Bài 3: (Thứ Tư ngày 19-1-2000)

 

BA NGÔI LÀ NGUỒN YÊU THƯƠNG VÀ ÁNH SÁNG

 

1-         “Ôi Ba Ngôi cao cả, vô cùng thần linh và thiện hảo, Đấng canh giữ đức khôn ngoan thần linh cho người Kitô hữu, xin dẫn đưa chúng con vượt ra ngoài tất cả mọi thứ ánh sáng và vượt lên trên hết mọi sự vô thức trước tuyệt đỉnh của các Sách Thánh nhiệm mầu, những cuốn sách tỏ ra cho thấy những mầu nhiệm thần học đơn sơ, tuyệt đối và bất diệt trong một bóng tối sáng tỏ của lặng thinh”. Với lời cầu nguyện này của Điônysiô thành Areopagite, một nhà thần học Đông phương (Theologia mystica, I, 1), chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình cam go song hào hứng trong việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Thiên Chúa. Sau khi đã suy tư mấy năm qua về mỗi một ngôi vị thần linh trong Ba Ngôi Thiên Chúa – Ngôi Con, Ngôi Thần Linh và Ngôi Cha – trong năm Mừng Kỷ Niệm này, chúng ta muốn có một cái nhìn toàn diện về vinh quang chung của cả Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất, “không phải duy nhất trong một ngôi vị mà là trong Ba Ngôi cùng một bản thể” (Kinh Tiền Tụng Lễ Trọng Kính Chúa Ba Ngôi). Dự định này cũng tương hợp với những gì đã được đề ra trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, một văn kiện phác họa mục đích nhắm đến trong giai đoạn cử hành Cuộc Đại Mừng Kỷ Niệm là “để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là khởi điểm của hết mọi sự trên thế gian cũng như trong lịch sử và là cùng đích mà mọi sự phải qui về” (đoạn 55).

 

2-         Cảm hứng theo hình ảnh được gợi lên trong Sách Khải Huyền (x 22:1), chúng ta có thể so sánh cuộc hành trình này như là một cuộc lữ hành dọc theo hai bên bờ sông của Thiên Chúa, tức là hành trình theo sự hiện diện và mạc khải của Người trong lịch sử.

 

Như một chấm phá vắn tắt cho cuộc hành trình này, hôm nay chúng ta sẽ ở tại hai viễn cực của con sông ấy, tức là ở đầu sông và ở cuối sông, kết hợp chúng lại thành một đường chân trời duy nhất. Thật thế, Ba Ngôi thần linh là chính căn nguyên của việc hiện hữu cũng như của lịch sử, và Ngài còn hiện diện cả ở tận điểm của chúng nữa. Giữa hai viễn cực này, tức là giữa vườn Địa Đường (x Gn 2) và cây sự sống ở Gialiêm trên trời (x Rev 22), trào ra một giòng lịch sử được đánh dấu bằng tối tăm và ánh sáng, bằng tội lỗi và ân sủng. Tội lỗi đã phân lìa chúng ta ra khỏi diệu quang của địa đường Thiên Chúa; ơn cứu chuộc đã mang lại cho chúng ta vinh hiển của một trời mới đất mới, nơi “không còn sự chết, cũng chẳng còn than khóc hay kêu la hoặc đớn đau gì nữa” (ibid 21:4).

 

3-         Cái nhìn khởi sự về đường chân trời này đã được trang Sách Thánh đầu tiên trình bày cho thấy giây phút mà quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa làm nên thế gian từ hư vô: “Từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên các tầng trời và trái đất” (Gn 1:1). Cái nhìn này được Tân Ước đào sâu hơn nữa, bằng cách đi trở lại chính tâm điểm của sự sống thần linh, khi thánh ký Gioan mở đầu Phúc Âm của ngài: “Từ ban đầu đã có Lời, Lời ở với Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa” (Jn 1:1). Trước khi việc tạo thành xẩy ra và là nền tảng của việc tạo thành này, mạc khải đã cho chúng ta chiêm ngưỡng thấy mầu nhiệm của một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, đó là Ngôi Cha và Lời của Ngài hiệp nhất với nhau trong Thần Linh.

 

Vị tác giả Thánh Kinh đã viết đoạn văn về việc tạo dựng không thể nào thấu triệt được chiều sâu của mầu nhiệm này. Tư tưởng thuần triết học lại càng khó có thể đạt thấu, vì Ba Ngôi ở ngoài khả năng kiến thức của chúng ta và chúng ta chỉ có thể biết được nhờ mạc khải mà thôi.

