ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II
 

NHỮNG MẨU BÁNH VỤN

2003

 

Cảnh Hang Đá Giáng Sinh ở Quảng Trường Thánh Phêrô là ý tưởng của ĐTC GPII

Vì nhận thấy trong khu cột Bernini ở Quảng Trường Thánh Phêrô chưa được trưng bày cảnh Giáng Sinh, vào năm 1982, theo ý ĐTC, mầu nhiệm Giáng Sinh đã được trưng bày ở đây theo truyền thống của Thánh Phanxicô Khó Khăn là vị khởi xướng tập tục này từ năm 1223.

Hằng năm có 20 người làm việc này trong vòng 3 tháng trời, kể cả việc phác họa và kiến tạo, bao gồm cả kiến trúc sư và kỹ sư. Có một ủy ban đặc biệt lo cho việc này, với rất nhiều chi tiết thay đổi mỗi năm. Việc kiến tạo bắt đầu từ Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12 đến đầu Tuần Bát Nhật trước Lễ Giáng Sinh ngày 17/12, và được để cho tới Lễ Mẹ Dâng Con 2/2 năm sau. Bộ giáng sinh hiện nay có 17 tượng, trong đó có 8 tượng từ từ được thêm vào, còn 9 tượng cũ từ thời 1842 khi Thánh Vincent Pallotti trưng bày Cảnh Giáng Sinh ở Sant’Andrea della Valle thuộc Giáo Hội Rôma.

Cảnh Giáng Sinh ở Quảng Trường Thánh Phêrô năm nay được kiến trúc theo vòng cung. Trung tâm của vòng cung này là ba tượng Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Chung quanh là các cảnh đời cùng với những con người nam nữ tôn thờ trước Đấng Thiên Sai được họ dâng hiến cho lễ vật. Hai biểu hiệu nước và lửa cũng được bao gồm ở đây, nước biểu hiệu cho nguồn sống và lửa biểu hiệu cho Chúa Kitô là ánh sáng thế gian. Ngoài ra còn có cây Giáng Sinh vĩ đại, năm nay, cao 30 mét, được mang về từ Val d’Aosta thuộc vùng Núi Alps.

ĐTC GPII với Tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của Thánh Long Mộng Phố

Nhân dịp kỷ niệm 160 năm (1843-2003) tác phẩm Thánh Mẫu nổi tiếng này của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort), ĐTC GPII đã gửi một bức thư đề ngày 8/12/2003 cho tu sĩ nam nữ thuộc hội dòng Montfort về tín lý Thánh Mẫu của vị sáng lập dòng.

Trước hết, ĐTC đã đề cập đến mục đích của bức thư Ngài viết là vì Ngài muốn chia sẻ với gia đình của vị thánh sáng lập này một suy niệm “bao gồm một ít giòng trong các bản văn của Thánh Louis Marie là những gì sẽ giúp chúng ta nuôi dưỡng đức tin của mình nơi vai trò môi giới từ mẫu của Mẹ Chúa Kitô trong những giây phút khốn khó này”.

ĐTC nhắc lại là 160 năm trước đây “một tác phẩm được viết để trở thành một cuốn sách cổ điển về linh đạo Thánh Mẫu đã được phát hành”. Mặc dù thánh nhân đã viết cuốn tiểu luận này vào đầu năm 1700, nhưng bản thảo đã “thực sự không được ai biết đến hơn 1 thế kỷ” cho đến khi “tình cờ được tìm thấy vào năm 1842 và phát hành vào năm 1843”.

“Chính Tôi, trong những năm còn trẻ, đã được giúp đỡ rất nhiều từ chữ nghĩa trong cuốn sách này, cuốn sách mà trong đó Tôi ‘đã tìm thấy giải đáp cho các vấn nạn của Tôi’, vì Tôi sợ rằng việc tôn sùng Mẹ Maria ‘sẽ đi đến chỗ dung hòa tính cách siêu việt của việc tôn thờ giành cho Chúa Kitô’. Khẩu hiệu của Tôi là ‘Totus tuus’ được soi động bởi tín lý của Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort. Hai chữ này nói lên tất cả lòng phó thác cho Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria”.

ĐTC nhận định là Thánh Louis-Marie “chiêm ngưỡng tất cả mọi mầu nhiệm, bắt đầu với Mầu Nhiệm Nhập Thể xẩy ra vào lúc Truyền Tin. “Như Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Louis Marie đặc biệt nhấn mạnh tới tính cách tinh khiết của đức tin cũng như đến tính cách tối tăm sâu xa thương đau thương của đức tin”.

Nói đến Đức Mẹ như là một dấu hiệu của niềm hy vọng, ĐTC đã kết luận thế này: “Giáo Hội đang đợi chờ việc Chúa Giêsu đến trong vinh quang vào ngày tận thế. Như Mẹ Maria và với Mẹ Maria, các thánh ở trong Giáo Hội để làm cho thánh đức của Giáo Hội tỏ rạng và nới rộng công cuộc của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất, cho đến tận cùng trái đất và cho tới tận thế”.

Tác Phẩm Triết Lý của ĐTC GPII

Vào lúc 11 giờ 30 sáng Thứ Hai 13/10/2003, tại Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, đã có một cuộc ra mắt tác phẩm về triết học do ĐTC viết trước đây. Tác phẩm mang tựa đề "Metafisica della persona. Tutte le opere filosofiche e saggi integrativi di Karol

Wojtyla" (Siêu hình học về con người. Tất cả những tác phẩm về triết lý và những bài tham luận tổng hợp của Đức Karol Wojtyla). Tác phẩm này do nhà xuất bản Bompiani phát hành. Trong buổi ra mắt này có hai giáo sư Giovanni Reale và Tadeusz Styczen đã đóng góp vào phần sắp xếp tác phẩm, và triết gia Rocco Buttiglione.

Tác phẩm dầy 1600 trang này là tổng hợp tất cả mọi bài tham luận về triết lý từ năm 1948 (khi Ngài lấy bằng thần học ở Viện Angelicum ở Rôma) đến năm 1978 (khi Ngài được chọn làm giáo hoàng). Những bài viết quan trọng nhất đã được phổ biến trong những năm Ngài dạy học ở Đại Học Công Giáo Liblin Balan. Chẳng hạn như những bài “Giáo thuyết về đức tin nơi Thánh Gioan Thánh Giá” (1948); “Những thẩm định về việc khả dĩ có thể xây dựng nền đạo đức luân lý trên nền tảng hệ thống triết gia Max Scheler” (1954); “Tình yêu và trách nhiệm” (1960); “Con người và tác hành” (1969), “Con người và trách nhiệm” (1978). Ngoài ra, còn có 10 bài luận đề tổng hợp được viết giữa năm 1974 và 1978 nữa.

