Phụ Trương
VIỆC XƯNG TỘI VÀ RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU
T
rong số các công việc của vấn đề giáo lý thì việc dọn mình cho trẻ em lãnh nhận các bí tích Giải Tội và Thánh Thể là một việc rất hệ trọng. Bởi thế, đây cũng là dịp tốt để nhắc lại một vài nguyên tắc và cho thấy một vài nhận định về các thử nghiệm vừa được thực hiện gần đây ở một số miền hay một số nơi trong Giáo Hội.
TUỔI KHÔN
1- Tuổi xứng hợp để bắt đầu lãnh nhận các bí tích này được hiểu là tuổi mà, theo các văn kiện của Giáo Hội, được gọi là tuổi có trí khôn hay tuổi khôn. Tuổi này là tuổi “cho cả việc Xưng Tội và Rước Lễ, tuổi đứa trẻ bắt đầu biết lý luận, tức vào độ hơn kém bảy tuổi. Từ tuổi này trở đi bắt đầu buộc phải giữ các khoản luật về việc Xưng Tội và Rước Lễ” (Sắc Lệnh Quam Singulari, I, AAS, 1910, trang 582). Cần phải cổ võ việc học hỏi trong vấn đề nghiên cứu ngành tâm lý mục vụ và việc cho thấy lứa tuổi này là một lứa tuổi đang dần dần phát triển, lứa tuổi tùy thuộc vào các điều kiện khác nhau, và là lứa tuổi tỏ hiện một bản chất chuyên biệt nơi mọi đứa trẻ. Tuy nhiên, cũng cần phải ý tứ đừng vượt ra ngoài các giới hạn thời gian uyển chuyển mà chính luật phép về việc Xưng Tội và Rước Lễ bắt đầu buộc phải thi hành, như được đề cập đến trên đây.
VIỆC HUẤN LUYỆN VÀ PHÁT TRIỂN LƯƠNG TRI LUÂN LÝ CỦA TRẺ EM
2- Trong khi khả năng lý luận cứ từ từ phát triển nơi đứa nhỏ thì lương tri về luân lý của bé cũng được uốn nắn nữa, tức là bé được uốn nắn về khả năng phán đoán hành động của mình theo qui tắc luân lý. Có một số các yếu tố và hoàn cảnh khác nhau cấu hợp nên việc hình thành lương tri về luân lý này của một đứa nhỏ, đó là tính tình và kỷ cương của gia đình, một trong những yếu tố giáo dục quan hệ nhất trong những năm đầu đời của đứa nhỏ, việc chúng liên hệ với tha nhân, và các sinh hoạt cùng gương sống đạo của cộng đồng giáo hội. Khi thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc hướng dẫn và hình thành đức tin Kitô Giáo, giáo lý sắp đặt các yếu tố giáo dục khác nhau này, đề cao chúng và hoạt động sát cạnh với chúng. Chỉ nhờ cách này giáo lý mới có thể tuần tự hướng đứa nhỏ về Chúa Cha trên trời và mới có thể điều chỉnh lại những gì lệch lạc hay chiều hướng sống sai trái có thể xẩy ra. Ở lứa tuổi này, đứa nhỏ chắc chắn phải được bảo ban, một cách đơn giản bao nhiêu có thể, về Thiên Chúa là Chúa và là Cha của chúng ta, về tình Ngài yêu thương chúng ta, về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã làm người vì chúng ta, và là Đấng đã chết rồi sống lại. Bằng việc nghĩ đến tình yêu của Thiên Chúa, đứa nhỏ sẽ dần dần có thể nhận ra cái xấu xa của tội lỗi là những gì bao giờ cũng xúc phạm đến Thiên Chúa là Cha cũng như đến Chúa Giêsu, và còn là những gì phạm đến đức bác ái, nhân đức làm chúng ta yêu thương tha nhân mình và yêu thương bản thân mình.
