Bài 18 (Thứ Tư 2/8/2000)

 

VINH QUANG BA NGÔI

NƠI THIÊN NHIÊN TẠO VẬT

 

1-         “Tuyệt diệu biết bao tất cả mọi việc Ngài làm, chúng hiện lên cho thấy lấp lánh biết mấy!... Cho dù có nói đến đâu chúng ta cũng không thể nào nói cho cùng, ngoài những lời tóm gọn: ‘Ngài là tất cả mọi sự’... Ngài lớn hơn tất cả những việc Ngài làm” (Huấn Ca 42:22, 43:27-28). Những lời tuyệt vời này của Sách Huấn Ca đã tóm gọn bài ca chúc tụng được mọi thời đại dưới gầm trời dâng lên Đấng Tạo Hóa, Đấng đã tỏ mình ra qua muôn vàn công cuộc rạng ngời của Ngài.

 

Có nhiều thứ tiếng nói, cho dù còn bất hảo, cũng đã nhận thấy, qua thiên nhiên, sự hiện diện của vị Tác Giả cũng là Chúa Tể tạo vật. Một nhà vua thi sĩ người Ai Cập xưa, khi ngỏ lời cùng thần mặt trời, đã kêu lên rằng: “Những gì ngài đã làm thì dồi dào biết bao! Chúng ẩn kín trước mắt (con người). Ôi vị thần linh duy nhất, ngoài ngài ra không còn một vị thần linh nào khác! Vì là Đấng duy nhất mà Ngài đã dựng nên thế giới theo lòng mong muốn của mình” (“The Hymn to Aton”, in J. B. Pritchard, Ancient Near Eastern Texts, 3rd ed., Princeton 1969, pp. 369-371). Mấy thế kỷ sau, một triết gia người Hy Lạp, qua một bài ca tuyệt diệu, cũng đã chúc tụng thần linh tỏ hiện nơi thiên nhiên nhất là nơi con người ta: “Chúng tôi là giòng giống của Ngài, và việc chúng tôi phát ngôn như nói lên tâm tư của Ngài, chỉ có một mình chúng tôi trong tất cả mọi vật linh hoạt mới sống động và chuyển hành trên mặt đất này” (Cleanthes, Hymn to Zeus, vv.4-5). Thánh Phaolô đã lấy câu thừa nhận này để trích lại trong bài diễn từ của mình ở Công Nghị Viện thành Nhã Điển (x. Acts 17:28).

 

2-         Tín đồ Hồi Giáo cũng cần phải nghe thấy một thứ tiếng nói được Tạo Hóa gửi gấm nơi các việc do tay Ngài làm nên: “Ôi loài người, hãy tôn thờ Chúa, Đấng đã tạo dựng nên các người và những ai đã ra đi trước các người: Hãy kính sợ Đấng đã dựng nên mặt đất để làm giường cho các người nằm và dựng nên tầng trời để làm mái che cho các người, cũng như đã làm mưa từ trời rơi xuống để sinh ra hoa mầu nuôi dưỡng các người” (Koran II, 21-23). Truyền thống Do Thái, một truyền thống đã nẩy nở trong mảnh đất phì nhiêu của Thánh Kinh, mới khám phá ra sự hiện diện cá vị của Thiên Chúa nơi mọi góc cạnh thiên nhiên: “Tôi lang thang nơi nào cũng có Ngài! Tôi suy tưởng ra sao cũng có Ngài! Chỉ có một mình Ngài, một mình Ngài mà thôi, một mình Ngài luôn mãi!…... Ngài ở trên bầu trời! Ngài ở dưới mặt đất! Duy một mình Ngài! Ngài ở dưới đây! Nơi mọi chiều hướng, nơi mọi khía cạnh, chỉ có một mình Ngài, một mình Ngài mà thôi, một mình Ngài luôn mãi!” (M. Buber, Tales of the Hasidim, Italian ed., Milan 1979, p. 276).

 

3-         Trong mối cảm nghiệm bao rộng này của nhận thức về đạo giáo cũng như của lời con người nguyện cầu, mạc khải thánh kinh xuất hiện để đóng ấn thần linh trên cảm nghiệm ấy. Trong việc thông đạt mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho chúng ta, mạc khải này giúp chúng ta nhận thấy nơi chính thiên nhiên tạo vật chẳng những các dấu ấn của Chúa Cha là nguồn gốc tất cả mọi sự sống, mà còn của cả Chúa Con và Thần Linh nữa. Do đó khi cùng với tác giả Thánh Vịnh chiêm ngưỡng các tầng trời Kitô hữu mới hướng mắt lên cả Ba Ngôi Thiên Chúa: “Bởi lời Chúa” – tức bởi Lời hằng hữu của Ngài – “các tầng trời đã được tạo thành; bởi hơi thở miệng Ngài” – tức là bởi Thánh Linh của Ngài – “mới có tất cả mọi thiên cơ” (Ps 33:6). Bởi vậy “trời cao công bố vinh quang Thiên Chúa và tầng mây loan báo công cuộc tay Ngài. Ngày này truyền lại cho ngày khác, và đêm này kể lại cho đêm kia. Không một lời nói nào cũng như không một bàn bạc nào của chúng mà không phát lên tiếng nói; tiếng của chúng vang khắp trái đất và sứ điệp của chúng loan đến tận cùng thế giới” (Ps 19:2-5).

