Bài 12 (Thứ Tư 31/5/2000)

VINH QUANG BA NGÔI NƠI VIỆC THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

1-         Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của Kitô Giáo, một cử hành việc tuôn đổ Thánh Linh xuống, cho thấy một số phương diện khác nhau nơi các bản văn Tân Ước. Chúng ta sẽ bắt đầu với phương diện chúng ta vừa nghe được diễn tả trong đoạn Sách Tông Vụ. Phương diện này rõ ràng nhất nơi tâm trí của mọi người, trong lịch sử nghệ thuật cũng như trong chính phụng vụ.

Trong tác phẩm thứ hai của mình, Thánh Luca đặt tặng ân Thần Linh vào trong một cuộc thần hiển, tức là, trong một cuộc mạc khải thần linh long trọng, với những biểu hiệu liên quan đến cảm nghiệm của dân Yến Duyên ở núi Sinai (xem Ex 19). Tiếng động mạnh, luồng gió thổi và ngọn lửa sáng làm nổi bật siêu việt tính thần linh. Thực tại ở chỗ, chính Chúa Cha là Đấng đã ban Thần Linh qua việc can thiệp của Chúa Kitô vinh hiển. Thánh Phêrô đã nói như thế trong bài diễn từ của ngài: Chúa Giêsu, “được đem lên ngự bên hữu Chúa Cha, và lãnh nhận lời Chúa Cha hứa sai Thánh Linh, đã tuôn đổ lời hứa này mà anh em được chứng kiến thấy và nghe thấy đây” (Acts 2:33). Như Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy, vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần “được tỏ hiện, ban phát và thông đạt như là một Ngôi Vị thần linh... Vào ngày đó, Ba Ngôi Thiên Chúa hoàn toàn được mạc khải” (các số 731-732).

2-         Thật vậy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều liên quan đến việc tỏ hiện của Thần Linh, Đấng được tuôn đổ xuống trên cộng đồng Kitô hữu tiên khởi cũng như trên Giáo Hội ở mọi thời như là một ấn tín của Tân Ước theo lời báo trước của các vị tiên tri (xem Jer 31:31-34; Ez 36:24-27), để nâng đỡ việc làm chứng của Giáo Hội và để trở thành nguồn hiệp nhất trong đa điện. Bằng quyền lực của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ loan báo Đấng Phục Sinh, và tất cả mọi tín hữu, với các thứ ngôn ngữ khác nhau và bởi đó với các nền văn hóa và biến cố lịch sử khác nhau, đều tuyên xưng cùng một đức tin vào Chúa Kitô, “nói lên... các công việc quyền năng của Thiên Chúa” (Acts 2:11).

Cần phải chú ý là có một bản dẫn giải của Do Thái về Cuộc Xuất Hành, khi nhắc lại đoạn 10 trong Sách Khởi Nguyên, đoạn phác tả bản đồ của 70 dân tộc bấy giờ được cho là bao gồm toàn thể loài người, đã dẫn họ trở về lại với núi Sinai để nghe lời Thiên Chúa: “Tại Sinai, tiếng của Chúa đã được chia thành 70 ngôn ngữ, để tất cả mọi dân tộc có thể hiểu được” (Exodus Rabba’ 5, 9). Lễ Hiện Xuống theo Thánh Luca cũng thế, Lời của Thiên Chúa nói với loài người, qua các Tông Đồ, để loan báo “các công việc quyền năng của Thiên Chúa” (Acts 2:11) cho tất cả mọi dân nước khác biệt nhau.

3-         Tuy nhiên, trong Tân Ước, còn có một trình thuật khác mà chúng ta có thể gọi là Lễ Hiện Xuống theo Thánh Gioan. Theo Phúc Âm thứ bốn, việc tuôn đổ Thánh Linh thực sự xẩy ra vào ngay tối Phục Sinh và liên hệ chặt chẽ với việc Phục Sinh. Nơi Thánh Gioan chúng ta đọc thấy rằng: “Vào buổi tối ngày hôm đó, ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà nơi các môn đệ đều đóng kín vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu đến đứng giữa họ mà nói ‘Bình an cho các con!’. Khi nói điều này Người tỏ cho họ thấy hai bàn tay và cạnh sườn của Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Chúa Giêsu lại nói với các vị: ‘Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thày thế nào Thày cũng sai các con như vậy. Khi nói như thế, Người thở hơi trên họ mà phán: ‘Các con hãy lãnh nhận Thánh Linh. Nếu các con tha tội cho ai thì họ được tha; bằng các con cầm tội ai thì họ bị cầm lại’” (Jn 20:19-23).

