Phần III 

SỨ ĐIỆP KITÔ GIÁO

 

TẦM MỨC QUAN TRỌNG VÀ MỤC ĐÍCH CỦA PHẦN NÀY

 

36-       Một đức tin đã được giáo lý giúp cho trưởng thành (xem đoạn 21 của Bản Tổng Dẫn Giáo Lý này) có thể hiểu hai cách, một là việc con người theo tác động của ân sủng tỏ ra hoàn toàn liên kết với vị Thiên Chúa mạc khải (tức đức tin tác động con người tin tưởng), hai là chính nội dung của mạc khải và của sứ điệp Kitô Giáo (tức là đức tin đối tượng của niềm tin con người). Theo chính bản chất của mình, hai phương diện này của đức tin không thể tách biệt nhau, và việc trưởng thành tự nhiên của đức tin bao gồm sự phát triển của cả hai phương diện này cùng một lúc. Tuy nhiên, hai phương diện này cũng có thể được phân biệt theo phương pháp học của mình.

 

Chủ đề của phần thứ ba này là nội dung của đức tin, và được bàn đến như trình bày sau đây. Chương thứ nhất đề ra các tiêu chuẩn hay thiệt định giáo lý phải theo để khám phá và trình bày nội dung của mình. Chương hai sẽ bàn đến chính nội dung. Chương hai này không hề có ý định làm sáng tỏ mỗi và mọi chân lý Kitô Giáo làm nên đối tượng của đức tin và của giáo lý. Chương này cũng không muốn trình bày ở đây đích danh các sai lầm chính của thời đại chúng ta, hay các chân lý đức tin hiện nay đang bị ngang nhiên chối bỏ hoặc coi thường. Đối với vấn đề này, Huấn Quyền của Giáo Hội, thường lệ hay ngoại lệ, đã dùng thẩm quyền mình để ra các tuyên bố chung.

 

Chương hai này lại càng không phải là chương để trình bày cho thấy cách thức xứng hợp đối với việc sắp xếp các chân lý đức tin theo một bố cục lớp lang theo kiểu tổng luận liên quan đến cấp trật khách quan của các chân lý ấy, hoặc đối với việc sắp xếp các nhu cầu mà con người trong thời đại chúng ta cho là quan yếu hơn, vì các nhu cầu đó có tương quan tới thời đại của họ hay có liên can đến việc hình thành về xã hội và văn hóa của họ. Đó là công việc của khoa thần học thánh và của một số loại trình bày khác nhau về tín lý Kitô Giáo.

 

Thật ra chương hai này muốn lợi dụng cơ hội để trình bày cho thấy một số những yếu tố nổi bật hơn được chứa đựng trong sứ điệp cứu độ, những yếu tố chắc chắn có liên hệ chặt chẽ với nhau, nhất là khi chúng lại được chất chứa nơi các tính chất đặc biệt cần phải làm sáng tỏ hơn bằng một thứ giáo lý mới mẻ thích ứng, một thứ giáo lý trung thành theo đuổi mục đích của mình.

 

Chương I

 

CÁC QUI TẮC HAY TIÊU CHUẨN

 

 

 

NỘI DUNG GIÁO LÝ LIÊN QUAN

TỚI CÁC THỂ THỨC KHÁC NHAU CỦA ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI,

TỚI CÁC NỀN VĂN HÓA KHÁC NHAU,

VÀ TỚI CÁC NGÔN NGỮ KHÁC NHAU CỦA LOÀI NGƯỜI.

 

37-       Mạc khải là việc biểu lộ mầu nhiệm của Thiên Chúa và của tác động cứu độ Ngài làm trong lịch sử. Mạc khải được thực hiện qua việc Thiên Chúa thông mình ra cho loài người. Nội dung của việc Thiên Chúa thông mình này cấu tạo nên sứ điệp cứu độ là sứ điệp phải được rao giảng cho tất cả mọi người.

Bởi thế, phận vụ hết sức và tuyệt đối quan yếu trong thừa tác vụ rao giảng của Giáo Hội là làm cho nội dung của sứ điệp cứu độ này sáng tỏ trước con người ở mọi thời đại, để họ có thể qua Chúa Kitô trở về cùng Thiên Chúa, để họ có thể giải nghĩa tất cả đời sống của mình trong ánh sáng đức tin, liên quan đến những trường hợp xẩy ra cũng như đến thời điểm đời sống họ diễn tiến, và để họ có thể sống một cuộc đời hợp với phẩm vị do sứ điệp cứu độ mang lại cho họ cũng là phẩm vị do đức tin tỏ cho họ.

