II) Một Kinh Nghiệm Cổ Kính như chính Giáo Hội
SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA CÁC TÔNG ĐỒ
10- Hình ảnh Chúa Kitô Vị Tôn Sư được đóng vào tâm trí của 12 Vị Tông Đồ cũng như của các người môn đệ đầu tiên, và lệnh truyền “các con hãy đi… tuyển mộ môn sinh nơi khắp các dân nước” (Mathêu 28:19) đã đề ra một lịch trình cho cả cuộc sống của các ngài. Thánh Gioan chứng thực điều này nơi Phúc Aâm của ngài, khi ngài thuật lại những lời của Chúa Giêsu: “Thày không còn gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ mình làm; song Thày gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thày đã nghe từ Cha thì Thày đã tỏ cho các con biết” (Gioan 15:15). Không phải các ngài đã chọn theo Chúa Giêsu; mà là chính Chúa Giêsu đã chọn các ngài, cho các ngài ở với Người, và trước Cuộc Vượt Qua của mình, Người đã bổ nhiệm các ngài, để các ngài đi sinh hoa trái, cho hoa trái của các ngài được tồn tại (xem Gioan 15:16). Bởi thế, sau khi phục sinh, Người đã chính thức ban bố cho các ngài sứ mệnh tuyển mộ môn sinh nơi tất cả mọi dân nước.
Toàn thể cuốn Tông Vụ là một bằng chứng nói lên rằng các ngài đã trung thành với ơn gọi của mình và với sự vụ truyền giáo các ngài đã lãnh nhận. Các phần tử của cộng đồng Kitô hữu đầu tiên được thuật lại là “sốt sắng với giáo huấn và việc hiệp thông với các tông đồ, với việc bẻ bánh và nguyện cầu” (Tông Vụ 2:42). Chắc hẳn chúng ta thấy ở đây một hình ảnh Giáo Hội, nhờ giáo huấn của các tông đồ, bền bỉ trong việc được hạ sinh cũng như tiếp tục được dưỡng sinh bằng lời Chúa, khi Giáo Hội cử hành lời Chúa nơi Hiến Tế Thánh Thể và làm chứng cho lời Chúa trước mắt thế gian bằng dấu bác ái.
Các người chống lại các tông đồ sở dĩ ra tay can thiệp vào hoạt động của các ngài chỉ là vì họ bị “khó chịu bởi việc (các tông đồ) giảng dạy dân chúng” (Tôâng Vụ 4:2), và họ đã ra lệnh cho các ngài không được nhân danh Chúa Giêsu mà giảng dạy chút nào nữa (xem Tông Vụ 4:18, 5:28). Thế nhưng, về vấn đề này, chúng ta biết rằng, các tông đồ đã coi việc nghe theo Thiên Chúa vẫn đúng hơn là nghe theo người đời (xem Tông Vụ 4:19).
VẤN ĐỀ GIÁO LÝ TRONG THỜI TÔNG ĐỒ
11- Các tông đồ cũng không chậm chạp trong việc chia sẻ sứ vụ tông đồ với những người khác (xem Tông Vụ 1:25). Các ngài truyền lại cho các vị thừa kế của mình công việc giảng dạy. Các ngài cũng ủy thác việc giảng dạy này cho các thày phó tế từ giây phút lập thừa tác vụ này: Stêphanô, “đầy ân sủng và quyền năng, không ngừng giảng dạy, được đức khôn ngoan của Thần Linh điều động (xem Tông Vụ 6:8ff). Các tông đồ đã kết nạp “nhiều người khác” lại với mình để thực hiện việc giảng dạy (xem Tông Vụ 15:35), và ngay cả các Kitô hữu tầm thường, bị phân tán bởi cấm cách cũng “đi rao giảng lời Chúa” (Tông Vụ 8:4). Thánh Phaolô là vị đi tiên phong nổi bật trong việc rao giảng này, từ Antiôkia đến Rôma, nơi mà hình ảnh cuối cùng của một nhân vật chúng ta đọc thấy trong Tông Vụ là hình ảnh một người “hết sức minh nhiên rao giảng về Chúa Giêsu Kitô” (Tông Vụ 28:31). Nhiều bức thư của ngài đã tiếp tục làm cho giáo huấn của ngài sâu xa hơn. Những bức thư của Thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê và Giuđa, bức thư nào cũng là một bằng cớ nói lên vấn đề giáo lý trong thời khoảng tông đồ.
Trước khi được viết thành văn, các Phúc Aâm là giáo huấn được diễn giải bằng miệng được truyền lại cho các cộng đoàn Kitô giáo, và các Phúc Aâm cho thấy có một cấu trúc giáo lý ở những cấp độ nhiều ít khác nhau. Trình thuật của Phúc Aâm Thánh Mathêu thực sự được gọi là một Phúc Aâm của giáo lý viên, và Phúc Aâm của thánh Marcô cũng được gọi là Phúc Aâm của giáo lý sinh.
