Một Tân Chân Phước Gioan Phaolô II

vào Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa năm....?

 

 (xin xem tiếp những diễn tiến của tiến trình tôn phong ngài ở phần dưới)

 

Tòa Án Phong Thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được Thiết Lập ở Krakow

Tiến Trình Phong Thánh của Đức Gioan Phaolô II với Vị Cáo Thỉnh Viên Slawomir Oder

Về Tiến Trình Phong Chân Phước cho ĐTC GPII: đã tiến hành tới đâu?

Giáo Phận Rôma phổ biến Lời Nguyện Cầu Xin Đức Gioan Phaolô II Can Thiệp và hộp điện thư cho chứng từ về ngài

Sắc chỉ về việc cần thu thập các Chứng Từ Thánh Đức của ĐTC GPII cần cho hồ sơ tôn phong

Chứng Từ của Một Nữ Tu Người Pháp về Việc Được Lành Bệnh Cách Lạ bởi Đức Gioan Phaolô II

Mưu Đồ Gây Ngăn Trở cho Tiến Trình Phong Thánh của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Đức Gioan Phaolô II: Kết Giai Đoạn Giáo Phận trong Tiến Trình Phong Thánh cho Người Tôi Tớ Chúa

Hàng tá cuộc chữa lành được tường trình cho Án Phong Thánh của Đức Gioan Phaolô II

 

 

Hôm Thứ Tư 18/5/2005 là ngày kỷ niệm mừng sinh nhật của đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nếu còn sống, ngài thọ 85 tuổi. Tuy đã qua đi, đã nằm xuống, nhưng thân xác đầy bệnh nạn của ngài kể từ khi bị ám sát vào ngày 13/5/1981, vẫn có một mãnh lực phi thường lôi kéo đông đảo con người từ khắp nơi trên thế giới đến cùng ngài, điển hình nhất là trong một thánh lễ an táng có thể nói là vô tiền khoáng hậu. Chưa hết, cuộc đời của ngài, cả trước lẫn sau khi làm giáo hoàng, đã được trình chiếu trên truyền hình Ý quốc vào hai ngày 18-19/4/2005 mới đây, cuốn phim đã được chính vị tân giáo hoàng Biển Đức XVI xem vào hôm Thứ Năm 19/5.

 

Ngoài ra, một phái đoàn Nga gồm 40 người, dưới sự lãnh đạo của vị giáo chủ Công giáo Nga là ĐTGM Tadeusz, đã sang viếng thăm mộ của ngài ở Rôma vào chính ngày sinh nhật 85 tuổi của ngài, và cũng kể từ ngày sinh nhật 18/5/2005 này của ngài, tất cả các giáo phận Công Giáo ở Nga cử hành một Năm Kính Nhớ Đức Gioan Phaolô II.

 

Thế nhưng, đặc biệt nhất phải kể đến việc ngài được vị tân giáo hoàng Biển Đức XVI, vào chính ngày kỷ niệm ngài bị ám sát 24 năm trước, tức vào Thứ Sáu 13/5/2005 tuần vừa rồi, trong cuộc gặp gỡ hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Rôma tại Đền Thờ Latêranô, đã miễn chước cho ngài thời gian 5 năm chờ đợi phong thánh. Nếu Mẹ Têrêsa Calcutta, vị thánh sống đã qua đời ngày 5/9/1997, dù được miễn chuẩn, cũng phải chờ sau hơn 1 năm, tức mãi cho tới ngày 12/12/1998, tiến trình phong chân phước mới được bắt đầu, và ngay sau đúng 1 năm qua đời, tức vào ngày 5/9/1998, đã làm phép lạ, và đã được phong chân phước vào ngày 19/10/2003, sau khi chết 6 năm, thì chúng ta cũng có thể hy vọng có một tân chân phước Gioan Phaolô II vào dịp giỗ đầy năm của ngài, vào chính Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa 2006, như tôi đã mạo muội phỏng đoán trên Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống (www.tinmungsusong.org) ngay hôm Đức Giáo Hoàng Biển Đức tuyên bố, Thứ Sáu 13/5/2005, bằng không cũng không quá 3 năm, tức sớm hơn chân phước Têrêsa Calcutta, và được chính Đức Giáo Hoàng Biển Đức tôn phong.

Tuy chúng ta không biết những ước đoán trên đây có xẩy ra đúng như vậy hay chăng, nhưng tiến trình tôn phong ngài đã được bắt đầu vào Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu khi người ta thấy xuất hiện trên tờ L’Osservatore Romano, ở ngay trang nhất, bản sắc chỉ của Văn Phòng Tổng Đại Diện Giáo Phận Rôma. Sắc chỉ về việc cần thu thập các chứng từ thánh đức của vị cố giáo hoàng cần thiết cho tiến trình mở hồ sơ tôn phong ngài này sẽ được niêm yết trên các cửa của Tòa Tổng Đại Diện Rôma cũng như tại tòa TGM Krakow Balan.

Đúng thế, sau khi loan báo về việc chính thức mở hồ sơ phong chân phước và phong hiển thánh, bản sắc chỉ này kêu gọi “tất cả mọi tín hữu hãy trực tiếp liên lạc với chúng tôi hay gửi cho Hội Đồng Thẩm Phán Giáo Phận của Tòa Đại Diện Rôma (Piazza San Giovanni in Laterano, 6 -- 00184, Rome) tất cả mọi chi tiết thuận lợi hay bất thuận lợi” về “tiếng tăm thánh đức của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”.


“Theo những điều kiện về pháp lý, vì tất cả mọi bút tích thuộc về ngài đều phải được thu thập, mà qua sắc chỉ đây, chúng tôi truyền tất cả những ai đang giữ những bút tích ấy hãy thận trọng gửi đến cho hội đồng thẩm phán này bất cứ bất cứ bút tích nào do người tôi tớ Thiên Chúa đây viết, trừ khi bút tích ấy đã được nộp cho văn phòng cáo thỉnh vụ.

“Chúng tôi xin nhắc nhở tín hữu là về vấn đề bút tích của ngài, chúng tôi không chỉ có ý nói đến những tác phẩm được in ấn là những gì đã được thu thập, mà còn là những bản thảo, những thứ hồi ký, những thư tín và bất cứ bút tích tư riêng nào của người tôi tớ Chúa đây. Những ai muốn giữ bản chính cũng có thể gửi một sao bản được thị thực đàng hoàng”.

