Bài 33 (Thứ Tư 6/12/2000)

TẤT CẢ MỌI NGƯỜI  ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ XÂY DỰNG VƯƠNG QUỐC CỦA THIÊN CHÚA

1.         Trong Năm Kỷ Niệm Đại Hỷ này, đề tài căn bản cho các bài giáo lý của chúng ta là vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi như đã được mạc khải cho chúng ta biết theo lịch sử cứu độ. Chúng ta đã suy niệm về Thánh Thể, việc cử hành Chúa Kitô trọng đại nhất dưới hình bánh và rượu. Tới đây chúng ta muốn dành một ít bài giáo lý cho những gì chúng ta cần phải làm để bảo đảm là vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi chiếu rạng hoàn toàn hơn nữa trên thế gian.

 

Việc chúng ta suy niệm được mở màn bằng bài Phúc Âm theo Thánh Marcô với những lời chúng ta vừa đọc: “Chúa Giêsu đến Galilêa rao giảng phúc âm của Thiên Chúa mà rằng: ‘Thời gian đã trọn và vương quốc của Thiên Chúa đã đến; hãy ăn năn hối cải và tin vào phúc âm’” (Mk 1:14-15). Đây là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với dân chúng, những lời chất chứa con tim của Phúc Âm hy vọng và cứu độ được Người rao giảng, tức là việc loan báo về vương quốc của Thiên Chúa. Từ bấy giờ trở đi, theo Thánh Ký ghi nhận, Chúa Giêsu “đi khắp Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng phúc âm về vương quốc này và chữa lành mọi bệnh nạn tật nguyền trong dân chúng” (Mt 4:23; x Lk 8:1). Các Vị Tông Đồ đã theo bước chân của Người, và cùng với các vị có Thánh Phaolô, Vị Tông Đồ Dân Ngoại, cũng đã được kêu gọi để “rao giảng về vương quốc của Thiên Chúa” nơi các dân tộc, cho dù ngay tại thủ đô của Đế Quốc Rôma (x Acts 20:25, 28:23,31).

 

2.         Phúc Âm về vương quốc này gắn liền Chúa Kitô với các cuốn Sách Thánh là những sách dùng hình ảnh vương giả để cử hành vai trò chúa tể của Thiên Chúa trong vũ trụ và lịch sử. Thế nên chúng ta mới đọc thấy trong Thánh Vịnh là: “Hãy nói với các nước rằng ‘Chúa hiển trị! Phải, thế giới được thiết dựng, nó sẽ không bao giờ bị lay chuyển; Ngài sẽ thẩm phán các dân tộc’” (Ps 96:10). Như thế, vương quốc này là tác động hiệu năng song mầu nhiệm của Thiên Chúa thực hiện trong hoàn vũ cũng như trong cảnh hỗn độn xẩy ra nơi các biến cố của con người. Ngài chế ngự sức đối kháng của sự dữ một cách nhẫn nại hơn là tỏ ra hách dịch và la hét.

 

Bởi thế Chúa Giêsu mới ví vương quốc của Thiên Chúa như là một hạt cải, một hạt giống nhỏ nhất trong các hạt, nhưng lại có tầm vóc trở thành một cây xum xuê cành lá (x Mt 13:31-32), hay như một hạt giống người ta gieo xuống đất: “họ ngủ hay thức thì hạt giống vẫn nẩy mầm mà lớn lên, họ không biết ra sao” (Mk 4:27). Vương quốc này là ân sủng, là tình Thiên Chúa yêu thương thế gian, nguồn mạch an tĩnh và tin tưởng của chúng ta: “Hỡi đàn nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha của các con vui thích ban cho các con vương quốc này” (Lk 12:32). Vì vương quốc của Thiên Chúa ở giữa chúng ta nơi con người Chúa Kitô mà các nỗi sợ hãi, lo âu và ác mộng đều tan biến đi.

 

3.         Thế nhưng, con người không phải là một chứng nhân thụ động để mở đường cho Thiên Chúa đi vào lịch sử. Chúa Giêsu xin chúng ta là “hãy tìm kiếm” một cách chủ động “vương quốc của Thiên Chúa và đức công chính của Ngài”, và lấy việc tìm kiếm này làm mối quan tâm chính yếu (Mt 6:33). Đối với những ai “cho rằng vương quốc của Thiên Chúa đến ngay tức thời”, Người đã tỏ cho họ thấy một thái độ chủ động thay vì chờ đợi thụ động, bằng việc nói cho họ nghe dụ ngôn về 10 nén bạc được sử dụng để sinh lợi (x Lk 19:12-27). Về phần mình, Thánh Phaolô đã nói “vương quốc của Thiên Chúa không phải là việc ăn uống mà là đức công minh chính trực” (Rm 14:17) trước hết, và thúc giục tín hữu hãy sử dụng các chi thể thuộc thân xác của mình để làm phương tiện phục vụ cho đức công minh chính trực mà được thánh hóa (x Rm 6:13, 19).

