TÀI LIỆU HỌC HỎI về
MẦU NHIỆM NHẬP THỂ
Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (GLGHCG) và Sứ Điệp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi Giới Trẻ cho Năm 2000 (SĐĐTCGPII) ngày 29/6/1999 đã dạy gì về những vấn đề liên quan đến Mầu Nhiệm Nhập Thể:1. Nhập Thể là gì?
2. Nhập Thể đã xẩy ra như thế nào?
3. Tại sao Thiên Chúa lại hóa thành nhục thể?
4. Mầu Nhiệm Nhập Thể có nghĩa gì đối với nhân loại?
5. Mầu Nhiệm Nhập Thể đã ảnh hưởng thế nào tới lịch sử nhân loại?
6. Phải chăng “xác thịt” đã trở nên cao quí nhờ “Lời hóa thành nhục thể”?
7. Văn hóa tử vong là gì? Ai là tác nhân của văn hóa này? Liệt kê tất cả các bộ mặt của văn hóa tử vong?
8. Đầu thai có ngược lại với Nhập Thể hay không? Không thì tại sao? Có ở chỗ nào?
9. Phải sống làm sao để xứng đáng với phẩm giá làm người của mình theo ý nghĩa của Mầu Nhiệm Nhập Thể? Bằng cách nào?
10. Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam chúng ta phải làm gì để có thể xây dựng xã hội chúng ta đang sống cũng như xây dựng một quê hương Việt Nam tốt đẹp theo chiều hướng Nhập Thể của Thiên Chúa làm người?
1. Nhập Thể Là Gì?
Nhập Thể là biến cố Thiên Chúa Thần Linh vô hình đã mặc lấy xác thể hữu hình nơi Con Người Đức Giêsu Kitô.
· “Con người Giêsu quê Nazarét là Con Thiên Chúa, Lời nhập thể, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã đến trong thế gian... Đức Giêsu quê Nazarét là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Emmanuel”. (SĐĐTCGPII, 2.1)
· “Căn cứ vào lời diễn tả của Thánh Gioan ‘Lời đã hóa thành nhục thể’ (Jn 1:14), Giáo Hội gọi ‘Nhập Thể’ là sự kiện Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại… ‘Đức Giêsu Kitô cho dù thân phận là Thiên Chúa song đã tự hủy ra hư không, mặc lấy thân phận tôi tớ, sinh ra giống như con người’ (Phil 2:5-8)”. (GLGHCG, 461)
2. Nhập Thể Đã Xẩy Ra Như Thế Nào?
Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, được thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Linh và được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria, do đó, Người là Thiên Chúa thật và cũng là Người thật.
· “Thiên Chúa là Đấng vô hình sống động và hiện diện nơi con người Đức Giêsu là Con Đức Maria, Theotokos, Mẹ Thiên Chúa”. (SĐĐTCGPII, 2.1)
· “Thật vậy, bởi Chúa Thánh Thần, Đấng Mẹ đã thụ thai như là một con người, Đấng đã thực sự trở nên Người Con của Mẹ theo xác thịt, không ai khác hơn là chính Người Con hằng hữu của Chúa Cha, ngôi hai trong Ba Ngôi Chí Thánh”. (GLGHCG, 495)
· “Toàn thể biến cố Nhập Thể độc nhất vô nhị của Con Thiên Chúa không có nghĩa Đức Giêsu Kitô một phần là Thiên Chúa và một phần là loài người, cũng không phải Người là sản phẩm của việc trộn lẫn giữa những gì thần linh và loài người. Người đã thực sự trở nên con người mà vẫn thực sự là Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật” (GLGHCG, 464, xem cả số 469).
3. Tại Sao Thiên Chúa Hóa Thành Nhục Thể?
Một trong những lý do chính yếu khiến cho Thiên Chúa nhập thể làm người đó là vì Ngài muốn thần linh hóa bản tính loài người, nhờ đó làm cho loài người được trở nên con cái Thiên Chúa, qua việc để họ thông phần vào Thiên Tính của Ngài và sống Sự Sống Thần Linh với Ngài.
