Bài 6 (Thứ Tư 5/4/2000)

 

VINH QUANG BA NGÔI TỎ HIỆN NƠI VIỆC NHẬP THỂ

 

1-         “Một nguồn mạch và một gốc rễ, một hình thể chiếu tỏa ánh quang tam diện. Từ những tầng sâu thẳm rạng ngời của Ngôi Cha bừng lên quyền lực của Ngôi Con, một sự khôn ngoan đã tạo dựng nên toàn thể thế gian, một hoa trái được hạ sinh từ cung lòng của Ngôi Cha! Và ở đó lóe lên ánh sáng hiệp nhất Thánh Linh”. Synesius of Cyrene đã hát như vậy trong Bản Thánh Ca II từ đầu thế kỷ thứ năm, khi kính mừng Ba Ngôi thần linh, duy nhất về nguồn gốc và tam diện trong vinh quang, vào lúc rạng đông của một ngày mới. Sự thật này về một vị Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi bằng nhau và biệt phân không được suy giảm xuống thành một sự thật về tầng trời; không thể coi sự thật ấy, như theo giả thiết của triết gia Kant, là một thứ “định lý toán học về tầng trời” chẳng có một liên hệ gì với đời sống con người.

 

2-         Thật vậy, như chúng ta đã nghe Thánh Ký Luca trình thuật, vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa trở nên hiện thực trong thời gian và không gian, cũng như được thể hiện nơi Chúa Giêsu, nơi việc Nhập Thể và đời sống của Người. Thánh Luca giải thích việc đầu thai của Đức Kitô thực sự theo chiều hướng của Ba Ngôi Thiên Chúa, như được chứng thực bởi những lời thiên thần nói với Mẹ Maria trong một ngôi nhà tầm thường ở thôn Nazarét xứ Galilêa, một ngôi nhà được khảo cổ học khám phá thấy. Sự hiện diện thần linh siêu việt ấy được sáng tỏ qua lời thiên thần Gabiên loan báo: Chúa là Thiên Chúa – qua Mẹ Maria cũng như nơi giòng dõi Đavít – đã ban Con mình cho thế gian: “Cô sẽ thụ thai và sinh một con trai, rồi cô đặt tên cho Người là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ của Người” (Lk 1:31-32).

 

3-         Ở đây chữ “con” có hai ý nghĩa, vì mối liên hệ con cái với Cha trên trời và với mẹ dưới đất được liên kết với nhau chặt chẽ nơi Đức Kitô. Thế nhưng Chúa Thánh Linh cũng thông phần vào biến cố Nhập Thể nữa, một biến cố thực sự đã được Ngài tác động làm cho việc đầu thai trở thành độc nhất vô nhị và bất khả tái diễn: “Thánh Linh sẽ đến với cô và quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ cô; bởi thế con trẻ do cô sinh ra sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa” (Lk 1:35). Những lời của thiên thần giống như một Kinh Tin Kính vắn gọn làm sáng tỏ căn tính của Đức Kitô trong mối liên hệ với các Ngôi khác trong Ba Ngôi. Đó là đức tin nhất trí của Giáo Hội được Thánh Luca cho thấy ở vào lúc mở màn cho thời điểm cứu độ đã đến hồi viên mãn: Đức Kitô là Con Đấng Tối Cao, là Đấng Cao Cả, là Đấng Thánh, là Vua, là Đấng Hằng Hữu, Đấng được đầu thai hóa thành nhục thể do bởi quyền phép Thánh Linh. Bởi thế, Thánh Gioan sau này đã viết trong Bức Thư Thứ Nhất của mình rằng: “Không ai chối bỏ Con mà lại có Cha. Ai tuyên xưng Con thì cũng có Cha vậy” (1Jn 2:23).

