VIII- Niềm Vui Đức Tin trong một Thế Giới Rối Loạn

 

GIÁO LÝ PHẢI GIÚP CĂN TÍNH KITÔ HỮU

 

56-       Chúng ta đang ở trong một thế giới khó sống khi phải chứng kiến những vật cao qúi nhất của con người đang vụt khỏi họ và trở mặt với họ, tạo nên một  bầu khí bất an (xem Thông Điệp Redemptor Hominis, đoạn 15-16: AAS 71 năm 1979, trang 286-295). Trong một thế giới như vậy, giáo lý phải làm sao giúp cho Kitô hữu, vì niềm vui của mình cũng như để phục vụ người khác, trở nên “ánh sáng” và “muối đất” (xem Mathêu 5:13-16). Việc này chắc chắn đòi hỏi giáo lý phải làm cho căn tính của họ thêm vững mạnh cũng như phải tiếp tục tách biệt căn tính của họ ra khỏi cảnh sống vật vờ, bất định và thiếu sinh khí. Trong nhiều điều khó sống ấy, mỗi điều trong chúng đều là một thách đố của đức tin, Tôi sẽ nói đến một vài điều để giúp vào việc giáo lý có thể thắng vượt được chúng.

 

GIÁO LÝ TRONG MỘT THẾ GIỚI HỜ HỮNG

 

57-       Ít năm trước đây, thế giới tục hóa, một kỷ nguyên hậu Kitô giáo, đã được nói đến nhiều. Kiểu cách của nó thì đổi thay song thực tại sâu xa của nó vẫn cứ thế. Kitô hữu ngày nay phải được đào luyện để sống trong một thế giới phần lớn đã coi thường Thiên Chúa, hay trong một thế giới, về vấn đề tôn giáo, thay vì mọi người hứng khởi đối thoại với nhau một cách xác đáng trong tình huynh đệ, nó lại thường, nếu không còn thái độ cậy vào tiến bộ đạt được trong lãnh vực “cắt nghĩa” theo khoa học để “nghi ngờ” miệt thị, bị chao đảo theo khuynh hướng hững hờ thấp hèn. Để “đứng vững” trong một thế giới như thế, để cống hiến tất cả mọi người một cuộc “đối thoại cứu rỗi” (xem Đức Phaolô VI, Thông Điệp Ecclesiam Suam, phần 3, AAS 56 năm 1964, trang 637-659) làm cho mỗi người, nam cũng như nữ, đều cảm thấy phẩm vị tối yếu của mình được tôn trọng, phẩm vị của một con người đang tìm kiếm Thiên Chúa, chúng ta cần phải có một thứ giáo lý huấn luyện cho giới trẻ cũng như người lớn trong các cộng đoàn của chúng ta vẫn cứ sáng tỏ và kiên trì với đức tin của mình, thản nhiên minh định căn tính Kitô giáo và Công giáo của mình, “thấy Người là Đấng vô hình” (xem Do Thái 11:27) và gắn bó chặt chẽ với sự tuyệt đối của Thiên Chúa, đến nỗi họ có thể làm chứng cho Ngài giữa một nền văn minh vật chất đang chối bỏ Ngài.

 

GIÁO LÝ VỚI KHOA SƯ PHẠM ĐỨC TIN NGUYÊN THỦY

 

58-       Tính cách nguyên thủy bất khả giảm thiểu nơi căn tính Kitô giáo, đối với tiến trình và điều kiện của mình, ngay từ đầu đã có một phương pháp truyền đạt đức tin. Trong nhiều khoa học sáng giá của con người ngày nay đang đạt được những tiến bộ vĩ đại thì sư phạm là một trong những khoa học quan trọng nhất. Những thành đạt nơi các khoa học khác – cơ thể học, tâm lý học, xã hội học – đang cung cấp cho nó nhiều yếu tố đáng kể. Khoa học giáo dục và nghệ thuật giảng dạy vẫn tiếp tục được nghiên cứu, để chúng có thể thích ứng hơn hay hiệu nghiệm hơn, đạt tới những mức độ thành qủa khác nhau.