 

Như thế, con người được kêu gọi để sử dụng đôi tay của mình, trí khôn và tấm lòng của mình để hoạt động cho vương quốc của Thiên Chúa trị đến trên thế giới. Điều này đặc biệt áp dụng cho những ai được kêu gọi làm việc tông đồ và, như Thánh Phaolô nói, là “những công nhân đồng nghiệp hoạt động cho vương quốc của Thiên Chúa” (Col 4:11), nhưng cũng áp dụng cho cả mọi người nữa.

 

4.         Những ai đã chọn bước đi theo đường lối Phúc Đức của Phúc Âm và sống “nghèo khó trong tinh thần”, không dính bén với các sự vật về thể chất, để nâng những gì hèn kém của thế gian lên bằng cảnh khốn cùng của mình, thì sẽ được vào vương quốc của Thiên Chúa. Thánh Giacôbê đã vấn nạn trong Bức Thư của ngài là: “Thiên Chúa há chẳng chọn những kẻ nghèo khó trên thế gian để họ nên giầu có trong đức tin và được thừa hưởng vương quốc Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài hay sao?” (Jas 2:5). Những người vui lòng chịu đựng khổ đau trong cuộc sống cũng sẽ được vào vương quốc này: “Trải qua nhiều hoạn nạn chúng ta mới được vào vương quốc của Thiên Chúa” (Acts 14:22; x 2Thes 1:4-5), nơi mà chính Thiên Chúa “sẽ lau sạch hết mọi giọt nước mắt... và chết sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc hay kêu la hoặc đau đớn nữa” (Rev 21:4). Tấm lòng tinh tuyền muốn bước đi theo con đường công minh chính trực, tức là muốn sống hợp với ý muốn của Thiên Chúa, sẽ được vào vương quốc này, như Thánh Phaolô cảnh giác: “Anh em không biết rằng thành phần bất chính sẽ không được thừa hưởng vương quốc của Thiên Chúa hay sao? Anh em đừng để mình bị lừa đảo; chẳng có ai sống vô luân thường đạo lý, tôn thờ ngẫu tượng, gian dâm ngoại tình, ... hay tham lam, say sưa, gian manh, trộm cắp mà được thừa hưởng vương quốc của Thiên Chúa đâu” (1Cor 6:9-10, x 15:50; Eph 5:5).

 

5.         Như thế, tất cả mọi người công chính, kể cả những ai chưa nhận biết Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, thành phần theo tác động của ân sủng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa (x Lumen Gentium, 16), đều được kêu gọi để xây dựng vương quốc của Thiên Chúa, bằng việc cùng hoạt động với Chúa Kitô, vị đầu tiên và tiên quyết xây dựng của vương quốc này. Thế nên, chúng ta phải phó mình vào tay Người, vào Lời của Người, vào sự hướng dẫn của Người, như những đứa nhỏ khờ dại tìm kiếm an toàn nơi một mình Cha: “Ai không chấp nhận vương quốc của Thiên Chúa như một con trẻ sẽ không được vào vương quốc ấy” (Lk 18:17), Chúa Giêsu đã nói vậy. Tâm niệm như thế, chúng ta phải tâm niệm nguyện cầu cho “Nước Cha trị đến!”. Một lời nguyện cầu được dâng lên trời cao nhiều lần trong lịch sử nhân loại như là một hơi thở dồi dào hy vọng: “Chớ gì bình an nơi vương quốc của Chúa đến với chúng con”, Thi Sĩ Dante đã kêu lên như vậy trong lời nguyện của ông theo mẫu Kinh Lạy Cha (Purgatorio, XI, 7). Một lời nguyện cầu khiến chúng ta hướng về cuộc trở lại của Chúa Kitô và nuôi dưỡng ước vọng mong cho vương quốc của Thiên Chúa cuối cùng được trị đến. Tuy nhiên, ước vọng này vẫn không làm cho Giáo Hội xao lãng sứ mệnh của mình trên thế gian, nhưng lại thôi thúc Giáo Hội mãnh liệt hơn nữa (x Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 2818), trong khi chờ đợi để có thể vượt qua ngưỡng cửa của vương quốc này, một vương quốc có mầm mống và khởi điểm là Giáo Hội (x Lumen Gentium, 5), khi vương quốc ấy hoàn toàn tỏ hiện trước mắt thế gian. Bấy giờ, Thánh Phêrô đã bảo đảm với chúng ta trong Bức Thư Thứ Hai của mình là, “con đường rộng mở đón anh em tiến vào vương quốc đời đời của Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta” (2Pt 1:11).

 

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 13/12/2000)