I)            Chúng Ta chỉ có Một Tôn Sư duy nhất là Chúa Giêsu Kitô

 

ĐƯA ĐẾN VIỆC HIỆP THÔNG VỚI CON NGƯỜI ĐỨC KITÔ

 

5-         Cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn thường nhấn mạnh đến tính cách trung tâm điểm của Kitô học (Christocentricity) cho toàn bộ giáo lý đích thực. Ở đây chúng ta có thể dùng chữ “Christocentricity” theo hai ý nghĩa của nó, hai ý nghĩa này không phản ngược nhau hay loại trừ nhau, mà lại cần đến nhau và làm trọn nghĩa cho nhau.

           

Trước hết, cần phải nhấn mạnh là, ở ngay trung tâm điểm của giáo lý, chúng ta thấy, theo yếu tính của nó, một Con Người, Con Người Giêsu Nazarét, “Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý” (Gioan 1:14), Đấng đã chịu khổ nạn và chết đi cho chúng ta và là Đấng giờ đây, sau khi sống lại, đang sống với chúng ta đến muôn đời. Chúa Giêsu chính “là đường, là sự thật và là sự sống” (Gioan 14:6), và đời sống Kitô hữu là ở chỗ theo Chúa Kitô, sequela Christi.

 

Đối tượng căn bản và chính yếu của giáo lý là “mầu nhiệm Chúa Kitô”, một thành ngữ được Thánh Phaolô cũng như thần học hiện đại ưa dùng. Dạy giáo lý là một cách dẫn con người đến việc học biết mầu nhiệm này ở mọi khía cạnh của nó: “để làm cho tất cả mọi người thấy được ý định của mầu nhiệm này… cùng với tất cả các thánh thấu hiểu được những gì rộng, dài, cao, sâu… biết được tình yêu của Chúa Kitô vượt trên kiến thức… (và được tràn đầy) trọn vẹn mức độ viên mãn của Thiên Chúa” (Eâphêsô 3:9, 18-19). Bởi thế, dạy giáo lý là việc tỏ ra cho thấy tất cả ý định đời đời của Thiên Chúa được nên trọn nơi Con Người Đức Kitô. Nó là việc tìm kiếm để hiểu biết ý nghĩa các hành động và lời nói của Chúa Kitô, cũng như ý nghĩa các dấu lạ Người thực hiện là những gì vừa che phủ lại vừa tỏ ra mầu nhiệm về Người. Thế nên, mục đích tối hậu của giáo lý là đem người ta chẳng những đến việc giao tiếp với Chúa Giêsu Kitô mà còn được hiệp thông thân tình với Người nữa: chỉ có Người mới có thể dẫn chúng ta đến tình yêu Chúa Cha trong Thần Linh và làm cho chúng ta thông dự vào sự sống của Chúa Ba Ngôi mà thôi.

 

TRUYỀN ĐẠT GIÁO HUẤN CỦA CHÚA KITÔ

 

6-         Tính chất trung tâm điểm của Kitô học nơi giáo lý cũng có ý nói đến ý định truyền đạt chính giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô, truyền đạt chính Sự Thật Người truyền dạy, hay nói chính xác hơn, truyền đạt chính Sự Thật là Người (xem Gioan 14:6), chứ không phải giáo huấn riêng của ai hay giáo huấn của một vị tôn sư nào hết. Thế nên, chúng ta phải nhận rằng, trong vấn đề giáo lý, chỉ có dạy về Chúa Kitô là Lời Nhập Thể và là Con Thiên Chúa – còn mọi sự khác được dạy trong tương quan với Người – và chỉ có một mình Chúa Kitô là Đấng truyền dạy mà thôi – ngoài ra, ai giảng dạy cũng chỉ là phát ngôn viên của Người, Đấng dùng miệng lưỡi của họ để giảng dạy. Đảm nhận bất cứ trọng trách gì lớn nhỏ trong Giáo Hội, giáo lý viên nào cũng phải liên lỉ nỗ lực truyền đạt giáo huấn và đời sống của Chúa Giêsu, bằng việc giảng dạy của mình cùng với tác hành của mình. Họ không được tìm cách lái tâm trí của giáo lý sinh chú ý đến và đồng ý với bản thân của họ cũng như đến các ý kiến và tinh thần của cá nhân họ. Nhất là họ sẽ không gây ấn tượng nơi các giáo lý sinh về những tư kiến và ý riêng của họ như thể chúng biểu hiệu cho giáo huấn của Chúa Kitô cũng như cho gương sống của Người. Mọi giáo lý viên phải làm sao để có thể áp dụng vào mình những lời nói nhiệm mầu của Chúa Giêsu: “Giáo huấn của Tôi không phải là của Tôi mà là bởi Đấng đã sai Tôi” (Gioan 7:16). Thánh Phaolô đã thực hiện điều này khi ngài giải quyết vấn đề quan trọng căn bản là “Tôi đã lãnh nhận từ Chúa điều tôi loan truyền cho anh em” (1Cor.11:23). Để có thể nói rằng: “Giáo huấn của tôi không phải là của tôi!”, người giáo lý viên phải chuyên chú học hiểu lời Chúa được huấn quyền Giáo Hội truyền đạt, phải sống thân tình sâu xa với Chúa Kitô và Chúa Cha, phải có một tinh thần cầu nguyện, phải thoát ly bản thân mình.

