VAI TRÒ CHUYÊN NHẤT CỦA CHÚA KITÔ VÀ GIÁO HỘI

 

 

NỘI DUNG CỦA VĂN KIỆN

  Ngoài hai phần mở và kết, Bản Tuyên Ngôn được chia ra làm 5 phần thứ tự như sau:

  1. Tính Cách Trọn Vẹn và Tối Hậu nơi Mạc Khải của Chúa Giêsu Kitô

  2. Lời Nhập Thể và Chúa Thánh Thần trong Công Cuộc Cứu Độ

  3. Duy Nhất Tính và Phổ Quát Tính nơi Mầu Nhiệm Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô

  4. Duy Nhất Tính của Giáo Hội và Việc Hiệp Nhất của Giáo Hội

  5. Giáo Hội là Vương Quốc của Thiên Chúa và là Vương Quốc của Chúa Kitô

Qua 5 phần chính yếu làm nên nội dung của toàn Bản Tuyên Ngôn này, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã trước hết nêu lên những “ý nghĩ nhân nhượng sai lầm”, rồi sau đó “tái khẳng định và tóm gọn tín lý của đức tin Công Giáo” trong 10 điều chính yếu như sau.

 

 

“Ý NGHĨ NHÂN NHƯỢNG SAI LẦM”

 

Ngay ở phần mở đầu, Bản Tuyên Ngôn đã điểm mặt “những ý nghĩ nhân nhượng sai lầm” như sau (những chỗ in đậm là do người dịch tự ý muốn nhấn mạnh để làm nổi bật những chi tiết trọng yếu của từng chỗ):

 

·        Việc liên tục rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội ngày nay đang gặp phải nguy hiểm bởi những lý thuyết tương đối tìm cách biện minh cho chủ nghĩa đại đồng tôn giáo, chẳng những về mặt thực tế (de facto) mà còn về mặt nguyên tắc (de iure). Từ đó, mới có chủ trương thay thế một số chân lý; chẳng hạn như chân lý về tính chất tối hậu và hoàn bị nơi mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, về bản chất của đức tin Kitô Giáo được đem so sánh với bản chất của niềm tin nơi các tôn giáo khác, về bản chất linh ứng của các sách Thánh Kinh, về việc hiệp nhất ngôi vị giữa Lời Hằng Sống và Đức Giêsu Nazarét, về việc hiệp nhất trong công cuộc của Lời Nhập Thể và Chúa Thánh Linh, về duy nhất tính và cứu độ phổ quát tính nơi mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, về vai trò môi giới cứu độ phổ quát của Giáo Hội, về tính cách bất khả phân ly – trong đó có cả những gì khác biệt - nơi vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc của Chúa Kitô, và Giáo Hội, và về việc hiện hữu của một Giáo Hội duy nhất trong Giáo Hội Công Giáo.

 

Các căn nguyên của những vấn đề này được tìm thấy nơi một số những dự tưởng vừa mang tính chất triết lý lẫn thần học, những dự tưởng gây trở ngại cho việc hiểu biết và chấp nhận chân lý mạc khải. Có thể kể đến một số những dự tưởng này như sau: dự tưởng về xác tín cho rằng không thể nắm vững và diễn đạt chân lý thần linh, cho dù có bởi mạc khải Kitô Giáo chăng nữa; dự tưởng về những thái độ tương đối hướng về chân lý cho thấy có những cái đúng với người này song lại không đúng với người khác; dự tưởng về mối tương khắc sâu xa giữa ý hệ thiên lý lẽ của Tây Phương với ý hệ thiên biểu tượng của Đông Phương; dự tưởng về chủ quan tính, cho rằng lý trí là nguồn duy nhất của kiến thức, lại không thể hướng ‘tầm mắt lên cao vời, không dám tiến đến chân lý về hữu thể’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, 5: AAS 91 năm 1999, 5-88); dự tưởng về vấn đề khó khăn trong việc hiểu biết và chấp nhận sự hiện diện của những biến cố cánh chung tối hậu nơi lịch sử; dự tưởng về biến cố nhập thể lịch sử của Lời Hằng Hữu không có tính cách siêu hình, mà chỉ là việc Thiên Chúa xuất hiện trong lịch sử mà thôi; dự tưởng về việc vượt biên của thành phần say mê những tư tưởng phóng khoáng từ các môi trường triết lý và thần học khác nhau trong việc tra cứu thần học, không để ý gì đến mối liên hệ chặt chẽ theo hệ thống hay đến tính cách tương xứng với chân lý Kitô Giáo; sau hết là dự tưởng về khuynh hướng muốn đọc và cắt nghĩa Sách Thánh không theo Truyền Thống và Huấn Quyền của Giáo Hội”.

 

Từ những dự tưởng này, những dự tưởng cho thấy những uyển chuyển khác nhau, đã xuất hiện một số những dự thảo về thần học, lúc thì được trình bày như là những chủ trương, lúc thì như những giả thiết, những dự thảo cho rằng mạc khải Kitô Giáo cùng với mầu nhiệm về Chúa Giêsu Kitô cũng như về Giáo Hội không có tính chất chân thật tuyệt đối và tính cách phổ quát cứu độ, hay tối thiểu cũng cho thấy có những ngờ vực và nghi ngại về Chúa Kitô và Giáo Hội”.