Căn cứ vào sử liệu thì cuộc đời của vị giáo hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo, vị giáo hoàng có một giáo triều dài 26 năm rưỡi, dài thứ ba trong lịch sử Giáo Hội này, phải nói là đã gắn liền với Lòng Thương Xót Chúa. Ngài đã xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa, đã hoạt động cho Lòng Thương Xót Chúa và đã chết vào ngày của Lòng Thương Xót Chúa.

 

Thứ nhất, về sự kiện ngài chết vào ngày của Lòng Thương Xót Chúa là những gì quá hiển nhiên, đó là ngài chết vào lúc 9 giờ 37 phút Thứ Bảy Đầu Tháng ngày 2/4/2005, thời điểm Vọng Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa hôm sau, Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh 3/4/2005. Và trước khi ngài qua đời 1 tiếng rưỡi, Thánh lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa đã được cử hành tại phòng của ngài.

 

Chính vì ý thức được tầm quan trọng và khẩn thiết của Lòng Thương Xót Chúa trong thời đại của mình,  vị giáo hoàng đã nằm xuống vào Lễ Vọng Chúa Tình Thương đã kêu gọi trong Lễ Phong Chân Phước cho 4 vị đồng hương ngày Chúa Nhật 18/8/2002 như sau:

 

“Hôm nay đây chúng ta dường như được kêu gọi đặc biệt để loan báo sứ điệp này trước thế giới. Chúng ta không thể lơ là với sứ vụ này, nếu chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta thực hiện sứ vụ này qua chứng từ của Thánh Nữ Faustina. Thiên Chúa đã chọn thời đại của chúng ta cho mục đích này… Sứ điệp tình yêu nhân hậu cần được vang vọng một cách mạnh mẽ một lần nữa. Thế giới cần đến thứ tình yêu này. Đã đến thời giờ cần phải mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho mọi người: cho các kẻ trị vì và thành phần bị áp bức, cho những ai có bản tính và phẩm vị bị tiêu ma trong mầu nhiệm lỗi lầm. Đã đến thời giờ sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa có thể làm cho các tâm hồn tràn đầy hy vọng và trở nên tia sáng cho một nền văn minh mới, một nền văn minh yêu thương”.

 

Thứ hai, về việc hoạt động cho Lòng Thương Xót Chúa cũng là những gì đã rõ ràng, ở chỗ, ngài đã kêu gọi loài người vào ngày Lễ Đăng Quang của mình Chúa Nhật 22/10/1978 rằng: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”. Thế rồi, sau đó 6 tháng, vào Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay, 4/3/1979, ngài đã ban bố bức Thông Điệp đầu tiên với tựa đề “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis”, để kêu gọi con người đang văn minh nhưng lại nơm nớp lo sợ bị hủy diệt bởi những gì mình làm ra hãy tin tưởng vào Đấng đến không phải để luận phạt song là để cứu chuộc nhân trần. Rồi đã đã thực hiện 104 chuyến tông du khắp thế giới để gõ cửa và mang Lòng Thương Xót Chúa đến cho thế giới, vì, như ngài đã lập lại lời của Chúa Giêsu nói với chị Thánh Faustina trong Thánh Lễ Kính Chúa Tình Thương lần đầu tiên năm 2001: ‘Nhân loại sẽ không bao giờ tìm thấy hòa bình, cho đến khi họ tin tưởng quay về với Lòng Thương Xót Chúa’ (Thánh Faustina, Diary, trang 132). Lòng Thương Xót Chúa! Đó là quà tặng Phục Sinh Giáo Hội đã nhận được từ Chúa Kitô phục sinh để cống hiến cho loài người vào lúc rạng động của một thiên kỷ””. Và sứ điệp cuối cùng của vị giáo hoàng của Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần  này là sứ điệp về Lòng Thương Xót Chúa cho Chúa Nhật Lễ Kính Chúa Tình Thương 3/4/2005, một sứ điệp ngài thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại, “một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi”, đó là “thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!

 

Thứ ba, chính sự kiện Đức Gioan Phaolô II đã sống và chết cho Lòng Thương Xót Chúa như thế cũng đã là những gì chứng tỏ cho thấy ngài thực sự đã xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa. Thật vậy, vào ngay trước Thế Chiến Thứ Hai, khi ngài còn là một thanh thiếu niên, Chúa Giêsu đã nói với chị Thánh Faustina về ngài, và đã được chị Thánh viết ra trong cuốn Nhật Ký của mình ở đoạn  1732, đoạn cũng đã được chính ĐTC GPII trích lại ở bài giảng của mình ngày Thứ Bảy 17/8/2002 trong Thánh Lễ Cung Hiến Đền Thờ Chúa Tình Thương ở Balan: “Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha (From her will come forth the spark that will prepare the world for My final coming)”.

 

Đúng thế, vào ngày Thứ Hai 16/10/1978, “tia sáng phát ra từ Balan” này đã bất ngờ xuất hiện tại lan can Đền Thờ Thánh Phêrô trước con mắt đầy ngỡ ngàng và sửng sốt của toàn thế giới, với tư cách là một vị tân giáo hoàng không phải người Ý sau 455 năm, vị giáo hoàng đến ‘từ một xứ sở xa xôi’, đến từ một nước cộng sản. Chính ngài đã thú nhận ngài đã xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa, hay nói cách khác, trước khi làm giáo hoàng, ngài đã chịu ảnh hưởng bởi sứ điệp của Lòng Thương Xót Chúa gửi cho thế giới qua chị Thánh Faustina.

