Nhập Đề
“Tôi là ánh sáng thế gian.Ai theo Tôi sẽ không đi trong tăm tối; song sẽ được ánh sáng sự sống”
(Gioan .8:12)
Chính ở Antiôkia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu” (Tông Vụ 11:26). Như thế: Kitô hữu chính là môn đệ của Chúa Kitô. Và môn đệ của Chúa Kitô là thành phần như thế nào? Như “Nhóm 12” (Luca 8:1, 9:1) tông đồ và “Nhóm 72” (Luca 10:1, 17) môn đệ xưa, môn đệ của Chúa Kitô là thành phần được Người chọn gọi (xem Marcô 3:13) theo Người (xem Luca 8:1) để làm chứng cho Người (xem Luca 24:48; Tông Vụ 1:8).
Nếu Kitô hữu là thành phần theo Chúa Kitô như thế thì họ chẳng những “sẽ không đi trong tăm tối” mà còn “được ánh sáng sự sống” nữa. Đúng vậy, Kitô hữu là thành phần đã được Thiên Chúa “kêu gọi từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng của Ngài” (1Phêrô 2:9). Và “ánh sáng lạ lùng” của Thiên Chúa đây là gì, nếu không phải là chính Chúa Giêsu Kitô, “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Gioan 1:14), như “ánh sáng chiếu trong tăm tối” (Gioan 1:5): “Tôi là ánh sáng thế gian” (Gioan 8:12); “Tôi đã đến trong thế gian như ánh sáng của thế gian, để cứu những ai tin Tôi cho khỏi ở trong tăm tối” (Gioan 12:46).
Vì Chúa Giêsu Kitô, Lời nhập thể, chính là “ánh sáng thế gian”, mà “ánh sáng thế gian” này không phải là một thứ ánh sáng tự nhiên đối với con mắt xác thịt, hay ánh sáng khoa học đối với con mắt trí khôn, hoặc ngay cả đến ánh sáng đạo lý đối với con mắt lương tri của loài người. Người chính là một thứ “ánh sáng lạ lùng” (1Phêrô 2:9): “ánh sáng sự sống” (Gioan 8:12). Người không phải là “ánh sáng (của) sự sống” hay “ánh sáng (ban) sự sống” cho bằng là chính “ánh sáng sự sống”, bởi vì chính Người cũng “là sự sống lại và là sự sống” (Gioan 11:25 hay xem14:6), đến nỗi, ai có Người là có chính sự sống: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống này ở nơi Con Ngài. Ai có Con Thiên Chúa là có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống” (1Gioan 5:11).
“Thiên Chúa đã ban chúng ta sự sống đời đời, và sự sống này ở nơi Con Ngài. Ai có Con Thiên Chúa là có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống” (1Gioan 5:11) đây là gì, nếu không phải Chúa Giêsu Kitô là “tất cả sự thật” (Gioan 16:13) Thiên Chúa muốn tỏ ra cho con người biết, để “ai tin Con thì không phải chết song được sự sống đời đời” (Gioan 3:16). Chính vì thế mà “sự sống đời đời ở tại nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Giêsu Kitô là Đấng Cha sai” (Gioan 17:3). Tuy nhiên, tác động “nhận biết” đây không phải là tác động thuần lý trí, mà là tác động của cả con người thụ tạo được tỏ ra qua việc “chấp nhận” (Gioan 1:12) bằng ý muốn tự do của con người, tức bằng việc “tuân phục đức tin” (Rôma 1:5), một khả năng siêu nhiên trong việc đáp lại tác động mạc khải thần linh của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô (xem Do Thái 1:2).
Mạc Khải Là Sự Sống Chiếu Sáng
Đúng thế, “Thiên Chúa là Thần Linh” (Gioan 4:24), là “Thiên Chúa vô hình” (Colôsê 1:15), đã tỏ mình ra cho loài người qua Chúa Giêsu Kitô:
“Vào các thời xa xưa, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các tiên tri bằng nhiều thể nhiều cách; vào thời sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta qua Con Ngài” (Do Thái 1:1-2).
Việc Thiên Chúa tỏ mình hay mạc khải mình cho loài người này cũng chính là việc Thiên Chúa thông mình cho loài người. Bởi vì, tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta trong thời sau hết này đây chính là một con người, đó là “con người Chúa Giêsu Kitô” (1Timôthêu 2:5), “Lời đã hóa thành nhục thể” (Gioan 1:14), “Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Côlôsê 1:15), “là phản ảnh vinh quang Cha, là hiện thân đích thực hữu thể Cha” (Do Thái 1:3): “Tất cả những gì Cha có đều ở nơi Thày” (Gioan 16:15).
