GIÁO HỘI
 

 Các đặc tính đặc biệt nơi tình trạng về tinh thần của thế giới cũng được thấy nơi đời sống của chính Giáo Hội nữa.

 

ĐỨC TIN “TRUYỀN THỐNG”

 

6-         Đức tin của nhiều Kitô hữu bị tiêu mòn tới độ nguy hiểm ở những nơi tôn giáo dường như đang thích một số tầng lớp xã hội được hưởng những đặc quyền đặc lợi qúa độ, hay ở những nơi lại lệ thuộc qúa nhiều vào các tục lệ cha ông và vào việc đồng tâm nhất trí theo vùng về niềm tin tôn giáo. 

 

Một số lớn đang từ từ lẩn mất vào tình trạng khô đạo, hay tiếp tục ở trong tình trạng nguy hiểm của việc giữ đức tin lại thiếu sinh động cần thiết, một đức tin không tác hiệu gì trên đời sống thực tế của họ. Vấn đề hiện nay không phải là vấn đề thuần túy bảo tồn các tập tục tôn giáo cổ truyền, mà còn là vấn đề nuôi dưỡng việc tái truyền bá phúc âm thích hợp cho con người, việc làm cho con người ăn năn trở lại, và việc hiến cho con người một nền giáo dục sâu xa và chín chắn hơn trong đức tin. 

 

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là trước hết phải giải thích làm sao để đưa đến việc xao lãng đức tin nguyên tuyền đã được bảo trì bởi các nhóm người thuộc về một nền văn hóa theo truyền thống Kitô Giáo, hay đưa đến việc hạ giá cảm quan tôn giáo phổ thông. Cho dù tình trạng tục hóa có tăng phát đi nữa, thì cảm quan tôn giáo vẫn tiếp tục triển nở nơi một số phần đất khác nhau của Giáo Hội. Không ai có thể phủ nhận sự kiện này, vì nó được diễn đạt trong cuộc sống bình thường của một số rất đông dân chúng, và vì phần lớn được diễn đạt bằng một đường lối chân thành và chân chính. Thật vậy, cảm quan tôn giáo phổ thông tạo dịp tốt hay khởi điểm cho việc loan truyền đức tin. Như thế vấn đề ở đây chỉ là việc thanh tẩy cảm quan tôn giáo này và thẩm định đúng đắn các yếu tố đáng giá của nó, để không còn ai thỏa đáng với những hình thức hoạt động mục vụ mà ngày nay đã trở nên không cân đối với hoạt động mục vụ này, những hình thức hoàn toàn không thích hợp, thậm chí chẳng liên hệ gì với hoạt động mục vụ này nữa.

 

KHUYNH HƯỚNG KHÔ ĐẠO VÀ VÔ THẦN

 

7-         Nhiều người lãnh nhận bí tích rửa tội đã rút lui khỏi tôn giáo của mình đến độ họ chủ trương một hình thức khô đạo hay một cái gì đó sát cận với khuynh hướng vô thần. “Còn nữa, nhiều người đương thời của chúng ta không còn công nhận mối liên hệ nội tại và sống còn với Thiên Chúa nữa, hay họ đã hoàn toàn phủ nhận nó mất rồi. Bởi thế khuynh hướng vô thần mới được coi là một trong những nạn trầm trọng nhất của thời nay, và cần phải cứu xét kỹ hơn nữa” (GS, 19).

 

Công Đồng Chung Vaticanô II đã cẩn thận cứu xét vấn đề này (x. GS, 19-20) và đã dứt khoát đề ra những cách trị cần phải được áp dụng: “Để đem lại những phương thuốc chữa trị vô thần, người ta phải cậy nhờ vào giáo lý được trình bày một cách thích hợp cũng như nhờ vào đời sống thanh khiết của Giáo Hội và của các chi thể Giáo Hội. Bởi vì, nhiệm vụ của Giáo Hội là làm cho Thiên Chúa là Cha và Người Con nhập thể của Ngài hiện diện  như thể trở thành hữu hình, bằng việc tự đổi mới và không ngừng tinh luyện chính mình (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 8), theo ơn Thánh Linh hướng dẫn. Đạt được điều này, trước hết là do bằng chứng của một đức tin sống động và trưởng thành, tức là một đức tin đã được tôi luyện để có thể khôn ngoan nhận thấy những khó khăn và thắng vượt được chúng”. (GS, 21)

 

