Bài 16 (Thứ Tư 5/7/2000)

 

THIÊN CHÚA LUÔN TÌM KIẾM CON NGƯỜI

 

1-         Trong Thư gửi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô Tông Đồ đã trích lại một lời tiên tri lạlùng từ Sách Isaia (x. 65:1), lời Thiên Chúa phán qua cửa miệng của vị ngôn xứ là: “Những người không tìm kiếm Ta đã thấy được Ta; Ta đã tỏ mình ra cho những ai không yêu cầu Ta” (Rm 10:20). Thế nên, sau khi suy niệm về vinh quang của Ba Ngôi được tỏ hiện trong vũ trụ và lịch sử ở những bài giáo lý trước, giờ đây chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình hướng nội, bằng cách khám phá những đường lối nhiệm mầu Thiên Chúa dùng trong việc tìm đến gặp gỡ con người để chia sẻ sự sống và vinh quang của Ngài. Vì Thiên Chúa yêu thương tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài, như vị mục tử ưu ái trong dụ ngôn chúng ta vừa đọc (x Lk 15:4-7), mà Ngài không bao giờ thôi tìm kiếm tạo vật, cho dù họ có tỏ ra hờ hững lạnh lùng hay thậm chí tỏ ra thù ghét sự sống thần linh, như con chiên lạc đàn luẩn quẩn ở những ngõ cụt hiểm nghèo đi chăng nữa.

2-         Được Thiên Chúa theo đuổi, con người đã cảm thấy việc Ngài hiện diện, đã được dọi sáng trên đôi vai và đã nghe thấy một tiếng gọi xa xăm. Nhờ đó, chính họ bắt đầu đi tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng kiếm tìm họ, ở chỗ, họ đi tìm kiếm vì được kiếm tìm, tỏ lòng yêu thương vì được thương yêu. Hôm nay, chúng ta bắt đầu truy lùng dấu vết liên quan đến cuộc giao tiếp hứng khởi giữa việc Thiên Chúa tác động với việc con người đáp ứng. Thật vậy, cảm nghiệm này cũng được thấy âm vang nơi một thứ tiếng nói bên ngoài Kitô giáo, một dấu hiệu nói lên cho thấy ước vọng phổ quát nơi con người muốn nhận biết Thiên Chúa và muốn hưởng lãnh lòng từ ái của Ngài. Ngay cả kẻ thù của dân Yến Duyên trong Kinh Thánh là vua Nebuchadneoãar cai trị đế quốc Babylon đi nữa, người đã phá hủy thành thánh Giêrusalem năm 587-586 BC, cũng thân thưa với Thần Linh bằng những lời sau đây: “Lạy Chúa, không có Ngài thì vua chúa, thành phần Ngài yêu thương và gọi đích danh sẽ là cái thứ gì? Họ làm sao có thể sống tốt lành trước nhan Ngài? Ngài chi phối danh hiệu của họ, Ngài dẫn đưa họ theo đường ngay nẻo chính! ... Ôi lạy Chúa, nhờ ân huệ của mình, Ngài rộng rãi chia sẻ với mọi người, sự uy nghi cao cả của Ngài trở thành tình thương và Ngài làm cho họ có lòng kính sợ thần tính của Ngài. Xin ban cho tôi những gì là thiện hảo trước nhan Chúa, vì Ngài đã hình thành sự sống của tôi!” (x G. Pettinato, Babilonia, Milan 1994, trang 182).

3-         Anh em Hồi Giáo của chúng ta cũng diễn tả một niềm tin tương tự như vậy, bằng việc thường xuyên lập lại trong cả ngày sống của mình lời nguyện cầu mở đầu Kinh Coran, cũng chính là lời nguyện chúc tụng đường lối của Thiên Chúa, “Chúa của Tạo Thành, Đấng Cảm Thương, Đấng Thương Xót”, dẫn dắt những ai Ngài tuôn đổ ân sủng của Ngài xuống cho.