 

CHÚA KITÔ TÔN SƯ

 

7-         Giáo huấn này không phải là một khối chân lý trừu tượng. Nó chính là việc truyền đạt mầu nhiệm sống động của Thiên Chúa. Con Người giảng dạy giáo huấn ấy trong Phúc Aâm hoàn toàn trổi vượt trên “các bậc thày” của dân Yến Duyên, và bản chất giáo huấn Người dạy vượt trên giáo huấn của các vị đó ở mọi khía cạnh, vì những gì Người nói, Người làm và Người là có liên hệ đặc biệt với nhau. Tuy nhiên, Các Phúc Aâm đều thuật lại rõ ràng các trường hợp Chúa Giêsu “giảng dạy”. “Chúa Giêsu bắt đầu hành động và giảng dạy” (Tông Vụ 1:1) – sử dụng hai động từ này ngay ở đầu cuốn Tông Vụ, Thánh Luca muốn vừa nối kết vừa phân biệt hai phần trong sứ vụ của Chúa Kitô.

           

Chúa Giêsu giảng dạy. Đó là chứng từ Người cho thấy về chính Người: “Ngày ngày Tôi giảng dạy trong đền thờ” (Mathêu 26:55; xem Gioan 18:20). Đó là nhận xét khâm phục của các thánh ký, lấy làm lạ lùng khi thấy Người giảng dạy ở mọi nơi và trong mọi lúc, giảng dạy một cách có uy quyền chưa từng thấy: “Các đám đông dân chúng  qui tụ quanh Người; theo thói quen, Người lại dạy dỗ họ” (Marcô 10:1); “họ lạ lùng bỡ ngỡ về giáo huấn của Người, vì Người dạy dỗ họ như một đấng có uy quyền” (Marcô 1:22; xem Mathêu 5:2, 11:1, 13:54, 22:16; Marcô 2:13, 4:1, 6:2,6; Luca 5:3, 17; Gioan 7:14, 8:2 v.v.). Đó cũng là những gì mà thành phần đối phương của Người lưu ý để viện cớ tố cáo và kết tội Người: “Hắn kích động dân chúng, giảng dạy khắp cả miền Giuđêa, từ Galilêa cho đến tận chốn này” (Luca 23:5).

 

“VỊ TÔN SƯ” DUY NHẤT

 

