HUẤN TỪ CHO GIỚI TRẺ

 

 

THẦY LÀ ĐỨC KITÔ...

CÓ NHỮNG LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

 

HUẤN TỪ ĐÊM CANH THỨC THỨ BẢY 19/8/2000

 

 

1-   Còn các con nói Thày là ai?” (Mt 16:15)

 

Quí bạn trẻ thân mến, Tôi rất lấy làm sung sướng được gặp lại quí bạn ở Đêm Canh Thức Nguyện Cầu này, một đêm canh thức chúng ta cùng nhau lắng nghe Chúa Kitô, Đấng chúng ta cảm thấy hiện diện giữa chúng ta đây. Chính Người là Đấng đang nói với chúng ta.

 

“Các con nói Thày là ai?”, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của mình vấn nạn này gần Cêsarêa Philippi. Simon Phêrô trả lời: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Bấy giờ Vị Sư Phụ mới quay sang ông mà nói những lời ngỡ ngàng: “Hỡi Simon, con Jona, phúc cho con! Vì không phải huyết nhục đã tỏ cho con biết điều này, song là Cha Thày ở trên trời” (Mt 16:17). Cuộc trao đổi này có một ý nghĩa như thế nào? Tại sao Chúa Giêsu muốn biết những gì dân chúng nghĩ về mình? Tại sao Người muốn biết những gì các môn đệ nghĩ về mình?

 

Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người biết được những gì vốn giữ kín nơi tâm trí của họ và muốn họ phải lên tiếng để tỏ ra cho biết niềm xác tín của họ. Tuy nhiên, Người đồng thời cũng biết rằng phán đoán được họ phát biểu không phải là của riêng một mình họ, vì phán đoán ấy cho thấy những gì Thiên Chúa đổ vào lòng họ bằng ơn đức tin.

 

Biến cố đã xẩy ra ở gần Cêsarêa Philippi này, ở một nghĩa nào đó, đưa chúng ta vào một “trường học đức tin”. Ở đó mầu nhiệm đức tin nguyên khởi và phát triển của chúng ta được tỏ lộ. Trước hết là ơn mạc khải, ở việc Thiên Chúa ban mình một cách thân tình và sâu xa cho con người. Đoạn đến ơn gọi đáp ứng lại ơn mạc khải. Sau hết, đến việc con người đáp ứng, một đáp ứng nhờ đó làm cho tất cả cuộc sống con người trở nên có ý nghĩa và trọn vẹn.

 

Đó là tất cả những gì về đức tin! Nó là đáp ứng của con người có lý trí và tự do đối với lời của Thiên Chúa hằng sống. Những vấn nạn Chúa Giêsu hỏi, những câu các vị Tông Đồ trả lời, và sau hết là những câu trả lời của Thánh Phêrô, là một thứ khảo sát mức độ chín chắn của đức tin nơi những ai gần Chúa Kitô nhất.

2-   Cuộc đối thoại gần Cêrarê Philippi xẩy ra vào lúc sắp đến Lễ Vượt Qua, tức là vào trước cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Chúng ta cũng cần phải nhớ lại một biến cố khác, biến cố Chúa Kitô phục sinh muốn xem mức độ chín chắn của đức tin nơi các vị Tông Đồ của Người. Đó là cuộc gặp gỡ Tông Đồ Tôma. Ngài là vị tông đồ duy nhất không có ở đó lúc Chúa Kitô sau khi sống lại hiện ra lần đầu tiên trên Căn Thượng Lầu. Được các môn đệ khác cho biết họ đã thấy Chúa, ông đã không chịu tin. Ông nói: “Trừ phi tôi thấy dấu đinh nơi bàn tay của Người và chọc ngón tay tôi vào lỗ đinh cùng thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Người thì tôi không tin!” (Jn 20:25). Một tuần sau, các môn đệ họp nhau lại, có cả Tôma nữa, Chúa Giêsu đã xuất hiện dù cửa đóng kín, và chào các Tông Đồ: “Bình an cho các con” (Jn 20:26), ngay sau đó Người hướng về phía Tôma: “Con hãy xỏ ngón tay con vào đây và hãy nhìn xem bàn tay của Thày, và hãy đưa bàn tay của con ra đặt vào cạnh sườn của Thày; đừng cứng lòng, hãy tin tưởng” (Jn 20:27). Bấy giờ Tôma đáp lại: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi!” (Jn 20:28).

