Bí Mt Fatima phn th ba
chưa hoàn toàn ng nghim

Đọc xong những lời dẫn giải phần thứ ba của Bí Mật Fatima của Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger, được phổ biến ngày 26/6/2000, khi Tòa Thánh chính thức tiết lộ Bí Mật Fatima phần thứ ba, chúng ta thực sự cảm nhận được rằng ngài đã trình bày những hình ảnh tiêu biểu rất sâu xa và đầy ý nghĩa của thị kiến thuộc phần thứ ba Bí Mật Fatima, chẳng những theo chiều hướng tín lý đức tin và tu đức Kitô Giáo, mà còn phản ảnh lịch sử Kitô Giáo và lịch sử thế giới hiện đại.

Riêng ở phần giữa của thị kiến là phần liên quan tới những gì được ngài cho biết là “địa điểm xẩy ra được diễn tả bằng ba biểu tượng, đó là một ngọn núi dốc đứng, một thành phố lớn bị tan hoang và sau cùng là một cây thập giá to bị nứt nẻ”. Và theo ngài thì ý nghĩa của ba biểu tượng ấy là như thế này: “Ngọn núi và thành phố biểu hiệu cho đấu trường của lịch sử nhân loại, một lịch sử như là một cuộc khổ công leo lên tới chóp đỉnh, một lịch sử như là một đấu trường giữa óc sáng tạo của con người với tình trạng an vui thái hòa của xã hội, đồng thời cũng là một nơi của hủy hoại, nơi con người thực sự hủy hoại đi những hoa trái của việc mình làm ra... Trên ngọn núi có cây thập giá, đích điểm và là hướng đạo cho lịch sử. Thập giá biến đổi tình trạng hủy hoại thành ơn cứu độ; cây thập giá chẳng những như là một dấu hiệu cùng khốn của lịch sử mà còn là một hứa hẹn cho lịch sử nữa… Như các vị trí của trái đất đã được phác tả đúc kết lại nơi hình ảnh ngọn núi và thành phố hướng về cây thập giá thế nào, thì thời gian cũng được trình bày cho thấy bằng một đường lối thu gọn như vậy”.

Tuy nhiên, ở đây ngài không nói gì đến ý nghĩa liên quan tới hình ảnh về “một nhóm lính” xuất hiện trên đỉnh núi đã hạ sát đoàn Kitô hữu tử đạo, từ giáo hoàng trở xuống tới giáo dân, ở trên đỉnh núi và dưới chân cây thập tự giá bấy giờ, bằng cả “đạn” lẫn “tên” bắn tới, chứ không nguyên bằng đạn. 1) Nhóm lính này tiêu biểu cho thành phần nào? 2) Tại sao họ lại lên được tới đỉnh núi là nơi có cây thập tự giá linh thiêng này? 3) Tại sao họ không hạ sát đoàn tử đạo Kitô Giáo bằng súng đạn mà còn bằng cả cung tên? 4) Nếu vị giám mục mặc áo trắng là chính đức giáo hoàng đã bị ám sát chết, thì phần bí mật này đã hoàn toàn ứng nghiệm hay chưa nơi trường hợp bị mưu sát nhưng thoát chết của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chiều ngày 13/5/1981 ở Quảng Trường Thánh Phêrô?

Ngoài ra, 5) hình ảnh về thành phố và đỉnh núi còn có một ý nghĩa nào khác nữa hay chăng, vì theo thị kiến thì đây là một thành phố “lớn” chứ không nhỏ, và ngọn núi đây là một ngọn núi “dốc đứng” chứ không xoai xoải dễ leo? 6) Đâu là ý nghĩa của tính chất “lớn” nơi thành phố và tính chất “dốc đứng” nơi ngọn núi? 7) Riêng về hình ảnh thành phố thì “một nửa đã bị tàn rụi, còn nửa kia thì đang lẩy bẩy dừng bước, với đầy những đớn đau và buồn khổ” nghĩa là gì? 8) Tại sao thành phố lớn này lại được chia làm hai phần như thế và mỗi phần của nó mang một ý nghĩa tiêu biểu ra sao?

Chưa hết, 9) hình ảnh “một vị Giám Mục mặc Áo Trắng, ‘mà chúng con có cảm nhận đó là Đức Thánh Cha’, trong một vùng sáng mênh mông là Thiên Chúa, ‘giống như người ta thấy mình đi ngang qua trước một tấm gương soi’” đây nghĩa là gì, một hình ảnh xẩy ra trước khi ngài băng qua thành phố lớn và leo tới đỉnh núi để bị sát hại dưới chân cây thập tự giá? 10) Tại sao toán lính không sát hại ngài và đoàn Kitô hữu theo ngài ở khu vực thuộc thành phố lớn khi ngài đang băng ngang qua có phải dễ dàng hơn không, mà lại ở trên đỉnh núi dốc đứng và dưới chân cậy thập tự giá? 