 

Thật vậy, trong tác phẩm cuối cùng của mình, cuốn “Hoài Niệm và Căn Tính”, xuất bản 1 tháng trước khi ngài qua đời, ở đầu chương 2 với tựa đề “những ý hệ sự dữ”, ngài đã đề cập đến 3 Thông Điệp về Ba Ngôi Thiên Chúa, Thông Điệp Thứ Nhất về Chúa Con là Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis, ban hành Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay ngày 4/3/1979; Thông Điệp Thứ Hai về Chúa Cha là Thông Điệp Giầu Lòng Xót Thương - Dives in Misericordia, ban hành ngày 30/11/1980, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng; và Thông Điệp Thứ Ba về Chúa Thánh Thần là Thông Điệp Là Chúa và Là Đấng Ban Sự Sống – Dominum et Vivificantem, ban hành ngày 18/5/1986, Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Riêng Thông Điệp về Chúa Cha với tựa đề “Giầu Lòng Thương Xót”, ngài đã cho biết là ngài chịu ảnh hưởng của sứ điệp Chúa Tình Thương gửi chị Thánh Faustina như sau:

 

“Tất cả những gì tôi viết trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis, tôi đã mang theo tôi từ Balan. Cũng thế, những chia sẻ trong Thông Điệp Giầu Lòng Thương Xót – Dives in Misericordia là hoa trái kinh nghiệm mục vụ của tôi ở Balan, nhất là ở Krakow. Đó là nơi Thánh Faustina Kowalska được chôn cất, vị đã được Chúa Giêsu chọn để làm người chuyển đạt đặc biệt khôn ngoan cho sự thật về Lòng Thương Xót Chúa. Đối với nữ tu Faustina, sự thật này đã dẫn chị đến một đời sống thần bí hết sức sâu xa. Chị là một con người chất phác, thất học, nhưng ai đọc Nhật Ký viết về những khải thị của chị đều lấy làm bàng hoàng trước cảm nghiệm thần bí sâu xa của chị.

 

"Tôi đề cập đến Nữ Tu Faustina là bởi vì những khải thị của chị, những khải thị được tập trung vào mầu nhiệm của Lòng Thương Xót Chúa, đã xẩy ra vào giai đoạn trước Thế Chiến Thứ Hai. Đó chính là thời điểm đang hình thành những ý hệ sự dữ là chủ nghĩa Nazi Đức Quốc Xã và chủ nghĩa cộng sản. Nữ Tư Faustina đã trở thành vị loan báo một sứ điệp có khả năng dập tắt sự dữ của những thứ ý hệ ấy, ở chỗ, Thiên Chúa là Tình Thương – sư thật về một Chúa Kitô nhân hậu. Chính vì lý do ấy mà khi tôi được kêu gọi đến Tòa Thánh Phêrô, tôi cảm thấy bị thúc bách truyền đạt những cảm nghiệm của một con người đồng hương Balan, những cảm nghiệm đáng có một vị thế nơi kho tàng của Giáo Hội hoàn vũ” (ấn bản Anh ngữ, 2005, trang 5-6).

 

Chưa hết, ở chương 10 với tựa đề “Mầu Nhiệm Tình Thương”, ngài còn nhắc đến chị Faustina một lần nữa. Sau khi nói đến việc Vua Đavít phạm cả tội ngoại tình lẫn sát nhân chồng của người vua ngoại tình, cũng như sau khi đề cập tới bài Thánh Vịnh Xin Thương Xót của vị vua thống hối này, ngài đã đặt vấn đề “Tình thương vô cùng của Chúa Cha từ đâu mà ra?”, và đã dẫn giải bài Thánh Vịnh Xin Thương Xót của vị vua này theo ý nghĩa Tân Ước, khi đặt bài này vào môi miệng Chúa Kitô là Người Con đã bị Cha biến  thành tội lỗi vì chúng ta. Tuy nhiên, sau đó, ngài đã chuyển ý nghĩa của Lòng Thương Xót Chúa từ Tử Giá sang Phục Sinh theo chiều hướng sứ điệp được chị Faustina như sau:

 

“Vấn đề quan trọng ở đây là Nữ Tu Faustina đã thấy Người Con này như Vị Thiên Chúa nhân hậu, tuy nhiên, chị đã chiêm ngưỡng Người không ở trên Thập Tự Giá cho bằng trạng thái phục sinh vinh hiển sau đó của Người. Như thế, chị đã liên kết cảm quan thần nhiệm của mình với mầu nhiệm Phục Sinh, một mầu nhiệm Chúa Kitô đã tỏ ra chiến thắng tội lỗi và sự chết (x Jn 20:19-23).

 

"Ở đây tôi muốn nói về Nữ Tu Faustina cũng như về việc tôn sùng Chúa Kitô nhân hậu được chị phát động, là bởi vì chị cũng thuộc về thời đại của chúng ta đây. Chị đã sống ở các thập niên đầu thế kỷ 20 và đã chết trước Thế Chiến Thứ Hai. Chính trong giai đoạn này mà mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa đã được mạc khải cho chị, và những gì chị nghiệm cảm thấy chị đều ghi lại trong cuốn Nhật Ký của chị. Đối với những ai sống sót sau Thế Chiến Thứ Hai thì Nhật Ký của Thánh Faustina giống như một cuốn Phúc Âm đặc biệt về Lòng Thương Xót Chúa, một cuốn phúc âm được viết theo quan điểm của thế kỷ 20. Dân chúng ở vào thời điểm này đã hiểu được sứ điệp của chị. Họ hiểu được sứ điệp ấy theo ánh sáng của việc gia tăng sự dữ thảm khốc trong Thế Chiến Thứ Hai và tính cách tàn bạo của những chế độ độc tài… Bài học này được rút tỉa từ tất cả những điều ấy là những gì quan trọng chẳng những đối với người Balan mà còn ở hết mọi phần đất trên thế giới có sự hiện diện của Giáo Hội. Điều này được sáng tỏ trong cuộc phong chân phước và hiển thánh cho Nữ Tư Faustina. Chúa Kitô như thể muốn nói qua chị rằng ‘Sự dữ không phải là phán quyết cuối cùng!’ Mầu Nhiệm Vượt Qua khẳng định sự thiện là những gì chiến thắng tối hậu, sự sống chiến thắng sự chết và tình yêu chiến thắng hận thù”.

 

Nếu thực sự vì giáo hoàng Gioan Phaolô II đã xuất thân từ Lòng Thương Xót Chúa, đã hoạt động cho Lòng Thương Xót Chúa và đã chết vào lúc Vọng Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa thì cũng sẽ được Phong Chân Phước vào chính ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa 2006.    

