“Ai vì Thày tiếp nhận một con trẻ nào như con trẻ này là tiếp nhận Thày”

(Mt 18:5)

Sứ Điệp Mùa Chay Năm 2004 của ĐTC GPII

 

Anh Chị Em thân mến!

1.- Nghi thức đầy ý nghĩa của việc bỏ tro mở màn cho mùa Chay thánh, thời đểm Phụng Vụ lại kêu gọi tín hữu hãy thật lòng hoán cải và tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa.

Đề tài cho năm nay là “Ai vì Thày tiếp nhận một con trẻ nào như con trẻ này là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5) là đề tài kêu mời chúng ta hãy suy nghĩ về thân phận của trẻ nhỏ. Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi chúng đến với Người và lấy chúng làm gương mẫu cho tất cả những ai muốn làm môn đệ của Người. Những lời của Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy để ý xem trẻ em đang được đối xử ra sao trong gia đình của chúng ta, trong xã hội dân sự của chúng ta cũng như trong Giáo Hội. Những lời của Người cũng là một động lực thúc đẩy chúng ta tái nhận thức được tính cách đơn sơ và lòng tin tưởng tín hữu cần phải vun trồng theo gương của Con Thiên Chúa, Đấng đã chia sẻ thân phận với những kẻ bé nhỏ và nghèo khổ. Thánh Clara Assisi thích nói rằng Chúa Kitô “nằm trong máng cỏ, sống nghèo nàn trên thế gian và đã chết trần trụi trên Thập Giá” (Testament, Franciscan Sources, No. 2841).

Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương trẻ em vì “tính chất đơn sơ của chúng, niềm vui sống của chúng, tính cách ngây thơ của chúng, và lòng tin tưởng đầy lạ lùng của chúng” (Angelus Message, 18 December 1994). Bởi thế Người muốn cộng đồng nhân loại hãy mở rộng cánh tay và tấm lòng cho chúng, thậm chí Người đã nói: “Ai vì Thày tiếp nhận một con trẻ nào như con trẻ này là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5). Bên cạnh trẻ em, Chúa Giêsu còn nói đến thành phần “bé mọn nhất trong anh em”, đó là thành phần đau khổ, thiếu thốn, đói khát, xa lạ, trần trụi, yếu đau và tù phạm. Khi chúng ta tiếp nhận họ và yêu mến họ, hay khi chúng ta đối xử với họ một cách dửng dưng và khinh thường họ, là chúng ta tỏ thái độ với Người, bởi Người đặc biệt hiện diện nơi họ.

2. Phúc Âm đã trình thuật lại cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu ở ngôi nhà giản dị Nazarét, nơi Người đã tỏ ra vâng lời cha mẹ của mình và “lớn lên trong khôn ngoan và tuổi tác, đầy ơn nghĩa Chúa và loài người” (Lk 2:52). Khi trở nên một con trẻ, Người muốn chia sẻ cảm nghiệm nhân loại của chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Người đã tự hủy ra như không, mặc lấy thân phận của một người tôi tớ, sinh ra theo hình ảnh con người. Và với thân phận làm người, Người đã tự hạ và vâng lời cho đến chết, dù chết trên thập tự giá” (Phil 2:7-8). Vào năm 12 tuổi, Người đã ở lại trong Đền Thờ Giêrusalem và nói với cha mẹ đang lo lắng tìm Người rằng: “Cha mẹ tìm kiếm con làm chi? Cha mẹ không biết rằng con cần phải ở trong nhà Cha của con hay sao?” (Lk 2:49). Thật vậy, tất cả đời sống của Người được đánh dấu bằng việc tin tưởng tuân phục thảo hiếu đối với Cha trên trời. Người đã nói: “Lương thực của Thày đó là làm theo ý Đấng đã sai Thày và hoàn tất công việc của Ngài” (Jn 4:34).

Trong những năm của cuộc sống công khai, Chúa Giêsu thường nhấn mạnh là chỉ có những ai trở nên như trẻ em mới được được vào Nước Trời mà thôi (x Mt 18:3; Mk 10:15; Lk 18:17; Jn 3:3). Nơi giáo huấn của Người, trẻ em là một hình ảnh nổi bật trước mắt thành phần môn đệ được kêu gọi theo Vị Thần Sư bằng tinh thần dễ dạy như trẻ thơ: “Ai hạ mình xuống như con trẻ này là kẻ lớn nhất trên Nước Trời” (Mt 18:4).

“Trở nên” một trong thành phần hẹn mọn nhất và “tiếp nhận” những kẻ nhỏ bé nhất: đó là hai khía cạnh của cùng một giáo huấn Chúa Giêsu muốn lập lại với thành phần môn đệ của Người trong thời đại của chúng ta đây. Chỉ có người nào biến mình thành một trong những kẻ “hèn mọn nhất” mới có thể yêu thương kẻ “hèn mọn nhất” trong anh chị em của chúng ta mà thôi.

