ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II
 

NHỮNG MẨU BÁNH VỤN

2002

 

Tác Hiệu của những lời ĐTC Gioan Phaolô II nói với Quốc Hội Ý: Một tội phạm đã ra đầu thú.

Một đầu đảng Mafia người Sicily là Benedetto Marciante, 50 tuổi, đã từng bị bản án sát nhân và tống tiền đã tự nộp mạng ở nhà tù Rebibbia hôm Thứ Năm 14/11/2002 vừa rồi sau khi nghe bài diễn từ của Đức Thánh Cha, vị luật sư của tội phạm này cho biết như thế.

Vào Tháng 5/2002, tội phạm này đã bị xử khuyết diện 30 năm tù về tội sát hại một đồng bọn Mafia khác vào năm 1982. Vào Tháng 9/2002, tội phạm này lại bị tòa xử thêm 7 năm tù nữa về những dính dáng với Mafia. Tài sản của ông đã bị tòa án ở Palermo ra lệnh tịch biên, nhưng tội phạm đã thoát thân. Sau khi nghe bài diễn từ của ĐTC, tội phạm đã gọi cho luật sư của mình mà nói ông sẽ ra đầu thú. Sau đó, tội phạm này đã cho biết là điều làm ông bị đánh động nhất là những lời Đức Thánh Cha nói về các giá trị của gia đình: “Tôi nhận ra rằng Tôi đã đi sai đường lạc lối”.

Đoạn Diễn Từ của ĐTC Gioan Phaolô II tại Quốc Hội Ý Thứ Năm 14/11/2002, một đoạn về gia đình có thể là đoạn đã tác động làm cho một người đầu thú, chấp nhận sự thật về con người mình: “Tôi nhận ra rằng Tôi đã đi sai đường lạc lối”.

“Ở vào thời điểm thường xẩy ra những đổi thay sâu xa, lúc mà kinh nghiệm quá khứ dường như càng ngày càng lỗi thời thì con người càng cần phải được huấn luyện vững chắc hơn bao giờ hết. Thưa Tôn Vị Đại Diện nhân dân Ý Đại Lợi, đây cũng là một kỷ nguyên cần phải có sự hợp tác rộng rãi hơn nữa để bảo đảm thực hiện việc trợ giúp đầy đủ cho những trách nhiệm chính yếu của các bậc làm cha làm mẹ. Việc dạy dỗ về trí thức cũng như việc giáo dục về luân lý cho giới trẻ đối với tất cả mọi người phải là hai ‘đường lối’ thiết yếu trong những năm phát triển quan trọng của chúng, trong việc cải tiến chúng, trong việc mở rộng chân trời tâm trí cho chúng cũng như trong việc giúp chúng sửa soạn chạm trán với thực tế của cuộc đời.

“Con người nam nữ sống cuộc sống con người chân chính là nhờ ở văn hóa. Qua văn hóa họ thấy được hữu thể thực sự của mình và đi tới chỗ “chiếm hữu” bản thân mình hơn nữa. Một người biết suy nghĩ hiểu được một cách rõ ràng là tầm vóc nhân bản của con người là ngôi vị họ là hơn là những gì họ có. Giá trị nhân bản của mỗi một cá nhân con người trực tiếp và chính yếu liên quan đến cái là chứ không phải đến cái có. Vì lý do này mà quốc gia nào quan tâm đến tương lai của mình thì cổ võ việc phát triển những trung tâm học hỏi trong một bầu khí tự do, và hết sức nỗ lực để cải tiến phẩm chất của những trung tâm ấy, chặt chẽ hợp tác với gia đình và tất cả mọi cơ phận trong xã hội, như thực sự đang xẩy ra ở hầu hết các xứ sở ở Âu Châu.

“Cũng không kém phần quan trọng đối với việc huấn luyện con người đó là một bầu khí luân lý chi phối các liên hệ xã hội, một bầu khí mà hiện nay đang bị các phương tiện truyền thông đại chúng đặt vấn đề một cách trầm trọng; cái thách đố này là mối quan tâm đối với hết mọi cá nhân cũng như gia đình, nhất là đối với những ai mang những trách nhiệm chính yếu về chính trị và pháp chế. Về phần mình, Giáo Hội sẽ không bao giờ thôi thi hành sứ vụ giáo dục vốn thuộc về bản tính của mình trong lãnh vực này”.

