Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý bởi Chủ Chăn
200.Nhân danh Chúa Giêsu, Tôi khuyên giới trẻ thuộc về các nhóm này, các vị phụ trách nhóm, và các vị linh mục hiến phần lớn thừa tác vụ của mình cho các nhóm giới trẻ ấy: bằng bất cứ gía nào, đừng để các nhóm này thiếu việc học hỏi kỹ lưỡng các giáo huấn Kitô giáo. Nếu họ thực sự thiếu việc học hỏi kỹ lưỡng các giáo huấn Kitô giáo ấy, các nhóm giới trẻ này sẽ gặp nguy hiểm – một mối hiểm nguy vô phúc thay đã cho thấy quá rõ ràng – làm cho các phần tử của chúng cũng như Giáo Hội thất vọng. (CT: 47)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý qua Bài Giảng
201. Bài giảng xứng hợp đối với vấn đề giáo lý hơn khi được chia sẻ trong khung cảnh phụng vụ, nhất là ở cuộc tụ họp để cử hành Thánh Thể. (CT: 48)
202. Tôn trọng bản chất riêng biệt và cái hòa điệu xứng hợp của khung cảnh phụng vụ này, bài giảng tiếp tục cuộc hành trình đức tin đã được giáo lý tiến hành, để làm cho cuộc hành trình đức tin này được nên trọn theo bản chất của nó. Đồng thời nó cũng phấn khích các môn đệ của Chúa mỗi ngày bắt đầu lại cuộc hành trình thiêng liêng trong chân lý, trong việc tôn thờ và bằng lòng cảm tạ. (CT: 48)
203. Như thế, người ta có thể nói rằng cả việc giảng dạy giáo lý nữa cũng tìm thấy nguồn mạch và tầm vóc trọn vẹn của mình nơi Thánh Thể, trong cả một chu kỳ phụng niên. (CT: 48)
204. Việc giảng dạy, căn cứ trên các bản văn Thánh Kinh, bởi thế, theo đường lối riêng của mình, phải làm cho tín hữu quen thuộc với toàn thể mầu nhiệm đức tin cũng như với các tiêu chuẩn của đời sống Kitô giáo. (CT: 48)
205. Cần phải chú trọng nhiều đến bài giảng: không được quá dài hay quá ngắn; phải luôn luôn được dọn kỹ lưỡng, sâu xa về nội dung song thích ứng với người nghe, và dành riêng cho các thừa tác viên có chức thánh. (CT: 48)
206. Chẳng những phải dành chỗ cho bài giảng trong mọi ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, mà còn trong cả việc cử hành bí tích rửa tội, phụng vụ thống hối, hôn phối và an táng nữa. Đây là một trong những lợi ích của việc canh tân phụng vụ. (CT: 48)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý bằng Giáo Khoa
207.Việc tăng thêm nhiều cuốn sách giáo lý cũng chưa đủ. Để những cuốn giáo lý này hợp với mục tiêu của mình, chúng cần phải có các điều kiện thiết yếu sau đây: (CT: 49)
208.Sách giáo lý phải liên quan tới đời sống thực sự của thế hệ học hỏi giáo lý, ở chỗ, làm cho thế hệ học hỏi giáo lý ấy thấy được nơi cuốn sách giáo lý chúng học những gì rất quen thuộc với những nỗi lo âu và vấn nạn, những đối chọi và niềm hy vọng của chúng; (CT: 49)
209.Sách giáo lý phải gắng diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ mà thế hệ học hỏi giáo lý có thể hiểu được vấn đề; (CT: 49)
210.Sách giáo lý phải trình bày toàn thể sứ điệp của Chúa Kitô và của Giáo Hội Người, không được bỏ qua hay làm méo mó một sự gì, và trong việc diễn giải giáo lý, tùy theo thứ tự và cấu trúc của giáo lý, chúng tỏ cho thấy những điểm chính yếu; (CT: 49)
211.Sách giáo lý phải thực sự nhắm đến việc cung ứng cho những ai học hỏi giáo lý một kiến thức khá hơn về các mầu nhiệm Chúa Kitô, làm cho họ thực sự cải thiện và sống hợp với ý muốn của Thiên Chúa hơn. (CT: 49)