ĐTC là Sứ Giả Hòa Bình không cần phải đoạt giải Nobel Hòa Bình của con người ban tặng

Sáng Thứ Sáu 10/10/2003, Ủy Ban Giải Nobel ở Na Uy đã thông báo luật sư Shirin Ebadi người Iran đã đoạt giải hòa bình năm nay. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano đã cho biết cảm nhận của mình về tin đồn ĐTC Gioan Phaolô II đã là ứng viên đoạt giải hòa bình năm nay như sau: “Vị Giáo Hoàng này là sứ giả hòa bình. Nếu cơ quan nào muốn nhìn nhận điều này cũng được. Thế nhưng vị Giáo Hoàng còn ở trên những điều ấy nữa kìa”.

Trong khi đó, ngay sau khi ủy ban thông báo, theo cuộc thăm dò bằng điện thoại của Instituto Directa với 1000 người cho thấy ớ dân chúng Ý Quốc nghĩ rằng ĐTC phải là vị đoạt giải này năm nay. Thật vậy, theo cuộc thăm dò này thì có 77.3% thiên về ĐGH, thứ nhì mới tới vị đoạt giải năm nay với 10.1%, cựu Tổng Thống Cộng Hòa Czech là Vaclav Havel được 3.2% và ca sĩ Bono U2 2.4%.

ĐHY Quốc Vụ Khanh cũng nhận định là trong những năm gần đây Uỷ Ban Nobel này đã trao giải hòa bình cho một số Kitô hữu: “Chúng tôi hài lòng thấy rằng trong quá khứ họ đã trao Giải Thưởng Hòa Bình cho Mẹ Têrêsa Calcutta, và cho Đức Ông Carlos Belo ở Đông Timor, ĐTGM Tutu ở Nam Phi và các Kitô hữu xứng đáng khác”.

ĐTC Gioan Phaolô II đeo áo Đức Bà Carmêlô từ nhỏ

Sáng hôm nay, vào lúc 10 giờ 30, tại nhà nghỉ hè của mình ở Castelgandolfo, ĐTC đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Vịnh của Ngài như ở Vatican vào các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần. Hôm nay 16/7/2003 là Lễ Đức Mẹ Carmêlô được phụng vụ Giáo Hội cử hành. Carmêlô là tên của một ngọn núi xẩy ra phép lạ liên quan đến việc tiên tri Isaia làm để phục hồi đức tin của dân Do Thái trong thời vua Ahab đầy những ngẫu tượng do đám sư sãi Baal truyền bá (x. 1Kgs 18:1-46). Ngọn núi này vào thế kỷ 12 sau Công Nguyên đã được một số ẩn sĩ đến thành lập một dòng tu sống đời chiêm niệm và chọn Mẹ Thiên Chúa làm quan thày, nên ngọn núi này đã trở thành nguồn gốc cho Dòng Kín Carmêlô ngày nay. Nhân dịp Lễ Mẹ Carmêlô, ĐTC cũng dùng tiếng Balan nhắc đến việc Ngài đeo áo Đức Bà Carmêlô từ nhỏ như sau:

“Hôm nay là lễ nhớ Đức Mẹ Carmêlô. Lễ nhớ này đặc biệt thân thương với tất cả những ai sùng kính Mẹ Carmêlô. Ngay cả Tôi đây, từ hồi còn bé bỏng, đã đeo áo Đức Bà ỏ cổ và đã tin tưởng ẩn náu dưới áo choàng của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Tôi hy vọng áo Đức Bà này đối với hết mọi người, nhất là đối với tín hữu vốn đeo trong mình, trở thành sự hỗ trợ và bênh vực ở vào những lúc nguy hiểm, thành một ấn dấu an bình và là một dấu hiệu được Mẹ Maria chăm sóc”.

ÐTC xin cầu nguyện để Ngài tiếp tục phục vụ

Vào lúc 6 giờ chiều Chúa Nhật 29/6/2003, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC đã chủ sự cử hành Thánh Thể và đã làm phép cùng trao giây choàng vai cho 40 vị tân tổng giám mục giáo tỉnh từ các quốc gia vừa được bổ nhiệm năm vừa rồi. Trong Thánh Lễ này có sự hiện diện của cả phái đoàn đại biểu Chính Thống thay mặt cho Thượng Phụ Giáo Chủ hoàn vũ Bartholomaios I. Trong bài giảng của mình, ĐTC đã ngỏ lời xin cầu nguyện cho Ngài như sau: “Là Giám Mục Rôma và là vị thừa kế Thánh Phêrô, trong khung cảnh trang trọng của lễ kính này, hôm nay Tôi xin lập lại việc Tôi hoàn toàn sẵn sàng dấn thân phục vụ niềm hiệp thông giữa tất cả mọi người môn đệ của Chúa Kitô. Anh chị em thân mến, xin hãy giúp Tôi bằng lời cầu nguyện hỗ trợ không ngừng của anh chị em. Xin hãy kêu cầu Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội và các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô chuyển cầu từ trời cao cho Tôi”.

Hôm Thứ Năm 25/9/2003, vào lúc 6 giờ 30 chiều, ĐTC đã trở về điện Vatican sau hai tháng rưỡi ở nhà nghỉ hè của Ngài tại Castelgandolfo. Cuối tháng Tám, Ngài đã bắt đầu sinh hoạt lại bình thường, nhưng vẫn ở lại nhà nghỉ này của Ngài. Trong lời tạ từ cám ơn các nhân viên an ninh, Ngài đã hứa cầu nguyện cho họ và xin họ cầu nguyện cho Ngài như sau: “Ngoài ra, Tôi xin anh em cầu nguyện cho Tôi cũng như cho việc Tôi phục vụ Giáo Hội hằng ngày. Xin cầu nguyện đặc biệt cho cuộc hành hương của Tôi sắp tới đến Pompeii, để cuộc hành hương này bắt đầu một giai đoạn mới cho việc canh tân sống đạo và thiết tha tôn sùng Thánh Mẫu hơn đối với Giáo Hội”.

ĐTC Gioan Phaolô II sẽ viết 1 cuốn sách để chia sẻ về kinh nghiệm giáo phẩm của mình

Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã xác nhận nguồn tin này hôm Thứ Tư 25/6/2003. ĐTC sẽ bắt đầu đi nghỉ hè vào ngày 10/7/2003 ở Castel Gandolfo, phía nam Rôma, và giành thời giờ viết cuốn sách này. Cũng tại địa điểm nghỉ hè hằng năm này của mình, ĐTC đã viết thi phẩm “Roman Triptych” vừa được xuất bản vào Tháng 3/2003. Ngài cũng đã viết cuốn “Tặng Ân và Mầu Nhiệm” năm 1996 để kỷ niệm kim khánh 50 năm linh mục của Ngài.

“Một trong những vị lãnh đạo về luân lý thượng thặng của Thời Đại chúng ta”.

Hôm nay, Thứ Hai 2/6/2003, Bộ Trưởng Nội Vụ Hoa Kỳ là Powell Colin hội kiến với Đức Thánh Cha về tình hình liên quan đến tiến trình hòa bình giữa hai phe Do Thái và Palestine theo chiều hướng của bản “lộ trình” do Hiệp Hội Bốn Bên (Mỹ, Nga, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Liên Hiệp Quốc) phác họa, cũng như về vấn đề tái thiết và ổn định Iraq thời hậu chiến là những gì vốn bất đồng giữa Tòa Thánh và chính phủ Bush.

