"Thiên Đình và Trần Gian đã gặp gỡ nhau nơi hang lừa Bêlem"
ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Đêm Giáng Sinh 2007
Anh Chị Em thân mến,
“Thời điểm sinh nở của Maria đã đến. Người đã hạ sinh con trai đầu lòng, bọc Ngài trong khăn và đặt trong máng cỏ, vì không có chỗ cho các vị trú ngụ” (Lk 2:6f). Những lời này làm cho lòng chúng ta cảm động mỗi lần chúng ta nghe thấy. Đó là thời điểm thiên thần đã báo trước ở Nazarét rằng: “Trinh Nữ sẽ sinh một người con trai, và Trinh Nữ sẽ đặt tên cho Ngài là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lk 1:31). Đó là thời điểm Yến Duyên đã từng đợi trông qua bao thế kỷ, qua nhiều giây phút tối tăm – thời điểm mà toàn thể nhân loại cũng trông đợi một cách nào đó dù chưa được rõ ràng, đó là lúc Thiên Chúa muốn tỏ ra chăm sóc chúng ta, lúc Ngài bước ra ngoài mật thất của Ngài, lúc thế giới sẽ được cứu độ và Thiên Chúa sẽ canh tân tất cả mọi sự. Chúng ta có thể nghĩ tới một thứ sửa soạn nội tâm, một thứ yêu thương giúp cho Mẹ Maria tiến đến với giờ phút ấy. Câu nói vắn vỏi: “Người đã bọc Ngài trong khăn” giúp chúng ta có thể thoáng thấy được một điều gì đó hân hoan thánh thiện và lòng nhiệt thành âm thầm cho việc sửa soạn ấy. Các thứ khăn tã đã sẵn sàng, nhờ đó Con Trẻ được nghênh đón cách xứng đáng. Tuy nhiên vẫn chẳng có nơi trọ. Một cách nào đó nhân loại đợi trông Thiên Chúa, đợi trông Đấng đến gần với mình. Thế nhưng, khi thời điểm ấy tới thì lại chẳng có chỗ cho Ngài. Con người quá bận tâm tới bản thân mình, họ rất cần đến tất cả mọi nơi và mọi lúc cho những gì của riêng mình, chẳng còn gì cho kẻ khác – cho tha nhân, cho người nghèo, cho Thiên Chúa. Và con người càng trở nên giầu có họ càng lấp đầy bản thân họ hết mọi khoảng trống, càng không còn chỗ cho kẻ khác nữa.
Thánh Gioan, trong Phúc Âm của mình, đã đi sâu vào cốt lõi của vấn đề này, khi đào sâu hơn trình thuật của Thánh Luca về tình trạng xẩy ra ở Bêlem: “Ngài đã đến với nhà của mình, mà dân riêng của Ngài không tiếp nhận Ngài” (Jn 1:11). Những lời này, trước hết và trên hết, ám chỉ tới Bêlem, ở chỗ, Con Vua Đavít tới với thành đô của mình, thế nhưng lại phải hạ sinh ra ở trong một hang lừa, vì không có chỗ trọ cho Ngài. Rồi những lời ấy cũng ám chỉ đến cả dân Yên Duyên nữa, ở chỗ Đấng được sai tới với dân của mình, song họ lại không muốn Ngài. Thực ra, những lời này ám chỉ tới toàn thể nhân loại nữa, ở chỗ, Ngài là Đấng mà thế giới được tạo dựng nhờ Ngài, Lời Tạo Dựng nguyên thủy, tiến vào thế gian, song Ngài đã không được lắng nghe, Ngài đã không được tiếp nhận. Những lời ấy tựu kỳ chung ám chỉ tới cả chúng ta, tới mỗi một người cũng như tới xã hội nói chung. Chúng ta có giờ cho tha nhân của chúng ta là những người đang cần đến một lời nói của chúng ta, của tôi, hay cần đến lòng cảm mến của tôi hay chăng? Cho những người khổ đau đang cần đến sự trợ giúp hay chăng? Cho những người trốn lánh hay tị nạn đang tìm nơi nương náu hay chăng? Chúng ta có thời gian và không gian cho Thiên Chúa hay chăng? Ngài có thể tiến vào lòng của chúng ta hay chăng? Ngài có tìm thấy chỗ trong chúng ta chăng, hay chúng ta đã chiếm hết những chỗ thuận lợi cho bản thân mình nơi ý nghĩ của chúng ta, nơi hành động của chúng ta, nơi cuộc đời của chúng ta?