(Xin xem trọn bài diễn từ này cuối tuần này trong Phần Giáo Hội, Mục Theo Vị Chủ Chiên, Trang Mục Vụ Ngoại Giao, Bài 16)

 

Một con người lao công thời Ðức Quốc Xã

 

Thứ Bảy, 17/8/2002, ĐTC đã dâng thánh lễ cung hiến Tân Đền Thờ Chúa Tình Thương. Có khoảng 20 ngàn người theo dõi cuộc cung hiến này ở bên ngoài ngôi đền thờ, một ngôi đền thờ được xây trên ba năm, gần tu viện của Thánh Nữ Faustina. Bên trên nhà tạm khổng lồ bằng vàng theo hình quả cầu thế giới là một bức hình Chúa Giêsu Tình Thương, bức hình được vây chung quanh bằng một bụi gai bị gió lay chuyển, tiêu biểu cho việc con người chiến đấu chống lại tình trạng yếu hèn của mình. Mặc dù không được ở gần chỗ ĐTC, các người tham dự bên ngoài đền thờ vẫn âm thầm quì gối trên vỉa hè để theo dõi lễ nghi cung hiến này qua máy phát thanh. Bất chấp khí hậu hết sức nóng bức, ĐTC cũng vẫn không rút ngắn lễ nghi cung hiến ngôi đền thờ này. Theo lòng cảm xúc, ĐTC đã nói lên những lời tự phát như sau: “Ai có thể nghĩ rằng có người đã từng bước đi ở nơi đây với những chiếc giầy bằng gỗ mà một ngày kia lại là người cung hiến ngôi đền thờ này nhỉ?” Bởi vì, cách ngôi đền thờ này ít thước là khu hầm mỏ Solvay, nơi ĐTC khi còn trẻ đã làm việc trong thời kỳ Nazi chiếm đóng Balan. Cuối lễ, ĐTC đã gặp riêng cựu tổng thống Balan thời hậu Cộng Sản cũng là vị chủ tịch Công Đoàn Liên Đới thời Cộng Sản là Lech Walesa. Sau đây là bài giảng của ĐTC trong thánh lễ cung hiến ngôi tân đền thờ Chúa Tình Thương này.

 

Sau Thánh Lễ Phong 4 Chân Phước Chúa Nhật 18/8/2002, ĐTC ngỏ lời cùng dân chúng rằng: “Xin từ biệt. Tôi muốn nói rằng Tôi sẽ sớm gặp lại anh chị em, nhưng việc này hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa”. Dân chúng đồng thanh hô lên: “Chúng con xin chờ ĐTC”. Ngài đáp: “Tôi hoàn toàn ký thác cho Lòng Thương Xót Chúa”. Một số giới trẻ hô to: “Chúng con đợi ĐTC ở Wadowice”, nơi Ngài sinh ra gần Krakow. Rồi dân chúng kêu xin: “Xin hãy ở với chúng con! Ở với chúng con!”. ĐTC diễu: “Anh chị em muốn thuyết phục Tôi bỏ Rôma”. Vì có tin đồn là ĐTC sẽ từ chức và ở lại quê hương của Ngài tới khi chết tại một dòng kín Carmêlô. Khi giới trẻ hát bài “Con Thuyền”, với câu “Tôi bỏ lại con thuyền của tôi trên bờ biển, Ôi Thiên Chúa của tôi, khi tôi đi theo Ngài”, ĐTC cảm nhận: “Tôi đã nghe bài hát này khi Tôi bỏ Balan 23 năm về trước. Nó vang vọng bên tai Tôi khi tôi nghe cuộc bầu giáo hoàng công bố kết quả” về việc Ngài được chọn lên ngai tòa Thánh Phêrô ngày 16/10/1978. Tôi đã nghe bài hát ấy trong suốt những năm qua. Nó luôn luôn nhắc nhở Tôi về quê hương của Tôi cũng như đã dẫn lối cho Tôi trên những nẻo đường khác nhau của Giáo Hội”.