 

Căn Thượng Lầu ở Giêrusalem là một loại “trường học đức tin” đối với các Vị Tông Đồ. Tuy nhiên, ở một nghĩa nào đó, những gì xẩy ra cho Tôma vượt ra ngoài những gì đã xẩy ra ở Cêsarêa Philippi. Ở Căn Thượng Lầu, chúng ta thấy một luận điệu cực đoan hơn giữa thái độ tin tưởng và không tin tưởng, đồng thời cũng thấy được việc tuyên xưng sâu xa hơn về sự thật liên quan đến Chúa Kitô. Chắc chắn khó lòng tin được rằng Đấng bị mai táng trong mồ ba ngày trước nay đã sống lại.

 

Vị Sư Phụ thần linh thường cho biết là Người sẽ sống lại từ trong kẻ chết, và bằng nhiều cách, Người đã chứng tỏ cho thấy rằng Người là Chúa của sự sống. Tuy nhiên, cảm nghiệm về cái chết của Người kinh hoàng đến nỗi con người ta, như trường hợp của các vị Tông Đồ trên Căn Thượng Lầu, các môn đệ trên đường Emmau, các phụ nữ thánh thiện ở bên ngôi mộ, cần trực tiếp gặp được Người để tin rằng Người đã phục sinh... Tông đồ Tôma cũng cần đến nó nữa. Thế nhưng, việc ông không tin tưởng một khi đối đầu với việc hiện diện của Chúa Kitô thì người Tông Đồ ngờ vực này đã nói lên những lời cho thấy cốt lõi sâu xa nhất của đức tin, ở chỗ, nếu thực sự là thế, tức nếu Thày quả thực đang sống đây dù đã bị hành sát, thì Thày là “Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi”.

 

Qua những gì đã xẩy ra cho Tôma thì “trường học đức tin” được phong phú hóa bởi một yếu tố mới. Mạc khải thần linh, vấn nạn Chúa Giêsu đặt ra và câu con người trả lời được kết thúc nơi cuộc gặp gỡ riêng tư giữa các môn đệ với Chúa Kitô sống động, với Đấng Phục Sinh. Cuộc gặp gỡ này là khởi điểm cho mối liên hệ mới mẻ giữa mỗi người chúng ta và Chúa Kitô, một mối liên hệ dẫn chúng ta đến việc nhận thức thực sự Đức Kitô là Chúa và là Thiên Chúa; Người chẳng những là Chúa và là Thiên Chúa của thế giới cũng như của nhân loại, mà còn là Chúa và là Thiên Chúa của cuộc sống nhân loại riêng tư của tôi nữa. Thánh Phaolô lần kia đã viết: “Lời ở gần anh em, trên môi miệng anh em và trong lòng trí anh em: tức là lời đức tin chúng tôi rao giảng. Vì nếu anh em lấy môi miệng tuyên xưng Giêsu là Chúa và tin trong lòng rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ kẻ chết thì anh em sẽ được cứu độ” (Rm 10:8-9).