212.Tất cả những ai mang trọng trách phải sửa soạn những dụng cụ giáo lý này, nhất là những bản văn giáo lý, chỉ có thể thực hiện điều này với sự chuẩn nhận của các vị chủ chăn, thành phần có quyền ưng thuận cho việc dọn sách giáo lý, và lấy tất cả hứng khởi từ bản Tổng Dẫn Giáo Lý vẫn là tiêu chuẩn để qui chiếu (xem Sacred CongrÏÏÏegation for the Clergy, Directorium Catechisticum Generale, 119-121, 134: AAS 64 năm 1972, trang 166-167, 172). (CT: 50)
213.Các sách giáo khoa là những phương trợ được cống hiến cho cộng đồng Kitô hữu đang lo việc giảng dạy giáo lý. (DCG: 120)
214.Không một cuốn sách giáo khoa nào có thể thay thế được việc truyền đạt sống động sứ điệp Kitô Giáo; tuy nhiên, các sách giáo khoa thực sự có một giá trị đặc biệt khi chúng có thể giúp cho việc trình bày trọn vẹn hơn về chứng từ của truyền thống Kitô Giáo cũng như về các yếu tố dưỡng nuôi hoạt động giáo lý. (DCG: 120)
215.Việc sắp đặt các bản giáo lý này lại với nhau đòi phải có một nỗ lực hợp tác của một số các chuyên gia cũng như cần ý kiến của các chuyên viên khác. (DCG: 120)
216.Những cuốn cẩm nang (cho Giáo Lý Viên) phải có: việc giải thích sứ điệp cứu độ (luôn luôn được đối chiếu với các nguồn trích dẫn, và phải phân biệt rõ ràng giữa những gì liên quan đến đức tin và tín lý cần phải được nắm giữ với những điều chỉ là ý kiến riêng của các nhà thần học); lời khuyên về tâm lý và về sư phạm; các đề nghị về phương pháp dạy. (DCG: 121)
217.Các sách vở và các tài liệu in ấn khác cho việc học hỏi và sinh hoạt của giáo lý sinh cũng cần phải được cung cấp. Những tài liệu in ấn này có thể là một phần trong những cuốn sách được dùng để dạy họ, hay chúng có thể được phổ biến như những tập sách nhỏ biệt lập. (DCG: 121)
218.Sau hết, việc phổ biến các cuốn sách cho cha mẹ sử dụng cũng cần phải được lưu tâm, nếu vấn đề liên quan đến việc dạy giáo lý cho trẻ em. (DCG: 121)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý tùy Hoàn Cảnh
219.Tuổi đời và mức phát triển tâm trí của Kitô hữu, cấp độ trưởng thành về mặt giáo hội và về mặt thiêng liêng của họ, cùng nhiều hoàn cảnh cá nhân khác nữa, đòi giáo lý phải có nhiều phương pháp khác nhau để đạt được mục tiêu chuyên biệt của giáo lý là việc chỉ dạy trong đức tin. (CT: 51)
220.Ở một trình độ bao quát hơn, cũng cần phải có các phương pháp dạy giáo lý khác nhau để đáp ứng hoàn cảnh xã hội và văn hóa cho những nơi Giáo Hội thực hiện việc giảng dạy giáo lý. (CT: 51)
221.Sinh hoạt giáo lý có thể mặc lấy các hình thức và cấu trúc hoàn toàn khác nhau, tức là, sinh hoạt giáo lý có thể theo cấp hay tùy dịp, có thể cho cá nhân hay cộng đồng, có thể được sắp xếp hay tự nhiên thực hiện, v.v. (DCG: 19)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý có Sư Phạm
222.Về đức tin cũng có khoa sư phạm, và lợi ích khoa này có thể mang lại cho vấn đề giáo lý không thể nói hết được. Các kỹ thuật được hoàn hảo hóa và thử nghiệm cho việc giáo dục chung, theo tự nhiên, cũng phải được chấp nhận cho việc giáo dục về phương diện đức tin. (CT: 58)