 

Để đạt được đích điểm này, giáo lý, như một cơ hội hết sức tuyệt hảo đối với thừa tác vụ rao giảng của Giáo Hội, chẳng những phải nuôi dưỡng mối liên hệ mạnh mẽ và liên tục với các hình thức sinh động khác trong cộng đồng giáo hội, mà còn phải nỗ lực phát động một sự hòa hợp rộng rãi hơn giữa các cấu tạo khả hữu nơi sứ điệp thần linh và nơi các nền văn hóa khác nhau cũng như nơi các thứ ngôn ngữ khác biệt nhau của các dân nước.

 

MỤC ĐÍCH CỦA GIÁO LÝ

LÀ TRÌNH BÀY TẤT CẢ NỘI DUNG SỨ ĐIỆP CỨU ĐỘ

 

38-     Nội dung của sứ điệp cứu độ được làm nên bởi những phần rất liên hệ chặt chẽ với nhau, mặc dù việc Thiên Chúa mạc khải từ từ theo thời gian trước kia qua các vị tiên tri và sau cùng qua nơi Con của Ngài (x.Heb.1:1). Vì mục đích của giáo lý, như đã nói, ở tại việc dẫn các cá nhân cũng như cộng đồng Kitô hữu đến một đức tin chín chắn, mà giáo lý phải hết sức để ý trung thành trình bày toàn thể kho tàng sứ điệp Kitô Giáo. Việc trình bày ấy phải bảo đảm được thực hiện theo mẫu mực của phương pháp sư phạm thần linh (xem lại đoạn 33 của Bản Tổng Dẫn Giáo Lý này), nhưng cũng phải chú trọng đến toàn vẹn kho tàng mạc khải đã được Thiên Chúa thông đạt, để Dân Chúa được kho tàng mạc khải này nuôi dưỡng và nhờ kho tàng mạc khải này mà sống động.

 

Bởi thế, giáo lý mới bắt đầu bằng việc trình bày khái quát toàn thể cấu trúc của sứ điệp Kitô Giáo (sử dụng đến cả bản tóm lược hay các công thức chung), và trình bày như thế bằng một đường lối thích hợp với các hoàn cảnh khác nhau về văn hóa và về tâm linh của thành phần học hỏi. Tuy nhiên, việc trình bày mở màn này không chỉ dừng lại ở đó, mà nó còn phải chú trọng tới việc trình bày nội dung sứ điệp cứu độ bằng một thể thức bao giờ cũng đi sâu vào chi tiết hơn và được khai triển rộng hơn nữa, để cá nhân tín hữu cũng như cộng đồng Kitô Giáo có thể chấp nhận sứ điệp Kitô Giáo hoàn toàn sâu xa và sống động hơn, và có thể phán đoán các hoàn cảnh cũng như các việc thi hành cụ thể của đời sống Kitô Giáo theo ánh sáng mạc khải.

 

 

NỘI DUNG CỦA GIÁO LÝ

LÀM NÊN TOÀN BỘ HỆ THỐNG SỐNG ĐỘNG

 

39-       Đối tượng của đức tin chất chứa một nội dung phức tạp ở ngay chính bản chất của nội dung này, tức là, một nội dung về Thiên Chúa nơi mầu nhiệm của Ngài cũng như nơi việc can thiệp cứu độ của Ngài trong lịch sử. Tất cả hai sự kiện này được thấy nơi những gì chính Thiên Chúa đã mạc khải về Ngài và về các việc Ngài làm. Chúa Kitô đóng một vai trò quan trọng chính yếu cả nơi việc can thiệp cứu độ của Thiên Chúa lẫn trong việc  Thiên Chúa tỏ mình cho con người biết. Vì thế, giáo lý lấy mầu nhiệm và các việc làm của Thiên Chúa làm đối tượng, tức là, các việc làm Thiên Chúa đã thực hiện, đang thực hiện và sẽ thực hiện cho loài người chúng ta và cho phần rỗi của chúng ta.

 

Một thứ giáo lý bỏ qua mối liên hệ và hòa hợp này nơi nội dung của sứ điệp cứu độ có thể trở thành hoàn toàn vô dụng trong việc đạt đến đích điểm xứng hợp của mình.

