HUẤN TỪ CHO GIỚI GIÁO SƯ ĐẠI HỌC

 

 

BIẾN CỐ NHẬP THỂ CHẠM ĐẾN TẬN THÂM CUNG NHÂN LOẠI

 

(Huấn từ của ĐTC Gioan Phaolô II ngày Thứ Bảy 9/10

cho buổi triều kiến của Nghị Hội Thế Giới Giáo Sư Đại Học tại Rôma

họp về đề tài “Đại Học Viện cho Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Mới”

trong dịp Mừng Năm Thánh 2000)

 

 

Quí Vị Giáo Sư Đại Học thân mến,

 

1.         Tôi lấy làm sung sướng đượïc gặp gỡ quí vị trong năm hồng ân này, năm Chúa Kitô mạnh mẽ kêu gọi chúng ta sống đức tin mãnh liệt hơn và thực lòng canh tân đời sống hơn. Tôi đặc biệt cám ơn việc quí vị dấn thân thực hiện những cuộc tụ họp về tâm linh cũng như về văn hóa trong những ngày này đây. Nhìn thấy quí vị, tâm tư của Tôi hướng đến quí vị giáo sư nơi tất cả mọi dân nước, cũng như đến tất cả mọi sinh viên được trao phó cho việc quí vị hướng dẫn trên con đường tìm cầu, một con đường vừa khó khăn vất vả lại vừa hân hoan phấn khởi, Tôi muốn gửi đến họ lời chào thân ái. Tôi cũng muốn chào Thượng Nghị Sĩ Ortensio Zecchino, Phục Tác Viên Các Đại Học Viện, người có mặt ở đây với tư cách đại diện cho Chính Quyền Ý Đại Lợi.

 

Việc quí vị giáo sư khả kính vừa trình bày đã cho Tôi thấy được vấn đề quí vị suy tư phong phú và rành rẽ là chừng nào. Tôi hết lòng thành thực cám ơn quí vị ấy. Đối với mỗi một người trong quí vị thì cuộc qui hội Mừng Kỷ Niệm này là lúc thích hợp để xét xem biến cố trọng đại chúng ta đang cử hành đây, biến cố Nhập Thể của Lời Thiên Chúa, đã được tiếp nhận như là một nguyên lý ban sự sống trong việc truyền đạt và biến đổi toàn thể đời sống ra sao.

 

Đúng thế, bởi vì Chúa Kitô không phải là biểu hiệu cho một thực tại về tôn giáo mơ hồ nào đó, mà là một cứ điểm cụ thể được Thiên Chúa dùng trong việc lấy chính nhân tính của chúng ta hoàn toàn làm của Ngài nơi bản thân của Người Con. Với Chúa Kitô, “Vĩnh Cửu đã đi vào thời gian, Toàn Thể ẩn thân nơi thành phần, Thiên Chúa qua gương mặt nhân loại” (Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, 12). Việc Thiên Chúa “tự hủy mình ra hư không” này, cho đến độ “điên rồ” của Thập Giá (x Phil 2:7), có thể như là dại khờ đối với loại trí khôn tự mãn. Thật vậy, đối với những ai mở lòng mình ra trước tình yêu khôn lường của Ngài, thì việc tự hủy này là “quyền năng và là khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cor 1:23-24). Quí vị đến đây là để làm chứng cho điều ấy.

 

2.         Đề tài chính – Đại Học Đường cho Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Mới - quí vị đã chọn rất hợp với việc tái nhận thức về vai trò trọng yếu của Chúa Kitô trong Cuộc Mừng Kỷ Niệm này. Thật vậy, biến cố Nhập Thể đã chạm đến tận thâm cung nhân loại, biến cố ấy làm sáng tỏ nguồn gốc cùng định mệnh của chúng ta, và hướng chúng ta về một niềm hy vọng không lừa dối. Là những con người nam nữ có học thức, quí vị không thôi vấn nạn về giá trị làm người. Mỗi người trong quí vị đều có thể nói như nhà hiền triết xưa là: “Tôi đang tìm kiếm con người”!

