“Cầu nguyện là lắng nghe Thiên Chúa

chay tịnh giúp cởi mở cõi lòng”.

Bài Giáo Lý của ĐTC cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư Hằng Tuần

 

1. Hôm nay là Thứ Tư Lễ Tro, phụng vụ lên tiếng thiết tha kêu mời tất cả mọi tín hữu hãy cải thiện theo lời của Thánh Phaolô: “Nhân danh Chúa Kitô chúng tôi nài xin anh em hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2Cor 5:20). Mùa Chay là thời điểm thuận lợi nhất cho đời sống thiêng liêng trong việc đáp lại lời huấn dụ này, vì mùa này là một thời gian thiết tha nguyện cầu hơn nữa, ăn năn thống hối hơn nữa và chú ý tới nhu cầu của anh chị em mình hơn nữa.

Qua lễ nghi bỏ tro hôm nay, chúng ta nhận biết mình là những kẻ tội lỗi, nài xin Thiên Chúa thứ tha, bày tỏ ước muốn thật sự muốn cải hóa. Như thế chúng ta bắt đầu cuộc hành trình triệt để khổ hạnh dẫn chúng ta tới tam nhật Phục Sinh, trọng tâm của phụng niên.

2. Theo truyền thống của Giáo Hội thì hôm nay tất cả mọi tín hữu đều buộc phải kiêng thịt và ăn chay, chỉ trừ những ai bị ngăn trở vì lý do sức khỏe hay tuổi già. Chay tịnh có một giá trị cao cả trong đời sống Kitô hữu, nó là nhu cầu thiêng liêng để sống gắn bó với Thiên Chúa hơn. Thật vậy, những khía cạnh bề ngoài của chay tịnh, mặc dù quan trọng, cũng không thực hiện hết được một việc thực hành như vậy. Cùng với việc chay tịnh này còn cần phải có cả một tấm lòng chân thành muốn thanh tẩy nội tâm, sẵn sàng tuân theo ý muốn thần linh, và chuyên tâm tới anh chị em nhất là thành phần nghèo khổ nhất nữa.

Bởi thế giữa việc nguyện cầu và chay tịnh có một liên hệ sâu xa. Cầu nguyện là lắng nghe Thiên Chúa và chay tịnh giúp cởi mở cõi lòng.

3. Trong lúc chúng ta bước vào thời điểm Mùa Chay, chúng ta không thể không chú ý tới tình hình thế giới hiện nay đang xao động bởi những căng thẳng của mối đe dọa chiến tranh xẩy ra. Hết mọi người cần phải ý thức lãnh nhận trách nhiệm và tham gia vào nỗ lực chung trong việc cứu vãn nhân loại khỏi cuộc xung đột thê thảm nữa. Vì lý do này Tôi đã muốn Thứ Tư Lễ Tro hôm nay đây là một ngày nguyện cầu và chay tịnh để nài xin ơn hòa bình cho thế giới. Trước hết chúng ta phải xin Thiên Chúa ơn cải thiện tâm hồn là nơi phát xuất tất cả mọi hình thức sự dữ cũng như hết mọi áp lực của tội lỗi; chúng ta phải nguyện cầu và chay tịnh cho việc chung sống thuận hòa nơi các dân tộc và các quốc gia.

Đầu cuộc gặp gỡ của chúng ta đây, chúng ta đã nghe thấy những lời phấn khởi của vị Tiên Tri: “Dân này sẽ không vung gươm lên với dân kia nữa, họ sẽ không còn thao luyện chiến tranh nữa” (Is 2:4). Còn nữa, “Họ sẽ biến gươm giáo thành lưỡi cầy và đao thương thành liềm hái” (ibid.). Bên trên những đại biến động của lịch sử có sự hiện diện thượng tôn của Thiên Chúa, Đấng phán xét những gì con người chọn lựa. Chúng ta hãy hướng lòng chúng ta về Đấng “phân xử các quốc gia” và “đặt hạn định cho nhiều dân tộc” để nài xin Ngài ban cho tất cả mọi người một tương lai công lý và hòa bình. Tâm tưởng này phải thôi thúc mỗi người chúng ta phải tiếp tục không ngừng cầu nguyện và nhiệt thành dấn thân để kiến tạo một thế giới trong đó cái tôi nhường chỗ cho tình đoàn kết và lòng yêu thương.