Cũng có những trường hợp đức tin Kitô Giáo bị nhiễm phải một hình thức mới vô đạo, mặc dù vẫn còn một cảm nhận tôn giáo và vẫn còn niềm tin vào một Hữu Thể Tối Cao nào đó. Một khả năng sống đạo có thể hiện hữu mà không chịu ảnh hưởng lời Chúa gì cả và không lãnh nhận các bí tích gì hết, trái lại, được dưỡng nuôi bằng việc thực hành mê tín di đoan và tà thuật; một cuộc sống luân lý có thể rơi trở lại tình trạng đạo lý tiền Kitô Giáo. Đôi khi những yếu tố về việc tôn thờ thiên nhiên, chủ trương mọi sự vật đều có hồn thiêng, và việc thần linh hóa được đưa vào Kitô giáo, do đó, ở một số nơi đã xẩy ra tình trạng hòa trộn sai lầm. Hơn nữa, các giáo phái đang được truyền bá đã pha lộn các mầu nhiệm Kitô giáo với các yếu tố hoang đường cổ xưa.

 

Trong những trường hợp này, thừa tác vụ lời Chúa, nhất là việc truyền bá phúc âm và giáo lý, hơn bao giờ hết, càng cần phải được cải tiến theo Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, ở các đoạn 13, 14, 21, 22.

 

ĐỨC TIN VÀ CÁC NỀN VĂN HÓA KHÁC NHAU

 

8-         Có một số thành phần tín hữu được giáo dục rất kỹ về Kitô Giáo đang gặp phải trục trặc trong cách thức diễn đạt đức tin của mình. Họ cho rằng việc gì mà cứ phải qúa thắt buộc mình với các công thức cổ hủ và lỗi thời, cũng như qúa dính chặt với nền văn hóa Tây Phương như vậy. Thế là họ tìm kiếm một đường lối mới để diễn đạt các chân lý trong đạo, một cách diễn đạt đức tin hợp với tình trạng nhân loại hiện tại, giúp cho đức tin soi sáng các thực tại đang đè nặng trên con người ngày nay, và làm cho đức tin có thể mang Phúc Aâm đến cho các nền văn hóa khác. Chắc chắn Giáo Hội có nhiệm vụ phải hết sức để ý đến ước vọng này của con người.

 

Những gì được công bố trong Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội đối với những giáo hội mới được thiết lập gần đây cũng có thể áp dụng cho tất cả những ai đang đảm trách thừa tác vụ lời Chúa: “Các giáo hội này đã vay mượn, từ các tập tục và truyền thống của dân mình, từ sự khôn ngoan và sáng suốt của mình, từ nghệ thuật và khoa học của mình, tất cả những gì có thể đóng góp cho việc tôn vinh Đấng Hóa Công của họ, cho việc bầy tỏ ân sủng của Đấng Cứu Thế, và cho việc thích thuận của đời sống Kitô Giáo” (AG, 22; x. AG, 21; Đức Paul VI, Alloc., August 6, 1969).

 

Thế nên, “qua việc trình bày sứ điệp Phúc Aâm cho con người bằng một đường lối mới mẻ, thừa tác vụ lời Chúa phải làm thế nào cho thấy một cách rõ ràng mối hiệp nhất của dự án cứu rỗi thần linh. Để tránh những lầm lẫn và những đồng hóa ngây thơ, sứ điệp Phúc Aâm bao giờ cũng phải tỏ tường cho thấy sự hòa hợp sâu xa tiềm mật vốn có giữa dự án cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Chúa Kitô với các ước vọng của loài người, giữa lịch sử cứu độ với lịch sử loài người, giữa tác động mạc khải của Thiên Chúa với kinh nghiệm của loài người, giữa các tặng ân siêu nhiên và các giá trị của loài người” (Comm. 5-s/comm. 2 General Conference of Bishops of Latin America, 1968).

 

CÔNG CUỘC CANH TÂN

 

9-         Đối với công cuộc mới mẻ này, người ta có thể cho rằng nhiệt tâm tông đồ mà Giáo Hội nỗ lực phát động đây đang gặp phải trục trặc. Chắc chắn, các vị chủ chăn hay tín hữu không có lỗi gì về mối nhiệt tâm thực sự  dồi dào nơi họ này. Trái lại, những trục trặc dường như gây ra bởi việc không chịu hết mình sửa soạn một cách xứng hợp cho các công việc mới mẻ và khó khăn, hay bởi một thứ suy tính chưa hoàn toàn chín chắn, một thứ suy tính có những lúc, qua các lý thuyết của mình, đã làm cản trở hơn là giúp ích cho việc truyền bá phúc âm.

