Chương II

 

CÁC YẾU TỐ NỔI BẬT NƠI SỨ ĐIỆP KITÔ GIÁO 

 

 

MẦU NHIỆM CỦA VỊ THIÊN CHÚA DUY NHẤT: CHA, CON VÀ THÁNH THẦN

 

47-     Lịch sử cứu độ là lịch sử giống như lịch sử của đường lối và dự án mà Thiên Chúa là Đấng chân thật và duy nhất, là Cha và Con và Thánh Thần, đã thực hiện việc mạc khải mình ra cho loài người, đã hòa giải và kết hợp những ai bỏ đường tội lỗi với Ngài.

 

Cựu Ước, giữa một thế giới đa thần, khi minh nhiên xác sự duy nhất của Thiên Chúa, đã mập mờ cho thấy mầu nhiệm Ba Ngôi. Tuy nhiên, những ám chỉ mập mờ này lại rõ ràng về bản thân, về việc làm và về lời nói của Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, khi Người tỏ mình ra như Con Thiên Chúa, Người cũng đồng thời tỏ Chúa Cha và Chúa Thánh Thần ra nữa. Kiến thức thâm sâu về vị Thiên Chúa chân thật tràn đầy cả trí khôn của vị Tôn Sư Thần Linh, và Người đã chia sẻ kiến thức này với các môn đệ của Người, bằng cách mời gọi trở nên con cái Thiên Chúa, nhờ Tặng Aân của Thần Linh làm con của Người, Đấng Người ban xuống trên các vị (x.Jn.1:12; Rm.8:15).

 

Bởi thế, việc gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi, trước hết và trên hết, có được nơi giáo lý là khi công nhận Chúa Cha, Chúa Con và Thần Linh là tác giả của dự án cứu độ, một dự án đã đạt đến tuyệt đỉnh của mình nơi cái chết và cuộc phục sinh của Chúa Giêsu (xem Irenaeus, Proof of the Apostolic Preaching, n.6, Source chretíennes, 62, pp. 39ff). Như thế, việc nhận thức tăng lên nơi tín hữu đáp lại mạc khải của mầu nhiệm được Giáo Hội truyền đạt; vì khả năng lãnh hội thực sự nhờ đức tin mà đời sống của họ, bắt đầu từ bí tích rửa tội, ở tại việc chiếm được một trạng thái thân tình sâu đậm hơn với Ba Ngôi thần linh, vì tín hữu được mời gọi để thông phần vào bản tính thần linh của các Ngài. Sau hết, các Kitô hữu, nhờ tặng ân Thánh Linh, bấy giờ có thể lấy con mắt đức tin mà chiêm ngưỡng và dùng tình yêu của con cái mà hoan hưởng Ba Ngôi Cực Thánh từ đời đời trong sự sống nội tâm của Thiên Chúa.

 

VIỆC TÔN THỜ THIÊN CHÚA ĐÍCH THỰC TRONG MỘT THẾ GIỚI TỤC HÓA

 

48-       “Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô” (Eph.1:3) là “Thiên Chúa hằng sống” (Mt.16:16). Ngài là một vị Thiên Chúa thánh thiện, công minh và thương xót; Ngài là Thiên Chúa làm nên giao ước với con người; Vị Thiên Chúa nhìn biết, tự do và cứu độ; Vị Thiên Chúa yêu thương như một người cha, như một người phối ngẫu. Giáo lý hoan hỉ loan truyền vị Thiên Chúa này, Đấng là nguồn mạch của mọi niềm hy vọng của chúng ta (x.1Pt.1:3-4).

 

Tuy nhiên, giáo lý cũng không thể bỏ qua được sự kiện này là không thiếu gì người trong thời đại chúng ta thật sự cảm thấy xa cách và thậm chí vắng mặt Thiên Chúa. Sự kiện là kết qủa của tiến trình tục hóa này chắc chắn tạo nên một sự nguy hiểm cho đức tin; thế nhưng, nó cũng thôi thúc chúng ta phải có một đức tin tinh tuyền hơn và trở nên khiêm tốn hơn trước mầu nhiệm Thiên Chúa, như chúng ta cần phải thốt lên: “Ngài thực sự là một vị Thiên Chúa ẩn thân, vị Thiên Chúa của Yến-Duyên, vị Cứu Tinh” (Is.45:15). Theo quan điểm này thì cũng có thể dễ hiểu hơn bản chất đích thực của việc tôn thờ mà Thiên Chúa đòi hỏi, việc tôn thờ làm vinh danh Ngài, tức là một việc tôn thờ bao gồm cả việc dứt khoát làm trọn ý muốn của Ngài trong mọi lãnh vực hoạt động, và trung thành làm tăng thêm trong đức ái các tài năng Chúa ban cho mình (x.Mt.25:14ff). Trong phụng vụ thánh, tín hữu mang hoa trái của mọi thứ việc bác ái, công chính, hòa bình để làm của lễ hèn mọn dâng lên Thiên Chúa, rồi nhận lại những lời sự sống và ân sủng cần thiết giúp họ tuyên xưng đức tin ở đời này trong yêu thương (x.Eph.4:15) hiệp  với Chúa Kitô, Đấng hiến Mình Máu mình cho con người.

 

KIẾN THỨC VỀ THIÊN CHÚA VÀ CHỨNG NHÂN BÁC ÁI

 

49-       đường lối cao cả nhất tín hữu có thể theo để giúp cho thế giới vô thần đến cùng Thiên Chúa là nhờ ở chứng từ đời sống hợp với sứ điệp yêu thương của Chúa Kitô, cũng như nhờ ở chứng từ của một đức tin sống động chín chắn được biểu lộ qua các việc làm công bình chính trực và bác ái vị tha (x.GS, 21).

 

Tuy nhiên, cũng không được xao lãng việc sử dụng đúng đắn lý trí con người; vì, như Giáo Hội chủ trương và truyền dạy, nhờ các sự vật tạo thành, lý trí này có thể nhận ra Thiên Chúa như nguyên ủy và là cùng đích của tất cả mọi sự (x. Công Đồng Chung Vaticanô I, Hiến Chế Tín Lý Dei Filius, Dz.-Sch., 3004-3005, 3026). Kiến thức về Thiên Chúa ấy chẳng những không làm phương hại đến phẩm giá của con người, trái lại, còn làm cho phẩm giá này vững vàng, mạnh mẽ.

 

Dù ơn cứu độ đời đời của con người là mục tiêu của Giáo Hội, thế nhưng đức tin vào Thiên Chúa hằng sống cũng hàm chứa một nhiệm vụ khẩn thiết trong việc hợp tác để giải quyết các vấn đề nhân bản (x.1Jn.4:20-21). Ở lãnh vực này, tín hữu phải làm chứng cho các gía trị nơi sứ điệp của Chúa Kitô bằng các việc của mình.

 

CHÚA GIÊSU KITÔ, CON THIÊN CHÚA,

LÀ TRƯỞNG TỬ CỦA TẤT CẢ THỤ SINH VÀ LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ

 

50-       Việc làm cao cả nhất của Thiên Chúa là việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô Con Ngài. Là Trưởng Tử của tất cả mọi tạo vật, Người có trước tất cả và tất cả qui tụ lại với nhau trong Người (x.Col.1:15-17). Tất cả mọi sự đã được dựng nên trong Người, nhờ Người và cho Người (x.Col.1:15ff).