Trước cuộc triều kiến riêng này, tại Krakow Balan, nơi ĐTC Gioan Phaolô II đã từng là vị TGM Chủ Chiên trước kia, hôm Thứ Bảy 31/5/2003, Tổng Thống Bush đã nhận định về Đức Thánh Cha như sau: “Tại Vương Cung Thánh Đường Wawel vào năm 1978, một vị hồng y Balan đã bắt đầu cuộc hành trình của mình đến tham dự cuộc bầu giáo hoàng ở Rôma, và đã đi vào lịch sử là một Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một trong những vị lãnh đạo về luân lý cao cả nhất của thời đại chúng ta”. Trong một bài diễn văn khác ở Lâu Đài Vương Giả Wawel, vị tổng thống Hoa Kỳ còn nói: “Qua những tháng năm của Thế Chiến Thứ II, một di sản khác của thế kỷ 20 đã được phát hiện ở thành phố Krakow đây. Một chàng chủng sinh trẻ, Karol Wojtyla, đã thấy được lá cờ đức quốc xã tung bay trên những thành trì của Lâu Đài Wawel. Chàng đã thông phần đau khổ với dân tộc của mình và đã bị đẩy đi làm lao động. Từ kinh nghiệm và đức tin này của một vị linh mục đã nẩy sinh một nhãn quan, đó là hết mọi con người cần phải được đối xử theo phẩm giá, vì hết mọi người đều được Thiên Chúa biết đến và yêu thương. Theo thời gian, nhãn quan của con người này và lòng can đảm của con người ấy đã gây cho những tay chuyên chế kinh hãi và đã mang lại tự do cho quê hương yêu dấu của mình, cũng như mang lại tự do cho cả nửa châu lục đây. Cho đến giờ phút này đây, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bênh vực cho phẩm giá của hết mọi sự sống và cho thấy những khát vọng cao cả nhất về văn hóa của chúng ta.

Mừng Sinh Nhật 83 Tuổi

Ngày Chúa Nhật 18/5/2003, ngày sinh nhật đúng 83 tuổi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Ngài đã phong thánh cho 4 vị chân phước sáng lập dòng là Giám Mục Balan Sebastian Pleczar (1842-1924); Nữ tu Áo Quốc Ursula Ledochowska (1865-1939), qua đời ở Balan; hai vị người Ý là Maria De Mattias (1805-1866) và Virginia Centurione Bracelli (1587-1651). Vào lúc kết thúc lễ Phong Thánh, ĐTC đã bày tỏ lòng cảm kích của Ngài trước 50 ngàn người tham dự Thánh Lễ Phong Thánh và tiện mừng chúc ngày sinh nhật của Ngài như sau:

“Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của Tôi với mỗi một người trong anh chị em về cảm tình nồng hậu anh chị em bày tỏ với Tôi vào ngày sinh nhật của Tôi. Đặc biệt Tôi cám ơn ĐHY Joseph Ratzinger, đã nhân danh tất cả mọi người bày tỏ cảm tình chung để chúc mừng Tôi khi mở đầu Thánh Lễ. Tôi xin ngỏ lời chào mừng tri ân đến quí vị có Thẩm Quyền đến đây vào dịp này. Tôi xin gửi lời “cám ơn” đến những ai, bằng nhiều cách thức, đã gửi lời chúc mừng đến Tôi cùng với những chứng từ lòng quí mến của họ. Tôi xin mỗi người và mọi người hãy tiếp tục cầu nguyện để Chúa giúp Tôi trung thành làm trọn sứ vụ Ngài đã ký thác cho Tôi. Giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, hiệp nhất trong tinh thần với các vị thánh vừa được tuyên phong, những vị luôn luôn phó thác bản thân cho Mẹ bằng một lòng tin tưởng con cái. Cảm tạ về tặng ân cuộc sống, hôm nay Tôi ký thác cho Đức Trinh Nữ sự sống của Tôi và thừa tác vụ được Đấng Quan Phòng kêu gọi hoàn trọn. Anh Chị Em thân mến, Tôi xin anh chị em hãy nâng đỡ Tôi bằng lời cầu nguyện, và Tôi kêu mời anh chị em hãy kêu cầu Đức Trinh Nữ bằng lời ca Lạy Nữ Vương Thiên Đàng”.

Mở đầu Thánh Lễ, ĐHY đại diện Hồng Y Đoàn, đã ngỏ lời chúc mừng ĐTC, chẳng những đại diện cho những ai hiện diện bấy giờ, mà còn cho cả “vô số người trên khắp thế giới, ngoài phạm vi Giáo Hội Công Giáo, thậm chí ngoài cả phạm vi thế giới Kitô giáo”. ĐHY thân thưa cùng Đức Thánh Cha rằng: “Tin tưởng và yêu thương, đó là chương trình hoạt động của giáo triều Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã không ngừng tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa Kitô, dung nhan của một Vị Thiên Chúa nhân hậu. Đức Thánh Cha đã không ngừng dẫn chúng con, bằng việc thắt kết chúng con với Chúa Kitô, để thắng vượt những lực lượng hận thù, những thành kiến chia rẽ, để phá đổ những bức tường cố gắng phân rẽ chúng con. Đức Thánh Cha giúp cho chúng con tìm thấy con đường dẫn đến ơn cứu độ bằng việc bắt đầu lại từ Chúa Kitô. Bởi thế, chúng con thành thật xin cám ơn Đức Thánh Cha. Xin Chúa tưởng thưởng cho Đức Thánh Cha như Ngài tưởng thưởng cho các tôi trung của Ngài vậy”.

Lần đầu tiên Tòa Thánh, nơi đã từng nhận được vô vàn những điện tín chúc mừng Đức Thánh Cha, đã phổ biến địa chỉ điện thư của Đức Thánh Cha John_Paul_II@vatican.va trên màn điện toán của mình (www.vatican.va), để ai muốn gửi điện thư chúc mừng thì làm. Ngày sinh nhật của ĐTC không được cử hành ở Vatican. Ngài thích cử hành Lễ Quan Thày rửa tội của Ngài là Thánh Charles Borromeo ngày 4/11, và ngày kỷ niệm được chọn làm giáo hoàng 16/10, nhất là năm nay là năm kỷ niệm 25 năm của Ngài. Tuy nhiên, các nữ tu người Balan ở Vatican vốn chăm sóc cho ĐTC vẫn dọn một bữa tối đặc biệt cho Ngài để mừng sinh nhật của Ngài, vì hôm nay các chị mừng vị tân thánh lập dòng Nữ Tì Thánh Tâm Chúa Giêsu từ năm 1894 của các chị là Giám Mục Sebastian Pleczar.

Trong cuộc gặp gỡ 20 ngàn người Balan sang tham dự lễ phong thánh ngày 18/5/2003 cho 4 vị, trong đó có hai vị bản xứ Balan của họ này, có một lúc Đức Thánh Cha đã nói buông theo hứng như sau: “Tôi vẫn hằng ý thức về giây phút đang tiến tới, khi mà Tôi sẽ đứng trước Thiên Chúa với cả cuộc đời của mình, từ ngày còn trẻ ở Wadowice, sau đó ở Krakow, sau hết ở Rôma. Tôi tin tưởng vào lòng thương xót Chúa cũng như vào việc che chở của Đức Trinh Nữ”.

