Đức Gioan Phaolô II: Hiện Thân của Lòng Từ Ái Thứ Tha

 

 

 

Cả thế giới đã chứng kiến, qua truyền hình, biến cố vị giáo hoàng “đến từ một xứ sở xa xăm” là Balan này bị ám sát, và đã thấy được sự kiện tay sát thủ mạng sống ngài đã được ân xá vào Đại Năm Thánh 2000 của Giáo Hội Công giáo, nghĩa là đã thấy được tấm lòng rộng lượng bao dung tha thứ của vị giáo hoàng này, vị giáo hoàng đã thực hiện đúng lời Chúa dạy là chủ động, dù mình là nạn nhân chứ không phải tác nhân, đi làm hòa với “kẻ có điều gì với các con” (Mt 5:23), không cần phải đợi đến khi họ lên tiếng xin lỗi mình mới tha.

 

Vị giáo hoàng của Lòng Thương Xót Chúa này, ngoài việc tha thứ có tính cách cá nhân như thế, cũng đã thực hiện một cử chỉ chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội Công giáo, đó là việc ngài thực hiện Ngày Tha Thứ, Chúa Nhật 12/3/2000, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay, và chính thức công khai nhân danh Giáo Hội lên tiếng xin lỗi và thứ lỗi, xin lỗi về những gì con cái mình đã lầm lỗi trong quá khứ và hiện tại, và thứ lỗi về tất cả những gì Giáo Hội Công giáo phải chịu trong giòng lịch sử.

 

Thật thế, trong Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba, văn kiện hướng dẫn Giáo Hội hoàn vũ long trọng dọn mừng Đại Năm Thánh 2000, Năm Đại Hồng Ân của Thiên Chúa, ĐTC GPII chẳng những kêu gọi thế giới về vấn đề tha nợ hay giảm nợ nần quốc tế cho nhau (ở khoản 51), mà còn kêu gọi chính Giáo Hội cũng thực hiện một cử chỉ xin lỗi và thứ lỗi nữa, như ở khoản 35 và 36 dưới đây (những chỗ in nghiêng và đậm là để nhấn mạnh đến ý tưởng chính).

 

“Một chương lịch sử đau thương khác mà các đứa con nam nữ của Giáo Hội phải quay về với một tinh thần thống hối, đó là chương lịch sử, nhất là trong một số thế kỷ, về việc chiều theo tính bất nhẫn, và ngay cả việc dùng bạo lực, để phụng sự cho chân lý.

 

“Đúng thế, một phán đoán chính xác có tính cách lịch sử không thể nào lại cố tình bỏ qua việc tìm hiểu cẩn thận bối cảnh văn hóa của thời đại, một phán đoán mà căn cứ vào đó nhiều người lòng ngay lại chủ trương rằng, việc làm chứng thực sự cho chân lý có thể bao gồm cả việc đàn áp những ý kiến của kẻ khác, hay ít là không để ý gì đến những ý kiến đó. Nhiều yếu tố thường trùng hợp để tạo nên những giả thuyết biện minh cho việc bất nhẫn, đồng thời nung nấu một bầu khí sôi động, mà chỉ có tinh thần cao cả, thật sự tự do và đầy Thiên Chúa, mới có thể giải tỏa bằng một cách nào đó. Mặc dù có xét đến những căn cớ để làm cho sự việc nhẹ hơn đi nữa, thì Giáo Hội cũng không thể nào được miễn trừ khỏi việc cần phải tỏ ra một niềm tiếc xót sâu xa, đối với những yếu đuối của rất nhiều con cái nam nữ của mình, đã làm ám muội đi dung nhan Giáo Hội, khiến Giáo Hội không hoàn toàn phản chiếu hình ảnh của một vị Chúa tử giá là mẫu chứng siêu việt cho một tình yêu nhẫn nhịn và một đức hiền lành khiêm hạ. Từ những giây phút quá khứ đau thương này, có thể rút ra một bài học cho tương lai, dẫn tất cả mọi Kitô hữu đến việc hoàn toàn gắn chặt lấy nguyên tắc mà Công Đồng đã phát biểu: ‘Chân lý không thể nào tự mình áp đặt, ngoại trừ vì chính sự xác thực của nó, nếu nó muốn dùng cả sự dịu dàng lẫn mãnh lực để chiếm lấy tâm trí con người’ (tuyên ngôn Dignitatis Humanae, về tự do tôn giáo, đoạn 1)” (khoản số 35).