CẦN PHẢI CẮT NGHĨA BÍ TÍCH GIẢI TỘI CHO TRẺ EM
3- Khi một đứa nhỏ bắt đầu phạm tội mất lòng Thiên Chúa thì em cũng bắt đầu ước mong được thứ tha, chẳng những từ cha mẹ hay họ hàng mà còn từ Thiên Chúa nữa. Giáo lý giúp cho em nuôi dưỡng ước mong này một cách lành mạnh, gợi lên nơi em một tấm lòng lành thánh chán ghét tội lỗi, một ý thức thấy cần phải cải thiện đời sống, và nhất là cần phải kính mến Thiên Chúa. Công việc đặc biệt của vấn đề giáo lý ở đây là cắt nghĩa một cách thích hợp cho thấy rằng Việc Xưng Tội theo bí tích là một phương tiện được cung cấp cho con cái của Giáo Hội để họ lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi, việc này tự mình lại càng cần hơn cho ai sa ngã phạm tội trọng. Cha mẹ Kitô hữu và các vị dạy đạo phải bảo đảm dạy cho đứa nhỏ để làm làm sao em biết trước hết nỗ lực tấn tới hơn trong tình thân với Chúa Giêsu cũng như trong chân tình với tha nhân. Tín lý về bí tích Thống Hối phải được trình bày một cách bao rộng về việc đạt được tình trạng tinh tuyền và tiến triển thiêng liêng theo lòng trông cậy vững vàng vào lòng xót thương và tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ đó, các trẻ em chẳng những dần dần đạt được một tinh tường về lương tri mà còn không chán nản thất vọng khi các em sa phạm lỗi lầm tệ hơn nữa.
Thánh Thể là tột đỉnh và là tâm điểm của toàn thể đời sống Kitô Giáo. Ngoài tình trạng cần phải có ơn thánh, linh hồn còn phải thật tinh sạch mới xứng đáng lên Rước Lễ. Tuy nhiên, phải ý tứ kẻo trẻ em cứ nghĩ rằng không cần phải xưng tội trước khi lãnh nhận Thánh Thể, miễn là người ta thành tâm kính mến Chúa và không xa lìa khỏi đường lối giới răn Chúa một cách trầm trọng.
MỘT VÀI THỬ NGHIỆM MỚI
4- Vào thời gian rất gần đây, Giáo Hội ở một vài địa hạt đã thực hiện một số thử nghiệm liên quan đến việc lãnh nhận các phép bí tích Thống Hối và Rước Lễ lần đầu. Những thử nghiệm này đã gây ra rắc rối và lẫn lộn.
Một số người có thể cho rằng, trẻ em được Rước Lễ lần đầu không cần phải lãnh nhận bí tích Thống Hối trước, thì việc Rước Lễ của các em mới thích đáng, cũng như mới tránh khỏi các rắc rối về tâm lý nơi đời sống Kitô Giáo sau này do bởi việc Xưng Tội quá sớm, và mới dạy cho các em kỹ hơn về tinh thần thống hối ăn năn, cùng bồi bổ thêm giáo lý dọn mình Xưng Tội vững hơn cho các em.
Tuy nhiên, việc Xưng Tội ngay từ khi bắt đầu biết sử dụng trí khôn thực sự tự nó không tác hại đến tâm trí của các em, nếu việc này theo nhu cầu được sửa soạn bằng việc học hỏi giáo lý đàng hoàng và kỹ lưỡng. Tinh thần thống hối có thể được phát triển hoàn toàn hơn bằng việc tiếp tục giảng dạy giáo lý sau khi Rước Lễ lần đầu; kiến thức về và cảm nhận được tặng ân cao cả Chúa Kitô ban cho loài người tội lỗi nơi bí tích xá giải mà họ sẽ lãnh nhận và làm hòa cùng Giáo Hội (x.LG,11) cũng là những gì có thể tăng tiến như thế.
Những điều này, ở một số nơi, đã không ngăn được việc đưa đến thói lệ dành một số năm cách khoảng giữa việc Rước Lễ lần đầu và việc Xưng Tội lần đầu. Tuy nhiên, ở các nơi khác lại rất thận trọng đối với các thứ mới mẻ ấy, vì việc Xưng Tội lần đầu không bị đình trệ bao nhiêu, hay vì chú trọng đến phán đoán của cha mẹ là thành phần thích con cái mình Xưng Tội trước Rước Lễ lần đầu.