 

CHÚA KITÔ LÀ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO LÝ

 

40-       Chúa Giêsu Kitô, Lời Chúa nhập thể, vì Người là lý do đệ nhất tại sao Thiên Chúa can thiệp vào thế giới và tỏ mình ra cho con người, là trung tâm điểm của sứ điệp Phúc Aâm trong lịch sử cứu độ.

 

Người là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của tất cả mọi tạo vật. Nơi Người mọi sự… đã được tạo thành” (Col.1:15). Vì Người nổi bật như một vị trung gian quyền năng duy nhất là Đấng nhờ Người Thiên Chúa đến gần với loài người và loài người được dẫn về với Ngài (x. 1Tim. 2:5). Nến tảng của Giáo Hội ở nơi Người. Trong Người tất cả mọi sự được qui tụ lại với nhau (x.Eph.1:10). Bởi thế, các vật tạo sinh, lương tâm con người và các giá trị chân chính được thấy nơi các tôn giáo khác, cũng như các dấu chỉ thời đại khác nhau, tất cả, mặc dù không đồng nhất, đều được cho là như những đạo lộ và những bước đường giúp vào việc tiến tới gần Thiên Chúa, theo tác động của ân sủng và nhờ việc sắp xếp của Giáo Hội  Chúa Kitô (x.LG, 16).

 

Thế nên giáo lý mới phải lấy Chúa Kitô làm trọng tâm.

 

CHÚA BA NGÔI LÀ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO LÝ

 

41-       Như Chúa Kitô là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ thế nào, mầu nhiệm Thiên Chúa cũng là trung tâm điểm mà lịch sử này được bắt đầu mở màn và phải qui về như cùng đích của mình. Chúa Kitô tử giá và phục sinh dẫn con người đến cùng Chúa Cha bằng việc sai Chúa Thánh Thần xuống với Dân Chúa. Vì lý do này mà cấu trúc của toàn thể nội dung giáo lý phải là Thiên Chúa và là Ba Ngôi: qua Chúa Kitô, tới Chúa Cha, trong Thần Linh.

 

Qua Chúa Kitô: Toàn thể công cuộc cứu độ có ý nghĩa nơi Lời nhập thể. Công cuộc cứu độ đã sửa soạn cho việc Người đến; công cuộc này biểu lộ và kéo dài vương quốc của Người trên thế gian, từ lúc Người chết và phục sinh cho tới khi Người đến lần thứ hai trong vinh quang, lần Người đến để làm hoàn tất công cuộc của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Chúa Kitô soi sáng cho toàn thể nội dung giáo lý là như thế. Các yếu tố khác biệt – về thánh kinh, về phúc âm, về giáo hội, về nhân bản và thậm chí về cả vũ trụ – mà việc chỉ dẫn giáo lý phải sử dụng và trình bày tất cả đều phải được qui chiếu về Con Thiên Chúa nhập thể.

 

Tới Chúa Cha: Mục đích tối hậu của việc nhập thể của Lời Chúa và của toàn thể công cuộc cứu độ là ở chỗ này: đó là tất cả mọi người đều được dẫn đến cùng Chúa Cha. Bởi thế, giáo lý, vì cần giúp vào việc hiểu biết sâu xa hơn nữa dự án yêu thương này của Cha trên trời, phải làm sao cho thấy được rằng ý nghĩa tuyệt đối của đời sống con người là nhận biết Thiên Chúa và tôn vinh Ngài, bằng việc làm theo ý Ngài như Chúa Kitô đã dạy chúng ta qua lời nói và gương sống của Người, để nhờ đó được hưởng sự sống trường sinh.

 

Trong Thần Linh: Kiến thức về mầu nhiệm Chúa Kitô và về đường dẫn đến cùng Chúa Cha đều được thể hiện trong Chúa Thánh Thần. Thế nên, giáo lý, khi trình bày nội dung của sứ điệp Kitô Giáo, bao giờ cũng phải làm sáng tỏ việc hiện diện này của Chúa Thánh Thần là Đấng tác động con người liên lỉ tiến đến cuộc hiệp thông với Thiên Chúa và với nhân loại, cũng như chu tất các phận vụ của mình.

 

Nếu giáo lý thiếu mất ba yếu tố này hay bỏ qua mối liên hệ của ba yếu tố này thì sứ điệp Kitô Giáo chắc chắn bị mất đi tính chất xứng hợp của mình.