 

“Nhiều vị hồng y và giám mục đã tỏ ý muốn, trước hết, phải có một cuộc khảo sát lương tâm cẩn thận về phía Giáo Hội hôm nay. Trước ngưỡng cửa của một tân thiên niên, Kitô hữu cần phải khiêm tốn đặt mình trước nhan Chúa, xét mình về trách nhiệm mà họ cũng phải gánh chịu đối với những sự dữ của thời điểm chúng ta. Thật vậy, tuy có nhiều sáng sủa, thời hiện đại này cũng không phải là không có ít nhiều bóng tối.

 

“Chẳng hạn, chúng ta làm sao có thể giữ im lặng về tình trạng lạnh nhạt đạo đức làm cho nhiều người hiện nay sống như không có Thiên Chúa, hay sống theo một lòng đạo mơ hồ, không có khả năng nắm vững vấn đề chân lý, cần phải trước sau như một. Thêm vào đó, còn phải kể đến tình trạng mất đi một cách sâu rộng cái ý nghĩa siêu việt về sự sống con người, cũng như phải kể đến tình trạng lẫn lộn trong lãnh vực đạo lý, ngay cả về những giá trị căn bản trong việc tôn trọng sự sống và gia đình. Về mặt này, ngay những người con nam nữ của Giáo Hội nữa cũng cần phải xét mình lại. Họ đã bị nhuốm phải bầu khí của phong trào tục hóa (secularism) và khuynh hướng đạo lý tương đối (ethical relativism) đến đâu? Và họ phải gánh chịu trách nhiệm nào trong việc làm cho tình trạng thiếu lòng đạo tăng lên, vì họ không chứng tỏ được dung nhan chân thật của Thiên Chúa, bởi đã ‘không sống theo cuộc sống tôn giáo, luân lý hay xã hội của mình’ (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 19)? 

 

“Không thể nào phủ nhận được rằng, đối với nhiều Kitô hữu, cuộc sống tâm linh của họ đang trải qua một thời gian chao đảo, gây ảnh hưởng cho chẳng những đời sống luân lý của họ mà cả đến đời sống cầu nguyện cũng như tư tưởng đúng đắn về thần học theo đức tin của ho nữạ. Đức tin, bị thử thách bởi những thách đố của thời đại chúng ta đã vậy, đôi khi còn bị hướng dẫn lệch lạc bởi những quan điểm thần học sai lầm, gây ra bởi tệ nạn đang sôi động lan truyền trong việc ngang nhiên bất phục tùng quyền giáo huấn của Giáo Hội .

 

“Về vấn đề liên quan đến Giáo Hội trong thời đại của chúng ta đây, làm sao chúng ta không ngậm ngùi trước tình trạng thiếu ý thức, thậm chí có những lúc nhiều Kitô hữu còn ưng theo việc phạm đến những quyền làm người căn bản, gây ra bởi những chế độ độc tài chuyên chế? Và chúng ta cũng không tiếc xót sao được, trong số những bóng tối nơi thời điểm của chúng ta, trách nhiệm mà rất nhiều Kitô hữu phải gánh chịu đối với những hình thức bất công và tẩy chay? Vấn đề được đặt ra là có bao nhiêu Kitô hữu thực sự hiểu biết và thực hành những nguyên tắc giáo huấn của Giáo Hội về xã hội.

 

Cuộc khảo sát lương tâm cũng phải xét đến thái độ tỏ ra đón nhận thế nào đối với Công Đồng Vaticanô II, một tặng ân cao cả mà Thần Linh đã ban cho Giáo Hội vào cuối đệ nhị thiên niên. Lời của Thiên Chúa đã trở nên hốn sống của thần học và là nguồn hứng cho cả cuộc sống Kitô hữu, trọn đầy hơn nữa đến mức nào, theo như Dei Verbum (hiến chế về Mạc Khải)? Phụng vụ có được sống như là nguồn mạch và là thượng đỉnh của sinh hoạt thuộc về hội thánh không, theo giáo huấn của Sacrosanctum Concilium (hiến chế về Phụng Vụ)? Giáo hội học về việc hiệp thông được diễn giải trong Lumen Gentium (hiến chế về Giáo Hội) có được làm cho vững mạnh nơi Giáo Hội hoàn vũ cũng như nơi các Giáo Hội riêng biệt không? Những đặc sủng, những sứ vụ và những hình thức tham dự khác nhau của dân Thiên Chúa có được thể hiện chăng, một thể hiện không bị ảnh hưởng bởi ý hệ dân chủ và tính cách xã hội tương phản với quan niệm của Giáo Hội cũng như với tinh thần chân thực của Công Đồng Chung Vaticanô II? Một vấn đề quan trọng khác được nêu lên là bản chất của việc liên hệ giữa Giáo Hội và thế giới. Những chỉ dẫn của Công Đồng - được phác họa trong Gaudium et Spes (hiến chế Mục Vụ) và các văn kiện khác - về việc đối thoại một cách cởi mở, tôn trọng và thân tình, vẫn còn hiệu lực và mời gọi chúng ta phải dấn thân hơn nữa, tuy nhiên, nó phải được đi kèm với một nhận thức rõ ràng cùng với việc can đảm làm chứng cho chân lý” (khoản số 36).

