Phận Sự Tác Vụ Giáo Lý

 

 

Tác Vụ Giáo Lý với Ơn Sủng Đức Tin

 

1.         Đức tin là một tặng ân của Thiên Chúa ban để kêu gọi con người trở về với Ngài… Giáo lý thi hành phận vụ là giúp cho con người có thể lãnh nhận tác động của Chúa Thánh Thần và đi sâu vào việc cải thiện của họ. Giáo lý thi hành phận vụ này là nhờ ở lời Chúa cùng với chứng tá đời sống và lời cầu nguyện. (DCG: 22)

 

Tác Vụ Giáo Lý với Việc Làm Đức Tin

2.        Một con người trưởng thành trong đức tin thì hoàn toàn chấp nhận lời mời gọi của Phúc Aâm, lời mời gọi thúc đẩy họ tới việc hiệp thông với Thiên Chúa cũng như với anh chị em mình; họ dấn thân làm những phận vụ liên hệ với lời mời gọi này (x.AG, 12)… Giáo lý phải biết bồi dưỡng và soi sáng cho việc tăng triển thần đức yêu mến nơi các cá nhân tín hữu cùng với các cộng đồng hội thánh, cũng như phải biết bồi dưỡng và soi sáng cho việc biểu lộ của cùng thần đức này đối với các nhiệm vụ liên quan đến cá nhân cũng như cộng đồng. (DCG: 23)

 

Tác Vụ Giáo Lý với Kiến Thức Đức Tin

 

3.      Một con người trưởng thành trong đức tin nhận biết mầu nhiệm cứu độ được tỏ hiện trong Chúa Kitô, và biết được cả các dấu hiệu cùng các việc làm thần linh là những gì làm chứng cho sự kiện là mầu nhiệm này được thể hiện nơi lịch sử loài người. Bởi thế, giáo lý chỉ làm khơi lên một cảm nghiệm về đạo mà thôi thì vẫn chưa đủ, dù cảm nghiệm về đạo này là một cảm nghiệm thực sự đi nữa; hơn thế nữa, giáo lý phải góp phần vào việc làm cho tín hữu hiểu được dần dần tất cả sự thật về dự án thần linh, bằng cách giúp họ đọc Sách Thánh và học hiểu về thánh truyền. (DCG: 24)

 

Tác Vụ Giáo Lý với Vấn Đề Phụng Vụ

 

4.      Giáo lý cần phải phát động việc tham dự chủ động, ý thức, đích thực vào phụng vụ của Giáo Hội, chẳng những bằng việc giải thích về ý nghĩa các lễ nghi, mà còn bằng việc luyện cho tâm trí tín hữu biết cầu nguyện, biết tạ ơn, biết thống hối, biết cầu nguyện với lòng cậy trông, biết tinh thần cộng đồng, và biết hiểu đúng ý nghĩa của các bản tuyên xưng đức tin.… Giáo lý cũng cần phải luyện cho tín hữu biết suy niệm lời Thiên Chúa và tha thiết với việc cầu nguyện riêng. (DCG: 25)

 

Tác Vụ Giáo Lý với Vấn Đề Bí Tích

 

5.      Trong trường hợp nào đi nữa, giáo lý bao giờ cũng qui về các bí tích. Một đàng, giáo lý sửa soạn cho việc lãnh nhận các bí tích là một loại giáo lý ngoại hạng, và mọi thể thức giáo lý đều cần thiết để dẫn đến cùng các bí tích đức tin. Đàng khác, việc lãnh nhận xứng hợp các bí tích lại đòi buộc phải có cả phương diện giáo lý nữa. Nói cách khác, đời sống bí tích sẽ bị nghèo nàn và chóng trở thành một lễ nghi trống rỗng nếu nó không được căn cứ vào kiến thức kỹ càng về ý nghĩa của các bí tích, và giáo lý cũng sẽ trở thành một mớ lý thuyết trừu tượng nếu nó không được sống động bằng việc lãnh nhận bí tích. (CT: 23)

 