Tạ ơn Chúa, chi tiết tiêu cực này không phải là chi tiết duy nhất, không phải là chi tiết cuối cùng chúng ta thấy trong Phúc Âm. Chỉ ở nơi Thánh Luca thôi, chúng ta gặp thấy tình yêu thương từ mẫu của Mẹ Maria và lòng trung thành của Thánh Giuse, việc tỉnh táo của thành phần mục đồng và niềm hân hoan lớn lao của họ, chỉ ở nơi Thánh Mathêu chúng ta gặp thấy việc viếng thăm của những con người khôn ngoan, từ xa đến, bởi vậy mà cả Thánh Gioan nữa cũng nói với chúng ta rằng: “Tất cả những ai tiếp nhận Ngài thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con cái của Thiên Chúa” (Jn 1:12). Đang có những con người chấp nhận Ngài, mà bắt đầu từ hang lừa ấy, từ bên ngoài ấy, đang âm thầm mọc lên một ngôi nhà mới, một thành đô mới, một thế giới mới. Sứ điệp Giáng Sinh làm cho chúng ta nhận thấy tối tăm của một thế giới khép kín, nhờ đó cho thấy rõ ràng một thực tại chúng ta đang chứng kiến hằng ngày. Tuy nhiên, sứ điệp này cũng nói với chúng ta rằng Thiên Chúa không để cho Ngài bị đóng khung kín mít đâu. Ngài tìm kiếm một nơi chốn, cho dù là tiến vào qua một hang lừa; có những con người thấy được ánh sáng của Ngài và làm cho ánh sáng này lan tỏa ra. Qua lời lẽ của Phúc Âm, thiên thần cũng nói với chúng ta nữa, và nơi phụng vụ thánh, ánh sáng của Đấng Cứu Chuộc chiếu vào cuộc đời của chúng ta. Chúng ta là thành phần mục đồng hay “những con người khôn ngoan” – thì ánh sáng này cùng với ý nghĩa của nó cũng kêu gọi chúng ta hãy lên đường, hãy bỏ cái khung đời hạn hẹp của những thứ ước vọng và lợi lộc của chúng ta, hãy tiến ra nghênh đón Chúa mà tôn thờ Ngài. Chúng ta tôn thờ Ngài bằng việc hướng thế giới về chân lý, về thiện hảo, về Chúa Kitô, về việc phục vụ những ai đang bị bỏ rơi quên lãng và là thành phần Ngài đang ở trong họ đợi chờ chúng ta.