Tình Hình Sức Khoẻ và hoạt động của ĐTC

18/4/2002, ĐTC thọ 82 tuổi vào tháng Năm 2002. Tuy nhiên, nhiều ký giá và báo chí rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe của Ngài. ĐHY Cassidy, nguyên chủ tịch hội đồng tòa thánh về việc cổ võ hiệp nhất Kitô Giáo, rất gần gũi với ĐTC trong nhiều năm, đã cho cơ quan AAP biết như sau:

“Nếu quí vị có mặt với tôi trong bàn ăn tối hôm đó, buổi tối chúng tôi mới ngồi ăn với nhau, gồm có ĐTC, tôi và hai vị thư ký của Ngài, quí vị sẽ không nói được rằng Ngài không khoẻ, vì, quí vị biết rằng chúng tôi có một cuộc đàm thoại rất hào hứng và Ngài tỏ ra không có vấn đề gì theo ý nghĩ sức khoẻ của Ngài cả. Thế nhưng, dĩ nhiên khi quí vị trông thấy Ngài cùng với những bước đi khó khăn, nhất là hiện nay đầu gối của Ngài gây cho Ngài những trục trặc liên quan vấn đề đi lại đau đớn, thân xác của Ngài quả thực là rất yếu”. Tuy nhiên, ĐHY nhấn mạnh rằng Ngài có một “con tim rất mạnh mẽ” và một “trí khôn rất mãnh liệt vượt trên tấm thân yếu ớt ấy”.
 

7/3/2002, “Đức Giáo Hoàng cương quyết là Ngài nhất định không bỏ cuộc trong bất cứ hoàn cảnh nào… Tôi tin rằng Ngài sẽ không ngừng lại cho đến khi Ngài không thể làm gì hơn được nữa trong việc trung thành với thừa tác vụ chủ chiên của Ngài”. ĐHY Roberto Tucci, vị lo về các chuyến tông du quốc tế của ĐTC, đã nói với Đài Phát Thanh Vatican rằng ĐTC Gioan Phaolô không ngại nói về tình trạng sức khỏe của Ngài. ĐHY nhắc lại trong chuyến bay sang Cuba vào tháng 1/1998, để trả lời cho câu hỏi của các phóng viên: “Chúng tôi xin Ngài nói cho chúng tôi về mình, chứ không muốn biết từ các nguồn tin khác”, ĐTC đã trả lời: “Để biết mình ra sao, ĐGH đọc các báo chí”. ĐHY nói rằng: “cần phải nhắc lại rằng Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên luôn luôn nói một cách công khai về những vấn đề trục trặc của mình. Hơn nữa, bị phong khớp ở đầu gối vào tuổi của mình, cũng là tuổi của tôi, vì chúng tôi hầu như đồng thời với nhau, không phải là một điều quá lạ thường đâu”. ĐHY cũng là chủ tịch của Ủy Ban Điều Hành Đài Phát Thanh Vatican này còn cho biết là ngài hiểu được dân chúng rất muốn biết đến tình trạng sức khỏe của ĐTC, tuy nhiên, ngài không đồng ý với những vị bác sĩ đã đưa ra những phán đoán của mình cho báo chí hay về tình trạng sức khỏa của ĐTC mà không nghiên cứu gì về tiến trình bệnh lý của ĐTC. Vị ĐHY cho biết về thái độ của ĐTC đối với tình trạng sức khỏe của Ngài như sau: “Đức Giáo Hoàng cương quyết là Ngài nhất định không bỏ cuộc trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Theo vị HY này, thì sức mạnh của ĐTC là ở việc cầu nguyện của Ngài: “Tôi tin rằng Ngài sẽ không ngừng lại cho đến khi Ngài không thể làm gì hơn được nữa trong việc trung thành với thừa tác vụ chủ chiên của Ngài”.

“Người kế vị của Tôi chưa làm hồng y”.

 

Có một chi tiết hay hay từ Vatican cho nguồn tin Zenit biết rằng, trong cuộc triều kiến với ĐTC của các vị Giám Mục Á Căn Đình thuộc nhóm thứ nhất hôm 12/2/2002, có vị đã nêu tên một hồng y xứng đáng kế vị giáo hoàng. ĐTC Gioan Phaolô II mỉm cười trả lời: “Người kế vị của Tôi chưa làm hồng y”.
 

