Bài 5: (Thứ Tư ngày 9-2-2000)

VINH QUANG BA NGÔI ĐƯỢC TỎ HIỆN NƠI LỊCH SỬ

 

1-         Buổi họp của chúng ta được bắt đầu với lời “Chúc Tụng Cao Cả” mà các con đã nghe đọc từ Thánh Vịnh 136 (135), một chuỗi chúc tụng đối đáp long trọng giữa vị xướng hát và ca đoàn. Thánh Vịnh này được hát lên chúc tụng hesed của Thiên Chúa, tức chúc tụng tình yêu trung thành của Ngài đã biểu lộ qua các biến cố của giòng lịch sử cứu rỗi, nhất là qua việc Ngài giải phóng dân Yến Duyên cho khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập cũng như qua việc Ngài ban đất hứa cho họ. Bản tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa của dân Yến Duyên (x Dt 26:5-9; Jos 24:1-13) nói lên cho thấy những hành động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người: Chúa không phải là một vị hoàng đế vô cảm xúc sống trong một thứ hào quang sáng láng và ở biệt lập nơi những tầng trời huy hoàng; Ngài thấy được nỗi khổ ải của dân Ngài ở Ai Cập, nghe thấy tiếng họ kêu than và xuống giải cứu họ (x Ex 3:7-8).

2-         Vậy giờ đây chúng ta sẽ cố gắng hiểu được việc Thiên Chúa hiện diện nơi giòng lịch sử theo chiều hướng của mạc khải về Ba Ngôi, một mạc khải mặc dù đã hoàn toàn trọn vẹn nơi Tân Ước song một cách nào đó cũng đã được Cựu Ước sửa soạn và loan báo. Thế nên chúng ta sẽ bắt đầu với Chúa Cha, Đấng có đặc tính được nhận thấy nơi việc Ngài can thiệp vào lịch sử vì kẻ công chính, thành phần kêu cầu Ngài như một người cha yêu thương chăm sóc. Ngài là “cha của những kẻ mồ côi và là vị bênh vực những người goá bụa” (Ps 68:6); Ngài cũng là cha của đám dân phản loạn và tội lỗi của Ngài nữa. Có hai đoạn sách tiên tri hết sức tuyệt vời và đầy đủ đã cho thấy việc Thiên Chúa nhẹ nhàng thầm nhủ về “giòng dõi lăng loàn” (Dt 32:5). Qua hai đoạn văn ấy, Thiên Chúa tỏ ra cho thấy việc Ngài liên lỉ và yêu thương hiện diện nơi tình trạng chao đảo của lịch sử loài người. Nơi sách tiên tri Giêrêmia, Chúa than lên rằng: “Ta là cha của Yến Duyên… nó không phải là đứa con trai ưu ái của Ta hay sao, không phải đứa con Ta yêu thích hay sao? Cho dù Ta có hay dọa dẫm nó, Ta vẫn ưu ái nhớ đến nó; trái tim của Ta rung động vì nó, Ta phải cho nó thấy tình thương của Ta” (Jer 31:9,20). Nơi Sách Tiên Tri Hosêa việc Thiên Chúa thú nhận tuyệt vời khác được thấy như sau: “Khi Yến Duyên còn là một đứa nhỏ Ta đã yêu thương nó và Ta đã gọi đứa con trai của Ta ra khỏi Ai Cập… Chính Ta là Đấng đã dạy cho Ephraim bước đi, Ta giữ chúng trong cánh tay của Ta; thế nhưng chúng không biết được rằng Ta đã chữa lành chúng. Ta đã dẫn dắt chúng bằng những sợi giây thương cảm, bằng những mối yêu thương; Ta nâng niu chúng như người ta ôm ẵm con trẻ vào lòng; Ta cúi mình xuống trên chúng và cho chúng ăn… Lòng Ta thổn thức, mối cảm thương của Ta thêm nồng nàn và êm ái” (Hos 11:1,3-4,8).

 

3-         Từ những đoạn Thánh Kinh này, chúng ta phải đi đến chỗ kết luận rằng Thiên Chúa Cha hoàn toàn không dửng dưng đối với những gì xẩy ra cho chúng ta. Thật vậy, Ngài thậm chí còn sai Người Con Duy Nhất vào lòng lịch sử, như chính Chúa Kitô chứng thực trong buổi đàm đạo về đêm với Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con duy nhất của Ngài, để ai tin vào Con thì không phải chết song được sự sống trường sinh. Vì Thiên Chúa sai Con vào thế gian không phải để luận phạt thế gian song để thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (Jn 3:16-17). Là một trung tâm sự sống và ban sự sống, việc Chúa Con đi vào thời gian và không gian mang lại một ý nghĩa tối hậu cho giòng lịch sử, khi cứu nó khỏi tình trạng phân tán và thường hèn. Đặc biệt là toàn thể nhân loại, với niềm vui và sầu thương của mình, với lịch sử quằn quại giữa thiện và ác, được thăng hóa bởi Thập Giá Chúa Kitô là nguồn ơn cứu độ và sự sống trường sinh: “Khi Tôi bị treo lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32). Bức Thư gửi Tín Hữu Do Thái sau này đã loan báo việc Chúa Kitô liên tục hiện diện trong giòng lịch sử bằng một câu sáng chói: “Chúa Giêsu Kitô vẫn thế: hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời” (13:8).