3. Nhiều tín hữu đã cố gắng trung thành sống theo những lời Chúa giáo huấn này. Ở đây Tôi muốn đề cập đến những phụ huynh vui lòng gánh nhận trách nhiệm coi sóc một gia đình đông đảo, những người làm cha làm mẹ thay vì chú trọng tới thành đạt về nghề nghiệp của mình như một giá trị đệ nhất thì lại dồn nỗ lực vào việc truyền đạt cho con cái mình những giá trị nhân bản và đạo đức làm nên ý nghĩa đích thực của cuộc đời.

Tôi cũng nghĩ đến với đầy lòng cảm phục tất cả những ai dấn thân chăm sóc cho những trẻ em bất hạnh, cũng như những ai đến xoa dịu các trẻ em cùng gia đình của các em những vết thương đau gây ra bởi chiến tranh và bạo lực, bởi thiếu thức ăn và nước uống, bởi việc di dân ngoài ý muốn cũng như bởi nhiều hình thức bất công đang xẩy ra trên thế giới.

Tuy nhiên, ngoài những tấm lòng đầy quảng đại như thế, cũng cần phải nói đến lòng vị kỷ của những ai không “tiếp nhận” trẻ em. Có những thành phần giới trẻ đã bị xúc phạm nặng nề bởi hành động bạo lực của người lớn: như việc lạm dụng tình dục, bắt làm gái điếm, dính dáng đến việc buôn bán và sử dụng thuốc nghiện; bị bắt lao động và gia nhập hàng ngũ chiến đấu; luôn phập phồng về tình trạng gia đình bị đổ vỡ; bị lọt vào việc buôn bán các bộ phận con người và con người. Còn thảm cảnh hội chứng liệt kháng AIDS cùng với các hậu quả tàn hại của nó ở Phi Châu nữa thì sao? Người ta nói rằng hằng triệu người hiện nay đang bị cơn khổ nạn này hành hạ, nhiều người đã bị lây nhiễm từ khi mới sinh. Nhân loại không thể nhắm mắt làm ngơ trước một thảm cảnh hết sức thượng tâm này!

4. Những trẻ em này đã làm xấu nào mà lại phải gánh chịu khổ đau như thế? Theo quan điểm nhân loại thì không dễ gì, thật sự là không thể, giải đáp vấn nạn nhức nhối này. Chỉ có đức tin mới khiến chúng ta bắt đầu hiểu được vực thẳm rất sâu xa của khổ đau mà thôi. Bằng việc “vâng lời cho đến chết cho dù chết trên thập giá” (Phil 2:8), Chúa Giêsu đã gánh chịu khổ đau nơi bản thân mình và đã chiếu tỏ nó bằng ánh sáng rạng ngời của việc Người phục sinh. Người đã hoàn toàn chiến thắng tử thần bằng cái chết của Người.

Trong Mùa Chay, chúng ta sửa soạn để sống lại Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm chiếu tỏa ánh sáng hy vọng trên tất cả cuộc sống của chúng ta, thậm chí cả những khía cạnh phức tạo nhất và đau thương nhất. Tuần Thánh lại diễn ra trước mắt chúng ta mầu nhiệm cứu độ này nơi những nghi thức sống động của Tam Nhật Thánh.

Anh Chị Em thân mến, chúng ta hãy tin tưởng bắt đầu hành trình Mùa Chay của chúng ta, bằng việc sốt sắng cầu nguyện, bằng việc thống hối ăn năn cũng như bằng việc quan tâm đến những ai đang thiếu thốn. Chớ gì Mùa Chay này đặc biệt trở thành một thời gian quan tâm hơn nữa đến các nhu cầu của trẻ em, nơi riêng gia đình của chúng ta cũng như nơi chung xã hội, vì chúng là tương lai của nhân loại.

5. Chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa bằng tinh thần đơn sơ như con trẻ và kêu cầu Ngài như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong kinh “Lạy Cha”, “Abba”, “Cha ơi”.

Lạy Cha chúng con! Chúng ta hãy năng lập lại lời nguyện này trong Mùa Chay; chúng ta hãy hết lòng cảm mến lập lại lời nguyện này. Khi gọi Thiên Chúa là “Cha của chúng con”, chúng ta sẽ nhận thức hơn nữa chúng ta là con cái của Ngài và cũng sẽ cảm thấy rằng chúng ta đều là anh chị em với nhau. Nhờ đó chúng ta sẽ dễ mở lòng mình ra cho những ai nhỏ bé như lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Ai vì Thày tiếp nhận một con trẻ nào như con trẻ này là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5).

Trong niềm hy vọng này, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ của Lời Chúa làm người và là Mẹ của toàn thể nhân loại, Tôi xin phúc lành của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên mỗi một người.

Tại Vatican ngày 8/12/2003

JOHN PAUL II


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 29/1/2004.