23 Năm Trên Ngôi Giáo Hoàng

Trong 23 năm chăn dắt Giáo Hội (22/10/1978-2001), Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng 264, trị vị Giáo Hội lâu thứ bảy, sau Thánh Phêrô (35 năm), Á Thánh Giáo Hoàng Piô IX (31 năm, 7 tháng 21 ngày), Đức Lêô XIII (25 năm, 5 tháng), Đức Piô VI (24 năm, 6 tháng 7 ngày), Đức Adrian I (23 năm 10 tháng 24 ngày), Đức Piô VII (23 năm 5 tháng 6 ngày), đã thực hiện những việc phục vụ riêng đoàn chiên Giáo Hội và chung thế giới như sau:  

Tông du mục vụ 95 chuyến Quốc Tế và 140 chuyến trong Nước Ý (thăm 297/325 giáo xứ thuộc Giáo Phận Rôma), với thời gian tổng cộng là 928 ngày và qua 1.205.312 cây số (hay 723,187 dặm), khoảng đường dài gấp ba lần khoảng cách từ trái đất tới mặt trăng, ban 3.251 huấn từ cho 235 chuyến đi này, và đã mất 11.21% số thời gian ở ngoài giáo đô Rôma. 

Viết 13 Thông Điệp, 12 Tông Huấn, 11 Tông Hiến, 41 Tông Thư và 25 văn kiện Motu Proprio.

Phong 1.272 Chân Phước trong 129 Thánh Lễ, và 452 Thánh trong 42 Thánh Lễ. 

Triệu tập 6 Mật Nghị Hồng Y, và 8 lần phong tước hồng y cho 201 vị, 157 vị trong số 179 vị hiện nay (130 vị còn hợp lệ bầu Giáo Hoàng và 49 vị đã trên 80 tuổi), và 15 Công Nghị Giám Mục (6 cuộc Thượng Nghị thường lệ, 1 cuộc ngoại lệ, 7 cuộc Các Châu và 1 cuộc đặc biệt).

Tiếp 16.155.200 người trong 1.009 cuộc Triều Kiến Chung vào mỗi Thứ Tư hằng tuần (cho tới ngày 17/10/2001 vừa qua). Ngoài ra, còn có 1.330 cuộc Triều Yết và gặp gỡ đặc biệt với các nhân vật trên thế giới, trong đó có 38 cuộc chính thức gặp gỡ với các vị nguyên thủ quốc gia, 641 cuộc Triều Kiến cấp thủ lãnh quốc gia và 210 cuộc với cấp thủ tướng quốc gia.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Theo Màn Điện Toán Toàn Cầu VIS Vatican Information Service ngày 15 và 19/10/2001)

Diễn văn khánh thành Trung Tâm Văn Hóa Gioan Phaolô II

(22/3/2001 ở Washington DC)

Tôi hân hoan được cùng với tất cả các nhà lãnh đạo Giáo Hội và các vị quí khách tham dự cuộc khánh thành Trung Tâm Văn Hóa hôm nay. Tôi rất lấy làm vinh dự được có mặt nơi đây.  

Khi Hồng Y Wojtyla đến diễn đàn tại Viện Đại Học Công Giáo đây năm 1976, có mấy ai nghĩ rằng cuộc đời của Ngài sẽ xẩy ra như thế nào, hay cuộc sống của Ngài sẽ hình thành lịch sử ra sao. Năm 1978 hầu hết thế giới chỉ biết Ngài như là một vị Giáo Hoàng Người Balan vậy thôi. Có những dấu hiệu cho thấy một cái gì đó khác hẳn và đặc biệt hơn thế nữa. Sau khi nghe vị Tân Giáo Hoàng ban phép lành đầu tay ở Quảng Trường Thánh Phêrô, một phóng viên đã đánh điện về cho vị chủ bút của mình như sau: “Đây không phải là một vị Giáo Hoàng từ Balan, mà là một vị Giáo Hoàng từ Galilêa”. Từ ngày ấy đến nay, đời sống của vị Giáo Hoàng này đã viết lên một trong những câu truyện hay nhất thời điểm của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại cuộc thăm viếng của vị Giáo Hoàng này lần đầu tiên ở Balan năm 1979, thời điểm đức tin đã trở thành một lực lượng kháng cự và bắt đầu gây biến động đưa đến tình trạng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đế quốc. Vị linh mục trẻ trung, hiền lành, một thời đã bị Đảng Nazi bắt đi lao động, đã trở thành kẻ thù của chính thể chuyên chế bạo tàn và là một chứng nhân cho niềm hy vọng. Vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Bang Sô Viết đã gọi Ngài là “thẩm quyền luân lý đệ nhất trên hoàn cầu”. Chúng ta hãy nhớ việc Ngài đến thăm một tù nhân, an ủi con người đã bắn ngài. Bằng việc lấy thứ tha đáp lại bạo lực, Vị Giáo Hoàng này đã trở thành một biểu hiệu của sự hòa giải. Chúng ta hãy nhớ lần Ngài Giáo Hoàng viếng thăm Manilla vào năm 1995, ngỏ lời với một đám đông nhất trong lịch sử loài người, cả hơn 5 triệu người nam, nữ và trẻ em. Chúng ta hãy nhớ rằng, 50 năm trước đây, là một linh mục, ngài đã di chuyển bằng xe ngựa đến dạy dỗ trẻ em ở các làng mạc hẻo lánh. Giờ đây, ngài đã hôn đất của 123 nước và đang dẫn dắt đàn chiên cả tỉ người tiến vào ngàn năm thứ ba.