Đó là lý do: “Thày là đường, là sự thật và là sự sống… Ai thấy Thày là thấy Cha” (Gioan 14:6,9). Đó cũng là lý do: “Ai theo Tôi sẽ có ánh sáng sự sống” (Gioan 8:12). Và đó còn là chính lý do: “Thiên Chúa đã ban chúng ta sự sống đời đời, và sự sống này ở nơi Con Ngài. Ai có Con là có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống” (1Gioan 5:11).
Đức Tin Là Ánh Sáng Sự Sống
Phải, Chúa Giêsu Kitô, “Lời hằng ở nơi Cha… đã hóa thành nhục thể… để tỏ Cha ra” (Gioan 1:1,14,18), chính là “sự sống chiếu sáng mọi người” (Gioan 1:4), nhờ đó, “ai theo Tôi sẽ được ánh sáng sự sống” (Gioan 8:12).
Đúng vậy, tự bản tính thần linh của mình: “Lời là Thiên Chúa” (Gioan 1:1), Chúa Giêsu Kitô chính là “sự sống chiếu sáng mọi người”, một sự sống đã chiếu sáng, tức đã tỏ mình ra hay mạc khải mình ra, qua nhân tính của Người, nên Chúa Giêsu Kitô cũng là “ánh sáng đã chiếu trong tăm tối” (Gioan 1:5). Bởi thế, tất cả những gì nơi Chúa Giêsu Kitô và từ Chúa Giêsu Kitô, như xác thịt của Người, lời nói cũng như việc làm của Người, nhất là việc Người tử giá để “hiến mình làm giá chuộc tất cả mọi người” (1Timôthêu 2:5), đều là nguồn phát sinh sự sống: “Chính Thày là Bánh sự sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này sẽ sống đời đời; Bánh Thày sẽ ban là thịt của Thày cho thế gian được sự sống” (Gioan 6:51); “những lời Thày nói với các con là thần linh và là sự sống” (Gioan 6:63); “Tôi là vị mục tử tốt lành; vị mục tử tốt lành thí mạng sống mình vì chiên” (Gioan 10:11).
Thế nhưng, nếu việc Con tỏ mình ra là “sự sống chiếu sáng con người” (Gioan 1:4) để “ai theo Người thì có ánh sáng sự sống” (Gioan 8:12), tức là để “ai tin Con thì có sự sống đời đời” (Gioan 3:16, 36), thì việc người Kitô hữu hậu sinh chúng ta đây chưa bao giờ thấy Người, hay thấy việc tỏ mình ra của Người, thì làm sao có thể tin nhận Người, làm sao biết được thật sự có một vị Thiên Chúa nhập thể như Người, Đấng “đã đến cho chiên được sự sống, và được một một sự sống viên trọn” (Gioan 10:10), nếu không phải qua chứng của Người.
Thật thế, con người hậu thế chúng ta chỉ có thể tin nhận “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mathêu 16:16), hay tuyên xưng “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong thế gian” (Gioan 11:27), là nhờ chứng của Người. Thật ra, cả đến những người dân Do Thái trông đợi Đấng Thiên Sai đồng thời với Người, thậm chí ngay các tông đồ sống sát cận với Người nhất đi nữa, cũng vẫn cần phải thấy chứng của Người mới có thể tin nhận Người. Cuộc đời trần thế của Con Thiên Chúa làm người chính là một cuộc làm chứng, là một lời chứng, như Người đã công khai tuyên bố trước tòa dân ngoại: “Lý do Tôi được sinh ra, lý do Tôi đã đến trong thế gian là để làm chứng cho chân lý” (Gioan 18:37). “Chân lý đó là gì?” (Gioan 18:38), nếu không phải chính thực tại “LÀ” ở nơi Người: Người là ai?
Không phải hay sao, đối với dân Do Thái đồng thời với mình, Chúa Giêsu đã chẳng tuyên bố với họ: “Qúi vị sẽ chết trong tội lỗi của mình, trừ khi qúi vị nhận biết mà tin rằng Tôi Là… Khi qúi vị treo Con Người lên, qúi vị sẽ nhận biết Tôi Là” (Gioan 8:24, 28). Đối với các tông đồ cũng thế, Chúa Kitô đã chẳng vấn nạn đức tin của các ngài hay sao: “Dân chúng nói Con Người là ai?… Còn phần các con, các con cho Thày là ai?” (Mathêu 16:14,15).
