Tập Hai
Bản Tổng Dẫn Giáo Lý
Directorium Catechisticum Generale
Của Thánh Bộ về Giáo Sĩ
Ban hành ngày 14-4-1971
(Chuyển dịch từ ấn bản Anh ngữ in lần thứ hai năm 1971
của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã được Thánh Bộ về Giáo Sĩ chuẩn nhận)Lời Đầu
Bản Tổng Dẫn Giáo Lý này được phổ biến theo chỉ thị của Sắc Lệnh về Vai Trò Mục Vụ của Giám Mục trong Giáo Hội, đoạn 44.
Việc sửa soạn cho văn kiện này đã phải mất một thời gian đáng kể, chẳng những vì những khó khăn trong một công việc như thế này, mà còn vì phương pháp cần sử dụng để cấu tạo nên nó nữa.
Bởi thế, sau khi thành lập một ủy ban bao gồm những người thật chuyên môn về giáo lý – đến từ các nước khác nhau và được chọn theo lời đề nghị của một số hàng giáo phẩm – điều đầu tiên phải làm là xin các hàng giáo phẩm khác nhau cố vấn và cho ý kiến.
Căn cứ vào những gì được cố vấn và góp ý, Bản Hướng Dẫn đầu tiên đã được thảo ra dưới một hình thức bố cục chỉ mới cho thấy những tính chất chính yếu mà thôi. Bản thảo này được mổ xẻ trong phiên họp đặc biệt của Thánh Bộ về Giáo Sĩ. Sau đó, một bản thảo dài hơn đã được thành văn, và lại được gửi đến các Hội Đồng Giám Mục để xin các hội đồng này cho biết ý kiến. Theo lời cố vấn và nhận định của các vị giám mục lần hai này, Bản Hướng Dẫn đúc kết đã hoàn thành. Tuy nhiên, trước khi được phổ biến, Bản Hướng Dẫn đúc kết này cũng đã được một ủy ban riêng về thần học cùng với Thánh Bộ về Tín Lý Đức Tin duyệt xét.
Mục đích của Bản Hướng Dẫn này là để cống hiến những nguyên tắc căn bản về mục vụ thần học – những nguyên tắc đã được lấy từ Huấn Quyền của Giáo Hội, nhất là từ Công Đồng Chung Vaticanô II – nhờ đó hoạt động mục vụ về thừa tác vụ lời Chúa có thể được hướng dẫn và điều hành một cách xứng hợp hơn. Đó là lýù do tại sao Bản Hướng Dẫn này đặc biệt nhấn mạnh đến phương diện lý thuyết, mặc dù, như sẽ thấy, nó cũng không hề coi thường phương diện áp dụng thực hành. Việc nhấn mạnh về phương diện lý thuyết như vậy đặc biệt là vì: những lầm lẫn chúng ta thường thấy trong vấn đề giáo lý ngày nay có thể tránh được, nếu người ta bắt đầu đúng cách thức hiểu biết về bản chất cũng như mục đích của giáo lý cùng với các chân lý chất chứa trong giáo lý, làm sao cho hợp với thành phần mà giáo lý nhắm tới và hợp với hoàn cảnh sống của họ. Hơn nữa, việc áp dụng riêng những nguyên tắc và công bố trình bày trong Bản Hướng Dẫn này vào các trường hợp cụ thể là tùy ở các hàng giáo phẩm khác nhau, bằng các bản hướng dẫn toàn quốc và theo miền, cũng như bằng các cuốn giáo lý và các phương trợ xứng hợp khác mang lại kết qủa cho việc phát động công cuộc của thừa tác vụ lời Chúa.
Đã hẳn không phải tất cả mọi phần trong Bản Hướng Dẫn này đều quan trọng như nhau. Những vấn đề nói về mạc khải thần linh, tiêu chuẩn nhờ đó sứ điệp Kitô giáo phải được phổ biến, và các yếu tố nổi bật hơn nữa trong cùng sứ điệp này, cần phải được tất cả mọi người nắm giữ. Ngoài ra, những vấn đề nói về tình trạng hiện tại, về phương pháp học, và về hình thức giáo lý dành cho thành phần khác tuổi nhau, lại được coi như những đề nghị và hướng dẫn, vì một số trong những vấn đề này, vì nhu cầu, đã được lấy từ các khoa học nhân bản, cả về lý thuyết cũng như thực hành, là những vấn đề thực sự cần phải chuyển biến.