 Chúng ta hãy nhớ lại Ngài Giáo Hoàng viếng thăm Nước Yến Duyên với sự mệnh đem lại mối hòa giải và lòng tương kính nhau giữa Kitô hữu và người Do Thái. Ngài là vị Giáo Hoàng tân thời đầu tiên vào trong hội đường của người Do Thái, hay đến viếng thăm xứ sở của người Hồi Giáo. Ngài luôn luôn hòa hợp việc thực hành khoan dung với nhiệt huyết bảo vệ chân lý.

Chính Giáo Hoàng Gioan Phaolô thường nói: “Không có gì là ngẫu nhiên đối với dự án của Đấng Quan Phòng”. Và có thể đó là lý do tại sao con người này đã trở thành Vị Giáo Hoàng với một sứ điệp mà thế giới chúng ta cần phải lắng nghe. Đối với người nghèo khổ, bệnh hoạn hay hấp hối, Ngài mang đến cho họ sứ điệp về phẩm vị con người cũng như về tình liên đới với nỗi khổ đau của họ. Cho dù họ có bị người đời quên lãng, ngài cũng nhắc nhủ họ là Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi họ.

 Ngài đã nói ở South Bronx thế này: “Anh chị em đừng chán nản tuyệt vọng. Thiên Chúa để ý đến đời sống của anh chị em, và Ngài luôn săn sóc anh chị em, kêu gọi anh chị em đến những điều tốt lành hơn, kêu gọi anh chị em hãy sống thắng vượt hơn”.  

Đối với thành phần giầu sang phú quí, Vị Giáo Hoàng này mang đến cho họ sứ điệp là giầu sang phú quí mà thôi chỉ là một thứ thỏa mãn giả tạo. Ngài dạy rằng, người lành trên thế gian này chẳng là gì nếu không có lòng nhân ái. Chúng ta được kêu gọi, mỗi người và hết mọi người trong chúng ta, chẳng những đi theo đường lối của mình mà còn phải mở đường cho người khác đi nữa.

Đối với thành phần có quyền lực, Vị Giáo Hoàng này mang đến cho họ sứ điệp về công lý và nhân quyền. Và sứ điệp này đã làm cho các nhà cầm quyền độc tài phải lo sợ và sụp đổ. Sứ điệp của Ngài không phải là một thứ lực lượng quân đội hay một thứ kỹ thuật hoặc một thứ giầu sang. Nó là một quyền lực không thể ngờ được của một con trẻ trong máng cỏ, của một con người trên thập giá, của một người đánh cá đơn sơ đã mang sứ điệp hy vọng đến Rôma. Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mang sứ điệp giải phóng ấy đến tận cùng thế giới. Khi đến Cuba năm 1998, Ngài đã được chào mừng bằng các biểu ngữ với hàng chữ: “Fidel là Cách Mạng!” Thế nhưng, như sử gia của Vị Giáo Hoàng này nhận định: “Trong vòng 4 ngày sau đó, Cuba đã xẩy ra một cuộc cách mạng khác”. Chúng ta tin tưởng cuộc cách mạng hy vọng được Vị Giáo Hoàng đây mở màn ở quốc gia này sẽ sinh hoa kết trái trong thời điểm của chúng ta. Phần chúng ta có trách nhiệm tranh đấu cho phẩm giá của con người, cũng như cho tự do tôn giáo, vào bất cứ khi nào chúng bị chối bỏ, từ Cuba đến Trung Hoa tới Nam Sudan.

