V- Mọi Người cần phải Học Giáo Lý
Tầm Quan Trọng của Trẻ Em và Giới Trẻ
35- Chủ đề vị tiền nhiệm Phaolô VI của Tôi chọn cho Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn này là: “Vấn đề giáo lý trong thời của chúng ta, liên quan đặc biệt tới vấn đề giáo lý của trẻ em và giới trẻ”. Việc tăng nhân số giới trẻ chắc chắn là một sự kiện mang lại niềm hy vọng cùng với nỗi lo âu đối với một phần lớn của thế giới đương thời chúng ta đây. Ơû một số quốc gia, nhất là những quốc gia thuộc Đệ Tam Thế Giới, có cả hơn nửa phần dân số ở tuổi dưới 25 hay 30. Tức là có cả triệu triệu trẻ em và giới trẻ đang sửa soạn thành người lớn trong tương lai. Ngoài yếu tố con số này ra: các biến cố gần đây cũng như các tin tức hằng ngày còn cho chúng ta thấy rằng, mặc dầu đám đông vô số kể giới trẻ đây đó này bị chế ngự bởi sự bất an và lo sợ, bị dụ dẫn bởi khuynh hướng thoát ly sống hờ hững hay hút sách, hoặc bị cám dỗ bởi khuynh hướng buông thả và bạo lực, một phần lớn vẫn là một lực lượng mạnh mẽ đang tiến lên giữa nhiều hiểm nguy để xây dựng một nền văn minh cho tương lai.
Trong mối quan tâm mục vụ của mình, chúng ta tự hỏi: Chúng ta phải làm cách nào để có thể tỏ Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, cho đám đông đảo trẻ em và giới trẻ này, tỏ Người ra không chỉ trong cái thu hút của cuộc gặp gỡ ban đầu thoáng qua, mà là trong việc làm quen mỗi ngày một phát triển sâu hơn và rõ hơn, với Người, với sứ điệp của Người, với dự án của Thiên Chúa Người mạc khải cho biết, với lời Người kêu gọi từng người, và với vương quốc Người muốn thiết lập trên thế giới với “đàn nhỏ” (Luca 12:32) những ai tin vào Người, một vương quốc sẽ hoàn thành trong cõi vĩnh hằng? Chúng ta làm sao có thể làm cho chúng biết được ý nghĩa, tầm quan trọng, những đòi hỏi trọng yếu nơi lề luật yêu thương, nơi các hứa hẹn và niềm hy vọng của vương quốc này?
Nhiều nhận định đã được nêu lên về những đặc tính đặc biệt giáo lý cần phải có ở những giai đoạn cuộc sống khác nhau.
ẤU NHI
36- Một thời điểm vẫn thường quan hệ là lúc đứa con còn rất nhỏ lãnh nhận những ý niệm giáo lý đầu tiên từ cha mẹ của mình cũng như từ hoàn cảnh gia đình mình. Những ý niệm này có lẽ không là gì khác ngoài kiến thức đơn giản về một Người Cha tốt lành và quan phòng ở trên trời là Đấng đứa bé cần phải nhận biết để hướng lòng về Ngài. Các kinh nguyện rất ngắn mà em bé bập bẹ học được sẽ mở màn cho cuộc đối thoại dễ thương của chúng với vị Thiên Chúa ẩn kín ấy, vị Thiên Chúa mà lời của Ngài sau đó chúng sẽ bắt đầu được nghe nói đến. Tôi không thể quá nhấn mạnh đến giai đoạn khai tâm sơ khởi thuộc về các vị làm cha làm mẹ này, giai đoạn mà các tài năng của đứa bé được hội nhập vào mối liên hệ sống động với Thiên Chúa. Đó là một công việc mang một tầm mức thật quan trọng. Nó đòi phải có một tình yêu cao cả và một lòng tôn trọng sâu xa đối với đứa bé cũng là thành phần có quyền nghe trình bày đơn sơ và chân thực về đức tin Kitô giáo.
