ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II
NHỮNG MẨU BÁNH VỤN
2005
Phái đoàn Tôn sư Do Thái khắp Thế Giới về Vatiacan để cảm tạ ĐTC GPII
Vào ngày Thứ Ba 18/1/2005, ĐTC GPII tiếp phái đoàn Do Thái gồm 160 vị lãnh đạo, tôn sư cùng ca trưởng, những người đến để ngỏ lời cám ơn ngài về những nỗ lực ngài thực hiện để hòa giải hai niềm tin giữa hai tôn giáo. Sở dĩ có cuộc triều kiến này là để mừng kỷ niệm 40 năm Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” về việc Giáo Hội Công Giáo với Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo được Công Đồng Chung Vaticanô II công bố ngày 28/10/1965.
Phái đoàn Do Thái này gồm có những nhân vật đặc biệt như Obed Ben-Hur, lãnh sự Do Thái ở Tòa Thánh; Amire Ofek, lãnh sự Do Thái về truyền thông ở Nữu Ước; Tôn sư Adam Mintz, chủ tịch Hội Đồng Chư Tôn Sư Ở Nữu Ước; Shmuel Rene Sirot, cựu tôn sư trưởng ở Âu Châu và Pháp quốc; David Lincoln, tôn sư trưởng Hội Đường ở Park Avenue Nữu Ước; Shlomo Riskin, tôn sư trưởng ở Efrat Giêrusalem; và Tôn sư Joseph Arbid ở Đại Hội Đường Rôma. Ngoài ra còn có 12 ca trưởng Do Thái, thành phần đã có mặt trong buổi hòa nhạc ở Đại Hội Đường Rôma từ hôm trước để trình diễn cho phái đoàn đại biểu và đại diện của Vatican cũng như cộng đồng Do Thái ở Rôma.
Theo bản công bố của Tổ Chức Mở Đường là cơ quan xin được có cuộc triều kiến này thì vị chủ tịch sáng lập của tổ chức là Gary Krupp nói:
“Sứ vụ Mở Đường của chúng tôi đó là việc mang những con người thiện tâm lại với nhau, bất kể tôn giáo của họ, cũng như việc khéo léo phá đổ những bức tường cản trở vấn đề gặp gỡ ấy.
“Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng làm điều này cả mấy thập niên. Thật là xứng hợp để chúng tôi khiêm tốn ngỏ lời cám ơn ngài về tất cả những gì ngài đã thực hiện cho nhân dân Do Thái của Trái Đất, nhờ đó, mở đường tiến đền hòa bình đích thực trên Mặt Đất”.
Tôn sư Jack Bemporad, giám đốc Trung Tâm Tìm Hiểu Liên Tôn cũng đã lên tiếng như sau:
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các vị tôn sư đại diện cho tất cả mọi ngành Do Thái giáo từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau để chung tiếng tạ ơn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như Giáo Hội Công giáo về tất cả những gì họ đã thực hiện để xây dựng những chiếc cầu nối cảm thông và tương kính giữa các người Do Thái và Công giáo.
“Trong lịch sử thế giới, 40 năm qua được thấy như là thời gian cách mạng nhất và đáng kể nhất đối với việc tiến bộ nơi mối liên hệ giữa Do Thái và Công Giáo. Từ Công Đồng Chung Vaticanô II và với sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Giáo Hội Công giáo đã thực hiện những bước tiến rất xa trong việc xây dựng những mối liên kết mới với nhân dân Do Thái dựa trên hỗ tương tính và lòng cảm mến chân thực.
“Không có một vị giáo hoàng nào đã từng thực hiện nhiều hay để ý nhiều đến vấn đề thiết lập một mối liên hệ huynh đệ giữa những người Công giáo và Do Thái như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến viếng thăm hội đường Do Thái ở Rôma. Ngài đã ban hành văn kiện “Chúng Ta Tưởng Niệm” về Cuộc Tàn Sát Người Do Thái.
“Ngài đã thiết lập những liên hệ ngoại giao trọn vẹn với quốc gia Do Thái. Và ngài đã xin người Do Thái thứ tha cho tất cả những hành động quá khứ chống Do Thái giáo của con cái nam nữ thuộc Giáo Hội Công giáo, trong cuộc ngài hành hương đến Do Thái trong năm 2001. Đối với tôi, đó thực là một cuộc cách mạng. Tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được coi là một đại chuyên viên chữa lành mối liên hệ giữa người Công giáo và Do Thái.
“Những nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo Hội Công giáo vươn đến nhân dân Do Thái là những gì hết sức đáng kể, vì những nguồn quan trọng nhất liên quan đến vấn đề bài Do Thái chủng và chống Do Thái giáo suốt giòng lịch sử vẫn là các giáo huấn của Công giáo.
“Bằng việc từ khắp nơi trên thế giới về Vatican, thành phần tôn sư chúng tôi muốn nói rằng ‘xin cám ơn ngài’”.Đại Diện Phái Đoàn Do Thái ngỏ lời cảm tạ ĐTC GPII về giáo triều hòa giải của ngài
ĐTC GPII, trong buổi tiếp phái đoàn Do Thái 160 vị tôn sư và đại diện khắp thế giới này, đã nhắc nhở rằng:
“Năm nay chúng ta sẽ cử hành đệ tứ thập chu niên Tuyên Ngôn ‘Nostra aetate’ của Công Đồng Chung Vaticanô II, một tuyên ngôn đã đóng góp quan trọng vào việc củng cố vấn đề đối thoại Do Thái và Công Giáo. Chớ gì đây là dịp để lập lại việc quyết tâm gia tăng hiểu biết và cộng tác việc xây dựng một thế giới được đặt nền tảng vững chắc hơn trên sự tôn trọng hình ảnh thần linh nơi hết mọi con người”.