 

Bài phát thanh Tin Mừng Sự Sống 245  (www.tinmungsusong.org)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Tòa Án Phong Thánh cho Ngài được Thiết Lập ở Krakow

 

Một tòa án phong thánh ở Balan đang thu thập các chi tiết về đời sống và nhân đức của Đức Gioan Phaolô II đã tổ chức phiên họp đầu tiên của mình ở Krakow, hôm Thứ Sáu, 4/11/2005, Lễ Thánh Charles Borromeo, quan thày của vị cố giáo hoàng có tên thánh là Karol (theo tiếng Balan).

 

ĐTGM Stanialaw Dziwisz TGP Krakow, nguyên bí thư của ĐTC, đã chủ tọa Thánh Lễ ở Vương Cung Thánh Đường Wawel trước lễ nghi ra mắt của tóa án phong thánh cũng là phiên họp đầu tiên của tòa án này.

 

Nghi thức diễn ra cũng tương tự như nghi thức hôm 27/6 tại Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô ở Rôma, một nghi thức bắt đầu giai đoạn thuộc cấp giáo phận cho việc phong chân phước vị giáo hoàng này.

 

Trước kinh phụng vụ tối, Đức Ông Slawomir Oder, cáo thỉnh viên cho tiến trình phong chân phước và hiển thánh của Đức Gioan Phaolô II, đã cho biết việc bổ nhiệm vị phó cáo thỉnh viên là Cha Stefan Rylko. Hai vị linh mục được chỉ định làm phần tử của ủy ban này là Cha Jacek Urban và Cha Grzegorz Rys. ĐTGM Dziwisz, 66 tuổi, trao việc điều hành tòa án này cho Đức Ông Tadeusz Pieronek, nguyên viện trưởng Giáo Hoàng Thần Học Viện Krakow.

 

Các phần tử của tòa án này, bao gồm cả ĐTGM Dziwisz, với vai trò chủ tịch “theo pháp lý”, phải tuyên thệ “thực hiện điều yêu cầu (phong chân phước và phong thánh này) một cách trung thành và khôn ngoan”, và “bảo mật những khai báo của các chứng nhân”.

 

Sau lời tuyên thệ là việc đọc nghị định thư thiết lập tòa án này, cùng với bức thư của ĐHY Camillo Ruini, vị đại diện cho Giám Mục Rôma là Giáo Hoàng, bức thư nói đến vấn đề ngài yêu cầu ĐTGM Krakow thiết lập một tòa án để nghe những chứng khai ở Balan. Giáo dân đã đến tham dự biến cố này đầy vương cung thánh đường.

 

 

 

TOP

 

Tiến Trình Phong Thánh của Đức Gioan Phaolô II với Vị Cáo Thỉnh Viên Slawomir Oder

 

Vị Cáo Thỉnh Viên cho Tiến Trình Phong Thánh của Đức Gioan Phaolô II là Đức Ông Slawomir Oder người Ba Lan đã trả lời những câu phỏng vấn của mạng điện toán toàn cầu Zenit như sau.

 

Vấn:     Đức ông đang sống như thế nào về trách nhiệm làm cáo thỉnh viên cho việc điều tra phong chân phước và hiển thánh Đức Gioan Phaolô II?

 

Đáp:    Tôi có thể nói một cách chắc chắn đó rằng đó là một cuộc mạo hiểm tôi đang sống với nỗi sợ hãi và rùng mình cả tâm can của tôi, vì khi một người ở trước một vĩ nhân về nhân bản và thiêng liêng như Đức Gioan Phaolô II, cũng đuẻ bắt đầu cảm thấy rùng mình, trước hết là viìhọ nhận thấy tính cách thân thiết của ân sủng Chúa đã tác động nơi con người ấy. Thế nhưng, cũng bởi vì trách nhiệm trước Giáo Hội, cũng như trước rất ư là nhiều người thiện tâm, những con người đã bày tỏ ước vọng muốn thấy Đức Gioan Phaolô II được phong chân phước sớm bao nhiêu có thể. 

 

Đó là lý do tại sao, người ta cần phải, một đàng, tiến triển với tấm lòng hết sức mong đợi, với một cảm quan lớn lao về tính cách khẩn trương, thế nhưng, đàng khác, cũng phải kèm theo ý thức rằng tiến trình này cần phải được thực hiện một cách hết sức thận trọng, tuân giữ các qui chuẩn về phương thức, vì nó không phải chỉ là việc bày tỏ một lúc hứng khởi nào đó, song nó thực sự liên quan đến quyền bính của Giáo Hội, một Giáo Hội đích thân công bố về một Con Người Tôi Tớ Chúa.

 

Vấn:     Có những khía cạnh tư riêng nào của nhân cách Đức Gioan Phaolô II được tỏ hiện nơi nhiều các chứng từ và những khía cạnh ấy nói chung chưa được biết đến hay chăng?

 

Đáp:    Những văn liệu đã được gửi về trong giai đoạn đầu tiên của tiến trình này nói chung là những chứng từ về những gì thành phần hầu như xa lạ với Người Tôi Tớ Chúa đây cảm nghiệm thấy, Vị đã gặp gỡ họ vào một dịp nào đó. Bởi thế, chúng là những chứng từ về các cuộc gặp gỡ và về những âm vang họ cảm thấy trong đời sống.

 

Có những văn bản của những con người sống gần gũi hơn với Vị Tôi Tớ Chúa này, có những liên hệ chặt chẽ trong việc cộng tác hay về tình thân hữu. Tuy nhiên, có văn bản gửi tới cho thấy một con người rất gắn bó liên hệ với thế giới hữu nghị, thành phần ngài tỏ ra rất trung thành. Thế nhưng nó cũng cho thấy ngài là một con người rất chú ý và nhậy cảm với những người cần đến ngài và xin ngài nguyện cầu cho họ hay xin ngài chúc lành cho họ hoặc xin  ngài nhớ đến họ khi cử hành Thánh Lễ.

 

Thật thế, rất nhiều người đã nhận được thư trả lời, cho biết ngài đã được báo cho biết về các vấn đề của họ. Bởi thế, điều nổi bật đó là khía cạnh ngài ân cần và gần gũi với nhiều người như thế. 

 

Vấn:     Có những chứng từ nào về các biến cố ngoại thường xẩy ra nhờ việc chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II, được thuật lại từ những người Do Thái và Hồi Giáo trở lại hay chăng?