4. Tôi cũng muốn lên tiếng một lần nữa thiết tha kêu gọi hoán cải, thống hối và kết đoàn như Sứ Điệp Mùa Chay đã được phổ biến cách đây ít hôm với đề tài được trích từ một câu rất hay của Sách Tông Vụ: “Cho đi thì phúc hơn là nhận lãnh” (20:35).

Thật vậy, chỉ khi nào chấp nhận lý lẽ này trật tự xã hội mới có thể được kiến tạo, không phải bởi việc thận trọng cân bằng những lợi lộc tương khắc, mà là bởi việc cùng nhau thực sự tìm kiếm công ích. Kitô hữu, như men, được kêu gọi sống và phổ biến một lối sống quảng đại ở hết mọi lãnh vực của cuộc đời, nhờ đó phát động việc phát triển về luân lý và dân sự đích thực cho xã hội. Về vấn đề này, Tôi đã viết: “Việc bỏ mình đi không phải chỉ ở những gì cần hơn mà còn cả những gì hơn thế nữa để phân phát cho những ai đang thiếu thốn là việc góp phần vào việc bỏ mình mà nếu không có sẽ không còn thực sự sống đời Kitô hữu” (No. 4: [daily] L'Osservatore Romano, Feb. 7, 2003, p. 5).

5. Chớ gì ngày cầu nguyện và chay tịnh cho hòa bình mở màn cho Mùa Chay hôm nay đây được biến thành những cử chỉ cụ thể của việc hòa giải. Từ lãnh vực gia đình cho tới lãnh vực quốc tế, chớ gì mỗi một người cảm thấy mình cũng có trách nhiệm trong việc kiến tạo hòa bình. Và Vị Thiên Chúa của bình an, Đấng biết những ý hướng của cõi lòng cũng là Đấng kêu gọi con cái mình trở thành những người đi xây dựng hòa bình (x Mt 5:9), sẽ không quên trả công (x Mt 6:4,6,18).

Chúng ta hãy ký thác những ước ao của chúng ta cho lời chuyển cầu của Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Mân Côi và là Mẹ Hòa Bình. Xin Mẹ nắm lấy tay chúng ta và đồng hành với chúng ta trong suốt 40 ngày tiến về Lễ Phục Sinh, để chiêm ngưỡng Chúa Phục Sinh.

Tôi chúc cho hết mọi người một Mùa Chay tốt đẹp và phúc đức.

Anh Chị Em thân mến,

Thứ Tư Lễ Tro là một ngày được đánh dấu bằng chay tịnh và hãm mình. Những việc thực hành này bao gồm những khía cạnh bề ngoài quan trọng, thế nhưng, nó cũng cần phải có cả việc thanh tẩy nội tâm, việc sẵn sàng tuân theo ý Chúa và việc gắn bó với tất cả mọi người, nhất là người nghèo khổ nhất nữa.

Khi chúng ta bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay của mình, chúng ta không thể không chú ý tới tình hình thế giới đang căng thẳng. Vì lý do này Tôi đã kêu gọi Ngày Thứ Tư Lễ Tro này là Ngày Cầu Nguyện và Chay Tịnh cho Hòa Bình. Bằng việc hoán cải tâm hồn, ăn năn thống hối và đoàn kết, chúng ta sẽ trở thành những người xây dựng hòa bình chân thực, cả trong gia đình riêng của chúng ta cũng như trên thế giới. Chúng ta hãy phó thác nỗ lực này của chúng ta cho Mẹ Maria, Nữ Vương Mân Côi và là Mẹ Hòa Bình. Xin Mẹ cầm tay chúng ta để dẫn chúng ta tới vinh quang của Lễ Phục Sinh.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, trích dịch theo tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến cùng ngày Thứ Tư 5/3/2003

 

 

 

“Cho đi có phúc hơn là nhận lãnh”

 

 

Sứ Điệp Mùa Chay 2003 của ĐTC Gioan Phaolô II

 


Sứ điệp đề ngày 7/1/2003 này của ĐTC đã được phổ biến bằng tiếng Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. ĐTGM Paul Josef Cordes, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh “Cor Unum” chủ tọa buổi ban hành sứ điệp đây tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh. Theo Tông Hiến 1988 Mục Tử Tốt Lành “Pastor bonus” của ĐTC Gioan Phaolô II thì hội đồng này, ngoài việc giúp vào vấn đề sửa soạn cho Sứ Điệp Mùa Chay hằng năm còn “bày tỏ mối quan tâm của Giáo Hội Công Giáo đối với thành phần thiếu thốn, để phát động tình huynh đệ nhân loại và chứng tỏ đức ái của Chúa Kitô”.