Còn tại xứ sở của mình đây, chúng ta không được coi thường những lời Vị Giáo Hoàng này đã ngỏ với chúng ta. Vào lần viếng thăm Hoa Kỳ thứ tư, Ngài đã khôn ngoan và cảm xúc nói về những điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta, về những thành quả và nhu cầu của chúng ta. Vị Giáo Hoàng này đã nhắc nhở chúng ta rằng, trong khi tự do là đặc điểm của quốc gia chúng ta thì trách nhiệm phải là đặc điểm của đời sống chúng ta. Ngài thách thức chúng ta làm sao để có thể sống đúng với khát vọng của mình, có thể trở thành một xã hội công bằng chính trực, nơi đón nhận tất cả mọi người, coi trọng mọi người và bảo vệ mọi người. Khi cần phải lên tiếng để bênh vực văn hóa sự sống, Ngài đã nói một cách hùng hồn hơn bất cứ những gì khác. Văn hóa sự sống là một thứ văn hóa đón nhận, một thứ văn hóa không bao giờ loại trừ tẩy chay, không bao giờ phân tranh chia rẽ, không bao giờ thất vọng chán chường và luôn luôn bảo vệ tính cách thiện hảo của sự sống qua tất cả mọi thời đểm của nó. Với văn hóa sự sống, chúng ta phải dành chỗ cho người xa lạ. Chúng ta phải an ủi kẻ bệnh tật. Chúng ta phải chăm sóc người già yếu. Chúng ta phải tiếp đón người di dân. Chúng ta phải dạy cho con cái chúng ta tỏ ra dịu dàng với nhau. Chúng ta phải yêu thương bênh vực trẻ em vô tội đang chờ ngày chào đời. Trung Tâm được chúng ta khánh thành hôm nay đây đang cử hành sứ điệp của Vị Giáo Hoàng này, cử hành niềm an ủi của nó cũng như nỗi thách đố của nó. Nơi đây là biểu hiệu cho nhân phẩm con người, cho giá trị của mọi sự sống cũng như cho chân lý rạng ngời. Nhất là, theo lời của Ngài Giáo Hoàng, nó biểu hiệu cho “niềm vui tin tưởng giữa một thế giới trăn trở”.

Tôi xin cám ơn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn Washington làm địa điểm cho Trung Tâm này. Nó mang lại niềm hãnh diện và thỏa đáng nhu cầu cần thiết. Chúng tôi xin cám ơn sứ điệp. Chúng tôi cũng xin cám ơn vị sứ giả, vì tấm lòng tha thiết riêng tư của Ngài cùng với sức mạnh loan truyền của Ngài; vì tư cách tốt lành của Ngài cùng với tính cách thanh liêm chính trực của Ngài; vì các tặng ân về tinh thần và trí tuệ Ngài chia sẻ; vì lòng can đảm về lãnh vực luân lý của Ngài, chống lại chế độ chuyên chế bạo tàn cũng như chống lại niềm tự mãn của chúng ta.

Vị Giáo Hoàng này bao giờ cũng chỉ cho chúng ta thấy được những gì là tồn tại và thấy được một tình yêu giải cứu. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa về con người hiếm có này, một người tôi tớ của Thiên Chúa và là một anh hùng của lịch sử. Tôi cũng xin cám ơn tất cả mọi quí vị đã xây cất lên Trung Tâm của lương tri và phản tỉnh tại thủ đô của đất nước chúng ta đây. 

(L’Osservatore Romano, tuần san ấn bản Anh ngữ, 28/3/2001)

 

Nghỉ Hè Năm 2000-2002

2002: ĐTC đã đi xe hơi đến ngôi nhà nghỉ hè của Ngài ở Castelgandolfo, phía đông nam thành phố Rôma. Tại đây, trong năm nay, theo dự định, Ngài sẽ viết một cuốn sách chia sẻ về kinh nghiệm làm giám mục của Ngài. Hôm Chúa Nhật vừa rồi, nhân dịp kết thúc cuộc mừng kỷ niệm 100 năm Thánh Nữ Maria Goretti qua đời, ở cuối bài Huấn Từ Truyền Tin, ĐTC đã nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng và mục đích siêu nhiên của thời gian nghỉ ngơi hay nghỉ hè như sau: “việc nghỉ hè, đối với một số người giờ đây đã bắt đầu, có thể trở thành một cơ hội thuận tiện cho việc canh tân đời sống nội tâm”.