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 4.1, 4.2 và 4.3)

 

 

“TÁI KHẲNG ĐỊNH VÀ TÓM GỌN

TÍN LÝ CỦA ĐỨC TIN CÔNG GIÁO”

 

(Những tiểu đề theo thứ tự từ 1 tới 10 là do người viết đặt ra cho rõ ràng những vấn đề Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin muốn khẳng định trong Bản Tuyên Ngôn)

 

 

1. Thiên Chúa đã mạc khải đầy đủ và trọn vẹn mầu nhiệm cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô.

 

·        Thuyết chủ trương tính chất giới hạn, không trọn vẹn hay không hoàn hảo nơi mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, một mạc khải cần được bổ khuyết nơi mạc khải của các tôn giáo khác là một thuyết trái với đức tin Kitô Giáo. Chủ trương này căn cứ vào quan niệm cho rằng bất cứ một tôn giáo nào trong lịch sử, kể cả Kitô Giáo hay Đức Giêsu Kitô đi nữa, cũng không thể nào hiểu thấu và không thể nào bộc lộ một cách phổ quát và trọn vẹn sự thật về Thiên Chúa.

 

“Chủ trương như vậy hoàn toàn trái với những tuyên xưng trước đây của đức tin Công Giáo, những tuyên xưng về một mạc khải đầy đủ và trọn vẹn nơi mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Vì lý do đó, những lời nói, việc làm và tất cả các biến cố lịch sử của Đức Giêsu, mặc dù bị giới hạn theo thực tại loài người, cũng được làm chủ bởi Ngôi Vị thần linh của Lời Nhập Thể, Đấng là ‘Thiên Chúa thật và là người thật’ (Công Đồng Chung Chalcedon, Symbolum Chalcedonense: DS 301; x Thánh Athanasius, De Incarnatione, 54, 3: SC 199, 458). Bởi thế, những lời nói, việc làm và biến cố đó tự mình có tính chất mạc khải tối hậu và hoàn toàn theo những đường lối cứu độ của Thiên Chúa, cho dù mức độ sâu xa của mầu nhiệm thần linh tự nó vốn siêu việt và bất tận. Sự thật về Thiên Chúa không bị hủy bỏ hay bị suy giảm khi nó được phát biểu bằng ngôn ngữ loài người; trái lại, nó chuyên nhất, hoàn toàn và trọn vẹn, vì Đấng nói năng và tác hành chính là Con Thiên Chúa Nhập Thể. Như thế, đức tin đòi chúng ta phải tuyên xưng Lời nhập thể, nơi toàn thể mầu nhiệm của Người, từ khi nhập thể tới vinh quang, là nguồn mạch, tuy dự phần song thực sự, và là viên trọn của hết mọi mạc khải cứu độ Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người biết (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải, 4), cũng như tuyên xưng Thánh Linh, Đấng là Thần Linh của Đức Kitô, sẽ dạy “tất cả sự thật” này (Jn 16:13) cho các Vị Tông Đồ và nhờ các ngài cho toàn thể Giáo Hội”.

 

(Tuyên Ngôn, đoạn 6.1 và 6.2)

 

2. Đức Tin Đối Thần nơi Kitô Giáo và niềm tin nơi các tôn giáo khác hoàn toàn khác hẳn nhau.

 

·        Đáp ứng xứng hợp với mạc khải của Thiên Chúa là ‘việc tin tưởng tuân phục (Rm 16:26; x. Rm 1:5; 2Cor 10:5-6), một tác động khiến con người hoàn toàn tự do phó mình cho Thiên Chúa, ở chỗ trí khôn và lòng muốn của họ hết sức thuận phục Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra, và tự nguyện chấp nhận mạc khải của Ngài’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải, 5). Đức tin là quà tặng do ân sủng: ‘để lãnh nhận đức tin trước hết cần phải có ơn Chúa và sự trợ giúp của ơn Chúa; cũng cần phải có cả việc hỗ trợ nội tâm của Chúa Thánh Linh nữa, Đấng tác động tâm hồn và qui hướng nó về Thiên Chúa, Đấng mở mắt trí khôn và ban cho mọi người niềm vui và dễ dàng trong việc ưng thuận và tin tưởng vào chân lý’” (cùng nguồn vừa dẫn).

 

Việc tin tưởng tuân phục bao gồm tác động chấp nhận chân lý do Chúa Kitô mạc khải, căn cứ vào thế giá của Thiên Chúa, Đấng là chính Sự Thật (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 144): ‘Đức tin trước hết là việc con người gắn bó bản thân mình với Thiên Chúa. Đi liền với việc này đồng thời còn là tác động hoàn toàn chấp nhận tất cả sự thật được Thiên Chúa mạc khải’ (cùng nguồn vừa dẫn, số 150). Thế nên, đức tin, như ‘một tặng ân của Thiên Chúa’ và như ‘một nhân đức siêu nhiên do Ngài phú bẩm cho’ (cùng nguồn vừa dẫn, số 153), bao gồm một gắn bó kép đôi, đó là việc gắn bó với Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra và cả việc gắn bó với sự thật được Ngài tỏ ra cho biết nữa, một gắn bó kép đôi phát xuất từ lòng tin tưởng