Nếu “Chúa Giêsu Nazarét” (Tông Vụ 2:22), một con người lịch sử cũng là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (Mathêu 16:16; Gioan 11:27), đối tượng của đức tin thần linh như thế, thì qủa thực, đúng như lời Người tuyên bố: “Tôi là ánh sáng thế gian” (Gioan 8:12), “ánh sáng chiếu trong tăm tối” (Gioan 1:5; hay xem Luca 1:79), ánh sáng xuyên qua mọi thế hệ trước Người (BC) cũng như sau Người (AD). Đến nỗi, dù không được trực tiếp thấy Người, họ vẫn có thể nghe Người: “Ai tìm kiếm chân lý sẽ nghe thấy tiếng Tôi” (Gioan 18:37). Dù họ là thành phần đã chết, chết về tâm linh: “Đang tới giờ, mà thật sự là đã đến giờ rồi, lúc mà kẻ chết sẽ được nghe thấy tiếng của Con Thiên Chúa, và những ai nghe thấy tiếng của Người sẽ được sống” (Gioan 5:25), hay chết về thể lý: “Vì giờ đang đến, lúc tất cả những ai ở trong mồ sẽ được nghe thấy tiếng của Người mà tiến lên. Những ai làm lành sẽ sống lại để được sống; các kẻ hành ác sẽ sống lại để bị trầm luân” (Gioan 5:28, 29).
Chính vì thế, cả về nguyên tắc cũng như thực tế đều cho thấy, là một tác động siêu nhiên, đức tin thực sự đã đến từ nghe, một tác động biểu hiệu cho tâm linh, cho khát vọng “nước uống” (Gioan 4:15), hơn là từ thấy, một tác động biểu hiệu cho thực nghiệm, cho đòi hỏi “dấu lạ” (Mathêu 12:38, 39):
“Mọi người kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu độ. Nhưng họ kêu cầu Người thế nào được nếu họ không tin vào Người? Mà họ tin sao được nếu họ chưa nghe nói về Người? Rồi họ nghe thế nào được nếu không có ai rao giảng? Và người ta rao giảng thế nào được nếu không được sai đi?” (Rôma 10:13-15).
Chúa Giêsu Kitô phục sinh đã thực sự sai các tông đồ ra đi rao giảng và làm chứng cho Người như sau:
“Thày được toàn quyền trên trời dưới đất; bởi thế, các con hãy đi tuyển mộ môn sinh nơi tất cả mọi dân nước. Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Các con hãy dạy họ thực thi những gì Thày đã truyền cho các con” (Mathêu 28:18-19);
“Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho tất cả mọi tạo vật. Ai tin vào tin mừng mà lãnh nhận phép rửa sẽ được cứu rỗi; còn ai không chịu tin vào tin mừng sẽ bị luận phạt” (Marcô 16:15-16);
“Bởi vậy có lời chép rằng Đức Kitô phải chịu đựng khổ đau và ngày thứ ba Người mới từ trong kẻ chết sống lại. Nhân danh Người việc thống hối để lãnh ơn tha thứ phải được rao giảng cho tất cả mọi dân nước, khởi đi từ Gialiêm. Các con là những chứng nhân về điều đó” (Luca 24:46-48).
Phần các tông đồ, việc các ngài làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô là các ngài tiếp tục sứ mệnh Thiên Sai của Chúa Cứu Thế: “Như Cha đã sai Con vào thế gian, Con cũng sai họ đến với thế gian” (Gioan 17:18). Nếu Chúa Giêsu Kitô “đã được sinh ra, đã đến trong thế gian để làm chứng cho chân lý” (Gioan 18:37), thì, để tiếp tục sứ mệnh Thiên Sai của Người, các tông đồ cũng phải “làm chứng cho chân lý”, tức là làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, hay là làm sáng tỏ thực tại “LÀ” ở nơi Người cũng vậy:
“Đây là điều chúng tôi loan truyền cho anh em: điều đã có ngay từ ban đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã tận mắt thấy, điều chúng tôi ngắm nhìn và tay chúng tôi chạm đến – chúng tôi muốn nói đến lời sự sống. (Sự sống này đã trở nên hữu hình; chúng tôi đã trông thấy và chứng thực sự sống này, chúng tôi xin loan báo cho anh em sự sống đời đời ở nơi Chúa Cha đã tỏ hiện cho chúng tôi ấy). Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe thì chúng tôi đem loan báo cho anh em, để anh em cũng được cùng chúng tôi thông phần sự sống, việc chúng ta được hiệp thông với Chúa Cha cùng với Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô” (1Gioan 1:1-3).
