VI- Một vài Đường Lối và Phương Tiện Giáo Lý

 

TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

 

46-       Từ thời giáo huấn được các vị tông đồ giảng dạy bằng lời giảng và từ thời các ngài gửi các bức thư luân lưu đến các giáo hội cho đến thời có những phương tiện tân tiến nhất, giáo lý vẫn không ngừng tìm kiếm những đường lối và phương tiện thích hợp nhất để thực hiện sứ mệnh của mình, nhờ việc tích cực tham gia của các cộng đoàn cùng với việc thôi thúc của các vị chủ chăn. Nỗ lực này cần phải được tiếp tục.

 

Tôi nghĩ ngay đến những năng lực lớn lao có được nơi các phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện truyền thông nhóm hội, như truyền hình, truyền thanh, sách vở, tài liệu, thâu băng – cả một loạt các phương tiện về âm thanh hình ảnh. Các thành đạt ở những ngành này khiến chúng ta hết sức kỳ vọng. Kinh nghiệm cho thấy, chẳng hạn, hiệu lực đã gặt hái được từ việc giảng dạy trên truyền thanh hay truyền hình, khi việc giảng dạy này có được một trình độ thẩm mỹ cao đi đôi với lòng gắn bó trung thành với huấn quyền của Giáo Hội. Ngày nay Giáo Hội có nhiều dịp để cứu xét đến những vấn đề này – chẳng hạn như tổ chức Các Ngày Truyền Thông Xã Hội – nên không cần phải nói nhiều ở đây, mặc dù những vấn đề ấy có một tầm mức quan trọng.

 

LỢI DỤNG NHỮNG NƠI CHỐN, DỊP TIỆN VÀ HỘI HỌP

 

47-       Tôi cũng đang nghĩ đến những dịp khác nhau rất thích hợp có thể lợi dụng cho vấn đề giáo lý: chẳng hạn như những cuộc hành hương giáo phận, miền hay quốc gia, được tổ chức hướng về một chủ đề khéo chọn nào đó, căn cứ vào đời sống của Chúa Kitô, của Đức Trinh Nữ hay của các thánh. Có những công việc thuộc về truyền thống, thường bị loại bỏ cách hấp tấp song vẫn chưa thay thế được việc mãnh liệt canh tân đời sống Kitô giáo một thời, cũng phải được phục hồi và cập nhật hóa. Cũng thế, có những nhóm học hỏi Thánh Kinh, họ phải đi từ việc tìm hiểu Lời Chúa đến việc giúp cho các phần tử của nhóm sống Lời Chúa. Ngoài ra còn có những trường hợp khác, như các cuộc hội họp của những cộng đoàn vốn thuộc giáo hội, miễn là những cộng đoàn này hợp với tiêu chuẩn trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (xem đoạn 58: AAS 68 năm 1976, trang 46-49). Tôi cũng muốn đề cập tới các nhóm giới trẻ, dưới những danh xưng và hình thức khác nhau nhưng luôn có cùng một mục đích là làm cho Chúa Giêsu Kitô được nhận biết và sống theo Phúc Aâm, ở một số nơi, đang phát triển và nở hoa như ở vào một mùa xuân khiến cho Giáo Hội được an ủi thật nhiều. Những nhóm giới trẻ này bao gồm các nhóm Công Giáo tiến hành, nhóm làm việc bác ái, nhóm cầu nguyện và nhóm Kitô giáo suy niệm. Những nhóm này là nguồn hy vọng lớn lao cho Giáo Hội mai ngày. Thế nhưng, nhân danh Chúa Giêsu, Tôi khuyên giới trẻ thuộc về các nhóm này, các vị phụ trách nhóm, và các vị linh mục hiến phần lớn thừa tác vụ của mình cho các nhóm giới trẻ ấy: bằng bất cứ gía nào, đừng để các nhóm này – những nhóm có các dịp ngoại lệ gặp gỡ nhau, và là những nhóm may mắn có dồi dào tình thân hữu và kết đoàn giữa giới trẻ với nhau, dồi dào niềm vui và nhiệt tình, dồi dào suy tư về các biến cố và các sự kiện - thiếu việc học hỏi kỹ lưỡng các giáo huấn Kitô giáo. Nếu họ thực sự thiếu việc học hỏi kỹ lưỡng các giáo huấn Kitô giáo ấy, các nhóm giới trẻ này sẽ gặp nguy hiểm – một mối hiểm nguy vô phúc thay đã cho thấy quá rõ ràng – làm cho các phần tử của chúng cũng như Giáo Hội thất vọng.