Anh Chị Em thân mến!


1. Mùa Chay là mùa thiết tha cầu nguyện, chay tịnh và quan tâm đến những ai thiếu thốn. Mùa này cống hiến cho tất cả mọi Kitô hũu một cơ hội dọn mừng Lễ Phục Sinh bằng việc nghiêm cẩn ý thức về cuộc đời sống của mình, đặc biệt chú trọng tới Lời Chúa là những gì soi sáng cuộc hành trình hằng ngày của tất cả mọi con người tin tưởng.


Năm nay, để hướng dẫn suy niệm Mùa Chay, Tôi muốn nêu lên một câu được trích từ Sách Tông Vụ, đó là câu: “Cho đi thì có phúc hơn là nhận lãnh”. Những gì chúng ta nói đến ở đây không phải chỉ là một huấn dụ về luân lý, hay là một mệnh lệnh đến với chúng ta từ bên ngoài. Bản năng cho đi được bắt nguồn từ chiều sâu của con tim nhân loại, ở chỗ, mỗi người đều ý thức được một ước muốn giao tiếp với những người khác, và hết mọi người đều cảm thấy nên trọn nơi việc trao tặng bản thân mình cho người khác.


2. Tiếc thay, thời đại của chúng ta đây đặc biệt dễ bị chiều theo xu hướng vị kỷ là những gì bao giờ cũng nằm vùng rình chực trong tâm can con người. Trong xã hội nói chung và nơi phương tiện truyền thông đại chúng, dân chúng bị công hãm bởi những sứ điệp không nhiều thì ít công khai đề cao những cái vồ vập và lạc thú. Việc quan tâm đến kẻ khác thường được tỏ ra vào những lúc thiên tai, chiến tranh và những thứ hoạn nạn nguy cấp, nhưng nói chung rất khó lòng để xây dựng một thứ văn hóa đoàn kết. Tinh thần của thế giới này ảnh hưởng đến bản năng tự nhiên mạnh mẽ của chúng ta trong việc hiến mình một cách vô vị lợi cho người khác và thúc đẩy chúng ta tìm kiếm thỏa mãn những lợi lội riêng tư của mình thôi. Càng ngày lòng ước muốn chiếm hữu càng mạnh. Chắc chắn là dân chúng tự nhiên có quyền, bằng việc sử dụng những tặng ân riêng của mình cũng như việc lao công của mình, làm việc để chiếm đạt những gì họ cần để sống, thế nhưng ước muốn chiếm hữu quá độ làm cho con người đóng cửa lòng mình lại trước Tạo Hóa và anh chị em của mình. Những lời của Thánh Phaolô gửi Timôthêu vẫn còn giá trị ở mọi thời đại: “Lòng yêu thích tiền bạc là gốc rễ của tất cả mọi sự dữ; chính vì lòng tham muốn này mà một số người đã lạc xa đức tin và bị xâu xé cõi lòng” (1Tim 6:10)!


Hành động khai thác nhau, thái độ lạnh lùng dửng dưng trước khổ đau của anh chị em chúng ta, và việc vi phạm đến những qui tắc căn bản của luân lý mới chỉ là một ít hoa trái cho nỗi khát khao chiếm hưởng này. Đối diện với tình trạng thê thảm của cảnh bần cùng liên lỉ gây khổ đau cho nhiều người trên thế giới, chúng ta làm sao có thể không nhìn thấy là việc theo đuổi tìm cầu lợi lộc với bất cứ giá nào và không biết hữu trách quan tâm một cách hiệu năng đến công ích, đã dồn những nguồn lợi khổng lồ vào tay của một số ít người, trong khi phần đông nhân loại phải chịu sống cảnh bần cùng và bị bỏ rơi?


Bằng việc kêu gọi tín hữu cũng như tất cả mọi con người thiện tâm, Tôi muốn tái xác nhận một nguyên tắc hiển nhiên song vẫn thường bị coi thường, đó là mục tiêu của chúng ta không phải là thiện ích của một số ít may mắn, mà là việc cải tiến những điều kiện sống của tất cả mọi người. Chỉ khi nào biết đặt mình trên nền tảng này chúng ta mới có thể xây dựng một trật tự thế giới thực sự được đánh dấu bằng công lý cũng như bằng một tình đoàn kết là niềm hy vọng của mọi người.