 

Trong Tông Sắc Mầu Nhiệm Nhập Thể Incarnationis mysterium, ký ngày 29/11/1998, ở ngay đầu khoản số 11, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn nhắc lại vấn đề này như sau:

 

·         Việc thanh tẩy ký ức kêu gọi mọi người hãy thực hiện một hành động của lòng can đảm và khiêm tốn trong việc nhìn nhận những lỗi lầm đã vấp phạm bởi những ai đã hay đang mang danh Kitô hữu”.

 

Chính ngài đã làm gương trong việc ngài kêu gọi mọi người làm ấy trong Ngày Thứ Tha 12/3/2000, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay. Ngài đã nhân danh Giáo Hội chính thức công khai lên tiếng xin lỗi và thứ lỗi trong bài giảng của ngài, ở đoạn 3 và 4, như sau:

 

“Trước Chúa Kitô là Đấng vì yêu thương đã nhận lấy tội lỗi của chúng ta, tất cả chúng ta được mời gọi để thực hiện một cuộc sâu xa tra vấn lương tâm. Một trong những yếu tố đặc biệt của Đại Năm Thánh là những gì tôi đã diễn ta như là ‘việc thanh tẩy ký ức’ (Tông Sắc Mầu Nhiệm Nhập Thể, 11). Với tư cách là vị Thừa Kế Thánh Phêrô, tôi đã xin là ‘trong năm tình thương này, Giáo Hội, vững mạnh trong thánh đức là những gì Giáo Hội lãnh nhận từ Chúa, cần phải quì xuống trước nhan Thiên Chúa mà van xin ngài tha thứ cho những tội lỗi quá khứ và hiện tại của thành phần con cái nam nữ của mình’ (cùng nguồn vừa dẫn). Hôm nay, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay, tôi cho rằng là một cơ hội thích hợp cho Giáo Hội, qui tụ lại trong tinh thần chung quanh Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, nài xin Chúa thứ tha cho các tội lỗi của tất cả mọi tín hữu. Chúng ta hãy thứ lỗi và hãy xin lỗi!” (số 3)

 

Chúng ta hãy thứ lỗi và hãy xin lỗi! Trong khi chúng ta chúc tụng Thiên Chúa là Đấng, vì tình yêu nhân hậu của Ngài, đã làm phát sinh trong Giáo Hội một mùa thua hoạch tuyệt vời về thánh đức, về nhiệt tình truyền giáo, về việc hoàn toàn dấn thân cho Chúa Kitô và cho tha nhân, chúng ta cũng không thể không nhìn nhận những bất trung với Phúc Âm gây ra bởi một số trong anh chị em của chúng ta, nhất là trong ngàn năm thứ hai. Chúng ta hãy xin Ngài tha thứ về những chia rẽ đã xẩy ra nơi thành phần Kitô hữu, về việc bạo lực đã được một số người sử dụng nhân danh sự thật, cũng như về những thái độ khinh thường và thù hằn đôi khi được tỏ ra đối với những tín đồ của các đạo giáo khác.

 

“Hơn thế nữa, chúng ta hãy xưng thú trách nhiệm của chúng ta là Kitô hữu đối với các sự dữ xẩy ra ngày nay.  Chúng ta phải tự hỏi mình về trách nhiệm của chúng ta đối với chủ nghĩa vô thần, với tình trạng khô khan nguội lạnh, với trào lưu tục hóa, với khuynh hương tương đối hóa đạo lý, với những thứ vi phạm đến quyền sống, chưa kể đến đối với thành phần nghèo ở nhiều xứ sở.

 

“Chúng ta hãy hạ mình xuống xin tha thứ cho việc góp phần của mỗi một người trong chúng ta đối với những thứ sự dữ ấy qua những hành động của mình là những gì bởi thế làm méo mó dung nhan của Giáo Hội.

