Bài 17 (Thứ Tư 26/7/2000)

 

THIÊN CHÚA THỎA MÃN LÒNG CHÚNG TA TRÔNG MONG NHAN NGÀI

 

1-         “Ôi chớ gì Ngài rẽ trời mà ngự xuống!”. Tiếng kêu vang vọng của tiên tri Isaia (63:19), một tiếng kêu gồm tóm niềm trông mong Thiên Chúa tỏ nhan Ngài ra cho riêng lịch sử thánh kinh của dân Yến Duyên cũng như cho cõi lòng của mọi người, không phải là không có tác dụng. Thiên Chúa là Cha đã vượt qua ngưỡng cửa siêu việt tính của mình, ở chỗ, nhờ Con mình là Đức Giêsu Kitô, Ngài đã bắt đầu ra đi hành trình với con người, cũng như qua Thần Linh sự sống và yêu thương của mình, Ngài đã đi sâu vào lòng trí tạo vật của Ngài. Ngài không để chúng ta lang thang xa khỏi đường lối của Ngài, cũng không để lòng trí chúng ta vĩnh viễn cứng cỏi (x Is 63:17). Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã đến gần với chúng ta, nhất là đến với “bộ mặt buồn bã” của chúng ta, để rồi, như đã xẩy ra cho các môn đệ ở Emmau, lòng trí chúng ta bắt đầu bừng nóng trong mình chúng ta nhờ lời lẽ nồng ấm của Ngài (x Lk 24:17, 32). Tuy nhiên, việc Thiên Chúa vượt qua ngưỡng cửa siêu việt tính này là một mầu nhiệm, cần phải có đôi mắt tinh tuyền và đôi tai lắng nghe mới nhận thấy được. 

 

2-         Theo chiều hướng này, hôm nay chúng ta muốn nhấn mạnh đến hai thái độ căn bản cần phải có đối với vị Thiên Chúa Emmanuel, Đấng đã muốn gặp gỡ con người cả ở trong không gian và thời gian lẫn ở trong tận đáy lòng của họ nữa. Thái độ thứ nhất là thái độ đợi chờ, được rõ ràng cho thấy nơi đoạn Phúc Âm Thánh Marcô chúng ta đã nghe trước đây (x Mk 13:33-37. biệt chú của người dịch: đoạn phúc âm về thái độ của người tôi tớ phải đợi chủ trở về). Trong nguyên ngữ Hy Lạp, chúng ta thấy có ba lời truyền khiến nói lên việc chờ đợi này. Lời truyền khiến thứ nhất là: “Hãy coi chừng”, tức là, “Hãy để ý, hãy cẩn thận!”. “Chú ý”, theo chữ nghĩa, tức là tất cả tâm hồn của mình hướng đến, phải hướng đến một điều gì đó. Nó ngược lại với phân tâm, một thứ phân tâm, bất hạnh thay, lại là một tình trạng hầu như cố hữu của chúng ta, nhất là trong một xã hội cuồng loạn nông nổi như của chúng ta hôm nay đây. Chúng ta cảm thấy khó lòng chuyên chú đến một mục tiêu nào đó, một giá trị nào đó, cũng như cảm thấy khó khăn trong việc trung thành và liên lỉ theo đuổi mục tiêu ấy, giá trị ấy. Chúng ta dám liều mình tỏ ra thái độ như vậy nữa đối với cả Thiên Chúa là Đấng đã đến với chúng ta qua việc Nhập Thể của mình để trở nên hải tinh soi hướng cho đời sống của chúng ta.

 

3-         Lời truyền khiến hãy coi chừng được tiếp theo bằng lời truyền khiến “hãy tỉnh táo”, một lời truyền khiến theo nguyên ngữ Hy Lạp của Phúc Âm cũng là lời truyền khiến “hãy tỉnh thức”. Chúng ta có xu hướng mạnh mẽ thiên về tình trạng ngủ mê, tình trạng bị vùi dập trong cái quyến hút của đêm đen, một tình trạng, theo Thánh Kinh, là biểu hiệu cho lầm lỗi, cho sự lì lợm và cho việc phủ nhận ánh sáng. Do đó mà chúng ta có thể hiểu được lời huấn dụ của Thánh Phaolô sau đây: “Hỡi anh em, anh em không ở trong tăm tối..., vì tất cả anh em đều là con cái của ánh sáng và là con cái của ban ngày; chúng ta không thuộc về đêm đen hay bóng tối. Bởi vậy chúng ta đừng ngủ như những người khác, song chúng ta hãy tỉnh thức và chú ý” (1Thes 5:4-6). Chỉ khi nào chúng ta thoát khỏi cái hấp dẫn mờ ảo của tối tăm và của sự dữ chúng ta mới gặp được Người Cha của ánh sáng, Đấng “không lệch lạc hay mập mờ theo chuyển biến” (Jas 1:17).