BUỘC PHẢI COI TRỌNG VIỆC ÁÙP DỤNG THỰC HÀNH CHUNG
5- Đức Giáo Hoàng Piô X đã công bố rằng: “Thói lệ không cho phép trẻ em Xưng Tội hay không bao giờ ra việc đền tội cho các em, khi các em tới tuổi biết sử dụng trí khôn, phải được hoàn toàn bác bỏ” (Sắc Lệnh Quam Singulari, VII, AAS, 1910, trang 583). Người ta có thể ít chú trọng tới quyền mà đứa nhỏ đã lãnh nhận phép rửa tội được hưởng trong việc xưng thú tội lỗi của chúng, nếu khi bắt đầu tới tuổi khôn chúng không được dạy cho biết bí tích Thống Hối và được ân cần dẫn tới bí tích này.
Người ta cũng phải nhớ rằng, ích lợi của việc Xưng Tội, một việc vẫn có tác hiệu ngay cả khi chỉ có tội nhẹ, và là một việc làm tăng ân sủng và lòng bác ái, làm cho đứa trẻ càng xứng đáng hơn trong việc rước Thánh Thể, cũng như giúp vào việc làm cho đời sống Kitô hữu được hoàn hảo hơn. Bởi thế, sự ích lợi của việc Xưng Tội không thể bỏ qua bằng những hình thức thống hối hay những thừa tác vụ lời Chúa khác là những gì nuôi dưỡng nơi trẻ em tinh thần thống hối và có thể thực hiện một cách hiệu qủa cùng với bí tích Thống Hối qua việc học giáo lý đầy đủ. Kinh nghiệm mục vụ của Giáo Hội, một kinh nghiệm được chứng tỏ điển hình bằng những mẫu gương ngay cả ở vào thời chúng ta đây, cho Giáo Hội thấy rằng tuổi nào được gọi là tuổi khôn để xứng hợp với tác động của ân sủng rửa tội nơi trẻ em, mà nhờ việc dọn mình kỹ lưỡng lãnh nhận các bí tích Thống Hối và Thánh Thể, tác động này làm trổ sinh những hoa trái đầu tiên, những hoa trái chắc chắn sẽ được tăng thêm nhờ việc tiếp tục học hỏi giáo lý sau đó.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các điểm trên đây, dựa vào thói lệ chung và tổng quát tự nó không thể bị giảm thiểu mà không có sự chuẩn nhận của Tòa Thánh, cũng như dựa vào ý kiến của các Hội Đồng Giám Mục, Tòa Thánh thấy rằng thói lệ hiện nay đang được thực hành trong Giáo Hội về việc Xưng Tội trước việc Rước Lễ lần đầu là một thói lệ đáng phải được bảo tồn. Quyết định ấy không có nghĩa là ngăn cấm thói lệ này được thực hành bằng các cách thức khác nhau, như cử hành việc thống hối chung trước hay sau việc lãnh nhận bí tích Thống Hối.
Tòa Thánh không phải là không để ý tới những điều kiện riêng biệt vốn có nơi một số nước, thế nhưng Tòa Thánh cũng kêu gọi các vị giám mục ở vấn đề quan trọng này là đừng tách lìa thói lệ hiện hành mà không trước hết bàn hỏi với Tòa Thánh theo tinh thần hiệp thông giáo phẩm. Các vị cũng đừng tự động cho phép các cha xứ hay các thày cô hoặc các giáo học viện bắt đầu hay tiếp tục loại trừ thói lệ hiện hành.
Tuy nhiên, ở những miền đã bắt đầu theo các thói lệ mới đặc biệt khác với thói lệ chính yếu thì Hội Đồng Giám Mục cần phải cứu xét lại những thử nghiệm này. Sau đó, nếu muốn tiếp tục những thử nghiệm ấy một thời gian nữa, Hội Đồng Giám Mục trước hết cần phải bàn với Tòa Thánh là thẩm quyền muốn nghe các vị, và các vị phải có một lòng trí với Tòa Thánh.
Dịch xong Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, 11-2-1999
Cùng Mẹ Ngợi Khen Chúa
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.