 

“Đồng thời, khi chúng ta xưng thú tội lỗi của mình, chúng ta cũng hãy thứ tha tội lỗi do người khác phạm đến chúng ta. Vô số lần trong giòng lịch sử Kitô hữu đã phải chịu đựng khốn khó, đàn áp và bách hại vì đức tin của họ. Như thành phần nạn nhân của những thứ lạm dụng ấy đã tha thứ cho họ thì chúng ta cũng hãy thứ tha nữa. Giáo Hội hôm nay đây cảm thấy và luôn cảm thấy cần phải thanh tẩy ký ức về những biến cố đau buồn ấy cho khỏi mọi cảm giác đắng cay hay trả đũa. Nhờ đó, Năm Thánh mới trở nên cho mọi người một cơ hội thuận lợi để thực tình trở về với Phúc Âm. Việc chấp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa phải dẫn đến chỗ quyết tâm thứ tha cho anh chị em của chúng ta và hòa giải với họ” (khoản số 4).

 

Sau Thánh Lễ của Ngày Tha Thứ 12/3/2000 này trong Đền Thờ Thánh Phêrô, ở Huấn Từ Truyền Tin trưa hôm đó tại Quảng Trường Thánh Phêrô, vị giáo hoàng của Lòng Thương Xót Chúa dẫn giải thêm về ý nghĩa của tác động xin lỗi và thứ lỗi như sau:

“Anh Chị Em thân mến!

 

“1.        Trong tinh thần đức tin của Đại Năm Thánh, hôm nay, chúng ta đang cử hành Ngày Tha Thứ. Sáng hôm nay, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, tôi đã chủ sự một hành động thống hối cảm kích và long trọng. Vào Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay này, các Vị Giám Mục và các Cộng Đồng Giáo Hội ở các phần đất khác nhau trên thế giới đã quì xuống trước nhan Thiên Chúa, nhân danh toàn thể dân Kitô giáo, nài xin Ngài thứ tha.

 

“Năm Thánh này là thời gian thanh tẩy: Giáo Hội là thánh, vì Chúa Kitô là Đấu và là Phu Quân của Giáo Hội; Thần Linh là hồn sống của Giáo Hội; Trinh Nữ Maria và các thánh là hiện thân đích thực nhất của Giáo Hội. Tuy nhiên, con cái của Giáo Hội cảm nhận được tội lỗi, thành phần làm cho Giáo Hội trở nên mờ tối, mất đi vẻ đẹp của Giáo Hội. Vì lý do ấy Giáo Hội không thôi nài xin Chúa thứ tha cho những tội lỗi của con cái mình.

 

“2.        Đây không phải là một phán đoán về trách nhiệm chủ quan của những người anh chị em chúng ta đã ra đi trước chúng ta: phán đoán này chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi, Đấng, không giống như nhân loại chúng ta, ‘thấy được tâm trí’ (x Jer 20:12). Tác động của ngày hôm nay là việc thành tâm nhìn nhận tội lỗi gây ra bởi con cái của Giáo Hội trong quá khứ xa gần, và là một việc khiêm tốn xin Chúa thứ tha. Tác động này làm cho lương tâm bừng tỉnh lại, giúp cho Kitô hữu có thể tiến vào ngàn năm thứ ba một cách cởi mở hơn trước Thiên Chúa và dự án yêu thương của Ngài. 

 

Trong khi chúng ta xin lỗi chúng ta cũng hãy thứ lỗi. Đó là những gì chúng ta hằng ngày nói khi chúng ta đọc kinh Chúa Giêsu dạy: ‘Lạy Cha… xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’ (Mt 6:12). Đối với tất cả mọi tín hữu, chớ gì hoa trái của Ngày Thánh này là sự tha thứ lẫn cho nhau!

 

Việc hòa giải xuất phát từ sự tha thứ. Đó là niềm hy vọng của chúng ta đối với hết mọi Cộng Đồng Giáo Hội, với tất cả mọi tín hữu trong Chúa Kitô cũng như đối với toàn thể thế giới.

 

“3.        Được thứ tha và sẵn sàng tha thứ như thế, Kitô hữu mới tiến vào ngàn năm thứ ba như là những chứng từ hy vọng khả tín hơn nữa. Sau những thế kỷ đầy những bạo lực và hủy hoại, nhất là thế kỷ thê thảm vừa qua, Giáo Hội cống hiến cho nhân loại, khi Giáo Hội vượt qua ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, Phúc Âm của lòng thứ tha và của sự hòa giải, một điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng hòa bình chân chính.