Trong số người Balan sang Rôma vào dịp này có tổng thống của họ là Alexander Kwasniewski, vị đã được gặp riêng ĐTC, một cuộc gặp gỡ nói về Âu Châu và tình hình các quốc gia Đông Âu. Trước cuộc hội kiến riêng với ĐTC, vị tổng thống Balan cho biết: “Không có Đức Giáo Hoàng thì tự do không thể nào có được ở Balan”. Vị tổng thống này tha thiết mời ĐTC thực hiện một chuyến tông du về Balan lần nữa. Sau cuộc gặp gỡ riêng này, vị tổng thống Balan cho biết ĐTC “rất khỏe mạnh” và hai vị đã nói đến các chuyến tông du tới Croatia và Mongolia. Ông nói ông đang giúp cho Đức Thánh Cha có thể dễ dàng dừng chân ở Kazan, Nga, một dự án đã bị Tòa Thượng Phụ Moscow bác bỏ.

Nhận bằng tiến sĩ danh dự về việc bênh vực nhân quyền

Áp ngày sinh nhật của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tức vào ngày Thứ Bảy 17/5/2003, Đại Học La Sapienza ở Rôma đã trao tặng bằng tiến sĩ danh dự (Honoris Causa) này cho Ngài. Khi nhận bằng này, Đức Thánh Cha đã cho biết Ngài tin rằng một phần thừa tác vụ của Ngài là “chú trọng đến việc bảo vệ nhân quyền, vì những thứ nhân quyền này có liên hệ chặt chẽ với hai vấn đề quan trọng của nền luân lý Kitô giáo, đó là phẩm giá con người và hòa bình. Thật vậy, chính Thiên Chúa, khi tạo dựng nên con người theo hình ảnh Ngài và kêu gọi họ trở thành những người con được thừa nhận, đã ban cho họ một phẩm giá khôn sánh, và cũng chính Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người để họ sống trong hòa hợp và hòa bình, bằng cách thực hiện một việc phân phối chính đáng về phương tiện cần thiết để sống và phát triển”.

Cuộc trao tặng bằng tiến sĩ danh dự này diễn ra tại Sảnh Đường Triều Kiến Chung ở Vatican, với nhiều chức sắc dân sự tham dự, trong đó có ông Silvio Berlusconi, chủ tịch Hội Đồng Nội Các Ý, cũng như các nhân viên của viện đại học 700 năm và đông nhất Âu Châu này. Một ca đoàn liên đại học ở Rôma cùng với 21 ca đoàn ở các thánh phố Ý khác đã trình tấu một số bản nhạc. Mở đầu buổi trao tặng bằng tiến sĩ danh dự này, buổi trao tặng do Hội Đồng Phân Khoa Luật của đại học chọn Đức Thánh Cha, đầu tiên là vị viện trưởng có mấy lời, sau đó tới vị Khoa Trưởng Phân Khoa Luật Carlo Angelici và giáo sư luật Pietro Rescigno, đã cho biết ly do của việc trao tặng bằng tiến sĩ danh dự đây là “vì hoạt động Vị Giáo Hoàng này thực hiện qua suốt giáo triều của Ngài được thế giới nhận biết đã thể hiện bằng việc Ngài nắm vững lề luật cũng như việc Ngài bênh vực các thứ quyền lợi của con người nơi tất cả mọi hình thức lịch sử của chúng liên quan đến con người cũng như liên quan đến các quyền lợi của cá nhân con người và đến những mối liên hệ giữa các dân tộc và luật pháp quốc tế”.

Trong lời ngỏ của mình, Đức Thánh Cha đề cập đến những thứ nhân quyền nồng cốt mà Ngài đã “tận lực” tranh đấu trong 25 năm giáo triều của Ngài.

“Nhận thức được như thế, Tôi đã hết sức phục vụ những giá trị này. Thế nhưng, Tôi không thể thi hành sứ vụ này mà không hướng về luật lệ. Nguyên tắc đã hướng dẫn Tôi đó là con người thực sự đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, là nền tảng và là mục đích của sinh hoạt xã hội là những gì luật lệ cần phải phục vụ… Phát xuất từ niềm xác tín này, Giáo Hội đã phát triển giáo thuyết của mình về ‘các thứ nhân quyền’ là những gì không phát xuất từ Quốc Gia hay từ bất cứ một thẩm quyền nhân loại nào, mà là từ con người. Bởi thế, những quyền lực cộng đồng cần phải ‘nhìn nhận, tôn trọng, phác họa, bảo vệ và cổ võ’ chúng; chúng là ‘các thứ quyền lợi phổ quát, bất khả vi phạm và bất khả tước đoạt’.

“Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo 'loan truyền rằng trong chiều kích siêu việt của con người có chất chứa phẩm giá của con người cùng với những quyền lợi bất khả vi phạm của họ… Giáo Hội thâm tín rằng việc nhìn nhận nền tảng của các thứ nhân quyền về khía cạnh nhân loại học và đạo đức học là việc bảo vệ công hiệu nhất chống lại những gì chúng bị vi phạm hay lạm dụng. Trong vai trò Thừa Kế Thánh Phêrô, Tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải mạnh mẽ chú trọng tới một số những thứ quyền lợi được lý thuyết công nhận thường bị hiểu lầm nơi luật pháp cũng như nơi hành vi cử chỉ riêng. Vì lý do này nhiều lần Tôi đã trở về với thứ quyền lợi đầu tiên và căn bản nhất đó là quyền của sự sống…Sự sống là một cái gì linh thánh và bất khả vi phạm từ khi được đầu thai cho tới khi tự nhiên qua đi. Tôi đặc biệt nhấn mạnh rằng thai bào của con người là một con người, nên có quyền bất khả vi phạm của một con người. Do đó, tiêu chuẩn về pháp lý cần phải xác định tình trạng pháp lý của các thai bào này như một chủ thể có một quyền lợi không thể coi thường về lãnh vực luân lý hay pháp lý”.