 

Vì vâng lời cho đến chết, Người đã được tôn lên làm Chúa của tất cả mọi sự, và đã tỏ mình cho chúng ta qua việc phục sinh của Người như Con Thiên Chúa trong quyền năng (x.Rm.1:4). Là Trưởng Tử của kẻ chết, Người ban sự sống cho tất cả mọi người (x.1Cor.15:22): trong Người chúng ta được dựng nên làm con người mới (x.Eph.2:10); nhờ Người tất cả mọi tạo vật sẽ được giải thoát khỏi tình trạng làm tôi cho sự hư vong (x.Rm.8:19-21). “Không có ơn cứu rỗi nơi bất cứ một ai khác” (Acts 4:12).

 

VIỆC TẠO DỰNG LÀ KHỞI SỰ CÔNG CUỘC CỨU ĐỘ

 

51-       Toàn thể thế giới được dựng nên từ hư không là một thế giới trong đó Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện ơn cứu độ và việc cứu chuộc.

 

Trong Cựu Ước chân lý về việc sáng tạo của Thiên Chúa đã được trình bày như một nguyên lý triết học trừu tượng; chân lý này còn đi vào tâm trí dân Yến-Duyên, theo ý niệm về một Thiên Chúa duy nhất, như căn nguyên cho việc chứng tỏ rằng Chúa luôn luôn ở với dân Ngài (x.Is.40:27-28; 51:9-13). Uy quyền toàn năng của Thiên Chúa là Đấng Hóa Công còn được biểu lộ ra một cách huy hoàng nơi việc phục sinh của Chúa Kitô, một cuộc phục sinh cho thấy “mức độ khôn lường của quyền năng Người” (Eph.1:19).

 

Vì lý do này, chân lý về việc tạo thành không được trình bày một cách sơ sài như là một chân lý đứng đơn độc một mình, tách rời khỏi các chân lý khác, mà là một điều gì đó thực sự hướng về ơn cứu độ được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô. Việc tạo dựng các vật hữu hình và vô hình, thế gian và các thiên thần, là khởi đầu của mầu nhiệm cứu độ (x.DV, 3); việc tạo dựng nên con người (x.Piô XII, Thông Điệp Humani Generis, AAS, 1950, trang 575; GS, 12, 14) được coi như tặng ân đầu tiên và là lời mời gọi thứ nhất dẫn tới vinh quang trong Chúa Kitô (x.Rm.8:29-30). Khi một Kitô hữu nghe cắt nghĩa về tín lý tạo dựng, ngoài việc nghĩ về tác động đầu tiên Thiên Chúa “tạo dựng nên trời đất” (Gn.1:1), họ còn phải hướng tâm trí mình về tất cả các việc cứu độ của Thiên Chúa nữa. Những việc cứu độ này của Thiên Chúa luôn luôn hiện diện nơi lịch sử loài người cũng như lịch sử thế giới; chúng cũng đặc biệt chiếu sáng nơi lịch sử dân Yến-Duyên; chúng dẫn đến biến cố cuối cùng là cuộc phục sinh của Chúa Kitô; và sau hết, chúng sẽ được hoàn thành vào lúc tận cùng thế gian, thời điểm xuất hiện của “trời mới đất mới” (x.2Pt.3,13).

 

CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ TRUNG TÂM ĐIỂM CỦA TOÀN THỂ CÔNG CUỘC CỨU ĐỘ

 

52-       Kitô hữu nhận biết rằng trong Chúa Kitô họ được liên kết với toàn thể lịch sử và hiệp thông với tất cả mọi người. Lịch sử cứu độ được hoàn thành giữa lịch sử thế giới. Nhờ lịch sử cứu độ này Thiên Chúa đã hoàn thành dự án của Ngài, nhờ đó Dân của Ngài, tức là “toàn thể Chúa Kitô”, được nên trọn trong thời gian. Một người Kitô hữu đơn sơ và chân thành chân nhận rằng họ nắm giữ một vai trò trong công cuộc mà, nhờ quyền năng của Chúa Giêsu Cứu Thế, họ được tạo thành nên là để tôn vinh Thiên Chúa bao nhiêu có thể (x.1Cor.15:28).

 

CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ NGƯỜI THẬT VÀ LÀ THIÊN CHÚA THẬT

TRONG SỰ HIỆP NHẤT CỦA NGÔI VỊ THẦN LINH

 

53-       Mầu nhiệm cao cả này, tức là mầu nhiệm Chúa Kitô là Đầu và là Chúa của vũ trụ, “đã được tỏ lộ trong xác thịt” (1Tim.3:16) cho loài người thấy. Đức Giêsu Kitô, là một Con người, Đấng ở giữa chúng ta – Đấng như một con người đã làm việc bằng đôi tay của mình, suy nghĩ bằng trí khôn loài người, tác hành bằng ý muốn loài người, yêu thương bằng con tim loài người – Người thật sự là Lời và là Con Thiên Chúa, Đấng qua việc nhập thể, bằng một cách nào đó, đã liên kết chính mình với mỗi một con người (x.GS, 22).

 

Giáo lý phải rao giảng Chúa Giêsu ở việc hiện hữu cụ thể của Người và ở sứ điệp của Người, tức là, giáo lý phải mở lối cho con người vươn tới tầm mức toàn thiện tuyệt vời của nhân tính Người, để làm sao họ có thể nhận biết mầu nhiệm của thần tính Người. Thật ra, Chúa Giêsu Kitô, Đấng kết hiệp với Chúa Cha bằng việc nguyện cầu liên lỉ và độc đáo, luôn luôn sống trong mối hiệp thông với loài người. Người đã ôm lấy tất cả mọi người, công chính cũng như tội nhân, bần cùng cũng như sang giầu, đồng hương cũng như ngoại kiều, bằng lòng nhân ái của Người. Nếu Người yêu thương đặc biệt một số nào hơn, thì niềm ưu đãi này được dành cho thành phần yếu đau bệnh tật, thành phần bần cùng khốn khó, thành phần thấp hèn bé mọn. Đối với con người, Người đã tỏ ra tôn trọng và quan tâm như không có ai trước Người biểu lộ như Người.

 

Ngày ngày giáo lý phải bảo vệ và kiên cường niềm tin tưởng vào thần tính của Chúa Giêsu Kitô, để Người được chấp nhận, không phải chỉ vì cuộc sống đáng ca ngợi của Người, mà là để con người có thể nhận biết Người, qua những lời nói và dấu lạ, như Người Con duy nhất của Thiên Chúa (x.Jn.1:18), “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha” (Dz.-Sch.150). Việc giải thích chính xác về mầu nhiệm Nhập Thể được khai triển theo truyền thống Kitô Giáo: nhờ việc hiểu biết khôn ngoan của đức tin, các vị Giáo Phụ và các Công Đồng đã cố gắng để xác định các ý niệm cho xác đáng hơn, để cắt nghĩa sâu xa hơn bản chất chuyên biệt của mầu nhiệm Chúa Kitô, để khảo sát những liên kết sâu kín giữa Người với Cha trên trời cũng như với loài người. Ngoài ra, còn có chứng từ nơi đời sống Kitô hữu về chân lý này nữa – một chứng từ được Giáo Hội tỏ bày qua các thế kỷ: đó là cuộc hiệp thông của Thiên Chúa với loài người, một cuộc hiệp thông trong Chúa Kitô, là nguồn vui và là nguồn hy vọng bất tận. Nơi Chúa Kitô có tất cả tầm vóc viên trọn của thần tính; nhờ Người tình yêu của Thiên Chúa đối với con người được tỏ hiện.