THIẾU NHI
37- Đứa bé rồi sẽ tới tuổi chẳng những được đưa vào sinh hoạt xã hội rộng rãi hơn ở học đường cũng như nơi Giáo Hội, trong các tổ chức liên hệ với giáo xứ hay với việc lo phần tinh thần của người Công Giáo hoặc của trường học chính phủ, mà còn tới tuổi học giáo lý để bé, nam cũng như nữ, ở vào tuổi cần phải sửa soạn ngay việc lãnh nhận các bí tích này, được từ từ dẫn tới việc tham dự vào đời sống của Giáo Hội. Theo đặc tính của mình, vấn đề giáo lý này là một việc dạy dỗ, song thực ra lại được hướng tới việc làm chứng theo đức tin. Nó là giáo lý khai tâm nhưng không phải là một giáo lý phân mảnh, vì nó sẽ cho thấy, mặc dù bằng một đường lối sơ cấp, tất cả những mầu nhiệm chính yếu của đức tin cùng với những tác hiệu của những mầu nhiệm này nơi đời sống luân lý cũng như đạo lý của đứa bé. Nó chính là giáo lý mang lại ý nghĩa cho các bí tích, đồng thời nó cũng lãnh nhận từ việc sống các bí tích đó một chiều kích sống động để cho nó khỏi tính cách thuần giáo thuyết, và nó truyền thông cho đứa nhỏ niềm vui minh chứng cho Chúa Kitô trong cuộc sống thường nhật.
THIẾU NIÊN
38- Tiếp đến là tuổi dậy thì và thanh xuân với tất cả tuyệt vời và hiểm nguy trong mình. Đó là thời gian khám phá bản thân và thế giới nội tại, thời gian của những mộng ước khoáng đạt, thời gian của tình cảm yêu thương bùng nở, với những sôi động thể chất theo phái tính, thời gian khao khát sống gần nhau, thời gian đặc biệt sướng khoái trong việc phấn khởi khám phá cuộc đời. Thế nhưng, thời gian này cũng thường là tuổi nhiều nghi vấn, tuổi trăn trở thậm chí bị chặn đường tìm kiếm, tuổi của lòng ngờ vực kẻ khác và tư duy nguy hại, và tuổi đôi khi gặp phải lần đầu tiên những lùi bước và chán chường. Giáo lý không thể phủ nhận những phương diện biến chuyển của đoạn đời yếu mềm này. Một giáo lý có khả năng dẫn thanh thiếu niên đến việc tái xét lại đời sống nam hay nữ của mình cũng như đến việc dấn thân đối thoại, một giáo lý không gạt đi những vấn nạn quan trọng của tuổi thanh xuân – về việc hiến mình, về niềm tin, về yêu thương và về những phương cách diễn đạt yêu thương theo phái tính – một giáo lý như vậy là một giáo lý quan thiết. Việc trình bày cho thấy Chúa Giêsu Kitô như là một Người Bạn, là một Người Hướng Dẫn và là một Mô Phạm đáng ca ngợi song cũng cần được noi gương bắt chước nữa; việc trình bày sứ điệp ấy là việc trình bày một sứ điệp để trả lời cho những vấn nạn sâu xa; việc trình bày cho biết ý định yêu thương của Chúa Kitô Cứu Thế như là một cuộc nhập thể của tình yêu duy nhất đích thực và như điều kiện để hiệp nhất loài người lại với nhau – tất cả đều có thể là nền tảng cho việc giáo huấn chân thực trong đức tin. Nhất là các mầu nhiệm về cuộc vượt qua và tự nạn của Chúa Giêsu, nhờ đó, theo Thánh Phaolô, Người đã mang lại cuộc phục sinh vinh hiển của Người, có thể hùng hồn nói với lương tri cũng như với cõi lòng của thanh thiếu niên, và có thể chiếu soi trên những đau khổ đầu tiên của họ cũng như trên đau khổ của thế giới họ đang khai phá.
