Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Đêm Giáng Sinh 2005 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

 

 

 

“Chúa đã nói với tôi rằng: Con là Con Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. Với những lời này của Thánh Vịng thứ hai, Giáo Hội bắt đầu Lễ Vọng Giáng Sinh là lễ chúng ta cử hành việc hạ sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, trong hang Bêlem. Bài Thánh Vịnh này thuộc về lễ nghi tôn vinh các vua chúa của Giud0a. Dân Yến Duyên,  vì việc được tuyển chọn của mình, đã đặc biệt coi mình là con cái Thiên Chúa, thành phần con cái thừa nhận của Thiên Chúa. Như vua là hiện thân của dân chúng thế nào thì việc lên ngôi của ông cũng được cảm thấy như là một tác động Thiên Chúa long trọng nhận làm con nuôi vậy, bởi thế mà, một cách nào đó, vị vua ấy được tham dự vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vào đêm ở Bêlem, những lời này, những lời thực sự là một biểu hiệu cho một niềm hy vọng hơn là một thực tại hiện có, đã có một ý nghĩa mới mẻ và bất ngờ. Con Trẻ nằm trong máng có thực sự là Con Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là một Đấng chỉ vĩnh hằng quan tâm mà là mối hiệp thông yêu thương và trao hiến cho nhau. Ngài là Cha và Con và Thánh Thần.

 

Thế nhưng, chưa hết: Nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã hóa thân làm người. Chúa Cha đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha”. “Cái ngày hôm nay” vĩnh hằng của Thiên Chúa đã trở thành cái ngày hôm nay thoáng qua của thế giới này và thăng hóa cái hôm nay chốc lát của chúng ta đây lên cái ngày hôm nay đời đời của Thiên Chúa. Thiên Chúa quá lớn lao đến nỗi đã trở thành nhỏ bé. Thiên Chúa quá quyền năng đến nỗi đã trở thành mềm yếu và đến với chúng ta như một con trẻ bất khả tự vệ, để chúng ta có thể mến yêu Ngài. Thiên Chúa quá thiện hảo để Ngài có thể bỏ đi hiển vinh thần linh của mình mà đến nơi hang đá, để chúng ta có thế thấy được Ngài, để sự thiện hảo của Ngài chúng ta có thể chạm tới chúng ta, để ban phát cho chúng ta và tiếp tục hoạt động qua chúng ta. Đó là Giáng Sinh: “Con là Con Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.

 

Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta, để chúng ta có thể ở với Ngài và trở nên giống như Ngài. Như một dấu hiệu, Ngài đã chọn làm Con Trẻ nằm trong máng cỏ: Đó là cách thức Thiên Chúa là. Đó là cách thức chúng ta biết được Ngài. Và nơi hết mọi con trẻ chiếu tỏa một cái gì đó của ánh quang của “cái ngày hôm nay” ấy, của cái Thiên Chúa gần gũi mà chúng ta phải mến yêu và chúng ta phải qui phục – vì nó chiếu tỏa ra nơi hết mọi con trẻ, ngay cả nơi những con trẻ chưa được sinh vào đời.

 

Chúng ta hãy lắng nghe câu thứ hai của phụng vụ đêm thánh này, một câu được trích từ Sách Tiên Tri Isaia: “Một ánh sáng rạng ngời đã chiếu tỏa trên dân chúng đang bước đi trong tăm tối” (Is 9:1). Tiếng “ánh sáng” là tiếng tràn ngập toàn thể phụng vụ của Thánh Lễ đêm nay. Nó tái xuất hiện ở đoạn được trích từ thư Thánh Phaolô gửi cho Titô: “Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện” (2:11). Lời phát biểu “đã xuất hiện”, theo nguyên ngữ Hy Lạp,  cũng có cùng một ý nghĩa với được diễn tả theo tiếng Do Thái với những lời lẽ là “một ánh sáng đã chiếu soi”: “việc xuất hiện” này – “việc hiển linh” này – là việc tỏa ra ánh sáng của Thiên Chúa trên thế giới đầy tối tăm cùng với những vấn đề nan giải. Thế rồi Phúc Âm thuật lại rằng vinh quang ấy của Chúa đã xuất hiện với các mục đồng và “chiếu tỏa chung quanh họ” (Lk 2:9). Bất cứ nơi nào vinh quang của Thiên Chúa tỏ hiện thì ánh sáng đều tỏa ra khắp thế giới. Thánh Gioan đã nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa là ánh sáng và nơi Ngài không có tối tăm” (1Jn 1:5). Ánh sáng là nguồn sự sống.