223.Tuy nhiên, luôn luôn phải để ý đến tính cách nguyên tuyền tuyệt đối của đức tin. Khoa sư phạm đức tin không phải là vấn đề truyền đạt kiến thức loài người, cho dù đó là việc truyền đạt một kiến thức cao nhất; nó là vấn đề truyền đạt trọn vẹn mạc khải của Thiên Chúa. (CT: 58)
224.Trải suốt giòng lịch sử thánh, nhất là trong Phúc Aâm, chính Thiên Chúa đã sử dụng một lối sư phạm phải được tiếp tục làm mẫu thức cho khoa sư phạm đức tin. Một kỹ thuật chỉ có giá trị trong vấn đề giáo lý khi nó giúp cho đức tin được truyền đạt và học hiểu; bằng không nó sẽ chẳng có giá trị gì. (CT: 58)
225.Lưu ý đến phương pháp truyền đạt của Thiên Chúa, Giáo Hội cũng dùng một phương pháp sư phạm, một phương pháp mới, tuy nhiên, lại là một phương pháp đáp ứng các đòi hỏi mới của sứ điệp Ngài. Dĩ nhiên, Giáo Hội đã thấy được rằng, sứ điệp này, một khi được trình bày không cắt xén hay thêm bớt, phải hợp với khả năng của thành phần học hỏi. (DCG: 33)
226.Để quan tâm tới khả năng hạn hẹp của một số người, Giáo Hội cần phải cắt nghĩa vấn đề một cách giản dị và ngắn gọn, thậm chí dùng đến các công thức tóm tắt thích hợp, những công thức sẽ được cắt nghĩa rõ hơn sau đó. Ngoài ra, để thỏa đáng những đòi hỏi của các trí khôn linh hoạt và có khả năng hơn, Giáo Hội cũng cố gắng sử dụng đến những giải thích sâu xa hơn. (DCG: 33)
227.Bởi thế, giáo lý mới bắt đầu bằng việc trình bày khái quát toàn thể cấu trúc của sứ điệp Kitô Giáo (sử dụng đến cả bản tóm lược hay các công thức chung), và trình bày như thế bằng một đường lối thích hợp với các hoàn cảnh khác nhau về văn hóa và về tâm linh của thành phần học hỏi. (DCG: 38)
228.Việc trình bày ấy phải bảo đảm được thực hiện theo mẫu mực của phương pháp sư phạm thần linh (xem lại đoạn 33 của Bản Tổng Dẫn Giáo Lý này), nhưng cũng phải chú trọng đến toàn vẹn kho tàng mạc khải đã được Thiên Chúa thông đạt, để Dân Chúa được kho tàng mạc khải này nuôi dưỡng và nhờ kho tàng mạc khải này mà sống động. (DCG: 38)
229.Tuy nhiên, việc trình bày mở màn này không chỉ dừng lại ở đó, mà nó còn phải chú trọng tới việc trình bày nội dung sứ điệp cứu độ bằng một thể thức bao giờ cũng đi sâu vào chi tiết hơn và được khai triển rộng hơn nữa, để cá nhân tín hữu cũng như cộng đồng Kitô Giáo có thể chấp nhận sứ điệp Kitô Giáo hoàn toàn sâu xa và sống động hơn, và có thể phán đoán các hoàn cảnh cũng như các việc thi hành cụ thể của đời sống Kitô Giáo theo ánh sáng mạc khải. (DCG: 38)
230.Các qui tắc được phác họa trên đây, về việc trình bày nội dung giáo lý, cần phải áp dụng theo các thể thức giáo lý khác nhau, tức là theo thể thức giáo lý về thánh kinh và phụng vụ, theo thể thức các tóm tắt về tín lý, theo thể thức giải thích về các hoàn cảnh hiện hữu của con người v.v. (DCG: 46)
231.Tuy nhiên, không phải là không thể suy diễn từ các qui tắc này để rút ra một thứ tự phải theo trong việc trình bày nội dung giáo lý. Việc bắt đầu từ Thiên Chúa tới Chúa Kitô là đúng, hay ngược lại; cũng thế, có thể bắt đầu từ loài người tới Thiên Chúa, hay ngược lại; cứ như thế. (DCG: 46)
232.Trong việc chọn lựa một phương pháp sư phạm, người ta phải để ý đến các hoàn cảnh sống của cộng đồng giáo hội hay các cá nhân tín hữu được truyền đạt giáo lý. Do đó mới có nhu cầu cần phải hết sức khôn ngoan trong việc tìm kiếm các đường lối và phương pháp đáp ứng tốt đẹp hơn với các hoàn cảnh khác nhau. (DCG: 46)