· “Nơi Đức Giêsu sinh ở Bêlem, Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người, làm cho con người có thể tới gần Ngài, để thiết lập giao ước với loài người”. (SĐĐTCGPII, 2.1)
· “Lời đã hóa thành nhục thể để làm cho chúng ta được trở nên ‘những người được thông phần vào bản tính thần linh’ (2Pt 1:4): ‘Vì đó là lý do tại sao Lời đã làm người, và Con của Thiên Chúa đã trở thành Con của con người: để con người được trở nên con của Thiên Chúa, bằng việc hiệp thông với Lời nhờ đó được làm con cái thần linh’ (Thánh Irênêô, Adv. Haeres. 3, 19, 1: PG 7/1, 939). ‘Vì Con Thiên Chúa đã làm người để chúng ta trở nên Thiên Chúa’ (Thánh Anathasiô, De Inc., 54, 3: PG 25, 192B). ‘Người Con duy nhất của Thiên Chúa, vì muốn làm cho chúng ta trở nên những kẻ tham phần vào thần tính của mình, đã mặc lấy bản tính của chúng ta, để Đấng làm người có thể làm cho con người nên những vị thần linh’ (Thánh Tôma Aquina, Opusc. 57:1-4)” (số 460)
- Mầu Nhiệm Nhập Thể
Nghĩa Là Gì Đối Với Nhân Loại?
Thiên Chúa nhập thể trở nên một Con Người như chúng ta đã làm cho nhân phẩm của con người chúng ta càng trở nên cao trọng hơn nữa, làm cho chúng ta trở thành anh chị em của nhau có cùng một Cha trên trời, làm cho tất cả những gì thuộc về thân phận hèn hạ của con người được thánh hóa, và nhất là làm cho nhân loại chúng ta có thể sống trong Ngài.
· “Đón nhận Chúa Giêsu Kitô nghĩa là chấp nhận từ nơi Chúa Cha lệnh truyền sống kính mến Ngài và yêu thương anh chị em của chúng ta, ở chỗ tỏ ra đoàn kết với mọi người không phân biệt ai; nghĩa là tin rằng, trong lịch sử loài người, cho dù nó có mang dấu vết sự dữ và khổ đau, thì lời nói cuối cùng vẫn là của sự sống và yêu thương, vì Thiên Chúa đã đến ở giữa chúng ta để chúng ta có thể sống trong Ngài”. (SĐĐTCGPII, 2.2)
· “Toàn thể đời sống của Chúa Kitô là mầu nhiệm tái tạo. Tất cả những gì Chúa Giêsu thực hiện, nói năng và chịu đựng là nhắm đến mục đích để phục hồi con người sa đọa trở lại với ơn gọi nguyên thủy của họ: Nhập thể và làm người, Người đã tái tạo nơi bản thân mình cả một lịch sử dài của loài người, và mang chúng ta đến với ơn cứu độ bằng một ngõ tắt, để những gì chúng ta đã bị mất đi nơi Adong, tức là đã bị mất đi cái hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa, chúng ta có thể lấy lại nơi Chúa Giêsu Kitô (Thánh Irênêô, Adv. haeres. 3, 18, 1: PG 7/1, 932). Vì lý do này, Chúa Kitô đã phải trải qua tất cả các đoạn đời của cuộc sống, nhờ đó Người làm cho tất cả mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa (Thánh Irênêô, Adv. haeres. 3, 18, 7: PG 7/1, 937; x. 2, 22, 4)”. (GLGHCG, 518)
2. Mầu Nhiệm Nhập Thể Đã Aûnh Hưởng Thế Nào Tới Lịch Sử Nhân Loại?
Với bản tính nhân loại của mình, Chúa Giêsu Kitô, bằng việc hiến mạng sống phần xác, đã cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi và sự chết là những gì đã đột nhập vào thế gian từ khi nguyên tổ sa phạm, và bằng việc Phục Sinh của thân xác tử nạn, Người còn ban cho họ Sự Sống Thần Linh của Người nữa.
· “Bằng việc nhập thể của mình, Chúa Kitô đã trở nên bần cùng để làm cho chúng ta nên phong phú nhờ cái nghèo của Người, và Người đã ban cho chúng ta ơn cứu chuộc là hoa trái trước hết bởi máu Người đổ ra trên thập giá” (SĐĐTCGPII, 2.3).
“Các con hãy tôn thờ Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Đấng thí mạng sống mình vì chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết: Người là Thiên Chúa hằng sống, là nguồn mạch Sự Sống” (SĐĐTCGPII, 3.1).