 

Đáp:    Không, tôi không nhận được chứng từ về ân sủng nhận được từ thành phần dân chúng loại này, dù sao cũng cần phải nói rằng những chứng từ của thành phần không phải Kitô hữu đã được gửi tới để bày tỏ việc họ cảm phục nhân vật Gioan Phaolô II. Trái lại, có những nhóm cộng đồng giáo hội không hiệp thông với Giáo Hội Công giáo cho biết họ nhận được các ơn ích.

 

Vấn:     Ngoài những phép lạ về việc chữa lành, trong giai đoạn điều tra phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II những điều có thể được gọi “phép lạ về xã hội’ có được kể đến hay chăng? Tôi đang nghĩ tới việc đóng góp quyết liệt của Đức Gioan Phaolô II vào việc làm phát sinh ra phong trào lao công độc lập Solidarity và việc sụp đổ sau đó của Bức Tường Bá Linh, không kể tới nhiều tiến trình của lịch sử mới đây mang dấu vết của ngài.

 

Đáp:    Chắc chắn chúng là những hiện tượng đánh dấu sự hiện diện và can thiệp của Đức Gioan Phaolô II.

 

Bình thường thì loại hiện tượng ấy sẽ được xem xét một cách khác biệt, còn ở đây, khi chúng ta nói về phép lạ, theo nghĩa về kỹ thuật, thứ phép lạ cần phải có như yếu tố cần thiết cho tiến trình phong chân phước và hiển thánh, thì chúng ta đang nói về một thực tại cụ thể được xác định rõ ràng theo quan điểm phương thức và y khoa.

 

Những gì quí vị đề cập tới như là “những phép lạ về xã hội”, chắc chắn là những gì cho thấy nhân đức anh hùng, cũng như mô tả phẩm chất của con người này trong môi trường lịch sử và xã hội.


Vấn:     Có những gì mới lạ trong việc điều tra phong chân phước này so với những cuộc phong chân phước trước đây hay chăng?

 

Đáp:    Chúng ta không được quên rằng chúng ta đang mới bắt đầu việc điều tra ở cấp giáo phận và chắc chắn là điều mới mẻ mà tất cả chúng ta đều thấy nơi sự kiện châm chước phải chờ đợi 5 năm trước khi bắt đầu tiến trình này.

 

Việc châm chước này là do lòng mong ước của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, bao gồm chẳng những, theo tôi nghĩ, niềm xác tín của ngài, mà còn ở sự kiện là, trong cuộc mật nghị hồng y, nhiều vị hồng y đã đề nghị bắt đầu ngay tiến trình này, cũng như ở sự kiện “vox populi” đã vang lên trong ngày lễ an táng: “Phong Thánh đi!”

 

Một điều mới mẻ nữa liên quan tới phương pháp chúng tôi đã thông qua trong việc sửa soạn cho giai đoạn tiến trình này, và trong việc mở lối truyền thông qua Mạng Điện Toán Toàn Cầu, song nó chỉ là một điều thuần túy thuộc nội bộ của văn phòng cáo thỉnh viên này. Về vấn đề tiến triển của tiến trình đây thì hiện tại không có những gì mới mẻ khác cả.


Vấn:     Vậy thì chúng ta thậm chí không thể thấy trước được việc kết thúc của tiến trình này hay sao?

 

Đáp:    Không, đó là những gì bất khả. Cũng quá sớm để nói về việc kết thúc tiến trình đây. Tôi chỉ có thể nói với quí vị rằng giai đoạn thuộc cấp giáo phận sẽ kết thúc khi những việc hội kiến của tất cả mọi nhân chứng được chấm dứt và tất cả mọi thủ tục được hoàn tất mà thôi.


Vấn:     Hình ảnh đầu tiên nào hiện lên trong tâm trí của Đức Ông khi Đức Ông nhớ đến ngài?

 

Đáp:    Có lẽ hầu như ngược đời, hay cũng có thể là không, có lẽ vào lúc kết thúc những gì xẩy ra theo tiến trình tự nhiên của đời sống vị Giáo Hoàng này, đó là tấm hình của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, về hình ảnh vị Giáo Hoàng này tựa mình vào cây thập giá được ngài nắm trong đôi cánh tay của ngài, với ánh mắt nhìn lên Thày Chí Thánh.

 

Đối với tôi, hình ảnh này thực sự là tổng hợp tất cả đời sống của Đức Gioan Phaolô II, của con đường liên kết ngài mỗi ngày một hơn với Thày Chí Thánh, cho đến khi ngài thực sự xuất hiện trước mắt chúng ta như một con người công chính cùng với Chúa Kitô là Đấng ngài ôm ấp trong đôi tay của ngài.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/11/2005

 

 

 

TOP

 

Về Tiến Trình Phong Chân Phước cho ĐTC GPII: đã tiến hành tới đâu?

 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Ý Avvenire, vị cáo thỉnh viên của tiến trình phong chân phước cho ĐTC GPII là Đức Ông Oder Slawomir ở Balan đã cho biết một số chi tiết về tiến trình này như sau:

 

Vấn:     Những tài liệu nào đã được thu thập cho việc phong chân phước của ĐTC GPII?

 

Đáp:    Trước hết, chúng ta cần phải nhắc lại là đây là một tiến trình có một đường lối đặc biệt – vì việc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã sớm quyết định mở tiến trình phong chân phước này, cũng như vì sự kiện là nó liên quan đến một vị giáo hoàng.

 

Vì lý do thứ hai mà tất cả mọi văn kiện huấn quyền được soạn thảo trong giáo triều của ngài không thuộc về tiến trình này. Chúng tôi đã thu thập tất cả mọi văn kiện được Đức Karol Wojtyla viết trước khi làm Giáo Hoàng, cũng như những văn kiện không thuộc huấn quyền của giáo triều ngài, tức là 5 cuốn sách của ngài.

Vấn:     Phải chăng không còn những văn kiện nào khác trong những tháng năm của giáo triều ngài?

 

Đáp:    Chúng tôi cần phải xem coi có còn bất cứ gì khác trong hồ sơ riêng của Đức Gioan Phaolô II hay chăng.