3. “Cho đi thì có phúc hơn là nhận lãnh”. Khi tín hữu đáp lại động lực nội tâm trong việc hiến mình cho người khác không mong bù đắp sự gì thì họ cảm thấy một nỗi thỏa nguyện nội tâm sâu xa.

Những nỗ lực của Kitô hữu trong việc cổ võ công lý, việc họ dấn thân bênh vực thành phần bất lực, việc họ nhân đạo ban bánh cho người đói và chăm sóc cho bệnh nhân, đáp ứng hết mọi cơn nguy cấp và nhu cầu, đều lấy sức từ kho tàng yêu thương duy nhất bất tận là tặng vật trọn vẹn của Chúa Giêsu dâng lên cho Chúa Cha. Tín hữu được kêu gọi theo bước chân của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Đấng hoàn toàn vâng phục ý muốn của Chúa Cha đã hủy mình ra như không (x Phil 2:6ff), và khiêm tốn hiến mình cho chúng ta bằng một tình yêu vô vị kỷ và toàn vẹn, cho dù có phải chết trên cây thập tự giá. Đồi Canvê hùng hồn loan báo sứ điệp của tình yêu Ba Ngôi Thánh đối với loài người ở mọi thời và khắp mọi nơi.

Thánh Âu-Quốc-Tinh nhận định rằng chỉ có một mình Thiên Chúa, Sự Thiện Tối Cao, mới có khả năng chế ngự các hình thức bần cùng khác nhau hiện diện trên thế giới này. Tình thương và tình yêu đối với tha nhân bởi thế phải là hoa trái của mối liên hệ sống động với Thiên Chúa và lấy Thiên Chúa làm cứ điểm liên lỉ của mình, vì chính ở trong sự gần gũi với Thiên Chúa mà chúng ta mới tìm thấy niềm vui (cf. De Civitate Dei, X, 6; CCL 39:1351ff).

4. Con Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, trong lúc “chúng ta còn là những tội nhân” (Rm 5:6), với một tình yêu vô vị lợi không đòi hoàn trả. Nếu vậy thì chúng ta làm sao có thể không thấy được mùa Chay là một cơ hội tốt đẹp để thực hiện những quyết định can đảm theo lòng quan tâm đến nhau và lòng quảng đại? Mùa Chay cống hiến cho chúng ta những thứ khí giới cụ thể và hiệu lực của chay tịnh và bố thí như phương tiện để chiến đấu với lòng dính bén quá độ với tiền bạc. Việc ban phát chẳng những từ sự dồi dào của chúng ta, mà còn từ việc hy sinh hơn nữa một cái gì đó cho thành phần thiếu thốn, là việc nuôi dưỡng một thứ bỏ mình thiết yếu cho đời sống kitô hữu. Được kiên cường bằng việc liên lỉ cầu nguyện, thành phần được rửa tội tỏ ra cho thấy cái ưu tiên họ dâng cho Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.

Tình yêu Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta phải soi động và biến đổi cái chúng ta là và việc chúng ta làm. Kitô hữu không được nghĩ rằng họ có thể tìm kiếm sự thiện chân thực cho anh chị em của họ mà không cần thể hiện đức bác ái của Chúa Kitô. Ngay cả ở những trường hợp họ có thể thành công trong việc cải tiến những khía cạnh quan trọng của sinh hoạt xã hội hay chính trị đi nữa, nếu không có đức bác ái thì hết mọi thay đổi sẽ không bền bỉ. Cơ hội ban phát chính mình cho kẻ khác tự nó là một tặng vật do ơn Chúa ban. Như Thánh Phaolô dạy: “Theo nhã ý của mình, Thiên Chúa hoạt động nơi anh em, cả nơi ý muốn lẫn việc làm“ (Phil 2:13).