 

Trong nhiều đáp ứng đối với việc tìm hiểu cốt yếu này, quí vị đã chấp nhận đáp ứng của Chúa Kitô, một đáp ứng phát xuất từ những lời Người nói nhưng lại là một đáp ứng trước đó đã ngời sáng trên dung nhan của Người rồi. Ecce homo: Này là con người! (Jn 19:5). Trong việc tỏ cho đám đông hỗn loạn thấy gương mặt bị bầm dập của Chúa Kitô, Philatô đã không ngờ rằng, ở một khía cạnh nào đó, ông đã nói lên một lời mạc khải. Ông đã vô tình tỏ cho thế giới thấy Đấng mà nơi Người tất cả mọi con người nhờ đó có thể nhận ra gốc gác của mình, và nơi Người tất cả cũng có thể hy vọng tìm thấy ơn cứu độ của mình nữa. Redemptor hominis (Đấng Cứu Chuộc nhân trần): đó là hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng Tôi đã muốn “hô hào” thế giới từ bức Thông Điệp đầu tiên của Tôi, cũng là Đấng mà năm Mừng Kỷ Niệm này tìm cách đặt lại vấn đề cho tâm trí con người.

 

3.         Được gợi hứng từ Chúa Kitô, Đấng làm cho con người biết được bản thân họ (x Hiến Chế Gaudium et Spes, 22), quí vị đã muốn, qua những buổi gặp gỡ này, tái xác nhận nhu cầu cần đến một nền văn hóa đại học, nền văn hóa “nhân bản” chân chính, ở chỗ cốt yếu là văn hóa phải xứng hợp với con người và phải làm chủ được khuynh hướng của một thứ kiến thức thiên về chủ nghĩa thực nghiệm, hay một thứ kiến thức vô loài cứ mãi lạc lõng trong vùng trời uyên bác. Một thứ kiến thức như vậy không thể nào mang lại ý nghĩa cho đời sống.

 

Đó là lý do tại sao quí vị đã nhấn mạnh là không có vấn đề mâu thuẫn, trái lại còn có một mối liên hệ hợp lý, giữa việc tự do nghiên cứu với việc nhận thức chân lý. Chính chân lý là những gì tất cả mọi cuộc nghiên cứu nhắm tới, cho dù việc suy tưởng của con người có những giới hạn và yếu kém đi nữa. Đó là một khía cạnh cần phải được nhấn mạnh, kẻo chúng ta bị cuốn theo chiều gió của chủ nghĩa tương đối, một chủ nghĩa đã nắm được trong tay một phần lớn văn hóa ngày nay. Thực tại đó là, nếu văn hóa không hướng về chân lý, một chân lý cần phải được tìm kiếm một cách khiêm tốn và tin tưởng, thì văn hóa sẽ phải chịu số phận biến mất trong một thời gian ngắn, khi nó rơi vào tình trạng bất nhất của ý kiến, và nó có thể bị ý muốn kín đáo của kẻ tuyệt mạnh chủ trị.

 

Một nền văn hóa không theo chân lý thì chẳng những không bảo toàn được tự do mà còn làm cho tự do bị nguy hiểm nữa. Tôi đã nói đến vấn đề này trong một vài trường hợp, như “nhu cầu đòi hỏi phải có chân lý và luân lý chẳng những không hạ giá hay hủy bỏ tự do của chúng ta, trái lại, nhu cầu này còn giúp cho tự do của chúng ta tồn tại và giải thoát nó khỏi chính cái nguy hiểm bẩm sinh của nó” (Disvorso al Convegno ecclesiale di Palermo, in Insegnamenti, XVIII, 2, 1995, trang 1198). Như thế thì những lời Chúa Kitô nói “chân lý sẽ giải thoát quí vị” (Jn 8:32) vẫn là những lời quyết liệt.

 

4.         Được bắt nguồn từ quan điểm của chân lý, nhân bản thuyết Kitô Giáo trước hết có chiều hướng nhắm đến Siêu Việt Thể. Chính ở đó chúng ta thấy được chân lý và tính cách cao cả của con người, tạo vật duy nhất trong thế giới hữu hình có khả năng tự thức và nhận ra rằng họ được bao bọc bởi một Đấng Uy Nghi tối cao là Vị mà cả lý trí lẫn đức tin gọi là Thiên Chúa. Vấn đề cần đó là một chủ nghĩa nhân bản không có những quan điểm hầu như tương khắc giữa khoa học và đức tin.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nào hài lòng với việc dung hòa mập mờ về một loại nhân bản được ưa chuộng bởi thứ văn hóa tỏ ra ngờ vực chính cái khả năng của trí khôn trong việc tìm đạt đến chân lý. Đường lối này gặp phải nguy cơ là hiểu sai đức tin khi hạ cấp đức tin xuống bậc của một thứ tình cảm, một thứ xúc động, một thứ nghệ thuật: cuối cùng là lột trần đức tin không còn gì là nền tảng thiết yếu của nó nữa. Đó không phải là đức tin Kitô Giáo, một đức tin, trái lại, đòi phải có một thái độ chấp nhận hữu lý và hữu trách đối với tất cả những gì Thiên Chúa đã mạc khải nơi Chúa Kitô. Đức tin không nẩy mầm từ tro bụi của lý trí! Tôi hết sức mong muốn tất cả quí vị, những con người nam nữ của giới đại học, đừng có bỏ qua một nỗ lực nào trong việc xây đắp lãnh vực học thức hướng về Chân Lý và Tuyệt Đối Thể.

