Bài 32 (Thứ Tư 29/11/2000)

 

THIÊN CHÚA CHA BAN ƠN CỨU ĐỘ  CHO TẤT CẢ MỌI DÂN TỘC

 

1.         Sách Khải Huyền vừa cho chúng ta thấy một bức họa vĩ đại, trong đó, chẳng những chúng ta thấy có đầy dẫy dân Yến Duyên được tiêu biểu qua 12 chi tộc của họ, mà còn có cả một số đông các dân tộc từ mọi miền đất và văn hóa khác nữa, tất cả đều mặc chiếc áo khoác trắng của một cõi trường sinh vinh quang diễm phúc. Với hình ảnh gợi ý này, Tôi muốn chúng ta hãy bắt đầu lưu tâm đến vấn đề đối thoại liên tôn, một chủ đề rất thích hợp với thời đại của chúng ta đây.

 

Tất cả mọi người công chính của cõi đời này đều dâng lời chúc tụng Thiên Chúa, một khi họ đạt tới đích vinh quang sau cuộc hành trình dốc dác và nhọc nhằn khó đi trên con đường của cuộc sống trần gian. Họ đã trải "qua một cuộc thảm khốc kinh hoàng" và đã được thanh tẩy bởi máu của Con Chiên "đã đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội" (Mt 26:28). Như thế, tất cả mọi người trong họ đều được thông dự vào cùng một nguồn ơn cứu độ, một nguồn cứu độ Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên loài người. Vì "Thiên Chúa không sai Con Ngài đến trần gian để luận phạt thế gian, song để thế gian nhờ Người mà được cứu độ" (Jn 3:17).

 

2.         Ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi dân tộc, như giao ước Thiên Chúa đã ký kết với Noe cho thấy (x Gen 9:8-17), chứng thực tính cách phổ quát của việc Thiên Chúa tỏ mình ra cũng như của việc con người tin tưởng đáp ứng (x Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 58). Thế nên, nơi Abraham mới có việc "tất cả mọi cộng đồng trên mặt đất được chúc phúc" (Gen 12:3). Họ đang bước đi trên con đường tiến đến thành thánh để hưởng một thứ bình an làm thay đổi bộ mặt trái đất, lúc mà gươm kiếm được đúc thành cầy bừa và giáo mác thành liềm hái (x Is 2:2-5).

 

Thật là cảm động khi đọc thấy những lời này trong Sách Tiên Tri Isaia: "Các người Ai Cập sẽ cùng với những người Assyria tôn thờ (Chúa)... thành phần được Chúa các đạo binh chúc phúc rằng 'Phúc cho Ai Cập là dân của Ta, và phúc cho Assyria là công cuộc Ta làm, cùng phúc cho Yến Duyên là gia sản của Ta" (Is 19:23, 25). "Tác giả Thánh Vịnh xướng lên rằng: "Vua chúa của các dân tộc tụ họp lại với dân của Thiên Chúa Abraham. Vì những người coi sóc trái đất này đều bởi Chúa; Ngài là Đấng tối cao" (Ps 47:10). Thật vậy, tiên tri Malachi đã thực sự nghe thấy cả khối nhân loại vang tiếng tôn vinh và chúc tụng dâng lên Thiên Chúa thế này: "Từ khi mặt trời mọc lên cho tới lúc nó lặn xuống, danh của Ta cao cả nơi các dân nước, Chúa các đạo binh phán" (Mal 1:11). Đúng thế, vị tiên tri này cũng đã tự hỏi rằng: "Chúng ta không có cùng một Cha duy nhất hay sao? Thiên Chúa duy nhất đã không tạo dựng nên chúng ta hay sao?" (Mal 2:10).

 

3.         Như thế là đã có một niềm tin tưởng nào đó khi con người kêu cầu Thiên Chúa, cho dù dung nhan của Ngài còn "vô danh" (x Acts 17:23). Tất cả loài người tìm cách tỏ ra thực sự tôn thờ Thiên Chúa và hiệp thông giữa anh chị em với nhau theo tác động của "Thần chân lý thực hiện ở ngoài giới hạn hữu hình của Nhiệm Thể" Chúa Kitô (Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, 6).