Sau đây là lời ngỏ cùng ĐTC của ông Gary Krupp, vị chủ tịch kiêm sáng lập Tổ Chức Mở Đường, thay mặt phái đoàn tôn sư và đại diện Do Thái:
“Thưa Ngài Giáo Hoàng:
“Chúng tôi là nhóm người đại diện một phần tiêu biểu cho Do Thái giáo, thành phần về đây mang theo các phúc lộc của cả hằng triệu người thuộc đức tin chúng tôi để cảm tạ ngài.
“Vừa lên ngai tòa Thánh Phêrô, ngài đã thực hiện chuyến đi tới Auschwitz để tôn kính các nạn nhân của Cuộc Tàn Sát. Ngài đã bênh vực nhân dân Do Thái trong mọi hoàn cảnh, như là một vị linh mục ở Balan cũng như trong giáo triều 26 năm của mình. Ngài đã lên án việc bài Do Thái Chủng như là một “tội phạm đến Thiên Chúa và nhân loại”. Chiều hướng hòa giải này đã là nền tảng cho vai trò làm giáo hoàng của ngài cũng như cho mối liên hệ của vai trò này với nhân dân Do Thái.
“Vào ngày 13/4/1986, ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên kể từ Thánh Phêrô đã đến viếng thăm một hội đường Do Thái. Trong dịp trình ủy nhiệm thư cho ngài vào tháng 6/2003, Vị Lãnh Sự Do Thái là Obed Ben-Hur đã bày tỏ cử chỉ hết sức tốt đẹp này khi nói: ‘Vào ngày hôm đó ngài đã gánh trên vai mình một Giáo Hội 2 ngăn năm, từ hồi hội đường Capernaum ở thế kỷ thứ nhất, nơi Chúa Giêsu thường nguyện cầu, nhờ đó ngài đã khép lại một giai đoạn lịch sử’.
“Ngài đã thôi thúc Tòa Thánh hãy bắt đầu tiến trình bình thường hóa liên hệ ngoại giao với Quốc Gia Do Thái vào năm 1992, với quê hương thánh kinh thân yêu của nhân dân Do Thái, nói lên việc nhìn nhận sự hiện hữu của Eretz Ysrael hôm qua, hôm nay và vĩnh viễn.
“Việc ngài hành hương đến Do Thái và Thánh Địa vào ngày 21/3/2000 đã là những gì bất tử trong tâm trí của nhân dân Do Thái khắp thế giới, khi ngài đặt lời nguyện cầu xin tha thứ của mình vào Bức Tường Phía Tây.
“Những lời nói long trọng của ngài trong cuộc ngài viếng thăm Sảnh Đường Tưởng Nhớ Yad Vashem đã khiến chúng tôi hết sức cảm động và tác động tâm can của chúng tôi.
“Không thể nào diễn tả hết cái âm cảm được những việc làm tiêu biểu này vang động nơi người Do Thái khắp thế giới. Thưa Đức Giáo Hoàng, những hành động hòa giải này thực sự là mấu chốt cho giáo triều của ngài, như ngài cũng đã cố gắng để sửa chữa lại những rạn nứt cổ thời nơi tất cả mọi tôn giáo trên thế giới.
“Huấn Giáo Do Thái về Các Vị Giáo Phụ đã tuyệt vời diễn tả thành lời mối tình yêu thương ngài đã bày tỏ với toàn thể nhân loại. Tôn sư Hillel nói: ‘Hãy là một trong thành phần môn đệ của Aaron, bằng cách làm một con người yêu chuộng hòa bình, một con người theo đuổi hòa bình, một con người yêu thương toàn thể nhân loại và mang nhân loại gần lại với tôn giáo’.
“Vì những hành động yêu thương của ngài đối với toàn thể nhân loại cũng như việc ngài hăng say theo đuổi hòa bình và hòa giải tất cả mọi niềm tin, Đức Giáo Hoàng thực sự là hiện thân của những lý tưởng và tinh thần của Aaron, vị thượng tế của dân Do Thái ngày xưa.
“Để kết thúc, ngài đã nói đến chúng tôi là con cái của Abraham, như những người anh thân yêu của ngài. Niềm ước mong đầy nguyện cầu của tôi là Do Thái, Kitô Giáo và Hồi Giáo, ba con cái của Abraham, sớm thắt kết lại với nhau nên một lý tưởng và tiếng nói chung để bênh vực tất nhân loại chống lại thành phần làm ô danh Chúa Trời bằng những hành động bạo lực nhân danh Ngài.
“Thưa Ngài Giáo Hoàng, xin cám ơn Ngài, tạ ơn Ngài, tri ân Ngài. Bình an, Bình an, Bình an”.
Để kết thúc, ba vị tôn sư đã chúc lành cho ĐTC và tất cả đã xướng lên 1 bài hát.