 

Nỗ lực giáo lý có thể thực hiện được trong các hoàn cảnh khác nhau ấy, và trong nhiều hoàn cảnh khác nữa, sẽ càng thuận tiện cho việc chấp nhận và sinh hoa kết trái, khi nỗ lực giáo lý này biết qúi trọng bản chất riêng biệt của những hoàn cảnh khác nhau ấy. Bằng việc tham dự chính đáng vào những hoàn cảnh khác nhau này, các nỗ lực giáo lý sẽ đạt được tính cách khác biệt nhau mà lại bổ túc nhau trong việc tiến hành, khiến nó phát triển trọn vẹn cái phong phú về ý niệm của mình, theo ba chiều kích lời nói, tưởng niệm và chứng từ – tức chiều kích giáo huấn, cử hành và dấn thân trong đời sống – những chiều kích đã được nhấn mạnh trong Sứ Điệp của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn gửi Dân Chúa (xem Synodus Episcoporum, De catechesi hoc nostro tempore tradenda praesertim pueris atque iuvenibus, Ad Populum Dei Nuntius, 7-10: loc. cit., trang 9-12; xem tuần san L’Osservatore Romano, 30/10/1977, trang 3).

 

BÀI GIẢNG

 

48-       Bài giảng này còn xứng hợp đối với vấn đề giáo lý hơn khi được chia sẻ trong khung cảnh phụng vụ, nhất là ở cuộc tụ họp để cử hành Thánh Thể. Tôn trọng bản chất riêng biệt và cái hòa điệu xứng hợp của khung cảnh phụng vụ này, bài giảng tiếp tục cuộc hành trình đức tin đã được giáo lý tiến hành, để làm cho cuộc hành trình đức tin này được nên trọn theo bản chất của nó. Đồng thời nó cũng phấn khích các môn đệ của Chúa mỗi ngày bắt đầu lại cuộc hành trình thiêng liêng trong chân lý, trong việc tôn thờ và bằng lòng cảm tạ. Như thế, người ta có thể nói rằng cả việc giảng dạy giáo lý nữa cũng tìm thấy nguồn mạch và tầm vóc trọn vẹn của mình nơi Thánh Thể, trong cả một chu kỳ phụng niên. Việc giảng dạy, căn cứ trên các bản văn Thánh Kinh, bởi thế, theo đường lối riêng của mình, phải làm cho tín hữu quen thuộc với toàn thể mầu nhiệm đức tin cũng như với các tiêu chuẩn của đời sống Kitô giáo. Cần phải chú trọng nhiều đến bài giảng: không được quá dài hay quá ngắn; phải luôn luôn được dọn kỹ lưỡng, sâu xa về nội dung song thích ứng với người nghe, và dành riêng cho các thừa tác viên có chức thánh. Chẳng những phải dành chỗ cho bài giảng trong mọi ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, mà còn trong cả việc cử hành bí tích rửa tội, phụng vụ thống hối, hôn phối và an táng nữa. Đây là một trong những lợi ích của việc canh tân phụng vụ.

 

 