 

Thánh I-Nhã viết cho các Kitô hữu ở Eâphêsô: “Chỉ có một thày thuốc duy nhất, cho cả thể xác lẫn tinh thần, được sinh ra và không được sinh ra, Thiên Chúa trở thành loài người, sự sống thật ở trong sự chết; phát sinh từ cả Đức Maria và Thiên Chúa, thoạt tiên không thể khổ rồi chịu khổ, đó là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Enchiridion patristicum, 39).

 

CHÚA GIÊSU KITÔ, ĐẤNG CỨU TINH VÀ VỊ CỨU CHUỘC THẾ GIỚI

 

54-       Mầu nhiệm Chúa Kitô thể hiện trong lịch sử loài người và lịch sử thế giới – một lịch sử vướng mắc tội lỗi – chẳng những như một mầu nhiệm nhập thể mà còn như một mầu nhiệm cứu độ và cứu chuộc nữa.

 

Thiên Chúa đã qúa yêu thương tội nhân đến nỗi đã ban Con mình, bằng việc hòa giải thế giới với chính Ngài (x.2Cor.5,19). Bởi thế, Chúa Giêsu, là Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc (x.Rm.8:29), thánh thiện, vô tội, tinh tuyền (x.Heb.7:26), vâng lời Cha Người cách tự nguyện và bằng tình con thảo (x.Phil.2:8), vì anh em mình là những tội nhân, và là Đấng Trung Gian của họ, đã chấp nhận cái chết để lấy công chuộc tội cho họ (x.Rm.6:23; GS, 18). Nhờ cái chết rất thánh này của mình, Người đã cứu chuộc loài người khỏi tình trạng làm tôi cho tội lỗi và cho ma qủi, rồi Người đã đổ xuống trên nhân loại thần linh thừa nhận để tạo nên nơi Người một loài người mới.

 

CÁC BÍ TÍCH LÀ TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA KITÔ TRONG GIÁO HỘI,

MỘT BÍ TÍCH NGUYÊN KHỞI

 

55-       Mầu nhiệm của Chúa Kitô được tiếp tục nơi Giáo Hội, một Giáo Hội luôn hoan hưởng việc Người hiện diện và phục vụ Người. Điều này được thực hiện một cách đặc biệt nhờ những dấu hiệu được Chúa Kitô thiết lập, những dấu hiệu biểu hiệu cho ân sủng và phát sinh ân sủng, những dấu hiệu được gọi bằng một danh xưng xứng hợp là các bí tích (x. Công Đồng Chung Triđentinô, Sắc Lệnh về Các Bí Tích, Dz.-Sch., 1601).

 

Tuy nhiên, một cách nào đó, chính Giáo Hội cũng được coi như là một bí tích nguyên khởi, vì Giáo Hội chẳng những là Dân Chúa mà trong Chúa Kitô còn là một thứ “dấu hiệu và phương tiện cho việc thân tình kết hợp với Thiên Chúa cũng như cho việc hiệp nhất với toàn thể nhân loại” (LG, 1).

 

Các bí tích là những tác động chính yếu và sâu xa Chúa Giêsu Kitô không ngừng thực hiện để ban Thần Linh của Người xuống trên tín hữu, nhờ đó làm cho họ thành một dân thánh hiến dâng bản thân mình, trong Người và với Người, như một lễ vật đáng chấp nhận lên Chúa Cha. Các bí tích phải được coi là những phép lành vô giá của Giáo Hội. Bởi thế, Giáo Hội có quyền ban phát các bí tích; tuy nhiên, các bí tích bao giờ cũng được qui về Chúa Kitô là Đấng các bí tích mang lại hiệu năng. Thực ra chính Chúa Kitô là Đấng ban phép rửa tội. Không phải con người cử hành phụng vụ Thánh Thể cho bằng chính Chúa Kitô; vì Người mới là Đấng dâng mình nơi hy tế Thánh Lễ nhờ thừa tác vụ của các vị linh mục (x.Công Đồng Triđentinô, Sắc Lệnh về Các Bí Tích, Dz.-Sch., 1743). Tác động bí tích, trước hết, là tác động của Chúa Kitô, còn các thức tác viên của Giáo Hội như là dụng cụ của Người.

 

Ý NGHĨA TRỌN VẸN CỦA CÁC BÍ TÍCH

 

56-       Giáo lý có nhiệm vụ phải trình bày bảy phép bí tích đúng như ý nghĩa đầy đủ của các phép này.

 

Trước hết, các phép này phải được trình bày như là các bí tích của đức tin. Chắc chắn các bí tích tự mình đã diễn đạt ý muốn hiệu năng của Chúa Kitô Cứu Thế; thế nhưng, về phần mình, con người cần phải tỏ ra một ý muốn chân thành trong việc đáp lại tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Do đó, giáo lý phải quan tâm đến việc làm sao tạo nên được những điều kiện dọn mình xứng hợp, đến việc gợi lên một tấm lòng chân thành và quảng đại để xứng đáng lãnh nhận các bí tích.

 

Thứ đến, các bí tích phải được trình bày, tùy theo bản chất và mục đích riêng của mỗi một phép, chẳng những như là các phương trị tội lỗi cùng các hậu qủa của tội lỗi, mà đặc biệt còn như là các nguồn ân sủng nơi cá nhân cũng như cộng đồng, để toàn thể việc ban phát ân sủng trong đời sống tín hữu được liên hệ một cách nào đó đối với công cuộc bí tích.

 

GIÁO LÝ VỀ CÁC BÍ TÍCH

 

57-       Bí tích rửa tội thanh tẩy con người khỏi nguyên tội và khỏi tất cả mọi tư tội, tái sinh họ để trở thành con cái Thiên Chúa, tháp nhập họ vào Giáo Hội, thánh hóa họ bằng các tặng ân của Chúa Thánh Thần, và khởi sự nơi họ các vai trò tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô (x.1Pt.2:9; LG, 31) bằng việc in vào linh hồn họ một tích ấn vĩnh viễn.

 

Bí tích thêm sức liên kết Kitô hữu với Giáo Hội hoàn toàn hơn và thăng tiến họ bằng sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để họ có thể sống trong thế giới như một chứng nhân của Chúa Kitô.

 

Vì đời sống của Kitô hữu trên thế gian này là một cuộc chiến đấu, một cuộc sống chịu thử thách cám dỗ và sa ngã phạm tội, mà con đường bí tích Thống Hối đã được mở ra cho họ, để họ xin được Thiên Chúa nhân lành thứ tha cũng như để họ hòa giải mình với Giáo Hội.

 

Bí tích Truyền Chức Thánh đặc biệt làm cho một số trong Dân Chúa nên giống Chúa Kitô Trung Gian, bằng việc ban cho các vị một linh quyền, để các vị có thể chăn dắt Giáo Hội, nuôi dưỡng tín hữu bằng lời Chúa và thánh hóa

họ, nhất là, để các vị, đại diện cho bản thân Chúa Kitô, hiến dâng Hy Tế Thánh Lễ và chủ tế bữa tiệc Tạ Ơn.

 

“Bằng việc xức dầu thánh cho bệnh nhân và lời các linh mục của mình nguyện cầu, toàn thể Giáo Hội trao phó những ai yếu đau bệnh hoạn cho Chúa khổ nạn và vinh quang, để Người có thể giảm bớt các khổ đau của họ và cứu lấy họ” (LG, 11; x. James 5:14-16).

 

Giáo lý dạy về các phép bí tích phải đặt nặng vấn đề cắt nghĩa cho hiểu biết về các dấu hiệu. Giáo lý phải dẫn tín hữu nhờ các dấu hiệu hữu hình để nhận thức được các mầu nhiệm cứu độ vô hình của Thiên Chúa.

 

THÁNH THỂ LÀ TRUNG TÂM ĐIỂM CỦA TOÀN THỂ ĐỜI SỐNG BÍ TÍCH

 

58-       Tính cách chính yếu của Thánh Thể đối với tất cả các bí tích khác là một vấn đề hiển nhiên, cũng như hiệu năng tối thượng của bí tích này trong việc xây dựng Giáo Hội cũng thế (x. LG 11, 17; Bản Hướng Dẫn, Eucharisticum Mysterium, các đoạn 5-15).

 

Vì nơi Thánh Thể, khi lời truyền phép được đọc lên, thực tại (chứ không phải là hiện tượng) sâu xa của bánh và rượu được biến đổi thành mình máu Chúa Kitô, và việc biến đổi lạ lùng này được Giáo Hội gọi là việc “biến thể” (transsubstantiation). Cũng thế, dưới các dạng thức (tức là theo thực tại bề ngoài) của bánh và rượu, thì nhân tính của Chúa Kitô, chẳng những bởi quyền năng của mình mà còn bởi chính mình (tức là một cách thực thể) hiệp nhất với Ngôi Vị thần linh của Người, ẩn mình bằng một đường lối hoàn toàn mầu nhiệm (x. Đức Phaolô VI, Thông điệp Mysterium Fidei, AAS, 1965, trang 766).

 

Hiến tế này không phải chỉ là một việc tưởng niệm một hy tế đã qua theo nghi lễ. Vì Chúa Kitô, nơi hiến tế này, nhờ thừa tác vụ của các linh mục, kéo dài hy tế Thập Giá dưới hình thức không đổ máu qua các thế kỷ (x.SC, 47). Cũng nơi hiến tế ấy, Người lấy chính mình là Bánh Sự Sống dưỡng nuôi tín hữu, để được tràn đầy tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, họ có thể trở nên một dân đáng Thiên Chúa chấp nhận mỗi ngày một hơn.

 

Được dưỡng nuôi bằng Nạn Nhân của hy tế Thập Giá, tín hữu phải lấy tình yêu chân chính và chủ động mà loại trừ đi các thành kiến đã làm cho họ có những lúc rơi vào tình trạng tôn thờ vô hiệu năng, khiến họ không còn tình hữu nghị và hợp tác với các người khác nữa. Bởi bản chất của mình, bữa tiệc Tạ Ơn có ý giúp cho tín hữu biết kết hợp tâm hồn mình với Thiên Chúa mỗi ngày một hơn bằng việc thường xuyên cầu nguyện, nhờ đó họ cũng biết cảm nhận và yêu thương người khác như anh chị em của Chúa Kitô và như các người con cái của Thiên Chúa là Cha.  

 

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

 

59-       Trong thời của chúng ta đây, cùng với tầm vóc tuyệt vời mà sứ điệp Kitô Giáo dành cho việc trinh khiết hiến dâng đang được bảo trì (x.1Cor.7:38; Công Đồng Chung Triđentinô, Các Khoản Luật về Bí Tích Hôn Phối, Dz.-Sch. 1810), việc dạy đạo cũng phải đặc biệt chú trọng tới bậc sống hôn nhân nữa, một bậc sống đã được chính Đấng Tạo Hóa thiết lập và đính kèm nhiều phúc lành, mục đích và luật lệ (x.GS, 48).

 

Được giúp đỡ nhờ các lời đức tin cũng như nhờ lề luật tự nhiên, theo sự hướng dẫn của Huấn Quyền của Giáo Hội là thẩm quyền có trách nhiệm đối với việc giải thích đáng tin về cả lề luật luân lý cũng như tự nhiên (x. Đức Phaolô VI, Thông Điệp Humanae Vitae, đoạn 4, AAS, 1968, trang 483), đồng thời cũng để ý tới các tiến bộ hiện thời trong các ngành về nhân loại học, giáo lý phải làm sao cho bậc sống hôn nhân trở thành nền tảng của đời sống gia đình, căn cứ vào các giá trị của bậc sống này và vào lề luật thần linh trong việc hiệp nhất cùng với tính cách bất khả phân ly, cũng như căn cứ vào phận vụ yêu thương của bậc sống hôn nhân, một phận vụ theo tính chất tự nhiên của mình được ấn định cho việc sinh sản và giáo dục con cái. Trong việc điều hòa sinh sản, cần phải giữ đức trong sạch vợ chồng theo giáo huấn của Giáo Hội (x. Thông Điệp Humanae Vitae, đoạn 14, AAS, 1968, trang 490).

 

Vì Chúa Kitô đã nâng bậc sống hôn nhân lên phẩm giá của một bí tích cho thành phần được rửa tội mà đôi hôn phối, với vai trò làm thừa tác viên của bí tích này qua việc họ tự đồng ý không rút lại, khi sống trong ân sủng của Chúa Kitô, đã mô phỏng và bằng một cách nào đó đã biểu hiện cho tình yêu của chính Chúa Kitô đối với Giáo Hội (x.Eph.5:25). Các đôi hôn phối Kitô hữu được kiên cường và thực sự là được thánh hiến bằng một bí tích đặc biệt để làm trọn các phận vụ của bậc sống mình cũng như để xác nhận phẩm vị của bậc sống này (x.GS, 48).

 

Sau hết, phần gia đình có ơn gọi là trở nên một cộng đồng, một cộng đồng hướng về Giáo Hội và thế giới.

 

CON NGƯỜI MỚI

 

60-       Một khi con người chấp nhận Thần Linh của Chúa Kitô thì họ đã thiết lập một lối sống hoàn toàn mới mẻ và nhưng không.