 

3-   Các bài đọc của Phụng Vụ ngày hôm nay nói lên những yếu tố của “trường học đức tin”, nơi làm cho các Vị Tông Đồ xuất thân như thành phần hoàn toàn hiểu được chân lý Thiên Chúa đã mạc khải qua Chúa Giêsu Kitô, một chân lý sẽ làm nên cuộc sống cá nhân của họ cũng như làm nên sinh hoạt của Giáo Hội qua giòng lịch sử. Quí bạn trẻ thân mến, việc quí bạn qui tụ nhau lại ở Rôma đây cũng là một thứ “trường học đức tin” đối với quí bạn, thành phần môn đệ của ngày hôm nay; nó là một “trường học đức tin” đối với tất cả những ai loan báo Chúa Kitô vào khởi điểm của ngàn năm thứ ba đây.

 

Tất cả quí bạn có thể cảm nhận nơi bản thân mình tiến trình của những vấn đáp mà chúng ta đang nói đến. Tất cả quí bạn có thể ước lượng được những khó khăn quí bạn gặp phải trong việc tin tưởng, thậm chí có thể cảm thấy hướng chiều về việc không tin tưởng. Thế nhưng, quí bạn đồng thời cũng nghiệm được cái cảm quan và niềm xác tín từ từ được chín chắn nơi việc dấn thân sống đức tin của quí bạn. Thật vậy, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người nơi học đường tuyệt vời của tâm linh con người này, một học đường đức tin, luôn luôn xẩy ra. Chúa Kitô phục sinh luôn tiến vào Căn Thượng Lầu của đời sống chúng ta và khiến chúng ta cảm nghiệm được việc Người hiện diện để chúng ta có thể tuyên xưng rằng: Lạy Ngài, ôi Đức Kitô, Ngài là “Chúa của tôi và là Thiên Chúa của tôi”. Chúa Kitô nói cùng Tôma: “Vì con đã thấy Thày con mới tin: phúc cho những ai không thấy mà tin” (Jn 20:29). Có một cái gì đó của Tông Đồ Tôma nơi hết mọi con người ta. Mỗi người đều xu hướng về việc không tin tưởng và mỗi người hỏi những vấn đề căn bản: Thiên Chúa có thực sự hiện hữu hay chăng? Có thực sự Ngài đã tạo dựng nên thế giới hay chăng? Có thức sự Con Thiên Chúa đã làm người, đã chết và phục sinh từ trong kẻ chết hay chăng? Câu trả lời xuất hiện khi con người cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện. Chúng ta phải mở con mắt và cõi lòng của mình ra trước ánh sáng soi của Chúa Thánh Linh. Bấy giờ những thương tích hở miệng của Chúa Kitô phục sinh mới nói với mỗi một người chúng ta rằng: “Vì con đã thấy Thày con mới tin: phúc cho những ai không thấy mà tin”.

 

4-   Giới Trẻ thân mến, việc chúng ta tin tưởng vào Chúa Giêsu hôm nay đây, việc chúng ta theo Chúa Giêsu như Thánh Phêrô, Tôma, như các vị Tông Đồ và chứng nhân tiên khởi đã thực hiện, đòi chúng ta, như vẫn đòi hỏi trong quá khứ, việc chúng ta phải đứng về phía Người, đến độ có những lúc hầu như chúng ta phải chịu một cuộc tử đạo mới, một cuộc tử đạo của những ai, hiện nay cũng như trong quá khứ,, được kêu gọi lội ngược triều sóng để theo Vị Sư Phụ thần linh, theo ‘Con Chiên đi đến bất cứ nơi nào’ (Rev 14:4)…. Quí bạn trẻ thân mến, không phải ngẫu nhiên Tôi đã muốn trong Năm Thánh này cần phải tưởng nhớ đến các chứng nhân đức tin của thế kỷ 20 tại Hí Trường Colosseum.

 

Có thể quí bạn sẽ không phải đổ máu mình ra, nhưng chắc chắn quí bạn phải tỏ ra trung thành với Chúa Kitô! Một lòng trung thành phải được thể hiện nơi những trường hợp của cuộc sống hằng ngày: Tôi nghĩ đến những khó khăn biết bao trong thế giới ngày nay đối với những cặp trai gái đính hôn với nhau cần phải giữ mình trong sạch trước hôn nhân. Tôi nghĩ đến lòng chung thủy dành cho nhau nơi những cặp vợ chồng trẻ đang bị thách đố. Tôi nghĩ đến những mối tình bằng hữu cùng những khuynh hướng bất trung dễ dàng xâm nhập vào tình bằng hữu này biết bao.