 

Về đức tin cũng có khoa sư phạm, và lợi ích khoa này có thể mang lại cho vấn đề giáo lý không thể nói hết được. Các kỹ thuật được hoàn hảo hóa và thử nghiệm cho việc giáo dục chung, theo tự nhiên, cũng phải được chấp nhận cho việc giáo dục về phương diện đức tin. Tuy nhiên, luôn luôn phải để ý đến tính cách nguyên tuyền tuyệt đối của đức tin. Khoa sư phạm đức tin không phải là vấn đề truyền đạt kiến thức loài người, cho dù đó là việc truyền đạt một kiến thức cao nhất; nó là vấn đề truyền đạt trọn vẹn mạc khải của Thiên Chúa. Trải suốt giòng lịch sử thánh, nhất là trong Phúc Aâm, chính Thiên Chúa đã sử dụng một lối sư phạm phải được tiếp tục làm mẫu thức cho khoa sư phạm đức tin. Một kỹ thuật chỉ có giá trị trong vấn đề giáo lý khi nó giúp cho đức tin được truyền đạt và học hiểu; bằng không nó sẽ chẳng có giá trị gì.

 

NGÔN TỪ XỨNG HỢP GIÚP TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 

59-       Một vấn đề rất liên hệ với khoa sư phạm đức tin trên đây đó là vấn đề ngôn từ. Đây là một vấn đề sôi nổi của ngày hôm nay. Có một cái phản ngược nhau là, trong khi các cuộc nghiên cứu học hỏi tân tiến, như trong ngành truyền thông, ngành nguyên ngữ học và ngành hiện tượng học, công hiến cho ngôn ngữ một tầm vóc quan trọng phi thường, thì ngôn ngữ ngày nay lại bị sử dụng một cách lệch lạc cho việc khúc mắc của ý hệ, cho việc ghép nối lộn xộn trong tư tưởng và cho việc hạ cấp con người xuống trình độ vật dụng.

 

Tất cả những điều này ảnh hưởng nhiều tới lãnh vực giáo lý. Giáo lý bắt buộc phải được truyền đạt bằng một thứ ngôn từ xứng với trẻ em và giới trẻ nói chung của ngày hôm nay, cũng như với nhiều hạng người khác nữa – một thứ ngôn ngữ của học sinh, của giới trí thức và của các khoa học gia; một thứ ngôn từ của thành phần mù chữ hay có văn hóa thô sơ; một thứ ngôn từ của thành phần khuyết tật, v.v. Thánh Augustinô cũng đã gặp phải vấn đề này và đã giải quyết vấn đề bằng tác phẩm De Catechizandis Rudibus thời danh của ngài. Trong vấn đề giáo lý cũng như trong thần học, vấn đề ngôn từ chắc chắn là một vấn đề cần phải quan tâm trước hết. Thế nhưng, cũng cần phải nhắc lại ở đây là giáo lý không thể chấp nhận bất cứ một thứ ngôn từ nào, viện lý lẽ sai lạc, cho dù là lý lẽ có vẻ khoa học đi nữa, làm thay đổi bản chất nội dung của bản Tuyên Xưng Đức Tin. Giáo lý cũng không thể nào chấp nhận cả thứ ngôn từ gian trá hay xảo quyệt. Trái lại, qui luật tối hậu là các tiến bộ trọng đại nơi khoa học về ngôn ngữ phải có khả năng phục vụ giáo lý để giáo lý có thể thực sự “nói” hay “truyền đạt” cho tuổi thiếu nhi, thiếu niên, thành niên và người lớn của ngày hôm nay đây toàn thể nội dung đức tin mà không bị méo mó.

 

VIỆC TÌM KIẾM VÀ NẮM VỮNG ĐỨC TIN

 

60-       Vấn đề phải đối diện càng phức tạp hơn nữa đôi khi đã phát xuất từ chính cách thức cảm nhận đức tin. Có một số trường phái triết lý hiện đại, những trường phái có vẻ đang tác dụng mạnh mẽ đến một số trào lưu thần học, và bởi những trào lưu thần học này, ảnh hưởng đến cả việc mục vụ, như trường phái triết lý chú trọng đến thái độ sâu xa của con người là thái độ tìm kiếm vô hạn thể, một cuộc tìm kiếm không bao giờ đạt tới đối tượng của mình. Trong thần học, quan điểm về các vật như thế đã  hoàn toàn dứt khoát khẳng định rằng đức tin không phải là một vấn đề chắc chắn mà chỉ là một vấn nạn, không phải là một vấn đề minh bạch mà chỉ là một tia sáng trong tăm tối.

 

Những luồng tư tưởng này chắc chắc cũng có lợi ở chỗ, chúng nhắc nhở chúng ta rằng đức tin có liên quan đến những điều chúng ta chưa hoàn toàn chiếm hữu mà chỉ mới hy vọng vậy thôi; chúng ta chỉ thấy những điều ấy “qua một gương soi lờ mờ” (1Corintô 13:12); và Thiên Chúa luôn luôn ngự trị trong một ánh sáng khôn dò (xem 1Timôthêu 6:16). Chúng cũng giúp chúng ta tỏ đức tin Kitô giáo của mình ra không phải bằng một thái độ của kẻ đã đạt đến nơi đến chốn, mà chỉ là một cuộc hành trình tiến lên như cuộc hành trình của Abraham. Chính vì thế người ta lại càng có lý do hơn trong việc phải tránh trình bày những điều không chắc chắn như là các điều chắc chắn.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng không được rơi vào một cực đoan đối ngược rất thường hay xẩy ra. Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái viết rằng “đức tin là bảo đảm cho những gì hy vọng, là niềm xác tín những gì chưa thấy” (Do Thái 11:1). Mặc dầu chúng ta chưa hoàn toàn chiếm hưởng, chúng ta cũng có một bảo đảm và xác tín. Khi chỉ dạy cho tuổi thiếu nhi, thiếu niên và thành niên, chúng ta đừng dạy họ ý tưởng đức tin qúa tiêu cực – như thể nó là một thứ tuyệt đối vô tri, một thứ mù quáng, một thế giới tối tăm mù mịt – song chúng ta hãy chỉ cho họ thấy rằng việc tín hữu tìm kiếm khiêm tốn song can đảm, chẳng những không bắt nguồn từ hư không, từ việc tự lừa dối mình, từ những ý tưởng sai lầm hay bất định, mà là từ Lời của Thiên Chúa là Đấng không bao giờ lừa dối hay bị lừa dối, và không ngừng được xây trên tảng đá bất biến của Lời này. Đó là cuộc tìm kiếm của các vị Chiêm Gia theo ngôi sao hướng dẫn (xem Mathêu 2:1ff), một cuộc tìm kiếm của Pascal, người đã dùng một câu của Thánh Augustinô để viết lên một tư tưởng hết sức sâu xa: “Các người sẽ không tìm kiếm Tôi nếu các người chưa thấy Tôi” (Blaise Pascal, Le Mystère de Jésus: Pensées, 553).

 

Đó cũng là một trong những mục tiêu của giáo lý nơi việc hiến cho các giáo lý sinh trẻ tuổi những bảo đảm đơn sơ song vững chắc để giúp chúng tìm biết Chúa nhiều hơn và hiểu hơn.

 

VẤN ĐỀ GIÁO LÝ VÀ THẦN HỌC

 

61-       Trong mối tương quan này, Tôi thấy mối liên hệ giữa giáo lý và thần học cần phải được hiểu cho rõ ràng.

 

Đối với những ai hiểu được vai trò không thể thay thế của thần học trong việc phục vụ Đức Tin thì mối liên hệ giữa giáo lý và thần học này thật là một vấn đề trọng yếu và sống còn. Bởi thế, không lạ gì khi thấy mọi khơi động trong lãnh vực thần học cũng vang động đến cả lãnh vực giáo lý. Vào thời kỳ ngay sau Công Đồng Chung Vaticanô II, Giáo Hội đã trải qua một thời điểm quan trọng song cũng không khỏi nguy hiểm trong việc khảo sát về thần học. Khoa dẫn giải Thánh Kinh liên quan đến việc giải thích kinh thánh trong thời kỳ này cũng thế.

 

Các vị nghị phụ của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn đến từ các lục địa đã giải quyết vấn đề này bằng những lời lẽ thẳng thắn: các vị đã nói đến mối nguy hiểm nơi “mức quân bình lỏng lẻo” từ thần học chuyển sang giáo lý, và các vị nhấn mạnh đến việc cần phải làm một điều gì đó đối với vấn đề khó khăn này. Chính Đức Phaolô VI đã giải quyết vấn đề này bằng những lời lẽ cũng không kém phần thẳng thắn khi nhắc đến Bản Long Trọng Tuyên Xưng Đức Tin của ngài (Pope Paul VI, Sâolenmis Professio Fidei, 4: AAS 60 năm 1968, trang 434), cũng như đến Tông Huấn kỷ niệm 5 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II (xem Pope Paul VI, Tông Huấn Quinque Iam Anni: AAS 63 năm 1971, trang 99).

 

Mối liên hệ giữa giáo lý và thần học còn phải được nhấn mạnh lại nữa. Nhận thức được tác dụng của việc khảo sát và phát biểu của mình đối với việc giảng dạy giáo lý, các thần học gia cũng như các nhà dẫn giải thánh kinh có nhiệm vụ phải lưu ý nhiều hơn nữa, để người ta không tưởng thật những gì chỉ thuộc về lãnh vực của các vấn đề ý kiến hay tranh luận giữa các nhà chuyên môn. Phần các giáo lý viên cũng phải khôn ngoan chọn lựa từ lãnh vực khảo sát thần học những điểm có thể soi sáng cho việc suy tư của mình cũng như cho việc giảng dạy của mình, khi bắt chước các thần học gia, kín múc nơi các nguồn mạch đích thực được huấn quyền dẫn giải. Họ không được gây bối rối cho tâm trí trẻ em và giới trẻ ở trình độ giáo lý của chúng, bằng những lý thuyết dị kỳ, những vấn đề bất lợi và những bàn cãi vô bổ, những điều thường bị Thánh Phaolô lên án trong các thư mục vụ của ngài (xem 1Timôthêu 1:3ff, 4:1ff; 2Tim 2:14ff, 4:1-5; Ti 1:10-12; xem Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 78: AAS 68, năm 1976, trang 70).

 

Tặng ân qúi nhất Giáo Hội có thể cống hiến cho cái thế giới lẫn lộn và bất ổn trong thời đại chúng ta đây là hình thành trong lòng nó những Kitô hữu vững mạnh nơi những gì chính yếu và khiêm tốn vui tươi trong niềm tin của mình. Giáo lý sẽ dạy cho họ điều này và chính giáo lý sẽ được lợi trước nhất: “Người muốn hiểu biết mình hoàn toàn – chứ không phải hiểu biết mình theo các tiêu chuẩn và mức độ trực tiếp, thiên lệnh, thường nông cạn, thậm chí ảo tưởng, về bản thân mình – phải đến cùng Chúa Kitô với nỗi bất an và bất định của mình, với cả nỗi hèn yếu và tội lỗi, sự sống và sự chết của mình. Tức là họ phải đi vào Chúa Kitô bằng cả bản thân họ, phải ‘thích hợp’ với Chúa Kitô và đồng hóa với tất cả thực tại Nhập Thể cũng như cứu chuộc để có thể tìm thấy bản thân mình” (Thông Điệp Redemptor Hominis đoạn 10: AAS 71 năm 1979, trang 274).