14.  CHÚA GIÊSU ĐƯỢC MAI TÁNG TRONG MỒ

 

 

“Ngài bị đóng đanh, chịu chết và được mai táng...”. Thân xác vô hồn của Chúa Kitô được táng trong một ngôi mồ. Thế nhưng, tảng đá của ngôi mộ không phải là ấn tín cuối cùng đóng trên công việc làm của Ngài. Lời nói cuối cùng không thuộc về sự gian trá, hận ghét và bạo lực. Lời nói cuối cùng phải được phát ngôn từ Tình Yêu, một tình yêu mạnh hơn sự chết.

 

“Nếu hạt lúa miến rơi xuống đất không chết đi thì nó vẫn còn nguyên như vậy; song một khi bị mục nát đi nó mới sinh nhiều hoa trái” (Jn 12:24). Ngôi mộ là giai đoạn cuối cùng của việc Chúa Kitô chết đi, kết thúc cả cuộc sống trần gian của Ngài; nó là một dấu hiệu nói lên việc hy sinh cao cả của Ngài cho chúng ta và phần rỗi của chúng ta.

 

Chẳng bao lâu ngôi mộ này sẽ trở thành lời công bố tiên khởi để chúc tụng và tôn vinh Con Thiên Chúa trong vinh quang của Chúa Cha.

“Ngài bị đóng đanh, chịu chết và được mai táng, ... ngày thứ ba Ngài sống lại từ trong kẻ chết”.

 

Khi thân xác vô hồn của Chúa Giêsu được mai táng trong một ngôi mộ ở dưới chân đồi Golgotha là lúc Giáo Hội bắt đầu ở vào ngày vọng Thứ Bảy Tuần Thánh. Trong thẳm cung của lòng mình, Mẹ Maria giữ suy cuộc khổ nạn của Con Mẹ; các người phụ nữ hẹn gặp nhau vào buổi sáng sau Ngày Hưu Lễ để xức dầu thơm cho thân thể của Chúa Kitô; các môn đệ thì âm thầm tụ họp nhau lại trên Căn Thượng Lầu đợi cho qua Ngày Hưu Lễ.

 

Ngày vọng canh thức này được chấm dứt ở cuộc gặp lại ngôi mộ, một ngôi mộ trống của Đấng Cứu Thế. Bấy giờ ngôi mộ, một nhân chứng thầm lặng của cuộc phục sinh, mới lên tiếng. Tảng đá đã được đẩy lui, bên trong rỗng không, những khăn vải nằm trên nền, đó là những gì Thánh Gioan đã thấy khi ngài cùng Thánh Phêrô đến mồ: “Ông đã thấy và đã tin” (Jn 20:8). Cùng với thánh nhân Giáo Hội cũng tin như thế, để rồi từ lúc ấy, Giáo Hội không bao giờ thôi loan truyền cho thế giới sự thật nền tảng cho đức tin của Giáo Hội ấy: “Chúa Kitô đã sống lại từ trong kẻ chết là hoa trái đầu mùa cho những ai đang thiếp ngủ” (1Cor 15:20).

 

Ngôi mộ trống là dấu hiệu chiến thắng tối hậu của sự chân thật trên sự giả dối, của sự thiện hảo trên sự gian ác, của tình thương trên tội lỗi, của sự sống trên sự chết. Ngôi mộ trống là dấu hiệu hy vọng “không lừa dối” (Rm 5:5). “Niềm hy vọng (của chúng ta) đầy những bất tử tính” (x Wis 3:4).

*******

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô, bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa đã được Chúa Cha đưa từ tối tăm của sự chết đến ánh sáng của sự sống mới trong vinh quang. Xin làm cho dấu hiệu của ngôi mộ trống có thể lên tiếng nói với chúng con cũng như với các thế hệ sau này, và làm cho nó trở nên một mạch suối đức tin sống động, đức mến bao dung và đức cậy kiên cường.

 

Ôi Chúa Giêsu là Đấng hiện diện tràn đầy trong lịch sử thế giới một cách ẩn kín và vinh thắng, nguyện Chúa được kính tôn và vinh hiển muôn đời. Amen.

 

     

      (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 10/5/2000, trang 6-9)