4 thách đố chính yếu của thế giới tân tiến ngày nay

 

Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đã nâng tổng số quốc gia chính thức bang giao với Tòa Thánh Rôma từ 85 lên 174, vào ngày Thứ Hai 10/1/2005, trong cuộc gặp gỡ chúc mừng tân niên nhau (lần cuối cùng của mình) theo truyền thống hằng năm giữa vị giáo hoàng Rôma là thủ lãnh Quốc Đô Vatican với ngoại giao đoàn chư quốc trên thế giới, đã cho thấy thế giới càng ngày càng bị khủng hoảng trầm trọng về 4 phương diện chính yếu đó là sự sống, lương thực, hòa bình và tự do: Sự sống liên quan đến văn hóa; lương thực liên quan đến kinh tế; hòa bình liên quan đến chính trị; và tự do liên quan đến tôn giáo nói riêng và ý hệ thời đại nói chung. Sau đây là những lời ngài nói về 4 thách đố chính yếu cần phải đương đầu này:

“… Tai ương khủng khiếp xẩy ra vào ngày 26/12 là những gì đã giáng họa xuống cho những quốc gia khác nhau ở Đông Nam Á, kéo dài tới cả những miền duyên hải ở Đông Phi Châu. Nó làm cho năm vừa qua đi đây một kết thúc đớn đau: một năm còn bị hoạn nạn bởi những tai họa thiên nhiên khác nữa, như những cơn lốc tàn hại ở Ấn Độ Dương và Antilles, và nạn châu chấu đã làm hoang tàn những miền rộng lớn ở vùng Tây Bắc Phi Châu. Những thảm trạng khác cũng giáng xuống trên năm 2004, như các hành động khủng bố dã man đẫm máu ở Iraq và các quốc gia khác trên thế giới, cuộc tấn công tàn bạo ở Ma Ní (Tây Ban Nha), cuộc khủng bố tàn sát ở Beslan (Nga), những hành động bạo lực phi nhân bản hành hạ nhân dân ở Darfur (Sudan), những hành động hung dữ tàn bạo diễn ra tại vùng Đại Hồ ở Phi Châu”. (khoản 2)

“Thách đố thứ nhất là thách đố về sự sống…. Thách đố xẩy ra cho sự sống vẫn đang leo thang và khẩn trương trong những năm gần đây. Nó đặc biệt liên quan tới lúc bắt đầu của sự sống, khi mà con người ta đang yếu đuối nhất và cần được bảo vệ nhất. Những quan điểm đối nghịch đã từng được đề ra liên quan tới vấn đề phá thai, vấn đề trợ truyền sinh, vấn đề sử dụng các thân bào từ phôi bào để nghiên cứu khoa học, và vấn đề tạo sinh sao bản…

“Thách đố xẩy ra cho sự sống cũng xuất phát liên quan đến chính cung thánh của sự sống là gia đình. Ngày nay, gia đình thường bị đe dọa bởi những áp lực về xã hội và văn hóa là những gì có khuynh hướng làm suy yếu đi tính chất bền vững của nó; thế nhưng, ở một số quốc gia, gia đình còn bị đe dọa bởi việc lập pháp nữa, một thứ lập pháp có những lúc trực tiếp làm khó dễ cấu trúc tự nhiên của gia đình, một cấu trúc là và cần phải là cấu trúc của mối hiệp nhất giữa một người nam và một người nữ bắt nguồn từ hôn nhân” (khoản 5).

”Thách đố thứ hai đó là thách đố về lương thực. Thế giới này, một thế giới được Đấng Hóa Công của nó làm cho phì nhiêu phong phú, có một số lượng đầy đủ cùng với những thực phẩm khác nhau cho tất cả mọi dân cư của nó, hiện nay cũng như mai hậu. Tuy nhiên, thống kê về tình trạng đói khổ trên thế giới lại thê thảm: cả hằng trăm triệu con người đang trải qua cảnh mạo dưỡng trầm trọng, và mỗi năm có cả hằng triệu trẻ em chết vì đói hay bởi ảnh hưởng của đói….” (khoản 6)

”Cũng có cả thách đố về hòa bình nữa. Là một sự thiện cao cả và là điều kiện để đạt được nhiều sự thiện thiết yếu khác, hòa bình là giấc mơ của hết mọi thế hệ. Tuy nhiên, có biết bao nhiêu là những cuộc chiến tranh và xung đột võ trang đang tiếp tục diễn ra, giữa các Quốc Gia, các nhóm sắc dân, các dân tộc và những nhóm người sống ở cùng một lãnh thổ. Từ đầu này tới đầu kia của thế giới, những cuộc chiến tranh và xung đột vũ khí ấy đang đòi mạng của vô số những nạn nhân vô tội và đang làm phát sinh ra rất nhiều thứ sự dữ khác! Chúng ta tự nhiên nghĩ đến những quốc gia khác nhau ở Trung Đông, Phi Châu, Á Châu và Mỹ Châu Latinh, nơi mà việc sử dụng các thứ vũ khí và bạo lực chẳng những gây ra thiệt hại khôn lường về vật chất, mà còn làm bùng lên hận thù và tăng thêm những nguyên do căng thẳng, bởi đó, gây khó khăn hơn trong việc tìm kiếm và áp dụng những giải quyết có thể hòa giải những thiện lợi hợp lý cho tất cả mọi phía trong cuộc. Ngoài những thứ sự dữ thê thảm này còn có hiện tượng khủng bố dã man phi nhân bản, một tai họa đã có một chiều kích toàn cầu chưa hề xẩy ra cho các thế hệ trước đây” (khoản 7)

“Còn một thách đố khác tôi cũng muốn đề cập tới nữa, đó là thách đố về tự do. Tất cả quí vị đều biết đây là thách đố quan trọng đối với tôi là chừng nào, nhất là vì lịch sử dân tộc bản quốc của tôi, nhưng nó cũng hệ trọng với mỗi một người trong quí vị nữa….

“Ở nhiều Quốc Gia, quyền tự do tôn giáo là một quyền lợi chưa được nhìn nhận trọn vẹn hay xứng hợp. Tuy nhiên, nỗi mong ước được tự do tôn giáo vẫn không thể nào bị áp đảo: Bao lâu con người còn sống thì nó bao giờ cũng có đó và đòi hỏi….

”Không nên sợ rằng quyền tự do tôn giáo hợp lý sẽ làm hạn chế các quyền tự do khác hay sẽ làm tổn thương đến đời sống xã hội dân sự. Trái lại, cùng với quyền tự do tôn giáo, tất cả mọi quyền tự do khác được phát triển và thăng hoa, vì tự do là một sự thiện bất khả phân ly, là đặc quyền của con người và là phẩm vị của họ. Cũng không được sợ rằng quyền tự do tôn giáo, một khi được ban cho Giáo Hội Công giáo, sẽ là những gì xâm nhập vào lãnh giới của tự do chính trị cũng như pha mình vào các năng quyền xứng hợp với Quốc Gia, bởi vì, Giáo Hội thực sự đã thận trọng phân biệt được rằng những gì thuộc về Cêsa khác với những gì thuộc về Thiên Chúa (x Mt 22:21)”. (khoản 8)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/index_spe-dip-corps.htm