CÁC VỊ GIÁO PHỤ CỦA HỘI THÁNH
12- Sứ vụ giảng dạy do các tông đồ cũng như các vị cộng tác viên đầu tiên của các ngài đã được Giáo Hội tiếp tục thực hiện. Ngày ngày đóng vai là một người môn đệ của Chúa, Giáo Hội đã mang lấy danh xưng “Mẹ và Thày” (xem Đức Gioan XXIII, Thông Điệp Mater et Magistra, AAS 53 năm 1961, trang 401). Từ giáo phụ Clêmentê Rôma đến Origen, thời hậu tông đồ đã thấy xuất hiện các tác phẩm quan trọng. Thế rồi chúng ta còn thấy một sự kiện nổi bật nữa: đó là có một số vị Giám Mục và mục tử đáng kể nhất, đặc biệt các vị ở vào thế kỷ thứ ba và thứ bốn, đã coi sứ vụ giảng dạy là một phần quan trọng trong thừa tác vụ giáo phẩm của mình, được tỏ ra qua việc hướng dẫn giáo lý và viết lên những văn từ. Chính vào thời giáo phụ Cyrilio Giêrusalem và Gioan Chrysotomo, thời của giáo phụ Ambrôsiô và Augustinô, thời nở hoa nhờ ngòi bút của nhiều vị Giáo Phụ Hội Thánh, và nhờ các trước tác vẫn còn là khuôn thước cho chúng ta.
Không thể nào không nhắc đến ở đây, dù rất vắn tắt, là vấn đề giáo lý đã hỗ trợ cho việc lan tràn và phát triển Giáo Hội qua các giai đoạn khác nhau trong lịch sử, ở mọi lục địa, và ở những tương quan khác nhau nhất về mặt xã hội cũng như văn hóa. Thật sự không phải là không có các khó khăn. Thế nhưng, lời Chúa đã hoàn thành lịch trình của mình qua các thế kỷ; Lời Chúa đã tiến nhanh và thắng lợi, theo kiểu nói của Thánh Tông Đồ Phaolô (xem 2Thessalônica 3:1).
CÁC CÔNG ĐỒNG VÀ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO
13- Thừa tác vụ giáo lý đã từng lấy được sinh lực mới từ các công đồng. Công Đồng Chung Triđentinô là một thí dụ điển hình về sự kiện này. Công Đồng đã lấy vấn đề giáo lý làm ưu tiên nơi các hiến chế và sắc lệnh của mình. Công Đồng đặt nền tảng cho Giáo Lý Rôma, một bộ giáo lý cũng mang tên của Công Đồng, và là một công trình đầu tiên trong lãnh vực giáo lý, tổng kết giáo huấn Kitô giáo và thần học truyền thống để làm tài liệu cho các linh mục sử dụng. Công Đồng đã làm nổi lên một tổ chức quan trọng cho vấn đề giáo lý trong Giáo Hội. Công Đồng phấn khích hàng giáo sĩ trong việc thi hành nhiệm vụ hướng dẫn giáo lý của các vị. Nhờ việc làm của các thần học gia thánh thiện như Thánh Charles Borromeo, Thánh Robertô Bellarminô và Thánh Phêrô Canisiô, Công Đồng đã cho phát hành các cuốn giáo lý thực sự là khuôn thước cho giai đoạn bấy giờ. Chớ gì Công Đồng Chung Vaticanô II cũng làm nổi lên trong thời chúng ta một nhiệt tình tương tự và một hoạt động giống như vậy.
Lãnh vực đặc biệt cho việc áp dụng vấn đề giáo lý cũng có các sứ vụ của mình. Bởi thế Dân Chúa đã tiếp tục gần cả 2000 năm để giáo dục mình trong đức tin, bằng những đường lối thích ứng với các trường hợp khác nhau của tín hữu, cũng như với nhiều hoàn cảnh khác nhau mà Giáo Hội gặp phải.
Vấn đề giáo lý được liên kết chặt chẽ với toàn thể đời sống Giáo Hội. Chẳng những việc Giáo Hội phát triển về địa dư và tăng nhân số, mà ngay cả việc Giáo Hội phát triển nội tại và sống hợp với ý định của Thiên Chúa, cũng đều lệ thuộc chính yếu vào vấn đề giáo lý. Chính vì thế chúng ta mới cần phải chú ý tới một số kinh nghiệm mà Giáo Hội đã rút được trong giòng lịch sử của mình như chúng ta vừa nhắc lại.
