ĐTC GPII: Công Đồng Chung Vaticanô II là Mùa Vọng dọn đường cho Đại Năm Thánh 2000 nói riêng và Đệ Tam Tân Thiên Kỷ Kitô Giáo nói chung

 

Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 30/10/2005, cũng như trong Thư ngày 26/10/2005 Gửi Hội Nghị của Ủy Ban Tòa Thánh Về Liên Hệ Với Người Do Thái, Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói về Tuyên Ngôn Nostra Aetate liên quan tới vấn đề đối thoại liên tôn với Do Thái giáo, và một trong những tôn sư nổi tiếng của Do Thái đã nhận định về mối giao hảo giữa Kitô Giáo và Do Thái Giáo sau 40 năm đang diễn tiến đầy hứa hẹn, như dân Do Thái sau 40 năm trong hoang địa đã vào Đất Hứa vậy.

 

Thế nhưng, phải công nhận là, theo Quan Phòng vô cùng huyền nhiệm của Thiên Chúa, mối liên hệ tốt đẹp này có được là nhờ Đức Gioan Phaolô II, vị mà khi vừa vĩnh viễn nằm xuống, một tổ chức Do Thái ở Hoa Kỳ đã lên tiếng công nhận là những gì ngài làm cho mối giao hảo giữa Giáo Hội Công Giáo và Do Thái Giáo trong thời khoảng giáo triều dài nửa thế kỷ của ngài còn hơn cả gần 2000 năm trước đó nữa. Đúng thế, sở dĩ Đức Gioan Phaolô II làm được điều này là vì “Ngài là người của Công Đồng Chung Vaticanô II”, như vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI mới đây đã nhận định.

 

Nếu Đức Gioan Phaolô II không thể tách rời với Đại Năm Thánh 2000 thế nào, thì ngài cũng là một với Công Đồng Chung Vaticanô II như vậy. Sau đây là chính lời của ngài trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến (đoạn 18-20) ban hành ngày 10/11/1994 về biến cố Công Đồng Chung Vaticanô II như là một mùa vọng dọn đường cho riêng Đại Năm Thánh 2000 và cho chung Ngàn Năm Thứ 23 Kitô Giáo như sau.  

 

18. Chúng ta có thể xác nhận rằng Công Đồng Chung Vaticanô II là một biến cố quan phòng, nhờ đó, Giáo Hội bắt đầu sửa soạn trực tiếp hơn cho cuộc mừng thiên niên thứ ba. Công Đồng này là một công đồng cũng giống như các công đồng trước kia, song lại khác hẳn; đó là một công đồng chú trọng vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, đồng thời lại vươn mình ra với thế giới. Thái độ vươn mình ra của Giáo Hội là một đáp ứng có tính cách phúc âm đối với những đổi thay trong thế giới này, những đổi thay bao gồm cả những kinh nghiệm về tình trạng hỗn loạn sâu rộng của thế kỷ 20, một thế kỷ rùng rợn với hai cuộc Đại Chiến I và II, với kinh nghiệm về những trại tập trung cùng với những cuộc tàn sát khủng khiếp. Tất cả những biến cố này đã chứng tỏ một cách hết sức hùng hồn là thế giới cần phải được thanh tẩy; nó cần phải cải thiện lại.

 

Công Đồng Chung Vaticanô II thường được coi như bắt đầu một kỷ nguyên mới trong sinh hoạt của Giáo Hội. Điều này đúng, nhưng đồng thời nó cũng khó bỏ qua sự kiện là Công Đồng đã rút tỉa rất nhiều kinh nghiệm và suy tư của một qúa khứ vừa qua, nhất là từ di sản tinh thần do Đức Piô XII để lại. Trong lịch sử của Giáo Hội, cái "cũ" và cái "mới" luôn luôn đan kết chặt chẽ với nhau. Cái mới phát xuất từ cái cũ, và cái cũ được diễn đạt trọn vẹn nơi cái mới. Điều này đã xẩy ra với Công Đồng Chung Vaticanô II, cũng như với hoạt động của các vị giáo hoàng có liên hệ với công đồng, bắt đầu từ Đức Gioan XXIII, tiếp đến Đức Phaolô VI và Gioan-Phaolô I, cho đến vị giáo hoàng đương kim.