Tất cả 10 vấn nạn vừa được nêu lên trên đây không phải là không quan trọng và hoàn toàn vô nghĩa. Chắc chắn chúng phải có một ý nghĩa sâu xa nào đó, ít là theo tu đức và lịch sử. Để có thể phần nào hiểu được ý nghĩa của những gì chưa được thẩm quyền Giáo Hội, qua Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, dẫn giải trong văn kiện ngày 26/6/2000, chúng ta nên lưu ý tới một yếu tố rất quan trọng liên quan tới thời điểm mà phần bí mật còn lại này được Tòa Thánh chính thức phổ biến cho biết. Đó là vấn đề tại sao Bí Mật Fatima phần thứ ba không được Tòa Thánh phổ biến sớm hơn hay muộn hơn năm 2000 là ở chỗ năm 2000 là lúc giao thời, vừa chấm dứt thế kỷ 20 vừa mở màn cho thế kỷ 21. Thế kỷ 20 là thế kỷ của hai trận Thế Chiến I và II xẩy ra ở Âu Châu (Thế Chiến I) và từ Âu Châu (Thế Chiến II), một châu lục Kitô giáo, cũng là thế kỷ của hai chủ nghĩa cộng sản và tư bản. Thế kỷ 21 đã được mở màn với cuộc khủng bố tấn công ngày 11/9/2001 vào đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ ngay giữa thanh thiên bạch nhật, để rồi từ đó, có thể nói, Thế Chiến III đã bùng nổ ở khắp nơi, giữa văn minh Tây phương và Hồi giáo.

Nếu Biến Cố Fatima xẩy ra năm 1917 là thời điểm chẳng những liên quan tới Thế Chiến I ở thế giới Tây phương và hiện tượng cộng sản xuất hiện ở Nga, mà còn tới cả cuộc sụp đổ của đế quốc Hồi giáo Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ theo sau Thế Chiến I, thì những hình ảnh về một “thành phố lớn” được chia làm hai khu vực và về “nhóm lính” trên đỉnh núi dốc đứng đã trở nên phần nào sáng tỏ.

Phải chăng hình ảnh “thành phố lớn” trong thị kiến ở phần ba của Bí Mật Fatima là những gì tượng trưng cho thế giới Tây phương (“lớn” đây tượng trưng cho nền văn minh của Tây phương)? Và phải chăng hai khu vực của “thành phố lớn” này là tiêu biểu cho hai chủ nghĩa cộng sản và tư bản ở thế giới Tây phương?

Một nửa thành phố đã bị tàn rụi trong thị kiến phải chăng là chủ nghĩa và chế độ cộng sản ở Tây phương đã hoàn toàn tự động giải thể vào năm 1989 ở Đông Âu và 1991 ở Liên Sô, (tất nhiên không kể dấu vết cộng sản ở các nơi khác ngoài Tây phương như ở Á Châu có Trung Hoa, Việt Nam, và Bắc Hàn, hay ở Mỹ Châu có Cuba)?

Rồi một nửa còn lại của “thành phố lớn” này “đang lẩy bẩy dừng bước, với đầy những đớn đau và buồn khổ” phải chăng là chủ nghĩa tư bản ở Tây phương, một chủ nghĩa duy tư bản hưởng thụ và duy thực dụng, chẳng những không mang lại hạnh phúc cho dân chúng mà còn sát hại họ nữa, bằng những khoản luật phản luân lý và phi nhân bản, như ly dị, phá thai, đồng tính hôn nhân, triệt sinh an tử, triệt sinh trợ tử v.v., đến nỗi, có thể khẳng định mà không sợ sai lầm về thế giới Tây phương duy tư bản và duy thực dụng toàn pro-choice này là “thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn”? Ngoài ra, một nửa còn lại của “thành phố lớn” này “đang lẩy bẩy dừng bước, với đầy những đớn đau và buồn khổ” phải chăng còn là hình ảnh của một Khối Hiệp Nhất Âu Châu đang dậm chân tại chỗ và gặp lung củng đủ thứ trong nội bộ, chỉ vì đã dứt khoát và trắng trợn gạt bỏ đi căn tính Kitô giáo Âu Châu của mình?