 

Chúng ta đừng quên rằng trong bản chúc thư của mình, bản chúc thư mà ĐTGM Stanislaw Dziwisz là người thừa hành di chúc, ngài nói rằng cần phải hủy đi các ghi chép của ngài. Nếu còn gì nữa thì cần phải trao cho tòa án giáo phận cũng như cần phải được Ủy Ban Lịch Sử của Tòa Đại Diện Rôma xem xét

Vấn:     Có bao nhiêu chứng từ đã được thu thập rồi?

 

Đáp:    Chúng tôi đã soạn một danh sách liệt kê 100 người. Nó vẫn còn là một danh sách tạm thôi, và trong giai đoạn tiến trình này có thể còn thêm hơn nữa. Các cá nhân được chọn là những người có thể làm chứng về đời sống của Đức Gioan Phaolô ở những đoạn đời khác nhau, về cuộc sống của ngài, nhân đức của ngài và danh tiếng thánh đức của ngài.
 
Vấn:     Những bước đầu tiên của tiến trình này như thế nào?

 

Đáp:    Cần phải chỉ định một nhóm thần học gia kiểm duyệt, có nhiệm vụ xem xét các văn kiện được thu thập để xem chúng có hợp với tín lý hay chăng. Cần phải được bắt đầu các cuộc điều trần của thành phần nhân chứng từ khắp nơi trên thế giới.
 
Vấn:     Đức ông có thể ước đoán tiến trình này kéo dài bao lâu hay chăng?

 

Đáp:    Hiện nay thì hoàn toàn không thể nào tiên đoán được thời gian kéo dài của tiến trình này. Tài liệu cần phải được xem xét thì vô vàn, và vẫn cần phải quyết định về kỹ thuật pháp lý nào cần phải được sử dụng cho việc thu thập các chứng từ; chẳng hạn như việc có cần phải lắng nghe tất cả mọi chứng từ hay chăng; tòa án có cần phải đến từng quốc gia để phỏng vấn các chứng nhân hay chăng; có cần mở một tiến trình yêu cầu ở những địa điểm mỗi nhân chứng sống hay chăng, hoặc cần phải yêu cầu hợp tác của các tòa án giáo phận nơi họ sống.

 

Vì tất cả những điều ấy mà người ta có thể nói rằng tất cả sẽ được bắt đầu vào mùa thu. Ngoài ra không có thể nòi gì hơn vào lúc này đây.

Vấn:     Có những người nói rằng tiến trình ấy sẽ chấm dứt ngay ở việc phong hiển thánh cho Vị Giáo Hoàng này?

 

Đáp:    Hiện nay tôi chỉ có thể nói rằng đó là một ước muốn đạo đức. Công việc về kỹ thuật nói vắn tắt là việc có thể được coi như bình thường.

 

Dĩ nhiên, thẩm quyền tối hậu về vấn đề này thuộc về Đức Thánh Cha, và ngài có thể quyết những gì ngài muốn.
 
Vấn:     Có những người khác nói rằng đã có những phép lạ được ghi nhận. Điều này có đúng hay chăng?

 

Đáp:    Trước hết, cần phải nói rằng thẩm quyền về việc công nhận một phép lạ thuộc về Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh, chứ không phải tòa án giáo phận.

 

Việc điều tra của chúng tôi cần phải thu thập những dấu hiệu khác nhau, và thật sự nhiều thứ đã được gửi về, bao gồm cả điện thư, với văn bản thích hợp. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng, hiện thời chưa có những tiến hành nào về phép lạ hết.
 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 19/7/2005

 

  

TOP

 

Giáo Phận Rôma phổ biến Lời Nguyện Cầu Xin Đức Gioan Phaolô II Can Thiệp và hộp điện thư cho chứng từ về ngài

 

Cho dù mới phổ biến sắc lệnh mở hồ sơ phong thánh cho ĐTC GPII và chưa thực hiện lễ nghi chính thức bắt đầu tiến trình phong thánh này cho tới tối ngày áp Lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô 28/6/2005, giáo phận Rôma cũng đã phổ biến Lời Nguyện Cầu Xin Đức Gioan Phaolô II Can Thiệp để nhờ đó, qua lời chuyển cầu của ngài, Giáo Hội có thể căn cứ vào đó mà phong chân phước rồi phong thánh cho ngài.

 

Lời nguyện cầu này được phổ biến bởi vị cáo thỉnh viên cho tiến trình phong chân phước của ngài là Đức Ông Slawomir Oder thuộc giáo phận Torun Balan, vị hiện là đại diện pháp lý của Tòa Thỉnh Nguyện của Giáo Phận Rôma. Sau đây là nguyên văn lời nguyện cầu này:

 

“Ôi Chúa Ba Ngôi,

Chúng con cám ơn Chúa vì đã ban cho Giáo Hội Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,

cũng như vì đã làm cho việc chăm sóc Phụ Tử,

cho vinh quang thập giá của Chúa Kitô,

và cho ánh quang của Thánh Thần, tỏ hiện nơi ngài.

 

Hoàn toàn tin tưởng vào tình thương vô biên của Chúa,

cũng như vào việc chuyển cầu từ mẫu Maria,

ngài đã trở thành một hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành,

và đã tỏ cho chúng con thấy rằng thánh thiện là chuẩn mức cần thiết cho đời sống bình thường của người Kitô hữu và là đường lối chiếm đạt mối hiệp thông vĩnh hằng với Chúa.

 

Nhờ lời ngài chuyển cầu và nếu Chúa muốn,

xin ban cho chúng con những ơn chúng con nài xin,

để ngài hy vọng sớm được thuộc vào số các thánh của Chúa. Amen.

 

Giáo Phận Rôma cũng phổ biến một địa chỉ điện thư để tường trình những chứng từ về vị giáo hoàng này. Địa chỉ điện thư này như sau:

 

Postulazione.GiovanniPaoloII@VicariatusUrbis.org

 

Thư từ gửi về địa chỉ:

 
Vicariato di Roma

Piaoãa San Giovanni in Laterano 6/A

00184 Rome


Mạng điện toán toàn cầu bằng tiếng Ý về tiến trình tôn phong vị giáo hoàng này được phổ biến trên
www.vicariatusurbis.org.

 

Hôm Thứ Tư 22/6, Đức Ông Oder đã cho biết là đã có cả hằng trăm bức thư và điện thư chứng nhận thánh đức của Đức Gioan Phaolô II, kể cả những bản tường trình về các phép lạ theo y khoa do ngài chuyển cầu.

