Giáo TriỀu ĐỨc Gioan Phaolô II
ĐTC GPII với Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần Redemptor Hominis sau 25 năm
Trong bài giảng cho 3 giáo xứ thuộc giáo phận Rôma là Giáo Xứ Thánh Bridget, Hilary và Maximus, vào Thánh Lễ chiều Thứ Bảy 6/3/2004, ĐTC GPII đã nhắc lại bức Thông Điệp đầu tiên của Ngài vào ngày 4/3/1979, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay như sau:
“Hãy lắng nghe và theo chân Chúa Kitô! 25 năm trước đây, vào lúc mở màn cho Mùa Chay, Tôi cảm thấy cần phải thúc giục toàn thể dân Kitô giáo hướng về cảm nghiệm cốt yếu này. ‘Chúa Giêsu là con đường chính yếu của Giáo Hội’, Tôi đã viết trong bức thông điệp đầu tiên của Tôi ‘Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần’, hỡi anh chị em thuộc các giáo xứ, một bức thông điệp Tôi muốn tượng trưng gửi đến anh chị em một lần nữa chiều hôm nay”.
Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay 7/3/2004:
“Tôi muốn ngỏ lời huấn dụ này cho toàn thế giới 25 năm trước đây, chính vào lúc mở màn cho Mùa Chay này, trong thông điệp ‘Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần’ (xem số 7). Nếu con người muốn hiểu về mình cách tường tận, bấy giờ Tôi viết, họ cần phải đến gần Chúa Kitô, họ phải đi sâu vào Người, họ phải ‘thích hợp’ với Người và phải đồng hóa với toàn thể thực tại của công cuộc Cứu Chuộc (xem số 10). Hôm nay đây sự thật này hợp thời biết bao!” (đoạn 3)
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm bức Thông Điệp tiên khởi của giáo triều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, một giáo triều, vào ngày 14/3/2004, sẽ đứng hàng thứ ba sau Thánh Phêrô (35 năm, từ năm 33 tới 68) và Đức Giáo Hoàng Chân Phước Piô IX (31 năm: 16/6/1846-7/2/1878), qua mặt Ðức Lêô XIII (25 năm 5 tháng), tờ Nhật Báo Avvenire đã phỏng vấn vị linh mục HY Georges Cottier, nhà thần học giáo hoàng gia, vị linh mục người Thụy Sĩ dòng Đaminh sinh năm 1922, được ĐTC bổ nhiệm làm thần học gia cố vấn cho Ngài vào 12/1989 và vừa được Ngài phong tước hồng y ngày 21/10/2003.
Vấn Khi mới đọc thông điệp “Redemptor Hominis”, điều gì đã làm cho ĐHY chú ý nhất?
Đáp Bấy giờ tôi vẫn còn đang dạy học ở Thụy Sĩ. Tôi nhận thấy ngay cách thức vị Giáo Hoàng này đã phác họa cả một nhãn quan rộng lớn về các việc làm của Giáo Hội. Hôm nay đây, đọc lại văn kiện này sau một thời gian, người ta thực sự có thể nói rằng nơi bức thông điệp ấy họ đã thấy được một con đường nho nhỏ mà Ngài sẽ khai triển sau đó.
Vấn Thưa ĐHY chẳng hạn như những gì?
Đáp Tôi đang nghĩ đến tầm mức quan trọng của Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” được Ngài xác nhận, một hiến chế chủ trương rằng Chúa Kitô gần gũi với hết mọi người khi tỏ mình cho họ nơi mầu nhiệm của Người. Đó là một tư tưởng được thấy liên tục nơi giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II.
Tuy nhiên, trong thông điệp “Redemptor Hominis” còn có cả một đề tài về đại kết và đối thoại liên tôn nữa. Biến cố Assisi xẩy ra mãi sau này, nhưng khi đọc lại mới thấy một số chỗ của bức thông điệp này đã đề cập đến những điều ấy rồi.
Thế rồi cả đến việc nhấn mạnh tới các thứ quyền lợi của con người; đến sứ vụ trong viễn tượng của Giáo Hội; đến tâm điểm của Thánh Thể liên quan tới bí tích thống hối.
Trong văn kiện này ĐTC cũng đã đề cập tới cuộc mừng Đại Năm Thánh 2000.
Quả thực đây là điều đã làm tôi ngạc nhiên rất nhiều, đó là ngay vào năm 1979 mà năm 2000 đã là một chiều hướng đặc biệt đối với Ngài. Đó không phải là một điều gì gần đến: Còn cả 20 năm nữa mới tới; có thể nói rằng không ai trong Giáo Hội đã nghĩ đến Năm Thánh này.
Thế mà, ngay từ những lời đầu tiên nơi bức thông điệp này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho thấy cả một chân trời này khi Ngài phác tả con đường con đường dẫn đến năm 2000 như là một Mùa Vọng mới. Ở đây chúng ta lại thấy được cái nhãn quan bao rộng của Ngài.
Vấn Việc nhấn mạnh về con người như là một mối quan tâm chính yếu của Giáo Hội vào năm 1979 đã có một tính cách quan trọng ra sao?
Đáp Nó có một mãnh lực đặc biệt. Chúng ta không được quên rằng chủ nghĩa cộng sản của Mác đã có ý định đặt nền tảng cho một thứ nhân bản mới; nó được trình bày cho thấy như là một thứ kiến tạo nên một con người mới vậy.
Vị Giáo Hoàng xuất thân từ Balan này bắt đầu thừa tác vụ của mình bằng việc nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Kitô mới là đường lối và đời sống là một cuộc hành trình hết mọi người phải tiến bước với Người cũng như trong sự bảo vệ của Người.
Đối diện với quan niệm tổng hợp hóa của Cộng Sản, Ngài đã khẳng định vấn đề ngôi vị tính. Nó như là một quả bom gài sẵn: Ở chỗ, những chữ Mác và Cộng Sản không hề được nhắc đến trong bức thông điệp “Redemptor Hominis”. Thế nhưng, một cách sâu xa, căn cứ vào tư tưởng con người cần phải có về con người, thì vị Giáo Hoàng này đã cho thấy cái đối chọi này.
Vấn Như thế bức thông điệp này đã đặt nặng về đề tài nhân quyền.
Đáp Ngài nói về các thứ quyền lợi của con người, và theo chiều hướng này, về quyền tự do tôn giáo là một trong những quyền lợi chính yếu của họ. Sau đó Ngài nhắc tới quyền sống.
Thế nhưng, ở đây người ta đã thấy được một quan niệm chính yếu khác nữa, đó là việc cảm nhận và tôn trọng con người là nền tảng của đạo đức học Kitô giáo.
Không phải là ngẫu nhiên mà trong các buổi giáo lý Thứ Tư hằng tuần, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói ngay tới đời sống hôn nhân cũng như gia đình và nói đến những điều đẹp đẽ. Con người không thể nào đạt được an lành nếu thiếu vắng quan niệm về đạo đức. Đó là đường hướng lên đến tuyệt đỉnh của mình nơi thông điệp Rạng Ngời Chân Lý “Veritatis Splendor”.
Vấn ĐHY thấy được di sản nào của Công Đồng Chung Vaticanô II nơi bức thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” này?
Đáp Trước hết là một số những chủ đề lớn: Đó là những gì được vị Giáo Hoàng này gọi là việc tự ý thức của Giáo Hội, ý thức về mầu nhiệm của mình cũng như về nỗi yếu đuối của con người là phần thể của mình.
Không phải là tình cờ mà những suy tư của Ngài đã phát xuất từ văn kiện chính yếu của công đồng là Ánh Sáng Muôn Dân “Lumen Gentium”, một hiến chế tín lý về Giáo Hội. Thế rồi thực sự còn phản ảnh cả tính cách chính yếu về chiều kích ngôi vị và con người của hiến chế “Gaudium et Spes” nữa.
Đối với Giáo Hội, Ngài đã nói rất rõ về đoàn tính cũng như về vai trò của các hội đồng giám mục. Thế nhưng Ngài cũng tiếp nối Công Đồng về chủ đề truyền giáo khi nói đến vấn đề quan trọng là việc rao giảng bao giờ cũng phải được bắt đầu bằng việc tôn trọng con người không phải Kitô giáo. Đó là một nhận định thật là đẹp.
Vấn ĐHY có thấy những việc làm nào của giáo triều này đã không được viễn ảnh thấy nơi văn kiện hoạch định này?
Đáp Dĩ nhiên vị Giáo Hoàng này đã không thể nào thấy trước được những việc làm bất ngờ của Thần Linh; những vấn đề từ từ xuất hiện. Tuy nhiên, Ngài là một con người liên lỉ lắng nghe Thánh Linh.
Việc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh đã không được thấy trước…. Ngay cả cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo chẳng hạn là một ý tưởng sau này mới có qua suy tư của thượng hội giám mục.
Trong văn kiện 1979, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói xa xa tới cuộc khủng hoảng hậu công đồng. Ngài ca ngợi đường lối đã được Đức Phaolô VI đề cập tới. Thế nhưng vẫn không thể nào biết rằng cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu và Ngài cũng phải nhúng tay can thiệp ở một số lãnh vực để nhắc nhở sự thật. Và Ngài quả thực đã làm như thế.
Chắc chắn Ngài đã có một cái nhìn tin tưởng. Nơi lời nguyện kết thúc văn kiện ấy, Ngài đã gọi Mẹ Maria là Mẹ của Niềm Hy Vọng. Đó là một tước hiệu rất thân thương đối với con người của Ngài. Lời đầu tiên của Ngài với tư cách là Giáo Hoàng đó là: “Đừng sợ”. Và thông điệp “Redemptor Hominis” đưa chúng ta tới một bầu khí lạc quan. Nó chất chứa đầy những phấn khởi.
Vấn Nếu ĐHY cần phải đề nghị một điều gì đó về việc tái nhận thức thông điệp “Redemptor Hominis” thì ĐHY sẽ nói đến điều nào?
Đáp Đó là việc khẳng định rằng chỉ ở nơi Chúa Kitô con người mới hoàn toàn nhận thức được bản thân mình.
Đó là một sự thật rất quan trọng ngày nay, khi chúng ta đang phải đối diện với những vấn đề mới về vấn đề đạo đức sinh học, những vấn đề liên quan tới việc bắt đầu và chấm dứt sự sống. Dĩ nhiên, một mình trí khôn cũng có thể nói cho chúng ta biết chúng ta cần phải có một thái độ tôn trọng.
Thế nhưng, như vị Giáo Hoàng này vẫn thường nhắc nhở chúng ta, việc nhận thức được rằng nơi mầu nhiệm nhập thể, Chúa Kitô đã liên kết bản thân Người với hết mọi người, cho dù là kẻ hèn mọn nhất, vẫn là một mãnh lực đặc biệt đối với chiều hướng nhìn đời này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 7/3/2004
Nhà Thần Học Giáo Hoàng Gia Georges Cottier tâm sự về việc ngài phục vụ Giáo Triều ĐTC Gioan Phaolô II
Trong cuộc mật nghị hồng y vừa rồi có 4 vị tân hồng y linh mục, một vị là nhà thần học giáo hoàng gia dòng Đaminh người Thụy Sĩ. Vị linh mục 81 tuổi này được thăng tước hồng y là vì ĐTC GPII muốn tỏ lòng tri ân cảm tạ việc phục vụ về thần học của ngài. Sau đây là cuộc phỏng vấn của màn điện toán Zenit với ngài, cuộc phỏng vấn đã được cơ quan truyền thông điện toán toàn cầu này phổ biến ngày 24/12/2003.
Vấn Vào năm 1990 ngài đã được bổ nhiệm làm nhà thần học giáo hoàng gia, tức là vai trò làm thần học gia của ĐTC. Đây là một công việc được thi hành một cách nào đó theo ý hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II. Việc làm này khác với việc làm của vị Bộ Trưởng thánh bộ Tín Lý Đức Tin ra sao, vì vị chủ tịch này cũng phải là một thần học gia giỏi?
Đáp Công việc của vị Bộ Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin hoàn toàn khác với việc làm của tôi. Là một vị lãnh đạo phân bộ này, ngài phải nhúng tay can thiệp nếu xẩy ra những rắc rối về thần học tạo nên những khó khăn; chẳng hạn, một cuốn sách xuất bản có những ý tưởng thần học sai lầm được giáo dân và các vị giám mục khiếu nại thì ngài phải nhúng tay vào can thiệp.
Còn công việc của tôi là ở chỗ đọc và tuyên nhận “nihil obstat” - “không gì ngăn trở” cho tất cả các bản văn được ĐTC công bố và là những bản văn không do tôi viết. Đa số các bản văn này do các cộng tác viên của ĐTC viết, từ các văn phòng khác nhau, sau đó tất cả các bản văn đó được gửi đến cho Bộ Nội Vụ.
Tôi phải đọc tất cả các bản văn đó, trong đó có các bản văn liên quan đến mối liên hệ với các phái đoàn ngoại giao cũng như với những việc ngoại giao của Tòa Thánh Vatican.
Không phải là tất cả mọi văn kiện liên quan đến những vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh Vatican tôi đều đọc, nhưng những gì liên quan đến tín lý, mục vụ, các thông điệp, các diễn từ triều kiến, các bài giáo lý cho buổi triều kiến chung vào Thứ Tư hằng tuần, và những huấn từ của ĐTC cho những cuộc viếng thăm ngũ niên của các vị giám mục đều được chuyển đến văn phòng của tôi. Thế nhưng Đức Giáo Hoàng mới là vị ban những lời hướng dẫn và thực hiện mọi sự.
Vấn Như thế thực tế cho thấy không có một văn kiện nào có thể ra khỏi Tòa Thánh Vatican mà trước hết không qua văn phòng của ngài…
Đáp Đúng như thế về phương diện thực hành. Thế nhưng, tôi không cấm cản việc phổ biến các bản văn đó. Tôi chỉ nhận định về tính cách rõ ràng của ngôn từ, để không có gì là mập mờ nơi bản văn Đức Giáo Hoàng cần phải phổ biến. Trong trường hợp có nhiều các thứ văn liệu, tôi còn phải để ý tới vấn đề hòa hợp về kiểu cách giữa một bài diễn từ và một bài văn từ khác nữa. Cũng cần phải thận trọng, vì, chẳng hạn trường hợp người ta không thể xin Đức Giáo Hoàng tự tuyên bố về vấn đề vẫn còn đang được tranh luận giữa những nhà thần học.
Tôi cũng nhận định cả về tính cách khôn ngoan nữa. Cần phải làm sao để thẩm định được là nên hay không nên nói những điều gì đó. Vậy tôi tới Bộ Nội Vụ nơi ĐTGM Leonardo Sandri làm việc, vị tái phân loại tất cả các bản văn lại với nhau. Ngài cũng phải chú ý tới kiểu cách và tính cách hòa hợp của các bài diễn từ; bởi thế chúng tôi cùng hợp tác với nhau.
Vấn Những đề tài nào đã từng có tác dụng mạnh nhất nơi ngài qua tất cả mọi thời đoạn khi ngài làm việc sát cận với Đức Thánh Cha này?
Đáp Tôi cần phải thêm là trước khi tôi được làm hồng y tôi đã là thư ký của Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế và là tham vấn viên của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Nhiều đề tài quan trọng đã được chạm tới trong những lúc bấy giờ.
Thế nhưng, trở về với trường hợp làm việc cho ĐTC, tôi xin thưa là trong số những bản văn quan trọng nhất được phổ biến trong những năm này phải là cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, một cuốn sách chẳng những đầy đủ mà còn được trình bày một cách rất rõ ràng, theo một chiều kích thiêng liêng rất tuyệt vời. Tiếc thay, theo tôi nghĩ, cuốn sách này vẫn chưa được biết đến đầy đủ; nó chất chứa một quan điểm khách quan và rất phong phú về nội dung của đức tin chúng ta.
Ngoài ra Đức Giáo Hoàng cũng đã mặc cho những bức thông điệp một tầm mức quan trọng; trong những trường hợp này, tôi được công tác vào việc soạn thảo chứ không phải chỉ có đọc lại bản văn vào lúc cuối cùng mà thôi, nhất là những thông điệp “Rạng Ngời Chân Lý” và “Đức Tin và Lý Trí”. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được quên văn kiện “cho họ được hiệp nhất nên một”, một bức thông điệp về đại kết quan trọng, thậm chí cả đến những bức thông điệp về giáo huấn xã hội của Giáo Hội nữa.
Vấn Ngài cũng đóng vai trò quan trọng trong Cuộc Mừng Đại Năm Thánh 2000, dù ngài bao giờ cũng muốn sống ẩn mình đi.
Đáp Phải, tôi được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy Ban Thần Học và Sử Học để sửa soạn cho Cuộc Mừng Đại Năm Thánh 2000. Cùng với Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, cá nhân tôi rất chú trọng tới vấn đề Giáo Hội xin tha thứ. Thật vậy, vào ngày 12/3 Năm Thánh 2000 đã diễn ra một cuộc cử hành tha thứ. Nó là một ngày tuyệt vời nhất và rất ư là cảm động, chẳng những vì nội dung của nó mà trước hết còn vì cử chỉ của Đức Giáo Hoàng, vị ôm lấy cây thập giá, đầy tràn ý nghĩa. Ở đây, người ta mới hiểu được sự thánh thiện của Giáo Hội đồng thời hiểu được cả nỗi yếu hèn của rất nhiều Kitô hữu.