Vinh quang của Ba Ngôi cũng chiếu tỏa nơi trình thuật của Thánh Gioan nữa: vinh quang của Chúa Kitô phục sinh, Đấng hiện ra bằng thân xác vinh hiển của mình, do bởi Chúa Cha, Đấng là nguồn mạch sứ vụ tông đồ, và do bởi Thần Linh được tuôn đổ như tặng ân bình an. Điều này làm trọn lời Chúa Kitô đã hứa cũng trong những bức tường này ở bài Người từ biệt các môn đệ: “Thế nhưng, Đấng Dẫn Dụ là Thánh Linh, Đấng Chúa Cha sẽ nhân danh Thày sai đến, Ngài sẽ dạy các con mọi sự và gợi cho các con nhớ lại tất cả những gì Thày đã nói với các con” (Jn 14:26). Việc Thần Linh hiện diện trong Giáo Hội có mục đích là để tha thứ tội lỗi, để gợi nhớ và thực thi Phúc Âm trong đời sống, để đạt tới mức độ sâu xa hơn trong việc hiệp nhất yêu thương. Tác động tiêu biểu thở hơi là để gợi lại tác động của Đấng Tạo Hóa, Đấng mà sau khi làm nên thân xác của con người từ bụi đất, “đã thở hơi vào lỗ mũi con người” để ban cho con người “hơi thở sự sống” (Gn 2:7). Chúa Kitô phục sinh thông truyền một hơi thở sự sống khác là “Chúa Thánh Thần”. Cứu chuộc là một công việc tân tạo, là một việc thần linh mà Giáo Hội được kêu gọi cộng tác bằng thừa tác vụ hòa giải của mình.

4-         Thánh Tông Đồ Phaolô không hiến cho chúng ta một trình thuật trực tiếp về việc tuôn đổ Thần Linh nhưng lại diễn tả các hoa trái của việc tuôn đổ này rõ ràng đến nỗi người ta có thể nói về một Lễ Hiện Xuống mới theo Thánh Phaolô. Thực vậy, theo lưỡng đoạn ở các Thư gửi Giáo Đoàn Galata và Rôma, Thần Linh là tặng ân của Chúa Cha, Đấng làm cho chúng ta nên những dưỡng tử của Ngài, khi Ngài ban cho chúng ta được thông phần vào chính sự sống của gia đình thần linh. Bởi thế, Thánh Phaolô viết: “Vì anh em không lãnh nhận thần trí nô lệ khiến phải sợ hãi, mà là lãnh nhận thần trí làm con cái. Khi chúng ta kêu lên ‘Abba! Lạy Cha!’ thì chính là Thần Linh chứng tỏ cho tâm trí chúng ta thấy rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa, mà nếu là con, tức là những người thừa kế, thừa kế của Thiên Chúa cũng là những người thừa kế cùng với Chúa Kitô” (Rm 8:15-17; xem Gal 4:6-7).

Được Thánh Thần ngự trong lòng, chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa bằng một danh xưng cha ơi quen thuộc, danh xưng được chính Chúa Giêsu thường thân thưa với Cha trên trời của mình (xem Mk 14:36). Như Người, chúng ta phải đi theo Thần Linh bằng một niềm tự do nội tâm sâu xa: “Hoa trái của Thần Linh là yêu thương, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lành thánh, trung thành, hiền hòa, tự chủ” (Gal 5:22). Chúng ta hãy kết thúc việc chúng ta chiêm ngưỡng Ba Ngôi Thiên Chúa nơi việc Hiện Xuống bằng lời nguyện cầu phụng vụ của Lễ Phục Sinh: “Hãy đến, hỡi các dân nước, chúng ta hãy tôn thờ Thiên Chúa trong Ba Ngôi là Chúa Cha nơi Chúa Con cùng với Chúa Thánh Thần. Vì Chúa Cha từ đời đời sinh ra Người Con đồng hằng hữu, Đấng hiện hữu và hiển trị với Ngài, cùng với Thánh Thần ở trong Chúa Cha, được tôn vinh với Chúa Con, là một quyền năng duy nhất, một bản thể duy nhất, một thần tính duy nhất ... Tôn vinh Chúa, lạy Chúa Ba Ngôi!” (Kinh Tối Áp Lễ Hiện Xuống).

 

 (Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 7/6/2000)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch