Chương IV
CÁC PHƯƠNG TRỢ GIÁO LÝ
CÁC PHƯƠNG TRỢ
116- Những phương trợ sau đây được coi như các dụng cụ chính cho vấn đề giáo lý:
· Các bản chỉ nam của Hội Đồng Giám Mục;
· Các chương trình;
· Các thứ giáo lý;
· Các sách giáo khoa;
· Các phương trợ về thính thị.
CÁC BẢN GIÁO LÝ CHỈ NAM
117- Các bản chỉ nam được phác họa để phát động và điều hợp hoạt động giáo lý trong địa hạt của một miền hay một xứ sở, hoặc ngay cả của một vài quốc gia có cùng một điều kiện về văn hóa xã hội. Trước khi các bản chỉ nam này được ban hành, chúng phải được trình cho mọi Vị Bản Quyền liên hệ và phải được đệ trình lên Tòa Thánh để được phê chuẩn (x. cùng bản tổng dẫn giáo lý này ở đoạn 134).
CÁC CHƯƠNG TRÌNH
118- Các chương trình phác họa ra cho các mục đích giáo dục cần phải được đạt thành tùy theo tuổi tác hay nơi chốn hoặc thời gian ấn định, các tiêu chuẩn về phương pháp cần phải được sử dụng, và nội dung cần phải được giảng dạy theo vấn đề giáo lý. Phải hết sức cẩn thẩn để các mầu nhiệm đức tin được thành phần người lớn tin tưởng cũng có ở trong chương trình giáo lý cho trẻ em và thanh thiếu niên một cách thích ứng với lứa tuổi của chúng (xem cùng bản tổng dẫn giáo lý này ở đoạn 134).
CÁC BẢN GIÁO LÝ
119- Phần giáo lý quan trọng nhất phải được gắn liền với các thứ giáo lý do thẩm quyền giáo hội phổ biến. Mục đích của chúng là để cung cấp, dưới hình thức ngắn gọn và cụ thể, các chứng từ về mạc khải cũng như về truyền thống Kitô Giáo và các yếu tố chính rất hữu dụng cho hoạt động giáo lý, tức là cho việc giáo dục cá nhân trong đức tin. Các chứng từ về truyền thống phải được tôn trọng xứng đáng, và phải hết sức thận trọng trong việc tránh trình bày các giải thích đặc biệt theo ý kiến riêng tư của mình hay theo quan điểm của một số trường phái thần học như là các tín lý thuộc đức tin. Tín lý của Giáo Hội phải được trình bày một cách trung thực. Ở đây các qui tắc đã được phác ra trong Chương I của Phần Ba cần phải tuân giữ.
Vì những khó khăn lớn lao trong việc liên kết những việc này lại với nhau và tầm quan trọng cả thể của những chứng từ này mà thật là thích hợp khi:
a) có được sự hợp tác của một số chuyên viên về lãnh vực giáo lý và về lãnh vực thần học;
b) có được ý kiến của các chuyên viên về những lãnh vực tôn giáo và nhân bản khác, cũng như các cơ cấu mục vụ khác;
c) hội ý với các Đấng Bản Quyền địa phương và cẩn thận lưu tâm đến những ý kiến của các vị;
d) phải thực hiện một số thử nghiệm cần trước khi được đúc kết phổ biến;
e) xét lại các bản giáo lý này một cách thích đáng sau một thời hạn nào đó.
Trước khi ban hành, các bản giáo lý này phải được đệ trình lên Tòa Thánh để Tòa Thánh cứu xét và chuẩn nhận (x. bản tổng dẫn giáo lý này ở số 134).
CÁC SÁCH GIÁO KHOA
120- Các sách giáo khoa là những phương trợ được cống hiến cho cộng đồng Kitô hữu đang lo việc giảng dạy giáo lý. Không một cuốn sách giáo khoa nào có thể thay thế được việc truyền đạt sống động sứ điệp Kitô Giáo; tuy nhiên, các sách giáo khoa thực sự có một giá trị đặc biệt khi chúng có thể giúp cho việc trình bày trọn vẹn hơn về chứng từ của truyền thống Kitô Giáo cũng như về các yếu tố dưỡng nuôi hoạt động giáo lý. Việc sắp đặt các bản giáo lý này lại với nhau đòi phải có một nỗ lực hợp tác của một số các chuyên gia cũng như cần ý kiến của các chuyên viên khác.
CÁC CUỐN CẨM NANG CHO GIÁO LÝ VIÊN
121- Những cuốn cẩm nang này phải có:
· việc giải thích sứ điệp cứu độ (luôn luôn được đối chiếu với các nguồn trích dẫn, và phải phân biệt rõ ràng giữa những gì liên quan đến đức tin và tín lý cần phải được nắm giữ với những điều chỉ là ý kiến riêng của các nhà thần học);
· lời khuyên về tâm lý và về sư phạm;
· các đề nghị về phương pháp dạy.
