Mục Tiêu của Vấn Đề Giáo Lý

 

Vấn Đề Giáo Lý cho Giới Ấu Nhi

 

19. Đứa con còn rất nhỏ lãnh nhận những ý niệm giáo lý đầu tiên từ cha mẹ của mình cũng như từ hoàn cảnh gia đình mình. Những ý niệm này có lẽ không là gì khác ngoài kiến thức đơn giản về một Người Cha tốt lành và quan phòng ở trên trời là Đấng đứa bé cần phải nhận biết để hướng lòng về Ngài. Các kinh nguyện rất ngắn mà em bé bập bẹ học được sẽ mở màn cho cuộc đối thoại dễ thương của chúng với vị Thiên Chúa ẩn kín ấy, vị Thiên Chúa mà lời của Ngài sau đó chúng sẽ bắt đầu được nghe nói đến. (CT:36)

 

Vấn Đề Giáo Lý cho Giới Thiếu Nhi

 

20.  Nó là giáo lý khai tâm nhưng không phải là một giáo lý phân mảnh, vì nó sẽ cho thấy, mặc dù bằng một đường lối sơ cấp, tất cả những mầu nhiệm chính yếu của đức tin cùng với những tác hiệu của những mầu nhiệm này nơi đời sống luân lý cũng như đạo lý của đứa bé. Nó chính là giáo lý mang lại ý nghĩa cho các bí tích, đồng thời nó cũng lãnh nhận từ việc sống các bí tích đó một chiều kích sống động để cho nó khỏi tính cách thuần giáo thuyết, và nó truyền thông cho đứa nhỏ niềm vui minh chứng cho Chúa Kitô trong cuộc sống thường nhật. (DCG: 37)

 

Vấn Đề Giáo Lý cho Giới Thanh Thiếu Niên

 

21. Giáo lý không thể phủ nhận những phương diện biến chuyển của đoạn đời yếu mềm này. Một giáo lý có khả năng dẫn thanh thiếu niên đến việc tái xét lại đời sống nam hay nữ của mình cũng như đến việc dấn thân đối thoại, một giáo lý không gạt đi những vấn nạn quan trọng của tuổi thanh xuân – về việc hiến mình, về niềm tin, về yêu thương và về những phương cách diễn đạt yêu thương theo phái tính – một giáo lý như vậy là một giáo lý quan thiết. (CT: 38)

 

Vấn Đề Giáo Lý cho Giới Thành Niên

 

22. Một thứ giáo lý nhân danh lòng đại lượng bác bỏ tính vị kỷ và trình bày một cách trọn vẹn theo Kitô giáo ý nghĩa của việc làm, của công ích, của công lý và bác ái, một thứ giáo lý về hòa bình thế giới cũng như về việc tiến triển phẩm vị con người, về vấn đề tiến bộ và về việc giải phóng, như được trình bày trong các văn kiện gần đây của Giáo Hội (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới tân tiến Gaudium et Spes: AAS 58 năm 1966, trang 1025-1120; Đức Phaolô VI, Thông Điệp Populorum Progressio: AAS 59 năm 1967, trang 257-299; Tông Thư Octogesima Adveniens: AAS 63 năm 1971, trang 401-441; Tông Huấn Evangelii Nuntiandi: AAS 68 năm 1976, trang 5-76), là một thứ giáo lý có lợi cho những thực tại thực sự có tính cách tôn giáo, những thực tại không bao giờ được coi thường, hoàn toàn hợp với tâm trí của con người trẻ. (CT: 39)

 

23. Bấy giờ, giáo lý giữ một vai trò thật quan trọng, vì đó là thời gian có thể trình bày, học hiểu và chấp nhận Phúc Aâm như một khả năng làm cho đời sống có ý nghĩa, nhờ đó, làm nẩy sinh những thái độ dứt khoát, như việc hy sinh bản thân mình, vô tư, tự chủ, chính trực, dấn thânï, hòa giải, cảm thức về Đấng Tối Cao và vô hình. Tất cả những thái độ này là những đặc điểm phân biệt một người trẻ nam hay nữ, môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, khác hẳn với đồng bạn của họ. (CT: 39)

 

Vấn Đề Giáo Lý cho Giới Người Lớn

 

24.  Đây là một hình thức giáo lý chính yếu, vì nó được trình bày với những người mang trách nhiệm lớn nhất và có khả năng sống sứ điệp Kitô giáo trong một thể thức trọn vẹn của nó (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Vai Trò Mục Vụ của Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, đoạn 14: AAS 59 năm 1967, trang 257-299; Tông Thư Octogesima Adveniens: AAS 63 năm 1971, trang 401-441; Tông Huấn Evangelii Nuntiandi: AAS 68 năm 1976, trang 5-76). Cộng đồng Kitô hữu không thể thực hiện một thứ giáo lý vững vàng mà lại không có sự tham dự trực tiếp và có khả năng của thành phần người lớn, với tư cách là thụ lãnh viên hay phát động viên của sinh hoạt giáo lý. (CT: 43)

 

25.  Trong cái thế giới mà giới trẻ được kêu gọi để sống và làm chứng cho đức tin, một đức tin được giáo lý tìm cách đào sâu và kiên cường, là một thế giới phải được người lớn làm quản nhiệm. Cả đức tin của những người lớn này nữa cũng phải được tiếp tục soi sáng, nẩy nở và canh tân, để nó có thể hòa nhập với các thực tại trần thế họ phụ trách. (CT: 43)

 

Vấn Đề Giáo Lý cho Giới Trẻ Già

 

26.  Bởi vậy, từ tuổi ấu nhi cho đến ngưỡng cửa thành nhân, giáo lý vĩnh viễn là một trường học đức tin và đi theo với những đoạn đời chính, như một ngọn đèn trên cao soi sáng cho đường đi nước bước của tuổi thơ, tuổi thanh xuân và tuổi mới trưởng thành. (CT: 39)

 

27.  Bởi thế, để công hiệu, giáo lý phải có một tính cách vĩnh tồn, và giáo lý sẽ hoàn toàn vô bổ nếu nó ngưng lại ở ngưỡng cửa của tuổi thành nhân, vì giáo lý dưới một hình thức khác cũng chứng tỏ cho thấy không kém cần thiết cho người lớn. (CT: 43)

 

28.  Giáo lý cho người lớn ở mọi lứa tuổi, kể cả người già, những người đáng được chú trọng đến kinh nghiệm và những nỗi khó khăn của họ, cũng không thua kém gì giáo lý cho tuổi thiếu nhi, tuổi thanh xuân và tuổi mới trưởng thành. (CT: 45)