233.Tính cách đa thức nơi việc giảng dạy giáo lý thời nay có thể nói là một dấu hiệu sinh động và sáng kiến tinh khéo. Tuy nhiên, dầu sao đi nữa, phương pháp giáo lý được chọn dùng trước hết phải đối chiếu với qui luật làm nền tảng cho tất cả đời sống Kitô giáo: đó là qui luật trung thành với Thiên Chúa và trung thành với con người trong một tinh thần yêu thương đơn nhất. (CT: 55)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý với Ngôn Từ
234.Giáo lý bắt buộc phải được truyền đạt bằng một thứ ngôn từ xứng với trẻ em và giới trẻ nói chung của ngày hôm nay, cũng như với nhiều hạng người khác nữa – một thứ ngôn ngữ của học sinh, của giới trí thức và của các khoa học gia; một thứ ngôn từ của thành phần mù chữ hay có văn hóa thô sơ; một thứ ngôn từ của thành phần khuyết tật, v.v… (CT: 59)
235.Giáo lý không thể chấp nhận bất cứ một thứ ngôn từ nào, viện lý lẽ sai lạc, cho dù là lý lẽ có vẻ khoa học đi nữa, làm thay đổi bản chất nội dung của bản Tuyên Xưng Đức Tin. (CT: 59)
236.Giáo lý cũng không thể nào chấp nhận cả thứ ngôn từ gian trá hay xảo quyệt. Trái lại, qui luật tối hậu là các tiến bộ trọng đại nơi khoa học về ngôn ngữ phải có khả năng phục vụ giáo lý để giáo lý có thể thực sự “nói” hay “truyền đạt” cho tuổi thiếu nhi, thiếu niên, thành niên và người lớn của ngày hôm nay đây toàn thể nội dung đức tin mà không bị méo mó. (CT: 59)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý nơi Gia Đình
237.Giáo lý tại gia đi trước, đi kèm và làm thăng tiến tất cả mọi hình thức giáo lý khác. (CT: 68)
238.Hơn nữa, ở những nơi có luật bài đạo cố ngăn cản cả việc giáo dục trong đức tin, cũng như ở những chỗ đầy những sự vô tín ngưỡng hay trào lưu tục hóa xâm chiếm khiến cho việc phát triển đạo giáo thực là bất khả đạt, thì “giáo hội tại gia” (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 11: AAS 57 năm 1965, trang 16; Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem, đoạn 11 và 30: AAS 58 năm 1966, trang 848) vẫn là nơi duy nhất để trẻ em và giới trẻ có thể học hỏi giáo lý thực sự. (CT: 68)
239.Bởi thế, đối với Kitô hữu phụ huynh, thì việc sửa soạn cho sứ vụ làm giáo lý viên dạy con cái mình, và việc thực thi sứ vụ này bằng một nhiệt tình thiết tha, không thể nào lại là một cố gắng quá sức cả. (CT: 68)
240.Phải làm sao khích lệ các cá nhân hay làm sao lợi dụng các dịp tốt, để, nhờ việc tiếp xúc cá nhân, nhờ các buổi hội họp, và nhờ tất cả mọi thứ phương tiện sư phạm, giúp cho phụ huynh thực hiện được việc làm của họ: việc họ đang làm cho vấn đề giáo lý là một việc làm không gì sánh bằng. (CT: 68)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý ở Học Đường
241.Trường học Công Giáo: nó sẽ không còn xứng với tên này nữa, dù nó có nổi nang ở lãnh vực giảng dạy các vấn đề ngoài tôn giáo, nếu có lý do chính đáng cần phải được tái xét lại vì nó đã coi thường hay lệch lạc trong việc dạy đạo đích thực. Đừng nói rằng việc giáo dục này bao giờ cũng được giảng dạy một cách âm thầm và gián tiếp. Đặc tính đặc biệt của học đường Công Giáo, lý do sâu xa có đặc tính này, lý do tại sao các người Công Giáo làm cha làm mẹ yêu thích nó, đó chính là vì phẩm chất dạy đạo được hòa hợp với việc học hành của học sinh. (CT: 69)