Quyền lợi thứ hai là quyền tự do tôn giáo, một thứ quyền lợi được Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc công nhận cùng với các văn kiện công pháp khác. Theo ĐTC, “quyền tự do tôn giáo” không phải “chỉ là một thứ nhân quyền nữa”, vì nó chính là thứ quyền lợi mang lại ý nghĩa cho các thứ quyền khác, vì “phẩm giá của con người đầu tiên được bắt nguồn từ mối liên hệ thiết yếu với Thiên Chúa”. Đó là lý do tại sao nó là “một cái thử xem các thứ quyền lợi căn bản khác được tuân giữ như thế nào”.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha còn cho biết những quyền lợi khác được Ngài chú trọng bênh vực nữa là: “Quyền không bị kỳ thị vì chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo hay phái tính; quyền có tư sản chính đáng và cần thiết, thế nhưng không bao giờ được tách khỏi nguyên tắc căn bản về mục đích chung của các sản vật; quyền tự do hội họp, bày tỏ và thông tin, luôn luôn tôn trọng sự thật và phẩm giá con người; quyền tham dự vào sinh hoạt chính trị nhắm đến việc phát triển công ích một cách thứ tự và tổ chức; quyền hoạt động kinh tế; quyền có nhà cửa cho hết mọi người và mọi gia đình là những gì liên hệ mật thiết với quyền kiến tạo gia đình và có việc làm được trả lương xứng hợp; quyền giáo dục và học hỏi, vì mù chữ là một tình trạng hết sức bần cùng và thường đồng nghĩa với việc sống bên lề xã hội; quyền của các thành phần thiểu số được hiện hữu và bảo trì cùng phát triển văn hóa riêng của mình; quyền hoạt động và các quyền của nhân công, vấn đề Tôi đã viết trong bức thông điệp ‘Laborem exercens’”.

Sau hết, ĐTC cho biết Ngài đã vất vả hoạt động cho “các thứ quyền lợi của gia đình bị lấn át một cách ào ạt bởi xã hội và quốc gia, với nhận thức gia đình là một nơi thuận lợi cho việc nhân bản hóa con người và xã hội, và tương lai của thể giới cũng như của Giáo Hội đều phải đi qua ngả gia đình”.

Đây là bằng tiến sĩ danh dự thứ 10 Đức Thánh Cha nhận được. Bằng tiến sĩ danh dự đầu tiên Ngài nhận được vào năm trước khi được bầu làm giáo hoàng, do đại học Johannes Gutemberg Đức Quốc ở Maguncia trao tặng, và bằng tiến sĩ trước lần này vào năm 2001 do đại học Hồng Y Wyszynski Balan trao tặng.
 

Một Tác Phẩm mới khảo sát về triết lý đạo đức và chính trị của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II


Tác phẩm mang tựa đề “Tư Tưởng Đạo Lý và Chính Trị của Đức Gioan Phaolô II” của José Ramin Garitagoitia Eguía, trình bày cho thấy quan điểm về đạo lý của Đức Giáo Hoàng về một số vấn đề xã hội quan trọng. Tác phẩm được phát hành bởi Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị và Hiến Pháp của Tây Ban Nha, và được ông Mikhail Gorbachev viết lời tựa, trong đó nhà lãnh đạo cuối cùng của Cộng Sản Liên Bang Sô Viết này đã tỏ ra kính phục và khen ngợi Đức Gioan Phaolô II về việc Ngài chú trọng tới mối liên hệ giữa luân lý và chính trị.


Tác giả của tác phẩm này đã bàn đến những áp dụng đạo lý của tư tưởng Đức Thánh Cha liên quan tới kinh tế, xã hội và chính trị bằng những lời nói và bút tích của Ngài. Vị tác giả này cho màn điện toán Zenit biết rằng trong một lá thư khác gửi cho ông, Gorbachev đã nhìn nhận “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một trong những vị tiêu biểu nổi bật nhất trong hàng thượng lưu trí thức và chính trị của xã hội đương thời”.


Theo tác phẩm này thì “trong hết mọi sự được Đức Karol Wojtyla đã nói và viết, chúng ta đều tìm thấy những dữ kiện đầy đủ để xác nhận rằng có hai vấn đề rõ ràng trong tư tưởng của Ngài, và cả hai đều liên kết với nhau trong việc đóng góp rất nhiều cho Công Đồng Chung Vaticanô II. Một trong những vấn đề này là mối quan tâm liên lỉ của Ngài đối với con người. Vấn đề chính khác là vấn đề của sự liên hợp giữa đức tin và kinh nghiệm sống hằng ngày”.


Tác giả nhấn mạnh là “Huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II rõ ràng chủ trương thiên về con người, không phải một cách chung chung liên quan đến nhân tính con người, mà là một cách cụ thể. Vị Giáo Hoàng này đã tự tuyên bố ưu ái hết mọi người, thành phần phải được tôn trọng, bảo vệ bởi bản thân họ cũng như bởi môi trường chunh quanh họ, và cần ược đối diện với hình ảnh đích thực của họ”.


Đối với vấn đề văn hóa, vị tác giả này cho biết, theo Đức Giáo Hoàng, “mọi người thực sự có chủ vịụ phẩm giá của họ; họ sống trong một nền văn hóa cụ thể nào đó, họ có những ệm và ước vọng, những căng thẳng và khổ đau, cũng như những niềm hy vọng hợp lý của họ. Chính trong mối liên hệ này mà tất cả mọi sinh hoạt chính trị mới có lý do hiện hữu, những sinh hoạt phát xuất từ con người, được thi hành bởi con người và cho con người”.


Về khía cạnh chính trị, tác giả của cuốn sách vạch ra rằng Vị Giáo Hoàng này rất rõ ràng khi nói rằng “nếu sinh hoạt chính trị tách khỏi mối liên hệ và đích điểm chính yếu này, ở một nghĩa nào đó, tự nó sẽ trở thành đích điểm, và đánh mất một phần lớn của lý do hiện hữu của mình. Ngoài ra, nó còn là căn nguyên gây ra một tình trạng xa lạ; nó có thể trở thành xa lạ với con người, đâm ra mâu thuẫn với chính con người”.

 

Kinh nghiệm đời linh mục

 “Hỡi giới trẻ, Tôi muốn nói với từng người trong các bạn là, nếu các bạn cảm thấy Thiên Chúa kêu gọi các bạn ‘Hãy theo Ta!’, các bạn đừng làm cho tiếng gọi này bị câm nín. Hãy quảng đại, hãy đáp lại như Mẹ Maria, bằng việc dâng cho Chúa lời xin vâng hoan hỉ của bản thân các bạn cũng như của cuộc đời các bạn. Tôi chia sẻ với quí bạn về chứng từ của Tôi. Tôi được chịu chức linh mục khi Tôi 26 tuổi. Từ đó đến nay đã 56 năm trời rồi. Khi nhìn lại và nhớ lại những tháng năm ấy của cuộc đời mình, Tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng thật là xứng đáng để hiến mình cho Chúa Kitô” (Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II với giới trẻ tại căn cứ không quân Cuatro Vientos, 5/3/2003).
 

Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh, 11/5/2003, Chúa Nhật Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi, theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã truyền chức linh mục cho 31 phó tế thuộc giáo phận Rôma tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào Thánh Lễ lúc 9 giờ sáng. Trong bài giảng, Ngài đã căn cứ vào bài Phúc Âm để huấn dụ và kêu gọi riêng các tân linh mục như sau:

 

"Anh em bởi thế hãy nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa; hãy gắn bó mọi ngày với Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bí tích bàn thờ. Hãy cảm nhận tình yêu vô biên của Trái Tim Người, hãy bỏ nhiều giờ hơn nữa trong việc chầu Thánh Thể ở những lúc quan trọng nhất đời sống của anh em, khi phải thực hiện những quyết định cá nhân và mục vụ khó khăn, ở vào lúc bắt đầu và kết thúc ngày sống. Tôi bảo đảm với anh em là 'Tôi đã có được kinh nghiệm này và nhờ đó Tôi đã lấy được sức mạnh, niềm ủi an và sự nâng đỡ!'.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết Đường Thánh Giá cho năm 2003.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại viết bài suy niệm về 14 Chặng Đường Thánh Giá cho năm 2003, năm kỷ niệm 25 năm Giáo Hoàng của Ngài. Ngài đã từng viết bài suy niệm 14 Chặng Ðường Thánh Giá cho Năm Thánh 2000 kỷ niệm 2000 năm Giáo Hội xuất thân, cũng như cho Năm Thánh 1983-1984, dịp mừng kỷ niệm 1950 năm Chúa Kitô Giáng Sinh. Đó là tin tức từ bản thông báo của ĐGM Piero Marini, Vị Trưởng Nghi Phụng Vụ Tòa Thánh hôm Thứ Năm 3/4/2003. Theo bản thông báo này cho biết thì bản suy niệm 14 Chặng Đường Thánh Giá lần thứ ba này không phải là bản được viết ra cho “cuộc mừng kỷ niệm thứ ba” là 25 năm giáo hoàng của ĐTC, mà là phản ảnh những bài giảng phòng Ngài đã chia sẻ với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và giáo triều Rôma năm 1976 khi Ngài còn là hồng y TGM Krakow: “Những bài suy niệm này đã được phổ biến năm 1977 với một nhan đề tiêu biểu là ‘dấu hiệu phản khắc’, và tái bản lần hai năm 2001. Đức Thánh Cha muốn sử dụng bản suy niệm này cho Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2003 này. Ngài đã không bỏ đi đường Thánh Gia một lần nào vào các Ngày Thứ sáu Tuần Thánh tại hí trường Coliseum. Trong Năm Mân Côi này, ĐGM Marini ghi chú, ở đầu những lời nguyện của Chặng Đường Thánh Giá này đều có sự hiện diện của Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình”.

ĐTC tiếp các triết gia thuộc phái Hiện Tượng Học

Hôm Thứ Bảy 22/3/2003, ĐTC đã tiếp phái đoàn Viện Hiện Tượng Học Thế Giới trụ sở ở Hoa Kỳ, những vị đến Rôma để họp nhân dịp trình bày bộ “Hiện Tượng Học Thế Giới. Nền Tảng – Phát Triển – Cơ Động – Những Liên Hệ Với Đời Sống. Những Chỉ Dẫn để Nghiên Cứu và Học Hỏi”.

Năm 1953, ĐTC bấy giờ là giáo sư triết Karol Wojtyla đã trình luận án tiến sĩ của mình là “Thẩm Định về Những Khả Năng Cấu Tạo Nền Đạo Đức Kitô Giáo dựa trên Cơ Cấu của Max Scheler”. Triết gia Scheler được coi là một trong những môn đệ có giá nhất của cha đẻ khoa hiện tượng học là Edmund Husserl (1859-1938). Triết gia Edith Stein, tức Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá (1891-1942), người Do Thái vừa được ĐTC phong thánh trước năm 2000, đã là phụ tá riêng của triết gia Husserl và học với Scheler.

Trong cuộc gặp gỡ với các nhà triết gia này, ĐTC đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đóng góp của triết gia Scheler, vị triết gia cũng như Husserl, “đã thực sự hy vọng là sẽ có được một cộng đồng nghiên cứu để đối diện với những thế giới lơn lao về con người và sự sống bằng những phương thức khác nhau song tương túc”. ĐTC bày tỏ cảm nhận của mình như sau: “Tôi cám ơn Chúa vì đã cho Tôi được tham dự vào công việc hào hứng này, bắt đầu từ những năm học hỏi và dạy học rồi ngay cả sau đó nữa, trong những giai đoạn liên tục của cuộc đời mình cũng như của sứ vụ mục tử của mình”.

ĐTC đã diễn tả hiện tượng học “trước hết là một kiểu cách của suy tưởng, một liên hệ giữa lý trí với thực tại mang những đặc tính thiết yếu và xây dựng làm cho người ta hy vọng qui tụ được mà không có những định kiến và định hình. Tôi có thể nói rằng nó hầu như là một thái độ của một thứ bác ái tâm thức hướng về con người cũng như thế giới, và, đối với Kitô hữu, hướng về cả Thiên Chúa là nguyên lý và là cùng đích của tất cả mọi sự”.
 

Thi Phẩm “Những Bài Suy Niệm về Ba Cảnh Trí Rôma” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II


Sáng Thứ Năm 6/3/2003, tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh có buổi ra mắt tác phẩm thơ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mang tựa đề "Roman Triptych, Meditations". ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin giới thiệu thi phẩm, Giáo Sư Giovanni Reale bình luận tác phẩm và Nghệ Sĩ Ý Nando Gazzolo đọc một số bài thơ trong thi phẩm này. Nguyên ngữ của thi phẩm này được viết bằng Tiếng Balan, và trong buổi ra mắt này thi phẩm này có cả bằng tiếng Ý, Anh, Tây Ban Nha và Pháp. Tất cả mọi vị lãnh đạo các phân bộ của Tòa Thánh đều được mời đến tham dự buổi ra mắt sách này.

 

Theo vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Tiến Sĩ Joaquín Navarro-Valls, thì thi tập 33 trang này của ĐTC được Ngài bắt đầu cảm hứng viết từ cuối chuyến tông du về Balan Tháng Tám 2002 và được kết thúc vào Giáng Sinh cùng năm. Cách đây 5 năm, tại vùng Núi Alps, có người đả hỏi ĐTC là Ngài còn làm thơ hay chăng, “ĐTC đã trả lời đó là một cảm nghiệm thân thương của đời Ngài. Chương sách cuộc đời ấy dường như đã đóng hôm nay lại mở ra”. Thi phẩm này có 3 phần: Phần nhất là “Một con suối”, một cuộc chiêm ngưỡng thiên nhiên; phần hai là một suy tư “Về Sách Sáng Thế ở Ngưỡng Cửa Nguyện Đường Sistine”, một suy tư về con người từ khi được tạo dựng cho tới ngày chung thẩm; phần ba là “Một Ngọn Đồi ở Đất Moriah”, nhắc đất quê hương của tổ phụ Abraham và cuộc trao đổi gữa hai cha con ông về cuộc sát tế của ông.


