Bài 22 (Thứ Tư 13/9/2000)

 

THÁNH LINH BAN SỰ SỐNG VÀ TỰ DO CHO KITÔ HỮU

1.         Trong Căn Thượng Lầu, vào buổi tối sau cùng cho cuộc sống trần gian của mình, Chúa Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Linh đến năm lần (x Jn 14:16-17, 14:26, 15:26-27, 16:7-11, 16:12-15). Cũng tại nơi đây, Đấng Phục Sinh đã hiện ra với các Vị Tông Đồ vào tối Phục Sinh và tuôn đổ Thần Linh được hứa ban, qua tác động biểu hiệu là thở hơi trên các vị kèm theo những lời: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh!” (Jn 20:22). Năm mươi ngày sau, cũng tại Căn Thượng Lầu này, Thánh Linh đã mãnh liệt đột xuất, bằng việc biến đổi tâm trí và cuộc sống của những chứng nhân Phúc Âm tiên khởi. Thế rồi, từ đó, các năng động sâu xa nhất của lịch sử Giáo Hội vẫn tràn đầy Thần Linh hiện diện và tác động, Đấng “được ban khôn lường” cho những ai tin vào Chúa Kitô (x Jn 3:34). Cuộc gặp gỡ Chúa Kitô liên quan đến cả tặng ân Thánh Linh, Đấng mà, theo lời Thánh Basiliô, vị đại Giáo Phụ của Giáo Hội, “được tuôn đổ xuống trên mỗi người không bị giảm bớt chút nào, hiện diện nơi từng người trong số những ai có khả năng lãnh nhận tặng ân này, như thể tặng ân ấy là để cho một mình họ mà thôi, và Ngài cũng tuôn đổ đầy đủ và trọn vẹn ân sủng xuống trên tất cả mọi người nữa” (De Spiritu Sancto IX, 22).

2.         Thánh Tông Đồ Phaolô, trong một đoạn của Bức Thư viết cho giáo đoàn Galata như chúng ta vừa nghe (x 5:16-18, 22-25), đã kể ra “hoa trái của Thần Linh” (5:22), bằng cách liệt kê bao rộng những nhân đức tràn chảy vào đời sống của người tín hữu. Chúa Thánh Linh là nguồn gốc của cảm nghiệm đức tin. Thật vậy, chính nơi Phép Rửa mà chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Thần Linh: “Vì anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Linh Con của Ngài vào lòng chúng ta, để kêu lên ‘Abba! Lạy Cha!’ (Gal 4:6). Hơi thở Thần Linh, Đấng làm cho chúng ta thành con cái trong Người Con và khiến chúng ta “bước đi” trên những con đường công chính và cứu độ (x Gal 5:16), ở ngay chính nguồn mạch Kitô Giáo, khi chúng ta được sinh ra như một tạo vật mới.

3.         Thế nên, tất cả mọi biến cố của đời sống Kitô hữu cần phải được diễn tiến theo tác động của Thần Linh. Khi Ngài tỏ cho chúng ta biết những lời của Chúa Kitô, thì ánh sáng chân lý chiếu soi trong lòng chúng ta, như Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng An Ủi là Thánh Linh, Đấng Cha nhân danh Thày mà sai đến, Ngài sẽ dạy các con tất cả mọi sự và gợi cho các con nhớ lại tất cả những gì Thày đã nói với các con” (Jn 14:26, x 16:12-15). Thần Linh ở bên cạnh chúng ta trong lúc chúng ta bị thử thách, ở chỗ Ngài trở thành vị bảo vệ và hỗ trợ của chúng ta: “Khi họ bắt nộp các con, các con đừng sợ phải nói năng những gì và nói năng ra sao, vì các con sẽ biết những gì các con cần phải nói vào lúc ấy, bởi không phải các con nói mà là Thần Linh của Cha nói qua các con” (Mt 10:19-20). Thần Linh là nguồn mạch tự do của Kitô hữu, một thứ tự do không bị gông cùm tội lỗi kìm kẹp. Thánh Phaolô đã rõ ràng nói lên điều này, đó là “lề luật Thần Linh của sự sống trong Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát chúng tôi khỏi lề luật tội lỗi và sự chết” (Rm 8:2). Chính vì đời sống luân lý được chiếu tỏa bởi Thần Linh mà, như Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta, nó mới sinh hoa kết trái “yêu thương, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, trung tín, hiền lành, tự chủ” (Gal 5:22).