Vấn Thế nhưng, cử chỉ xin tha thứ này của ĐTC về những lỗi lầm của Giáo Hội đã bị giằng co rất nhiều. Phải chăng đã có những thần học gia chống lại ý nghĩ xin lỗi này?
Đáp Tôi nhớ là tôi đã nói chuyện với một vị giám mục rất hăng say làm việc mục vụ. Vị giám mục này sợ rằng báo chí đời sẽ lạm dụng cử chỉ này để tố cáo Giáo Hội và tác hại Dân Chúa. Tôi đã trả lời vị giám mục ấy là cần phải cắt nghĩa rõ ràng cho dân chúng biết về ý nghĩa của cử chỉ này. Đức Giáo Hoàng không phải chỉ nói: Tôi xin tha thứ. Song Ngài nói: Tôi tha thứ và Tôi xin được thứ tha, vì Giáo Hội cũng đã chịu nhiều đau khổ cùng rất nhiều những lời vu khống phạm đến Giáo Hội. Bởi thế, cần phải chú ý tới hai khía cạnh này. Tuy nhiên, khi vấn đề liên quan tới Kitô hữu, những người đã lỗi phạm và để lại vết tích trong giòng lịch sử, thì cần xét lại lương tâm, chẳng những vì người ta phải nghĩ đến những nạn nhân, nhận thức rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể sửa chữa sự dữ xẩy ra, mà còn, theo tôi nghĩ, vì ký ức của thành phần nạn nhân, ở chỗ con cháu của họ vẫn còn chịu những hậu quả của những gì xẩy ra trước đó. Như thế, cần phải quyết tâm là trong tương lai những lầm lỗi này sẽ không còn xẩy ra nữa. Nó phải là một bài học cho tương lai.
Vấn Cụ thể chẳng hạn như là chiến tranh tôn giáo không được xẩy ra nữa phải không?
Đáp Chính thế. Đây là một vấn đề rất hay. Những tàn phá lớn lao nhất trong lịch sử Âu Châu phải kể đến những cuộc chiến tranh về tôn giáo một phần là do phong trào Minh Tri chủ trương rằng: Sự kiện Kitô hữu chiến đấu chống nhau là vì những khác biệt dẫn đến chỗ cuồng tín. Đó là lý do tại sao họ muốn tìm một bình diện là nơi có thể diễn ra thỏa ước, và bình diện này là trí khôn thuần túy loài người. Chiều hướng lập luận này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ sinh chủ nghĩa duy lý tân thời. Những sử gia đã giúp cho chúng ta thấy được rằng thường việc tranh luận tôn giáo về những cuộc chiến này là bình phong che khuất quyền lực trần thế. Các ông hoàng thường sử dụng Giáo Hội cho những lợi lộc của quyền lực. Điều này bắt buộc Kitô hữu phải sâu xa kiểm xét lại lương tâm của họ. Đối với tôi, giai đoạn Công Đồng Chung Vatican II tuyên bố về quyền tự do tôn giáo là một giai đoạn rất minh thức, ở chỗ, sự thật chỉ được bênh vực bằng sự thật. Chúng đã phải chờ đợi bao thế kỷ mới nói được những lời như thế.
Vấn Thế nên Giáo Hội không được sợ hãi trong việc công nhận một số lầm lỗi nào đó, vì cuối cùng sự thật sẽ sáng tỏ phải không?
Đáp Phải, sự thật bao giờ cũng thắng. Chúng ta biết rằng mầu nhiệm Kitô hữu là mầu nhiệm tình thương Thiên Chúa đến để chữa lành các tội lỗi của con người. Bởi vậy, việc nhìn nhận lỗi lầm của mình cũng là một chứng từ cho sự thật cơ bản này và là những gì không làm suy yếu Kitô giáo.
Tôi nghĩ sự thật là một quyền lực, là một sứ điệp hy vọng chứ không phải sứ điệp bạo lực. Cần phải đọc lại những bản văn viết các lời cầu nguyện của những vị hồng y, những lời cầu nguyện rất sâu xa về ý nghĩa và là những lời cầu nguyện bắt chúng ta phải suy nghĩ.
Một thời điểm rất quan trọng khác trong Năm Thánh cần phải được thấy chung với ngày thứ tha này đó là ngày tôn kính các vị tử đạo của thế kỷ 20. Khi chúng ta cần phải xin tha thứ và chúng ta làm như thế là vì có người gây cho Giáo Hội bị mang tiếng làm gương mù gương xấu, một thứ gương mù gương xấu là phản lại việc làm chứng. Ơn gọi của Kitô hữu bao gồm cả việc tử đạo như là một hình thức làm chứng cao cả hơn. Tất cả mọi Kitô hữu đều phải làm chứng. Thế nên cần phải nhìn hai ngày này chung với nhau.
Vấn Đức Giáo Hoàng này thật sự đã thực hiện một kiệc tác bằng chương trình mừng Năm Thánh sâu xa…
Đáp Đúng thế, việc kết thúc Năm Thánh cũng gây nên nơi tôi một tác dụng mạnh mẽ. Mới đầu người ta nghĩ rằng Vị Giáo Hoàng này đã phô trương mình quá nhiều trong cả Năm Thánh, Cuộc Mừng là một thứ phong thần cho giáo triều của Ngài, và cuối cùng thì vị Giáo Hoàng này sẽ nghỉ ngơi ngắm nhìn công trình của mình.
Thế nhưng, vào cuối lễ Hiển Linh 6/1/2001 là ngày bế mạc Đại Năm Thánh, Vị Giáo Hoàng này lại thôi thúc Giáo Hội hãy bắt đầu lại một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa. Các văn kiện “Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba” và “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ” là hai văn kiện nồng cốt. Ở văn kiện thứ hai được ban hành vào cuối Năm Thánh, vị Giáo Hoàng này đã đề ra tất cả một chương trình thực hiện một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa, và nói rằng điều kiện tiên quyết cho việc tân truyền bá phúc âm hóa này là đức thánh thiện và đời cầu nguyện. Đó là hai cột trụ chính.
Người ta có thể thấy rằng sau Năm Thánh, vị Giáo Hoàng này đã tiếp tục phác họa tương lai cho Giáo Hội bằng một lý lẽ rất sâu xa, với tông thư về kinh mân côi thánh cũng như với bức thông điệp “Ecclesia de Eucharistia”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
ĐGH Gioan Phaolô II: “Một nỗ lực cả thể đem lịch sử thoát ra khỏi tình trạng trì trệ của nó”
ĐHY Jaime Ortega Alamino, TGM thủ đô Havana nước Cuba đã bày tỏ nhận định của mình về giáo triều 25 năm của ĐTC Gioan Phaolô II qua cuộc phỏng vấn của Đài Truyền Thanh Truyền Hình Tây Ban Nha như sau:
Vấn Thưa ĐHY, ngài có thể đưa ra một thẩm định về vai trò giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II hay chăng?
Đáp Không thế nào trong vòng vài phút lại có thể nói về một giáo triều ngoại thường của Đức Gioan Phaolô II, một vị Giáo Hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử, một vị được chứng kiến thấy nhiều nhất, vị đã đi khắp thế giới với trên 100 chuyến tông du tới các xứ sở khác nhau, vị có những sứ điệp, thông điệp, bài giảng và huấn từ được phổ biến đầy trong những sách vở; một vị Giáo Hoàng sâu xa tư tưởng, cao cả tấm lòng, một con người cầu nguyện đồng thời dấn thân hoạt động không ngừng, thắng vượt những trở ngại về bệnh tật, về nỗi đớn đau phần xác, và những niềm sầu đau phải chịu với tư cách là một vị Cha chung trước những sự dữ đang hánh hạ con người nam nữ ngày nay.
ĐGH Gioan Phaolô II sẽ đi sâu vào lịch sử như là một tay chiến đấu, như là một chứng nhân mạnh mẽ can trường của Chúa Kitô trong một giai đoạn thế giới bị rơi vào bẫy sập của những ý hệ sai lầm. Tình trạng rối mù này phát xuất chính yếu từ cái bại hoại và hoài nghi của một giai đoạn Chiến Tranh Lạnh kéo dài đã gây ra một thứ tâm trạng dửng dưng đầy tính toán nơi các thế hệ mới lớn.
Đức Gioan Phaolô II đã không ngừng loan báo cho thế giới Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã không thôi đương đầu với bức tường dửng dưng trước cảnh đói khổ và dinh dưỡng tồi tệ của rất nhiều con người ta, không thôi nói lên hoạt động tán phá của nghèo khổ, hạn hán, hội chứng liệt kháng tử AIDS, nhất là ở Phi Châu.
Ngài đã không ngừng thức tỉnh lương tâm của thành phần hoan hưởng trên trái đất này hãy kết đoàn với thành phần vô sản trên thế giới. Các vị giáo hoàng bao giờ cũng nói theo bình diện thế giới, nhưng Đức Gioan Phaolô II đã làm như thế với một thế giới đang ở trong tiến trình toàn cầu hóa, thông đạt với nhau bằng kỹ thuật nhưng lại thiếu mất sự thông đạt trọng yếu về nhân bản và tình đoàn kết.
Giáo triều của Đức Gioan Phaolô II là một nỗ lực cả thể trong việc làm cho lịch sử thoát khỏi tình trạng trì trệ của nó.
Vấn Đức Gioan Phaolô II đã đóng góp những gì cho giáo huấn của Giáo Hội về xã hội?
Đáp Chúng ta hãy bắt đầu khi xác định rằng đã có một tự điển được phát hành về giáo huấn xã hội của Đức Gioan Phaolô II; vì nhiều trích dẫn liên tục về những khía cạnh khác nhau nơi giáo huấn của Giáo Hội về xã hội được lấy chẳng những từ các bức thông điệp chính của Ngài, như “Centesimus Annus” hay “Sollicitudo Rei Socialis”, mà còn từ nhiều bài diễn từ, bài giảng cũng như những lời nói khác của Ngài.
Thế giới thường nghe thấy một thứ ngôn từ về con người và xã hội chú trọng tới các thứ quyền lợi cá nhân, về tự do và về dân chủ mà ít có hay chẳng có ám chỉ gì tới việc phân phối công bằng chính đáng về tình trạng phú túc hay về việc chăm sóc xã hội cho thành phần công dân cả. Song vấn đề đực nhấn mạnh nhắm vào việc chia sẻ các thứ sản vật của mặt đấy này cũng như vào việc đạt tới một thứ công bằng xã hội sâu rộng. Tuy nhiên, trên thực tế, các thứ quyền lợi cá nhân lại bị cướp đoạt và thẩm quyền quốc gia thi hành chương trình xã hội của mình.
Học thuyết xã hội của Giáo Hội là một học thuyết tích hợp, và dự phóng của học thuyết này có thể được tóm gọn nơi những lời ĐGH Gioan Phaolô II giảng ở Công Trường Cách Mạng ở thủ đô Cuba Havana ngày 25/1/1998: “Đối với nhiều guồng máy chính trị và kinh tế thịnh hành ngày nay thì cái thách đố lớn nhất vẫn là làm sao có thể hòa hợp tự do với công bình xã hội, tự do với tình đoàn kết, nhờ đó không đẩy một trong những yếu tố này xuống hàng thứ yếu. Trong mối liên kết này, học thuyết xã hội của Giáo Hội muốn soi sáng và dung hòa những mối liên hệ giữa các thứ quyền lợi bất khả thay thế với các nhu cầu của xã hội, nhờ đó con người đạt được những ước vọng sâu xa nhất của mình cũng như đạt được tầm vóc thành toàn trọn vẹn”.
Vấn Đức Gioan Phaolô II đã đóng vai trò như thế nào trong tiến trình lịch sử thời hậu Chiến Tranh Lạnh?
Đáp Từ khi chấm dứt Chiến Tranh Lạnh, thế giới có khuynh hướng ứ đọng. Có những người đã nói đến việc kết thúc lịch sử. ĐGH Gioan Phaolô II đã làm sinh động giai đoạn chuyển tiếp từ cuối thiên kỷ này sang đầu thiên kỷ kia bằng những tác lực tiềm tàng của Phúc Âm. Ngài kêu gọi Kitô hữu thực hiện một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa thế giới và mời gọi tất cả mọi dân tộc hãy mở cửa của họ cho Chúa Giêsu Kitô.
Trong tiến trình lịch sử thời Chiến Tranh Lạnh ở Đông Âu, ở Cuba cũng như ở hết mọi phần đất trên thế giới, vị Giáo Hoàng này đã không thôi kêu gọi đối thoại như đường lối để giải quyết những vấn đề xung khắc, thậm chí Ngài còn kêu gọi hòa giải và thứ tha nữa. Thế rồi, trước những thách đố lớn lao về kinh tế làm ảnh hưởng tới đời sống xã hội của các dân tộc, vị Giáo Hoàng này kêu gọi tình đoàn kết ở chỗ chú trọng tới thành phần hèn yếu nhất.
Vấn Ngài thẩm định ra sao về chuyến viếng thăm Cuba của Đức Gioan Phaolô II?
Đáp Đó là một trong những cuộc viếng thăm được vị Giáo Hoàng này và thế giới mong đợi nhất, và là một cuộc viếng thăm được giới truyền thông theo dõi nhất. Đối với nhiều người chú trọng tới khía cạnh chính trị thì cuộc viếng thăm này là cuộc gặp gỡ giữa Đức Gioan Phaolô II và Tổng Thống Fidel Castro, và đối với những người khác thì chuyến viếng thăm này như là một hiện diện của vị đại diện thượng thặng nhất về các giá trị của đức tin Kitô giáo nơi một xứ sở thuộc nguyên quĩ đạo Cộng sản. Các quan sát viên mong mỏi thấy được những đổi thay về chính trị.
Đây là chuyến tông du mục vụ được vị Giáo Hoàng này và người Công Giáo Cuba hằng mong đợi, một cuộc gặp gỡ Vị Chủ Chiên hoàn vũ với đoàn chiên sống ở Cuba, để rồi Đức Giáo Hoàng đã đến, Ngài đã củng cố các vị giám mục về sứ vụ của các vị, Ngài đã gặp gỡ các gia đình và giới trẻ, gặp gỡ các bệnh nhân cũng như giới văn hóa, và Ngài đã để lại một vệt sáng cùng với niềm hy vọng nơi những người Công Giáo Cuba cũng như nơi quốc gia của chúng tôi nói chung, nhờ đó Giáo Hội chúng tôi một niềm phấn khởi mới lâu bền trong việc thi hành sứ vụ của mình. Vị đó là những mong đợi của chúng tôi mà những mong đợi ấy đã được toại nguyện rất nhiều. Còn những mong đợi kiểu chính trị đều không thành đạt vì không có căn cơ chính đáng.
Vấn Đức Gioan Phaolô II sẽ để lại cho vị thừa kế Ngài những vấn đề rắc rối nào?
Đáp Mỗi một giai đoạn đều có những vấn đề rắc rối của nó và những gì xẩy ra hiện nay cho thấy điều ấy, ngày mai lại được biển chuyển bởi những hoàn cảnh khác. Vị Giáo Hoàng tới đây cũng sẽ có ơn Chúa để nói lên những vấn đề rắc rồi Ngài phải đương đầu hay những vấn đề rắc rối xuất phát trong giáo triều của Ngài; thế nhưng, những vấn đề rắc rối ấy hiện nay không thể diễn tả được, vì mỗi vấn đề rắc rối đều lệ thuộc vào thời điểm nó xẩy ra.
Vấn Đức Gioan Phaolô là một vị Giáo Hoàng hiển thị nhất. Ngài đã nới rộng biên cương bờ cõi của Giáo Hội tới tận cùng trái đất. Thế nhưng giáo huấn về luân lý của Ngài đã bị Tây phương chống đối hay coi thường. Phải chăng Giáo Hội Công Giáo đang được nhận thấy như là một thứ Giáo Hội nghiêm ngặt về lãnh vực luân lý, bởi thế, là một Giáo Hội của thành phần thiểu số?
Đáp Chúng ta đừng quên rằng giáo huấn luân lý của vị Giáo Hoàng này trước hết bao gồm việc yêu thương phục vụ tha nhân của mình, chống lại cái tôi cá nhân hay phái nhóm, và liên lỉ kêu gọi tình đoàn kết. Luân lý Kitô giáo cũng đang gặp khó khăn nơi những khía cạnh này. Chúng ta đừng hạ thấp luân lý xuống tầm mức tính dục, tới mối liên hệ hôn nhân. Thế giới của chúng ta không phải là một thế giới gian ác; nó không phủ nhận một số tín lý về luân lý vì nó đã chọn sự dữ hay bại hoại; trái lại, nó là một thế giới mỏng dòn hèn yếu, con người nam nữ ngày nay đã dìm mình vào một thực tại đầy những cảm giác thu hút họ.
Theo những giải thích về thống kê hay tâm lý liên quan đến những gì là đúng hay khả chấp, người ta thấy có một sự mất mát về những gì là chân thực. Chúng ta đang đứng trước một con người thực sự được thông tín rất nhiều, nhưng lại rất ít được trau luyện. Con người không thể im lặng trước cuộc khủng hoảng này. Sự thật cần phải được lập đi lập lại, cho dù có được ít người chấp nhận, thậm chí không nhiều thì ít bị họ phủ nhận những đòi buộc của nó.