· “Mầu nhiệm Vượt Qua có hai phương diện, ở chỗ, bằng cái chết của mình, Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi; và bằng việc Phục Sinh của mình, Người đã mở ra cho chúng ta một con đường sống mới. Sự sống mới này trước hết là việc công chính hóa, một việc công chính hóa phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa Chúa, ‘để như Chúa Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha sống lại thế nào, chúng ta cũng bước đi trong sự sống mới như vậy’. Việc công chính hóa ở tại cả việc chiến thắng sự chết do tội lỗi gây ra lẫn việc được thông phần vào ân sủng. Việc công chính hóa phát sinh ơn dưỡng tử làm cho con người trở nên anh em của Chúa Kitô, như chính Đức Giêsu đã gọi các môn đệ của mình sau khi phục sinh: ‘Hãy về mà nói với anh em Thày’. Chúng ta là anh em không phải theo bản tính mà là bởi ân sủng, vì ơn nghĩa tử này làm cho chúng ta thực sự thông phần vào sự sống của Người Con duy nhất, Người Con hoàn toàn được tỏ hiện nơi việc Phục Sinh của Người”. (GLGHCG, 654)
6. Phải Chăng “Xác Thịt” Đã Trở Nên Cao Quí Nhờ Lời Hóa Thành Nhục Thể”?
Việc Thiên Chúa vô cùng cao cả và toàn thiện mặc lấy xác thể tầm thường hèn hạ để làm người nơi Đức Giêsu Kitô, nhất là việc Ngài dùng thân xác của con người để chết đi cho nhân loại, đã làm cho thân xác con người chẳng những trở nên tuyệt cao trọng mà còn trở nên phương tiện cứu rỗi trần gian nữa. Bởi thế, con người phải tỏ ra tôn trọng thân xác của mình và dùng nó vào việc phục vụ sự sống trong đời sống hôn nhân, hơn là chỉ tìm hưởng lạc thú dâm dục như thủ dâm, khỏa dâm, khiêu dâm, đồng tính luyến ái, tiền dâm hậu thú v.v.
· “Thật vậy, các con làm sao có thể tin vào vị Thiên Chúa làm người mà lại không đứng vững trước tất cả những gì hủy hoại bản thân con người và gia đình con người?” (SĐĐTCGPII, 3.5)
· “Chúa Giêsu đã đến để mang tạo vật về lại với tính chất tinh tuyền nguyên khai của nó. Ở Bài Giảng Trên Núi, Người giải thích dự án của Thiên Chúa một cách chặt chẽ: ‘Các con đã nghe nói rằng: các ngươi không được ngoại tình. Còn Thày thì nói với các con rằng bất cứ ai theo dục tính nhìn người nữ đã phạm tội ngoại tình với họ trong lòng mình rồi’ (Mt 5:27-28). Những gì Thiên Chúa đã nối kết không ai được phân ly (x Mt 19:6)”. (GLGHCG, 2336)
· “Dục tính được qui hướng về tình yêu phối ngẫu giữa người nam và người nữ. Việc ân ái về thể lý của vợ chồng trong đời sống hôn nhân là một dấu chỉ và là bảo chứng cho mối hiệp thông về tâm linh. Những liên hệ về hôn nhân giữa những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội đã được thánh hóa bởi bí tích hôn phối”. (GLGHCG, 2360)
· “Dâm dục là ước muốn lăng loàn muốn hưởng lạc thú xác thịt hay việc thụ hưởng lạc thú xác thịt cách bất chính. Theo luân lý, hưởng lạc thú xác thịt bất chính đó là việc chỉ hoàn toàn tìm thỏa mãn xác thịt, chứ không nhắm đến mục đích truyền sinh và phối hợp”. (GLGHCG, 2351)
· “Thủ dâm được hiểu là việc tự mình làm kích thích các bộ phận sinh dục để tìm thỏa mãn xác thịt… ‘Cả Huấn Quyền của Giáo Hội lẫn cảm quan luân lý của tín hữu đều không ngần ngại mạnh mẽ chủ trương rằng thủ dâm tự bản chất là hành động hết sức lăng loàn. Vì bất cứ lý do gì, tự mình sử dụng bộ phận sinh dục ngoài phạm vi hôn nhân đều thực sự là làm ngược lại với mục đích của bộ phận ấy’. Bởi làm như thế thì việc hưởng lạc thú xác thịt chỉ xẩy ra ở ngoài ‘mối liên hệ xác thịt theo phạm vi luân lý đòi hỏi, một liên hệ xác thịt cần phải đạt được tất cả ý nghĩa của tác động tự hiến thân cho nhau cũng như của việc truyền sinh liên quan đến tình yêu chân thực’ (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Persona humana 9)”. (GLGHCG, 2352)