THÀNH NIÊN
39- Giới trẻ tiến tới lúc phải có những quyết định lớn lao lần đầu tiên trong đời. Mặc dù con người trẻ có được hỗ trợ bởi các phần tử trong gia đình mình và bạn hữu mình, họ cũng phải tin tưởng nơi mình cũng như lương tâm của mình, và thường cương quyết lãnh lấy trách nhiệm đối với cuộc đời mình. Thiện hảo và ác tà, ân sủng và tội lỗi, sự sống và sự chết càng ngày sẽ càng đối chọi nhau trong con người của họ, chẳng những như là các vấn đề luân lý cho bằng như là các chọn lựa quan thiết mà họ phải chấp nhận hay loại trừ một cách minh bạch bằng ý thức trách nhiệm của mình. Bởi thế, một thứ giáo lý nhân danh lòng đại lượng bác bỏ tính vị kỷ và trình bày một cách trọn vẹn theo Kitô giáo ý nghĩa của việc làm, của công ích, của công lý và bác ái, một thứ giáo lý về hòa bình thế giới cũng như về việc tiến triển phẩm vị con người, về vấn đề tiến bộ và về việc giải phóng, như được trình bày trong các văn kiện gần đây của Giáo Hội (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới tân tiến Gaudium et Spes: AAS 58 năm 1966, trang 1025-1120; Đức Phaolô VI, Thông Điệp Populorum Progressio: AAS 59 năm 1967, trang 257-299; Tông Thư Octogesima Adveniens: AAS 63 năm 1971, trang 401-441; Tông Huấn Evangelii Nuntiandi: AAS 68 năm 1976, trang 5-76), là một thứ giáo lý có lợi cho những thực tại thực sự có tính cách tôn giáo, những thực tại không bao giờ được coi thường, hoàn toàn hợp với tâm trí của con người trẻ. Bấy giờ, giáo lý giữ một vai trò thật quan trọng, vì đó là thời gian có thể trình bày, học hiểu và chấp nhận Phúc Aâm như một khả năng làm cho đời sống có ý nghĩa, nhờ đó, làm nẩy sinh những thái độ dứt khoát, như việc hy sinh bản thân mình, vô tư, tự chủ, chính trực, dấn thânï, hòa giải, cảm thức về Đấng Tối Cao và vô hình. Tất cả những thái độ này là những đặc điểm phân biệt một người trẻ nam hay nữ, môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, khác hẳn với đồng bạn của họ.
Như thế giáo lý sửa soạn cho đời sống làm người lớn những việc dấn thân Kitô giáo quan trọng. Như nhiều ơn gọi làm linh mục và tu sĩ chắc chắn đã được bắt nguồn từ thời gian học hỏi giáo lý kỹ lưỡng ở tuổi ấu nhi và thanh xuân.
Bởi vậy, từ tuổi ấu nhi cho đến ngưỡng cửa thành nhân, giáo lý vĩnh viễn là một trường học đức tin và đi theo với những đoạn đời chính, như một ngọn đèn trên cao soi sáng cho đường đi nước bước của tuổi ấu nhi, tuổi thiếu niên và tuổi thành niên.
VIỆC THÍCH ỨNG GIÁO LÝ CHO GIỚI TRẺ
40- Cần phải tái xác nhận là, trong cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn này và các năm sau đó, Giáo Hội đã quan tâm nhiều hơn về cách thức truyền đạt giáo lý cho trẻ em và giới trẻ. Thiên Chúa đã để cho việc chú trọng được khơi lên như vậy kéo dài trong tâm thức của Giáo Hội. Bởi thế cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn này đã trở thành một gia bảo cho toàn thể Giáo Hội, ở việc tìm cách phác họa chính xác bao nhiêu có thể những đặc tính phức tạp của giới trẻ của ngày hôm nay đây; ở việc cho thấy rằng những con người giới trẻ này sử dụng một thứ ngôn ngữ mà sứ điệp của Chúa Giêsu cần phải nhẫn nại và khôn ngoan trung thực chuyển dịch sang cho họ hiểu; ở việc chứng tỏ rằng, bất chấp những cái bề ngoài của mình, những con người giới trẻ này cũng có ở trong bản thân mình, dù vẫn thường không rõ ràng qua thái độ sẵn sàng hay cởi mở, một ước ao thực sự muốn biết “Chúa Giêsu… Đấng được gọi là Đức Kitô” (Mathêu 1:16); và ở việc xác định rằng nếu công việc giáo lý được thực hiện một cách triệt để và đàng hoàng thì hôm nay đây nó lại càng là một công việc khó khăn và vất vả hơn trước đây, vì nó gặp phải đủ mọi trở ngại và trục trặc; thế nhưng, nó cũng cảm thấy an ủi nhiều hơn, vì chiều sâu của việc đáp ứng nó nhận được từ trẻ em và giới trẻ. Đây là một kho tàng Giáo Hội có thể và phải cậy dựa vào cho những năm trước mặt.