 

Chúa Thánh Thần hiện diện trong linh hồn Kitô hữu là Đấng làm cho họ trở thành một người dự phần vào bản tính thần linh, cũng là Đấng làm cho họ hiệp nhất thân mật với Chúa Cha và Chúa Kitô trong một mối hiệp thông sự sống cho dù sự chết cũng không thể nào làm gián đoạn được (x.Jn.14:23). Chúa Thánh Thần chữa trị con người họ khỏi các yếu hèn và bệnh tật thiêng liêng của họ, giải thoát họ khỏi làm tôi cho các đam mê của họ và khỏi lòng yêu riêng mình qúa độ, bằng cách ban cho họ khả năng để tuân giữ lề luật thần linh, kiên cường họ trong hy vọng và can đảm, soi sáng họ trong việc theo đuổi sự thiện, và làm nẩy nở nơi họ các hoa trái yêu thương, vui mừng, an bình, nhẫn nại, tử tế, tốt lành, tin tưởng, hiền lành, trung thành, đức hạnh, tiết độ và thanh sạch (x.Gal.5:22-23). Đó là lý do tại sao Chúa Thánh Thần được cầu khấn như vị khách của linh hồn.

 

Việc công chính hóa khỏi tội lỗi và việc Thiên Chúa ngự trong linh hồn là một ân sủng. Khi chúng ta nói một tội nhân được Thiên Chúa công chính hóa, được Chúa Thánh Thần ban sự sống, chiếm hữu sự sống Chúa Kitô nơi bản thân mình hay có ơn thánh cũng vậy, là chúng ta đang tìm các cách diễn đạt khác nhau trong ngôn từ song cũng chỉ là một điều duy nhất, đó là việc chết đi cho tội lỗi, việc trở nên những người tham dự vào thần tính của Chúa Con, nhờ Thần Linh thừa nhận, và việc đi sâu vào mối hiệp thông thân tình với Ba Ngôi Cực Thánh.

 

Con người thuộc về lịch sử cứu độ là một con người thuộc về ơn được thừa nhận làm con và thuộc về sự sống đời đời. Nhân loại học Kitô Giáo tìm thấy tính chất riêng biệt của mình nơi ân sủng của Chúa Kitô Cứu Thế.

 

TỰ DO CỦA CON NGƯỜI VÀ CỦA KITÔ HỮU

 

61-       Ơn gọi thần linh của con người đòi họ phải tự do đáp ứng trong Chúa Giêsu Kitô.

 

Con người không thể nào lại không có tự do. Nó cũng chẳng khác gì là phẩm vị và phận vụ của con người, vì con người có quyền trên các hành động của mình, trong việc tuân giữ lề luật luân lý ở cấp trật tự nhiên cũng như ở cấp trật ân sủng, nhờ đó họ được liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa là Đấng mạc khải mình ra nơi Chúa Kitô. Tình trạng tự do của con người sa ngã đã trở thành yếu kém đến nỗi họ sẽ không thể tuân giữ lâu la ngay cả các phận vụ thuộc lề luật tự nhiên mà không có ơn trợ giúp của Thiên Chúa; thế nhưng, khi nhận được ân sủng, niềm tự do của họ đã được nâng lên và kiên cường đến nỗi sự sống mà họ đang sống trong xác thịt họ có thể sống một cách thánh thiện trong đức tin vào Chúa Giêsu Kitô (x.Gal.2:20).

 

Giáo Hội có nhiệm vụ bảo vệ và đề cao ý nghĩa đích thực của tự do cùng với việc sử dụng đúng đắn của nó chống lại mọi thứ áp đặt bất chính. Giáo Hội cũng bênh vực tự do chống lại những ai chối bỏ nó, thành phần nghĩ rằng hoạt động của con người hoàn toàn lệ thuộc vào định phận về tâm lý cũng như vào các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa hay tương tự như vậy.

 

Giáo Hội không thể nào không nhận ra rằng tự do, ngay cả khi được ân sủng thần linh trợ giúp, cũng vẫn gặp những trở ngại trầm trọng về tâm lý và bị ảnh hưởng bởi các điều kiện ngoại tại nơi cuộc sống của họ nữa, mà hậu qủa là trách nhiệm của con người chẳng những đôi khi được giảm khinh, mà trong một số trường hợp thực sự còn được tạm châm chước, cũng như có những trường hợp lại chẳng được miễn chuẩn gì hết. Giáo Hội đồng thời cũng để ý đến những nghiên cứu và tiến bộ mới mẻ trong các khoa nhân loại học liên quan đến việc sử dụng và giới hạn của niềm tự do con người. Vì lý do này, Giáo Hội quan tâm đến cả việc giáo dục lẫn bồi dưỡng một niềm tự do đích thực, và cũng quan tâm cả đến việc mang lại những điều kiện xứng hợp trong các ngành tâm lý, xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo, để tự do có thể được thực hiện một cách chân thực và chính đáng. Bởi thế, Kitô hữu phải hoạt động một cách kiên trì và thành thực trong lãnh vực trần thế, để tạo nên những điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện tư do đúng đắn đến mức tối đa. Dĩ nhiên, họ thi hành nhiệm vụ này cùng với tất cả những người thiện chí; tuy nhiên, các Kitô hữu biết rằng họ buộc phải làm nhiệm vụ này còn vì một lý do quan trọng và khẩn trương hơn nữa. Vì ở đây vấn đề không phải chỉ là việc đề cao một sự thiện thuộc về cuộc sống trần gian này, mà còn là một nhiệm vụ giúp vào việc sau cùng chiếm được sự thiện vô giá về ân sủng và ơn cứu độ đời đời.

 

TỘI LỖI CỦA CON NGƯỜI

 

62-       Tuy nhiên, các điều kiện của lịch sử và của đời sống không được coi như là cản trở chính cho tự do của con người. Khi con người tự nguyện dấn thân cho công cuộc cứu độ thì họ thấy tội lỗi mới chính là trở ngại lớn nhất.

 

“Mặc dầu được Thiên Chúa dựng nên trong tình trạng thánh thiện, ngay từ thuở bình minh của lịch sử, con người đã lạm dụng tự do của mình theo Tên Gian Aùc xúi giục. Con người đã tự mình phản lại Thiên Chúa và tìm kiếm sự viên trọn ngoài Thiên Chúa” (GS, 13). “Vì một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và cùng với tội lỗi là sự chết, một sự chết bởi đó xẩy đến cho mọi người vì tất cả mọi người đã phạm tội” (Rm.5:12). “Chính bản tính loài người đã hư hỏng như thế, đã làm mất đi ân sủng bao bọc nó, đã bị thương tích nơi các khả năng tự nhiên của mình và bị lụy thuộc vào sự thống trị của sự chết, một sự chết được thông truyền cho tất cả mọi người, mà chính theo nghĩa này mọi người được sinh ra trong tội lỗi” (Đức Phaolô VI, Professio Fidei, đoạn 16, AAS , 1968, trang 439). Thế nên, muôn vàn tội lỗi đã trở nên một cảm nghiệm thương đau cho loài người, nó cũng là căn nguyên gây ra nhiều đau thương và băng hoại. Người ta không được coi thường giáo huấn về bản chất cũng như về các hậu quả của tư tội mà con người, khi hành động một cách ý thức và tự nguyện, qua việc làm của mình, đã phạm đến lề luật luân lý, và trong vấn đề hệ trọng, cũng đã phạm đến Thiên Chúa một cách nghiêm trọng.