 

4-         Để khám phá ra sự hiện diện kín nhiệm song sống động này trong giòng biến cố xẩy ra, để thấy được rằng vương quốc của Thiên Chúa hiện tại đang ở giữa chúng ta đây (x Lk 17:21), chúng ta phải vươn cái nhìn của mình vượt lên trên những tầm vóc của ngày tháng cũng như của các biến cố. Đây là chỗ cần đến tác động của Chúa Thánh Thần. Dù Cựu Ước chưa cho thấy rõ ngôi vị của Ngài, song cũng đã có một số những khởi xướng cứu độ có thể “hiểu về” Ngài. Chính Ngài là Đấng đã khơi động các vị quan án của dân Yến Duyên (x Jgs 3:10), khơi động Đavít (x 1Sam 16:13) và khơi động Vị Vua Thiên Sai (x Is 11:1-2, 42:1), thế nhưng, trên hết, Ngài đã ban mình cho các vị tiên tri, thành phần có sứ mạng mạc khải vinh quang thần linh trong giòng lịch sử, mạc khải dự án của Chúa nơi các biến cố của cuộc đời chúng ta sống. Tiên tri Isaia đã hiến cho chúng ta một đoạn văn rõ ràng nhất, một đoạn văn được Chúa Kitô lập lại trong bài diễn từ phác họa chương trình hoạt động của Người tại hội đường ở Nazarét: “ Thần Linh của Chúa ở trên Tôi, vì Chúa đã xức dầu cho Tôi để Tôi mang tin mừng cho người khốn khổ, Ngài đã sai Tôi đi để băng bó tâm can đoạn trường, để loan báo việc giải thoát cho kẻ bị giam cầm, để mở ngục tù cho những người bị cầm buộc; để công bố năm hồng ân của Chúa” (Is 61:1-2; Lk 4:18-19).

 

5-         Thần Linh Thiên Chúa chẳng những mạc khải cho thấy ý nghĩa của lịch sử, Ngài còn tiết ra sức cộng tác với dự án thần linh, một dự án được hoàn thành trong lịch sử. Hiểu theo chiều hướng Chúa Cha, Chúa Con và Thần Linh thì lịch sử không còn là một chuỗi biến cố liên tục được kết thúc trong vực thẳm tử thần, mà đã trở thành một mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ mầm giống trường sinh, đã trở thành một con đường dẫn đến mục tiêu cao cả, mục tiêu “Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự” (1Cor 15:28). Cuộc Mừng Kỷ Niệm, một cuộc mừng gợi lại cho trí khôn “năm hồng ân”, được tiên tri Isaia loan báo và được Chúa Kitô khai mở, phải là hiển linh của hạt giống ấy cũng như của vinh quang ấy, để mọi người, được bảo trì bởi việc Thiên Chúa hiện diện, có thể hy vọng ở một thế giới mới Kitô giáo đích thực hơn và nhân bản đích thực hơn.

 

Bởi vậy, bập bẹ đôi chút về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi hoạt động trong giòng lịch sử của mình, mỗi một người chúng ta hãy nhận lấy lời suy tư thờ kính được Thánh GreÂgôriô Nazianzô, một thần học gia và là một thi sĩ, xướng lên rằng: “Vinh quang Thiên Chúa Cha và Chúa Con là Vua của vũ trụ. Vinh quang Thần Linh, Đấng đáng chúc tụng và toàn thiện hảo. Ba Ngôi là Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã tạo thành và làm trọn tất cả mọi sự... khi ban sự sống cho tất cả mọi sự bởi Thần Linh của Ngài, để tất cả mọi tạo vật chúc tụng Đấng Hóa Công khôn ngoan của mình, căn nguyên duy nhất của sự sống và của việc sự sống tồn tại. Hơn bất cứ một tạo vật nào khác, loài tạo vật có lý trí chớ gì lúc nào cũng mừng kính Ngài như Vị Vua cao cả và là Cha nhân lành” (Dogmatic Poems, XXI, Hymnus Alias: PG 37, 510-511).

 (tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 16/2/2000)