 

Cứu xét đến những vấn đề này một cách kịp thời, Thánh Công Đồng Vaticanô II đã nắm lấy cơ hội để lại thúc giục việc canh tân thừa tác vụ lời Chúa trong Giáo Hội. Việc canh tân này ngày nay dường như đang đi vào một giai đoạn khủng hoảng, một cuộc khủng hoảng gây ra bởi:

 

·        Những người không hiểu thấu đáo việc canh tân đã được đề ra, họ cho vấn đề ở đây chỉ là một vấn đề của việc loại trừ đi cái vô tri về tín lý cần phải được giảng dạy mà thôi. Nghĩ như thế, phương trị cần phải có đối với họ là việc hướng dẫn giáo lý thường xuyên hơn. Vấn đề một khi được cứu xét như vậy cho thấy ngay là phương trị không cân bằng với các nhu cầu nói chung. Thật thế, dự án về vấn đề giáo lý cũng cần phải được canh tân một cách trọn vẹn, và việc canh tân này phải được thực hiện bằng việc liên tục giáo dục trong đức tin, chẳng những cho trẻ em mà còn cho cả người lớn nữa.

 

·        Cuộc khủng hoảng còn gây ra bởi những người có khuynh hướng muốn giảm thiểu sứ điệp Phúc Aâm xuống tới mức độ cần phải sinh hiệu qủa cho cuộc sống trần gian của con người.

 

Phúc Aâm và lề luật yêu thương của Phúc Aâm dĩ nhiên đòi các Kitô hữu, theo năng sức của mình trong việc hoàn tất nhiệm vụ và trọng trách trần thế của mình, từng người phải làm việc với nhau để làm sao có thể vãn hồi được sự công chính và tình huynh đệ nơi loài người mỗi ngày một hơn. Tuy nhiên, như thế cũng chưa thỏa đáng nhu cầu làm chứng cần thiết cho Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế của chúng ta, Đấng mà mầu nhiệm của Người, một mầu nhiệm cho thấy tình yêu khôn tả của Thiên Chúa (x.1Jn 4:9), cần phải được công khai loan báo một cách trọn vẹn cho những ai nghe rao giảng phúc âm, cũng như cần phải được họ suy xét.

 

Giáo huấn của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Tân TiếnTuyên Ngôn về Quyền Tự Do Tôn Giáo đã không chấp nhận “xu hướng tối thiểu” (minimalism) này trong việc giải thích chiều hướng phục vụ của đức tin nhờ thừa tác vụ lời Chúa. Cả hai văn kiện này cho thấy mối quan tâm về việc cung ứng một phương trị cho tình trạng xẩy ra như được diễn tả trên đây. Việc canh tân nơi thừa tác vụ lời Chúa, nhất là nơi vấn đề giáo lý, không thể nào bị tách lìa khỏi việc canh tân mục vụ nói chung.

 

Những bước tiến mang lại hiệu qủa và thật sự là những bước tiến rất quan trọng để mang lại các hoa trái tốt đẹp cần phải được thực hiện là: cổ động việc phát triển các thể thức quen thuộc để thực hiện thừa tác vụ lời Chúa và cũng khích lệ cả những thể thức mới mẻ khác nữa; truyền bá phúc âm và giảng dạy giáo lý cho những người có tầm mức văn hóa thấp kém; tiến đến với các tầng lớp có học và để ý đến các nhu cầu của họ; cải tiến các thể thức cổ truyền nơi việc xuất hiện của Kitô Giáo và tìm ra những đường lối hiện diện mới; thu góp lại với nhau tất cả mọi phương trợ cụ thể của Giáo Hội, song đồng thời cũng loại trừ đi những hình thức không hợp với Phúc Aâm.

 

Để thi hành công việc này, Giáo Hội đặt niềm hy vọng của mình nơi tất cả mọi phần tử Dân Chúa. Mọi người – giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân – phải tận dụng hết cách để hoàn thành sứ vụ của mình, theo trách nhiệm của mỗi người. Đúng thế, mỗi người phải hoàn thành sứ vụ của mình bằng mối quan tâm đến tình trạng của thế giới đang ảnh hưởng sâu xa tới đời sống đức tin.

 

Để thành phần phục vụ Phúc Aâm này được hiệu nghiệm giúp đỡ, việc canh tân về vấn đề giáo lý cần phải sử dụng đến sự trợ giúp của các khoa học thánh, của khoa thần học, của các nghiên cứu thánh kinh, của tâm tưởng mục vụ và của các khoa học về nhân bản, cũng như của các phương tiện, nhất là các phương tiện truyền thông xã hội, giúp việc truyền đạt tư tưởng và ý nghĩ.