 

Lịch sử cứu độ cũng là một lịch sử giải phóng cho khỏi tội lỗi. Mọi việc Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử, cả trong Cựu Ước cũng như Tân Ước, là để hướng dẫn con người trong cuộc đấu tranh chống lại các quyền lực của tội lỗi. Vai trò được ủy thác cho Chúa Kitô trong lịch sử cứu độ liên hệ đến việc tội lỗi bị hủy hoại, được nên trọn nhờ mầu nhiệm thập gía. Những tư tưởng nồng cốt của Thánh Phaolô (x.Rm.5), liên quan đến thực tại của tội lỗi và tới “công cuộc công chính” của Chúa Kitô, phải được kể vào số các điểm chính của đức tin Kitô Giáo, và việc âm thầm bỏ qua những điều này trong vấn đề giáo lý là không đúng.

 

Thế nhưng, việc cứu độ do Chúa Giêsu Kitô thực hiện còn sâu xa hơn cả việc Người cứu chuộc con người khỏi tội lỗi nữa. Vì việc cứu độ này làm trọn dự án Thiên Chúa đã khai mở để thông mình ra trong Chúa Giêsu một cách trọn vẹn đến nỗi nó hoàn toàn vượt trên những gì con người có thể hiểu được. Dự án này chẳng những không chấm dứt vì việc sa phạm của con người, mà lại còn ban xuống ân sủng tràn đầy hơn cả sự chết gây ra do tội lỗi (x.Rm.5:15-17). Dự án này, một dự án phát xuất từ tình yêu, nhờ đó con người được Chúa Thánh Thần kêu gọi để thông phần vào chính sự sống thần linh, lúc nào cũng tác động và thuộc về tất cả mọi thời đại. Cho dù con người có là một tội nhân, họ bao giờ cũng vẫn ở trong một cấp trật duy nhất theo ý Thiên Chúa, tức là trong một cấp trật mà nhờ đó Thiên Chúa nhân lành chia sẻ bản thân mình với chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, và bởi thế con người mới có thể, theo ân sủng tác động, đạt đến ơn cứu độ nhờ việc ăn năn thống hối.

 

ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ CỦA KITÔ HỮU

 

63-       Chúa Kitô đã ủy nhiệm các môn đệ của Người phải dạy việc tuân giữ mọi điều Người đã truyền (x.Mt.28:20). Vì thế, giáo lý cũng phải bao gồm chẳng những các điều cần phải tin tưởng mà còn cả những điều cần phải thực hiện nữa.

 

Đời sống luân lý của Kitô hữu, một đời sống theo cách tác hành thì xứng với con người và với một người con Thiên Chúa thừa nhận, là một đáp ứng đối với nhiệm vụ của việc sống động và tăng trưởng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, theo sự sống mới được Chúa Giêsu Kitô truyền đạt cho.

 

Đời sống luân lý của Kitô hữu được hướng dẫn bởi ân sủng và các ơn Chúa Thánh Thần. “Tình yêu của Thiên Chúa đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng được ban cho chúng ta” (Rm.5:5).

 

Tính cách đơn sơ dễ dạy trong việc nghe theo tác động của Chúa Thánh Thần giúp cho tín hữu tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, lề luật của Giáo Hội và các luật lệ dân sự chính đáng.

 

Niềm tự do của Kitô hữu cũng còn cần phải được vạch ra và dẫn dắt trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống con người. Bởi thế, lương tâm của tín hữu, cả khi được nhân đức khôn ngoan chỉ điểm cho đi nữa, cũng phải tùy thuộc vào Huấn Quyền của Giáo Hội là thẩm quyền có nhiệm vụ cắt nghĩa toàn bộ lề luật luân lý một cách đáng tin cậy, để lương tâm có thể thể hiện một cách đúng đắn và xác đáng lãnh vực luân lý khách quan.

 

Hơn nữa, chính lương tâm Kitô hữu cũng phải được dạy cho biết rằng có những tiêu chuẩn tuyệt đối, tức là những tiêu chuẩn buộc trong tất cả mọi trường hợp và buộc đối với tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao các thánh đã tuyên xưng Chúa Kitô qua việc thực hành các nhân đức anh hùng; các vị tử đạo thực sự đã chịu khổ, kể cả việc bị hành hạ và chết đi, còn hơn là các ngài chối bỏ Chúa Kitô.

 

ĐỨC ÁI TRỌN HẢO

 

64-       Tác động của Thần Linh Chúa Kitô tỏ hiện khi đặc tính chuyên biệt nơi giáo huấn luân lý Kitô Giáo được sáng tỏ; tất cả mọi qui luật và hướng dẫn của giáo huấn về luân lý này đều được tóm lại ở đức tin tác hành qua đức ái (x.Gal.5:6), và đó thực sự là linh hồn của giáo huấn luân lý Kitô Giáo.

 

Con người được kêu gọi từ nguyện liên kết với ý muốn của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự; đó là “lòng tuân phục tin tưởng khiến cho con người tự nguyện trao phó toàn thân mình cho Thiên Chúa” (DV, 5). Tuy nhiên, vì Thiên Chúa là tình yêu, và vì dự án của Ngài đòi phải truyền đạt tình yêu của Ngài ra nơi Chúa Giêsu Kitô và đòi phải hiệp nhất loài người trong tình yêu thương nhau mà việc tự nguyện và trọn vẹn liên kết với Thiên Chúa cũng như với ý muốn của Ngài, chẳng khác gì như việc theo một lối sống được tình yêu điều khiển trong việc tuân giữ các giới răn; nói cách khác, nó giống như việc gắn bó và thực hành giới luật bác ái như là một giới luật mới vậy.

 

Bởi thế, con người được kêu gọi để ôm ấp trong đức tin một đời sống đức ái hướng về Thiên Chúa cũng như tha nhân; đời sống đức ái này chất chứa trách nhiệm cao cả nhất của con người và phẩm vị luân lý vinh thăng của họ. Bất kể ơn gọi hay bậc sống của mình, sự thánh thiện của con người không là gì khác hơn là đức ái trọn hảo (x.LG, 39-42).

 

GIÁO HỘI LÀ DÂN CHÚA VÀ LÀ CƠ CẤU CỨU ĐỘ

 

65-       Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập đã bắt nguồn từ sự chết và phục sinh của Người. Giáo Hội là một Dân Chúa mới đã được sửa soạn theo giòng lịch sử của dân Yến-Duyên; một dân mà Chúa Kitô đã hiến mạng sống và  làm cho lớn lên bằng việc tràn ban Thần Linh, và là một dân mà Người mãi mãi canh tân và hướng dẫn bởi các tặng ân phẩm trật và đoàn sủng của Người; “một dân được làm cho nên một với sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần” (LG, 4).

 

Bởi thế, vì Giáo Hội là Dân Chúa, là xã hội của người tín hữu, và là mối hiệp thông loài người trong Chúa Kitô, mà Giáo Hội cũng là công việc của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.