 

Tâm Phương, theo Zenit ngày 22-23/6/2005

TOP

Sắc chỉ về việc cần thu thập các Chứng Từ Thánh Đức của ĐTC GPII cần cho hồ sơ tôn phong

Sau khi được ĐTC Biển Đức XVI, vào ngày Thứ Sáu 13/5/2005, châm chước thời hạn 5 năm theo giáo luật cho việc bắt đầu tiến trình tôn phong của ĐTC GPII, vị tổng đại diện Giáo Phận Rôma là ĐHY Camillo Ruini đã phổ biến trên trang chính của tờ L’Osservatore Romano hôm Chúa Nhật 29/4/2005 sắc chỉ về việc cần thu thập các chứng từ thánh đức của vị cố giáo hoàng cần thiết cho tiến trình mở hồ sơ tôn phong ngài, kể cả nhật ký hay thư tư của ngài. Sắc chỉ này sẽ được niêm yết trên các cửa của Tòa Tổng Đại Diện Rôma cũng như tại tòa TGM Krakow Balan.

Sau khi loan báo về việc chính thức mở hồ sơ phong chân phước và phong hiển thánh, bản sắc chỉ này kêu gọi “tất cả mọi tín hữu hãy trực tiếp liên lạc với chúng tôi hay gửi cho Hội Đồng Thẩm Phán Giáo Phận của Tòa Đại Diện Rôma (Piazza San Giovanni in Laterano, 6 -- 00184, Rome) tất cả mọi chi tiết thuận lợi hay bất thuận lợi” về “tiếng tăm thánh đức của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”.

“Theo những điều kiện về pháp lý, vì tất cả mọi bút tích thuộc về ngài đều phải được thu thập, mà qua sắc chỉ đây, chúng tôi truyền tất cả những ai đang giữ những bút tích ấy hãy thận trọng gửi đến cho hội đồng thẩm phán này bất cứ bất cứ bút tích nào do người tôi tớ Thiên Chúa đây viết, trừ khi bút tích ấy đã được nộp cho văn phòng cáo thỉnh vụ.

“Chúng tôi xin nhắc nhở tín hữu là về vấn đề bút tích của ngài, chúng tôi không chỉ có ý nói đến những tác phẩm được in ấn là những gì đã được thu thập, mà còn là những bản thảo, những thứ hồi ký, những thư tín và bất cứ bút tích tư riêng nào của người tôi tớ Chúa đây. Những ai muốn giữ bản chính cũng có thể gửi một sao bản được thị thực đàng hoàng”.

TOP

Chứng Từ của Một Nữ Tu Người Pháp về Việc Được Lành Bệnh Cách Lạ bởi Đức Gioan Phaolô II

 

Trong tờ thông tin ‘Totus Tuus’ của Án Phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II đã phổ biến trình thuật của một nữ tu Pháp Quốc (được dấu tên trong tờ thông tin) về việc được chữa lành bệnh nan trị của nữ tu này, người nữ tu cảm nhận rằng bệnh lẩy bay (Parkinson) của bà đã được chữa khỏi nhờ lời chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng có cùng một chứng bệnh như nữ tu. Sau đây là những điểm chính yêu được nữ tu này tiết lộ:

 

“Tôi cảm thấy mình dường như được tái sinh. Hôm nay tôi có thể nói rằng người bạn đã lìa bỏ trái đất của chúng ta giờ đây rất gần gũi với trái tim tôi. Những gì Chúa đã ban cho tôi để sống nhờ lời chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II là một mầu nhiệm vĩ đại, khó có thể giải thích được bằng ngôn từ… thế nhưng chẳng có gì lại bất khả đối với Thiên Chúa hết.

 

“Chứng bệnh này đã được chẩn đoán vào năm 2001, và những triệu chứng càng ngày càng tệ hại hơn, ở chỗ nhức nhối run ray, chai cứng, đớn đau và mất ngủ… một tình trạng liên lỉ tệ hại.

 

“Tôi đã bị mất đi một người bạn hiểu biết tôi và cống hiến cho tôi lòng can đảm để tiến bước. Thế nhưng tôi cũng tin tưởng về sự hiện diện sống động của ngài”.

 

Thế rồi, vào ngày 13/5/2005, nữ tu Pháp quốc này nghe thấy vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI loan báo đặc biệt châm chước cho vấn đề mở án phong chân phước và phong thánh cho ngài. Ngày hôm sau, toàn thể cộng đồng của hội dòng của nữ tu này, ở cả Pháp lẫn Phi Châu, đều hiệp nhau cầu nguyện cho việc lành bệnh của nữ tu.

 

Xẩy ra là khi nữ tu này đang suy niệm một câu trích dẫn trong Phúc Âm Thánh Gioan, đoạn 11 câu 40 là ‘nếu con tin con sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa’, thì nữ tu đã cố gắng cứ tiếp tục đứng. Nữ tu đã khó khăn lắm mới viết được tên của Đức Gioan Phaolô II. Mấy tiếng đồng hồ sau, nữ tu này viết lại một lần nữa một cách dễ dàng hơn nhiều.

 

Hai tháng sau khi vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, vào nửa đêm, nữ tu ấy đã chỗi dạy và thấy rằng mình không còn đớn đau và sơ cứng nữa.

 

Sơ cảm thấy một thúc đẩy bất khả chống cưỡng đến cầu nguyện trước Thánh Thể, và đầy an bình trầm mình vào một cuộc chầu Chúa lâu giờ. Nữ tu đã suy niệm các mầu nhiệm mân côi ánh sáng là các mầu nhiệm do vị Giáo Hoàng này thêm vào. Nữ tu cảm thấy linh hoạt di động hơn bao giờ hết trong thời gian 4 năm trời.