 

Để có thể nghe thấy tiếng nói thần linh này vang trong vũ tru, cõi lòng con người cần phải thoát khỏi tiếng động làm họ không còn nghe thấy được nữạ. Cùng với mạc khải thực sự được chất chứa trong Sách Thánh, cuộc tỏ hiện thần linh còn được thấy nơi cảnh chói chang của mặt trời cũng như nơi cảnh đêm xuống. Theo một nghĩa nào đó, thiên nhiên cũng là một “cuốn sách của Thiên Chúa”.

4-         Chúng ta có thể tự hỏi làm sao cảm nghiệm chiêm niệm về Chúa Ba Ngôi nơi Kitô hữu có thể được bồi dưỡng nơi thiên nhiên tạo vật, vì qua thiên nhiên họ nhận thức thấy chẳng những hình ảnh của một Thiên Chúa duy nhất theo nghĩa chung chung, mà còn cả những dấu vết của các ngôi vị thần linh riêng biệt nữa. Thật vậy, nếu thực sự “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba nguyên lý tạo thành mà chỉ là một nguyên lý duy nhất” (Công Đồng Chung Florence, DS 1331), thì quả thực “mỗi ngôi vị thần linh thi hành công việc chung theo đặc tính riêng biệt chuyên nhất của mình” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 258).

 

Vậy khi chúng ta lạ lùng chiêm ngưỡng vũ trụ đại và mỹ diệu, chúng ta phải chúc tụng cả Ba Ngôi Thiên Chúa, thế nhưng tâm tưởng của chúng ta hướng cách riêng về Chúa Cha là nguồn mạch và là tầm mức viên trọn của chính hữu thể từ Ngài phát xuất. Thế rồi, nếu chúng ta suy niệm về cấp trật quản trị vũ trụ và ca ngợi sự khôn ngoan được Chúa Cha dùng để tạo nên nó, khi Ngài ban cho nó các qui luật chi phối việc hiện hữu của nó, thì chúng ta tự nhiên nghĩ đến Chúa Con hằng hữu được Thánh Kinh cho chúng ta thấy như Ngôi Lời (x Jn 1:1-3) và như Đức Khôn Ngoan thần linh (x 1Cor 1:24, 30). Trong bản thánh ca tuyệt vời được Đức Khôn Ngoan hát lên trong Sách Cách Ngôn, bản thánh ca đã được đọc lên để mở đầu cho buổi gặp gỡ của chúng ta đây, Đức Khôn Ngoan nói: “Ta đã có từ xa xưa, ngay từ đầu, trước khởi nguyên” (Prv 8:23). Đức Khôn Ngoan hiện diện vào lúc tạo dựng “như tay thủ công lành nghề” (Prv 8:30), hân hoan vui thú “giữa các con cái loài người” (x Prv 8:30-31). Từ những khía cạnh này, truyền thống Kitô Giáo đã thấy nơi Đức Khôn Ngoan ấy dung nhan của Chúa Kitô, “hình ảnh Thiên Chúa vô hình, trưởng tử của tất cả mọi tạo vật;... tất cả mọi sự được dựng nên nhờ Người và cho Người. Người có trước tất cả mọi sự, và tất cả mọi sự cùng nhau tồn tại trong Người” (Col 1:15-17; x Jn 1:3).

 

5-         Theo ánh sáng đức tin Kitô Giáo, thiên nhiên tạo vật đặc biệt gợi lên cho tâm trí thấy Chúa Thánh Thần trong cơ cấu làm nên mối liên hệ giữa các sự vật với nhau, nơi đại vũ trụ cũng như tiểu vũ trụ, và rõ ràng nhất nơi việc sự sống phát xuất và phát triển. Theo kinh nghiệm này, ngay cả nơi các nền văn hóa rất cách biệt với Kitô Giáo đi nữa, thì việc Thiên Chúa hiện diện được nhận thấy như là “thần linh” ban sự sống cho thế giới. Về khía cạnh này mới thấy ý vị những lời Vergil nói: “spititus intus alit”, “thần linh nuôi dưỡng từ bên trong” (Aeneid, VI, 726). 

 

 

Người Kitô hữu thừa biết là không thể nào chấp nhận được điều qui về cho Thần Linh này nếu nó có ý nói đến một loại “anima mundi” (xin mạn dịch là “hồn thiêng trái đất” hay phóng dịch là “hồn thiêng sông núi) hiểu theo nghĩa phiếm thần. Tuy nhiên, trong khi loại trừ điểm sai lầm này, thì mọi hình thức của sự sống, sinh động và yêu thương cuối cùng cũng qui chiếu về Thần Linh, Đấng được Sách Khởi Nguyên cho biết “đang di động trên mặt nước” (Gn 1:2) vào lúc bình minh của tạo thành, cũng là đoạn Thánh Kinh, theo ánh sáng của Tân Ước, Kitô hữu thấy ám chỉ đến Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Thật vậy, ý niệm của Thánh Kinh về việc tạo dựng “bao gồm chẳng những tiếng gọi hiện hữu của chính hữu thể vũ trụ, tức là được tặng ân hiện hữu, mà còn cả việc hiện diện của Thần Linh Thiên Chúa nữa, tức là việc Thiên Chúa bắt đầu thông mình cứu độ cho những vật Ngài tạo dựng. Điều này trước hết áp dụng nơi trường hợp con người, thành phần đã được dựng nên theo hình ảnh và tương tự Thiên Chúa” (Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 12).

 

Trước việc tỏ hiện của mạc khải về vũ trụ, chúng ta hãy công bố việc Thiên Chúa làm bằng những lời của Thánh Vịnh sau đây: “Khi Ngài gửi Thần Linh tới thì chúng được tạo thành và Ngài canh tân bộ mặt trái đất” (Ps 104:30).

 

(tuần san L’Osservatore Romano ấn bản Anh ngữ, 9-16/8/2000)