5. Chúa Kitô đã cống hiến gương mẫu của Người và lên tiếng kêu gọi theo Người nơi con người nam nữ tân tiến, thành phần thường không thỏa mãn với một cuộc sống tầm thường và nông nổi nên đang tìm kiếm một thứ hạnh phúc và yêu thương đích thực. Người xin những ai nghe thấy tiếng của Người hãy hiến cuộc đời của mình cho người khác. Cuộc hy hiến này là nguồn mạch của sự viên trọn bản thân cũng như của niềm vui mừng, như được thấy nơi gương mẫu sống động của những con người nam nữ đã từ bỏ mọi thứ an sinh để không ngần ngại liều mạng sống mình làm thừa sai nơi các phần đất khác nhau trên thế giới. Cuộc hy hiến ấy cũng có thể được thấy nơi việc đáp ứng của những con người trẻ trung, theo đức tin tác động, ấp ủ ơn gọi làm linh mục hay sống đời tu sĩ để phục vụ dự án cứu độ của Thiên Chúa. Cuộc hy hiến này cũng được thấy nơi việc tăng thêm con số tình nguyện viên dấn thân giúp đỡ thành phần nghèo khổ, già yếu, bệnh tật và tất cả những ai cần đến họ.

Gần đây chúng ta đã chứng kiến thấy một bày tỏ tình đoàn kết đáng khen đối với những nạn nhân bão lụt ở Âu Châu, động đất ở Mỹ Châu Latinh và Ý Quốc, nạn dịch ở Phi Châu, nạn núi lửa ở Phi Luật Tân, cũng như ở các miền đất khác trên thế giới đang lo sợ hận thù, bạo động và chiến tranh.

Nơi những tình trạng này, các phương tiện truyền thông xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ thành phần đau khổ cũng như những ai sống trong buồn đau. Có những lúc không cần phải là giới răn yêu thương Kitô giáo, mà là một cảm thức xót thương cũng có thể tác động chúng ta nỗ lực giúp đỡ lẫn nhau. Cho dù là thế, ai ra tay giúp đỡ những người đang cần đến họ bao giờ cũng được Thiên Chúa ban ơn. Trong Sách Tông Vụ chúng ta đọc thấy rằng người môn đệ Tabitha đã được cứu vì bà đã làm việc thiện cho tha nhnân của bà (x 9:36ff). Viên đại đội trưởng Corneliô đã được sự sống đời đời vì lòng quảng đại của ông (x ibid 10:2-31).

Với những ai đang “ở xa” thì việc phục vụ thành phần cần đến họ có thể là một con đường thuận lợi dẫn họ đến với cuộc gặp gỡ Chúa Kitô, vì Chúa trả công bội hậu về các việc lành làm cho tha nhân của họ (x Mt 25:40).

Tôi tha thiết hy vọng là tín hữu sẽ tìm thấy nơi Mùa Chay này một thời gian thuận lợi cho việc làm chứng cho Phúc Âm bác ái ở khắp mọi nơi, vì ơn gọi bác ái là cốt lõi của tất cả mọi việc truyền bá phúc âm hóa. Để được như vậy, Tôi kêu xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, giúp chuyển cầu, và xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình Mùa Chay của chúng ta. Với lòng cảm mến, Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em.

 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 6/2/2003

 

Sứ Ðiệp Mùa Chay 2002

 

 

Huấn Từ Truyền Tin CN 23/2/2003 của ĐTC về Ngày Lễ Tro Cầu Nguyện Cho Hòa Bình


Anh Chị Em thân mến!


1. Nhiều tháng nay cộng đồng thế giới đã sống trong một tình trạng hết sức lo âu trước cơn nguy hiểm xẩy ra một cuộc chiến tranh có thể làm rối loạn toàn vùng Trung Đông và càng làm tăng thêm căng thẳng bất hạnh thay đã xẩy ra ngay từ đầu kỷ nguyên này. Nhiệm vụ của tín hữu, bất kể theo tôn giáo nào, là tuyên bố cho thấy rằng chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc được nếu chúng ta cứ kình chống nhau, tương lai của nhân loại sẽ không bao giờ được bảo đảm bằng nạn khủng bố và lý lẽ chiến tranh.


Đặc biệt là Kitô hữu chúng ta được kêu gọi để làm những người bảo hộ hòa bình ở những nơi chúng ta sống và hoạt dộng. Chúng ta cần phải tỉnh táo để lương tâm không lùi bước trước khuynh hướng vị ngã, sai lầm và bạo lực.


2. Bởi thế, Tôi mời gọi tất cả mọi người Công Giáo hãy tha thiết hiến ngày 5/3 tới đây, Ngày Thứ Tư Lễ Tro, để cầu nguyện và chay tịnh cho hòa bình, nhất là ở vùng Trung Đông.