 

“Hãy trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng! Đây cũng là đề tài cho Tuần Phòng tôi sẽ bắt đầu tối hôm nay với những vị cộng sự viên của tôi trong Giáo Triều Rôma. Giờ đây tôi xin cám ơn tất cả những ai muốn hỗ trợ tôi bằng lời cầu nguyện, và tôi xin Đức Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót Chúa, giúp mọi người sống Mùa Chay được tốt đẹp”.

Qua những huấn dụ của vị giáo hoàng được Thiên Chúa sai đến để dẫn Giáo Hội của Con Ngài tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô giáo qua ngưỡng cửa Đại Năm Thánh 2000, qua việc thiết tha tưởng niệm và cử hành Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta thấy ngài đã cùng với Giáo Hội chẳng những cử hành việc Thiên Chúa là Đấng đã bị con người xúc phạm ngay từ ban đầu qua nguyên tội lại chủ động đi hòa giải với loài người tội lỗi khi tự động sai Con Ngài là Lời Nhập Thể đến với con người, mà còn đáp ứng việc hòa giải của Thiên Chúa bằng cách thú nhận lỗi lầm của mình, xin Ngài tha thứ và thứ tha lẫn cho nhau, một việc hòa giải không phải chỉ trong nội bộ Giáo Hội có tính cách đại kết Kitô giáo, mà còn có tính cách liên tôn và tính cách nhân bản toàn cầu nữa.

 

Trong văn kiện “Ký Ức và Hòa Giải: Giáo Hội và Lỗi Lầm Quá Khứ” được soạn thảo bởi Ủy Ban Thần Học Quốc Tế dưới sự lãnh đạo và chuẩn nhận của ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin Joseph Ratzinger, một văn kiện được phổ biến trên tờ L’Osservatore Romano ấn bản Anh ngữ ngày 12/3/2000 ở 8 trang đặc biệt giữa tờ báo, người ta thấy nội dung và mục đích của văn kiện này là để dẫn giải về nền tảng (thánh kinh, thần học, lịch sử, đạo lý, và mục vụ) hợp tình hợp lý cho việc hòa giải của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, như văn kiện này đã đề cập đến ở tiết đoạn 1.4:

 

“Như thế, một số vấn đề có thể được nhận diện như sau: Có thể nào lương tâm ngày nay lại cảm thấy ‘lỗi lầm’ về hiện tượng lịch sử riêng biệt như những Cuộc Thánh Chiến hay Vấn Đề Tòa Án Xử Lạc Giáo? Không phải là quá dễ dàng hay sao trong việc phán đoán con người ngày xưa với lương tâm ngày nay (như thành phần Luật Sĩ và Biệt Phái đã làm theo Phúc Âm Thánh Mathêu 23:29-32), như thể lương tâm luân lý hầu như là những gì cố định theo thời gian vậy? Trái lại, có thể nào chối bỏ là phán đoán về đạo lý bao giờ cũng khả dĩ, ở chỗ sự thật của Thiên Chúa cùng với những đòi hỏi về luân lý của sự thật này luôn giữ nguyên giá trị của nó?... Bởi thế, vấn đề trên hết đó là vấn đề làm sáng tỏ việc cần phải xin tha thứ, đặc biệt khi ngỏ với những nhóm người ngày nay, về những lỗi lầm trong quá khứ là những gì theo chiều hướng thánh kinh và thần học của vấn đề hòa giải với Thiên Chúa cũng như với tha nhân”.

 

Văn kiện được nghiên cứu kỹ lưỡng của một ủy ban gồm 7 nhà thần học có thế giá trên thế giới này, ở đầu tiết đoạn 1.1, còn nhận định tính cách độc nhất vô nhị của hành động của ĐTC GPII làm trong Đại Năm Thánh này như sau;

 

·         “Cho tới nay, không có một cuộc cử hành Năm Thánh nào đã thực hiện việc nhận thức theo lương tâm về bất cứ lỗi lầm nào thuộc quá khứ của Giáo Hội, hay về nhu cầu cần phải xin Thiên Chúa thứ tha cho việc làm trong quá khứ gần xa. Thật thế, trong suốt lịch sử của Giáo Hội, chưa từng có vấn đề Giáo Quyền xin tha thứ về những lỗi lầm đã qua. Các Công Đồng và các sắc chỉ của giáo hoàng đã áp dụng những việc chế tài cần phải có đối với những lạm dụng được cho là lầm lỗi nơi giáo sĩ và giáo dân, và là những lạm dụng đã được nhiều vị mục tử thành tâm cố gắng để sửa chữa. Tuy nhiên, những trường hợp được thẩm quyền giáo hội là Giáo Hoàng, các Vị Giám Mục hay các Công Đồng, công khai nhìn nhận những lầm lỗi hay những lạm dụng mà các vị cảm thấy có lỗi, thì hoàn toàn hiếm có”.