 

4-         Ở tâm điểm của đức tin chúng ta là mầu nhiệm Nhập Thể, một biến cố tỏ hiện vinh quang của Ba Ngôi cũng như cho thấy tình yêu của Ba Ngôi đối với chúng ta: “Và Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta… chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người” (Jn 1:14). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con duy nhất của Ngài” (Jn 3:16). “Tình yêu của Thiên Chúa đã tỏ hiện nơi chúng ta ở chỗ Thiên Chúa đã sai Con duy nhất của Ngài vào thế gian, để chúng ta nhờ Người mà được sống” (1Jn 4:9). Qua những lời của Thánh Gioan này, chúng ta có thể hiểu được việc tỏ hiện vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi biến cố Nhập Thể không phải là một cái chớp của ánh sáng làm biến tan bóng tối trong chốc lát, mà là một mầm mống của sự sống thần linh vĩnh viễn được gieo trong thế gian cũng như trong cõi lòng con người.

 

Tiêu biểu nhất cho ý nghĩa này là câu Thánh Phaolô viết trong Thư gửi giáo đoàn Galata: “Đến thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh ra bởi một người nữ, sinh ra theo lề luật để cứu những ai thuộc về lề luật, nhờ đó chúng ta được ơn làm nghĩa tử. Vì anh em là con cái nên Thiên Chúa đã sai Thần Linh của Con đến với lòng anh em mà kêu lên ‘Abba, Thưa Cha!’ Vậy nhờ Thiên Chúa anh em không còn là nô lệ nữa mà là con cái, và nếu là con cái thì anh em cũng là kẻ thừa tự” (Gal 4:4-7; cf. Rm 8:15-17). Như thế  Cha, Con và Thần Linh đều hiện diện và chủ động nơi biến cố Nhập Thể để đem chúng ta vào sự sống của mình. Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh rằng: “Tất cả mọi người đều được kêu gọi để được hiệp nhất với Đức Kitô, Đấng là ánh sáng thế gian, Đấng mà chúng ta có từ Người, sống nhờ Người, và hướng về Người” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 3). Thánh Cyprianô cũng nói, cộng đồng con cái Thiên Chúa là “một dân được hiệp nhất với Cha, Con và Thánh Thần” (De Dom Orat., 23).

 

5-         “Nhận biết Thiên Chúa và Con Ngài là chấp nhận mầu nhiệm hiệp thông yêu thương của Cha, Con và Thánh Thần bằng đời sống riêng của mình, một cuộc sống ngay từ bây giờ đã hướng đến sự sống trường sinh, vì cuộc sống ấy thông phần vào sự sống của Thiên Chúa. Thế nên, sự sống trường sinh là sự sống của chính Thiên Chúa đồng thời cũng là sự sống của con cái Thiên Chúa. Khi tâm niệm chân lý vượt quá lòng mong ước và khôn tả được tỏ cho chúng ta nơi Chúa Kitô này, các tín hữu không khỏi luôn luôn lạ lùng bỡ ngỡ với lòng cảm mến không cùng” (Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, 37-38).

 

Với nỗi ngỡ ngàng và chấp nhận này, chúng ta phải tôn thờ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi “là mầu nhiệm chính yếu của đức tin và đời sống Kitô giáo. Đó là mầu nhiệm của Thiên Chúa nơi chính mình Ngài. Bởi thế đó cũng là nguồn mạch của tất cả mọi mầu nhiệm đức tin khác, là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm đức tin này” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 234).

 

Nơi mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta chiêm ngắm tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Giêsu, một tình yêu không dính liền với vòng hào quang tuyệt hảo sáng ngời vinh quang, mà là chiếu sáng nơi nhục thể loài người cũng như nơi lịch sử loài người; nó thấm nhập vào con người, tân sinh con người thành một người con trong Ngôi Con. Vì lý do này, như Thánh Irênêô mới nói, vinh quang của Thiên Chúa đó là con người sống động: ‘Gloria enim Dei vivens homo, vita autem hominis visio Dei”. Họ được như thế không phải chỉ vì sự sống thể lý của họ, mà đặc biệt vì “sự sống của con người là ở chỗ chiêm ngắm Thiên Chúa” (Addversus Heareses IV, 20, 7). Và thấy Thiên Chúa tức là được biến đổi trong Ngài: “Chúng ta sẽ giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài là” (1Jn 3:2).

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 12/4/2000)