Bao giờ cũng chỉ có một số ít hoàn toàn chấp nhận sứ điệp của Chúa Giêsu cùng với những đòi buộc của sứ điệp này trong đời sống xã hội, chính trị, gia đình và cá nhân. Giáo Hội luôn tác hành như một người quăng một cục đá vào những mặt nước ao tù để tạo nên một biến động vòng tròn qui tâm lan tỏa từ nội tại ra mặt nổi bên ngoài. Những vòng nhỏ gần điểm tác động lãnh nhận được biến động này hoàn toàn hơn, nhưng tầm ảnh hưởng của biến động này cũng lan đến cả biên giới của vòng biến động nữa.
Vị Giáo Hoàng này đã biết được điều ấy, Ngài đã tác hành như thế, và Giáo Hội sẽ tiếp tục tác hành như vậy nữa. Đó là kiểu cách nơi những dụ ngôn của Chúa Giêsu: hạt cải làm phát sinh ra một bụi cây lớn, một dúm men làm dậy lên khối bột. Sứ điệp của Chúa Giêsu bao giờ cũng là một sứ điệp tác động nơi một thiểu số và là một tác động có tầm ảnh hưởng chung.
Vấn Wojtyla đã biến đổi hình ảnh của vị Giáo Hoàng này. Vị thừa kế Ngài cần phải có những đặc tính nào?
Đáp Những đặc tính xứng hợp với con người linh mục của Ngài, với linh đạo của Ngài, với cách làm mục tử của Ngài. Không ai có thể bắt chước được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và không ai sẽ cố gắng thực hiện điều này. Vai trò giáo hoàng thông suốt của Đức Piô XII hầu như bất khả thay thế và Đức Gioan XXIII đã làm cho giáo triều của Ngài có tính cách giản dị và giao cảm. Vị kế thừa Đức Gioan Phaolô II sẽ là vị rất khác với Ngài, thế nhưng tôi dám chắc là vị ấy bao giờ cũng là con người Thiên Chúa muốn sử dụng cho một thời điểm đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội cũng như lịch sử nhân loại.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 24/11/2003
ĐTC Gioan Phaolô II đã có công tạo dựng nên một mối liên hệ mới giữa Do Thái giáo và Công giáo
Tôn sư trưởng Do Thái giáo ở Rôma, Riccardo di Segni, đã đối đáp với Zenit khi kết thúc cuộc mừng ngân khánh giáo hoàng của ĐTC Gioan Phaolô II, một cuộc đối đáp được Zenit phổ biến vào ngày 31/10/2003 như sau. Vị tôn sư trưởng này sinh năm 1949, có gia đình, với 3 người con, đang làm chuyên viên quang tuyến ở bệnh viện Thánh Gioan ở Rôma, và vừa lên làm tôn sư trưởng Do Thái giáo ở Rôma năm ngoái, thay cho tôn sư Elio Toaff đã giữ vai trò này 50 năm trời. Theo vị tân tôn sư trưởng này thì “Chưa từng có một vị Giáo Hoàng nào trong lịch sử đã nuôi dưỡng được những mối liên hệ tốt đẹp như thế giữa Do Thái giáo và Giáo Hội Công giáo như Đức Gioan Phaolô II. Theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi thấy rằng chúng tôi đang ở trước những trạng huống lịch sử bất thường của Giáo Hội cũng như của những mối liên hệ Giáo Hội này tỏ ra đối với cộng đồng Do Thái”.
Vấn: Đức Gioan Phaolô II đã thay đổi những liên hệ với Do Thái giáo ở những cách thức nào?
Đáp: Theo lịch sử, vốn có những trục trặc khác nhau nơi cuộc đối thoại giữa người Do Thái giáo và Kitô giáo, nhất là những tổn thương liên quan đến những người Do Thái. Qua các thế kỷ, chúng tôi đã nhận thấy rằng đó là một thứ thiếu tin tưởng nung nấu bởi những ý hệ và những cổ tục. Kiểu cách đối xử với những thứ khác biệt của Do Thái giáo này đã được hạ màn nhờ một loạt những tác động của Đức Gioan Phaolô II, những tác động mạnh mẽ còn hơn các bài diễn từ của ngài. Tôi muốn nói đến đặc biệt việc vị Giáo Hoàng này viếng thăm Hội Đường Rôma cũng như đến việc Ngài viếng thăm Bức Tường Phía Tây ở Giêrusalem. Đức Gioan Phaolô đã cất đi những thái độ khinh khi và đã thiết lập một mối liên hệ đặt trên căn bản tôn kính và qúi trọng nhau.
Vấn Có nhiều giá trị chung giữa những người Do Thái và Kitô hữu
Đáp Nó phát xuất từ sự kiện là hai tôn giáo này có nguồn gốc của mình nơi Thánh Kinh. Truyền thống Thánh Kinh nhấn mạnh tới tầm quan trọng của phẩm vị và sự sống con người, tới cảm quan cho rằng cuộc sống phải có một lý tưởng, tới cảm quan về tình đoàn kết xã hội. Những giá trị căn bản này, những giá trị Thánh Kinh sâu xa và là của chung người Do Thái lẫn Kitô hữu. Theo quan điểm này thì hai thế giới ấy bao giờ cũng đã đi với nhau, thậm chí còn mật thiết với nhau, thường ở trong một lãnh vực đạo hạnh.
Vấn Ngài thẩm định ra sao về giáo triều của Đức Gioan Phaolô II?
Đáp Đây là một giáo triều tích cực, mặc dù vẫn còn những khía cạnh rắc rối về lãnh vực thần học. Với giáo triều này chúng ta thật sự đã tiến tới chỗ hoàn toàn tôn trọng phẩm vị con người cũng như tôn trọng các truyền thống tôn giáo, thế nhưng về nhiều vấn đề khác vẫn còn cần phải bàn luận.
Vấn Ngài cho giáo triều này sáng giá tới đâu?
Đáp Đức Gioan Phaolô II đã có thể cống hiến một hình ảnh thật tích cực về công việc của Ngài cũng như về những gì Giáo Hội thực hiện. Tôi không biết tín hữu chấp nhận những lời huấn dụ của Ngài bằng một cảm quan đầy đủ về trách nhiệm tới đâu.
Vấn Ngài nói vậy có nghĩa là gì?
Đáp Đa số dân chúng không ngớt khen ngợi vị Giáo Hoàng này, vị có một ảnh hưởng to lớn về bản thân mình, một ảnh hưởng về truyền thông đến nỗi ngài đã từng chịu đau khổ; khả năng lôi cuốn hằng triệu người theo các hoạt động của ngài. Thế nhưng tôi không biết điều này có thể đổi thay hành vi cử chỉ của dân chúng bao nhiêu. Chẳng hạn, tôi không biết có bao nhiêu người đồng ý với việc ngài chống lại vấn đề ly dị, hay việc ngài chống lại một số hình thức tác hành dục tính như được luân lý Công giáo nói đến.
Vấn Vấn đề bênh vực sự sống, chống lại việc trợ an tử, bênh vực phẩm giá con người và các thứ quyền lợi của con người, là những vấn đề ngài thiết tha.
Đáp: Về việc chống lại vấn đề trợ an tử, chúng tôi chủ trương giống Giáo Hội Công giáo. Thế nhưng chúng tôi có những chủ trương khác với những gì những người Công giáo hiểu về việc bênh vực sự sống. Không phải vì chúng tôi không bênh vực thai nhi, nhưng theo thần học Do Thái giáo, vấn đề bắt đầu sự sống được qui định theo pháp lý về tiêu chuẩn khác với những gì Giáo Hội Công giáo truyền dạy, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng những gì Giáo Hội này xác nhận. Bởi thế, những chủ trương về giáo điều không phải bao giờ cũng đồng nhất với nhau. Chúng tôi hết lòng tôn trọng các thứ quyền làm người cũng như các thứ quyền lợi của con người.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu của Zenit ngày 31/10/2003
ĐTC Gioan Phaolô II: một vị Giáo Hoàng nội tâm hoạt động
Màn điện toán Zenit hôm 23/10/2003 loan tin từ Rôma cho hay ĐHY TGM Vienna Áo Quốc là Christoph Schưnborn, vị đã ở trong ban soạn thảo Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo trước đây, cho rằng không thể nào hiểu được hoạt động của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nếu không xét đến đời sống cầu nguyện tha thiết của Ngài.
Vào lúc kết thúc Thánh Lễ tại Trung Tâm Giới Trẻ Lawrence của Tòa Thánh ở Rôma, vị HY TGM này cho biết giờ đây khi mà thể xác của Ngài hiển nhiên trở nên suy yếu thì “mầu nhiệm về con người ĐTC, nguồn mạch tạo nên tất cả hoạt động của Ngài, đã được tỏ lộ”. Trong vòng 25 năm qua, “Giáo Hội đã phát triển biên giới của mình”, làm cho hết mọi ngõ ngách thế giới thấy được sự hiện diện của Giáo Hội. “Bằng gương sáng của mình, ĐTC đã cho chúng ta thấy rằng, không có một đời sống nội tâm sâu xa, không thể nào hoàn tất bất cứ việc nào hay bất cứ một nỗ lực về xã hội nào cần phải thực hiện trong xã hội của chúng ta. Hiện nay chúng ta thấy có một cuộc tái sinh về đời sống thiêng liêng được ĐTC phấn khích đã lâu bằng chứng từ cuộc sống của Ngài. Ngài là một con người cầu nguyện, một con người sống một cuộc sống thiêng liêng sâu xa, một cuộc sống được tỏ hiện chỉ cần qua việc hiện diện của Ngài, và là một đời sống cũng làm cho dân chúng thuộc các tôn giáo khác khâm phục”.
Về vấn đề đối thoại liên tôn, Vị HY/TGM tiếp tục nhận định là ĐTC đã góp phần vào việc hiểu biết liên tôn, như “được thể hiện nơi những cuộc hội ngộ ở Assisi. Trong một thế giới toàn cầu hóa của chúng ta đây thì việc đối thoại giữa các tôn giáo khác nhau là con đường duy nhất dẫn tới hòa bình mà thôi”.
Về vấn đề đại kết, vị HY người Áo này cho biết ĐTC “không ngừng dồn lực để tìm một đường lối nhanh chóng dẫn đến mối hiệp nhất Kitô giáo. Vô số những chuyến tông du đến các xứ sở như Romania, Bulgaria, Hy Lạp, Georgia và Armenia đã đạt được nhiều thắng lợi, mở ra một giai đoạn quan trọng trong những mối liên hệ với Giáo Hội Chính Thống”.
Về vấn đề liên hệ với giới truyền thông, ĐTGM thủ đô Áo quốc nhận định là không phải bao giờ cũng dễ dàng: “Thật là lạ lùng khi thấy rằng trong giáo triều 25 năm của mình, Ngài vẫn giữ được cái chú trọng của tất cả mọi giới truyền thông. Tôi nghĩ rằng đó là một hiện tượng thật là bất thường ở thời đại chúng ta khi mối liên hệ với giới truyền thông vẫn giữ được ở mức độ chú trọng như thế. Tại sao lại có quá nhiều giới truyền thông khắp thế giới đến tham dự cuộc mừng kỷ niệm ngân khánh giáo hoàng này của Ngài nhỉ?”
Bài giảng mừng ngân khánh giáo hoàng:
“Nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô”
1. “Misericordias Domini in aeternum cantabo – Lạy Chúa, tôi sẽ muôn đời ca ngợi tình yêu bền vững của Chúa” (Ps 88:1). 25 năm trước đây Tôi đã cảm nghiệm được tình thương thần linh một cách đặc biệt. Trong cuộc mật nghị hồng y bầu giáo hoàng ấy, giữa Hồng Y Đoàn, Chúa Kitô cũng đã nói với Tôi, như Ngài đã nói cùng Thánh Phêrô trên bở Hồ Gennesaret: “Con hãy chăn chiên của Thày” (Jn 21:16).Tôi cảm thấy trong linh hồn Tôi âm vang của câu hỏi được Người đặt ra cho Thánh Phêrô: “Con có yêu mến Thày hơn những người này hay chăng?” (x Jn 21:15-16). “Nói theo loài người thì làm sao Tôi lại không rùng mình chứ? Làm sao một trách nhiệm to tát như thế lại không dè xuống trên mình Tôi chứ? Tôi đã phải tin tưởng vào tình thương thần linh để khi được hỏi ‘ngài có chấp nhận hay chăng?’, Tôi mới có thể tin tưởng đáp rằng: ‘Tuân phục đức tin, trước Đức Kitô là Chúa của mình, phó mình cho Mẹ của Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, ý thức được những khó khăn to tát, Tôi xin chấp nhận’”
Hôm nay đây, anh chị em thân mến, Tôi hoan hỉ chia sẻ với anh chị em cảm nghiệm đã kéo dài cả một phần tư thế kỷ. Hằng ngày đã xẩy ra cùng một cuộc đối thoại trao đổi giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô trong tâm khảm của Tôi. Tâm linh của Tôi nhìn lên ánh mắt từ ái của Chúa Kitô phục sinh. Thiên Chúa, dù biết được nỗi mỏng dòn yếu đuối loài người của Tôi, đã thúc giục Tôi đáp lại bằng đức tin như Thánh Phêrô: ‘Lạy Chúa, Chúa biết tất cả mọi sự, Chúa biết rằng con yêu mến Chúa’. Bởi đó Ngài kêu gọi Tôi hãy lãnh nhận trách nhiệm Ngài đã trao phó cho Tôi.
2. ‘Vị mục tử nhân lành hiến mạng sống mình cho chiên’ (Jn 10:11). Khi Chúa Giêsu tuyên bố những lời này thì các tông đồ không hiểu được rằng Người đang nói về chính bản thân Người. Ngay cả người tông đồ ưu tú Gioan cũng không biết. Ngài đã hiểu được lời này trên đồi Canvê, dưới chân thập giá, khi thấy Người hiến sự sống mình một cách lặng lẽ cho ‘chiên của Thày’.
Khi đến lúc ngài và các tông đồ khác phải sống cùng một sứ vụ này, các vị mới nhớ lại những lời Người phán. Các vị đã nhận ra rằng, chỉ vì Người đã bảo đảm với các vị rằng chính Người sẽ hoạt động qua các vị mà các vị mới có thể hoàn thành sứ vụ của các vị mà thôi.
Vị đặc biệt ý thức được điều này là Thánh Phêrô, ‘chứng nhân cho những khổ đau của Chúa Kitô’ (1Pt 5:1), người đã kêu gọi các vị trưởng lão của Giáo Hội ‘Hãy chăn đàn chiên của Chúa theo trách nhiệm của mình’ (1Pt 5:2).
Qua các thế kỷ, những người thừa kế cho các vị tông đồ, được Thánh Linh dẫn dắt, đã tiếp tục qui tụ đàn chiên của Chúa Kitô lại và dẫn chúng về Nước Trời, ý thức được rằng họ chỉ có thể lãnh nhận một trọng trách như thế là ‘nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô’.
Tôi đã ý thức được chính điều ấy khi Chúa gọi Tôi thi hành sứ vụ Thánh Phêrô nơi thành đô Rôma yêu dấu này để phục vụ toàn thế giới. Từ khi bắt đầu giáo triều của mình, tư tưởng của Tôi, việc Tôi cầu nguyện và hoạt động đều được tác động bởi một ước muốn duy nhất, đó là làm chứng rằng Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, đang hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội. Ngài đang liên lỉ tìm kiếm từng con chiên lạc, dẫn nó về đàn chiên, băng bó các vết tích cho nó; chăm lo cho các con chiên yếu đuối và bệnh nạn, cunõng như bảo vệ các con khỏe mạnh. Đó là lý do tại sao, ngay từ ngày đầu tiên, Tôi đã không ngừng lập lại lời khuyến dụ: ‘Đừng sợ tiếp đón Chúa Kitô và chấp nhận quyền bính của Người!’ Hôm nay đây, Tôi xin khẳng khái lập lại là: ‘Hãy mở ra, mở hơn nữa, mở rộng cửa cho Chúa Kitô!’ Hãy để cho Người hướng dẫn anh chị em! Hãy tin tưởng vào tình yêu của Người!
3. Bắt đầu giáo triều của mình, Tôi đã kêu gọi: ‘Hãy giúp đỡ vị Giáo Hoàng này cũng như giúp cho tất cả những ai muốn phục vụ Chúa Kitô, phục vụ con người và phục vụ toàn thể nhân loại!’. Trong khi cùng với anh chị em dâng lời tạ ơn Chúa về 25 năm này, một giai đoạn đầy những xót thương của Ngài, Tôi đặc biệt cảm thấy cần phải bày tỏ lòng biết ơn của Tôi đối với anh chị em ở Rôma cũng như trên toàn thế giới, những người đã đáp ứng và tiếp tục đáp ứng bằng những cách khác nhau lời Tôi kêu gọi giúp đỡ. Chỉ có một mình Thiên Chúa biết được bao hy sinh, nguyện cầu và chịu đựng được dâng lên Ngài để hỗ trợ Tôi trong việc Tôi phục vụ Giáo Hội. Biết bao nhiêu là thiện chí và quan tâm, bao nhiêu là dấu hiệu hiệp thông vây bọc Tôi hằng ngày. Chớ gì Thiên Chúa lòng lành trả công bội hậu cho tất cả mọi người! Tôi xin anh chị em yêu dấu đừng ngưng lại việc làm yêu thương cao cả này đối với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô. Một lần nữa Tôi xin anh chị em: Hãy giúp đỡ vị Giáo Hoàng này cũng như giúp cho tất cả những ai muốn phục vụ Chúa Kitô, phục vụ con người và phục vụ toàn thể nhân loại!