2001: Chúa Nhật, 15/7/2001, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nguyện Kinh Truyền Tin tại địa điểm nghỉ hè hằng năm của Ngài. Buổi nguyện Kinh Truyền Tin này là biến cố công cộng duy nhất trong thời gian 12 ngày nghỉ hè của Ngài năm nay. Ngài đã rời phi trường Ciampino ở Rôma lúc 10 giờ 30 sáng Thứ Hai mùng 9/7 tuần vừa rồi và đã đến phi trường Thánh Christôphơ ở Aosta lúc 11 giờ 40 sáng cùng ngày. Ngài sẽ nghỉ hè ở vùng núi Alpờ thuộc miền bắc Nước Ý đây cho tới tối ngày Thứ Sáu 20/7 tuần này. Đây là lần thứ chín Ngài trở lại vùng núi hùng vĩ này để nghỉ hè hằng năm. Ngôi biệt thự Ngài nghỉ hè vừa được hoàn thành năm trước đây. Vừa thấy ngôi biệt thự do Dòng Salêsiô làm chủ này vào kỳ nghỉ hè năm vừa rồi, ĐTC đã vặn hỏi: “Ngôi nhà này được xây cất cho riêng Cha sao vậy?” Ngài được trả lời là ngôi ngôi biệt thự ấy được sử dụng hữu ích cả năm, và thật sự được dùng như trạm nghỉ trượt tuyết vào những tháng mùa đông. Ngôi biệt thự này là một dinh thự hai lầu bằng đá và gỗ, ở giữa một khu vườn và rừng cây, nằm trên mặt biển 1200 mét hay 3/4 dặm, nhìn xuống toàn cảnh núi đồi trùng điệp của biên giới ba nước Ý-Pháp-Thụy Sĩ. Phòng của ĐTC và vị thư ký của Ngài ở lầu một. Còn những phòng khác, kể cả nhà bếp và nhà cơm, đều ở dưới hầm, giành cho 5 vị đi theo Ngài, gồm có 3 nữ tu, vị bác sĩ riêng của Ngài và vị giám đốc Thông Tin của Tòa Thánh. Thường ĐTC nghỉ hè hai tuần vào khoảng giữa tháng Bảy hằng năm, như năm nay từ 9/7 đến 20/7, hay năm ngoái, từ ngày 10/7 đến 22/7.

2000: Trong buổi Nguyện Kinh Truyền Tin 23/7/2000, ĐTC đã nói đến ý nghĩa và nhu cầu nghỉ hè như sau: “Trong một xã hội thường cuồng loạn và cạnh tranh ngày nay, một xã hội chạy theo chủ trương sản xuất và lợi lộc lấn át cả con người cá nhân, hết mọi người vẫn cần nghỉ hè để có thể hưởng một giai đoạn nghỉ ngơi đầy đủ, nhờ đó lấy lại nghị lực và đồng thời phục hồi mức quân bình nội tâm đúng đắn nữa. Các cuộc nghỉ hè, lễ nghỉ, phải được khôn khéo sử dụng để làm ích cho cá nhân cũng như gia đình, bằng việc giao tiếp với thiên nhiên, với tĩnh lặng, một dịp để bồi dưỡng thêm mối hòa hợp trong gia đình, một dịp để đọc sách hay và để sinh hoạt giải trí lành mạnh, nhất là, được dịp có nhiều giờ hơn để cầu nguyện, chiêm niệm và nghe lời Chúa”. (Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 26/7/2000)

ĐTC đã diễn tả cảm nhận và ước vọng của Ngài về cảnh trí nghỉ hè của Ngài trong buổi Nguyện Kinh Truyền Tin ngày 16/7/2000 như sau: “Nơi đây, giữa vùng cây cối và thung lũng mát mắt này, thân xác được bồi sức và tinh thần càng có thể chuyên tâm suy tư và chiêm niệm hơn... Từ nơi an lặng này đây... Tôi mời gọi hết mọi người hãy biến những ngày nghỉ hè đáng giá này thành một thời gian bồi dưỡng nội tâm và là một thời gian nghỉ ngơi xứng đáng của gia đình”. (Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 19/7/2000)