 

VÌ LOÀI NGƯỜI CHÚNG TA VÀ ĐỂ CỨU RỖI CHÚNG TA

 

42-       Mục đích của công cuộc cứu độ có Chúa Ba Ngôi là trọng tâm không thể tách biệt khỏi mục tiêu của mình, mục tiêu đó là: con người, được giải cứu khỏi tội lỗi và các hậu qủa của tội, phải được làm nên giống như Chúa Kitô bao nhiêu có thể (x.LG, 39). Như việc nhập thể của Lời Chúa, mọi chân lý mạc khải cũng vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Quan niệm các chân lý Kitô Giáo khác biệt nhau trong mối liên hệ của các chân lý ấy với cùng đích tối hậu của con người là một trong những điều kiện cần thiết để hiểu rõ các chân lý này (xem Công Đồng Chung Vaticanô I, Hiến Chế Tín Lý Dei Filius, Dz.-Sch., 3016).

 

Bởi vậy, giáo lý phải cho thấy rõ ràng mối liên hệ rất chặt chẽ nơi mầu nhiệm Thiên Chúa và Chúa Kitô với việc hiện hữu và cùng đích tối hậu của loài người. Phương pháp này không có ý coi thường một chút nào đối với các mục đích trần thế mà con người được Thiên Chúa kêu gọi theo đuổi theo nỗ lực chung riêng; tuy nhiên, phương pháp ấy minh bạch cho thấy rằng cùng đích tối hậu của con người không bị giới hạn vào các mục đích tạm thời này, trái lại còn trổi vượt hơn chúng, ngoài mọi dự tưởng, đến độ chỉ có duy tình yêu Thiên Chúa dành cho con người mới có thể đạt đến cùng đích tối hậu này mà thôi.

 

CẤP TRẬT CỦA CÁC CHÂN LÝ NƠI GIÁO LÝ CẦN PHẢI THEO

 

43-       Nơi sứ điệp cứu độ có một cấp trật về chân lý (x.UR, 11), một cấp trật được Giáo Hội luôn luôn công nhận khi cấp trật này bao gồm các tín điều hay các bản tóm tắt các chân lý đức tin. Cấp trật này không có nghĩa là có một số chân lý nào đó không liên hệ với chính đức tin bằng các chân lý kia, mà là một số chân lý cần phải dựa các chân lý khác hệ trọng hơn và nhờ các chân lý ấy mà được hiểu rõ.

 

Ở tất cả mọi trình độ, giáo lý phải để ý đến cấp trật chân lý đức tin này.

 

Những chân lý này có thể được chia nhóm theo bốn đầu mục sau đây: mầu nhiệm về Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, là Đấng Tạo Thành tất cả mọi sự; mầu nhiệm về Chúa Kitô là Lời nhập thể, Đấng được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria, và là Đấng đã chịu nạn, chịu chết và sống lại vì phần rỗi chúng ta; mầu nhiệm về Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện trong Giáo Hội, thánh hóa Giáo Hội và hướng dẫn Giáo Hội cho đến khi Chúa Kitô, Cứu Chúa và Thẩm Phán của chúng ta, đến trong vinh quang; và mầu nhiệm về Giáo Hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, là nơi Trinh Nữ Maria chiếm chỗ thượng thặng.

 

ĐẶC TÍNH LỊCH SỬ CỦA MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ

 

44-       Công cuộc cứu độ vẫn đang được thể hiện theo thời gian: công cuộc này bắt đầu trong qúa khứ, tiến triển và đạt tới cao điểm của mình nơi Chúa Kitô; trong hiện tại, công cuộc này tỏ ra cho thấy tác lực của mình và đang chờ đợi việc chung kết của mình ở tương lai. Thế nên, việc tưởng niệm qúa khứ, việc nhận thức hiện tại và niềm hy vọng cuộc sống tương lai phải dùng mọi cách để làm sáng tỏ khi trình bày nội dung của giáo lý.

 

Do đó, giáo lý gợi lại biến cố cao cả nhất của toàn thể lịch sử cứu độ, biến cố mà các Kitô hữu được đức tin liên kết, tức là biến cố nhập thể, vượt qua, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô.

 

Ngoài ra, giáo lý còn làm cho tín hữu nhận ra cách thức mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô tác hành hiện nay cũng như qua các thời đại nhờ Chúa Thánh Thần và thừa tác vụ của Hội Thánh, cũng như làm cho họ hiểu được nhiệm vụ của họ đối với Thiên Chúa, với chính mình họ và với tha nhân.