 

Vào ngày lễ Thánh Tâm, vị nữ tu viết tiếp: “khi tôi tham dự xong Thánh Lễ, tôi cảm thấy một cách chắc chắn rằng tôi đã được chữa lành. Tay tôi không còn lẩy bẩy nữa. Bác sĩ thần kinh lạ lùng khi thấy các triệu chứng biến mất. Hội dòng bắt đầu tuần chín kính Đức Gioan Phaolô II. Từ đó đến nay cả mười tháng trời đã qua đi rồi”. 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/5/2006

 

 

TOP

 

Mưu Đồ Gây Ngăn Trở cho Tiến Trình Phong Thánh của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

Vị nguyên thư ký 4 thập niên của ĐTCGPII là ĐHY Dziwisz, TGM Krakow, đã bày tỏ cảm nhận

 

Thật vậy, hôm Thứ Bảy 3/3/2007, trên Đài Phát Thanh Vatican, chương trình theo tiếng Balan, vị nguyên thư ký này đã cho biết rằng những tố giác về hoạt độn g tình báo chung quanh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chẳng những là những gì sai lầm mà còn là một nỗ lực gây trở ngại cho tiến trình phon g thánh của ngài nữa.

 

Gần  đây có những bản tường trình về một nhân viên mật tên là ‘Henryk’. Một số ký giả đã gán cái tên ‘Henryk’ này cho ĐTGM Henryk Nowacki, hiện là khâm sứ tòa thánh ở Tiệp Khắc, và trước đây là giám đốc văn phòng Balan của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

 

Vị hồng y TGM Krakow cho biết ĐTGM Nowacki đặc biệt dấn thân trong giáo triều của Đức Gioan Phaolô II: “Tôi biết ngài là con người có trách nhiệm, biết hành vi cử chỉ của ngài và tính chất chuyên cần của ngài. Tấn công con người này là tấn công toàn thể nhân dân Balan, toàn thể những ai hợp tác của Đức Thánh Cha và vì thế tấn công Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II.

 

“Một cơ cấu theo dõi đang được thực hiện chung quanh Đức Wojtyla, những thứ láo khoét, vu khống. Bởi thế đang có những nỗ lực làm ngăn trở tiến trình phon g thánh.   

 

“Tất cả những điều này được thực hiện  nhân danh sự thật được cáo giác. Thế nhưng tôi nghĩ bụng là sự thật nào đây?”

 

Theo ngài thì những ghi chú của cơ quan tình báo thời Cộng Sản không thể nào khả tín nếu không nghiên cứu cẩn thận và nhìn vào cả cuộc sống của thành phần  bì tố cáo.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/3/2007

 

 

TOP

 

 

Đức Gioan Phaolô II: Kết Giai Đoạn Giáo Phận trong Tiến Trình Phong Thánh cho Người Tôi Tớ Chúa

Vào sáng Thứ Hai 2/4/2007, kỷ niệm đúng 2 năm băng hà của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, sẽ diễn ra một buổi kết thúc tiến trình điều tra phong thánh cấp giáo phận về đời sống, nhân đức và tiếng tăm thánh đức của vị cố giáo hoàng này.

Nhận được thông báo của vị cáo thỉnh viên án phong chân phước và phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II là cha Slawomir Oder, ĐHY Camilo Ruini, tổng đại diện của ĐTC Biển Đức XVI ở Giáo Phận Rôma, đã tuyên bố tin này trong một bức thư gửi cho các vị linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và giáo dân của thành phố này.

Buổi bắt đầu tiến trình điều tra phong thánh này được bắt đầu cũng ở cùng một Đền Thờ vào ngày 28/6/2005, non 3 tháng sau khi Đức Gioan Phaolô II băng hà, sau khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI châm chước giai đoạn đợi chờ 5 năm sau khi chết của một Người Tôi Tớ Chúa nào đó.

Giai đoạn điều tra thuộc cấp giáo phận đã xong, giờ đây các văn kiện và việc làm sẽ được chuyển sang Thánh Bộ Đặc Trách Án Phong Thánh để cứu xét và thực hiện.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được VIS phổ biến ngày 12/3/2007

 

 

TOP

 

 

Hàng tá cuộc chữa lành được tường trình cho Án Phong Thánh của Đức Gioan Phaolô II

 

Vị cáo thỉnh viên cho án phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II là Đức Ông Slawamir Oder cho biết là có nhiều người đã qui các phép lạ cho việc chuyển cầu của vị Giáo Hoàng này.  

 

Trong cuộc họp báo hôm Thứ Ba 27/3/2007, vị cáo thỉnh viên này đã loan báo rằng giai đoạn giáo phận của tiến trình phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II sẽ kết thúc vào ngày 2/4/2007, thời điểm kỷ niệm đúng 2 năm qua đời của ngài.

 

Trong số những sự được cho là phép lạ bởi lời chuyển cầu của vì Giáo Hoàng này, Đức Ông Oder đã đề cập tới nhiều cuộc chữa lành khỏi những cục bướu ung thjư. Tuy nhiên, ngài nói rõ rằng những cuộc chữa lành ấy không được cứu xét cho việc phong chân phước, vì cần phải có thời gian để xem xét những cuộc chữa lành ấy.

 

Một trong những trường hợp đang được cứu xét là trường hợp của một nữ tu người Pháp được chữa khỏi bệnh lẩy bay hai tháng sau khi vị Giáo Hoàng băng hà.

 

Vị cáo thỉnh viên cho biến tên của nữ tu này ‘không thể tiết lộ vào lúc này’. Ngài nói rằng vào Lễ Lá 1/4/2007, vị giám mục của giáo phận nơi có phép lạ xẩy ra sẽ gửi một bức thư cho giáo phận, giải thích những gì đã xẩy ra.

 

Vị cáo thỉnh viên này cũng đề cập tới hai cuộc chữa lành khác đang được cứu xét.

 

“Một trong hai cuộc chữa lành này được trình cho tôi là trường hợp của một cặp vợ chồng Balan”, một cặp vợ chồng cho tôi thấy đứa con gái nhỏ c ủa họ “vào ngày kết thúc tiến trình phong thánh ở giáo phận Krakow”. Theo ngài thì em gái này được sinh ra sau khi cha mẹ em nhiều năm được chữa trị về khả năng sinh sản.

 

Một trường hợp khác, đó là trường hợp về “một cuộc mang thai khó khăn vì bị mất nước ối… Sau vài tháng nguyện cầu cùng Đức Gioan Phaolô II trợ giúp, nước ối đã trở lại và người mẹ đã sinh nở bình thường vơi một em bé lành mạnh”.

 

Trong tiến trình phong thánh cấp giáo phận đã có khoảng 130 chứng từ về Đức Gioan Phaolô II.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 28/3/2007

 

 

TOP