GIÁO LÝ LÀ QUYỀN LỢI VÀ NHIỆM VỤ CỦA GIÁO HỘI
14- Kinh nghiệm mở đầu cho những gì Giáo Hội rút được từ giòng lịch sử của mình, đó là, cần phải hiểu kỹ Giáo Hội luôn luôn coi vấn đề giáo lý như một nhiệm vụ thánh và một quyền lợi không thể coi thường. Hơn nữa, nó phải là một nhiệm vụ phát xuất từ lệnh truyền của Chúa, và là một nhiệm vụ trước tiên dành cho thánh phần lãnh nhận nơi tân ước tiếng gọi thừa tác vụ làm chủ chiên. Ngoài ra, người ta cũng có thể nói về quyền lợi: đó là, theo quan điểm thần học, mọi người đã lãnh nhận phép rửa, bởi chính vì việc đã được rửa ấy, có quyền lãnh nhận từ Giáo Hội sự hướng dẫn và giáo huấn khiến cho họ là người nam hay nữ có thể tham dự vào đời sống Kitô hữu thực sự; và theo quan điểm nhân quyền, mọi người có quyền tìm kiếm chân lý tín ngưỡng và tự do theo đuổi chân lý này, tức là, “về phía cá nhân hay về phía các đoàn thể xã hội không bị áp bức và bất cứ quyền lực con người nào”, tới độ, về vấn đề tín ngưỡng này, “không ai bị bắt buộc tác hành ngược lại với lương tâm của mình hay bị ngăn cản làm theo lương tâm mình” (Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae về tự do tôn giáo, đoạn 2: AAS 58, năm 1966, trang 930).
Đó là lý do tại sao phải làm cách nào cho các bậc làm cha mẹ, các thành phần học hỏi giáo lý hay truyền đạt giáo lý có thể thực hiện được sinh hoạt giáo lý ở những hoàn cảnh thuận lợi về thời gian cũng như nơi chốn, cũng như có thể dùng đến phương tiện truyền thông xã hội cùng máy móc xứng hợp. Hiện nay quyền lợi này đang dần dần được công nhận, ít là về phương diện nguyên tắc chính, như đã được trình bày trong các tuyên ngôn quốc tế và những hội nghị mà, dù chúng có bị giới hạn đi nữa, người ta vẫn có thể nhận thấy được những ước muốn của lương tâm nhiều người hôm nay đây (xem bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, 10/12/1948, khoản 18; Hòa ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Quyền Chính Trị, 16/12/1966, khoản 4; Điều Khoản Cuối Cùng của Hội Nghị Bảo An và Hợp Tác Aâu Châu, đoạn VII). Thế nhưng, quyền lợi này cũng đang bị nhiều Chính Quyền vi phạm, cho đến độ việc truyền dạy giáo lý, cả việc truyền dạy nó lẫn thụ huấn nó đều trở thành những vi phạm đáng bị trừng phạt. Cùng với các nghị phụ của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới này, Tôi hết sức lên tiếng chống lại tất cả những kỳ thị nơi lãnh vực giáo lý, đồng thời, Tôi cũng tha thiết xin những vị có thẩm quyền hãy chấm dứt hẳn những kìm kẹp tự do con người nói chung và tự do tôn giáo nói riêng.
VẤN ĐỀ GIÁO LÝ LÀ MỘT CÔNG VIỆC ƯU TIÊN
15- Kinh nghiệm thứ hai cho những gì Giáo Hội rút được từ giòng lịch sử của mình, liên quan đến vị trí của vấn đề giáo lý trong các chương trình mục vụ của Giáo Hội. Dù ở cấp địa phương hay hoàn vũ, Giáo Hội càng lấy vấn đề giáo lý làm ưu tiên trên các công việc và trọng trách khác là những gì có thể mang lại thành qủa hấp dẫn hơn, thì Giáo Hội càng thấy nơi giáo lý một mãnh lực cho đời sống nội tại của mình như là một cộng đồng tín hữu, cũng như cho hoạt động đối ngoại của mình là một Giáo Hội truyền giáo. Ở vào thời điểm thế kỷ 20 sắp kết thúc này, Giáo Hội được kêu gọi bởi Thiên Chúa cũng như bởi các biến cố – mỗi một biến cố là một lời kêu gọi từ Ngài – để Giáo Hội làm mới lại lòng tin tưởng của mình nơi hoạt động giáo lý như là một lãnh vực nồng cốt trong việc truyền giáo của mình. Giáo Hội được kêu gọi để cung ứng vấn đề giáo lý như nguồn lợi thượng hảo của mình cho dân chúng, cũng như hiến sức lực, không bỏ qua một nỗ lực nào, công khó hay phương tiện vật chất, để tổ chức vấn đề giáo lý cho tốt hơn và để đào tạo cán bộ đảm đang hơn. Đây không phải là một toan tính thuần nhân loại; nó là một thái độ của đức tin. Mà thái độ của đức tin lại luôn luôn liên quan đến việc trung thành với Thiên Chúa là Đấng không bao giờ thôi đáp ứng.