 

Điều mà những vị giáo hoàng này đã hoàn tất trong thời gian và từ thời gian Công Đồng, qua giáo huấn của các ngài cũng như qua hoạt động mục vụ của các ngài, chắc chắn đã đóng góp một cách đáng kể vào việc sửa soạn cho một mùa xuân mới của sinh hoạt Kitô giáo, một mùa xuân sẽ được tỏ hiện nhờ cuộc Đại Hỷ, nếu các Kitô hữu tỏ ra dễ dậy đối với tác động của Chúa Thánh Thần.

 

19- Công Đồng, cho dù không bắt chước tính cách nghiêm trọng của thánh Gioan Tẩy Giả là vị trên bờ sông Dược-Đăng đã kêu gọi thống hối và cải thiện (x.Lk.3:1-7), cũng đã tỏ ra cho thấy một điều của vị tiên tri xưa, đó là, bằng một nghị lực mới, Công Đồng đã chỉ cho con người nam nữ của ngày hôm nay thấy rằng Chúa Giêsu Kitô là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian" (Jn.1:29), Đấng cứu chuộc nhân loại và là Chúa của lịch sử. Trong Công Đồng, theo lòng ước ao thật sự muốn hoàn toàn trung thành với thày mình, Giáo Hội đã tự vấn về căn tính riêng của mình, và đã nhận thức lại mầu nhiệm của mình là thân thể và là hiền thê của Chúa Kitô. Khiêm tốn lắng nghe lời Thiên Chúa, Giáo Hội đã tái xác nhận ơn gọi nên thánh phổ quát; đã phác họa điều khoản về việc canh tân phụng vụ là nguồn mạch và là thượng đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội; đã thúc đẩy việc canh tân cho nhiều phương diện trong sinh hoạt của Giáo Hội, ở cả lãnh vực hoàn vũ cũng như ở các Giáo Hội địa phương; đã cố gắng khơi dậy những ơn gọi Kitô giáo khác nhau, từ những ơn gọi của người giáo dân đến những ơn gọi Tu Trì, từ sứ vụ của các thày sáu đến sứ vụ của các linh mục và giám mục; và nhất là Giáo Hội đã nhận thức lại được tính cách tập đoàn của hàng giáo phẩm, đó là một thể hiện đặc biệt của việc mục vụ được thi hành bởi các vị giám mục hiệp thông với vị thừa kế thánh Phêrô. Trên căn bản của cuộc canh tân sâu xa này, Công Đồng vươn mình đến các Kitô hữu của các giáo phái khác, với các môn đệ của các tôn giáo khác và với tất cả mọi người của thời đại chúng ta. Không có Công Đồng nào đã từng nói rõ ràng về cuộc hiệp nhất Kitô giáo, về việc đối thoại với các tôn giáo không phải là Kitô giáo, về ý nghĩa đặc biệt của cựu ước đối với dân Ích Diên, về những truyền thống văn hóa khác nhau mà trong đó Giáo Hội phải thực hiện công cuộc truyền giáo của mình, và về phương tiện truyền thông xã hội.

 

20. Toàn bộ giáo huấn phong phú lớn lao của Công Đồng, cùng với cung cách mới mẻ đáng phục để trình bày nội dung giáo huấn này, đã thật sự làm nên một tuyên ngôn cho những thời điểm mới. Các giáo phụ của Công Đồng đã nói bằng ngôn ngữ của Phúc Âm, ngôn ngữ của Bài Giảng trên Núi và của các Phúc Đức. Trong sứ điệp của Công Đồng, Thiên Chúa được trình bày theo chủ quyền tuyệt đối của Ngài trên tất cả mọi sự, nhưng cũng là một Đấng bảo đảm tính cách tự động chính thực của những thực tại trần thế. Bởi thế, việc sửa soạn hay nhất cho một tân thiên niên chỉ có thể được thể hiện bằng một cuộc dấn thân mới trong việc mang ra áp dụng, một cách trung thành bao nhiêu có thể, những giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II vào đời sống của mọi người cũng như vào sinh hoạt của cả Giáo Hội. Theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ, những việc sửa soạn trực tiếp liên quan đến cuộc Đại Hỷ năm 2000 thật sự bắt đầu từ Công Đồng Chung Vaticanô II. Nếu chúng ta tìm một so sánh theo phụng vụ thì có thể nói là Mùa Vọng hằng năm là mùa có ý nghĩa sát với tinh thần của Công Đồng nhất. Vì Mùa Vọng là mùa sửa soạn cho chúng ta nghênh đón Đấng đã có, đang có và phải đến (x.Rev.4:8).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, trích dịch từ Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba, ban hành ngày 10/11/1994