Truyền thống Thánh Kinh lớn đã đặc biệt gợi ý cho tín hữu biết thường xuyên kêu xin Thiên Chúa ban cho mình ánh sáng và sức mạnh cần thiết để hành thiện. Bởi thế, tác giả Thánh Vịnh đã nguyện cầu trong Thánh Vịnh 119 là: “Ôi Chúa, xin hướng dẫn tôi theo đường nẻo của những gì Ngài chỉ thị, để tôi tuân giữ chúng một cách chính xác. Xin hãy ban cho tôi nhận thức, để tôi tuân hành luật Chúa và hết lòng gìn giữ nó. Xin hãy dẫn tôi theo con đường của những gì Chúa truyền dạy, vì nó làm cho tôi vui thỏa... Xin hãy che khuất mắt tôi khỏi những gì hư ảo; xin hãy ban cho tôi sự sống nhờ đường nẻo của Chúa” (các câu 33-35, 37).

4-         Như thế, theo cảm nghiệm phổ quát về đạo giáo, nhất là theo những gì được Thánh Kinh truyền đạt, chúng ta thấy được cái nhận thức về chủ quyền của Thiên Chúa  trong việc Ngài tìm kiếm con người để dẫn họ vào lãnh giới ánh sáng và mầu nhiệm của Ngài. Từ ban đầu đã có Lời, Đấng phá vỡ cái thinh lặng của hư không, một việc làm “hồng ân” của Thiên Chúa (Lk 2:14), Đấng không bao giờ bỏ rơi những ai Ngài đã tạo dựng nên. 

Việc khởi đầu tuyệt đối này chắc chắn không loại trừ nhu cầu cần có tác động của con người hay việc đòi hỏi con người phải đáp ứng; con người được kêu gọi để làm cho mình được Thiên Chúa chạm tới cũng như để mở cửa cuộc đời mình cho Ngài vào, song họ cũng có khả năng phủ nhận những lời mời gọi ấy. Về vấn đề này, Sách Khải Huyền đã đặt những lời lạ lùng sau đây vào miệng lưỡi Chúa Kitô: “Này Ta đứng ở cửa mà gõ; ai nghe tiếng Ta và mở cửa ra, Ta sẽ vào ăn uống với họ, và họ sẽ ở cùng Ta” (Rev 3:20). Nếu Chúa Kitô không hành trình trên những con đường thế gian này thì chúng ta sẽ bị lẻ loi nơi những chân trời hạn hẹp. Chưa hết, chúng ta còn phải mở của ra cho Ngài nữa, để chúng ta có thể ở với Ngài nơi bàn tiệc của chúng ta trong mối hiệp thông sự sống và yêu thương.

5-         Cuộc hành trình hội ngộ giữa Thiên Chúa và con người được tỏ hiện dưới bảng hiệu yêu thương. Một đàng, tình yêu thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa đi trước chúng ta, vây bọc chúng ta và liên lỉ mở đường cho chúng ta tiến về nhà Cha. Ở đó, Chúa Cha đang chờ đợi để ấp ủ chúng ta, như trong dụ ngôn của Phúc Âm về “người con hoang đàng”, đúng hơn về “Người Cha xót thương” (x Lk 15:11-32). Đàng khác, chúng ta cũng cần phải có tình yêu huynh đệ như là việc đáp ứng tình yêu Thiên Chúa, ở chỗ, như Thánh Gioan kêu gọi chúng ta trong Bức Thư Thứ Nhất của ngài: “Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như vậy, chúng ta cũng phải yêu thương lẫn nhau nữa... Thiên Chúa là tình yêu, nên ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ” (1Jn 4:11,16). Ơn cứu độ, sự sống và hoan lạc trường sinh nẩy nở từ mối ôm ấp yêu thương thần linh và loài người này.

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 12/7/2000)