 

Những nguyên tố làm hạ sinh Kitô hữu, hình thành họ và thiết lập họ nên như một cộng đồng (tức là, kho tàng đức tin, các bí tích và các tông vụ thừa tác), đều chất chứa nơi Giáo Hội Công Giáo. Các nguyên tố này đã được ký thác cho Giáo Hội, và các hoạt động của hội thánh đều phát xuất từ các nguyên tố ấy. Nói cách khác, trong Giáo Hội có tất cả mọi phương tiện cần thiết để liên kết chính Giáo Hội cũng như để hướng dẫn Giáo Hội đến mức độ trưởng thành như mối hiệp thông của con người trong Chúa Kitô. Công việc này là kết qủa chẳng những bởi tác động của một Thiên Chúa siêu việt, và bởi việc làm âm thầm của Chúa Kitô cùng với Thần Linh của Người, mà còn bởi các cơ cấu, vai trò và hoạt động cứu rỗi của Giáo Hội nữa. Bởi thế, ngoài việc là một xã hội của người tín hữu, Giáo Hội còn là mẹ tín hữu nữa, vì công việc phục vụ và công việc có hiệu qủa của Giáo Hội.

 

Giáo Hội là Dân thánh của Thiên Chúa, một dân thông phần vào vai trò rao giảng của Chúa Kitô (x.LG, 12). Được tụ hợp lại nhờ lời Chúa, dân này chấp nhận lời Chúa và làm chứng cho lời Chúa khắp thế giới. Giáo Hội là một dân tư tế: “Chúa Kitô, vị Thượng Tế được chọn giữa loài người, ‘làm nên cho Thiên Chúa là Cha mình một vương quốc và các vị tư tế’ (Rev.1:6) từ đám dân mới này. Thành phần lãnh nhận phép rửa tội, bởi được tái sinh và xức dầu Thánh Linh, đã được thánh hiến thành một ngôi nhà thiêng liêng và thành một chức tư tế thánh thiện. Như thế, nhờ tất cả những việc làm xứng hợp với con người Kitô hữu mà họ có thể hiến dâng những hy tế thiêng liêng và loan truyền quyền năng của Đấng đã kêu gọi họ từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng” (LG, 10). Tuy nhiên, Giáo Hội chính yếu là một xã hội có phẩm trật; xã hội có phẩm trật này là đám dân được chăn dắt bởi các vị Chủ Chiên là thành phần hiệp nhất với Vị Thượng Giáo Chủ, Đại Diện của Chúa Kitô, cũng là thành phần đi theo sự hướng dẫn của Vị Thượng Giáo Chủ này (x.LG, 22). Tín hữu nhìn vào các vị bằng tình yêu con cái và bằng một lòng kính tôn phục tùng. Giáo Hội là một dân đang trên đường lữ hành tiến về tầm mức viên trọn của mầu nhiệm Chúa Kitô.

 

Việc Thánh Linh hiện diện nơi Giáo Hội, một mặt, bảo toàn nơi Giáo Hội, một cách không khiếm khuyết, các điều kiện khách quan cần thiết cho việc gặp gỡ thánh hảo giữa Giáo Hội và Chúa Kitô; mặt khác, việc hiện diện của Thánh Linh cũng mang lại cho Giáo Hội chính việc gặp gỡ này, để Giáo Hội nỗ lực trong việc liên tục thanh tẩy và canh tân nơi các phần thể của mình, thay cho các phần thể của mình và nơi các cơ cấu có thể thay đổi của mình.

 

GIÁO HỘI NHƯ MỘT HIỆP THÔNG

 

66-       Giáo Hội là một mối hiệp thông. Chính Giáo Hội đã đạt được nhận thức trọn vẹn hơn về sự thật này nơi Công Đồng Chung Vaticanô II.

 

Giáo Hội là một dân được Thiên Chúa qui tụ và được liên kết bằng các mối giây thiêng liêng chặt chẽ. Cơ cấu của Giáo Hội cần có tính cách khác biệt về các tặng ân cũng như về các vai trò; tuy nhiên, những khác biệt nơi Giáo Hội, mặc dù chúng có thể khác biệt nhau chẳng những về cấp độ mà còn cả về yếu tính nữa, như trường hợp giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế phổ quát nơi dân Chúa, cũng không có nghĩa là sẽ làm mất đi tính cách bình đẳng căn bản chính yếu nơi con người. “Dân được tuyển chọn của Thiên Chúa là một dân duy nhất: ‘một Chúa, một đức tin, một phép rửa’ (Eph.4:5). Là phần tử của dân này, họ chia sẻ cùng một phẩm vị chung nhờ việc tái sinh của họ trong Chúa Kitô. Họ có cùng một ơn làm con cái và cùng một ơn gọi nên trọn lành. Họ có chung một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia… Và nếu bởi ý Chúa Kitô có một số trong họ được kêu gọi làm thày dạy, làm người phân phối các mầu nhiệm và làm mục tử chăn dắt kẻ khác, thì tất cả cũng vẫn thực sự bình đẳng nhau theo phẩm vị và sinh hoạt chung đối với tất cả mọi tín hữu trong việc xây dựng Thân Thể của Chúa Kitô” (LG, 32).

 

Thế nên, trong Giáo Hội, mọi ơn gọi đều đáng kính trọng và là một lời mời gọi đến tình yêu viên trọn, tức là đến sự thánh thiện; mọi người đều được trang bị bằng sự tốt hảo siêu nhiên riêng biệt, cần phải được tôn trọng. Tất cả mọi tặng ân và đoàn sủng, mặc dù theo khách quan có hơn kém nhau (x.1Cor.12:31; 7:38), cũng hòa hợp với nhau để làm lợi cho tất cả mọi phần thể bằng muôn vàn hình thức đáp ứng, những hình thức mà vai trò tông truyền phải nhận ra và điều hợp (x.LG, 12). Điều này cũng áp dụng cho tất cả mọi giáo hội riêng; vì nơi mỗi một giáo hội, cho dù nhỏ bé và nghèo nàn hay sống rải rác, vẫn có “Chúa Kitô hiện diện, và bởi quyền năng của Người, Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền này được qui tụ lại với nhau” (LG, 26).

 

Tín hữu Công Giáo phải quan tâm tới các Kitô hữu ly khai là thành phần không sống trọn vẹn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, bằng việc cầu nguyện cho họ, trao đổi với họ về các vấn đề Giáo Hội, và bắt đầu tiến tới với họ. Tuy nhiên, trước hết, theo hoàn cảnh của mình, mỗi người phải thành thực và chuyên chú đặt nặng những vấn đề trong chính gia đình Công Giáo đã, những vấn đề cần phải canh tân và đạt tới, để đời sống của gia đình này trở thành một chứng từ trung thực và sáng tỏ hơn cho tín lý cũng như cho các việc Chúa Kitô thiết lập được các vị tông đồ truyền lại (x.UR, 4, 5).

 

GIÁO HỘI NHƯ MỘT CƠ CẤU CỨU ĐỘ

 

67-       Giáo Hội chẳng những là một mối hiệp thông giữa anh em có Chúa kitô là đầu, Giáo Hội còn tỏ mình ra như một cơ cấu nắm giữ vai trò cứu độ phổ quát. Dân Chúa, được Chúa Kitô hình thành “như một mối hiệp thông sự sống, đức ái, chân lý, cũng được Người sử dụng như phương thế cho việc cứu chuộc tất cả mọi người, và được sai vào khắp thế giới như ánh sáng thế gian và như muối đất” (LG, 9).