Các sách vở và các tài liệu in ấn khác cho việc học hỏi và sinh hoạt của giáo lý sinh cũng cần phải được cung cấp. Những tài liệu in ấn này có thể là một phần trong những cuốn sách được dùng để dạy họ, hay chúng có thể được phổ biến như những tập sách nhỏ biệt lập.
Sau hết, việc phổ biến các cuốn sách cho cha mẹ sử dụng cũng cần phải được lưu tâm, nếu vấn đề liên quan đến việc dạy giáo lý cho trẻ em.
CÁC PHƯƠNG TRỢ VỀ THÍNH THỊ
122- Các phương trợ về thính thị đặc biệt được sử dụng:
a) như nguồn liệu làm giầu cho việc hướng dẫn giáo lý bằng các yếu tố khách quan; bởi thế các nguồn liệu này phải trổi vượt về tính chất trung thực, về việc cẩn thận chọn lọc các tư tưởng và về việc tính cách minh bạch nơi đường lối sư phạm; và
b) như các hình ảnh được dùng để vun trồng một cách thích hợp các quan năng cảm giác và trí tưởng; bởi thế các hình ảnh ấy phải có một vẻ đẹp thực sự và gây cảm kích nơi con người.
Đối với các phương trợ này, cần phải thực hiện những việc sau đây:
· Nuôi dưỡng việc học hỏi liên quan đến tiêu chuẩn hướng dẫn việc sản xuất và chọn lựa những phương trợ này hợp với các phương diện riêng biệt của sứ điệp Kitô Giáo cần phải được trình bày, cũng như hợp với các nhóm người đặc biệt thưởng thức các phương trợ đó; và
· Hướng dẫn các giáo lý viên trong việc sử dụng đứng đắn các phương trợ này (thường xẩy ra là các giáo lý viên không biết gì về bản chất thích hợp của ngôn ngữ về thị giác; lại càng hay xẩy ra hơn nữa là các phương trợ về thính thị được sử dụng một cách không thích hợp đã dẫn đến thái độ thụ động hơn là chủ động; vân vân).
PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
123- Trong số những phương tiện thì truyền thông xã hội có tác dụng làm sáng tỏ thực tại và làm hiện thực các biến cố, các việc làm và tư tưởng về những gì chúng muốn nói lên, hay ngược lại, làm giảm sút nhận định chung về tầm quan trọng của những gì chúng không muốn phổ biến.
Bởi thế, sứ điệp cứu độ phải có chỗ đứng của mình nơi phương tiện truyền thông xã hội (x.IM, 3). Việc Giáo Hội sử dụng phương tiện truyền thông không đòi Giáo Hội phải hoàn toàn thông thạo ngành này cho bằng việc Giáo Hội cần phải cổ võ sự hợp tác giữa các nhà sản xuất, các nhà soạn thảo và các diễn viên để họ giúp Giáo Hội đạt được mục đích dành cho sứ điệp cứu độ một chỗ đứng trong ngành truyền thông xã hội. Việc hợp tác như vậy, nơi cấp quốc gia và quốc tế, đòi phải lập ra một nhóm chuyên viên có thể đắc lực hỗ trợ khi Giáo Hội cần họ góp ý cho các chương trình sinh hoạt liên quan đến đạo.
Phận sự của giáo lý cũng phải chỉ dạy cho tín hữu nhận ra bản chất và giá trị của những gì được truyền thông trình chiếu. Điều này qủa thực cần phải có kiến thức ngôn từ về kỹ thuật hợp với ngành truyền thông này.
VIỆC GIẢNG DẠY THEO CHƯƠNG TRÌNH
124- Vấn đề giáo lý có thể và phải sử dụng phương trợ về thính thị để có thể đạt được mục đích của mình dễ dàng hơn. Về lãnh vực này có một phương pháp hiện nay đang càng ngày càng có thế và cũng là một phương pháp trong ngành giáo dục được gọi là “việc soạn dạy” (programmed instruction). Không thể nào coi thường không biết tới phương pháp này.
Tuy nhiên, về vấn đề ấy, người ta phải để ý tới những khó khăn xẩy ra hoặc bởi các sự thật giảng dạy hay bởi chính mục đích của giáo lý. Phải tránh những câu trả lời không được dọn trước. Trái lại, đối với cả cho việc dọn chương trình cũng như cho việc diễn đạt các sự thật bằng hình ảnh trợ giúp, cần phải kêu gọi đến nỗ lực chung của các chuyên gia về khoa thần học thánh, giáo lý và nghệ thuật giảng dạy về thính thị.