GIỚI TRẺ BỊ KHUYẾT TẬT
41- Trẻ em và giới trẻ bị khuyết tật về thể lý hay tâm trí phải được lưu ý đến trước hết. Như các con người cùng lứa tuổi với mình, họ cũng có quyền biết đến “mầu nhiệm đức tin”. Các khó khăn hơn người ở nơi họ đáng được thỏa đáng cho những cố gắng của họ cũng như của các thầy cô họ. Vui mừng nhận thấy rằng các tổ chức Công Giáo đặc biệt chú trọng đến giới trẻ khuyết tật đã đóng góp cho cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn một ước muốn mới trong việc giải quyết tốt đẹp hơn về vấn đề quan trọng này. Những tổ chức ấy đáng được nồng hậu khích lệ qua nổ lực như vậy.
GIỚI TRẺ THIẾU MÔI TRƯỜNG ĐẠO
42- Tâm trí của Tôi tiếp đến hướng về con số đang tăng lên hơn bao giờ hết thành phần trẻ em và giới trẻ được sinh ra cũng như được dưỡng dục trong một gia đình ngoài Kitô giáo hay một gia đình ít là không thực hành đức tin Kitô giáo, nhưng thành phần trẻ em và giới trẻ này lại muốn học biết đức tin Kitô giáo. Họ phải bảo đảm được học giáo lý hợp với họ, để họ có thể lớn lên trong đức tin và sống bởi đức tin mỗi ngày một hơn, cho dù họ có không được nâng đỡ hay thậm chí có bị chống đối từ môi trường sống của họ đi nữa.
THÀNH PHẦN NGƯỜI LỚN
43- Để tiếp tục kể đến danh sách thành phần thụ huấn sinh giáo lý, đến đây Tôi không thể không nhấn mạnh đến một trong những quan tâm của các vị nghị phụ của cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn, một quan tâm mãnh liệt và khẩn trương phải được đặt ra theo kinh nghiệm khắp nơi trên thế giới: Tôi đang muốn nói đến vấn đề trọng tâm giáo lý của người lớn. Đây là một hình thức giáo lý chính yếu, vì nó được trình bày với những người mang trách nhiệm lớn nhất và có khả năng sống sứ điệp Kitô giáo trong một thể thức trọn vẹn của nó (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Vai Trò Mục Vụ của Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, đoạn 14: AAS 59 năm 1967, trang 257-299; Tông Thư Octogesima Adveniens: AAS 63 năm 1971, trang 401-441; Tông Huấn Evangelii Nuntiandi: AAS 68 năm 1976, trang 5-76). Cộng đồng Kitô hữu không thể thực hiện một thứ giáo lý vững vàng mà lại không có sự tham dự trực tiếp và có khả năng của thành phần người lớn, với tư cách là thụ lãnh viên hay phát động viên của sinh hoạt giáo lý. Trong cái thế giới mà giới trẻ được kêu gọi để sống và làm chứng cho đức tin, một đức tin được giáo lý tìm cách đào sâu và kiên cường, là một thế giới phải được người lớn làm quản nhiệm. Cả đức tin của những người lớn này nữa cũng phải được tiếp tục soi sáng, nẩy nở và canh tân, để nó có thể hòa nhập với các thực tại trần thế họ phụ trách. Bởi thế, để công hiệu, giáo lý phải có một tính cách vĩnh tồn, và giáo lý sẽ hoàn toàn vô bổ nếu nó ngưng lại ở ngưỡng cửa của tuổi thành nhân, vì giáo lý dưới một hình thức khác cũng chứng tỏ cho thấy không kém cần thiết cho người lớn.