· “Khiêu dâm xẩy ra ở chỗ cố ý mang những tác động xác thịt thực sự hay tương tự của việc nam nữ ái ân đem bầy tỏ ra cho những người khác thấy. Khiêu dâm phạm đến đức trong sạch vì nó làm bại hoại tác động phối ngẫu, bại hoại việc vợ chồng thân mật trao thân cho nhau. Nó thực sự làm tổn hại đến phẩm giá của các phần tử tham phần (như diễn viên, người phổ biến, công chúng), vì mỗi người đều trở thành đối tượng của việc thỏa mãn hèn hạ cũng như của thứ lợi lộc bất chính cho nhau. Nó dìm tất cả những ai tham gia vào một thứ ảo tưởng thuộc thế giới giả tạo. Nó là một vi phạm trầm trọng”. (GLGHCG, 2354)
· “Đồng tính luyến ái nghĩa là những liên hệ giữa nam nhân với nhau hay nữ nhân với nhau, thành phần cảm thấy một sức hấp dẫn phái tính hoàn toàn hay độc chiếm đối với những người cùng phái tính với mình… Căn cứ vào Thánh Kinh cho thấy những việc đồng tính luyến ái là những việc suy bại nặng nề, truyền thống bao giờ cũng khẳng định rằng ‘các việc đồng tính luyến ái tự bản chất là bất chính’. Chúng phản lại với luật tự nhiên. Chúng ngăn trở tác động xác thịt trong việc trao ban tặng ân sự sống. Chúng không phát xuất từ mối hỗ tương tình cảm và tình dục chân chính. Không thể nào chấp nhận chúng trong bất cứ một trường hợp nào”. (GLGHCG, 2357)
· “Những kỹ thuật gây phân rẽ vợ chồng, (hiến tinh trùng hay noãn sào hoặc cho mượn tử cung), bằng cách xen vào một người không phải là chính đôi phối ngẫu đều là những việc hết sức vô luân. Những kỹ thuật này (thụ tinh và đậu thai nhân tạo không phải của chồng) đều phạm đến quyền của đứa nhỏ phải được sinh ra bởi cha mẹ thật của mình trong đời sống hôn nhân. Chúng phản lại với đôi phối ngẫu nơi ‘quyền trở thành cha mẹ chỉ ở nơi nhau mà thôi’ (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Donum vitae II, 1)”. (GLGHCG, 2376)
· “Những kỹ thuật chỉ dính dáng đến đôi phối ngẫu (thụ tinh và đậu thai nhân tạo của chồng) có thể ít tai hại hơn song theo luân lý vẫn không chấp nhận được. Chúng phân rẽ tác động vợ chồng ra khỏi tác động truyền sinh. Tác động sinh sản con cái không còn là tác động hai người trao thân cho nhau nữa, mà là tác động ‘ký thác sự sống cùng bản chất của bào thai vào quyền lực của các vị bác sĩ cũng như của các chuyên viên sinh vật học, và khiến cho kỹ thuật nắm chủ quyền trên nguồn gốc và định mệnh của con người…”. (GLGHCG, 2377)
· “Việc tiết dục từng lúc, tức là những phương pháp điều hòa sinh sản dựa trên việc tự giữ mình và lợi dụng những thời kỳ không thụ thai, là việc hợp với qui tắc khách quan của luân lý (x Thông Điệp Sự Sống Con Người, 12). Những phương pháp này tôn trọng thân xác của đôi phối ngẫu, tăng thêm niềm ưu ái cho họ, và thuận lợi cho việc huấn luyện niềm tự do chân chính. Trái lại, tự bản chất là xấu đối với ‘mọi hành động, trước hay sau tác động vợ chồng, hoặc đang lúc phát triển hoa trái của tác động này, tỏ ra muốn ngăn trở việc truyền sinh, dù là mục đích hay phương tiện’ (Thông Điệp Sự Sống Con Người, 14)”. (GLGHCG, 2370)
· “Ly dị là một vi phạm nặng nề đến luật tự nhiên. Nó đòi phá hủy giao ước được đôi phối ngẫu tự tình đồng ý sống với nhau cho đến chết. Ly dị thực sự gây tổn thương đến giao ước cứu độ mà bí tích hôn phối là dấu chỉ. Lập gia đình nữa, cho dù có được luật dân sự công nhận, càng làm cho cuộc đổ vỡ thêm trầm trọng hơn, ở chỗ người phối ngẫu tái giá bấy giờ ở vào tình trạng công khai và vĩnh viễn ngoại tình” (GLGHCG, 2384).