 

Thế nhưng, trước hết, ánh sáng mang ý nghĩa hiểu biết; nó có ý chỉ về sự thật, vì nó tương phản với bóng tối tăm của sự sai lầm và vô thức. Ánh sáng ban sự sống cho chúng ta, nó tỏ cho chúng ta thấy đường đi nước bước. Thế nhưng, ánh sáng, như nguồn nhiệt lượng, cũng có nghĩa là yêu thương nữa. Đâu có yêu thương thì ánh sáng đều chiếu tỏa trên thế giới; đâu có hận thù thì ở đó thế giới vẫn còn ở trong tăm tối. Nơi hang Bêlem đã xuất hiện một ánh sáng rạng ngời đang được thế giới đợi trông. Nơi Con Trẻ năm trong hang lừa bò ấy Thiên Chúa đã tỏ vinh quang của Ngài ra – một vinh quang yêu thương, một vinh quang đã bỏ mình đi, tước bỏ hết những gì là cao sang để hướng dẫn chúng ta theo con đường yêu mến. Ánh sáng ở Bêlem này đã không bao giờ bị lịm tắt. Nó đã chạm tới con người nam nữ ở mọi thời đại, “nó đã chiếu tỏa chung quang họ”.

 

Bất cứ nơi nào con người tin tưởng vào Con Trẻ ấy thì bác ái cũng được tỏa ra – một đức ái hướng về người khác, ưu ái quan tâm tới thành phần yếu kém và thành phần khổ đau, ban phát thứ tha. Từ Bêlem, một luồng ánh sáng, yêu thương và chân lý tỏa lan khắp các thế kỷ. Nếu chúng ta nhìn đến các vị thánh nhân – từ Thánh Phaolô và Âu Quốc Tinh tới Thánh Phanxicô và Đaminh, từ Thánh Phanxicô Xavier và Têrêsa Avila tới Mẹ Têrêsa Calcutta – chúng ta đều thấy cái ngập lụt thiện hảo này, một con đường ánh sáng bốc tỏa luôn mới mẻ từ mầu nhiệm Bêlem, mầu nhiệm Thiên Chúa trở thành một Con Trẻ. Nơi Con Trẻ này, Thiên Chúa đã ngăn chặn bạo lực của thế giới này bằng sự thiện hảo của Ngài. Ngài kêu gọi chúng ta hãy bước theo Con Trẻ ấy.

 

Cùng với cây Giáng Sinh, những người bạn Áo quốc của chúng ta cũng mang đến cho chúng ta một ngọn lửa nhỏ được thắp sáng từ Bêlem, như thể muốn nói rằng mầu nhiệm thực sự của Giáng Sinh là thứ rạng ngời nội tại được chiếu tỏa từ Con Trẻ ấy. Chớ gì cái rạng ngời nội tại ấy lan tỏa tới chúng ta và thắp lên trong lòng chúng ta ngọn lửa thiện hảo của Thiên Chúa; chớ gì tất cả chúng ta, với lòng mến yêu của mình, mang ánh sáng đến thế gian! Chớ gì chúng ta giữ lấy ngọn lửa tỏa sáng này cho khỏi bị lịm tắt bởi những luồng gió lạnh của thời đại chúng ta! Chớ gì chúng ta canh chừng nó cách trung thành và trao ban nó cho kẻ khác! Vào đêm hôm nay, khi chúng ta nhìn đến Bêlem, chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho nơi sinh hạ của Đấng Cứu Chuộc chúng ta cũng như cho các con người nam nữ sống và chịu khổ ở đó. Chúng con muốn cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh Địa: Ôi Chúa, xin hãy nhìn đến cái góc của trái đất này là quê hương của Chúa, một nơi rất thân thương của Chúa! Chớ gì ánh sáng của Chúa chiếu tỏa trên  nó! Chớ gì nó tìm thấy được hòa bình!

 

Tiếng “hòa bình” mang chúng ta tới yếu tố thứ ba về phụng vụ của đêm thánh này. Con Trẻ được tiên tri Isaia báo trước được gọi là “Vị Hoàng Tử Bình An”. Vương Quốc của Người được nói là mợt vương quốc “an bình vô tận”. Các mục đồng trong Phúc Âm đã nghe thấy tin mừng là “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” và “bình an dưới thế…”. Có lúc chúng ta thường nói “cho người thiện tâm”. Ngày nay chúng ta nói “cho những người được Thiên Chúa thương yêu”. Việc đổi thay này có nghĩa là gì? Phải chăng thiện tâm không còn quan trọng nữa? Tốt hơn nếu chúng ta đặt vấn đề là ai là những người được Thiên Chúa yêu thương, và tại sao Thiên Chúa lại yêu thương họ? Phải chăng Thiên Chúa lại thiên vị? Phải chăng Ngài chỉ yêu thương một người nào đó thôi, trong khi bỏ rơi mặc xác những kẻ khác?