NGƯỜI LỚN THIẾU HỌC ĐẠO
44-
Trong thành phần người lớn cần học hỏi giáo lý, mối quan tâm mục vụ truyền giáo
của chúng tôi hướng đến những người được sinh ra và dưỡng dục ở những nơi chưa
được lãnh nhận Kitô giáo, và những người chưa bao giờ được học hỏi sâu xa giáo
huấn Kitô giáo mà hoàn cảnh cuộc sống vào một lúc nào đó xui khiến cho họ biết
được chút ít. Mối quan tâm mục vụ truyền giáo của chúng tôi cũng hướng đến những
ai, vào lúc thiếu thời, đã lãnh nhận giáo lý hợp với lứa tuổi bấy giờ của mình,
song sau đó chẳng còn tha thiết sống đạo gì nữa, để khi thành người lớn, họ thấy
kiến thức về đạo của mình không hơn gì kiến thức của một đứa con nít. Chúng tôi
cũng quan tâm mục vụ đến những người cảm thấy công hiệu của giáo lý đã lãnh nhận
vào lúc đầu đời nhưng mớ kiến thức giáo lý ấy đã được truyền đạt một cách ẩu tả
hay được hấp thụ một cách lệch lạc. Chúng tôi còn quan tâm mục vụ đến những ai,
mặc dù được sinh ra trong một xứ sở Kitô giáo hay trong một môi trường Kitô giáo,
song chưa bao giờ được học hỏi đức tin của mình, nên khi lớn lên, thực sự chỉ là
thành phần giáo lý sinh dự tòng.
CÁC HÌNH THỨC GIÁO LÝ KHÁC NHAU VÀ BỔ TÚC NHAU
45- Bởi thế, giáo lý cho người lớn ở mọi lứa tuổi, kể cả người già, những người đáng được chú trọng đến kinh nghiệm và những nỗi khó khăn của họ, cũng không thua kém gì giáo lý cho tuổi thiếu nhi, tuổi thiếu niên và tuổi thành niên. Chúng ta cũng phải đề cập tới những người di dân, thành phần phải thích nghi đời sống theo những phát triển tân thời, thành phần sống ở những vùng thành phố lớn thường không có nhà thờ, cơ sở hay tổ chức thuận lợi, và những nhóm người khác như vậy. Ước mong những khởi công nhắm đến việc đào luyện Kitô giáo cho tất cả những nhóm người ấy, bằng các phương tiện thuận hợp (như các thứ băng thanh, băng hình, tập sách, hội luận, diễn giảng), phải được tăng lên hơn nữa để giúp cho nhiều người lớn bù đắp lại khoảng trống thiếu của số kiến thức giáo lý chưa trọn vẹn hay còn khiếm khuyết, để giúp cho họ hoàn tất giáo lý cao hơn trình độ giáo lý thiếu thời của họ, hay thậm chí để sửa soạn cho họ có đủ khả năng về giáo lý hầu giúp các người khác một cách thực sự hơn.
Cần phải làm sao để không phân ly cấu trúc chặt chẽ của giáo lý cho trẻ em và giới trẻ, một thứ giáo lý vĩnh viễn, với giáo lý cho người lớn. Càng cần phải làm sao để không gián đoạn giữa các phần giáo lý này. Trái lại, tính cách hoàn toàn bổ túc cho nhau của những phần giáo lý này phải được bảo dưỡng: người lớn dồi dào kiến thức giáo lý để chia sẻ với giới trẻ và trẻ em, song họ cũng có thể nhận lại được từ chúng nhiều kiến thức giáo lý cần cho việc tăng trưởng đời sống Kitô hữu của họ.
Cần phải nhắc lại rằng không một ai trong Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô được phép chuẩn chước cho mình việc học hỏi giáo lý. Điều này áp dụng cho cả những chủng sinh trẻ và tu sĩ trẻ, cũng như cho tất cả những ai được kêu gọi đảm trách công việc làm mục tử và làm giáo lý viên. Họ sẽ hoàn thành công việc này hết sức tốt đẹp nếu họ là những học viên khiêm hạ của Giáo Hội, một truyền đạt viên giáo lý cao cả cũng là một thụ lãnh sinh giáo lý tuyệt vời.