4. Lạy Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử duy nhất của Giáo Hội,
con xin dâng lên Chúa những hoa trái của 25 năm con thi hành
thừa tác phục vụ dân Chúa đã được Chúa trao phó cho con.
Xin hãy thứ tha những sự dữ đã vấp phạm và hãy tăng thêm các sự thiện hảo:
hết mọi sự đều là việc làm của Chúa và vinh quang chỉ thuộc về một mình Chúa.
Đầy lòng tin tưởng vào tình thương của Chúa,
Con lại xin dâng lên Chúa, hôm nay đây một lần nữa, những người qua những tháng năm trước đây
Chúa đã ủy thác cho việc chăm sóc mục vụ của con.
Xin Chúa hãy gìn giữ họ trong yêu thương, qui tụ họ lại về chuồng chiêncủa Chúa,
Chúa hãy vác trên vai Chúa con chiên yếu đuối,
Băng bó cho con bị thương tích, chăm sóc cho con khỏe mạnh.
Chúa là mục tử của họ nhờ đó hô không bị phân tán.
Xin Chúa hãy bảo vệ Giáo Hội yêu dấu ở Rôma,
Và các Giáo Hội trên khắp thế giới.
Xin hãy làm thấm nhiễm ánh sáng và quyền năng của Thần Linh Chúa
Vào tất cả những ai Chúa đã đặt làm thủ lãnh đàn chiên của Chúa:
Để họ mau mắn thi hành sứ vụ của một nhà lãnh đạo, bậc thày và thánh hóa nhân,
Trong khi đợi chờ ngày Chúa đến trong vinh quang.
Nhờ bàn tay của Mẹ Maria, Người Mẹ Yêu Dấu, con xin tái hiến dâng cho Chúa
bản thân con, hiện tại và tương lai:
Chớ gì hết mọi sự được nên trọn theo ý Chúa.
Hỡi Vị Mục Tử Tối Cao, xin hãy ở với chúng con,
để chúng con an bình tiến bước với Chúa về nhà Cha. Amen.Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 20/10/2003
Ðức Giáo Hoàng xem pháo bông mừng ngân khánhTheo tin của VIS (Vatican Information Service) phổ biến ngày 19/10/2003, sau 8 giờ tối một chút của Chúa Nhật 19/10, ĐTC Gioan Phaolô II đã làm cho nhiều người tụ họp ở Công Trường Thánh Phêrô bỡ ngỡ khi thấy Ngài xuất hiện ở cửa sổ phòng Ngài để xem pháo bông của Thành Phố Rôma thực hiện để mừng ngày ngân khánh giáo hoàng của Ngài. Cuộc bắn pháo bông này được phụ họa bởi nhạc điệu của bài “Missa pro Pace” được nhạc sĩ người Balan là Kilar Wojciech, sáng tác riêng cho ĐTC, một sáng tác được ca đoàn và ban đại hòa tấu National Philharmonic ở Warsaw trình diễn tại Vatican trước sự hiện diện của chính ĐTC hôm 7/12/2001.
Vào lúc kết thúc cuộc bắn pháo bông này, ĐTC đã nói với dân chúng rằng Ngài “hết sức thích thú xem pháo bông”. Ngài cám ơn thị trưởng thành Rôma về việc làm ấy cũng như cám ơn “thành Rôma yêu dấu về cảm tình đã bộc lộ cho Tôi thấy ngay cả qua hình thức này. Bởi thế Tôi chúc lành cho tất cả mọi người công dân Rôma. Chớ gì Chúa Kitô chúc lành cho tất cả mọi anh chị em!”.
Dân chúng tiếp tục vỗ tay và vẫy khăn, làm cho ĐTC trước khi rời chỗ coi pháo bông gần nửa tiếng đồng hồ “cầu chúc cho hết mọi người một buổi tối đẹp đẽ. Chúc anh chị em ngủ ngon”.
Người đã tiên đoán ĐHY Woijtyla làm giáo hoàngMột trong những người bạn của ĐTC đã tiên đoán Ngài sẽ làm giáo hoàng là linh mục Mieczyslaw Malinski. Thật vậy, trong Thánh Lễ được cử hành tại Đại Học Balan ở Rôma ngày 25/8/1978, ngay trước cuộc mật nghị bầu giáo hoàng lần thứ nhất ngày 26/8/1978. Vì ĐTC Phaolô VI qua đời ngày 6/8/1978 chưa có vị giáo hoàng nào thay thế ngài. Trong lời nguyện giáo dân, vị linh mục này đã xướng lên như sau: “Chúng ta hãy cầu xin để ĐHY Karol Wojtyla được bầu làm giáo hoàng”.
Hết mọi người thamdự thánh lễ bật ngửa ra. Sau giây phút lưỡng lự, cha Stanislaw Dxiwisz, bấy giờ là thư ký của ĐTGM Krakow, và Stanislaw Rylko, hiện là chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân, đã đáp bằng một giọng ái ngại: “Xin Chúa nhậm lời chúng con”. ĐHY Woityla chủ tế không thưa gì cả.
Vị linh mục tiên đoán này là bạn của ĐHY Wojtyla từ năm 1940 khi cả hai là phần tử nhóm “tràng kinh mân côi sống” của người thợ may Jan Tyranowski. Bấy giờ cả hai đã học ở chủng viện chui thời Nazi chiếm đóng Balan. Ngày nay, vị linh mục tiên đoán này đã 80 tuổi, thua vị giáo hoàng đương kim bạn của mình 3 tuổi, là cha sở Nhà Thờ Thánh Phanxicô Salêsiô ở Krakow, chuyên chú vào việc nghiên cứu học hỏi và ký sự. Vị linh mục này đã kể lại như sau.
Hôm ấy, khi được đi theo ĐHY Wojtyla đến dự một phiên họp ở Vatican, vị linh mục này đã nói với ĐHY rằng: “ĐHY sẽ làm giáo hoàng. Ai cũng biết rằng có ba vị ứng viên nổi tiếng người Ý là Sebastiano Baggio, Paolo Bertoli và Giovanni Benelli không thể nào được tuyển bầu làm giáo hoàng”.
ĐTGM Krakow đáp: “ĐHY Stephan Wyszynski đã bảo tôi rằng Đức Giáo Hoàng là người Rôma, bởi thế sẽ là một người Ý”.
Cha Malinski cự lại: “Tôi đã luôn nghĩ đến vị Giáo Hoàng đầu tiên là một người Do Thái”.
ĐTGM Wojtyla chiều ý mà rằng: “Đúng thế, cứ cho rằng ngài sẽ là một người ngoại quốc đi. Có thể là một người Mỹ, Pháp hay Đức”.
Vị linh mục vẫn chưa chịu: “Ngài không thể nào xuất thân từ một đại cường. Ngài phải xuất thân từ một quốc gia nhỏ bé, thậm chí một quốc gia chầu rìa”.
ĐHY Wojtyla liền đề nghị dứt khoát là “ĐHY Franz Kưnig người Áo chẳng hạn”.
Thế nhưng, câu chuyện không dễ chấm dứt ở đó, vị linh mục tiếp tục bày tỏ ý nghĩ của mình: “Ngài phải xuất thân từ một xứ sở nhỏ bé nhưng mạnh về Công giáo. Balan là xứ sở duy nhất không bị khủng hoảng sau Công Đồng Chung Vaticanô II mà thôi”.
Bấy giờ ĐHY Wojtyla không đỡ đòn nữa, vì chính ngài, theo tiểu sử của ngài cho thấy, đã phát động việc học hỏi và áp dụng giáo huấn Công Đồng Chung ở xứ sở Ngài nói chung và ở TGP Krakow của Ngài nói riêng.
Cha Malinski liền nói tiếp như nói với một người thứ ba nào đó: “Vả lại, ĐTGM Krakow không phải là người phong kiến, mà là một vị mục tử và trí thức, đã từng nổi tiếng trong Công Đồng Vaticanô II rồi ở cả các Cuộc Thượng Hội Giám Mục. ĐHY sẽ là vị giáo hoàng tới đây!”
Khi ĐHY Wojtyla bước ra khỏi cuộc mật nghị bầu giáo hoàng lần thứ nhất năm 1978, và vị trúng cử là ĐTC Gioan Phaolô I, ĐHY đã nói với cha Malinski rằng: “Sướng nhé. Người đã trêu ngươi tôi: ‘Ngài còn nói gì được nữa đây? Ngài còn lập luận gì nữa hay chăng?’”
Thế nhưng, cuộc mật nghị hồng y lần thứ hai năm 1978, vào tháng 10, sau cái chết bất ngờ của vị giáo hoàng 33 ngày với tên giáo hoàng kép đầu tiên, lần mật nghị, theo sử gia Weigel viết cuốn “Chứng Nhân Hy Vọng” cho biết, vị tân giáo hoàng đã tỏ ra hầu như bất bình thường trước biến cố bầu lần thứ hai này, cha Malinski không chịu đi Rôma nữa. Ngài đã vùi đầu vào sách vở của mình ở Munster, Đức quốc, nơi ngài đã nghe thấy lời cầu bất bình thường của mình đã được nhậm lời. Amen.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:
Cuộc Đời, Giáo Triều 25 Năm và Cảm Nhận Ngân Khánh
Tiểu Sử Cuộc Đời Vị Giáo Hoàng
Đức Hồng Y Karol Josef Wojtyla, được bầu làm giáo hoàng 25 năm trước đây, được sinh ra ở Wadowice, một thành phố nhỏ cách Krakow 50 cây số, vào ngày 18/5/1920. Ngài là người con trai thứ hai của ông bà thân sinh Karol Wojtyla và Emilia Kaczorowska.
Mẹ Ngài chết năm 1929 khi sinh người con thứ ba, người con bị chết lúc chào đời. Người anh của Ngài là Edmund là một bác sĩ, đã qua đời năm 1932, và thân phụ của Ngài, một viên sĩ quan, cũng đã qua đời năm 1941. Ngài đã xưng tội rước lễ lần đầu vào năm 9 tuổi và được thêm sức năm 17 tuổi. Ra trường trung học Martin Wadowita ở Wadowice, Ngài đã tiếp tục việc học ở Đại Học Jagiellonian ở Krakow vào năm 1938 và học cả về kịch nghệ. Khi các lực lượng Nazi của Đức đóng cửa đại học đường này năm 1939, Ngài đã phải đi làm lao công ở một hầm mỏ rồi ở một xưởng hóa chất ở Solvay để kiếm kế sinh nhai và khỏi bị đi đầy sang Đức.
Vào năm 1942, nhận thức được ơn gọi làm linh mục, Ngài bắt đầu học các khoa học ở chủng viện chui ở Krakow do ĐHY Adam Stefan Sapieha, TGM Krakow, thực hiện. Chính Ngài cũng là một trong những người đi tiên phong của “Khấu Trường Rhapsodic”, cũng là một hoạt động chui vào thời đó. Sau Thế Chiến II, Ngài tiếp tục việc học của Ngài ở đại chủng viện Krakow khi chủng viện này tái mở cửa, cũng như ở khoa thần học đại học Jagiellonian cho đến khi được thụ phong linh mục ở Krakow vào ngày Lễ Các Thánh 1/11/1946.
Sau đó ít lâu, ĐHY Sapieha đã gửi Ngài sang Rôma học, dưới sự hướng dẫn của một cha Dòng Đaminh người Pháp là linh mục Garrigou-Lagrange. Ngài đã lấy bằng tiến sĩ thần học năm 1948, với luận án về đức tin nơi các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá. Trong thời gian học ở Rôma, Ngài đã tận thi hành thừa tác mục vụ nơi những người Balan di dân sống ở Pháp, Bỉ và Hòa Lan. Ngài đã trở về Balan năm 1948 và làm phó xứ cho một số giáo xứ ở Krakow cũng như làm tuyên úy cho các sinh viên đại học cho đến năm 1951 là lúc Ngài lại tiếp tục việc học của Ngài về triết lý và thần học. Năm 1953, Ngài đã trình luận án “Thẩm Định về Việc Có Thể Thành Lập một Nền Đạo Lý Công Giáo theo Cấu Trúc Đạo Lý của Max Scheler” ở Đại Học Công Giáo Lublin. Sau đó Ngài đã làm giáo sư dạy luân lý thần học và đạo lý xã hội ở đại chủng viện Krakow và ở Khoa Thần Học Đại Học Lublin.
Vào ngày 4/7/1958, Ngài được ĐTC Piô XII bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Krakow, và được tấn phong giám mục ngày 28/9/1958, ở Vương Cung Thánh Đường Wawel, Krakow, bởi ĐTGM Baziak. Vào ngày 13/1/1964, Ngài được ĐTC Phaolô VI bổ nhiệm làm TGM Krakow, và được lãnh tước hồng y ngày 26/6/1967. Ngài đã tham dự hết mọi cuộc thượng hội giám mục từ khi thượng hội này được ĐTC Phaolô VI khởi xướng năm 1967. Đặc biệt là Ngài đã tham dự Công Đồng Chung Vatican II với việc hợp tác quan trọng qua đóng góp của Ngài vàp Hiến Chế Giáo Hội về Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng”.
Giáo Triều 25 Năm
Vào lúc 4 giờ 45 chiều ngày 14/10/1978, tức 10 ngày sau lễ an táng Đức Gioan Phaolô I, 110 vị hồng y cử tri và 88 người được chọn để giúp việc cho các vị tiến vào phòng mật nghị bầu giáo hoàng để tuyển chọn vị kế thừa Thánh Phêrô thứ 263 hay vị giáo hoàng thứ 264.
Vào lúc 6 giờ 18 phút chiều Thứ Hai 16/10, tức ba ngày sau, khói trắng đã bốc lên từ ống khói của Nguyện Đường Sistine, báo hiệu hồng y đoàn đã chọn được vị tân giáo hoàng. 27 phút sau, ĐHY Pericle Felici xuất hiện ở hành lang chính của Đền Thờ Thánh Phêrô để loan báo vị giáo hoàng đắc cử Gioan Phaolô II bằng những lời sau đây: "Annuntio vobis gaudium magnum Habemus Papam Carolum Wojtyla, qui sibi nomen imposuit Ioannem Paulum II."
Vào lúc 7:15 tối cùng ngày, vị tân giáo hoàng, trong bộ áo trắng truyền thống của giáo hoàng, xuất hiện cũng ở cùng hành lang và nói bằng tiếng Ý, những lời giờ đây cả chục triệu người trên thế giới đã quen thuộc: “Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô! Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta vẫn còn đang buồn thảm trước cái chết của vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô I rất yêu dấu. Và giờ đây các vị hồng y rất đáng kính đã chọn được một vị tân giám mục Rôma. Các vị đã chọn ngài từ một xứ sở xa xôi, … xa vời, thế nhưng bao giờ cũng gần gũi trong mối hiệp thông đức tin và truyền thống Kitô giáo. Tôi cảm thấy sợ hãi trong việc được tuyển chọn này, thế nhưng, với tinh thần tuân phục Chúa cũng như hoàn toàn tin tưởng vào Mẹ Rất Thánh của Người, Tôi đã chấp nhận. Tôi không biết Tôi diễn tả hoàn toàn theo ngôn ngữ Ý quốc của anh chị em, của chúng ta hay chăng. Song nếu Tôi vấp váp cách nào, xin anh chị em sửa cho Tôi. Bởi vậy Tôi tự giới thiệu mình với tất cả anh chị em, để tuyên xưng niềm tin chung của chúng ta, niềm hy vọng của chúng ta, niềm tin tưởng của chúng ta nơi người mẹ của Chúa Kitô và của Giáo Hội, cũng như để bắt đầu một lần nữa bước đi trên con đường này của lịch sử và của Giáo Hội, với ơn trợ giúp của Thiên Chúa và sự hỗ trợ của con người”.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Hồng Y Karol Wojtyla, TGM Krakow, được chọn làm vị Giáo Hoàng thứ 264 vào lần bỏ phiếu thứ hai trong ngày thứ hai của cuộc mật nghị bầu giáo hoàng lần thứ hai trong năm 1978. Bấy giờ vị tân giáo hoàng mới được 58 tuổi 5 tháng. Sáu ngày sau, Chúa Nhật 22/10/1978, Đức Tân Giáo Hoàng cử hành lễ đăng quang. Kể từ ngày 22/10/1978 đăng quang này cho tới 16/10/2003 giáo triều của Ngài được 9 ngàn 1 trăm 25 ngày. Giáo triều của Ngài dài thứ tư trong lịch sử Hội Thánh, sau Đức Lêô XIII 25 năm, 4 tháng và 17 ngày, sau Đức Piô IX 31 năm 7 tháng và 17 ngày, và sau Thánh Phêrô (từ năm 33 tới khi được tử đạo vào năm 66 hay 68, tức 33 năm hay 35 năm).
