Chương VIII

 

VIỆC HỢP TÁC TOÀN CẦU
VÀ CÁC MỐI LIÊN HỆ VỚI TÒA THÁNH

 

VIỆC HỢP TÁC TOÀN CẦU

 

132-     Tập Đoàn Hội Thánh thi hành phận vụ của mình một cách hợp tác chặt chẽ (x. LG, 22-23; AG, 38; CD, 2,4). Những thành qủa của việc liên kết gây tác dụng cho vấn đề giáo lý ấy đã được đề cập đến một số lần trong Phần Sáu này của Bản Tổng Dẫn Giáo Lý (chẳng hạn, ở Chương II: về việc so sánh các mục đích mục vụ nơi các xứ sở gần nhau; Chương III: về việc thiết lập các học viện cao cấp; Chương IV: về việc giải quyết các phương trợ chung; Chương VII: về việc nghiên cứu theo khoa học).

 

Thừa tác vụ lời Chúa cho thành phần di dân cũng đòi phải có sự hợp tác toàn cầu.

 

Công việc phải được thành tựu thì lưỡng diện: Một mặt lời Chúa phải được mang đến cho thành phần di dân. Vì những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và tập tục, việc này đòi phải có một cuộc trao đổi cả về nội dung cũng như nhân sự giữa giáo hội của xứ sở mà thành phần di dân xuất phát với giáo hội của xứ sở tiếp nhận thành phần này. Mặt khác thừa tác vụ lời Chúa này còn cần phải làm cho Kitô hữu của các nước gia chủ hiểu biết về các vấn đề đòi hỏi của thành phần di dân mà lấy tình yêu huynh đệ để sẵn sàng đón nhận họ.

 

Việc hợp tác toàn cầu cũng cần cả cho vấn đề giáo lý đối với thành phần du lịch nữa. “Phong trào du lịch”, như tên gọi của nó, qủa thật càng ngày càng thịnh hành khắp các nước (x. Directorium Generale Pro Ministerio Pastorali Quoad ‘Turismum’, Passim).

 

Việc hợp tác toàn cầu phải tỏ ra tôn trọng các công việc và điều kiện của giáo hội địa phương. Bởi thế, các xứ sở có nhiều tiến bộ hơn về nhân sự, về phương tiện kinh tế và về nghiên cứu khoa học, phải trợ giúp các xứ sở không tiến bộ bằng mình, song không được pháp áp đặt kiểu cách suy nghĩ và hành động hay các phương pháp riêng của mình.

 

TÒA THÁNH

 

133-     Như Thánh Phêrô được đặt làm đầu Tông Đồ Đoàn và là nền tảng dựng xây Giáo Hội thế nào thì Vị Kế Thừa Thánh Phêrô, tức Giáo Hoàng Rôma (x.LG, 22), cũng là thủ lãnh hữu hình của Giám Mục Đoàn và toàn thể Dân Chúa như vậy. Ngài làm trọn vai trò giảng dạy và quản trị phổ quát của mình như Vị Đại Diện Chúa Kitô Mục Tử của toàn thể Giáo Hội (x.LG, 22) bao giờ cũng vì sự an toàn và việc phát triển thiêng liêng của Dân Chúa. Tuy nhiên, ngài có thể tự do thi hành vai trò này theo nhu cầu của Giáo Hội bằng đường lối riêng, hay bằng đường lối tập đoàn, tức cùng với các giám mục trong toàn Giáo Hội. Ngài thực hiện theo đường lối riêng của mình bằng hành động riêng của ngài hay qua việc làm của các thừa tác viên của ngài mà chính yếu là việc các Văn Phòng của Tòa Thánh Rôma làm.

 

THÁNH BỘ VỀ GIÁO SĨ

 

134-     Trách nhiệm trọng yếu đối với vấn đề giáo lý ở những lãnh thổ được gọi là thuộc về luật chung đã có Thánh Bộ về Giáo Sĩ (Văn Phòng Đặc Trách) lo. Thánh Bộ này có nhiệm vụ giải quyết, điều hợp và sắp xếp các vấn đề phải thực hiện đối với việc cổ động rao giảng lời Chúa cùng với các công việc tông đồ; Thánh Bộ này còn có nhiệm vụ phổ biến những gì cần biết, và cổ võ bao nhiêu có thể việc hợp tác giữa các nước khác nhau.

 

Văn Phòng này giúp vào việc khai lập và hướng dẫn các văn phòng đảm trách vấn đề giáo lý.

 

Văn Phòng này cứu xét và châu phê các bản giáo lý chỉ nam, các bản giáo lý và các chương trình giảng dạy lời Chúa do Hội Đồng Giám Mục phổ biến. Văn Phòng này khuyến khích tổ chức các hội nghị giáo lý toàn quốc, hay cho phép hoặc tổ chức các hội nghị giáo lý quốc tế (x. Const. Apost., Regimini Ecclesiae Universae, đoạn 69; Letter of the Secretariat of State, Augïust 20, 1969, N.143741).