Bản Hướng Dẫn này chính yếu nhắm đến các vị giám mục, các Hội Đồng Giám Mục, và nhắm đến chung tất cả mọi người trong quyền lãnh đạo và hướng dẫn của các thẩm quyền này lãnh trách nhiệm ở lãnh vực giáo lý. Mục đích trực tiếp của Bản Hướng Dẫn này là để giúp vào việc phát hành những bản hướng dẫn giáo lý và các cuốn sách giáo lý. Thật thế, chính vì lý do này, tức là để giúp vào việc sửa soạn làm nên các dụng cụ ấy, mới có những điều sau đây. Một số đặc tính căn bản nơi hoàn cảnh sống của ngày hôm nay đây đã được nêu lên, để khích thích việc nghiên cứu học hỏi ở các vùng Giáo Hội khác nhau, việc nghiên cứu học hỏi phải được thực hiện cách thận trọng và tinh tế đối với hoàn cảnh địa phương và nhu cầu mục vụ địa phương. Một vài nguyên tắc chung về phương pháp học và về giáo lý cho các lứa tuổi khác nhau cũng được lưu ý đến, để đề cao việc cần đến chừng nào việc phải học hỏi nghệ thuật giáo dục và khôn ngoan giáo dục. Phần III đã được viết ra với tất cả nỗ lực đặc biệt, phần nêu lên tiêu chuẩn cần phải theo trong việc trình bày các chân lý được giáo lý truyền đạt, và là phần cho thấy các yếu tố chính yếu của đức tin Kitô giáo, để làm sáng tỏ hoàn toàn mục đích giáo lý cần phải có, tức là việc trình bày đức tin Kitô giáo một cách trọn vẹn.
Vì Bản Hướng Dẫn này nhắm đến các xứ sở khác nhau rất nhiều về hoàn cảnh sống cũng như về nhu cầu mục vụ mà chỉ có các trường hợp chung chung hay trung bình mới cần được lưu ý. Thế nên, trong việc nhận định và đánh giá Bản Hướng Dẫn này, người ta phải để ý riêng đến tính chất đặc biệt này cũng như đến cấu trúc của nó. Việc diễn tả về công cuộc mục vụ ở Phần VI cũng phải hiểu như thế. Phần VI này bàn đến hoạch định về hoạt động mục vụ cần phải được phát động, một hoạch định chỉ được trình bày một cách tổng quan. Hoạch định về hoạt động mục vụ này có lẽ sẽ thiếu sót đối với những vùng giáo lý đã có lâu đời, trong khi đó, ở những nơi giáo lý chưa tiến triển lắm, có thể lại là những đòi hỏi qúa nhiều.
Việc phổ biến văn kiện này là một bằng chứng mới nói lên mối quan tâm của Giáo Hội đối với một thứ thừa tác vụ tuyệt đối cần thiết cho việc hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới. Hy vọng với lời cầu nguyện văn kiện này sẽ được đón nhận cũng như được cẩn thận học hỏi và đặt nặng cách riêng đối với các nhu cầu mục vụ ở từng cộng đồng giáo hội. Cũng hy vọng là văn kiện này có thể khơi động việc học hỏi mới mẻ và hăng say hơn để trung thành đáp ứng các nhu cầu của thừa tác vụ lời Chúa cũng như các tiêu chuẩn của Huấn Quyền Hội Thánh.
Chữ Tắt
(Những Văn Kiện của Công Đồng Chung Vaticanô II)
AA: Apostolicam Actuo sitatem
Sắc Lệnh về Việc Tông Đồ của Người Giáo Dân
AG: Ad Gentes
Sắc lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội
CD: Christus Dominus
Sắc Lệnh về Vai Trò Mục Vụ của Giám Mục trong Giáo Hội
DH: Dignitatis Humanae
Tuyên Ngôn về Quyền Tự Do Tôn Giáo
DV: Dei Verbum
Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thần Linh
GE: Gravissimum Educationis
Tuyên Ngôn về Việc Giáo Dục Kitô Giáo
GS: Gaudium et Spes
Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến
IM: Inter Mirifica
Sắc Lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội
LG: Lumen Gentium
Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội
NA: Nostra Aetate
Tuyên Ngôn về Mối Liên Hệ của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo
OT: Optatam Totius
Sắc Lệnh về Việc Đào Luyện Linh Mục
PC: Perfectae Caritatis
Sắc Lệnh về Việc Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Tu Trì
PO: Presbyterorum Ordinis
Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục
SC: Sacrosantum Concilium
Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh
UR: Unitatis Redintegratio
Sắc Lệnh về Việc Đại Kết