 

4-         Còn lời truyền khiến thứ ba được diễn tả hai lần bằng cùng một động từ Hy Lạp là “Hãy coi chừng!”. Đây là một động từ dành cho người lính gác, thành phần phải tỉnh táo canh chừng trong khi nhẫn nại đợi chờ thời gian đêm tối qua đi để nhìn thấy ánh sáng rạng đông bừng lên ở chân trời. Tiên tri Isaia đã diễn tả một cách sống động và hùng hồn việc mong đợi lâu dài này qua cuộc đối thoại giữa hai người lính gác, một cuộc đối thoại tiêu biểu nói lên cho thấy việc sử dụng thời gian đúng đắn: “’Này người gác viên ơi, đêm còn lâu không?’ Gác viên trả lời ‘Sáng đến rồi và đêm lại xuống. Nếu muốn hỏi mãi thì hãy cứ trở lại đây’” (Is 21:11-12).

 

Chúng ta phải tự vấn, cải hồi và đến gặp gỡ Chúa. Ba lời kêu gọi của Chúa Kitô: “Hãy để ý, hãy tỉnh thức, hãy coi chừng!”, tóm gọn một cách rõ ràng thái độ mà người Kitô hữu phải chú tâm đến việc gặp gỡ Chúa. Như Thánh Giacôbê thúc giục chúng ta trong Bức Thư của ngài, việc chờ đợi cần phải nhẫn nại: “Hãy nhẫn nại cho tới khi Chúa đến. Hãy xem cách người làm ruộng đợi chờ đất đai trổ sinh hoa mầu tươi tốt. Ông ta nhẫn nại hướng về ngày đó trong lúc đất đai nếm những cơn mưa mùa đông và mùa xuân. Cả anh em nữa cũng phải nhẫn nại. Lòng trí anh em hãy vững vàng, vì ngày Chúa gần đến” (Jas 5:7-8). Nếu một bông lúa cần phải trổ cánh hay một bông hoa cần phải nở mầu thì có những lúc không thể ép buộc được; vì con người được sinh ra cần phải có chín tháng; muốn viết một cuốn sách hoặc sáng tác một bản nhạc hay thường phải trải qua nhiều năm nhẫn nại tìm tòi nghiên cứu. Đó cũng là qui luật về tâm linh. Có một nhà thơ đã viết: “Hễ sự gì gấp rút thì sẽ chóng tàn rụi” (R. M. Rilke, Sonnets to Orpheus). Việc gặp gỡ cuộc mầu nhiệm cần phải nhẫn nại, thanh tẩy nội tâm, thinh lặng và đợi chờ.

 

5-         Chúng ta vừa nói đến hai thái độ tinh thần để khám phá ra vị Thiên Chúa là Đấng đến với chúng ta. Thái độ thứ hai – sau khi chú ý và tỉnh táo chờ đợi – là thái độ lạ lùng, bỡ ngỡ. Chúng ta phải mở mắt của mình ra để ca ngợi Thiên Chúa, Đấng chẳng những ẩn mình và hiện mình nơi các sự vật mà còn là Đấng dẫn chúng ta vào những lãnh giới của mầu nhiệm nữa. Thứ văn hóa kỹ thuật, nhất là tình trạng chìm sâu vào các thực tại vật chất, thường ngăn cản không cho chúng ta thấy được cái dung nhan ẩn náu nơi các sự vật. Thực vậy, hết mọi sự, hết mọi biến cố, đối với những ai biết cách đọc được chiều sâu của chúng, đều chất chứa một sứ điệp có mục đích dẫn đến Thiên Chúa. Như thế có nhiều dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa hiện diện. Thế nhưng, để chúng không thoát khỏi tầm mắt của mình, chúng ta phải tinh tuyền và đơn thành như con trẻ (x Mt 18:3-4), thành phần có thể ca ngợi, bỡ ngỡ, lạ lùng và vui thú trước những tác động yêu thương và gần gũi của Thiên Chúa đối với chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể áp dụng vào sinh hoạt của cuộc sống thường nhật những gì Công Đồng Chung Vaticanô II đã nói về việc làm trọn dự án cao cả của Thiên Chúa qua Lời mạc khải của Ngài: “Bởi tình yêu viên mãn của mình, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với con người như là những người bạn hữu và tác động nơi họ để mời gọi họ cùng tiếp nhận họ vào mối hiệp thông với Ngài” (Hiến Chế Mạc Khải, 2).

 

(tuần san L’Osservatore Romano ấn bản Anh ngữ, 2/8/2000)