustina biết một phương tiện đơn giản để cầu cho các tội nhân, đó là Giây Phút Cứu Độ 3 giờ chiều: “Hỡi con gái của Cha, Cha muốn nhắc nhở con rằng bất cứ khi nào con nghe thấy đồng hồ đổ vào lúc 3 giờ chiều thì con hãy hoàn toàn dìm mình vào tình thương của Cha, tôn thờ và tôn vinh tình thương của Cha; hãy kêu xin quyền toàn năng của tình thương cho toàn thế giới, nhất là cho các tội nhân đáng thương; vì vào lúc ấy, tình thương rộng mở cho hết mọi linh hồn” (Nhật Ký 1572).

Thứ bốn, Chúa Tình Thương muốn cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể Hiến Tế để cầu cho phần rỗi nhân trần.

Ở Fatima, trước khi Mẹ Maria hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima 6 lần liền vào năm 1917, từ Tháng 5 là Tháng Hoa đến Tháng 10 là Tháng Mân Côi, đã có một Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với các em 3 lần trong năm 1916, một vào mùa xuân, một vào mùa hè và một vào mùa thu, nhất là vào mùa thu để chẳng những cho các em được lãnh nhận Mình Thánh (Lucia) và Máu Thánh (Phanxicô và Giaxinta) mà còn, trước đó, dạy các em thực hiện việc cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể Hiến Tế với lời nguyện như sau: “Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh là Cha và Con và Thánh Thần, con hết lòng thờ lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa Mình Máu vô cùng châu báu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong tất cả  các nhà tạm trên thế giới, để đền tạ những tội lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính Người đã phải chịu. Xin vì công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Người và của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, xin Chúa ban cho các tội nhân đáng thương ơn ăn năn hối cải”.

Ở Faustina, Thánh Tâm Chúa cũng dạy chị nữ tu sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa lời kinh cho Chuỗi Thương Xót và cách lần Chuỗi Thương Xót này. Trước hết là Lời Kinh Chuỗi Thương Xót, Chúa dạy như sau: “Lạy Cha hằng hữu, vì tội lỗi của chúng con và tội lỗi của toàn thế giới, con xin dâng lên Cha Mình Thánh và Máu Thánh, Linh Hồn và Thiên Tính của Con Cha yêu dấu là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng con; vì cuộc Khổ Nạn đau thương của Người, xin Cha thương xót chúng con” (Nhật Ký 475).

Còn về cách Lần Chuỗi Thương Xót, Chúa dạy chị như thế này: “Lời nguyện cầu này khiến cho Cha nguôi ngoai cơn giận. Con sẽ đọc kinh nguyện này 9 ngày, theo các hạt của tràng mân côi, bằng cách như sau: Trước hết, con đọc 1 Kinh Lạy Cha và 1 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Tin Kính. Đoạn ở những hạt Kinh Lạy Cha, con hãy đọc những lời sau đây: ‘Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha Mình Thánh và Máu Thánh, Linh Hồn và Thiên Tính của Con Cha yêu dấu là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng con, để đền bù tội lỗi của chúng con và tội lỗi của toàn thế giới’. Và ở những hạt Kinh Kính Mừng, con hãy đọc những lời sau đây: ‘vì cuộc Khổ Nạn đau thương của Người, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới’. Để kết thúc, con hãy đọc những lời này: ‘Lạy Thiên Chúa Thánh Hảo, Lạy Đấng Tòan Năng, Lạy Đấng Bất Tử Thánh Hảo, xin thương xót chúng con và toàn thế giới’” (Nhật Ký 476).

Qua Chuỗi Thương Xót này, chúng ta còn thấy một điểm tương đồng giữa Fatima và Faustina, đó là việc sử dụng tràng hạt, một bên là tràng hạt Mân Côi, còn một bên la Chuỗi Thương Xót, nhưng về nội dung cả hai giống nhau, đó là hương về cốt lõi “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta”, Đấng được Kitô hữu chiêm ngắm qua các Mầu Nhiệm Mân Côi khi lần hạt Mân Côi, như Mẹ Maria kêu gọi từng lần hiện ra trong cả 6 lần ở Fatima rằng: “Hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày”.