Trước hết, chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban ơn hoán cải cho các tâm hần và có một cái nhìn rộng lượng ở những quyết định chính đáng để giải quyết bằng những phương tiện xứng hợp và ôn hòa các thứ tranh đối làm cản bước hành trình của nhân loại trong thời đại của chúng ta.


Ở hết mọi đền Thánh Mẫu phải dâng lời cầu nguyện thiết tha bằng việc cầu kinh mân côi thánh. Tôi tin rằng kinh mân côi cũng sẽ được nguyện cầu ở các giáo xứ và gia đình để cầu nguyện cho ý chỉ quan trọng chi phối thiện ích của tất cả mọi người này.


Lời kêu cầu chung này sẽ được kèm theo bằng việc chay tịnh, bằng việc tỏ lòng thống hối về những thứ hận thù và bạo lực bôi bẩn các mối liên hệ của loài người. Kitô hữu cũng thực hành những việc chay tịnh truyền thống với nhiều anh chị em thuộc các tôn giáo khác, thành phần muốn dùng cách này để dứt bỏ tất cả mọi thứ kiêu hãnh và sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa ban cho những tặng ân cao trọng nhất và cần thiết nhất, trong số đó đặc biệt là có tặng ân hòa bình.


3. Từ nay trở đi, để cầu cho việc thực hành được bắt đầu từ Mùa Chay này, chúng ta kêu cầu sự trợ giúp đặc biệt của Mẹ Maria Rất Thánh, Nữ Vương Hòa Bình. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chớ gì mối phúc đức phúc âm “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9) vang vọng với một mãnh lực mới mẻ trên thế giới và được thực sự chấp nhận!

 

Những Người Do Thái và Hồi Giáo cùng Chay Tịnh cầu cho Hòa Bình

Trong huấn từ truyền tin Chúa Nhật 23/2/2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi dùng ngày Thứ Tư Lễ Tro, 5/3/2003, để thực hiện việc chay tịnh mà cầu nguyện cho hòa bình thế giới, một sáng kiến đã được các vị lãnh đạo Do Thái Giáo và Hồi Giáo hưởng ứng và cám ơn Ngài về sáng kiến này.

Vị chủ tịch Hiệp Hội Các Cộng Đồng Hồi Giáo ở Ý Quốc là Mohammed Nour Dachan đã nói với Đài Phát Thánh Vatican rằng “vào lúc này đây, cũng như vào các lúc khác từ ngày 11/9, Đức Giáo Hoàng đã thực hiện những lời kêu gọi chính đáng và xác đáng. Tôi nghĩ rằng Ngài có một chủ trương mà chúng ta hoàn toàn đồng ý, đó là không ai được sử dụng tôn giáo cho những mục tiêu khác, nhất là những mục tiêu hướng chiều về đánh đấm. Chay tịnh là một cái gì rất đẹp. Trong Hồi Giáo có câu ‘Chay tịnh là một điều bí mật giữa một người tôi tớ với Chúa của mình’, vì không ai có thể biết được tôi ăn hay không ăn – nó là một điều bí mật”.

Vị phó chủ tịch Hội Nghị Do Thái Âu Châu là bà Tullia Zevi cũng cho Đài Phát Thanh Vatican biết rằng bà ủng hộ Ngày Thứ Tư Lễ Tro như được Đ Gioan Phaolô II đề nghị. Theo bà, “Cuộc xung khắc hôm nay đây khó có thể chỉ gói gọn vào Iraq. Nói chung, các quan sát viên phỏng định là cuộc mở màn chiến tranh đánh Iraq có thể sẽ lan khắp cả vùng Trung Đông. Tôi cũng biết rằng ở Do Thái, đại đa số các quốc gia đều bị rùng mình bởi những cuộc khủng bố tấn công phạm đến thành phần dân sự là những gì tạo nên tình trạng khó khăn (đối với những biện pháp phòng vệ)”.

 

LÁ THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2003
"Cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35)
 

Ngày 1.3.2003

Kính gởi : Anh em linh mục
Anh chị em tu sĩ và giáo dân
thuộc giáo phận thành phố Hồ Chí Minh

Anh chị em thân mến,

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gởi cho toàn thể Hội Thánh Công giáo một lá thư Mùa Chay, trong đó ngài đề nghị chúng ta suy niệm và thực hành Lời Chúa dạy trong sách Công vụ Tông đồ “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35), như một phương thế để đổi mới tâm hồn con người và cải thiện tương quan giữa con người với con người, chống lại cám dỗ sống ích kỷ, lòng ham muốn chiếm hữu vô giới hạn, sự gắn bó quá đáng với tiền bạc, thể hiện đức ái chân chính do Thiên Chúa ban.

