Bài 21 (Thứ Tư 6/9/2000)

 

ĐƯỜNG LỐI CHÚA KITÔ TRUYỀN DẠY THÌ GẮT GAO

 

1-         Việc gặp gỡ Chúa Kitô làm thay đổi đời sống con người một cách sâu xa, thúc đẩy họ đi đến chỗ metanoia, tức đến tình trạng thật tình hoán cải lòng trí, và thiết lập mối hiệp thông sự sống, một mối hiệp thông trở thành việc làm môn đệ của Người. Trong các Phúc Âm, việc theo Chúa Kitô được diễn tả qua hai thái độ: thái độ thứ nhất là ở chỗ “đi với” Chúa Kitô (akolouthein); thái độ thứ hai là ở chỗ “bước đi sau” Đấng dẫn lối, theo bước chân và đường hướng của Người (erchesthai opiso). Điều này gợi lên cho thấy hình ảnh của một con người làm môn đệ, một hình ảnh được hiện thực bằng nhiều cách khác nhau. Như có một số theo Người bằng một đường lối còn đại khái và thường nông nổi như trường hợp của đám đông dân chúng (x Mk 3:7, 5:24; Mt 8:1, 10, 14:13, 19:2, 20:29). Rồi có những tội nhân (x Mk 2:14-15); có những người phụ nữ theo phụ giúp vào việc truyền giáo của Chúa Giêsu bằng việc phục vụ cụ thể của họ, như một số lần đã được nhắc đến (x Lk 8:2-3; Mk 15:41). Một số được Chúa Kitô kêu gọi đặc biệt, và trong số đó có 12 Vị đã chiếm một chỗ đặc biệt. Như thế, mẫu thức của những người được kêu gọi rất khác nhau, ở chỗ, có người làm nghề đánh cá và thu thuế, cả người liêm chính lẫn tội nhân, cả người lập gia đình lẫn sống độc thân, cả người nghèo lẫn người giầu, như Giuse Arimathea (x Jn 19:38), cả nam giới lẫn nữ giới. Ngay cả đến trường hợp của Simong Nhiệt Thành (x Lk 6:15) là một phần tử trong cuộc làm cách mạng chống lại người Rôma. Cũng có một số người từ chối lời mời gọi của Người, như trường hợp của người bạn trẻ giầu có, trước những lời đòi hỏi của Chúa Kitô, đã buồn bã đau thương bỏ đi, “vì anh ta có nhiều của cải” (Mk 10:22).

2-         Những điều kiện để đi cùng một con đường như Chúa Giêsu thì không bao nhiêu nhưng lại quan yếu. Như chúng ta đã nghe trong đoạn Phúc Âm vừa đọc ít phút trước đây; đó là cần phải quay lưng lại với quá khứ và dứt khoát hẳn với nó, một cuộc metanoia theo nghĩa sâu xa của từ ngữ này, tức là một cuộc thay đổi cả tâm trí lẫn đời sống. Chúa Kitô đã đề ra một con đường hẹp đòi phải hy sinh và hoàn toàn tự hiến: “Nếu ai muốn theo Tôi, họ hãy bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo Tôi” (Mk 8:34). Đó là một đường lối gồm có cả những gai nhọn đau thương và bách hại nữa: “Nếu họ đã bắt bớ Thày thì họ cũng sẽ bắt bớ chúng con” (Jn 15:20). Đó là một con đường làm nên những vị thừa sai và nên những chứng nhân cho lời của Chúa Kitô, nhưng cũng là con đường cần các vị tông đồ của Người “không mang theo gì đi đường... không bánh ăn, không túi đựng, không tiền bạc nhét ở thắt lưng” (Mk 6:8; x Mt 10:9-10).