242.Nếu vấn đề giáo lý chỉ thực hiện ở giáo xứ hay ở một trung tâm mục vụ, thì sự trợ giúp của việc dạy đạo, theo hoàn cảnh khác nhau nơi các xứ sở, cũng cần được cung cấp bởi trường học hay trong môi trường học đường, hoặc theo chương trình hợp đồng với chính quyền liên quan đến thời biểu học hành nữa. (CT: 69)
243.Tuy nhiên, những ai đi học đều bị ảnh hưởng bởi những gì mình học, đều được chỉ dạy cho biết các giá trị văn hóa hay luân lý trong một môi trường học hành thiết định, và phải đối diện với nhiều tư tưởng ở trường. Vấn đề giáo lý cần phải hết sức lưu ý đến tác dụng của học đường nơi học sinh, bằng việc móc nối với các yếu tố khác nơi kiến thức và giáo dục của họ; nhờ đó, Phúc Aâm sẽ được gieo vào tâm thức học sinh trong lãnh vực học hành của họ, và sẽ hòa hợp với văn hóa của họ trong ánh sáng đức tin. (CT: 69)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý nơi Hội Đoàn
244.Tất cả các đoàn thể, phong trào và nhóm hội đó sẽ càng hoàn thành mục tiêu của mình và phục vụ Giáo Hội hơn, nếu chúng, trong việc tổ chức nội bộ cũng như trong phương thức hoạt động của mình, đặt nặng việc huấn luyện đạo đức thực sự cho các phần tử của mình. Như thế, theo ý nghĩa, mọi đoàn thể tín hữu trong Giáo Hội đều có nhiệm vụ phải giáo dục trong đức tin. (CT: 70)
245.Điều này càng làm sáng tỏ hơn vai trò được trao phó cho giáo dân trong việc giảng dạy giáo lý ngày nay, một vai trò bao giờ cũng phải được thực hiện dưới sự hướng dẫn mục vụ của vị Giám Mục, theo như các đề nghị được nêu lên một số lần nhấn mạnh đến vấn đề này trong Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn. (CT: 70)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý theo Cấp Trật
246.Nơi sứ điệp cứu độ có một cấp trật về chân lý (x.UR, 11), một cấp trật được Giáo Hội luôn luôn công nhận khi cấp trật này bao gồm các tín điều hay các bản tóm tắt các chân lý đức tin. (DCG: 43)
247.Cấp trật này không có nghĩa là có một số chân lý nào đó không liên hệ với chính đức tin bằng các chân lý kia, mà là một số chân lý cần phải dựa các chân lý khác hệ trọng hơn và nhờ các chân lý ấy mà được hiểu rõ. (DCG: 43)
248.Ở tất cả mọi trình độ, giáo lý phải để ý đến cấp trật chân lý đức tin này. (DCG: 43)
249.Những chân lý này có thể được chia nhóm theo bốn đầu mục sau đây: mầu nhiệm về Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, là Đấng Tạo Thành tất cả mọi sự; mầu nhiệm về Chúa Kitô là Lời nhập thể, Đấng được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria, và là Đấng đã chịu nạn, chịu chết và sống lại vì phần rỗi chúng ta; mầu nhiệm về Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện trong Giáo Hội, thánh hóa Giáo Hội và hướng dẫn Giáo Hội cho đến khi Chúa Kitô, Cứu Chúa và Thẩm Phán của chúng ta, đến trong vinh quang; và mầu nhiệm về Giáo Hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, là nơi Trinh Nữ Maria chiếm chỗ thượng thặng. (DCG: 43)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý theo Quan Điểm