Hưởng ứng lời mời gọi này của Đức Thánh Cha, tôi xin gởi tới anh chị em một vài suy nghĩ và đề nghị một vài điều thực hành như là chương trình sống Mùa Chay của giáo phận.

Trước hết chúng ta cùng mở sách Thánh để hiểu rõ ý nghĩa của việc chia sẻ của cải vật chất và cách thực hành của Hội Thánh thời ban đầu như sách Công vụ và các thư của thánh Phaolô cho thấy.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã giải thoát một dân tộc quằn quại dưới ách nô lệ ở Ai Cập (x. Xuất Hành 1, 8-11), ban cho họ một miền đất, dạy họ phân chia đất đai cho công bằng để mọi gia đình, mọi người có thể sống xứng phẩm giá con người (x. Dân Số, 32-36). Nhưng nhiều nguyên nhân có thể đưa tới chỗ người này người kia phải cầm cố đất đai, phải làm tôi tớ, phải bán vợ đợ con … Năm toàn xá (năm mươi năm một lần) và năm sa-bat (bảy năm một lần) được lập ra để điều chỉnh tình trạng này với luật tha nợ, phóng thích nô lệ và hoàn trả đất đai, nhà ai nấy ở, ruộng ai nấy cày như thuở mới phân chia (x. Lêvi 25 và Đệ Nhị Luật 15).

Dân Chúa luôn được nhắc nhớ rằng cảnh áp bức bóc lột họ đã phải chịu xưa kia thì đừng lặp lại đối với người khác (x. Xh 23,9).

Nếu dân sống đúng lời Chúa dạy thì giữa họ sẽ không có người nghèo (x. Đnl 15,4-5), nhưng thực tế lại khác, sự có mặt của người nghèo là không thể tránh được, đến nỗi Chúa Giêsu đã nói : “người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Gioan 12,8). Vì thế sách Đệ Nhị Luật đã đưa ra chỉ thị sau đây : “Nếu giữa anh em, trong một thành nào của anh em, trên đất mà Thiên Chúa của anh em ban cho anh em, có một người anh em nghèo, thì anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng ; nhưng phải mở rộng tay, và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu .... Anh em phải cho họ cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng … Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em : hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em” (Đnl 15,7-11).

Trong sách Công vụ Tông đồ, thuở ban đầu, cộng đoàn tín hữu ở Giêrusalem đã để mọi sự làm của chung và thực hiện được lý tưởng như sách Đệ Nhị Luật đã đề ra là “trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn” (Cv 4,34). Nhưng tình trạng đó không bền … Nhưng chúng ta thấy một cách thể hiện mới của sự hiệp thông và chia sẻ ngay khi cộng đoàn An-ti-ô-khi-a xuất hiện. Lúc xảy ra nạn đói tại Giêrusalem thì “các môn đệ (ở An-ti-ô-khi-a) quyết định là mỗi người tùy theo khả năng, sẽ gởi quà giúp đỡ anh em ở miền Giu-đê. Và họ đã làm việc ấy : gửi đến cho hàng kỳ mục qua tay ông Ba-na-ba và ông Sao-lô” (11,29-30). Và từ đó chúng ta thấy cách thực hành này trở nên quen thuộc giữa các cộng đoàn Hội Thánh khác trong tình liên đới với Giêrusalem.. Và chính Chúa Giêsu là mẫu gương cho sự quảng đại chia sẻ trong mầu nhiệm nhập thể : “Anh em biết Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào : Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khổ vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (8,9).