Trong 25 năm giáo triều của mình, Đức Gioan Phaolô II đã triệu tập 8 mật nghị để phong tước cho 201 vị hồng y. Nếu kể cả cuộc mật nghị lần 9 ngày 21/10/2003 thì Ngài đã phong tước hồng y cho tất cả 232 vị. Về phía các vị giám mục, trong số gần 4.200 vị, Ngài đã bổ nhiệm 3.300 vị tân giám mục. Ngài đã gặp gỡ từng vị vào dịp các vị sang viếng thăm tòa thánh ngũ niên. Ngài đã viết 14 bức thông điệp, 14 bức tông huấn, 11 bức tông hiến, 42 bức tông thư và 28 văn kiện Motu proprio cùng cả trăm sứ điệp và thư từ khác. Riêng để sửa soạn cho Đại NămThánh 2000, Ngài đã viết bức Tông Thư “Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba” đề ngày 10/11/1994 và ban hành sau đó 4 ngày. Ngoài ra Ngài còn thành lập một ủy ban sửa soạn cho Đại Năm Thánh này nữa, do ĐHY hồi hưu chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình làm đầu. Ngài đã chủ tọa 15 thượng hội giám mục, 6 thượng hội thường xuyên (1980, 1983, 1987, 1990, 1994 và 2001), một bất thường (1985) và 8 công hội đặc biệt nhất là các công hội giám mục thuộc năm châu lục (1980, 1981, 1994, 1997, 1998 hai dịp và 1999).
Ngài đã thực hiện 102 chuyến tông du ngoài Ý quốc, chuyến đầu tiên về Balan 6/1979, và chuyến cuối cùng đến Slovakia 9/2003. Ngài cũng đã thực hiện 143 chuyến viếng thăm trong Nước Ý và gần 700 chuyến thăm viếng trong thành phố Rôma và giáo phận Rôma, bao gồm những cuộc viếng thăm các giáo xứ (301 trong 325 giáo xứ) cũng như các tổ chức tôn giáo, đại học đường, chủng viện, nhà thương, dưỡng viện và trường học. Với 245 chuyến viếng thăm cả trong lẫn ngoài Nước Ý, Ngài đã đi tất cả 1.163.865 cây số (698.310 dặm), tức là bằng quảng đường dài hơn 8 lần chu vi trái đất hay gấp 3 lần từ trái đất lên mặt trăng.
Ở tại Rôma hay Vatican, Ngài đã tiếp trung bình 1 triệu người mỗi năm, bao gồm từ 400 đến 500 ngàn người tham dự các buổi triều kiến chung hằng tuần vào ngày Thứ Tư, và những người đến tham dự vào những dịp đặc biệt như Giáng Sinh và Phục Sinh, những cuộc phong chân phước và hiển thánh. Đặc biệt là các nhóm hay phái đoàn đặc biệt (bao gồm cả các phái đoàn ngoại giao và thủ lãnh quốc gia) được Ngài cho triều kiến riêng, trong bình từ 150 đến 160 ngàn người mỗi năm. Kể cả buổi triều kiến chung hôm Thứ Tư 15/10/2003, Ngài đã thực hiện 1.106 buổi như thế này, tiếp trên 17 triệu tín hữu từ khắp nơi trên thế giới. Còn các cuộc triều kiến tư riêng đặc biệt khác đã lên tới trên 1.500 buổi. Riêng về vấn đề ngoại giao, giáo triều của Ngài bắt đầu với 85 quốc gia, nhưng sau 25 năm đã lên tới 174 nước, chưa kể với chung Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Sovereing Military Order of Malta, cũng như có liên hệ đặc biệt với Liên Bang Nga và Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO: Palestine Liberation Organization).
Theo văn phòng cử hành phụng vụ, ĐTC Gioan Phaolô II đã tuyên phong cho 1.324 vị chân phước trong 140 lễ nghi, và 477 vị thánh trong 51 lễ nghi, kể cả lần phong 3 vị thánh truyền giáo 5/10/2003. Ngài đã thành lập Viện Gioan Phaolô II cho Sahel vào tháng 2/1984, và Hội ‘Phát Triển Các Dân Tộc’ cho Các Dân Tộc Bản Xứ ở Mỹ Châu Latinh vào tháng 2/1992. Ngài cũng thành lập Học Viện Giáo Hoàng về Sự Sống và Các Khoa Học về Xã Hội. Ngoài ra Ngài còn khởi xướng Ngày Thế Giới Bệnh Nhân cử hành vào Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2 hằng năm, Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ năm 1985 (lần thứ 17 được tổ chức ở Toronto Canada 7/2002. Chính ĐTC chọn đề tài cho những ngày giới trẻ này và gửi sứ điệp cho giới trẻ hằng năm trước những ngày ấy.
Cảm Nhận Ngân Khánh Giáo Hoàng
Chiều ngày Thứ Năm 16/10/2003, đúng 25 năm sau được bầu làm giáo hoàng, ĐTC Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ trọng thể ở Quảng Trường Thánh Phêrô với 50 ngàn người tham dự. Đồng tế có Hồng Y Đoàn, các vị TGM và GM, các vị coi sóc các giáo xứ ở Rôma, có cả hai vị chủ tịch hai hội đồng giám mục Ý (Carlo Azeglio Ciampi) và Balan (Aleksander Kwasniewski), và các phái đoàn đại biểu từ 17 quốc gia trên thế giới. Quảng trường Thánh Phêrô được phái đoàn Hòa Lan trưng bày các thứ hoa cảnh. Trong bài giảng của mình, ĐTC đã nhắc lại cảm giác của Ngài khi vừa được chọn làm giáo hoàng như sau:
"Nói theo loài người thì làm sao Tôi lại không rùng mình được chứ? Làm sao một trách nhiệm to tát như thế lại không đè xuống trên mình Tôi đây Tôi đã phải tin tưởng vào tình thương thần linh để khi được hỏi ngài có chấp nhận hay chăng, Tôi mới có thể đáp rằng…: xin vâng. Hôm nay đây, anh chị em thân mến, Tôi hoan hỉ chia sẻ với anh chị em cảm nghiệm đã kéo dài cả một phần tư thế kỷ. Hằng ngày đã xẩy ra cùng một cuộc đối thoại trao đổi giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô trong tâm khảm của Tôi… Thiên Chúa, dù biết được nỗi mỏng dòn yếu đuối loài người của Tôi, đã thúc giục Tôi đáp lại bằng đức tin như Thánh Phêrô: ‘Lạy Chúa, Chúa biết tất cả mọi sự, Chúa biết rằng con yêu mến Chúa’. Bởi đó Ngài kêu gọi Tôi hãy lãnh nhận trách nhiệm Ngài đã trao phó cho Tôi”.
ĐTC đã nhấn mạnh rằng, từ khi bắt đầu giáo triều của mình, “tư tưởng của Ngài, việc Ngài cầu nguyện và hoạt động đều được tác động bởi một ước muốn duy nhất, đó là làm chứng rằng Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, đang hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội”. ĐTC đã nhắc lại lời Ngài kêu gọi 25 năm trước đây: “Đừng sợ tiếp đón Chúa Kitô và chấp nhận quyền bính của Người! Hôm nay đây, Tôi xin khẳng khái lập lại là: Hãy mở cửa, hãy mở rộng của cho Chúa Kitô! Hãy để cho Người hướng dẫn anh chị em! Hãy tin tưởng vào tình yêu của Người!”.
Sau khi tạ ơn Chúa về 25 năm giáo triều của mình, ĐTC cũng ngỏ lời cám ơn tín hữu khắp thế giới về những lời cầu nguyện của họ đã đáp lại thỉnh nguyện của Ngài xin họ giúp đỡ và nâng đỡ Ngài từ khi bắt đầu giáo triều của Ngài, và Ngài thiết tha xin họ tiếp tục giúp Ngài: “Tôi xin anh chị em một lần nũa hãy giúp vị Giáo Hoàng này, cũng như giúp cho tất cả những ai muốn phục vụ Chúa Kitô, phục vụ con người và phục vụ toàn thể nhân loại!”.
Để kết thúc, Ngài đã dâng lời nguyện cầu lên Thiên Chúa như sau: “Xin hãy thứ tha những sự dữ đã vấp phạm và hãy tăng thêm các sự thiện hảo: hết mọi sự đều là việc làm của Chúa và vinh quang chỉ thuộc về một mình Chúa… Nhờ bàn tay của Mẹ Maria, Người Mẹ Yêu Dấu, con xin tái hiến dâng bản thân con, hiện tại và tương lai: chớ gì hết mọi sự được nên trọn theo ý Chúa. Hỡi Vị Mục Tử Tối Cao, xin hãy ở với chúng con, để chúng con an bình tiến bước với Chúa về nhà Cha”.
Mở đầu Thánh Lễ, ĐHY Joseph Ratzinger, Bộ Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và Là Chủ Tịch Hồng Y Đoàn, đã đại diện tất cả mọi người chào mừng ĐTC như sau: “Như Tông Đồ Phaolô, ĐTC có thể nói rằng ĐTC không bao giờ tìm kiếm lời khen tặng, hay vinh dự từ loài người, trái lại, ĐTC đã chăm sóc đàn con nam nữ của mình như một người mẹ… ĐTC đã chịu đựng phê bình chỉ trích và lăng nhục, nhưng lại được biết ơn và yêu mến, và phá vỡ những bức tường ghen ghét hận thù và bất tín. Hôm nay đây chúng con có thể nói rằng ĐTC đã hết lòng dấn thân phục vụ Phúc Âm… Như Thánh Phaolô, ĐTC chịu đựng khổ đau để hoàn tất cuộc sống trần gian của mình nơi thân thể của Chúa Kitô là Giáo Hội những gì con thiếu nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”.
Tờ Financial Times ở Luân Đôn Thủ Đô Hiệp Vương Quốc phát hành chính ngày kỷ niệm ngân khánh giáo hoàng của ĐTC Gioan Phaolô II đã viết một bài dưới tựa đề “Gioan Phaolô Xứng Đáng Với Đại Danh Xưng”. Trong bài báo này, sau khi đã đề cập đến các thứ chống đối vị giáo hoàng này phải đương đầu, tác giả bài báo Gerald Baker đã nhận định: “Vị linh mục bất khuất cảm thương này xứng đáng hơn ai hết lãnh nhận một danh xưng của nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong thời đại chúng ta. Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô này đã hiên ngang làm chứng… cho vấn đề chính yếu đó là lấy việc tôn trọng phẩm giá sự sống làm trọng tâm cho sự tiến bộ của con người. Sự sống nào cũng linh thánh, chứ không phải là đồ bỏ ở những lò thiêu của trại tập trung, những lò thiêu nặc danh của các chế độ chuyên chế, hay ở những thứ ống thử nghiệm thuận lợi và các ống chích trợ an tử. Việc Đức Gioan Phaolô II liên lỉ loại trừ thứ văn hóa sự chết thực sự đã là một thứ thần học giải phóng của thời đại tân tiến này vậy”.
Về phía giáo quyền, ĐHY Cormac
Murphy-O’Connor, chủ tịch hội đồng giám mục Anh Quốc và Wales, cũng lên tiếng ca
ngợi vị giáo hoàng đương kim. Vị hồng y TGM Westminster này đã nói với Đài Phát
Thanh Radio 4 trong mục Chương Trình Hôm Nay là “Cả đời sống và sứ vụ của Ngà,
là linh mục, giám mục và giáo hoàng, đã thông đạt cho dân chúng trên thế giới
rằng anh chị em chỉ được giải phóng nếu anh chị em hướng đời sống của anh chị em
theo những gì là chân thật. Dù thuận lợi hay bất thuận lợi, Ngài đã dứt khoát
chiến đấu chống lại những thứ xuyên tạc lầm lẫn về luân lý ở vào những lúc này
đây. Trong 25 năm qua, Đức Gioan Phaolô này đã du hành khắp thế giới. Ngài đã
nói về sự thật của nhu cầu công lý và hòa bình cho một thế giới bị xâu xé bởi
bất công và hận thù. Ngài đã nói lên chân lý của lời mời gọi nên thánh phổ quát
được vang lên bởi một vị Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, và nhờ mạc khải
của Chúa Giêsu Kitô, đã tỏ tình yêu quí và lòng thương xót của Ngài đối với toàn
thể nhân loại”.
Giây Phút Ngỡ Ngàng Bừng Rộ 25 Năm Về Trước
Những giây phút ban đầu của chính ngày bầu giáo hoàng 25 năm trước đây đã được vị giám đốc văn phòng báo chí bấy giờ là Archangelo Paglilunga kể cho Delia Gallagher để ghi lại và được Zenit phổ biến ngày 16/10/2003 như sau.
Hôm ấy là Thứ Hai 16/10/1978, ngày thứ ba cho việc bầu giáo hoàng mà 110 vị hồng y vẫn chưa chọn xong. Vị hồng y bảo thủ Giuseppe Siri cũng như vị hồng y dung hòa Giovanni Benelli đều không chiếm được đủ số phiếu. ĐHY Franz Kưnig người Áo mới nói với ĐHY giáo chủ Balan Stefan Wyszynski rằng: “Có thể đã đến lúc chọn một vị không phải người Ý rồi”. Vị hồng y giáo chủ Balan tưởng nói về ngài liền phản ứng: “Không phải tôi rồi đó!”. ĐHY Kưnig liền nói: “Đúng, không phải là ngài đâu, mà là hồng y Wojtyla”. Bởi vì vị hồng y không phải Ý quốc này đã được đề cập đến trước đó như là một ứng viên có hạng, cho dù không ai dám chắc điều đó có thể xẩy ra, bởi trong vòng 455 năm toàn là giáo hoàng người Ý. ĐHY giáo chủ Balan liền tiến đến ĐHY Wojtyla nhắn nhở: “Nếu ngài được chọn thì đừng từ chối nhé, hãy chấp nhận nghe”.
Các ĐHY bắt đầu bỏ phiếu một lần nữa. Bên ngoài Công Trường Thánh Phêrô, 40 ngàn người không rời mắt khỏi ống khói Nguyện Đường Sistine để chờ mong khói trắng, sau lần khói đen bốc lên từ lúc 11 giờ sáng. Ở gần văn phòng báo chí, các ký giả bàn tán với nhau về đủ thứ chuyện có thể xẩy ra, như Gianfranco Svidercoschi người Ý viết cho tờ Il Tempo nói với đồng nghiệp của ông là Paglialunga rằng “các ngài đã không hướng về vị nào ngoài nước Ý”. Cuộc tranh luận bị đứt quãng bởi tiếng la hò của dân chúng khi họ thấy làn khói trắng bốc lên.
Vào lúc 6 giờ 45, trong buổi tối vào tháng 10 ở Rôma, ĐHY Pericle Felici tiến tới hành lang của Đền Thờ Thánh Phêrô. Hai giây trước đó vị hồng y này đã thúc vào ĐHY giáo chủ Balan Wyszynski hỏi: “Ngài đọc tên gọi này như thế nào vậy?”
ĐHY Felici bắt đầu dõng dạc tuyên bố: "Annuntio vobis, gaudium magnum. Habemus Papam, Carolum ...". “Carolum?”, ký giả Paglialunga nhìn phóng viên Svidercoschi thắc mắc, “Các vị đã chọn ĐHY Carlo Confalonieri rồi hay sao?” Vị ký giả này đang nghĩ đến một hồng y trên 80 tuổi cũng đang đứng nhìn từ hành lang của ngài ở bên trên văn phòng báo chí. “… Wojtyla”, ĐHY Felici phát âm tên Balan WOY-TEE-WA, như ngài đã được chỉ cho phát âm mấy phút trước đó, và kết thúc “Qui sibi nomen imposuit Joannem Paulum II”.
Đám đông dân chúng bỗng chốc im lặng quay sang ngớ ngẩn nhìn nhau hỏi: “WOY-TEE-WA?” – “Các ngài đã chọn một người Phi Châu!”, một phụ nữ Ý bật miệng hô lên không thể nào tin được như thế. Vị lý giả đứng bên cạnh liền cải chính: “Không phải đâu! Ngài là một người Balan!” Họ lại than lên không thể nào tin nổi nữa. Trong khi các ký giả liền chạy đi tìm tiểu sử của vị tân giáo hoàng thì dân chúng ồn ào nhốn nháo lên “Balan hả?” “Balan sao!”. Nửa tiếng sau, dân chúng bất ngờ yên lặng khi nhìn thấy đức Karol Wojtyla, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, xuất hiện ở hành lang Đền Thờ Thánh Phêrô. Không một vị giáo hoàng nào đã lên tiếng nói hơn là ban phép lành theo truyền thống ở chỗ này. Đức Gioan Phalô I, một tháng trước đó, đã muốn nói song Đức Ông Noè đã nói với Ngài đừng làm thế. Trái lại, bất kể có bị Đức Ông Noè ngăn cản, vào lúc 7 giờ 20 tối, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bắt đầu lên tiếng nói, những lời đã trích dẫn trên đây, những lời được dân chúng vỗ tay 4 lần. Trong 25 năm giáo triều của mình, những bài diễn từ của vị Giáo Hoàng ngoài Nước Ý này vẫn được vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
Yếu tố chính yếu cho hoạt động ngoại giao của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là việc cầu nguyện
ĐTGM Jean-Louis Tauran, vị sẽ được lãnh tước hồng y vào ngày Thứ Ba 21/10/2003 tuần tới, và cũng sẽ không còn giữ chức vụ Ngoại Trưởng của Tòa Thánh nữa, đã bày tỏ cảm nhận của mình về vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh cũng như về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua cuộc phỏng vấn với Đài Phát Thanh Vatican như sau.
Vấn Trong vòng 13 năm ĐTGM đã điều hành những gì thường được gọi một cách không đầy đủ là “chính sách ngoại giao” của Tòa Thánh. ĐTGM có thể cho chúng tôi một thẩm định về chính sách này và cho thấy những viễn ảnh của nó?