 

Ở đầu tiết đoạn 1.3, văn kiện dẫn giải việc làm quan trọng đầy ý nghĩa và cần thiết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn phân tích nội dung của những gì ngài đã làm trong Ngày Tha Thứ như sau:

 

“Đức Gioan Phaolô chẳng những lập lại những bày tỏ hối tiếc về ‘những ký ức buồn đau’ đánh dấu lịch sử chia rẽ nơi thành phần Kitô hữu, như Đức Phaolô VI và Công Đồng Chung Vaticanô II đã làm (như ngài đã đề cập tới trong Thông Điệp Xin Cho Họ Hiệp Nhất Nên Một, khoản số 88, khoản ngài viết: ‘tôi xin hợp với vị tiền nhiệm Phaolô VI của mình để xin tha thứ về những gì chúng tôi phải chịu trách nhiệm đối với những điều ấy’, nhưng Đức Phaolô VI, khi mở đầu cho Khóa Họp 2 của Công Đồng Chung Vaticanô II, chỉ xin tha thứ về những lỗi lầm liên quan tới sự kiện chia rẽ Kitô giáo mà thôi), còn ngài lại nới rộng việc xin tha thứ cho nhiều biến cố lịch sử mà Giáo Hội hay các nhóm Kitô hữu đã dính líu vào ở những góc cạnh khác nhau (chẳng hạn, ngài đã xin lỗi những người Moravia khi phong thánh cho chân phước Jan Sarkander ở Cộng Hòa Tiệp Khắc ngày 21/5/1995; hay ngài xin lỗi những người Da Đỏ ở Mỹ Châu Latinh trong Sứ Điệp ngỏ cùng Dân Da Đỏ Mỹ Châu ngày 13/10/1992 trong chuyến tông du Santo Domingo, và xin lỗi cả những người Phi Châu bị lưu đầy làm nô lệ trong bài Huấn Từ của Buổi Triều Kiến Chung ngày Thứ Tư 21/10/1992; riêng với thành phần Phi Châu này ngài còn xin lỗi họ về cách thức họ đã bị đối xử nữa, trong bài diễn từ ở Yaoundé ngày 13/8/1985). Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến (khoản 33-36), Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ niềm hy vọng là Năm Thánh 2000 trở thành một cơ hội để thanh tẩy ký ức của Giáo Hội khỏi tất cả mọi hình thức ‘phản chứng từ và gương mù’ đã xẩy ra trong thời gian của thiên niên kỷ qua”.

 

Sau khi vị Giáo Hoàng của Ngày Tha Thứ này nằm xuống được hơn nửa tháng, ý hướng hòa giải hướng về đại kết của ngài đã được chính vị thừa kế của ngài là Giáo Hoàng Biển Đức XVI lập lại trong Sứ Điệp ngỏ cùng hồng y đoàn tại Nguyện Đường Sistine cuối Thánh Lễ ngày 20/4, sau khi kết thúc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng (18-19/4/2005) như sau:

 

“Những cuộc đối thoại về thần học là những gì cần phải có. Cũng không thể châm chước bỏ qua việc khảo sát kỹ lưỡng những nguyên do lịch sử đã gây ra những việc quyết định trong quá khứ. Thế nhưng, khẩn thiết hơn thế nữa là việc ‘thanh tẩy ký ức’, một việc đã thường được Đức Gioan Phaolô gợi lên, và là một việc duy nhất có thể sửa soạn cho các tâm hồn đón nhận tất cả sự thật của Chúa Kitô. Chính vì trước nhan Người là Vị Thẩm Phán tối cao của tất cả mọi sinh vật, mà mỗi một người trong chúng ta cần phải trả lẽ, với ý thức là một ngày kia chúng ta cần phải cắt nghĩa cho Người về những gì chúng ta đã làm và những gì chúng ta không làm cho thiện ích cao cả là mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình nơi tất cả thành phần môn đệ của Người”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, trích cuốn: "Đức Gioan Phaolô II: Sống là Chúa Kitô- Chết là Vinh Thắng"