 

Tuy nhiên, mầu nhiệm vô cùng siêu vượt trên chúng ta này cũng là một thực tại gần gũi với chúng ta, bởi thực tại này là chính căn nguyên của hữu thể chúng ta. Vì trong Thiên Chúa chúng ta “sống động và hiện hữu” (Acts 17:28), và điều Thánh Âu Quốc Tinh nói về Thiên Chúa cũng phải được áp dụng cho tất cả Ba Ngôi Vị thần linh, tức Ngài  intimior intimo meo” (Conf., 3, 6, 11) (xin tạm dịch ba chữ Latinh: Ngài gần gũi tôi hơn là tôi gần với mình). Trong thẳm cung của hữu thể chúng ta, nơi mà ngay cả chúng ta cũng không thể thấu triệt, thì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, lại hiện diện bằng ân sủng. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chẳng những không phải là một sự thật khô khan thuần lý trí mà còn là sự sống ở trong chúng ta và bảo tồn chúng ta.

 

4-         Trong Năm Mừng Kỷ Niệm đây, việc chúng ta suy niệm sẽ nhắm vào những đề tài về sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi này, một sự sống có trước việc tạo dựng và là cội nguồn của việc tạo dựng. Là mầu nhiệm của các nguồn gốc làm phát sinh ra tất cả mọi sự, đối với chúng ta Thiên Chúa như là một Đấng toàn hữu và là Đấng thông ban sự hữu, như “ánh sáng chiếu soi hết mọi người” (x Jn 1:9), như Đấng Hằng Sống và là Đấng ban sự sống. Đối với chúng ta, trước hết, Ngài là Tình Yêu, như định nghĩa tuyệt vời trong Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan (x 1Jn 4:8). Ngài là tình yêu ở sự sống nội tại của Ngài, sự sống mà sinh hoạt Ba Ngôi chính là việc diễn đạt tình yêu hằng hữu khiến Ngôi Cha sinh ra Ngôi Con và khiến cả hai hiến mình cho nhau trong Thánh Thần. Ngài là tình yêu ở mối liên hệ của Ngài với thế gian, vì việc Ngài tự mình quyết định dựng nên nó từ hư vô là hoa trái của tình yêu vô cùng này, một tình yêu tỏa sáng ra nơi lãnh vực tạo dựng. Nếu đôi mắt của chúng ta, được mạc khải sáng soi, trở nên tinh tuyền và thấu suốt đủ, chúng có thể nhờ đức tin gặp thấy mầu nhiệm này, một mầu nhiệm là nguồn gốc và là nền tảng cho hết mọi sự hiện hữu.

 

5-         Thế nhưng, như chúng ta đã đề cập đến ngay từ đầu, mầu nhiệm Ba Ngôi cũng hiện ra trước mắt chúng ta như là một mục tiêu lịch sử phải hướng đến, như quê hương chúng ta trông mong. Việc chúng ta suy niệm về Chúa Ba Ngôi, qua những lãnh vực khác nhau của việc tạo dựng và lịch sử, sẽ nhắm đến mục tiêu này, một mục tiêu được Sách Khải Huyền hết sức mạnh mẽ vạch ra cho thấy như là một dấu ấn của lịch sử.

 

Đó là phần thứ hai cũng là phần cuối cùng nơi giòng sông của Thiên Chúa, giòng sông chúng ta vừa đề cập đến ít phút trước đây. Trong Gialiêm thiên quốc, khởi nguyên và cùng đích lại gặp được nhau. Vì Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng ngự trên ngai, xuất hiện và phán: “Này đây Ta tái tạo tất cả mọi sự” (Rev 21:5). Bên cạnh Ngài là Chiên Con, tức là Chúa Kitô, vị ngự trên ngai tòa của mình, với cuốn sổ sự sống trong đó có danh tánh của thành phần được cứu chuộc (x ibid., 21:23, 27, 22:1, 3). Thế rồi, ở đoạn cuối, trong một cuộc trao đổi nhẹ nhàng và tha thiết, Thần Linh là Đấng cầu nguyện trong chúng ta và cầu nguyện với Giáo Hội, Hiền Thê của Con Chiên, lên tiếng nói: “Hỡi Chúa Giêsu, xin hãy đến” (x  ibid., 22:17, 20).

 

Kết thúc nét chấm phá tiên khởi của cuộc hành trình đường dài của chúng ta trong việc đi sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta hãy trở lại với lời nguyện của Điônysiô thành Areopagite, vị nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cần phải chiêm ngưỡng, đó là “Chính trong cái lặng thinh thực sự mà chúng ta biết được những bí mật của bóng tối tăm này… một bóng tối chiếu tỏa ánh quang chói lọi… Trong lúc vẫn hoàn toàn vô hình vô tượng, bóng tối tăm ấy làm ngập đầy những tâm trí biết nhắm mắt lại trước những rạng ngời mỹ lệ nhất” (Theologia Mystica, I, 1).

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 26/1/2000)