 

Về vấn đề này, Thánh Irênêô nhắc lại rằng Thiên Chúa đã thiết lập với loài người bốn giao ước: nơi Adong, Noe, Moisen và Chúa Kitô (x Adversus Haereses, 3, 11, 8). Ba giao ước đầu, theo tinh thần, nhắm đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô và đánh dấu những giai đoạn Thiên Chúa đối thoại với tạo vật của Ngài, một cuộc gặp gỡ của tỏ bầy và yêu thương, của sáng soi và ân sủng, những tạo vật được Người Con qui tụ lại nên một với nhau, niêm ấn trong chân lý và đưa đến tình trạng toàn thiện.

 

4.         Theo chiều hướng này thì niềm tin nơi tất cả mọi dân tộc được bừng nở ra trong hy vọng. Niềm tin ấy chưa được hoàn toàn soi sáng bởi tất cả mạc khải, một mạc khải liên kết nó với những lời hứa thần linh và làm cho nó thành một nhân đức "đối thần". Tuy nhiên, các sách thánh của những tôn giáo khác cũng hướng về một niềm hy vọng đến độ, các cuốn sách ấy cho thấy một chân trời hiệp thông thần linh, hướng lịch sử đến một đích điểm thanh tẩy và cứu độ, phấn khích việc tìm kiếm chân lý cũng như việc bảo vệ những giá trị của đời sống, của sự thánh thiện, của đức công bình chính trực, của hòa bình và tự do. Với nỗ lực gắng gỏi cốt yếu này, một nỗ lực đối đầu ngay cả với những xung khắc của nhân loại, cảm nghiệm về đạo giáo cũng hướng con người về tặng ân đức ái thần linh cũng như về những đòi hỏi của đức ái này. Việc đối thoại liên tôn được Công Đồng Chung Vaticanô II khuyến khích phải được quan niệm theo nhãn giới ấy (x Tuyên Ngôn Nostra Aetate, 2). Việc đối thoại này được thể hiện bằng việc tất cả mọi tín đồ cùng nhau nỗ lực hoạt động cho công bình chính trực, cho tình đoàn kết và cho hòa bình an lạc. Việc đối thoại này cũng được thể hiện nơi những mối liên hệ về văn hóa, những mối liên hệ gieo mầm mống lý tưởng và siêu việt tính vào mảnh đất thường khô cằn của chính trị, kinh tế và an sinh xã hội. Việc đối thoại này giữ một vai trò quan trọng đối với Kitô hữu trong việc làm chứng trọn vẹn cho đức tin của mình nơi Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất. Cũng với đức tin này, Kitô hữu ý thức được rằng con đường dẫn đến tất cả sự thật (x Jn 16:13) đòi hỏi phải biết khiêm tốn lắng nghe để có thể khám phá ra cũng như để có thể cảm nhận được mọi tia sáng bất cứ từ đâu tới, những tia sáng bao giờ cũng là hoa trái của Thần Linh Chúa Kitô.

 

5.         "Sứ vụ của Giáo Hội là lo phát triển 'vương quốc của Chúa chúng ta cũng là vương quốc Đức Kitô của Ngài' (Rev 11:15) mà Giáo Hội được kêu gọi để phục vụ. Một phần trong vai trò của Giáo Hội là ở chỗ nhận ra rằng thực tại còn đang phát triển của vương quốc này cũng có thể xẩy ra ngoài giới hạn của Giáo Hội, chẳng hạn như nơi tâm can của những tín đồ theo các truyền thống đạo giáo khác, vì họ sống theo các giá trị Phúc Âm và cởi mở trước tác động của Thần Linh" (Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn và Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, Đối Thoại và Loan Báo, 35). Điều này đặc biệt áp dụng, như Công Đồng Chung Vaticanô II bảo chúng ta trong Tuyên Ngôn Nostra Aetate, vào trường hợp những tôn giáo độc thần là Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Theo tinh thần ấy, Tôi đã diễn đạt lòng mong ước sau đây trong Chỉ Dụ về Năm Thánh: "Chớ gì Cuộc Mừng Kỷ Niệm giúp vào việc xúc tiến vấn đề đối thoại với nhau cho đến khi tất cả chúng ta, những tín đồ Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo, cùng trao cho nhau lời chào chúc bình an ở Giêrusalem" (Mầu Nhiệm Nhập Thể, 2). Tôi cảm tạ Chúa đã cho Tôi, trong cuộc hành hương mới đây đến những Nơi Thánh, niềm vui của lời chào chúc này, một hứa hẹn giao hảo được đánh dấu bằng một thứ bình an chưa từng sâu đậm và bao hàm hơn như vậy.

 

 

(Tuần san L'Oseervatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 6/12/2000)