Trong phần giới thiệu thi phẩm, ĐHY tổng trưởng nhận định là “cảnh trí đầu tiên nơi thi phẩm Roman Triptych của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phản ảnh cho thấy cảm nghiệm về thiên nhiên tạo vật, về vẻ đẹp của nó cũng như về khả năng sinh động của nó. Có hình ảnh về những đồi cây, cùng với những hình ảnh mạnh mẽ hơn của giòng nước chảy về những thung lũng, từ ‘thác vàng nhịp nhàng đổ xuống từ núi non’”. ĐHY nhận xét là ở chỗ này ĐGH đang tìm về “nguồn” và ngài thấy rằng “nếu ngươi muốn tìm thấy cội nguồn, ngươi phải đi lên, đi ngược dòng”. ĐHY cho biết thêm, “Tôi nghĩ rằng đây là then chốt để đọc hai bố cảnh sau đó. Thật vậy, chúng dẫn chúng ta đi lên, đi ngược dòng. Cuộc hành trình thiêng liêng được thực hiện trong thi phẩm này dẫn chúng ta tới ‘khởi nguyên’… Từ Khởi Nguyên đã có Lời… Khi tới nơi thì lạ lùng thay cái ‘khởi nguyên’ đó lại cho thấy rằng mình là cùng tận”. Bởi thế, ĐHY nhận định: “chữ chính yếu thực sự tóm gọn cuộc hành trình của cảnh trí thứ hai của thi phẩm này không phải là ‘Lời’ mà là một hiển thị và là một cái nhìn. Lời có một dung nhan. Lời – mạch nguồn – là một hiển thị. Thiên nhiên tạo vật, vũ trụ này phát xuất từ một hiển thị. Con người phát xuất từ một hiển thị”. ĐHY còn nhận định về mối liên hệ giữa “khởi nguyên” và “cùng tận” là ở chỗ, theo ngài, có liên quan rõ ràng đến những hình ảnh của đại kiến trúc sư thiên tài Michelangelo đã thực hiện trong Nguyện Đường Sistine về Việc Tạo Dựng và Việc Chung Thẩm: “Từ cái nhìn nội tâm của Vị Giáo Hoàng này hiện lên ký ức về những cuộc mật bầu giáo hoàng vào Tháng Tám và Tháng Mười năm 1978… Vị Giáo Hoàng này đã nói với các hồng y về một cuộc mật bầu sau này, một cuộc mật bầu ‘sau khi tôi chết’, và nói với các vị ấy là hãy để cho thị kiến của Michelangelo nói với các vị. Chữ ‘con-clave’ mật bầu giáo hoàng nnấn mạnh đến ý nghĩ về chiếc chìa khóa, về cái di sản được để lại bởi chiếc chìa khóa này của Thánh Phêrô. Việc đặt chiếc chìa khóa này vào bàn tay phải đó là một trách nhiệm lớn lao trong những ngày ấy”. Ở phần kết luận, ĐHY ghi nhận là “cái vòng cảnh vĩ đại thực sự là thị kiến của thi phẩm Roman Triptych này rõ ràng cho thấy nơi cảnh trí thứ ba, cảnh Abraham và Isaac lên Núi Moriah, ngọn núi hy tế, ngọn núi của việc hoàn toàn tự hy hiến. Cuộc lên núi này là giai đoạn cuối cùng và quyết liệt của con đường Abraham đi, con đường được bắt đầu từ khi ông rời bỏ quê cha đất tổ là thành Ur của những người Chaldeans; nó là giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình tiến lên chót đỉnh, cuộc hành trình ngược dòng, cuộc hành trình tiến về nguồn cũng là cùng đích”.


Trong phần bình luận thi phẩm của ĐGH, Giáo sư Reale nói rằng “Thi phẩm Roman Triptych của tác giả Karol Wojtyla là một tác phẩm tuyệt vời và cảm kích, thế nhưng nó không phải là một tác phẩm dễ đọc và hiểu thấu” nếu không nắm được những then chốt của nó. Theo vị giáo sư này thì “cái trục chính nơi những sáng tác của thi sĩ Wojtyla thực sự trùng hợp với cái trục của triết gia Wojtyla và thần học gia Wojtyla. Cái trục này là ở ý niệm về con người, không phải chỉ ở khía cạnh trần gian tạm bợ của con người mà trước hết và trên hết là ở nguồn gốc siêu hình và định mệnh cánh chung của con người, với tất cả tính cách phức hợp cùng với động năng ngang trái dính dáng đến cái trục này”. Vị giáo sư bình luận này cho biết “căn cứ vào những gì vừa nói, chúng ta thấy xuất hiện vấn đề về quan niệm thẩm mỹ: tức là có thể nào sáng tác những tác phẩm ‘thi văn’ lại dựa vào những quan niệm ‘triết lý’ và ‘thần học’ hay chăng? Câu trả lời cho vấn đề này là điều thiết yếu để có thể hiểu được và hoàn toàn cảm thấy thú vị với thi phẩm Roman Triptych của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Câu trả lời là ‘đúng thế’, vì triết gia với tư cách một kiến tạo gia tư tưởng là một ‘nhà tư tưởng’, trong khi đó nhà thơ với tư cách sáng tạo hình ảnh là một ‘vị thị kiến’. Chính vì là một ‘vị thị kiến’ mà thi sĩ có thể ‘thấy’ và diễn tả qua các ‘hình ảnh’ những gì một triết gia và thần học gia diễn tả bằng quan niệm vậy”. Sau hết, vị giáo sư bình luận này còn cho biết: “nhiều người đã hỏi là tại sao Đức Giáo Hoàng ở trên đời này lại cảm thấy nhu cầu cần phải trở về với việc viết thi phú, như Ngài đã làm khi còn trẻ. Trước hết, chúng ta phải nói rằng (Giáo Hoàng) Wojtyla đã hiến hầu như 4 thập niên để làm thơ, mặc dù phần lớn được phổ biến với những bút hiệu. Thứ hai, chúng ta phải nhớ rằng Wojtyla, ngoài việc là một ‘thần học gia’ không phải chỉ là một ‘thi sĩ’ mà còn là một ‘triết gia’ nữa. Trong vòng một năm, một tác phẩm mới sẽ được hiệu đính chất chứa tất cả mọi sáng tác triết lý Ngài đã phổ biến, tác phẩm này sẽ mang tựa đề là ‘Siêu Hình Tính của Con Người’”.

 

ĐTC gặp gỡ hằng năm với chủng sinh Rôma và chia sẻ kinh nghiệm làm chủng sinh chui


Tối Thứ Bảy 1/3/2003, toàn thể chủng sinh, nhân viên và giám đốc của Đại Chủng Viện Rôma Đức Bà Của Lòng Tin Tưởng Cậy Trông đã theo truyền thống hằng năm đến gặp ĐTC tại Sảnh Đường Phaolô VI. Trong cuộc gặp gỡ này, chương trình bao gồm bài Diễn Từ được dựa theo đời sống và các công việc của Thánh Faustina Kowalska cũng như được trình diễn bởi các chủng sinh và ca đoàn của địa phận Rôma, rồi sau đó là bài huấn từ của Đức Thánh Cha. Thường thì ĐTC gặp gỡ họ ngay tại chủng viện của họ, ngôi chủng viện ở ngay sát với Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô, vào lễ Đức Bà Của Lòng Tin Tưởng Cậy Trông, một lễ được cử hành vào Thứ Bảy trước Thứ Tư Lễ Tro. Chủng viện được thành lập vào năm 1565, đầu tiên ở Đại Học Rôma là đại học do Thánh Ignatiô thành lập năm 1551 và được các cha Dòng Tên điều hành cho tới khi dòng này bị đóng cửa năm 1773. Sau này chủng viện được gọi là Chủng Viện Rôma, nhưng vẫn được di chuyển qua mấy địa điểm cho đến khi cố định ở vị trí hiện nay. Sở dĩ chủng viện này được gọi là Đức Bà Của Lòng Tin Tưởng Cậy Trông là vì, theo văn khố ghi lại, một lời khấn hứa với Đức Mẹ vào năm 1837 trong một cơn dịch tả kinh hoàng.


