Cơ Cấu của Vấn Đề Giáo Lý
Tâm Điểm của Vấn Đề Giáo Lý
1. Trước hết, cần phải nhấn mạnh là, ở ngay trung tâm điểm của giáo lý, chúng ta thấy, theo yếu tính của nó, một Con Người, Con Người Giêsu Nazarét, “Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý” (Gioan 1:14), Đấng đã chịu khổ nạn và chết đi cho chúng ta và là Đấng giờ đây, sau khi sống lại, đang sống với chúng ta đến muôn đời. Chúa Giêsu chính “là đường, là sự thật và là sự sống” (Gioan 14:6), và đời sống Kitô hữu là ở chỗ theo Chúa Kitô, sequela Christi. (CT: 5)
2. Các chân lý phải được tin tưởng bao gồm tình yêu Thiên Chúa. Ngài đã dựng nên tất cả mọi sự vì Chúa Kitô và phục hồi chúng ta cho sự sống trong Chúa Giêsu Kitô. Các phương diện khác nhau của mầu nhiệm này phải được cắt nghĩa để làm sao tâm điểm của mầu nhiệm là Chúa Giêsu, Người với tư cách là tặng ân cao cả nhất Thiên Chúa ban cho loài người, phải chiếm được chỗ nhất, và cũng để làm sao, từ Người, các chân lý khác của giáo huấn Công Giáo được thành hình theo thứ tự và đẳng cấp của mình, hợp với quan điểm giáo huấn (xem các đoạn 43, 49 của Bản Tổng Dẫn này). (DCG:16)
3. Chúa Giêsu Kitô, Lời Chúa nhập thể, vì Người là lý do đệ nhất tại sao Thiên Chúa can thiệp vào thế giới và tỏ mình ra cho con người, là trung tâm điểm của sứ điệp Phúc Aâm trong lịch sử cứu độ… Thế nên giáo lý mới phải lấy Chúa Kitô làm trọng tâm. (DCG: 40)
Bản Chất của Vấn Đề Giáo Lý
4. Tổng quát mà nói thì vấn đề giáo lý ở đây có thể được coi là việc giáo huấn trẻ em, giới trẻ và người lớn trong đức tin, một đức tin bao gồm đặc biệt giáo huấn của học thuyết Kitô giáo được truyền đạt, nói chung, một cách có tổ chức đâu vào đấy, nhắm đến việc đưa người lãnh hội tới một đời sống Kitô giáo trọn vẹn. (CT:18)
Đối Tượng của Vấn Đề Giáo Lý
5. Đối tượng căn bản và chính yếu của giáo lý là “mầu nhiệm Chúa Kitô”, một thành ngữ được Thánh Phaolô cũng như thần học hiện đại ưa dùng. (CT: 5)
6. Giáo lý lấy mầu nhiệm và các việc làm của Thiên Chúa làm đối tượng, tức là, các việc làm Thiên Chúa đã thực hiện, đang thực hiện và sẽ thực hiện cho loài người chúng ta và cho phần rỗi của chúng ta… Một thứ giáo lý bỏ qua mối liên hệ và hòa hợp này nơi nội dung của sứ điệp cứu độ có thể trở thành hoàn toàn vô dụng trong việc đạt đến đích điểm xứng hợp của mình. (DCG: 39)
Chỉ Nam của Vấn Đề Giáo Lý
7. Giáo lý phải gắng phác họa tiến trình của mình theo kim chỉ nam của mạc khải, một mạc khải được huấn quyền phổ quát của Giáo Hội truyền đạt bằng thể thức long trọng hay thông thường. Mạc khải này nói với chúng ta về một Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc, Đấng mà Con Ngài đã đến ở giữa chúng ta bằng xương bằng thịt, và đã đi vào chẳng những đời sống mỗi cá nhân mà còn cả lịch sử nhân loại nữa, như Người là tâm điểm của lịch sử. (CT: 52)
8. Bởi thế, mạc khải này cho thấy một cuộc biến đổi sâu xa nơi con người cũng như nơi vũ trụ, nơi tất cả những gì dính dáng đến sự sống con người dưới ảnh hưởng của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. (CT: 52)
9. Được thấm nhuần như thế, giáo lý sẽ vượt ra ngoài mọi tính cách luân lý vụ hình thức, mặc dù giáo lý bao gồm cả giáo huấn luân lý Kitô giáo thực sự. Thật vậy, giáo lý vượt ra ngoài “tính cách thiên sai” thuộc về trần thế, xã hội hay chính trị. Giáo lý tìm đạt tới chính bản thân nội tại của con người. (CT: 52)
Các Nguồn của Vấn Đề Giáo Lý