Đáp Khi nói đến vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh thì cần phải để ý là tác nhân ngoại giao đệ nhất là Đức Giáo Hoàng: Ngài chính là vị làm cho vấn đề ngoại giao có mãnh lực và uy thế. Tôi xin đưa cho quí vị thấy một thí dụ. Khi vị Giáo Hoàng này được nâng lên ngôi trên Ngai Tòa Thánh Phêrô vào năm 1978 thì Tòa Thánh mới có liên hệ ngoại giao với 85 quốc gia. Ngày nay, 25 năm năm sau, con số đã tăng lên tới 174 nước. Những năm tháng ấy đã là những tháng năm quan trọng. Chúng ta hãy nhớ lại cuộc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh, Cuộc Chiến Vùng Vịnh đầu tiên, chiến tranh ở Yugoslavia trước đây, cuộc can thiệp bằng quân sự ở Iraq trong năm nay, tiến trình hòa bình ở Trung Đông, vấn đề biến đổi của Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Tất cả những vấn đề này đã là đối tượng của các cuộc họp bàn chúng ta đã thực hiện trên 13 năm qua. Tôi luôn cảm thấy Đức Giáo Hoàng này rất quan tâm đến vấn đề dân chúng sống được với nhau bằng những niềm xác tín chung, cũng như bằng việc tôn trọng luật pháp quốc tế.
Vấn Trong số những vấn đề ngài lưu lại cho vị thừa nhiệm thì vấn đề nào khiến ngài quan tâm nhất?
Đáp Tôi phải nói ngay là Trung Đông, một Trung Đông với cuộc khủng hoảng giữa những người Palestine và Do Thái, trước hết, nó xẩy ra như là căn nguyên phát sinh ra tất cả những cuộc khủng hoảng, và dĩ nhiên tôi cũng muốn nói đến tình hình ở Iraq. Tôi nghĩ rằng miền đất của thế giới ấy cần phải tái nhận thức đường lối của lý trí cũng như của tình nghĩa huynh đệ. Tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ phải giúp cho những phe tranh chấp trong việc làm này.
Vấn Tôi nghĩ rằng Tòa Thánh dự tính gửi một lực lượng đến để xen vào giữa những người Palestine và Do Thái. Điều này có đúng không?
Đáp Đúng thế, từ năm 2000, khi bắt đầu cuộc intifada lần thứ hai, chúng tôi luôn luôn chủ trương rằng, nếu những người Do Thái và Palestine rõ ràng bất lực trong việc chú ý đến nhau, nói chuyện với nhau và sống chung với nhau, thì cần phải gửi đến miền đất này một thứ lực lượng được gọi là thân hữu, có khả năng nói với cả đôi bên rằng: “Hãy ở tại chỗ một tháng, đừng tấn công nhau nữa; như thế chúng ta mới có thể ngồi xuống thương thảo được”. Tôi nghĩ cần phải cố làm một điều gì đó, bằng không sẽ cả là một tai họa.
Vấn Câu chuyện Iraq rõ ràng là vẫn còn bỏ ngỏ…
Đáp Đúng vậy, Iraq rõ ràng vẫn còn bỏ ngỏ, vì Iraq là một quốc gia phần tử của Liên Hiệp Quốc, bởi thế cũng là một quốc gia có chủ quyền, một quốc gia có quyền hưởng cùng phẩm giá, chủ quyền và tự do như các quốc gia phần tử khác của Liên Hiệp Quốc. Đó là lý do cần phải làm hết mọi sự có thể để nhân dân Iraq có được những thuận lợi chọn lấy cho mình các vị lãnh đạo, chọn lấy cho mình cơ cấu chính trị, để mỗi người và mọi người đều cảm thấy gắn liên với dự án của xã hội.
Vấn Đức Gioan Phaolô II sẽ mừng kỷ niệm giáo triều của Ngài vào Thứ Năm này. Ngài thẩm định thế nào về 25 năm này?
Đáp Tôi nghĩ rằng trong những năm ấy vị Giáo Hoàng này đã trở thành một thứ “qui chiếu” về luân lý của thế giới. Chỉ cần nhìn thấy danh sách của các nhân vật đến thăm Ngài là đủ nói lên điều ấy. Tôi nghĩ cái bí mật ấy là ở nơi đặc sủng của Ngài, cái vĩ đại của giáo triều này chính là ở đức tin của Đức Thánh Cha. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng Ngài ngồi ở văn phòng của Ngài, cẩn thận phác họa một “thứ chính sách Vatican” với một tấm họa đồ về địa dư cùng với những tường trình dầy cộm. Những quyết định quan trọng của giáo triều này bao giờ cũng được thấm nhuần bởi lời cầu nguyện, trước nhà tạm, trong nguyện đường riêng tư của Ngài, và chính bản thân tôi đã từng được chứng kiến điều này hơn một lần. Theo quan điểm của tôi, đó là chiếc chìa khóa để có thể thật sự hiểu được việc chiếu tỏa ánh sáng phi thường của giáo triều này.
ĐTC Gioan Phaolô II với cuộc liên hệ trao đổi giữa đức tin và khoa học
Nhà vật lý học Antonio Zichichi, chủ tịch Liên Hiệp Khoa Học Gia Thế Giới, một nhà tiên phong trong ngành vật lý nguyên tử và là giáo sư ở Đại Học Bologna, đã gửi cho màn điện toán Zenit một bài viết, cho biết giáo triều của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tái tấu việc đối thaọi trao đổi giữa đức tin và khoa học, đúng như câu Ngài đã phát biểu ngay sau khi được chọn bầu làm giáo hoàng: “Khoa học và đức tin cả hai đều là tặng ân của Thiên Chúa”.
Nhà vật lý này cho biết: “Đức Gioan Phaolô II đã hiến cho khoa học một thứ sức mạnh để có thể tự vệ khỏi bị sát hại bởi thứ văn hóa áp đảo rõ ràng muốn phân rẽ khoa học là việc nghiên cứu về lý lẽ của thiên nhiên tạo vật, với kỹ thuật là việc sử dụng khoa học, vì mục đích tốt hay xấu”. Vị giáo sư này nhắc lại lời của Đức Thánh Cha nói với tổ chức ông hiện làm chủ tịch là: “Con người có thể chết đi như hậu quả của một thứ kỹ thuật do chính họ sáng chế ra, chứ không phải bởi sự thật họ nhận thức được theo chủ thuyết của Galileo”.
Nhà vật lý này nhận định là giáo triều đây đã khởi xướng một thứ liên minh giữa đức tin và khoa học, không những bằng việc phục hồi cho Galileo Galilei mà còn hiểu biết sâu xa về nhà khoa học gia này nữa. Ông cho biết: “Vào ngày 30/3/1979, vị Giáo Hoàng này đã gặp các vật lý gia Âu Châu ở Vatican và đã nói với họ rằng khoa học được sinh ra bởi một tác động đức tin. Thật vậy, Galileo đã nghiên cứu các thứ đá để khám phá ra lý lẽ nơi thiên nhiên tạo vật”. Chưa hết, vật lý gia này còn tiết lộ thêm: “Việc Đức Gioan Phaolô II cùng với các khoa học gia của 115 quốc gia ký vào bản Tuyên Ngôn Erice đã là một đóng góp quyết liệt cho việc súp đổ của Bức Tường Bá Linh”. Bản tuyên ngôn này được 10 ngàn khoa học gia thế giới ký vào năm 1982 để kêu gọi giải giới nguyên tử.
Thật vậy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng vẫn tiếp tục tham kiến các khoa học gia thường vào trong các kỳ nghỉ hè của Ngài, vào năm 1998 đã ban hành Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí “Fides et Ratio” liên quan đến lý trí, nhất là đến khoa học và triết lý, với đức tin.
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 12/10 về bài huấn từ truyền tin đầu tiên trong giáo triều của vị đương kim giáo hoàng
Anh Chị Em thân mến!
1. Thứ Năm tới đây, 16/10, sẽ là 25 năm giáo triều của Tôi. Vào lúc 6 giờ chiều, Tôi sẽ cử hành một Thánh Lễ tạ ơn trọng thể ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Giờ đây Tôi xin cám ơn tất cả những ai sẽ liên kết với Tôi trong lời nguyện cầu, để tri ân cảm tạ Thiên Chúa về những gì Ngài liên lỉ quan phòng trợ giúp.
2. Tôi nhớ đến những ngày trong năm 1978. Nhất là nhớ đặc biệt đến ngày hôm nay, buổi Nguyện Kinh Truyền Tin đầu tiên tại cửa sổ này hôm 22/10. Theo mầu nhiệm Nhập Thể được lời nguyện này giúp chúng ta chiêm niệm, bấy giờ Tôi đã cố gắng, như Tôi đã nói: “ôm ấp tất cả giáo triều tương lai, Dân Chúa và toàn thể nhân loại, một gia đình đã bắt nguồn từ ý muốn của Chúa Cha, nhưng luôn được cưu mang trong lòng Mẹ” ("Insegnamenti," I, 1978, 43).
3. Giờ đây, trong khi nhắc lại quá khứ với lòng biết ơn, Tôi cũng nhìn đến giới trẻ, thành phần ngay từ đầu của thừa tác vụ Thánh Phêrô của mình Tôi đã muốn thiết lập một cuộc đối thoại ưu ái. Tôi nhớ rằng, vào cuối buổi nguyện Kinh Truyền Tin đầu tiên ấy, Tôi đã thêm lời chào đặc biệt gửi đến họ: “Các bạn là tương lai của thế giới, các bạn là hy vọng của Giáo Hội, các bạn là niềm hy vọng của Tôi”.
Tôi phải nhìn nhận là giới trẻ đã đáp ứng một cách hết sức đáng kể. Hôm nay đây Tôi muốn cám ơn họ về việc họ luôn gần gũi với Tôi trong những năm tháng ấy, và Tôi muốn họ biết rằng Tôi tiếp tục tin cậy nơi họ.
Con xin ký thác họ cho Mẹ, Ôi Maria, Mẹ là nét trẻ trung muôn thuở của Giáo Hội. Xin hãy giúp cho họ được sẵn sàng và vui lòng làm theo ý Chúa, để quảng đại xây dựng một thế giới chân chính và huynh đệ hơn.
Giáo triều 25 năm của Đức Gioan Phaolô II dưới con mắt của tiểu sử gia George Weigel
Vấn Lịch sử sẽ thấy như thế nào về giáo triều của Đức Gioan Phaolô II? Những mốc điểm nào sẽ được lịch sử ghi nhận đây?
Đáp Tôi hy vọng là lịch sử sẽ nhớ đến Đức Gioan Phaolô II như là một chứng nhân Kitô giáo cao cả của thời đại chúng ta. Tất cả mọi sự Ngài làm đều để biến đổi thế giới này và làm tái sinh động Giáo Hội theo chiều hướng này. Ngài thực sự tin rằng Chúa Giêsu Kitô là giải đáp cho vấn nạn hết mọi cuộc sống con người. Đó là niềm xác tín đã làm sinh động thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma của Ngài. Và đó cũng là niềm xác tín cũng đã đánh dấu những giây phút nghiêm trọng nhất của giáo triều Ngài: giây phút kêu gọi “đừng sợ” vào dịp đăng quang giáo hoàng của Ngài; chuyến tông du hào hùng của Ngài về Balan vào tháng 6 năm 1979, chuyến tông du biến đổi lịch sử thế giới; hai bài diễn từ tại Liên Hiệp Quốc; những lời tuyên bố cương quyết mãnh liệt với nhóm Sandinistas ở Nicaragua năm 1983 cũng như với những kẻ nổi loạn ở Chí Lợi năm 1987; cuộc hành hương đến Thánh Địa trong dịp Ðại Hỷ Kỷ Niệm Mừng Đại Năm Thánh 2000. Đó còn là niềm xác tín làm nồng cốt vững chắc nơi các giáo huấn của Ngài.
Vấn Những gì ông nói phải chăng là ba điều chiếm đạt lớn nhất của Ngài?
Đáp Vấn đề lớn đối với Giáo Hội Công Giáo ở cuối thiên kỷ thứ hai của lịch sử mình đó là vấn đề liệu Giáo Hội có thể cống hiến một chứng từ tha thiết, mãnh liệt và toàn diện về niềm tin tưởng cùng với nỗi hy vọng của mình hay chăng? Đức Gioan Phaolô II đã trả lời vấn nạn này một cách dứt khoát, bằng cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, bằng huấn quyền của Ngài, cũng như bằng một khả năng làm cho những niềm xác tín Kitô giáo “trở thành sống động” trong lịch sử, như nơi cuộc sụp đổ của Cộng Sản Âu Châu. Bởi thế tất cả đều ăn khớp với nhau – việc canh tân Giáo Hội với tầm ảnh hưởng trên thế giới. Khó lòng mà nêu lên được ba thành đạt lớn nhất trong mối liên hệ này, nhưng ba điều thành đạt tiêu biểu có thể kể đến là Cuốn Giáo Lý, chuyến tông du về Balan 6/1979, và cuộc Mừng Đại Năm Thánh 2000.
Vấn Căn cứ vào địa dư, lịch sử và tình trạng đau thương của Balan thì có nước nào đã có thể sản xuất ra được một Gioan Phaolô II chăng?
Đáp Không thể chối cãi được kinh nghiệm chuyên biệt của vị Giáo Hoàng về Balan, có lẽ là một văn hóa Công Giáo sâu đậm nhất trên thế giới, đã ảnh hưởng sâu đậm đến giáo triều của Ngài. Vị Giáo Hoàng này không bao giờ biết đến chiều hướng tân tiến đại quát, những thứ làm cho niềm xác tín đạo giáo đang phai mờ, những thứ cho rằng niềm tin vào Vị Thiên Chúa của Thánh Kinh là vấn đề thuộc quá khứ. Ngược lại, những gì ngài Koral Wojtyla biết được từ lịch sử của Balan cũng như từ chứng từ Balan dưới thời Nazi và chế đồ tàn bạo Cộng Sản đó là Phúc Âm vẫn là một vấn đề mãnh liệt nhất trong lịch sử, một Phúc Âm có năng lực biến đổi đời sống cá nhân cùng với năng lực biến đổi xã hội.
Vấn Có một số công đồng chung, như những nỗ lực cố ý canh tân ở thế kỷ 15 chẳng hạn, đã không gặt hái được thành công nhiều lắm. Sau cuộc hỗn độn xẩy ra vào thập niên 1960 và 1970, chúng ta có thể nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã giúp vào việc cứu vãn Công Đồng Chung Vaticanô II hay chăng?
Đáp Không giống như các công đồng khác, Công Đồng Chung Vaticanô II là một công đồng không đưa ra “những chiếc chìa khóa” thích nghĩa cho việc hiểu được giáo huấn của mình. Các công đồng khác công bố những kinh tin kính, những khoản luật mới lập, những bè rối bị lên án, là tất cả những gì bao gồm “những chiếc chìa khóa” để hiểu được vấn đề của công đồng. Công Đồng Vatican II không hề làm một điều nào trong những điều ấy. Bởi thế mà công việc của giáo triều này là đưa ra “những chiếc chìa klhóa” ấy, qua huấn quyền của vị Giáo Hoàng đương kim, cũng như qua việc Ngài thực hiện với một số thượng hội giám mục.
Vấn Đức Thánh Cha đã qui cho Đức Trinh Nữ việc cứu mạng sống của Ngài vào ngày 13/5/1981. Việc tôn sùng Mẹ Maria của Ngài đã gây ảnh hưởng gì đến giáo triều của Ngài ra sao?
Đáp Vị Giáo Hoàng này không ngừng đề cao Đức Mẹ như là mẫu mực cho tất cả vai trò làm môn đệ của Kitô hữu, và theo tôi nghĩ đây là đề tài Thánh Mẫu quan trọng nhất của Ngài. Đức Gioan Phaolô II dường như chấp nhận cái minh thức của thần học gia Hans Urs von Balthasar cho rằng tất cả cuộc sống của người Kitô hữu, một cách nào đó,được hình thành theo hình ảnh Đức Maria, Vị đã thưa lời “xin vâng”, một lời làm hiện thực Việc Nhập Thể và ở một nghĩa nào đó là khởi điểm cho Giáo Hội. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh là tất cả lòng thành thực sùng kính Thánh mẫu được tập trung vào Chúa Kitô và có tính cách Ba Ngôi. Như ở tiệc cưới Cana, Đức Maria luôn chỉ đến Người Con của mình chứ không phải là bản thân mình – “Các anh hãy làm những gì Người bảo”; và vì Người Con này vừa là Con Đức Maria lẫn Con Thiên Chúa nên khi chỉ cho chúng ta đến với Người là vị Thánh Mẫu này chỉ cho chúng ta đến ngay tâm điểm của chính Ba Ngôi Thiên Chúa.
Vấn Ông đã đề cập đến trong tác phẩm “Chứng Nhân Hy Vọng” của ông là có một số nhà phê bình nói rằng Đức Gioan Phaolô II có thể hành động hữu hiệu hơn nữa nếu Ngài tỏ ra ngặt nghèo hơn và thường xuyên hơn với các vị giám mục và thần học gia sai lạc. Lịch sử sẽ cho thấy rõ đó là người nào: Đức Thánh Cha hay nhưng nhà phê bình của Ngài?