 

Phúc Âm trả lời những vấn đề này bằng việc nêu lên một số người đặc biệt được Thiên Chúa yêu thương. Đó là những con người, như Mẹ Maria, Thánh Giuse, Bà Isave, Ông Giacaria, Ông Simêon và Bà Anna. Thế nhưng, cũng có cả hai nhóm người khác nữa, đó là thành phần mục đồng và thành phần khôn ngoan Đông Phương là các “vị đạo sĩ”. Đêm nay, chúng ta hãy nhìn tới thành phần mục đồng. Họ là loại người như thế nào đây? Trong thế giới vào thời của họ thì những kẻ chăn chiên chăn bò là thành phần thấp hèn; họ được coi là không đáng tin cậy và không được làm chứng nhân tại tòa án. Thế nhưng họ thực sự là ai? Chắc chắn họ không phải là các vị đại thánh, nếu chúng ta có ý nói tới thành phần có nhân đức anh hùng. Họ là những linh hồn đơn sơ thành thực. Phúc Âm đã cho thấy một tính chất mà sau đó, qua những lời của Chúa Giêsu, mang một tầm vóc quan trọng: Họ là thành phần tỉnh thức canh chừng. Điều này thực sự là thế theo bề ngoài: Họ canh chừng đàn vật của họ về đêm. Thế nhưng nó cũng có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa: Họ đã sẵn sàng đón nhận lời Chúa. Cuộc sống của họ không phải là cuộc sống khép kín chỉ biết có mình; con tim của họ cởi mở. Một cách nào đó, tận thâm cung của mình, họ đang đợi chờ Ngài.

 

Việc họ canh chừng là một thứ sẵn sàng – một thứ sẵn sàng lắng nghe và lên đường. Họ đợi chờ một thứ ánh sáng cho họ thấy đường đi nước bước. Đó là những gì quan trọng đối với Thiên Chúa. Ngài yêu thương hết mọi người, vì họ là tạo vật của Ngài. Thế nhưng, có một số người khép kín lòng mình lại; không cởi mở để tình yêu của Ngài có thể lọt vào. Họ nghĩ rằng họ không cần đến Thiên Chúa, hay họ muốn có Thiên Chúa. Những kẻ khác, thành phần mà, theo quan điểm luân lý, có lẽ ít bất hạnh và tội lỗi hơn, ít là cảm thấy ân hận một phần nào đó. Họ đang đợi chờ Thiên Chúa. Họ nhận thấy rằng họ cần đến sự thiện hảo của Ngài, cho dù họ không rõ nó có nghĩa là gì. Ánh sáng của Thiên Chúa có thể nhập vào lòng họ, và cùng với ánh sáng này là sự an bình của Ngài. Thiên Chúa tìm kiếm những con người có thể là những thông mạch và là những con người rao giảng cho sự an bình của Ngài. Chúng ta hãy nguyện cầu để Ngài thấy không thấy tấm lòng khép kín của chúng ta. Chúng ta hãy nỗ lực để trở thành những người loan báo cho sự an bình của Ngài – trên thế giới của ngày hôm nay đây.

 

Nơi thành phần Kitô hữu, tiếng “hòa bình” đã có một ý nghĩa rất đặc biệt: Nó trở thành một danh hiệu cho Thánh Thể. Ở đó có sự bình an của Chúa Kitô. Ở tất cả mọi chỗ cử hành Thánh Thể, đều có một đại cơ cấu bình an tràn lan khắp thế giới. Các cộng đồngqui tụ lại chun g quanh Thánh Thể làm thành một vương quốc an bình trải rộng ra như chính thế giới. Khi chúng ta cử hành Thánh Thể, chúng ta thấy mình ở Bêlem, ở trong “nhà bánh”. Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta, làm như thế là Người ban cho chúng ta bình an của Người. Người đã ban bình an cho chúng ta để chúng ta có thể mang ánh sáng an bình trong lòng mình mà cống hiến cho kẻ khác. Người đã ban nó cho chúng ta để chúng ta trở thành những người đi làm hòa bình và xây dựng hòa bình trên thế giới. Và vì thế chúng ta nguyện cầu rằng: Lạy Chúa, xin  Chúa hãy làm trọn lời hứa của Chúa! Ở đâu có xung khắc xin Chúa hãy làm phát sinh an bình! Ở đâu có hận thù, xin Chúa hãy làm nẩy sinh yêu thương! Ở đâu tối tăm bao phủ, xin Chúa hãy chiếu soi ánh sáng! Xin Chúa hãy làm cho chúng con trở thành những người loan báo hòa bình của Chúa. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/12/2005