GIÁO LÝ LÀ MỘT TRÁCH NHIỆM CHIA SẺ KHÁC NHAU
16- Kinh nghiệm thứ ba cho những gì Giáo Hội rút được từ giòng lịch sử của mình, đó là vấn đề giáo lý luôn luôn là và sẽ luôn luôn là một công việc mà toàn thể Giáo Hội phải cảm thấy có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, các phần tử của Giáo Hội lại có các trách nhiệm khác nhau do sứ mệnh truyền giáo của mỗi người. Vì trách nhiệm của mình, các vị chủ chăn, tùy theo cấp độ, có nhiệm vụ chính trong việc hoạch định, chỉ dẫn và điều hợp vấn đề giáo lý. Về phần mình, Giáo Hoàng vẫn không ngừng ý thức được trách nhiệm chính yếu phải đảm trách trong lãnh vực này, một lãnh vực mà Ngài thấy được lý do của nó trong mối quan tâm mục vụ, một mối quan tâm thực sự là một nguồn vui mừng và hy vọng. Đối với linh mục và tu sĩ thì vấn đề giáo lý là một lãnh vực nổi nhất trong việc tông đồ của họ. Phụ huynh cũng có trách nhiệm đặc biệt theo cấp độ của mình. Các thày cô, các thừa tác viên khác nhau trong Giáo Hội, các giáo lý viên, và các vị điều khiển việc truyền thông xã hội, tất cả đều có một trách nhiệm thực sự trong việc giáo huấn lương tri của niềm tin ấy, một việc giáo huấn quan trọng chẳng những cho đời sống của Giáo Hội mà ảnh hưởng đến cả đời sống của xã hội nữa. Một trong những thành qủa tốt đẹp nhất của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn, một cuộc Thượng Hội hoàn toàn chú trọng đến vấn đề giáo lý này, phải là làm sao khơi động được chung Giáo Hội cũng như nơi mỗi phần Giáo Hội cái nhận thức sống động và chủ động về trách nhiệm khác nhau song lại chung nhau ấy.
VẤN ĐỀ GIÁO LÝ CẦN LIÊN TỤC QUÂN BÌNH CẢI TIẾN
17- Kinh nghiệm sau hết cho những gì Giáo Hội rút được từ giòng lịch sử của mình, đó là giáo lý cần phải được liên tục cải tiến, ở chỗ, diễn giải rộng hơn ý niệm giáo lý một cách nào đó, đổi mới phương thức truyền đạt giáo lý, tìm cách diễn tả giáo lý bằng ngôn từ thích hợp, và lợi dụng các phương tiện mới để truyền đạt giáo lý. Việc cải tiến này đôi khi không tương đương nhau ở cấp độ giá trị; các vị nghị phụ của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn đã thực tế nhận thấy chẳng những có một tiến triển rõ ràng nơi sinh hoạt giáo lý cùng với những xướng suất hứa hẹn khác, mà còn có cả những hạn hẹp, thậm chí có cả “những khiếm khuyết”, nơi những gì đã đạt được cho tới nay nữa (xem Synodus Episcoporum, De catechesi hoc nostro tempore tradenda prasertim pueris atque iuvenibus, Ad Populum Dei Nuntitus, 1: loc. cit., trang 3-4; xem tuần san L’œOsservatore Romano, 30-10-1977, trang 3). Những “hạn hẹp” này đặc biệt sẽ trở nên trầm trọng khi chúng làm hại đến toàn bộ nội dung của giáo lý. Sứ điệp của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn này gửi cho Dân Chúa có lý khi nhấn mạnh rằng: “việc làm theo thói quen, ở chỗ không chịu chấp nhận đổi thay và cấp ứng (improvisation), sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy gặp phải, thì cũng nguy hiểm tương đương như vậy” đối với vấn đề giáo lý (cùng nguồn vừa dẫn, 6: loc. cit., trang 7-8). Việc làm theo thói quen sẽ đưa đến tình trạng cùn nhụt, mất hứng rồi dần dần tê liệt. Việc cập ứng cũng sẽ gây ra lẫn lộn về phía thụ giáo lý nhân, cũng như về phía phụ huynh có con em học giáo lý; nó cũng sinh ra đủ thứ lệnh lạc, phân mảnh và từ từ làm mất đi hoàn toàn cái nhất trí của giáo lý. Ngày nay Giáo Hội cần phải tỏ cho thấy, như Giáo Hội đã từng thực hiện ở các giai đoạn lịch sử khác của mình, đức khôn ngoan của phúc âm, lòng can đảm và trung thành của mình trong việc tìm ra và áp dụng thực hành các phương thức mới cũng như các mong đợi mới cho việc hướng dẫn giáo lý.