Thánh Phaolô khẳng định mình đã sống theo gương Chúa Kitô : “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lời Chúa Giêsu đã dạy : cho thì có phúc hơn là nhận.” ( Cv 20,35). Tại sao cho lại có phúc hơn là nhận ? Thư II Corintô giải thích như sau. Trước hết thánh Phaolô đưa Chúa Giêsu ra làm gương (8,9) rồi ở phần cuối đoạn nói về quyên góp này, ngài đề ra những lợi ích của cuộc lạc quyên. Trước hết là chính Thiên Chúa sẽ đáp trả : gieo ít thì gặt ít ; gieo nhiều thì gặt nhiều. Thiên Chúa có đủ quyền năng ban cho anh em không những đầy đủ mà còn dư thừa. Thiên Chúa sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào. Sự chia sẻ này là nguồn phát sinh bao lời cảm tạ dâng lên Thiên Chuá. Cuối cùng những người được giúp đỡ sẽ cầu nguyện cho những người giúp đỡ (x.9,6-15). Xét về tương quan giữa con người với của cải vật chất thì cho đi là cách thể hiện quyền làm chủ trọn vẹn nhất và sự tự do tuyệt vời nhất, nó đem lại cho ta sự “toại nguyện sâu xa trong tâm hồn” (Sứ điệp Mùa Chay). Xét về tương quan với Thiên Chúa thì sự cho đi làm cho ta nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã trao ban chính mình cho chúng ta, và giúp ta cùng với Chúa Giêsu làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với con người. Cho đi một cách vô vị lợi là phương thế chống lại lòng tham lam, khuynh hướng thích sở hữu, tính ích kỷ cố hữu nơi con người.

Mùa Chay là thời gian để chiến đấu và canh tân đời sống bản thân và gia đình nhờ ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ của cải vật chất. Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, bố thí được kể trước cầu nguyện và ăn chay. Ăn chay chỉ liên hệ tới bản thân, cầu nguyện là thể hiện tương quan với Thiên Chúa, chẳng ai biết được tương quan ấy có thật tới mức nào, nhưng bố thí bộc lộ tương quan của chúng ta với của cải vật chất và với anh em đồng loại. “Đồng tiền liền khúc ruột”, nên bố thí là dứt ruột ra để nối kết mình với tha nhân. Bố thí là cách thiết thực nhất để mỗi người và mỗi gia đình bộc lộ tình yêu thương chân thành đối với đồng bào và đồng lọai của mình (x.I Ga 3,18 ; Gc 2,15-16).

Trong thực hành của cộng đoàn tín hữu thời ban đầu, chúng ta thấy sự chia sẻ giữa các cộng đoàn Hội Thánh là hành vi cộng đoàn chứ không phải cá nhân, nó tạo sự liên đới ở cả hai phía, người cho và người nhận, và gia tăng hịệu quả : “Mộât cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Khi chúng ta bố thí lẻ tẻ ngoài đường phố, chúng ta chỉ giúp được một người có miếng cơm, còn khi chúng ta góp lại với nhau, liên đới với nhau, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng những công trình phúc lợi góp phần vào công cuộc phát triển và chăm lo sức khỏe cho nhiều người. Năm 2000 chúng ta đã xây dựng được 200 căn nhà tình thương, giúp cho 200 gia đình thuộc thành phố có nơi sinh sống. Năm 2001 chúng ta đã góp phần đem lại ánh sáng cho nhiều trăm người mù lòa. Năm 2002 chúng ta đã lập được quỹ học bổng giúp cho nhiều trăm trẻ em được cắp sách đến trường để được mở mang trí tuệ.

Năm nay chúng ta sẽ hướng về những đồng bào ở vùng sâu vùng xa, không có nổi một mái nhà lành lặn để che nắng che mưa. Vậy tôi xin đề nghị với anh chị em chương trình cụ thể cho việc chia sẻ của cải vật chất trong Mùa Chay năm 2003 : chúng ta nhắm tới việc GIÚP CHO CÁC ĐỒNG BÀO NGHÈO Ở VÙNG SÂU VÙNG XA NHỮNG MÁI NHÀ TÌNH THƯƠNG.

Xin anh chị em đón nhận kế hoạch nhỏ này để sống Mùa Chay một cách thiết thực hơn : giảm bớt ăn uống, chi tiêu để chia sẻ cho những anh chị em nghèo khổ thiếu thốn, giúp họ có nơi trú nắng đụt mưa, có nơi cho gia đình được ngon giấc sau một ngày lao nhọc dãi nắng dầm mưa. Việc ăn chay như thế sẽ giúp chúng ta thể hiện đúng tư cách con cái thiên Chúa, môn đệ của Chúa Giêsu, và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa và bày tỏ tình liên đới đối với các gia đình túng thiếu nghèo khổ. Và ngày lễ Phục Sinh chúng ta được hân hoan mừng Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta để chúng ta được sống một đời sống mới.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em, và thương ban cho mỗi người, mỗi gia đình tràn đầy Chúa Thánh Thần là nguồn suối tình yêu để được đổi mới thành chứng nhân tình yêu.

Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Tỗng Giám Mục