10. Nội dung của giáo lý được chất chứa nơi lời Chúa, trong thánh kinh hay thánh truyền; nội dung giáo lý được con người hiểu biết và khai triển sâu xa hơn bằng việc họ thực hành đức tin của mình theo hướng dẫn của Huấn Quyền Hội Thánh là thẩm quyền dạy dỗ duy nhất; nội dung giáo lý này được cử hành trong phụng vụ; được chiếu tỏa nơi đời sống của Giáo Hội, nhất là nơi người công chính và nơi các thánh nhân; và, bằng một cách nào đó, nội dung giáo lý này cũng được thấy nơi cả các giá trị luân lý đích thực mà, theo quan phòng thần linh, biểu lộ ra trong xã hội loài người. Tất cả những điều ấy đều là nguồn mạch của giáo lý. (DCG: 45)
Nội Dung của Vấn Đề Giáo Lý
11. Giáo lý phải chuyên chở lời Chúa, như lời Chúa được Giáo Hội trình bày, bằng một ngôn ngữ của con người là thành phần lời Chúa hướng tới (x. DV, 13; OT, 16). Khi Thiên Chúa mạc khải mình ra cho loài người, Ngài đã dùng ngôn ngữ loài người làm dấu chỉ cho lời của Ngài, bằng cách diễn đạt lời của Ngài theo một thứ ngôn ngữ thuộc về một nền văn hóa đặc biệt (x. DV, 12). (DCG: 32)
12. Mạc khải là việc biểu lộ mầu nhiệm của Thiên Chúa và của tác động cứu độ Ngài làm trong lịch sử. Mạc khải được thực hiện qua việc Thiên Chúa thông mình ra cho loài người. Nội dung của việc Thiên Chúa thông mình này cấu tạo nên sứ điệp cứu độ là sứ điệp phải được rao giảng cho tất cả mọi người. (DCG: 37)
13. Chúa Kitô đã ủy nhiệm các môn đệ của Người phải dạy việc tuân giữ mọi điều Người đã truyền (x.Mt.28:20). Vì thế, giáo lý cũng phải bao gồm chẳng những các điều cần phải tin tưởng mà còn cả những điều cần phải thực hiện nữa. (DCG: 63)
Cấu Trúc của Vấn Đề Giáo Lý
14. Cần phải làm sao để không phân ly cấu trúc chặt chẽ của giáo lý cho trẻ em và giới trẻ, một thứ giáo lý vĩnh viễn, với giáo lý cho người lớn. Càng cần phải làm sao để không gián đoạn giữa các phần giáo lý này. Trái lại, tính cách hoàn toàn bổ túc cho nhau của những phần giáo lý này phải được bảo dưỡng: người lớn dồi dào kiến thức giáo lý để chia sẻ với giới trẻ và trẻ em, song họ cũng có thể nhận lại được từ chúng nhiều kiến thức giáo lý cần cho việc tăng trưởng đời sống Kitô hữu của họ. (CT:45)
15. Như Chúa Kitô là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ thế nào, mầu nhiệm Thiên Chúa cũng là trung tâm điểm mà lịch sử này được bắt đầu mở màn và phải qui về như cùng đích của mình. Chúa Kitô tử giá và phục sinh dẫn con người đến cùng Chúa Cha bằng việc sai Chúa Thánh Thần xuống với Dân Chúa. Vì lý do này mà cấu trúc của toàn thể nội dung giáo lý phải là Thiên Chúa và là Ba Ngôi: qua Chúa Kitô, tới Chúa Cha, trong Thần Linh. (DCG:41)
Mục Đích của Vấn Đề Giáo Lý
16. Vấn đề giáo lý cần cho cả việc trưởng thành đức tin Kitô hữu lẫn việc họ làm chứng nhân trong thế giới: Nó nhắm đến việc làm cho Kitô hữu “đạt đến tình trạng hiệp nhất trong đức tin và trong kiến thức về Con Thiên Chúa, nên con người thành toàn là Đức Kitô viên trọn tầm vóc” (Ephêsô 4:13); nó cũng nhắm đến việc giúp họ sẵn sàng trả lời cho những ai đặt vấn đề với họ về niềm hy vọng ở nơi họ (xem 1Phêrô 3:15). (CT: 33)
17. Giáo lý có phận vụ trợ giúp cho việc bắt đầu và tiến triển của đời sống đức tin kéo dài suốt cả cuộc sống của con người, cho tới chỗ chân lý mạc khải được hoàn toàn hiểu biết và áp dụng vào đời sống con người. (CDG: 30)
18. Giáo lý phải cho thấy rõ ràng mối liên hệ rất chặt chẽ nơi mầu nhiệm Thiên Chúa và Chúa Kitô với việc hiện hữu và cùng đích tối hậu của loài người. (CDG: 42)