6.      Giáo lý có nhiệm vụ phải trình bày bảy phép bí tích đúng như ý nghĩa đầy đủ của các phép này. (DCG: 56)

7.      Trước hết, các phép này phải được trình bày như là các bí tích của đức tin. Chắc chắn các bí tích tự mình đã diễn đạt ý muốn hiệu năng của Chúa Kitô Cứu Thế; thế nhưng, về phần mình, con người cần phải tỏ ra một ý muốn chân thành trong việc đáp lại tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Do đó, giáo lý phải quan tâm đến việc làm sao tạo nên được những điều kiện dọn mình xứng hợp, đến việc gợi lên một tấm lòng chân thành và quảng đại để xứng đáng lãnh nhận các bí tích. (DCG: 56)

 

8.      Thứ đến, các bí tích phải được trình bày, tùy theo bản chất và mục đích riêng của mỗi một phép, chẳng những như là các phương trị tội lỗi cùng các hậu qủa của tội lỗi, mà đặc biệt còn như là các nguồn ân sủng nơi cá nhân cũng như cộng đồng, để toàn thể việc ban phát ân sủng trong đời sống tín hữu được liên hệ một cách nào đó đối với công cuộc bí tích. (DCG: 56)

 

Tác Vụ Giáo Lý với Vấn Đề Thời Đại

 

9.      Một con người trưởng thành trong đức tin có thể nhận ra trong những hoàn cảnh khác nhau và gặp gỡ anh chị em đồng loại của mình lời mời gọi của Thiên Chúa hoạt động cho việc hoàn thành dự án cứu độ thần linh. Thế nên giáo lý phải chú trọng đến phận vụ này, bằng cách dạy cho tín hữu biết các biến cố trần gian theo quan điểm Kitô Giáo, nhất là những dấu chỉ thời đại, để “tất cả có thể xem xét và giải thích mọi sự hoàn toàn theo tinh thần Kitô Giáo” (GS, 62). DCG: 26)

 

Tác Vụ Giáo Lý với Vấn Đề Văn Hóa

 

10.  Chúng ta có thể nói về vấn đề giáo lý, cũng như về việc truyền bá đức tin nói chung, ở chỗ, giáo lý được kêu gọi để mang quyền lực Phúc Aâm vào ngay lòng văn hóa, vào ngay lòng của các nền văn hóa. (CT: 53)

 

11.  Bởi lý do đó, giáo lý phải tìm cách hiểu biết các nền văn hóa này cùng với các yếu tố chính của chúng; giáo lý phải học biết những diễn đạt quan trọng nhất của các nền văn hóa này; giáo lý phải tôn trọng những giá trị và kho tàng chuyên biệt của các nền văn hóa ấy. (CT: 53)

 

12.  Trong một cung cách như vậy, giáo lý mới có thể cung hiến cho các nền văn hóa này kiến thức về mầu nhiệm sâu kín (xem Rôma 16:25; Eâphêsô 3:5), và giúp cho chúng mang lại, từ truyền thống tồn tại của mình, những diễn đạt nguyên tuyền của đời sống Kitô giáo, của việc cử hành Kitô giáo và của tư tưởng Kitô giáo… (CT: 53)

 

13.  Đàng khác, quyền lực của Phúc Aâm có sức biến đổi và truyền lan ở khắp mọi nơi. Một khi quyền lực đó đã đi vào một nền văn hóa nào thì cũng không lạ gì việc quyền lực này sẽ làm hoàn chỉnh nhiều yếu tố của nền văn hóa ấy.  Nếu chính Phúc Aâm là những gì cần phải được biến đổi khi giao tiếp với các nền văn hóa thì không còn là vấn đề giáo lý nữa. (CT: 53)

 

Tác Vụ Giáo Lý với Vấn Đề Đại Kết

 