“Tôi truyền lại anh em trươc hết điều chính tôi đã lãnh nhận, đó là Chúa Kitô đã chết cho tội lỗi của chúng ta theo như Sách Thánh, ở chỗ, Người đã chịu mai táng và sống lại vào ngày thứ ba như lời Sách Thánh; Người đã tỏ mình ra cho Cepha, rồi cho 12 Tông Đồ… Cuối cùng Người đã tỏ mình ra cho tôi như một kẻ sinh non… Dù thế nào đi nữa, hoặc là tôi hay các vị ấy thì đó cũng là điều chúng tôi rao giảng và là điều anh em tin tưởng” (1Cor.15:3-11; cũng xem 2Corintô 11:23-25: “Tôi truyền lại cho anh em điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, đó là, Chúa Giêsu, vào đêm bị trao nộp, Người đã…)
Như thế, Đức Tin Kitô Giáo mang bản chất Tông Truyền và hoàn toàn đặt trên nền tảng Tông Truyền là tất cả những gì được truyền lại bởi các Thánh Tông Đồ, thành phần chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô và cho Chúa Kitô (xem Tông Vụ 2:32, 3:15, 5:32, 10:39):
“Anh em làm nên một tòa nhà xây trên nền tảng các tông đồ và các tiên tri có chính Chúa Giêsu Kitô là tảng đá nền” (Ephêsô 3:20).
“Tường thành (thánh Gialiêm từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống) có mười hai thềm đá như nền tảng của nó, trên đó có khắc tên mười hai vị tông đồ của Con Chiên” (Khải Huyền 21:14).
Bởi vậy, Thánh Truyền là tất cả Đức Tin của Giáo Hội Kitô Giáo và làm nên Giáo Hội Kitô Giáo, nghĩa là, không có Thánh Truyền hay bỏ Thánh Truyền đi thì không còn là Giáo Hội Chúa Kitô nữa. Có thể nói, Giáo Hội chấp nhận Thánh Kinh (việc ghi nhận Mạc Khải Thần Linh), hơn là Giáo Hội chấp nhận hay chuẩn nhận Thánh Truyền (việc đáp ứng Mạc Khải Thần Linh), vì Thánh Truyền chính là tất cả Đức Tin của Giáo Hội để Giáo Hội chấp nhận Thánh Kinh rồi. Giáo Hội thật ra chỉ thừa hưởng Đức Tin Tông Truyền, tức thừa hưởng lại tất cả những gì Các Tông Đồ đã chấp nhận Chúa Kitô và lãnh nhận từ Chúa Kitô mà thôi. (Đoạn này xin xem Bản Tổng Dẫn Giáo Lý Directorium Catechisticum Generale, các khoản 13, 14 và 15)
Đó là lý do Huấn Quyền Giáo Hội không truyền dạy chi khác ngoài tất cả những gì được lưu tồn từ Thánh Truyền hoặc tiềm ẩn trong Thánh Truyền; nói cách khác, có truyền dạy điều gì cho hợp với từng thời điểm lịch sử của mình, Huấn Quyền Giáo Hội cũng phải bật ngọn đèn Đức Tin Tông Truyền của mình lên để có thể đọc thấy “những dấu chỉ thời đại” (Mathêu 16:3) theo ánh sáng Mạc Khải.
Giáo Lý Là Đức Tin Tông Truyền
Tất cả những gì Giáo Hội tin tưởng (tín lý), cử hành (phụng vụ), nắm giữ (luân lý), và ước mong (cầu nguyện) đều phát xuất sâu xa từ Đức Tin Tông Truyền của Giáo Hội và đều biểu hiện sống động Đức Tin Tông Truyền của Giáo Hội Chúa Kitô.