 

Sau hết, giáo lý có quyền đặt vào các tâm hồn niềm hy vọng vào sự sống mai hậu là chung cuộc của toàn thể lịch sử cứu độ. Hướng về mục đích này, Kitô hữu phải thiết tha với một lòng cậy trông của người con cái song cũng vẫn kính sợ việc phân xử thần linh. Nhờ niềm hy vọng này, cộng đồng Kitô Giáo được tràn đầy nỗi ước mong cánh chung trong lòng, khiến họ suy nghĩ đúng đắn về các sự vật loài người và trần thế, bằng việc họ tôn trọng giữ lấy chúng chứ không coi thường chúng như thứ đồ bỏ.

 

Việc trình bày nội dung giáo lý phải để ý đến, một cách liên tục và thực tế, ba quan điểm chính này.

 

CÁC NGUỒN MẠCH GIÁO LÝ

 

45-       Nội dung của giáo lý được chất chứa nơi lời Chúa, trong thánh kinh hay thánh truyền; nội dung giáo lý được con người hiểu biết và khai triển sâu xa hơn bằng việc họ thực hành đức tin của mình theo hướng dẫn của Huấn Quyền Hội Thánh là thẩm quyền dạy dỗ duy nhất; nội dung giáo lý này được cử hành trong phụng vụ; được chiếu tỏa nơi đời sống của Giáo Hội, nhất là nơi người công chính và nơi các thánh nhân; và, bằng một cách nào đó, nội dung giáo lý này cũng được thấy nơi cả các giá trị luân lý đích thực mà, theo quan phòng thần linh, biểu lộ ra trong xã hội loài người.

 

Tất cả những điều ấy đều là nguồn mạch của giáo lý. Những nguồn mạch này có thể là chính hay phụ thuộc, và vì thế tất cả những điều này không thể nào được coi như nguồn mạch theo cùng một ý nghĩa. Khi sử dụng những điều này, giáo lý viên trước hết và bao giờ cũng phải để ý đến tầm mức quan trọng vĩnh viễn của mạc khải, trong thánh kinh cũng như thánh truyền, và đến cả thẩm quyền Giáo Huấn của Giáo Hội trong những vấn đề liên hệ đến đức tin.

 

Hơn nữa, đối với bất cứ một phần nào thuộc nội dung của đức tin cần phải được cắt nghĩa, thì giáo lý viên phải cẩn thận để làm sao cho thấy được mầu nhiệm Chúa Kitô là trọng tâm của phần trình bày đó; thấy được việc Giáo Hội giải thích và xác định phần trình bày này, cũng như Giáo Hội cử hành phần đó cùng thực hành phần đó, bằng việc trình bày phần đó theo phụng vụ của Giáo Hội cũng như theo việc sống đạo của Kitô Giáo. Sau hết, giáo lý viên, nhờ Thánh Thần trợ giúp, còn phải cho thấy dự án của Thiên Chúa được hoàn thành ra sao nơi phần được trình bày này.

 

CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG CỦA PHƯƠNG PHÁP GIÁO LÝ

 

46-       Các qui tắc được phác họa trên đây, về việc trình bày nội dung giáo lý, cần phải áp dụng theo các thể thức giáo lý khác nhau, tức là theo thể thức giáo lý về thánh kinh và phụng vụ, theo thể thức các tóm tắt về tín lý, theo thể thức giải thích về các hoàn cảnh hiện hữu của con người v.v.

 

Tuy nhiên, không phải là không thể suy diễn từ các qui tắc này để rút ra một thứ tự phải theo trong việc trình bày nội dung giáo lý. Việc bắt đầu từ Thiên Chúa tới Chúa Kitô là đúng, hay ngược lại; cũng thế, có thể bắt đầu từ loài người tới Thiên Chúa, hay ngược lại; cứ như thế. Trong việc chọn lựa một phương pháp sư phạm, người ta phải để ý đến các hoàn cảnh sống của cộng đồng giáo hội hay các cá nhân tín hữu được truyền đạt giáo lý. Do đó mới có nhu cầu cần phải hết sức khôn ngoan trong việc tìm kiếm các đường lối và phương pháp đáp ứng tốt đẹp hơn với các hoàn cảnh khác nhau.

 

Các Hội Đồng Giám Mục có nhiệm vụ ban hành các qui tắc riêng biệt hơn về vấn đề này, cũng như có nhiệm vụ áp dụng các qui tắc đó bằng các bản hướng dẫn giáo lý, bằng các sách giáo lý cho những lứa tuổi và điều kiện văn hóa khác nhau, và bằng các việc trợ giúp khác xứng hợp với công việc này (xem Phần Sáu của cùng Bản Tổng Dẫn Giáo Lý).