Qua bài huấn từ của mình, ĐTC đã nhắm đến lời nguyện vắn Chúa Giêsu dạy chị Thánh Faustina: “Lạy Chúa Giêsu, con tin nơi Chúa!”. Theo Ngài, “đây là một tác động đơn sơ nhưng sâu xa trong việc bày tỏ lòng tin tưởng và phó mình cho tình yêu Thiên Chúa”, một lời nguyện “có thể biến đổi cuộc sống. Trong những cuộc thử thách cùng với những khó khăn không thể tránh được trong cuộc sống, cũng như trong những lúc vui mừng và sốt sắng, việc phó mình cho Chúa làm cho linh hồn tràn đầy bình an, đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận thượng quyền của hoạt động thần linh, và hướng tinh thần về sự khiêm nhượng và chân lý… Nơi trái tim Chúa Giêsu, những ai khổ sầu vì những buồn đau trong cuộc sống tìm thấy được an bình; những ai chịu đựng khổ đau và bệnh nạn cảm thấy nhẹ nhàng; những ai cảm thấy tâm hồn bất ổn và phiền muộn cảm thấy hân hoan, vì trái tim Chúa Giêsu đầy tràn những ủi an và yêu thương cho những ai tin tưởng trái tim của Người”.


ĐTC nói rằng, khi Mẹ Maria bảo các người phục dịch ở tiệc cưới Cana “hãy làm những gì Người bảo”, là Mẹ đang thúc giục họ hãy tin vào Chúa Kitô. Ngài cảm nhận thêm là Mẹ Maria, “một bậc thày ngoại hạng về đời sống thiêng liêng”, đã chia sẻ với Chúa Giêsu “niềm vui cũng như nỗi lo âu, những tha thiết và đau khổ, thậm chí cho đến cuộc hiến tế cuối cùng trên cây Thập Giá, nhờ đó Mẹ cũng thông phần với Người cuộc Phục Sinh vinh hiển, cũng như trong việc nguyện cầu với các Tông Đồ ở Nhà Tiệc Ly chờ đợi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống”.


ĐTC cũng kể lại kỷ niệm của Ngài khi còn là chủng sinh học chui trong thời gian Nazi xâm chiếm đóng cửa các chủng viện toàn quốc” ĐHY Sapieha, vị giám mục của Tôi ở Krakow, đã lập một thứ chủng viện chui này và Tôi học ở đó, anh em có thể gọi nó là một thứ chủng viện hầm trú”. Ngài cũng chia sẻ là trong buổi Diễn Từ vừa rồi Ngài đã nhớ lại quá khứ cũng như nhớ đến Thánh Faustina, vì nữ thánh đã sống ở và nay lại được chôn cất gần Krakow, tức gần khu hóa chất ở Solvay là nơi Ngài còn trẻ đã phải làm việc 4 năm trong thời chiến cũng là thời Balan bị Nazi chiếm đóng: “Tôi chưa hề mơ tưởng khi còn là một lao công bấy giờ là Tôi đang nói về kinh nghiệm này với các chủng sinh Rôma với tư cách là một vị Giáo Hoàng”. Ngài thú nhận là Ngài không bao giờ quên được những ngày ấy, những ngày vừa là lao công vừa là chủng sinh ấy. Ngài cho biết bấy giờ Ngài làm việc một ngày 8 tiếng, Ngài đọc sách siêu hình học và triết học khi làm việc, khiến các bạn đồng nghiệp của Ngài lấy làm lạ lùng về việc đọc sách của Ngài và tìm cách giúp Ngài có giờ giấc và nơi chốn để học hành nữa. Ngài nói, sở dĩ Ngài đã có thể sống những năm tháng học chui này là nhờ lòng tin tưởng nơi Chúa và Mẹ Chúa.

 

Tầm ảnh hưởng trên cuộc đời của một con người chống đối

Ký giả Domenico del Rio người Ý vừa được an táng ngày 28/1/2003, người đã qua đời năm 76 tuổi, một ký giả được đồng nghiệp cho là một trong những phóng viên nhật báo hay nhất ở Vatican. Ông sinh ở Rôma, đi tu Dòng Capuchin, chịu chức linh mục và đi khắp thế giới như một nhà truyền giáo. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành của ông đối với Giáo Hội đã khiến ông có một tinh thần chỉ trích gắt gao, đến nỗi, sau Công Đồng Chung Vaticanô II, ông đã xin hồi tục, để rồi, sau khi được Tòa Thánh tha phép, ông đã lập gia đình. Là ký giả cho tờ La Repubblica, ông đã cay cú phê bình các chuyến tông du hải ngoại của Đức Thánh Cha, cho rằng động lực của những chuyến đi này là do bởi “khuynh hướng vinh thắng” hơn là để truyền bá phúc âm hóa. Bởi thế, năm 1985, Văn Phòng Báo Chí Vatican đã không cho phép ông được cùng đi với Đức Thánh Cha đến Mỹ Châu Latinh. “Hình phạt” này, như ông cắt nghĩa với đồng nghiệp của ông, đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gặp riêng ông sau vụ này, và qua cuộc gặp gỡ ấy, ông đã khám phá ra con người của Đức Giáo Hoàng. Từ đó trở đi, ông đã bỏ giờ ra tìm hiểu cuộc đời của Đức Thánh Cha, bằng cách viết 5 cuốn sách, cuốn cuối cùng là “Karol Cả” (Karol the Great) sắp được xuất bản ở Ý. Vị phóng viên cho tờ Corriere della Sera là Luigi Accattoli cũng là bạn thân của ông đã đến thăm ông một tuần trước khi ông chết ở Bệnh Viện Gemelli Rôma. Vì ông không muốn cho bạn bè biết ông đang nằm nhà thương, Accattoli đã hỏi ông rằng ông có điều gì muốn nhắn với họ hay chăng. Ông liền trả lời: “Xin anh hãy nói với Đức Giáo Hoàng! Tôi xin anh nói với ĐGH rằng tôi cám ơn Ngài. Tùy anh làm sao có thể nói với Ngài điều này. Nói với Ngài rằng tôi hết lòng cám ơn Ngài về việc Ngài đã giúp tôi tin tưởng. Tôi có rất nhiều điều ngờ vực và nhiều cái khó tin. Tôi đã được sức mạnh đức tin của Ngài trợ giúp. Thấy việc Ngài tỏ lòng tin rất mãnh liệt mà tôi cũng được mạnh sức. Tôi đã nhận được sức hỗ trợ này khi thấy Ngài cầu nguyện. Khi Ngài ‘phó mình trong tay Thiên Chúa’, việc phó mình này hiển nhiên đã cứu được mọi sự cho Ngài vậy”.