250.Công cuộc cứu độ vẫn đang được thể hiện theo thời gian: công cuộc này bắt đầu trong qúa khứ, tiến triển và đạt tới cao điểm của mình nơi Chúa Kitô; trong hiện tại, công cuộc này tỏ ra cho thấy tác lực của mình và đang chờ đợi việc chung kết của mình ở tương lai. Thế nên, việc tưởng niệm qúa khứ, việc nhận thức hiện tại và niềm hy vọng cuộc sống tương lai phải dùng mọi cách để làm sáng tỏ khi trình bày nội dung của giáo lý. (DCG: 44)
251.Do đó, giáo lý gợi lại biến cố cao cả nhất của toàn thể lịch sử cứu độ, biến cố mà các Kitô hữu được đức tin liên kết, tức là biến cố nhập thể, vượt qua, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. (DCG: 44)
252.Ngoài ra, giáo lý còn làm cho tín hữu nhận ra cách thức mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô tác hành hiện nay cũng như qua các thời đại nhờ Chúa Thánh Thần và thừa tác vụ của Hội Thánh, cũng như làm cho họ hiểu được nhiệm vụ của họ đối với Thiên Chúa, với chính mình họ và với tha nhân. (DCG: 44)
253.Sau hết, giáo lý có quyền đặt vào các tâm hồn niềm hy vọng vào sự sống mai hậu là chung cuộc của toàn thể lịch sử cứu độ… Nhờ niềm hy vọng này, cộng đồng Kitô Giáo được tràn đầy nỗi ước mong cánh chung trong lòng, khiến họ suy nghĩ đúng đắn về các sự vật loài người và trần thế, bằng việc họ tôn trọng giữ lấy chúng chứ không coi thường chúng như thứ đồ bỏ. (DCG: 44)
254.Việc trình bày nội dung giáo lý phải để ý đến, một cách liên tục và thực tế, ba quan điểm chính này. (DCG: 44)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý theo Công Thức
255.Các cuộc bừng nở, nếu chúng ta được phép nói như thế, đức tin và lòng đạo đức không phát triển nơi các nơi khô cằn của một thứ giáo lý chẳng có nhớ gì mấy. Điều chính yếu là ở chỗ các câu văn đang nhớ thuộc lòng đồng thời cũng phải được thấm nhuần và từ từ hiểu biết sâu xa hơn, để chúng trở nên nguồn mạch đời sống Kitô hữu, ở cấp độ cá nhân cũng như cộng đồng. (CT: 55)
256.Các công thức giúp cho tư tưởng trong trí khôn được diễn đạt một cách chính xác, thích hợp với việc trình bày đích xác đức tin, và khi cần nhớ, nó giúp cho việc nắm vững đức tin. Sau hết, các công thức cũng giúp cho việc tín hữu đồng nhất phát biểu nữa. (DCG: 73)
257.Các công thức thường được trình bày và cắt nghĩa khi bài học hay việc tìm hiểu đã tiến đến chỗ tổng luận. (DCG: 73)
258.Những công thức cần phải được chọn lựa thuận lợi cho các người khác, ở chỗ, trong khi diễn đạt trung thực chân lý đức tin các công thức này còn phải thích ứng với khả năng của thành phần lãnh hội nữa. (DCG: 73)
259.Không được quên rằng các công thức về tín điều là việc tuyên xưng đích thực về tín lý Công Giáo, do đó, phải được tín hữu chấp nhận đúng như ý nghĩa Giáo Hội đã hiểu và đang hiểu về các công thức ấy (x. Công Đồng Chung Vaticanô I, Hiến Chế Tín Lý Dei Filius, Dz.-Sch., số 3020, 3043). (DCG: 73)
260.Các công thức cổ truyền để tuyên xưng đức tin cũng như để cầu nguyện, như Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ, Kinh Chúa Dạy, Kinh Kính Mừng, hay tương tự như vậy, phải được giảng dạy một cách đặc biệt. (DCG: 73)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý trong Thần Linh