14.  Giáo lý phải hỗ trợ trong vấn đề hiệp nhất này (x.UR, 6), bằng cách giải thích rõ ràng giáo huấn nguyên vẹn của Giáo Hội (x.UR, 11), và bằng cách bồi dưỡng kiến thức thích hợp về các giáo phái khác, cả về các vấn đề hợp với đức tin Công Giáo cũng như những vấn đề khác biệt. Thực hiện việc này, giáo lý cần phải tránh những từ ngữ hay những cách cắt nghĩa tín lý có thể “làm cho anh em ly khai hay cho bất cứ một ai khác bị lầm lẫn về tín lý chân thực của Giáo Hội” (LG, 67). Phải giữ thứ tự hay cấp trật các chân lý của giáo huấn Công Giáo (x. UR, 11; AG, 15; Ad Ecclesiam totam, May 14, 1967, AAS, 1967, trang 574-592). Tuy nhiên, cũng phải trình bày vấn đề tín lý Công Giáo bằng một đức ái cũng như bằng sự vững vàng cần có. (DCG: 27)

 

Tác Vụ Giáo Lý với Vấn Đề Truyền Giáo

 

15.  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi ban hành ngày 8-12-1975 về việc truyền bá phúc âm trong thế giới tân tiến đã có lý nhấn mạnh rằng việc truyền bá phúc âm –việc nhắm đến mục tiêu mang Tin Mừng tới toàn thể nhân loại, để mọi người nhờ đó được sống – là một thực tại phong phú, phức tạp và năng động được tạo nên bởi các yếu tố, hay người ta cũng có thể nói, bởi những lúc, thiết yếu và khác nhau, song tất cả các yếu tố hay những lúc ấy cũng đồng thời có liên hệ với nhau (cùng nguồn vừa dẫn, đoạn 17-24: AAS 68 năm 1976, trang 17-22). Giáo lý là một trong những lúc này – một lúc rất hệ trọng – trong toàn thể tiến trình truyền bá phúc âm. (CT:18)

 

16.  Giáo lý phải giúp cho các cộng đồng này chiếu giãi ánh sáng Phúc Aâm và tạo nên một cuộc đối thoại tốt đẹp với con người cũng như với các nền văn hóa không phải Kitô Giáo, miễn là hiểu đúng quyền tự do tôn giáo ở đây (x. DH; AG, 22). (DCG: 28)

 

Tác Vụ Giáo Lý với Vấn Đề Cánh Chung

 

17.  Một con người trưởng thành trong đức tin thì hướng tư tưởng và ước muốn của mình về cuộc chung kết trọn vẹn của vương quốc Thiên Chúa ở sự sống đời đời. Thế nên, giáo lý phải thi hành phận vụ hướng niềm hy vọng của con người trước tiên về những sản vật tương lai trong Gialiêm thiên quốc. Đồng thời, giáo lý cũng kêu gọi con người phải sẵn sàng cộng tác trong việc lãnh nhận trách nhiệm đối với các người cận thân của mình cũng như đối với nhân loại, để làm cho xã hội loài người được cải tiến (x. GS, 39, 40-43). (DCG: 29)

Tác Vụ Giáo Lý với Đức Tin Trưởng Thành

 

18.  Giáo lý có phận vụ trợ giúp cho việc bắt đầu và tiến triển của đời sống đức tin kéo dài suốt cả cuộc sống của con người, cho tới chỗ chân lý mạc khải được hoàn toàn hiểu biết và áp dụng vào đời sống con người. (DCG: 30)

 

Tác Vụ Giáo Lý có Tính Cách Phong Phú

 

Giáo lý quan tâm đến cộng đồng, song cũng không bỏ quên cá nhân tín hữu. Giáo lý liên hệ với các phận vụ mục vụ khác của Giáo Hội, song giáo lý cũng không mất đặc tính riêng biệt của mình. Cùng một lúc, giáo lý thi hành các phận vụ của việc nhập đạo, chỉ dạy và huấn luyện. Giáo lý rất cần phải giữ lấy tính cách phong phú của mình trong những lãnh vực khác nhau đó, để làm sao lãnh vực này không tách rời khỏi các lãnh vực còn lại đến độ tác hại đến các lãnh vực khác.