 

5.         Tuy nhiên, cần phải lưu ý là chiều kích học thức “hướng thiên” này không hàm chứa bất cứ một loại khép kín nào; trái lại, bởi chính bản chất của mình, nó hướng đến các chiều kích của tất cả mọi tạo vật. Làm sao có thể xẩy ra khác được chứ? Khi nhận biết Tạo Hóa, con người cũng nhận ra giá trị của các tạo vật. Trong việc hướng về Lời hóa thành nhục thể, người ta cũng chấp nhận tất cả mọi sự được dựng nên trong Người (x Jn 1:3) và được Người cứu chuộc. Bởi thế, chúng ta phải tái nhận thức ý nghĩa nguyên thủy và cánh chung của Thiên Nhiên Tạo Vật, bằng việc tỏ ra tôn trọng tất cả mọi đòi hỏi tiềm tàng của nó, đồng thời cũng hoan hưởng nó một cách tự do, hữu trách, sáng tạo, hân hoan, thanh thoát và ngưỡng mộ. Công Đồng Vaticanô II đã nhắc nhở chúng ta qua một đoạn văn tỏ tường thế này: “Khi hoan hưởng thiên nhiên tạo vật bằng tinh thần nghèo khó và tự do, (con người) tiến đến việc chiếm hữu thế giới trong chân lý, như thể cùng một lúc họ không có gì mà lại có hết mọi sự. ‘Tất cả là của anh em: nhưng anh em lại thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa’ (1Cor 3:22-23)” (Hiến Chế Gaudium et Spes, 37).

 

Ngày nay, việc suy tư chuyên chú nhất về kiến thức học nhận thấy khoa học về nhân bản và khoa học về thiên nhiên cần phải gặp gỡ trao đổi với nhau một lần nữa, để học thức có thể lấy lại cảm quan về một động lực liên kết sâu xa. Sự tiến bộ về khoa học và kỹ thuật vào thời chúng ta đây đã trao vào bàn tay con người những cơ hội vừa vĩ đại lại vừa rùng rợn. Việc nhận biết những giới hạn của khoa học liên quan đến những đòi hỏi của luân lý, không phải là chủ trương vùi lấp mà là một bảo đảm cho thấy rằng việc nghiên cứu sẽ xứng đáng với con người và sẽ phục vụ sự sống của con người.

 

Quí vị, những người bạn thân yêu của Tôi, những người đang dấn thân trong việc nghiên cứu về khoa học, cần phải biến các viện đại học trở thành “những phòng thí nghiệm về văn hóa”, ở đó, thần học, triết học, các khoa nhân văn và các khoa thiên văn có cơ hội trao đổi xây dựng nhau, khi coi qui luật luân lý như một đòi hỏi nội tại của việc nghiên cứu và là một điều kiện thế giá nhất cho việc tìm ra chân lý.

 

6.         Kiến thức được đức tin soi dẫn chẳng những không bỏ bê những lãnh vực của cuộc sống thường nhật, mà còn vận dụng tất cả sức lực của niềm hy vọng và việc rao giảng để đầu tư vào những lãnh vực này nữa. Chủ nghĩa nhân bản mà chúng ta mong muốn cho thấy viễn ảnh của một xã hội đặt trọng tâm trên con người, cũng như trên các quyền lợi bất khả xâm phạm của họ, trên những giá trị công chính và hòa bình, trên lý lẽ của đoàn kết và tương trợ. Đó là một chủ nghĩa nhân bản có khả năng làm hồn sống cho chính tiến bộ về kinh tế, để tiến bộ này nhắm đến “việc phát triển của từng người cũng như của cả con người toàn vẹn” (x Thông Điệp Populorum Progressio, 14; và Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis, 30).