 

Vì lý do này, Giáo Hội, như Công Đồng Chung Vaticanô II cho thấy, như là một thực tại ôm ấp tất cả lịch sử, chấp nhận tất cả các nền văn hóa khác nhau của lịch sử và qui hướng các nền văn hóa này về Thiên Chúa; và nhờ tác động của Thần Linh Chúa Kitô, được cấu tạo nên “bí tích cứu độ phổ quát”. Giáo Hội cũng được cho thấy như là một Giáo Hội nhập cuốc đối thoại với thế giới. Để ý tới các dấu chỉ thời đại, Giáo Hội khám phá ra những gì con người đang cho là quan trọng và về những gì Giáo Hội am hợp với họ. Hơn nữa, Giáo Hội cố gắng làm cho thế giới hiểu biết và nhận ra Giáo Hội, bằng việc Giáo Hội nỗ lực bỏ đi các hình thức bề ngoài không có tính cách Phúc Aâm là bao nhiêu, cũng như nỗ lực bỏ đi ở những hình thức mang dấu vết của các kỷ nguyên đã qua hiện lên hoàn toàn qúa rõ ràng.

 

Dĩ nhiên Giáo Hội không thuộc về thế gian này, Giáo Hội không “có tham vọng trần thế” (GS, 3) và sẽ chỉ nên toàn hảo ở trên trời, nơi Giáo Hội gắn mắt nhìn lên và đang hành trình tiến về. Tuy nhiên Giáo Hội có liên hệ với thế giới và với lịch sử của thế giới. Tuy nhiên, “mối quan tâm sâu xa của Giáo Hội, vị Hôn Thê của Chúa Kitô, đối với các nhu cầu của con người, với những niềm vui và hy vọng của họ, với những sầu thương và nỗ lực của họ, không là gì khác hơn ước muốn hết sức muốn được ở với họ, để soi sáng họ bằng ánh sáng của Chúa Kitô và qui tụ tất cả họ lại trong Người, Đấng Cứu Tinh duy nhất của họ. Mối quan tâm này không bao giờ có nghĩa là Giáo Hội nên một với các sự trên đời này, hay Giáo Hội giảm bớt lòng thiết tha trông đợi Chúa của Giáo Hội cũng như Vương Quốc trường sinh” (Đức Phaolô VI, Professio Fidei, đoạn 27, AAS, 1968, trang 444).

 

MẸ MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA, LÀ MẸ GIÁO HỘI VÀ LÀ MÔ PHẠM CHO GIÁO HỘI

 

68-       Mẹ Maria được liên kết với Chúa một cách khôn tả, bằng việc là Mẹ Trinh Nguyên của Người, một người mẹ đã “chiếm một địa vị cao nhất trong Hội Thánh sau Chúa Kitô song lại rất gần với chúng ta” (LG, 54).

 

Tặng ân của Thần Linh Chúa Kitô được biểu lộ nơi Mẹ một cách hoàn toàn chuyên nhất, vì Mẹ Maria “đầy ơn phúc” (Lk.1:28), và là “một mô phạm của Giáo Hội” (LG, 63). Nơi Mẹ, Đấng được gìn giữ khỏi tất cả mọi tì vết nguyên tội, Đấng tự nguyện và hoàn toàn trung tín với Chúa, và là Đấng được lên trời vinh hiển cả hồn lẫn xác, Chúa Thánh Thần đã hoàn toàn biểu dương tặng ân của Ngài. Vì Mẹ hoàn toàn nên một “với Con Mẹ, Người Con là Chúa các chúa, là Vị Chiến Thắng tội lỗi và sự chết” (LG, 59). Vì Người là Mẹ Thiên Chúa và là “mẹ chúng ta trong trật tự ân sủng” (LG, 61), là mô thức đồng trinh và từ mẫu của toàn thể Giáo Hội (x.LG, 63-65), và là dấu hiệu của một niềm hy vọng và ủi an bảo đảm cho Dân Chúa lữ hành (x.LG, 69), mà Mẹ Maria, “bằng một cách nào đó, liên kết và phản ánh trong Mẹ các chân lý chính của đức tin”, và Mẹ triệu tập các tín hữu về cho Con Mẹ cũng như cho hiến tế của Người, và cho tình yêu đối với Chúa Cha” (LG, 65). Thế nên, Giáo Hội vẫn tôn kính tín hữu và các thánh nhân là thành phần đã ở với Chúa và đang chuyển cầu cho chúng ta” (LG, 49, 50), cũng đặc biệt tôn kính Mẹ của Chúa Kitô, Đấng cũng là Mẹ của Giáo Hội.

 

VIỆC HIỆP THÔNG SAU HẾT VỚI THIÊN CHÚA

 

69-       Trong Chúa Giêsu Kitô và nhờ mầu nhiệm của Người, tín hữu sống ở đời này hy vọng đợi chờ “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng sẽ ban cho thân xác thấp hèn của chúng ta một thể thức mới theo như khuôn mẫu của thân xác hiển vinh Người” (Phil.3:21; x.1Cor.15). Tuy nhiên, các thực tại sau cùng sẽ hiện lộ và thành toàn khi và chỉ khi nào Chúa Kitô đến trong uy quyền, như vị Thẩm Phán kẻ sống và kẻ chết, để chấm dứt lịch sử và trao về cho Chúa Cha dân của Người, ngỏ hầu “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1Cor.15:24-28). Cho đến khi “Chúa tới trong uy nghi, có tất cả các thiên thần ở với Người, và cho đến khi sự chết bị hủy diệt và tất cả mọi sự qui phục Người, thì còn có một số môn đệ của Người đang lữ hành trên thế gian, một số đã chấm dứt cuộc sống này và đang được thanh tẩy, cũng như một số khác đang hưởng vinh quang, rõ ràng chiếm hưởng chính Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất, như Ngài là” (LG, 49).

 

Vào ngày Chúa đến, toàn thể Giáo Hội sẽ đạt đến mức hoàn thiện của mình và sẽ tiến vào tầm vóc viên trọn của Thiên Chúa. Đó là chính nền tảng của niềm hy vọng và của lời Kitô hữu nguyện cầu (“nước Cha trị đến”). Giáo lý một mặt phải chỉ dạy vấn đề các sự sau hết theo khía cạnh an ủi, trông cậy và kính sợ (x.1Thes.4:18) là những gì con người tân tiến rất cần thiết; mặt khác, giáo lý phải được truyền đạt để làm sao thấy được toàn thể sự thật. Việc giảm bớt đến tối thiểu trách nhiệm nặng nề mà mọi người phải có đối với định mệnh của mình trong tương lai là một điều không đúng. Giáo lý không thể âm thầm bỏ qua việc phán xét sau khi chết của mỗi người, hay việc chịu các hình phạt trong Luyện Ngục, hoặc thực tại buồn than của sự chết đời đời, hay việc chung thẩm. Vào ngày đó, mỗi người sẽ hoàn toàn đạt đến đích điểm của mình, vì tất cả mọi người chúng ta sẽ được tỏ hiện “trước tòa Chúa Kitô, để mỗi người lãnh lấy phần của mình, tốt hay xấu, tùy theo cuộc sống trong thân xác của mình” (2Cor.5:10), và “những ai đã làm lành sẽ sống lại để được sống; còn những kẻ hành ác sẽ sống lại để chịu trầm luân” (Jn.5:29; LG, 48).