Ở một số cảnh Giáng Sinh thuộc thời hậu Trung Cổ và tiền tân tiến thì hang lừa được vẽ như là một cung điện đổ nát. Vẫn còn có thể thấy được cái vinh sang trước kia của nó, thế nhưng giờ đây nó đã trở thành một thứ tàn rụi, thành những bức tường đã đổ xuống – thật vậy, nó đã trở thành một hang lừa. Cho dù không có cơ sở về lịch sử, việc dẫn giải bóng gió này dù sao cũng diễn tả một cái gì đó chân thực được tàng ẩn nơi mầu nhiệm Giáng Sinh. Ngai tòa Đavit, một ngai tòa đã được hứa hẹn là muôn đời tồn tại, đã trở thành rỗng không. Những kẻ khác đang cai trị Thánh Địa. Thánh Giuse, dòng dõi Đavít, chỉ là một con người nhà quê tầm thường; cung điện ấy thực sự đã trở thành một túp lều. Chính Đavít đã bắt đầu cuộc đời như một mục đồng. Khi Samuel tìm thấy ngài để xức dầu cho ngài thì quả thực là không thể và đần độn khi nghĩ rằng một thằng con trai chăn chiên như thế lại có thể trở nên một con người chất chứa lời hứa hẹn của Yến Duyên. Nơi hang lừa Bêlem là thành phố mà tất cả mọi sự đã được bắt đầu, vương quốc Đavít đã được tái diễn cách mới mẻ – nơi Con Trẻ được bọc trong khăn nằm trong máng cỏ. Ngai tòa mới mà Đavít ấy đã lôi kéo thế giới với Ngài đó là Thập Giá. Ngai tòa mới này – tức Thập Giá – tương xứng với một khởi điểm mới nơi hang lừa. Thế nhưng nó thực sự cho thấy cách thức làm thế nào để thiết lập một cung điện Đavít, một vương quốc đích thật. Cái cung điện mới này rất khác với n hững gì con người tưởng tưởng về cung điện và vương quyền cần phải có. Nó là một cộng đồng của những ai để cho mình cuốn hút theo tình yêu Chúa Kitô nhờ đó trở nên một thân thể với Ngài, thành một tân nhân loại. Quyền năng xuất phát từ Thập Giá, quyền năng của sự thiện hiến thân – đó là vương quốc thực sự ấy vậy. Hang lừa trở thành một cung điện – và bắt đầu từ khởi điểm này, Chúa Giêsu đã thiết lập một đại cộng đồng mới là cộng đồng được lời của các vị thiên thần hát lên khi Ngài sinh ra là: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương” – những người đặt ý muốn của mình nơi Ngài, nhờ đó trở thành những con người của Thiên Chúa, những con người mới, một thế giới mới.
Thánh Gregory thành Nyssa, trong các bài giảng về Giáng Sinh của mình, đã khai triển cùng một nhãn quan được bắt đầu từ sứ điệp Giáng Sinh nơi Phúc Âm của Thánh Gioan: “Ngài đã cắm lều ở giữa chúng ta” (Jn 1:14). Thánh Gregory áp dụng câu Phúc Âm này về cái lều thân thể của chúng ta, một cái lều đã trở nên tàn tạ và yếu nhược, đầy những đớn đau và khổ đau. Và ngài cũng áp dụng câu này cho toàn thể vũ trụ nữa, một vũ trụ bị tan hoang và biến dạng bởi tội lỗi. Ngài sẽ nói gì nếu ngài thấy được tình trạng thế giới ngày nay, một thế giới đang bị lạm dụng về năng lượng cùng với việc khai thác vị kỷ và bất cần của nó. Thánh Anselm thành Canterbury, hầu như đã thấy trước, có lần đã diễn tả một viễn ảnh về những gì chúng ta đang chứng kiến ngày nay về một thế giới bị ô nhiễm nguy hiểm đến tương lai: “Hết mọi sự như thể đã chết và mất đi phẩm giá của mình, những gì được dựng nên để phục vụ cho những ai ngợi khen Thiên Chúa. Những yếu tố của thế giới này đã bị áp bức, chúng đã bị mất đi ánh quang của mình bởi việc lạm dụng của những ai bắt chúng làm tôi cho những thứ ngẫu tượng của họ, những thứ ngẫu tượng không phải vì thế mà chúng đã được dựng nên” PL 158, 955f). Bởi vậy, theo nhãn quan của Thánh Gregory thì hang lừa nơi sứ điệp Giáng Sinh là tiêu biểu cho một thế giới bệnh hoạn. Những gì Chúa Kitô tái thiết không phải là một cung điện bình