4.         Thần Linh làm cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu bừng lên trong Chúa Kitô. Thánh Tông Đồ cũng ca tụng tính cách đa diện và phong phú cùng với việc hiệp nhất của Giáo Hội qua hình ảnh của một thân thể, như là việc làm của Chúa Thánh Thần. Một mặt Thánh Phaolô liệt kê một số khác nhau những đặc sủng hay những tặng ân đặc biệt được ban cho các phần tử của Giáo Hội (x 1Cor 12:1-10); đàng khác, ngài cho rằng “tất cả những sự ấy đều được tác động bởi cùng một Thần Linh duy nhất, Đấng phân phát cho từng người tùy theo như ý Ngài muốn” (1Cor 12:11). Thật vậy, “bởi cùng một Thần Linh mà chúng ta tất cả đã được rửa thành một thân thể – Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do – và tất cả đều uống cùng một Thần Linh duy nhất” (1Cor 12:13).

Sau hết, để đạt tới cùng đích vinh quang của mình, chúng ta cũng cần phải có Thần Linh. Về vấn đề này, Thánh Phaolô dùng hình ảnh “ấn tín” và “bảo chứng”: “anh em... được niêm ấn bằng Thánh Linh hứa ban, Đấng là bảo chứng gia sản của chúng ta cho tới khi chúng ta chiếm hữu được nó, để ca tụng vinh quang của Ngài” (Eph 1:13-14; x 2Cor 1:22, 5:5). Tóm lại, toàn thể cuộc sống của người Kitô hữu, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều ở dưới hiệu cờ Thánh Linh và là công việc của Ngài.

5.         Tôi muốn nhắc lại trong Năm Mừng Kỷ Niệm này những gì Tôi đã đề cập đến trong Thông Điệp viết về Chúa Thánh Thần, đó là “Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng Năm 2000 như thế chất chứa một sứ điệp giải phóng nhờ quyền năng của Thần Linh, Đấng chỉ có Ngài mới có thể giúp cho cá nhân cũng như cộng đồng thoát khỏi những tiền định chế tác hành cũ mới, bằng việc hướng dẫn họ theo ‘lề luật của Thần Linh, Đấng ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô’, nhờ đó khám phá ra và làm hoàn thành tầm vóc trọn vẹn cho tự do thực sự của con người. Vì như Thánh Phaolô viết: ‘Thần Linh Chúa ở đâu thì tự do cũng ở đó’ (Dominum et Vivificantem, 60).

Bởi thế, chúng ta hãy phó mình cho tác động giải phóng của Thần Linh, bằng cách cùng với Symeon Tân Thần Học Gia ngây ngất thân thưa cùng Ngôi Ba Thiên Chúa bằng những lời lẽ như sau: “Tôi thấy được vẻ đẹp ân sủng của Ngài, tôi chiêm ngưỡng ánh quang của nó, tôi thấy mình trong ánh sáng của nó, tôi thấy được tôi ra sao và tôi đã trở nên những gì. Ôi diệu kỳ thay! Tôi tinh tường, tôi hết lòng kính trọng bản thân mình, hết lòng tôn kính và kính sợ như tôi đang ở trước nhan Ngài; tôi không biết phải làm gì, tôi cảm thấy sợ hãi, tôi không biết ngồi đâu, đi đâu, để đâu các phần thể thuộc về Ngài; tôi phải sử dụng chúng, những kỳ công thần linh lạ lùng này vào những việc gì, làm những cái chi đây” (Hymns, II, các câu 19-27: x Tông Huấn Đời Tận Hiến, 20).

 (Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 20/9/2000)