8-         Một đấng giảng dạy như thế mới đáng được đặc biệt gọi là “Vị Tôn Sư”. Trong khắp Tân Ước, nhất là trong các Phúc Aâm, biết bao nhiêu lần Người đã được gọi là Tôn Sư như thế! Dĩ nhiên nhóm Mười Hai Tông Đồ, các môn đệ khác của Người và đám dân chúng đến nghe Người đều gọi Người là “Thày”, bằng một lòng khâm phục, tin tưởng và qúi mến (xem Mathêu 8:19; Marcô 4:38, 9:38, 10:35, 13:1; Gioan 11:28). Ngay cả đến các người Pharisiêu và Sađucê, các luật sĩ và các người Do Thái nói chung, cũng không phủ nhận danh xưng này: “Thưa Thày, chúng tôi muốn xem Thày làm dấu lạ” (Mathêu 12:38); “Thưa Thày, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (Luca 10:25; xem Mathêu 22:16). Thế nhưng, đặc biệt nhất là chính Chúa Giêsu, vào lúc trọng đại và cao điểm của mình, Người đã gọi mình là Thày: “Các con đã gọi Ta là Thày và là Chúa thì thậm phải, vì Ta qủa thật như vậy” (Gioan 13:13-14; xem Mathêu 10:25, 26:18); và Người cũng đã tuyên bố tính cách chuyên nhất, tính cách đặc thù làm thày của mình: “Các con chỉ duy có một thày mà thôi” (Mathêu 23:8; xem Thánh Ignatiô Antiôkia, Epistola ad Magnesios, IX, 2 Funk 1, 198), đó là Đức Kitô. Người ta có thể hiểu được lý do tại sao dân chúng đủ mọi thành phần, mọi chủng tộc và dân nước, qua 2000 năm, bằng tất cả các thứ ngôn ngữ trên thế giới, đã tôn kính Người với danh xưng này, khi theo cung cách riêng của mình lập lại lời xưng tụng của ông Nicôđêmô: “Chúng tôi biết rằng Ngài là một vị tôn sư từ Thiên Chúa mà đến” (Gioan 3:2).

           

Hình ảnh Chúa Kitô Vị Tôn Sư này vừa uy nghi cao cả lại vừa quen thuộc, sâu đậm và cảm kích. Hình ảnh ấy do ngòi viết của các thánh ký mà có, và sau đó thường được phác họa bằng ảnh tượng rất thu hút từ những thời Kitô giáo sơ khai nhất. Về phần mình, Tôi cũng muốn gợi lên hình ảnh này khi bắt đầu mở màn cho những cứu xét về vấn đề giáo lý trong thế giới tân tiến hiện nay.

 

GIẢNG DẠY BẰNG CẢ ĐỜI SỐNG CỦA MÌNH

 

9-         Làm điều này Tôi cũng muốn nói đến sự uy nghi cao cả của Chúa Kitô Tôn Sư, cũng như tính cách nhất trí và thu phục nơi giáo huấn của Người, chỉ có thể được giải thích bằng chính sự kiện là, các lời nói của Người, các dụ ngôn của Người và các luận cứ của Người không bao giờ tách biệt khỏi đời sống của Người và khỏi chính bản thân của Người. Bởi thế mà cả đời sống của Chúa Kitô là một cuộc giảng dạy liên tục: Việc thinh lặng của Người, các phép lạ của Người, các cử chỉ của Người, việc Người cầu nguyện, tình yêu của Người đối với dân chúng, cảm tình đặc biệt của Người đối với trẻ nhỏ và người nghèo, việc Người chấp nhận toàn hiến trên thập giá cho phần rỗi thế gian, và việc Phục Sinh của Người, đều là việc hiện thực hóa lời nói của Người và là việc làm cho mạc khải được nên trọn. Do đó, đối với Kitô hữu, thập tự giá là một trong những hình ảnh cao cả và phổ thông nhất về Chúa Kitô Tôn Sư.

           

Những cứu xét này được căn cứ vào nhiều truyền thống của Giáo Hội, và tất cả những cứu xét ấy làm kiên cường lòng cảm mến của chúng ta đối với Chúa Kitô, Vị Tôn Sư đã tỏ Thiên Chúa ra cho con người biết, cũng như tỏ con người cho chính mình họ, một Vị Tôn Sư cứu rỗi, thánh hóa và dẫn đường chỉ lối, Đấng sống động, nói năng, linh hoạt, di chuyển, sửa chữa, phán quyết, thứ tha và hằng ngày đi với chúng ta trên con đường lịch sử, một Vị Tôn Sư đang đến và sẽ đến trong vinh quang.

           

Chỉ sống hiệp thông sâu xa với Người các giáo lý viên mới có ánh sáng và sức mạnh để thực sự canh tân vấn đề giáo lý theo như lòng mong ước mà thôi.