VĂN CHƯƠNG GIÁO LÝ

49-       Trong những đường lối và phương tiện này – tất cả mọi sinh hoạt của Giáo Hội đều có chiều kích giáo lý – thì những công việc giáo lý chẳng những không mất đi tầm mức thiết yếu của nó mà còn chiếm được một tầm quan trọng mới nữa. Một trong những đặc tính chính yếu của việc canh tân giáo lý hôm nay đây là việc viết lại và tăng thêm những sách giáo lý xẩy ra ở nhiều nơi trong Giáo Hội. Nhiều cuốn giáo lý rất thành công đã được xuất bản và hiện là một kho tàng thực sự giúp cho việc giảng dạy giáo lý. Thế nhưng, dầu sao cũng phải khiêm tốn và thành thực nhìn nhận rằng việc nở hoa phong phú này đã sản xuất ra những bài báo hay những phát hành có tính cách mập mờ có hại cho giới trẻ cũng như cho đời sống Giáo Hội. Ở một số nơi, ước muốn kiếm tìm những thể thức diễn đạt hay nhất, hay muốn theo kiểu cách hợp với những phương pháp sư phạm, lại thường sản xuất ra một số cuốn giáo lý làm giới trẻ, thậm chí cả người lớn, bị lầm lẫn, ở chỗ cố tình hay vô ý bỏ đi những yếu tố chính yếu đối với đức tin Kitô giáo, hoặc ở chỗ quá đề cao tầm quan trọng của một số điểm giáo lý này mà không chú trọng đến những điểm giáo lý khác, nhất là ở chỗ quan niệm  hạ thấp tổng quan việc giữ giáo huấn về huấn quyền của Giáo Hội.

 

Bởi thế, việc tăng thêm nhiều cuốn sách giáo lý cũng chưa đủ. Để những cuốn giáo lý này hợp với mục tiêu của mình, chúng cần phải có các điều kiện thiết yếu sau đây:

 

·        Sách giáo lý phải liên quan tới đời sống thực sự của thế hệ học hỏi giáo lý, ở chỗ, làm cho thế hệ học hỏi giáo lý ấy thấy được nơi cuốn sách giáo lý chúng học những gì rất quen thuộc với những nỗi lo âu và vấn nạn, những đối chọi và niềm hy vọng của chúng;

 

·        Sách giáo lý phải gắng diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ mà thế hệ học hỏi giáo lý có thể hiểu được vấn đề;

 

·        Sách giáo lý phải trình bày toàn thể sứ điệp của Chúa Kitô và của Giáo Hội Người, không được bỏ qua hay làm méo mó một sự gì, và trong việc diễn giải giáo lý, tùy theo thứ tự và cấu trúc của giáo lý, chúng tỏ cho thấy những điểm chính yếu;

 

·        Sách giáo lý phải thực sự nhắm đến việc cung ứng cho những ai học hỏi giáo lý một kiến thức khá hơn về các mầu nhiệm Chúa Kitô, làm cho họ thực sự cải thiện và sống hợp với ý muốn của Thiên Chúa hơn.

 

CÁC SÁCH GIÁO LÝ

 

50-       Tất cả những ai mang trọng trách phải sửa soạn những dụng cụ giáo lý này, nhất là những bản văn giáo lý, chỉ có thể thực hiện điều này với sự chuẩn nhận của các vị chủ chăn, thành phần có quyền ưng thuận cho việc dọn sách giáo lý, và lấy tất cả hứng khởi từ bản Tổng Dẫn Giáo Lý vẫn là tiêu chuẩn để qui chiếu (xem Sacred CongrÏÏÏegation for the Clergy, Directorium Catechisticum Generale, 119-121, 134: AAS 64 năm 1972, trang 166-167, 172).

Về vấn đề này, Tôi thấy phải ân cần khích lệ các hội đồng giám mục khắp nơi trên thế giới hãy đảm trách, một cách nhẫn nại nhưng dứt khoát, việc làm quan trọng cần được hoàn thành hợp với Tòa Thánh, trong việc dọn những sách giáo lý nguyên chính, trung thành với nội dung chính yếu của mạc khải, và theo phương pháp cập nhật hóa, nhờ đó có thể chỉ dẫn cho các thế hệ Kitô hữu hậu lai một đức tin vững chắc.

 

Việc đề cập vắn tắt đến các đường lối và phương thức của các vấn đề giáo lý tân tiến đã không nói lên hết được rất nhiều những đề nghị của các nghị phụ của cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn. Thật là an ủi khi nghĩ rằng, vào lúc này đây, mọi nước đang thấy cần phải có một hợp tác đáng giá cho cuộc canh tân lớp lang và bảo đảm hơn nơi những lãnh vực giáo lý này. Chắc chắn Giáo Hội sẽ có những chuyên viên và những phương tiện xứng hợp để, với ơn Chúa giúp, đáp ứng những đòi hỏi phức tạp của việc truyền đạt giáo lý cho con người của ngày hôm nay.