thường. Ngài đã đến để phục hồi lại vẻ đẹp và phẩm vị cho tạo vật, cho vũ trụ này: đó là những gì đã bắt đầu từ Giáng Sinh và làm cho các vị thiên thần hân hoan. Trái Đất này được phục hồi lại trật tự tốt đẹp của nó bởi sự kiện là nó được giúp qui hướng về Thiên Chúa, nó chiếm được ánh sáng thực sự cách mới mẻ, và trong tình trạng hòa hợp giữa ý muốn con người và ý muốn thần linh, trong mối hiệp nhất giữa trời cao và vực thẳm, nó lấy lại được vẻ đẹp và phẩm vị của mình. Như thế, Giáng Sinh là một lễ tạo vật được phục hồi. Theo chiều hướng ấy, các vị Giáo Phụ đã dẫn giải bài ca của các thiên thần vào đêm thánh ấy ở chỗ cho nó là một bày tỏ niềm hân hoan về sự kiện trời cao và vực thẳm, Thiên Đình và Trần Gian, một lần nữa được tái hợp; con người lại được hiệp nhất với Thiên Chúa. Theo các vị Giáo Phụ thì, chi tiết về bái ca của các vị thiên thần đó là vấn đề giờ đây cả thiên thần lẫn loài người có thể cùng nhau ca hát, nhờ đó, vẻ đẹp của vũ trụ này được thể hiện nơi vẻ đẹp của bài ca chúc tụng ngợi khen . Bài ca phụng vụ – cũng vẫn theo các vị Giáo Phụ – chiếm được phẩm chất đặc thù của mình nhờ sự kiện là nó được cùng hát lên bởi những c a đoàn thiên quốc . Chính việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô là những gì làm cho chúng ta có thể nghe được bài ca ấy của các thiên thần, nhờ đó tạo nên một thứ âm nhạc thật sự sẽ trở thành im hơi lặng tiếng nếu chúng ta không còn có thể chung tiếng hát với nhau và nghe nhau mà hát.
Thiên Đình và Trần Gian đã gặp gỡ nhau nơi hang lừa Bêlem. Thiên Đình đã hạ giáng xuống Trần Gian. Đó là lý do từ hang lừa này một ánh sáng đã chiếu soi qua tất cả mọi thời đại; vì lý do ấy mà niềm vui đã được bừng lên ở đó. Ở vào cuối việc suy niệm về Giáng Sinh của chúng ta đây, tôi muốn trích lại một đoạn độc đáo của Thánh Âu Quốc Tinh. Khi dẫn giải lời nguyện trong Kinh Chúa Dạy: “Lạy Cha chúng con là Đấng ở trên trời”, ngài đã đặt vấn đề rằng: Trời đây nghĩa là gì? Và Trời ở đâu? Thế rồi câu trả lời ngỡ ngàng đã được nêu lên như sau: “… Đấng ở trên Trời – tức là ở nơi các thánh nhân và nơi thành phần công chính. Phải, các tầng trời là những cơ thể cao vời nhất trong vũ trụ này, thế nhưng chúng vẫn là những cơ thể, không thể hiện hữu trừ khi được giành chỗ cho. Tuy nhiên, nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa ở trên các tầng trời, nghĩa là ở những nơi cao nhất trên thế giới này, thì các con chim may mắn hơn chúng ta, vì chúng được sống gần Thiên Chúa hơn. Thế mà, vấn đề lại không được viết rằng: ‘Chúa gần gũi những ai ở trên những cao vời hay trên các núi non’, mà viết rằng ‘Chúa gần gũi tấm lòng tan nát’ (Ps 34:18 [33:19]), một diễn tả ám chỉ đến lòng khiêm hạ. Như tội nhân được gọi là ‘Đất’ thế nào thì ngược lại kẻ công chính cũng có thể được gọi là ‘Trời’ như vậy” (Sermo in monte II 5, 17). Trời không thuộc về địa dư của không gian mà là địa dư của cõi lòng. Và cõi lòng của Thiên Chúa, trong Đêm Thánh này, đã cúi xuống hang lừa: lòng khiêm hạ của Thiên Chúa là Trời. Và nếu chúng ta tiến đến với lòng khiêm hạ này thì chúng ta sẽ chạm tới Trời. Bấy giờ, Đất cũng được trở nên mới mẻ nữa. Với lòng khiêm nhượng của các mục đồng, chúng ta hãy lên đường, trong Đêm Thánh này, đến với Con Trẻ nằm trong máng cỏ! Chúng ta hãy chạm tới lòng khiêm nhượng của Thiên Chúa, đến cõi lòng của Thiên Chúa! Đề rồi niềm vui của Ngài sẽ tác động chúng ta và sẽ làm cho thế giới này trở nên rạng ngời hơn. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/12/2007