261.Giáo lý, việc phát triển trong đức tin và trưởng thành của đời sống Kitô hữu hướng về tầm mức viên trọn của nó, là kết qủa của việc Thần Linh làm, một công việc chỉ mình Ngài mới có thể khơi lên và bảo trì trong Giáo Hội… (CT: 72)
262.Trước hết, rõ ràng là, khi thực hiện sứ vụ của mình trong việc giảng dạy giáo lý, Giáo Hội – cũng như mỗi một Kitô hữu dấn thân thi hành sứ vụ này trong Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội – phải hết sức nhận thức về hoạt động của mình chỉ như là một dụng cụ sống động dễ uốn nắn của Chúa Thánh Thần. (CT: 72)
263.Thái độ của một Giáo Hội giảng dạy cũng như của mọi giáo lý viên là liên lỉ kêu cầu vị Thần Linh này, là hiệp thông với Ngài, là nỗ lực nhận biết các soi động đích thực của Ngài. (CT: 72)
264.Sau nữa, ước vọng sâu xa trong việc hiểu biết hơn tác động của Thần Linh cũng như trong việc ký thác bản thân cho Ngài trọn vẹn hơn nữa – lúc mà “trong Giáo Hội chúng ta đang sống một mùa hồng ân Thần Linh đặc biệt”, như vị tiền nhiệm Phaolô VI đã nhận định trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (đoạn 75: AAS 68 năm 1976, trang 66) – phải mang lại một cuộc bùng dậy giáo lý. (CT: 72)
265.“Việc canh tân trong Thần Linh” sẽ là một việc đích thực và là một việc sẽ sinh hoa trái thực sự trong Giáo Hội, không phải vì việc này làm nổi lên những đoàn sủng phi thường, mà vì việc ấy dẫn con số tín hữu nhiều nhất có thể tiến bước trong cuộc sống hằng ngày của mình bằng nỗ lực khiêm tốn, nhẫn nại và kiên trì để nhận biết mầu nhiệm Chúa Kitô sâu xa hơn cũng như để làm chứng cho mầu nhiệm của Người. (CT: 72)
Thực Hiện Tác Vụ Giáo Lý cần Chứng Từ
266.Sau hết, giáo lý cần phải có chứng từ đức tin nữa, cả từ nơi các giáo lý viên lẫn cộng đồng giáo hội, một chứng từ liên kết với mẫu sống Kitô Giáo đích thực và với một tấm lòng sẵn sàng hy sinh (x.LG, 12, 17; NA, 2). (DCG: 35)
267.Con người gặp gỡ Chúa Kitô chẳng những qua thừa tác vụ thánh, mà còn qua các phần tử tín hữu cá nhân và cộng đồng của họ (x.LG, 35), và vì thế thành phần cá nhân và cộng đồng này có nhiệm vụ phải làm chứng. Nếu thiếu chứng từ như vậy sẽ gây trở ngại cho việc chấp nhận lời Chúa nơi thành phần nghe giảng dạy. (DCG: 35)
268.Giáo lý phải được hỗ trợ bằng chứng từ của cộng đồng giáo hội. Điều giáo lý nói về những gì thực sự hiện hữu nơi cuộc sống bề ngoài của cộng đồng giáo hội sẽ mang lại kết qủa hơn… (DCG: 35)
269.Bởi vậy rõ ràng là, theo tâm ý của Giáo Hội và theo sự hướng dẫn của các vị giám mục trong Giáo Hội, cộng đồng giáo hội cần thiết biết bao trong việc bỏ đi hay sửa chữa những gì làm mờ diện mạo của Giáo Hội và tạo nên một trở ngại cho con người chấp nhận đức tin (x. GS, 19). (DCG: 35)
270.Thế nên, giáo lý có nhiệm vụ chẳng những trực tiếp truyền đạt giáo lý mà còn giúp vào việc làm cho cộng đồng giáo hội sống động nữa, để cộng đồng giáo hội có thể thực hiện một chứng từ đích thực Kitô Giáo. (DCG: 35)
271.Do đó, việc làm của giáo lý ăn khớp với công việc mục vụ chung là công việc mà tất cả mọi yếu tố trong đời sống giáo hội đều được sắp xếp và ràng buộc thích thuận với nhau (x. GS, 4, 7, 43). (DCG: 35)