3-         Như thế, việc làm môn đệ Chúa Kitô không phải là một cuộc hành trình dễ dàng như đi trên một con đường bằng phẳng. Nó có thể xẩy ra những lúc khó khăn đến độ có lúc “nhiều môn đệ của Người đã rút lui không đi theo Người nữa” (Jn 6:66), tức là, không đi theo Chúa Giêsu, Đấng buộc lòng phải đặt ra một câu hỏi quyết liệt thách đố 12 Vị: “Các con cũng có bỏ Thày mà đi chăng?” (Jn 6:67). Vào một trường hợp khác, khi Phêrô tỏ ra đi ngược lại với quan niệm về Thập Giá, ngài đã bị quở trách thậm tệ bằng những lời mà, theo cung cách của chính bản văn, có thể là một lời mời gọi hãy trở lại “theo” Chúa Giêsu, sau khi thánh nhân đã cố tránh né việc tiến đến chỗ chấp nhận Thập Giá: “Đồ Satan, hãy xéo đi! Vì ngươi không theo chiều hướng Thiên Chúa mà chỉ theo chiều hướng loài người thôi” (Mk 8:33).

Phêrô dám nghĩ đến việc phản bội Chúa Kitô lắm, thế mà, cuối cùng ngài cũng vẫn theo Thày của mình và Chúa của mình bằng một tình yêu quảng đại nhất. Thật vậy, Phêrô đã tuyên xưng tình yêu của mình trên bờ Biển Tibêria là: “Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi sự; Chúa biết rằng con yêu Chúa”. Thế rồi Chúa Giêsu đã nói với ngài về việc “ngài phải tôn vinh Thiên Chúa bằng cái chết của ngài ra sao”, qua hai lần kêu gọi: “Hãy theo Thày!” (Jn 21:17, 19, 22).

Vai trò làm môn đệ của Chúa Kitô được thể hiện đặc biệt nơi người môn đệ dấu yêu, người môn đệ sống thân tình với Chúa Kitô, vị đã lãnh nhận Mẹ Người như một quà tặng và đã nhận ra Người sau khi Người sống lại (x Jn 13:23-26, 18:15-16, 19:26-27, 20:2-8, 21: 2, 7, 20-24).

4.         Mục tiêu tuyệt đỉnh cho vai trò làm môn đệ của Chúa Kitô là ánh vinh quang. Đường lối dẫn đến mục tiêu này là “việc bắt chước Chúa Kitô”, Đấng đã sống trong yêu thương và đã chết cho yêu thương trên cậy Thập Giá. Một người môn đệ “như thế tất cả bản thân phải thấm nhiễm Chúa Kitô, họ phải nên xứng hợp và đồng hóa mình với toàn thể thực tại của việc nhập thể và cứu chuộc để có thể sống chính bản thân mình” (Thông Điệp Redemptor Hominis 10). Chúa Kitô phải đi vào cái tôi của họ để giải thoát họ khỏi vị kỷ và tự kiêu, như Thánh Ambrose đã nói về vấn đề này như sau: “Chớ gì Chúa Kitô thấm nhập vào linh hồn anh em, chớ gì Chúa Giêsu ngự trị tâm tưởng của anh em, để ngăn ngừa tội lỗi khỏi xâm chiếm chiếc lều nhân đức thánh hảo của anh em” (Comment on Psalm 118, thư “daleth”, 26).

5.         Bởi thế, Thập Giá, dấu chỉ của tình yêu và của việc toàn hiến, là một huy hiệu của người môn đệ được kêu gọi nên giống Chúa Kitô hiển vinh. Romanus the Melodist, vị Giáo Phụ thuộc Giáo Hội Đông Phương, đồng thời cũng là một thi sĩ có hồn, đã đặt vấn đề với người môn đệ của Chúa Kitô như thế này: “Quí bạn có Cây Thập Giá như chiếc gậy chống của mình; tuổi trẻ của quí bạn hãy nương dựa vào đó. Hãy chống chiếc gậy này mà đi cầu nguyện, mà đến bàn họp, đến giường ngủ và đến mọi nơi mọi chốn, để quí bạn chiếm lấy vinh quang... Quí bạn hãy nói với đức lang quân đang gắn bó với quí bạn rằng: Con xấp mình xuống dưới chân Chúa. Với tình thương vô biên của Chúa, xin Chúa hãy ban hòa bình cho thế giới, hãy hộ giúp Giáo Hội của Chúa, hãy quan tâm đến các vị mục tử và hãy hòa hợp đàn chiên, để tất cả chúng con được mừng hát cuộc phục sinh của mình muôn đời” (Hymn 52 “To the newly baptized”, strophes 19 và 22).

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 13/9/2000)