 

Chúng ta đặc biệt cần phải hoạt động để bảo đảm là ý nghĩa thực sự về dân chủ, một chiếm đạt chân chính của văn hóa, hoàn toàn được toàn vẹn. Về vấn đề này, có những chiều hướng đáng lo ngại đã xuất đầu lộ diện, như trường hợp dân chủ bị giảm thiểu xuống thành vấn đề thuần túy về thể thức, hay như trường hợp cho rằng ý muốn của đa số tự nó đã đủ để quyết định tính cách phục tùng về phương diện luân lý đối với một khoản luật nào đó. Thực tế là, “giá trị của dân chủ tồn tại hay qua đi cùng với những giá trị được nó thể hiện và cổ võ... Căn bản của những giá trị này không thể trở thành những ý kiến thời sự và khả hoán của ‘đám đông’, mà là việc lấy lề luật luân lý khách quan, một lề luật được ghi khắc trong tâm can con người như ‘lề luật tự nhiên’, làm qui điểm đối chiếu thiết yếu cho chính lề luật dân sự” (Thông Điệp Evangelium Vitae, 70).

 

7.         Quí bạn thân mến, cả đại học đường nữa, không hơn gì các cơ cấu khác, nó cũng đang trải qua những thách đố đương thời. Tuy nhiên, nó vẫn giữ vai trò đóng góp cho văn hóa không thể thay thế của mình, miễn là nó không mất đi đặc tính nguyên thủy của nó trong việc là một cơ cấu dấn thân nghiên cứu cũng như dấn thân cho phận sự đào luyện – Tôi có thể nói là “giáo dục” – quan trọng đối với thiện ích, nhất là của các thế hệ trẻ. Phận sự này phải giữ vai trò chính yếu trong những vấn đề canh tân và thích ứng cần thiết để cơ cấu cổ kính này vẫn nhịp bước tiến qua các thời đại.

 

Với những khía cạnh nhân bản của mình, đức tin Kitô Giáo có thể đóng góp nguyên vẹn cho sinh hoạt đại học cũng như cho việc giáo dục của mình, đến nỗi, chứng từ Kitô Giáo, được tâm tưởng linh hoạt và đời sống gắn bó, mang ra thực hiện qua việc cẩn trọng và xây dựng trao đổi với những ai cổ võ một quan điểm khác biệt. Tôi hy vọng rằng quan điểm này sẽ được khai triển hơn nữa nơi các cuộc hội họp có tính cách quốc tế sắp được thực hiện, trong đó bao gồm các vị viện trưởng đại học, các vị giám đốc điều hành đại học, các vị tuyên úy đại học, và cả đến chính các sinh viên đại học thuộc “diễn đàn” quốc tế nữa.

 

8.         Quí vị giáo sư khả kính! Chỉ có ở nơi Phúc Âm chúng ta mới tìm thấy kiến thức về thế giới cũng như về con người, một thứ kiến thức không ngừng tháo cởi các giá trị về văn hóa, nhân bản và đạo đức, hướng chúng tới một nhãn quan chính đáng về đời sống và lịch sử. Quí vị hãy vững vàng xác tín như thế và hãy làm cho niềm xác tín này trở thành  mấu chốt cho việc dấn thân của mình.

 

Giáo Hội, một Giáo Hội theo giòng lịch sử đã thực sự đóng vai trò chủ yếu trong việc khai sinh ra các viện đại học, tiếp tục hết mình để thiết tha chăm sóc chúng, và Giáo Hội mong thấy được việc đóng góp trọng yếu nơi quí vị, để cơ cấu này tiến vào một ngàn năm mới, hoàn toàn nhận thức được mình như là một nơi phát triển đáng kể, giữa tính cách cởi mở của kiến thức, lòng ham mộ chân lý cùng với mối quan tâm đến tương lai của nhân loại. Chớ gì cuộc hội nghị Mừng Kỷ Niệm này ghi một dấu bất nhòa nơi mỗi một người trong quí vị, và thúc đẩy quí vị thực hiện công việc đòi hỏi này bằng một sinh lực mới.

 

Ước vọng như thế, và với hết lòng cảm mến, nhân danh Chúa Kitô, Chúa của lịch sử và là Đấng Cứu Chuộc nhân trần, Tôi ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả quí vị.

 

 

(Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 13/9/2000)