Toàn bộ Đức Tin Tông Truyền ấy của Giáo Hội Chúa Kitô đã được hệ thống hóa và tổng hợp lại thành một tập tài liệu đức tin, đó là cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Cuốn Giáo Lý “là một bản tuyên ngôn đức tin của Giáo Hội và của giáo huấn công giáo, được chứng thực hay dẫn chứng bởi Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền Hội Thánh” (Tông Hiến Fidei Depositum, đoạn 3) này đã được của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chính thức ban hành ngày 11-10-1992 qua Tông Hiến Fidei Depositum:
“Tôi tuyên bố nó là một tiêu chuẩn vững chắc để dạy dỗ đức tin… Cuốn sách giáo lý này không nhắm đến việc thay thế các sách giáo lý địa phương đã được thẩm quyền giáo hội chuẩn nhận… Nó chỉ có ý khuyến khích và giúp vào việc viết ra những cuốn giáo lý mới cho địa phương, những cuốn giáo lý lưu tâm đến những tình trạng văn hóa và hoàn cảnh khác nhau song vẫn cẩn thận giữ được sự hiệp nhất của đức tin và trung thành với giáo huấn công giáo” (cùng nguồn cùng đoạn vừa dẫn).
Theo tinh thần và mục tiêu của cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, như vị chủ chăn tối cao đề cập đến trên đây, Bộ Giáo Lý “Ánh Sáng Sự Sống” này, trong khi chờ đợi cuốn giáo lý Công Giáo chính thức của Giáo Hội Việt Nam cho đàn chiên mình, xin được mạo muội gợi ý và đáp ứng nhu cầu khẩn thiết hiện nay trong việc cập nhật hóa và hệ thống hóa vấn đề truyền đạt đức tin theo ý Giáo Hội, cho những nơi nào cảm thấy cần thiết và thích hợp với bộ sách tạm này.
Giáo Lý Chỉ Nam
Giáo lý liên hệ đến đức tin, đến phần rỗi đời đời của các linh hồn. Bởi thế, giáo lý cần phải được hiểu biết kỹ lưỡng và truyền đạt cẩn thận theo đường hướng của Giáo Hội là thẩm quyền tối cao đã được Chúa Kitô, đối tượng của đức tin, trọng tâm của giáo lý, Giáo Tổ Kitô Giáo và là Đấng thiết lập Giáo Hội của Người, trao toàn quyền “tháo cởi” (xem Mt.16:19, 18:18) dưới trần gian này.
Giáo Lý Chỉ Nam là cuốn thứ nhất trong toàn bộ 12 cuốn giáo lý Ánh Sáng Sự Sống. Cuốn đầu tiên này chứa đựng hai văn kiện quan trọng nhất và đầy đủ nhất về ý nghĩa, giá trị cùng nội dung của giáo lý, cũng như về nhu cầu cần phải truyền đạt giáo lý và về các phương thức cần phải sử dụng để truyền đạt giáo lý một cách thích thuận trong thời đại chúng ta và mang lại kết qủa cho thời đại chúng ta.
Văn kiện thứ nhất là Tông Tông Huấn Catechesi Tradendae về Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, một văn kiện của hậu Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần 4, 30/9-29/10/1977, do ba vị giáo hoàng thực hiện, Đức Phaolô VI khởi sự, Đức Gioan Phaolô I tiếp tục và Đức Gioan Phaolô II hoàn tất và ban hành ngày 16-10-1979, kỷ niệm đúng một năm ngài được bầu lên làm giáo hoàng.
Văn kiện thứ hai là Directorium Catechisticum Generale của Thánh Bộ về Giáo Sĩ ban hành Chúa Nhật Phục Sinh 11-4-1971, sau khi được Đức Thánh Cha Phaolô VI phê chuẩn ngày 18-3-1971, để Hướng Dẫn Tổng Quan về Vấn Đề Giáo Lý.
Chính vì tính cách hết sức quan trọng của hai văn kiện nồng cốt này, cuốn Giáo Lý Chỉ Nam còn có thêm phần thứ ba là phần phân mục Đúc Kết để Học Hỏi cả hai văn kiện, nhờ đó, độc giả có thể nắm vững tất cả những gì quan yếu về vấn đề Giáo Lý, trước khi chính thức thực hiện vai trò hướng dẫn đức tin bằng việc truyền đạt giáo lý cho nhau.
Bởi thế, theo người biên soạn, cuốn Giáo Lý Chỉ Nam này rất cần thiết cho cả thành phần huấn viên giáo lý cũng như giảng viên giáo lý, và có thể được dùng để nghiên cứu riêng tư hay học hỏi chung trong các khóa giáo lý!
Khởi soạn ngày 8/12/1998, Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL