Kết Luận cuối cùng

 

 

THÁNH LINH, VỊ TÔN SƯ Ở TRONG LÒNG

 

72-       Nơi phần kết của tông huấn này, lòng Tôi hướng về Đấng là nguyên lý tác động tất cả mọi công việc giáo lý cũng như tác động tất cả mọi người làm công việc này – Vị Thần Linh của Chúa Cha và Chúa Con, đó là Chúa Thánh Thần.

 

Để diễn tả sứ vụ vị Thần Linh này thực hiện nơi Giáo Hội, Chúa Kitô đã nói lên những lời quan trọng sau đây: “Ngài sẽ dạy các con tất cả mọi sự và làm cho các con nhớ lại tất cả những gì Thày truyền dạy các con” (Gioan 14:26). Người còn thêm: “Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật… Ngài sẽ loan truyền cho các con những gì phải đến” (Gioan 16:13).

 

Như thế, Thần Linh được hứa ban cho Giáo Hội cũng như cho mỗi một người Kitô hữu như là một vị tôn sư ở bên trong lòng họ, Đấng trong nơi kín đáo của lương tâm và cõi lòng, làm cho con người hiểu được những gì con người nghe thấy song không có khả năng thấu hiểu. Về vấn đề này Thánh Augustinô viết: “Cho đến nay Chúa Thánh Thần vẫn dạy bảo tín hữu theo khả năng tâm linh của mỗi một người. Và Ngài nung nấu tâm hồn họ bằng một ước vọng lớn lao hơn theo như mức tiến bộ của mỗi người trong đức bác ái, một đức bác ái làm cho họ yêu mến những gì họ biết được và ước muốn những gì họ chưa biết đến” (In Joannis Evangelium Tractatus, 97, 1: PL 35, 1877).

 

Hơn nữa, Thần Linh còn có sứ mệnh làm biến đổi các môn đệ thành những nhân chứng cho Chúa Kitô: “Ngài sẽ làm chứng cho Thày; các con cũng làm chứng cho Thày nữa” (Gioan 15:26-27).

 

Nhưng không phải như thế là hết. Đối với Thánh Phaolô, vị đã tổng hợp về vấn đề này thành một nền thần học man mác  khắp cả Tân Ước, thì đó là tất cả “việc làm Kitô hữu” của con người, là tất cả đời sống Kitô hữu, một sự sống mới của thành phần con cái Thiên Chúa, một sự sống làm cho cuộc đời sống hợp với Thần Linh (xem Rôma 8:14-17; Galata 4:6). Chỉ một mình Thần Linh mới là Đấng có thể giúp chúng ta thưa với Thiên Chúa rằng: “Abba, Lạy Cha” (Rôma 8:15). Không có vị Thần Linh này, chúng ta không thể nói: “Chúa Giêsu là Chúa” (1Corintô 12:3). Nhờ Thần Linh mới có tất cả mọi thứ đoàn sủng dựng xây Giáo Hội, một cộng đồng Kitô hữu (xem 1Corintô 12:4-11).

 

Theo đó, Thánh Phaolô đã gửi đến mỗi một người môn đệ của Chúa Kitô lời nhắn nhủ: “Anh em hãy tràn đầy Thần Linh” (Eâphêsô 5:18). Thánh Augustinô viết rất rõ: “Cả (niềm tin của chúng ta cũng như việc hành thiện của chúng ta) là của chúng ta do ý muốn chúng ta chọn, tuy nhiên cả hai đều là tặng ân bởi Thần Linh đức tin và đức ái” (Retractationum Liber I, 23, 2: PL 32, 621).

 

Giáo lý, việc phát triển trong đức tin và trưởng thành của đời sống Kitô hữu hướng về tầm mức viên trọn của nó, là kết qủa của việc Thần Linh làm, một công việc chỉ mình Ngài mới có thể khơi lên và bảo trì trong Giáo Hội.

 

Việc hiện thực này, dựa vào đoạn văn được trích dẫn trên đây và nhiều đoạn khác trong Tân Ước, làm cho chúng ta xác tín hai điều.

 

Trước hết, rõ ràng là, khi thực hiện sứ vụ của mình trong việc giảng dạy giáo lý, Giáo Hội – cũng như mỗi một Kitô hữu dấn thân thi hành sứ vụ này trong Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội – phải hết sức nhận thức về hoạt động của mình chỉ như là một dụng cụ sống động dễ uốn nắn của Chúa Thánh Thần. Thái độ của một Giáo Hội giảng dạy cũng như của mọi giáo lý viên là liên lỉ kêu cầu vị Thần Linh này, là hiệp thông với Ngài, là nỗ lực nhận biết các soi động đích thực của Ngài. 

 

Sau nữa, ước vọng sâu xa trong việc hiểu biết hơn tác động của Thần Linh cũng như trong việc ký thác bản thân cho Ngài trọn vẹn hơn nữa – lúc mà “trong Giáo Hội chúng ta đang sống một mùa hồng ân Thần Linh đặc biệt”, như vị tiền nhiệm Phaolô VI đã nhận định trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (đoạn 75: AAS  68 năm 1976, trang 66) – phải mang lại một cuộc bùng dậy giáo lý. “Việc canh tân trong Thần Linh” sẽ là một việc đích thực và là một việc sẽ sinh hoa trái thực sự trong Giáo Hội, không phải vì việc này làm nổi lên những đoàn sủng phi thường, mà vì việc ấy dẫn con số tín hữu nhiều nhất có thể tiến bước trong cuộc sống hằng ngày của mình bằng nỗ lực khiêm tốn, nhẫn nại và kiên trì để nhận biết mầu nhiệm Chúa Kitô sâu xa hơn cũng như để làm chứng cho mầu nhiệm của Người.

 

Tôi kêu cầu vị Thần Linh của Chúa Cha và Chúa Con này cho Giáo Hội phụ trách việc truyền đạt giáo lý, và Tôi van xin Ngài canh tân năng động giáo lý trong Giáo Hội.

 

MẸ MARIA, MẪU THÂN VÀ MÔ PHẠM CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

 

73-       Xin Đức Trinh Nữ của Ngày Lễ Hiện Xuống cầu bầu cho chúng ta được ơn này. Bởi ơn gọi đặc thù của mình, Mẹ đã thấy Chúa Giêsu Con Mẹ “lớn lên trong khôn ngoan, tầm vóc và ơn nghĩa” (Luca 2:52). Là Vị đã ngồi trên gối của Mẹ và sau đó đã nghe lời Mẹ trong suốt cuộc đời ẩn dật ở Nazarét, Người Con này, Đấng là “Con duy nhất đến từ Cha”, “đầy ân sủng và chân lý”, được Mẹ, theo kiến thức loài người, dạy cho biết về Sách Thánh và về lịch sử của những gì Thiên Chúa dự định thực hiện cho dân Ngài, cùng dạy cho Người biết tôn thờ Chúa Cha (xem Gioan 1:14; Do Thái 10:5; Thánh Tôma III, Q. 12, a. 2; a. 3; ad 3). Ngược lại, Mẹ cũng là môn đệ đầu tiên của Người. Theo thời gian, Mẹ là vị môn đệ đầu tiên, vì khi Mẹ tìm thấy Người Con thiếu niên của mình trong đền thờ, Mẹ đã học nơi Người những gì Mẹ đã phải suy nghĩ trong lòng (xem Luca 2:51). Mẹ là vị môn đệ đầu tiên trước hết mọi người khác là vì không ai được “Thiên Chúa dạy bảo” (xem Gioan 6:45) một cách sâu xa như Mẹ. Mẹ vừa là “mẹ lẫn môn đệ”, như Thánh Augustinô nói về Mẹ khi bạo dạn thêm rằng vai trò làm môn đệ của Mẹ còn quan trọng hơn cả vai trò làm mẫu thân của Mẹ (xem Sermo 25, 7: PL 46, 937-938). Cũng có nhiều ý nghĩa hay hay cho câu nói bên lề của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn rằng Mẹ Maria là “giáo lý sống” và là “mẹ và mô phạm của giáo lý viên”.

 

Chớ gì, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, việc Chúa Thánh Thần hiện diện ban cho Giáo Hội một nhiệt tình chưa từng có trong công việc giáo lý là một công việc chính yếu đối với Giáo Hội. Nhờ đó, Giáo Hội sẽ thực hiện một cách hiệu nghiệm, trong thời điểm ân sủng này đây, sứ vụ truyền giáo phổ cập không thể làm ngơ của mình, một sứ vụ truyền giáo được Thày mình ủy thác: “Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi dân nước” (Mathêu 28:19).

 

Tôi ban phép lành của Tôi.

 

Ban hành tại Rôma, Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 16 tháng 10 năm 1979, năm thứ hai của giáo triều của Tôi.

Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

(Dịch xong ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa, 1-1-1999 Cùng Mẹ Ngơi Khen Chúa)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.