Đáp Vấn đề liên hệ giữa Vị Giám Mục Rôma và Tòa Thánh Rôma với luật phép của các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới là một vấn đề sẽ được cứu xét hết sức cẩn thận trong tương lai. Không thể nào Đức Giáo Hoàng lại là một viên chức đối với mỗi giáo phận trên thế giới, hay thực sự là vị đồng chủ tịch của hết mọi hội đồng giám mục quốc gia. Các vị giám mục phải có trách nhiệm chính trong việc trừng sử các huynh đệ giám mục của mình. Nếu những cơ cấu hội đồng giám mục hiện nay ngăn cản việc huynh đệ sửa lỗi cho nhau ấy thì các cơ cấu hội đồng giám mục này cần phải được thay đổi. Áp dụng vào trường hợp các thần học gia cũng thế. Tòa Thánh đã phải nhúng tay vào một số trường hợp vì các vị giám mục địa phương tỏ ra lưỡng lự ra tay, hay sợ phải ra tay, hoặc không có khả năng hiểu được lý do tại sao cần phải ra tay. Tại sao Tòa Thánh lúc nào cũng cần phải thi hành những gì có thể – “nặng nề” –? Cũng thế, tôi dĩ nhiên nghĩ rằng chúng ta dầu sao cũng phải công nhận là Tòa Thánh có thế giá vững chắc hơn là các vị giám mục địa phương nơi nhiệm vụ pháp chế của mình. Như tôi đã nói, tất cả những điều này cần phải được làm sáng tỏ một cách cẩn thận vào khoảng thời gian ít nữa đây.
Vấn Những công việc chính yếu của giáo triều tới đây sẽ là gì?
Đáp Để tiếp tục công cuộc thúc bách loan báo Phúc Âm theo tâm tưởng của Đức Gioan Phaolô II; để tạo cho Giáo Hội cơ hội “tiêu hóa” huấn quyền phong phú của đại giáo triều này; để suy nghĩ rất cẩn thận về thách đố Hồi Giáo và phát triển khả năng phân biệt giữa Hồi Giáo chân chính và cực bảo thủ, nhưnõng lực lượng Hồi Giáo chính trị; để tìm những đường lối mới trong việc liên hệ giữa chứng từ về luân lý của vai trò giáo hoàng đối với vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh.
Vấn Nếu Đức Gioan Phaolô II có thể kéo dài giáo triều của mình hơn nữa thì Ngài còn có thể làm gì khác được nữa hay chăng?
Đáp Tôi không nghĩ rằng Đức Thánh Cha này có ý định như thế. Ngài đi đến quyết định sau khi đã tha thiết cầu nguyện; Ngài phó dâng các quyết định ấy cho Chúa; Ngài biết rằng Ngài sẽ phải trả lẽ cho Chúa về vai trò quản lý của mình. Đó là cách Ngài đã nghĩ về những gì xẩy ra trong quá khứ – mặc dù tôi phải nói ngay rằng một trong những tính chất nổi bật nhất của vị Giáo Hoàng này là việc Ngài hết sức hướng đến tương lai. Vấn đề của Ngài bao giờ cũng như thế này giờ đây Chúa Thánh Thần đang muốn chúng ta làm gì?
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch cuộc phỏng vấn này từ Zenit ngày 29/9/2003
Phổ Biến Tín Liệu về Ngày Mừng Ngân Khánh Giáo Hoàng của ĐTC Gioan Phaolô II 19/10/2003
Bắt đầu từ Thứ Hai 6/10/2003, Màn Điện Tóan VIS của Tòa Thánh sẽ tuần tự phổ biến những tường trình đặc biệt về giáo triều 25 năm của Đức Thánh Cha đương kim. Từ 6 đến 10 là những tường trình tổng quan về giáo triều của Ngài, mỗi ngày tường trình về từng 5 năm một, 5 ngày đủ 25 năm. Từ ngày 13 đến 16/10 sẽ tường trình đặc biệt về những hoạt động nổi bật nhất hay quan trọng nhất của Ngài: ngày 13 Thứ Hai về 102 chuyến tông du, ngày 14 Thứ Ba về 14 bức thông điệp, ngày 15 Thứ Tư về các thượng hội giám mục, ngày 16 Thứ Năm về tiểu sử của Ngài kèm theo các thống kê trong giáo triều của Ngài.
Sức khoẻ của ĐTC và những gì mới lạ trong giáo triều kéo dài 1/4 thế kỷ
Kể từ sau chuyến tông du 102 ở Slovakia, sức khỏe của Đức Thánh Cha dường như đã yếu hơn trước, đến nỗi, Ngài đã không thể thực hiện buổi triều kiến chung vào Thứ Tư hằng tuần ngày 24/9/2003. Báo chí đã lợi dụng những lời nói của ĐHY Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin, hôm 22/9, cho biết ĐTC không được khỏe, “chúng ta cần phải cầu nguyện cho Ngài”, cũng như của ĐHY Christoph Schưnboen ở Vienna Áo Quốc: “Mọi người đều nhìn thấy một vị Giáo Hoàng bệnh nạn, bất lực, vị đang hấp hối” – tôi không biết ngài kề cận với cái chết ra sao – vị gần tới ngày cùng tháng tận của đời mình”. Cuộc phỏng vấn ĐHY Vienna này đã được một cơ quan quốc tế phổ biến dưới nhan đề “Vị Giáo Hoàng đang ngấp ngoái”.
Để chẳng những trấn an mà còn đính chính những tin tức thổi phồng của truyền thông về sức khỏe của ĐTC, ĐHY Giovanni Battista Re, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục, vừa ăn trưa với Ngài hôm Thứ Tư 1/10/2003, đã cho biết hôm Thứ Năm vào buổi ra mắt một cuốn sách về Đức Giáo Hoàng của cố ký giả Domenico del Rio: “Đức Giáo Hoàng là một con người khỏe mạnh, trí khôn minh mẫn, nhận định rõ ràng về tình hình thế giới. Không thể chối cãi được là Ngài có thực sự gặp trục trặc về việc phát âm, nhất là khi Ngài bị mệt, cũng như Ngài bị trục trặc về vấn đề đi lại”.
Tuy nhiên, theo chương trình hoạt động trọn vẹn không bị cắt xén, hôm Thứ Sáu, 3/10, Ngài vẫn gặp ông Jean Obeid, Bộ Trưởng Ngoại Giao Lebanon, gặp 3 vị giám mục Phi Luật Tân và các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế họp đại công hội ở Rôma, ngoài ra Ngài còn gặp ông Thủ Tướng Balan Laszek Miller. Hôm Thứ Năm, Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc Đại Lợi Alexander Downer sau khi hội kiến với ĐTC đã cho biết sức khỏe của ĐTC khá hơn là tình trạng được các tường trình mới đây cho biết: “Sức Khỏe của Ngài không giống như giới truyền thông phổ biến. Ngài không phải ở ngay trên bờ vực thẳm”.
Các ký giả, trong buổi ra mắt một tác phẩm về ĐTC Gioan Phaolô II của cố ký giả Domenico del Rio hôm Thứ Ba 30/9/2003 ở Phòng Báo Chí Ngoại Quốc, đã nêu lên vấn đề về những gì mới lạ trong giáo triều kéo dài Ử thế kỷ này. Họ kết luận là còn khám phá được nhiều điều về Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chẳng những bằng việc liệt kê những hoạt động chưa được phổ biến của Ngài mà còn bằng việc suy nghĩ sâu xa về ý nghĩa sứ vụ của Ngài.
Về sức khỏe của ĐTC, họ đã không dám đưa ra một dự đoán nào, vì nhiều dự đoán trong quá khứ đã xẩy ra sai hẳn. Ký giả Marco Tossati của tờ La Stampa đã nhắc lại là các phóng viên đã cho rằng Đức Giáo Hoàng chắc chắn sẽ chết “ít là sáu lần rồi từ năm 1992”. Mới đây vấn đề lại bùng lên sau lời của ĐHY Ratzinger hôm 22/9 và đã được tờ nguyệt san Đức là Bunde phổ biến.
Cha Federico Lombardi, giám đốc Trung Tâm Truyền Hình Vatican đã phác họa Đức Giáo Hoàng như vị có khả năng “nhìn thấy những chân trời xa xăm về không gian cũng như thời gian”.
Theo ký giả tu sĩ Luigi Accatoli của tờ Il Corriere della Sera thì giáo triều này có thể được tóm lại như sau: “Trong 10 ngón tay của mình, Đức Gioan Phaolô II đã sử dụng 9 ngón để rao giảng Phúc Âm và 1 ngón để cai trị Giáo Hội. Ngài là một vị Giáo Hoàng tông đồ, tập trung hết mọi sự vào việc rao giảng Chúa Giêsu Kitô”. Vị tác giả của nhiều cuốn sách ấy còn thêm: “Hôm nay đây vị Giáo Hoàng này dường như bị hao tổn và yếu đau vì Ngài biết Ngài không thể xuống khỏi thập giá”.
Ký giả Tossati đã nhận định là một trong những lầm lẫn của các ký giả theo Đức Thánh Cha trên các chuyến tông du của Ngài là “tập trung vào tất cả những gì vị Giáo Hoàng này làm”, trong khi thật ra họ phải hiểu được ý thức hệ của Ngài và phải nhận thấy rằng mục tiêu của Ngài không là gì khác ngoài việc “buộc các Giáo Hội địa phương phải lãnh trách nhiệm của mình đối với Ngài cũng như đối với xứ sở riêng của các giáo hội ấy, phải nhận ra chính mình, phải là chính mình”.
Các ký giả nhận định về cố ký giả Domenico del Rio, một phóng viên Vatican, người vừa qua đời vào đầu năm nay, người đã từng công khai phê bình ĐTC nhưng sau đó đã hết lòng khen ngợi Ngài vì chứng từ Kitô giáo của Ngài. Trong tác phẩm “Karol, The Great” do Paoline xuất bản, vị cố ký giả tác giả này đã cho thấy ĐTC Gioan Phaolô II “cao cả ở sức mạnh khi Ngài bắt đầu giáo triều của Ngài, và cao cả ở nỗi yếu đuối của Ngài trong những thời gian gần đây”.
Tòa Thánh sửa soạn mừng ngân khánh Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Hôm Thứ Bảy 20/9, Tòa Thánh Vatican đã phổ biến chương trình mừng 25 năm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được bầu làm giáo hoàng. Chương trình bao gồm cả một cuộc họp 4 ngày của 164 vị trong hồng y đoàn, Thánh Lễ vào chính ngày kỷ niệm và một cuộc hòa nhạc mừng Ngài.
Vào lúc 5 giờ chiều Thứ Tư 15/10, Hồng Y Đoàn sẽ qui tụ lại Sảnh Đường New Synod để bắt đầu cuộc họp 4 ngày, trong đó, 6 vị hồng y sẽ trình bày về những đề tài có tầm mức quan trọng đối với Giáo Hội. ĐHY Bernardin Gantin, nguyên trưởng hồng y đoàn, với đề tài “Thừa Tác Vụ Thánh Phêrô với Mối Hiệp Thông Giáo Phẩm”; ĐHY Jean-Marie Lustiger với đề tài “Linh Mục, Tu Sĩ và Ơn Thiên Triệu”; ĐHY Alfonso Lopez Trujillo về đề tài gia đình; ĐHY Nasrallah Pierre Sfeir về đề tài đại kết; ĐHY Ivan Dias về việc truyền giáo và ĐHY Angelo Sodano về đề tài “Một Giáo Triều 25 Năm Phục Vụ Hòa Bình”.
Các vị chủ tịch hội đồng giám mục trên thế giới, các vị làm đầu những phân bộ khác nhau ở Tòa Thánh và các vị thượng phụ cũng được mời tham dự cùng với các vị hồng y. ĐTC sẽ không tham dự buổi ra mắt tối áp Thứ Tư 15, nhưng Ngài sẽ tham dự vào sáng chính ngày kỷ niệm 16/10, để ký bức Tông Huấn hậu thượng hội giám mục 2001 về đề tài thừa tác vụ của hàng giáo phẩm. Vào lúc 6 giờ chiều chính ngày kỷ niệm này Ngài sẽ dâng Lễ tại Quảng Trường Thánh Phêrô để long trọng cử hành mừng kỷ niệm 25 năm giáo hoàng của Ngài.
Thứ Sáu 17, Hồng Y Đoàn sẽ tiếp tục gặp gỡ hội họp. Vào lúc 6 giờ chiều một buổi hòa nhạc mừng ĐTC tại Sảnh Đường Đức Phaolô VI, được thực hiện bởi ca đoàn và dàn nhạc Leipzig với Bản Đại Hòa Tấu Thứ Chín của Beethoven và Bản “Ecce Sacerdos Magnus” của Bruckner.
Thứ Bảy 18, ĐTC ngỏ lời cùng Hồng Y Đoàn trong buổi gặp gỡ cuối cùng của các vị. Sau đó, các vị trình lên Ngài một Sứ Điệp. ĐTC mời tất cả tham dự viên được kể đến trên đây cùng Ngài dùng bữa trưa vào lúc 1 giờ. Vào lúc 5 giờ 30 chiều, cũng tại Sảnh Đường Phaolô VI, một buổi canh thức truyền giáo được cử hành, hướng về Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo của Giáo Hội hoàn vũ hôm sau.
Chúa Nhật 19/10, vào lúc 10 giờ sáng, ĐTC dâng Thánh Lễ cử hàng Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo của Giáo Hội tại Quảng Trường Thánh Phêrô để phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta.
Năm Mân Côi được bắt đầu từ ngày 16/10/2002 cũng sẽ được bế mạc vào Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo này. Tuy nhiên, ngày chính thức kết thúc phải được kể đến cuộc hành hương của ĐTC đến Đền Đức Mẹ Mân Côi Pompeii gần Naples Nước Ý. Chương trình hành hương của Ngài sẽ diễn tiến như sau.
Ngày 7/10, vào lúc 9 giờ sáng, trực thăng sẽ đưa Ngài một tiếng đồng hồ đến khu đổ nát của cổ thành gần đó rồi Ngài đi xe đến Công Trường Bartolo Longo (tên của vị chân phước đã được ĐTC đề cập đến trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của Ngài) ở Pompeii là chính địa điểm Đền Thánh Mẫu này. Vào lúc 10 giờ 30 sau đó, ĐTC sẽ lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho hòa bình thế giới và giảng thuyết. Ngài sẽ lập lại lời nguyện cầu cùng Đức Mẹ như Ngài vẫn làm vào ngày 8/5 và vào Tháng 10 hằng năm. Cuối cùng, sau khi chào các vị quan khách đạo đời, Ngài sẽ rời đó và lên trực thăng vào lúc 12 giờ 30 trưa để trở về Rôma.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho biết lý do tại sao Ngài cần phải thực hiện quá nhiều cuộc tông du mục vụ
Hôm Thứ Năm 12/6/2003, ĐTC đã tiếp khoảng 200 người đã cộng tác với Ngài trong chuyến tông du mục vụ lần thứ 100 của Ngài. Trong số này có các viên chức của Bộ Nội Vụ Tòa Thánh, Bộ Trưởng Chuyển Vận Ý Quốc, các giám đốc của những hãng bay Alitalia, các Vệ Binh Thụy Sĩ và các ký giả.
“Ngay từ ngày Tôi được bầu làm Giám Mục Rôma, 16/10/1978, Tôi đã nghe thấy một cách mạnh mẽ và thôi thúc tiếng vọng của lệnh Chúa Giêsu truyền: ‘Các con hãy đi khắp thế gian và giảng dạy Phúc Âm cho tất cả mọi tạo vật’. Bởi thế Tôi cảm thấy có nhiệm vụ cần phải bắt chước Thánh Tông Đồ Phêrô, vị ‘đã đi đây đó để đến với tất cả mọi người trong họ’ hầu củng cố và liên kết tình trạng sinh động của Giáo Hội trong việc trung thành với Lời Chúa cũng như trong việc phục vụ cho chân lý; nói cho hết mọi người biết rằng Giáo Hội yêu thương họ, Giáo Hoàng yêu quí họ, cũng nhờ đó cảm thấy phấn khởi trước gương sáng sống thiện hảo của họ, sống đức tin của họ”.
Buổi nói chuyện này được phụ diễn bằng ban hợp ca của các tu sĩ trẻ thuộc hội dòng Các Đạo Binh Chúa Kitô, qua các bản nhạc tiêu biểu của các quốc gia. Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Nhờ việc làm của mình, anh chị em đã giúp cho Giáo Hoàng có thể đi đến gặp gỡ những con người nam nữ của thời đại chúng ta ở những nơi sinh hoạt thường nhật của đời sống họ. Anh chị em đã giúp cho Ngài thực hiện thừa tác vụ của Ngài như là một việc truyền giáo đây đó, bằng tấm lòng lo lắng để làm sao loan truyền cho hết mọi người lời cứu độ”.
ĐTC nhấn mạnh là những chuyến tông du của Ngài đã làm cho Ngài có thể thực hiện “một việc đặc biệt của thừa tác vụ xứng hợp với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, đó là, trở thành ‘đường lối và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình cho mối hiệp nhất trong đức tin và niềm hiệp thông’”.