 

Tôi cũng nghĩ đến những người đã chọn lựa con đường tu trì đặc biệt phải chống chọi để bảo trì việc dâng hiến của mình cho Thiên Chúa cũng như cho anh chị em của mình. Tôi nghĩ đến những ai muốn sống một đời sống kết đoàn và yêu thương trong một thế giới chỉ chú trọng đến vấn đề lợi lộc, tiện ích của cá nhân cũng như của phái nhóm.

 

Tôi cũng nghĩ đến những người hoạt động cho hòa bình mà lại chứng kiến thấy những cuộc chiến tranh mới bùng nổ rồi trở nên tệ hại hơn ở các phần đất khác nhau trên thế giới; Tôi nghĩ đến những người hoạt động cho tự do nhân quyền mà lại thấy dân chúng vẫn còn làm nô lệ cho chính mình và cho nhau. Tôi nghĩ đến những người hoạt động để bảo đảm việc yêu thương và tôn trọng sự sống con người mà lại thấy sự sống thường hay bị vi phạm và việc tôn trọng sự sống cũng thường hay bị coi thường.

 

5-   Giới trẻ thân mến, khó mà tin tưởng được trong một thế giới như thế phải không? Khó mà tin tưởng được trong ngàn năm thứ ba phải không? Đúng là khó. Chúng ta không cần phải che dấu điều này. Nó khó đấy, song với ân sủng nó vẫn có thể thực hiện được, như Chúa Giêsu đã giải thích cho Thánh Phêrô biết: ‘Không phải huyết nhục đã tỏ ra cho con biết điều này mà là Cha Thày ở trên trời’ (Mt 16:17).

 

Tối hôm nay Tôi có ý định trao cho quí bạn Phúc Âm và Tôi sẽ thực hiện điều này. Đó là quà tặng của Giáo Hoàng dành cho quí bạn trong đêm canh thức không thể nào quên được đây. Lời lẽ được chất chứa trong đó là lời của Chúa Giêsu. Nếu quí bạn nghe lời ấy trong thinh lặng, nguyện cầu, bằng việc tìm kiếm các vị linh mục và thày cô của mình để nhờ đó hiểu được ý nghĩa của lời ấy đối với cuộc sống của quí bạn, thì quí bạn sẽ gặp được Chúa Kitô mà theo Người, sống cho Người bằng cuộc sống hằng ngày của mình!

 

Thật vậy, chính Chúa Kitô là Đấng quí bạn tìm kiếm trong ước mơ muốn được sống hạnh phúc của mình; Người đang đợi chờ quí bạn khi quí bạn không tìm thấy thỏa mãn nơi bất cứ một sự gì cả; Người là thẩm mỹ đã thu hút quí bạn; chính Người, Đấng đã khơi lên nơi quí bạn nỗi khao khát sống toàn vẹn, sẽ không để quí bạn ở tình trạng hòa hoãn; Người là Đấng thôi thúc quí bạn lột bỏ những chiếc mặt nạ của một cuộc sống lầm lạc;  Người là Đấng đọc được những chọn lựa chân chính nhất nơi cõi lòng của quí bạn, những chọn lựa bị các người khác cố gắng dập tắt đi. Chính Chúa Giêsu là Đấng khơi lên nơi quí bạn một ước vọng muốn làm một điều gì đó cao cả cho đời sống của quí bạn, một ý muốn theo đuổi lý tưởng, một dứt khoát không để cho mình bị dập vùi bởi những gì thứ yếu tầm thường, một lòng can đảm dấn thân trong khiêm tốn và nhẫn nại để thăng tiến bản thân cũng như xã hội, bằng cách làm cho thế giới sống nhân bản hơn và huynh đệ hơn. Chính là Người, là Chúa Kitô!