Ngoài ra, ngoài khía cạnh củng cố đức tin, thực hiện truyền giáo và thi hành đại kết, Ngài còn nhấn mạnh đến một khía cạnh nữa liên quan đến Chúa Kitô như sau: “Qua tất cả mọi chuyến đi của mình, Tôi cảm thấy mình như là một kẻ hành hương đến thăm một thứ đền thánh đặc biệt là Dân Chúa. Nơi những đền thánh này, Tôi đã được dịp chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô, một dung nhan tang thương trên thập giá lẫn vinh quang sáng ngời vào buổi sáng Phục Sinh”.
Đức Thánh Cha còn nói tới tầm quan trọng của việc Ngài đến để chia sẻ với các vị giám mục những khó khăn và niềm vui của các vị, để gặp gỡ thành phần tín hữu, nhất là giới trẻ, “và cảm thấy gần gũi hơn nữa với sinh hoạt của các cộng đồng Kitô giáo ở các lục địa khác nhau”. Đức Thánh Cha cũng không quên đề cập tới những cuộc Ngài gặp gỡ anh chị em thuộc các giáo hội hay cộng đồng Kitô hữu đại kết, cũng như các tín đồ thuộc các tôn giáo ngoài Kitô giáo, nhất là Do Thái giáo và Hồi giáo.
Tuy nhiên, điều đánh động Đức Thánh Cha nhất và đáng nhớ nhất của Ngài trong tất cả các chuyến tông du đó là những cuộc cử hành phụng vụ: “Những cộng đồng Dân Chúa muôn mầu sắc qui tụ lại để cử hành Thánh Thể vẫn là những gì in sâu vào ký ức của Tôi và vào tâm can của Tôi như những kỷ niệm ý nghĩa nhất và cảm kích nhất trong những cuộc viếng thăm của Tôi”.
Giáo Triều ĐTC Gioan Phaolô II là Giáo Triều dài thứ tư trong lịch sử Hội Thánh
Ngày Thứ Tư 30/4/2003 là ngày đánh dấu giáo triều của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dài thứ tư trong lịch sử Hội Thánh. Ngài được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 16/10/1978 và đăng quang Giáo Hoàng ngày 22/10/1978, trở thành vị thứ 263 Thừa Kế Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi. Cho tới ngày hôm nay, giáo triều của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, kể từ ngày đăng quang 22/10/1978 bắt đầu thừa tác vụ chủ chiên của Giáo Hội hoàn vũ, đã được 24 năm 6 tháng và 8 ngày, vừa hơn giáo triều của Đức Piô VI. Ba đời Giáo Hoàng dài hơn Ngài là Đức Lêô XIII 25 năm 5 tháng, Đức Piô IX 31 năm 7 tháng 21 ngày, và Thánh Phêrô từ năm Chúa Giêsu qua đời 33 tuổi tới năm vị Giáo Hoàng đầu tiên này tử đạo ở Rôma vào năm 66 tức được 33 năm.
Trong đời giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thực hiện những việc phá kỷ lục như sau: 98 chuyến tông du 133 quốc gia ngoài nước Ý (chuyến sang Tây Ban Nha vào ngày 3-4/5/2003 tới đây là chuyến thứ 99), 142 chuyến viếng thăm trong nước Ý, không kể những chuyến viếng thăm các giáo xứ thuộc Giáo Phận Rôma của Ngài, tổng cộng khoảng cách lên tới gần ớ triệu dặm đường đi. Ngài đã viết 14 bức Thông Điệp, 13 Tông Huấn, 11 Tông Hiến, 42 Tông Thư và 28 văn kiện Motu proprio. Ngài đã phong chân phước cho 1314 vị trong 138 lễ nghi, và kể từ ngày 4/5/2003 tới đây, Ngài phong thánh cho 469 vị trong 48 lễ nghi. Ngài đã triệu tập 8 mật nghị hồng y và phong tước cho 201 vị, lần cuối cùng vào tháng 2/2001. Tổng số hồng y hiện nay là 168 vị, trong đó có 120 vị hợp lệ về tuổi tác để được bầu làm giáo hoàng thay Ngài. Ngoài ra, Ngài đã ban 1083 cuộc triều kiến chung vào Thứ Tư hằng tuần, kể cả hôm nay, và đã tiếp gần 17 triệu tín hữu từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự những buổi triều kiến chung này. Ngài còn ban trên 1500 buổi triều kiến riêng với các nhóm khác nhau, nhất là với các vị lãnh đạo các nước trên thế giới.
Chưa hết, Đức Giáo Hoàng đương kim của chúng ta còn dẫn đầu về những sự việc chưa từng xẩy ra trong Giáo Hội từ trước đến nay: chẳng hạn Ngài đã đến thăm hội đường Do Thái ở Rôma vào tháng 4/1986; đến thăm đền thờ Hồi Giáo Omayyah Great ở Damascô vào tháng Năm 2001; thực hiện các cuộc họp báo trên các chuyến máy bay tông du và một cuộc họp báo ở Văn Phòng Báo Chí của Tòa Tháng ngày 24/1/1994; phát hành các sách vở văn xuôi cũng như văn vần; ở tại khách sạn thay vì ở tại tòa khâm sứ trong các chuyến tông du như tại khách sạn Irshad ở Baku, Azerbaijan tháng 5/2002; thêm 5 Mầu Nhiệm Mân Côi Ánh Sáng (10/2002); dâng Thánh Lễ trên máy bay vào tháng 12/1992 (Rome's Leonardo da Vinci Airport); kêu gọi Ngày Tha Thứ trong Năm Thánh 2000; vào khám thăm tù nhân, như thăm người ám sát hụt Ngài là Ali Agca vào tháng 12/1983; sử dụng chữ M hoa cho Mẹ Maria vào huy hiệu giáo hoàng của Ngài.
Cốt Lõi của Giáo Triều Ðức Gioan Phaolô II
Sáng Thứ Sáu 9/5/2003, ĐTC Gioan Phaolô II đã tiếp 800 tham dự viên hội nghị quốc tế do Viện Đại Học Lateran của Tòa Thánh tổ chức để tưởng niệm 25 năm giáo triều của Ngài. Trong bài huấn từ của mình, Ngài đã nhắc lại 3 lần Ngài đến thăm việc đại học này với tư cách là giáo hoàng cũng như những lần Ngài còn làm giáo sư các đại học Krakow và Lublin Balan trước đó:
“Kiến thức có được từ lúc ấy đã rất hữu ích cho các thừa tác mục vụ Tôi thi hành, trước tiên ở Krakow rồi sau đó trong vai trò Thừa Kế Thánh Phêrô, trong việc phục vụ Tôi tiếp tục đảm nhận đối với toàn thể Dân Chúa. Ở mỗi chặng đời và đoạn đời của đại học cũng như của thừa tác mục vụ, một trong những điểm qui chiếu căn bản nhất đối với Tôi đó là vấn đề chú trọng đến con người là tâm điểm của hết mọi khoa triết lý và thần học. Bởi thế, Tôi cám ơn quí vị trong việc để kỷ niệm 25 năm giáo triều của Tôi, quí vị đã muốn tổ chức cuộc họp này về đề tài hợp thời hơn bao giờ hết, đó là ‘Giáo Hội trong Việc Phục Vụ Con Người’, với sự tham dự của những phần tử xứng hợp đại diện cho Giáo Triều Rôma và thế giới văn hóa…
"Giáo Hội không thể bỏ mặc con người, vì ‘định mệnh’ của họ, tức là, vì việc họ được chọn, được kêu gọi, cuộc sinh tử, ơn cứu độ hay hư đi đời đời, là những gì liên quan sâu xa và bất khả tách biệt với Đức Kitô. Sứ điệp Phúc Âm ngỏ với con người của hết mọi chủng tộc và văn hóa, để Phúc Âm trở thành ngọn hải đăng chiếu sáng và thành ơn cứu độ ở những hoàn cảnh sống khác nhau của họ.
“Việc phục vụ mãi mãi cho ‘sự thật’ về con người thôi thúc tất cả mọi người liên hệ là họ biết chính bản thân mình hơn bao giờ hết và càng ý thức, họ càng thấy mong được gặp gỡ Đức Kitô là hiện thực trọn vẹn về con người. Đây là một lãnh vực hoạt động rộng lớn mà quí vị theo lòng nhiệt thành truyền giáo muốn đóng góp trong việc chọn lựa những đường lối mới cho việc truyền bá phúc âm hóa văn hóa… Chúa Kitô là chân lý giải phóng tất cả mọi người chân thành và kiên tâm tìm kiếm Người. Người là sự thật được Giáo Hội không ngừng loan báo bằng nhiều cách thức khác nhau khi rao giảng một Phúc Âm cứu độ duy nhất cho đến tận cùng thế giới cũng như làm cho Phúc Âm ấy hội nhập vào các miền khác nhau trên thế giới”.
Sau hết, Ngài kêu gọi tất cả những ai hoạt động và dạy ở viện đại học Lateran làm sao để “việc nghiên cứu thần học, triết lý và khoa học giúp cho con người đương thời được nhận thức hơn nữa đối với chiều hướng về nguồn với vị Thiên Chúa ẩn ngự trong phần sâu thẳm nhất của hết mọi linh hồn”.
Hội nghị 4 ngày, từ Thứ Tư 7/5 cho tới hết Thứ Bảy 10/5 này đã được khai mở bởi Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và được dẫn nhập bởi ĐGM viện trưởng Rino Fisichella đã được 23 vị thuyết trình viên từ một số quốc gia khác nhau, thuộc cả hàng giáo phẩm lẫn giáo dân, nhất là các nhà trí thức Balan, đề cao những cái mới mẻ của giáo triều vị đương kim giáo hoàng. Theo vị giám mục viện trưởng Đại Học Giáo Hoàng Lateran này thì ĐTC Gioan Phaolô II là “vị đã dùng tất cả giáo triều của mình để giúp cho con người gặp gỡ Đức Kitô”. Sau đây là cuộc phỏng vấn với vị giám mục viện trưởng:
Vấn Đức Giám Mục nhận định về 25 năm giáo triều này theo quan điểm nào?
Đáp Yếu tố chính yếu để nhìn lại hoạt động mục vụ của Đức Gioan Phaolô II được tìm thấy nơi bức thông điệp đầu tiên của Ngài, “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, một bức thông điệp Ngài đã viết là “hết mọi con người bất kỳ ai đều được kêu gọi để gặp gỡ Chúa Kitô”. Bởi thế, trong cuộc hành trình này, “không ai được ngăn cản Giáo Hội, một Giáo Hội phải loan báo điều ấy”. Đây không phải là một giai đoạn mà thực sự là một chương trình sống được Đức Giáo Hoàng Karol Wojtyla áp dụng vào hết mọi sự ở khắp nơi trên thế giới.
Vấn Đức Giám Mục đang có ý nói về giáo triều du hành của Ngài?
Đáp Nói thế cũng phải. Có một sự trùng hợp lạ lùng là chúng tôi đang tổ chức cuộc hội nghị này sau chuyến tông du thứ 99 sang Tây Ban Nha của Ngài và trước chuyến thứ 100 sang Croatia. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên rằng trong một vài ngày nữa sẽ tới ngày 13/5, kỷ niệm biến cố Ngài bị ám sát. Ở đây chúng ta thấy được ở một nghĩa nào đó một chứng cớ siêu phàm, đó là nhờ ơn Chúa, không gì có thể ngăn cản được Vị Giáo Hoàng này, kể cả viên đạn của Ali Agca. Tôi có thể nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã thực sự hiện thân nơi bản thân mình chiều kích đại đồng của Giáo Hội, tức là, tính cách công giáo là những gì thúc đẩy Ngài tìm kiếm con người ở bất cứ nơi nào. Ngài có một mối lo âu của một vị tông đồ, với ý thức của một con người biết được sứ vụ mình đã nhận lãnh và không ngừng nghỉ cố gắng để hoàn tất cho đến cùng.
Vấn Chiều hướng của hội nghị này là gì?
Đáp Chúng tôi đã cố gắng nhấn mạnh đến ba khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là khía cạnh liên quan trực tiếp hầu hết đến viện đại học, đến học viện của Đức Giáo Hoàng. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã mời chẳng những các hợp tác viên và thân hữu của Ngài mà còn cả những người học thức nữa. Khía cạnh thứ hai, khía cạnh gắn liền với khía cạnh thứ nhất, là khía cạnh cố gắng để hình thành một tổng hợp mở đầu cho sự phong phú của giáo triều này, bắt đầu từ văn kiện “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, một bức thông điệp hoạt trình của Đức Thánh Cha, và cố gắng cứu xét xem bức thông điệp này đã hiện thực ra sao ở rất nhiều khía cạnh nơi giáo triều của Ngài.
Vấn Trong vấn đề này chẳng hạn những gì?
Đáp Thừa tác vụ quốc tế, phục vụ cho tất cả mọi Giáo Hội, tính cách truyền giáo, những thay đổi lịch sử, liên lỉ chú trọng đến sự thánh thiện là một trong những khía cạnh nổi bật nhất của 25 năm này. Chưa hết, còn cả mối liên hệ với các phong trào và giới trẻ, việc thiết lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới, cùng nhiều khía cạnh khác mà ở một nghĩa nào đó đưa chúng tôi đến khía cạnh thuộc lãnh vực thứ ba của cuộc chúng tôi hội họp đây.
Vấn Phải chăng đó là một trong những vấn đề trực tiếp liên quan đến con người của Đức Giáo Hoàng?
Đáp Đúng thế. Lòng tôn sùng Thánh Mẫu của Ngài, đặc sủng của Đức Giáo Hoàng trong việc truyền thông, mà chính Ngài, ngoài việc là một nhà đại truyền thông còn là một thi sĩ. Chúng tôi sẽ đúc kết bằng câu ‘duc in altum’, một dấu hiệu Đức Giáo Hoàng muốn thấy Giáo Hội bắt đầu cuộc hành trình của Giáo Hội tiến vào ngàn năm thứ ba.
Vấn Hội nghị có đề cập đến vấn đề Đức Giáo Hoàng dấn thân cho hòa bình hay chăng?
Đáp Dĩ nhiên, ĐHY Roger Etchegaray đã làm điều này trong bài nói chuyện của Ngài. Đức Giáo Hoàng bao giờ cũng là sứ giả hòa bình ở khắp mọi nơi. Và tôi nghĩ rằng tất cả mọi vị lãnh đạo quốc gia đề nhận thức được điều này và cảm thấy cần phải gặp gỡ Ngài.
Trong hội nghị này, ĐHY Roger Etchegaray đã trả lời cho vấn đề “tại sao một vị Giáo Hoàng lại du hành quá nhiều ở bên ngoài Ý Quốc?” bằng một câu đơn giản là “để nói cho thế giới là đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”. Theo ghi nhận thì Đức Thánh Cha đương kiem Gioan Phaolô II đã sống 572 ngày hay 1 năm 7 tháng ở ngoài nước Ý. “Các cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng không phải chỉ để khích lệ… để an ủi các cộng đồng tín hữu, mà là để đối thoại với tất cả mọi nền văn minh và văn hóa trên thế gian này”. ĐHY ghi nhận là chính ĐTC đã nói ở Phi Châu vào Tháng Năm 1980 rằng “Vị Thừa Kế Thánh Phêrô này cũng cảm thấy Ngài là kế tự của Thánh Phaolô”. Bấy giờ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Một số người ở Âu Châu nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng không được du hành, Ngài phải ở Rôma như thường lệ. Tôi thâm tín rằng đã đến lúc các Vị Giám Mục Rôma, tức các Vị Giáo Hoàng, chẳng những phải coi mình là Thừa Kế Thánh Phêrô mà còn là kế tự của Thánh Phaolô nữa, vị mà, như chúng ta biết, không bao giờ ngừng nghỉ: Ngài đã luôn du hành”.
ĐHY nói: “Đức Giáo Hoàng là một người lữ hành trên các nẻo đường thế giới; nỗ lực mục vụ của Ngài vô giới hạn”.
Về phần ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, trong bài khai mở cho hội nghị này, đã tiết lộ cho biết là toàn thể Hồng Y Đoàn đã được kêu gọi tụ về Rôma để mừng kỷ niệm 25 năm việc Đức Gioan Phaolô II được bầu làm giáo hoàng ngày 16/10/1978. ĐHY Joseph Ratzinger, Bộ Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã gửi thư mời các hồng y về tham dự ngày 16/10/2003 này. ĐHY Quốc Vụ Khanh nói: “Tất cả mọi vị hồng y sẽ về Rôma vào Tháng Mười tới đây vì đó là một ngày lịch sử, một ngày tất cả chúng ta cảm thấy hết sức vui mừng. Tôi sung sướng vị viện đại học này đã chọn cho giáo triều này đề tài phục vụ con người là chủ đề chính. Đây là một trong những sứ vụ cao cả của Đức Giáo Hoàng này, đó là việc bảo vệ tự do, bênh vực con người, bênh vực các quyền lợi của con người và bênh vực các quyền lợi của nữ giới…”. Viện đại học Lateran này sẽ tổ chức một cuộc họp mừng kỷ niệm nữa vào ngày 9-11/10 về đề tài “Ước muốn tìm biết Chân Lý. Thần Học và Triết Học sau Thông Điệp Fides et Ratio 5 năm. Hội nghị lần thứ ba sẽ được tổ chức từ 20 đến 22/11/2003 với chủ đề “Bước đi trong Ánh Sáng. Những quan điểm nơi Thần Học Luân Lý 10 năm sau Thông Điệp ‘Rạng ngời chân lý’”.
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, trích dịch theo tài liệu của VIS và Zenit ngày 9/5/2003