 

Quí bạn trẻ thân mến, trong những việc đảm trách cao quí này, quí bạn không lẻ loi cô độc một mình đâu. Bên cạnh quí bạn còn có gia đình của quí bạn, còn có cộng đoàn của quí bạn, còn có các vị linh mục và thày cô của quí bạn, còn có rất nhiều người trong quí bạn không bao giờ mệt mỏi biết trong việc yêu mến Chúa Kitô tận đáy lòng mình và tin tưởng nơi Người. Quí bạn cũng không đơn thân trong việc đối chọi với tội lỗi đâu, vì có rất nhiều người như quí bạn đang phải chống chọi và nhờ ơn Chúa đang thắng cuộc!

 

6-   Quí bạn thân mến, vào lúc bình minh của ngàn năm thứ ba này, Tôi thấy quí bạn như là ‘những người canh gác buổi sáng’ (x. Is 21:11-12). Trong tiến trình của một thế kỷ giờ đây đã qua đi, thành phần giới trẻ như quí bạn đã được tập trung lại thành những khối khổng lồ để học cách hận ghét nhau; họ được sai đi để đánh đấm nhau. Những thể chế cứu tinh vô thần khác nhau cố chiếm chỗ của niềm hy vọng Kitô giáo đã chứng tỏ cho thấy chúng thật sự là kinh hoàng khủng khiếp. Hôm nay đây quí bạn qui tụ lại để tuyên ngôn rằng, trong thế kỷ mới, quí bạn sẽ không để mình trở thành khí cụ của võ lực và hủy hoại; quí bạn sẽ bảo vệ hòa bình và nếu cần sẵn sàng trả giá bằng con người của mình. Quí bạn sẽ không lánh mặt khỏi thế giới đang có nhiều người bị chết đói, mù chữ và vô nghề nghiệp. Quí bạn sẽ bênh vực sự sống trong suốt cuộc phát triển của nó; quí bạn sẽ hết sức nỗ lực làm trái đất này trở nên nơi đáng sống hơn cho tất cả mọi dân tộc. Quí bạn trẻ của một thế kỷ vừa mở màn bắt đầu thân mến, việc quí bạn thưa ‘xin vâng’ với Chúa Kitô là quí bạn tỏ ra ‘dồng ý’ với tất cả mọi lý tưởng cao đẹp nhất của mình... Quí bạn đừng sợ ký thác bản thân mình cho Người! Người sẽ hướng dẫn quí bạn, Người sẽ ban cho quí bạn sức mạnh để theo Người hết mọi ngày sống cũng như trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

 

Xin Mẹ Maria rất thánh, Vị Trinh Nữ đã thưa với Thiên Chúa “xin vâng” suốt cuộc đời của Mẹ, xin hai Thánh Phêrô và Phaolô cùng tất cả các thánh, những vị đã soi sáng cuộc hành trình của Giáo Hội qua các thế kỷ, giúp quí bạn luôn luôn trung thành với quyết tâm thánh thiện này!

 

Với lòng quí mến, Tôi ban phép lành cho từng người và mọi người trong quí bạn.

 

Để chấm dứt diễn từ của Tôi, sứ điệp của Tôi, Tôi muốn quí bạn biết rằng Tôi đã hết sức mong mỏi để có thể được gặp gỡ và nhìn thấy quí bạn, trước hết về đêm rồi đến trong ngày. Tôi cám ơn quí bạn về việc trao đổi được điểm vào bằng những lời la hò và vỗ tay này. Cám ơn cuộc trao dổi ấy. Vì quí bạn hưởng ứng, quí bạn ý thức, nên nó không phải là một cuộc độc thoại mà là một cuộc trao đổi thực sự vậy.

 

 

(theo Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 23/8/2000)