 

ĐTC GPII chủ sự Lễ Nghi Xức Tro: Mùa Chay là một hành trình cầu nguyện, thống hối và khổ chế

Thứ Tư Lễ Tro, mở màn cho Mùa Chay 2004, vào lúc 10 giờ 30 sáng, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ĐTC đã chủ sự Cử Hành Lời Chúa và lễ nghi làm phép tro rồi xức tro. Sau phần Lời Chúa, ĐTC đã giảng về ý nghĩa Mùa Chay, bài giảng thay cho bài giáo lý hằng tuần thường được ĐTC huấn dạy vào các buổi triều kiến chung ở mỗi ngày Thứ Tư hằng tuần. Sau đây là những ý tưởng chính yếu trong bài giảng của Ngài:

1.- “Cha các con là Đấng thấy trong kín đáo sẽ thưởng công cho các con” (Mt 6:4,18). Những lời này của Chúa Kitô được ngỏ với mỗi một người trong chúng ta khi mở màn cuộc hành trình Mùa Chay này. Chúng ta bắt đầu bằng bằng việc xức tro, một tác động thống hối thanh đạm được truyền thống Kitô giáo hết sức kính chuộng. Tác động này nhấn mạnh đến việc con người nhận thức được mình là một tội nhân trước Thiên Chúa uy nghi và thánh hảo. Đồng thời tác động ấy còn cho thấy con người tỏ ra muốn ôm ấp Phúc Âm và chuyển dịch việc gắn bó với Phúc Âm này thành những chọn lựa đặc biệt.

Những công thức được kèm theo việc xức tro này hết sức ý nghĩa. Công thức thứ nhất, được trích từ Sách Khởi Nguyên: “Hãy nhớ rằng các ngươi là bụi đất thì các ngươi sẽ trở về với đất bụi” (3:19), nhắc nhở thân phận hiện tại của con người mang dấu hiệu chuyển tiếp và giới hạn. Công thức thứ hai trích từ những lời Phúc Âm: ‘Hãy ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm” (Mk 1:15), những lời khẩn trương kêu gọi cải đổi cuộc sống của con người. Cả hai công thức đều kêu gọi chúng ta hãy tiến vào Mùa Chay bằng một thái độ lắng nghe và chân thành trở lại.

2. Phúc Âm nhấn mạnh là Chúa “thấy trong kín đáo”, tức là Ngài thấu suốt cõi lòng. Những cử chỉ thống hối bên ngoài chỉ có giá trị khi nó bộc lộ một thái độ nội tâm, khi nó thể hiện một ý muốn mạnh mẽ muốn tránh lánh sự dữ và đi vào con đường ngay nẻo chính. Đó mới là ý nghĩa sâu xa của việc khổ chế Kitô giáo.

‘Khổ chế’, tự mình, từ ngữ này gợi lên một hình ảnh vươn tới những mục đích cao cả hơn. Hình ảnh này cần phải bao gồm hy sinh và bỏ mình. Thật vậy, người ta cần phải biến hành lý thành những gì chính yếu để cuộc hành trình khỏi bị kéo lê, để sẵn sàng đối diện với bất cứ một khó khăn nào cũng như để thắng vượt tất cả mọi chướng ngại vật hầu đạt tới mục tiêu ước mong. Để trở thành những người môn đệ chân thực của Chúa Kitô, cần phải bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Người. Đó là con đường khổ công nên thánh hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa đều được kêu gọi tiến bước.

3. Giáo Hội luôn đề ra một số những phương tiện hữu ích để tiến bước trên đạo lộ này. Trước hết, đó là việc khiêm hạ và chân thành gắn bó với ý muốn của Thiên Chúa, được kèm theo bằng việc không ngừng nguyện cầu; những cách thức ấy là những thói lệ thống hối quen thuộc theo truyền thống Kitô giáo, như hãm mình, chay tịnh, phạt xác và từ bỏ những sự vật tự bản chất vốn được phép sử dụng; những cử chỉ đặc biệt gắn bó với tha nhân được bài Phúc Âm hôm nay đề cập tới bằng chữ ‘bố thí’. Tất cả những việc này lại được đề ra một cách mạnh mẽ hơn trong thời đoạn Mùa Chay là thời đoạn tiêu biểu cho một ‘thời gian tha thiết’ với việc thao luyện thiêng liêng và quảng đại phục vụ anh chị em của chúng ta.

4. Để đạt mục đích này, trong Sứ Điệp cho Mùa Chay, Tôi đã muốn đặc biệt chú trọng tới những tình trạng khốn khó của rất nhiều trẻ em sống trên thế giới này, bằng cách nhắc lại những lời của Chúa Kitô: “Ai tiếp nhận một con trẻ nào như con trẻ này nhân danh Thày là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5). Thật vậy, còn ai cần phải được bênh vực và bảo vệ hơn một đứa bé bất lực và mỏng dòn?

Những vấn đề hành khổ thế giới trẻ em thì nhiều và phức tạp. Tôi hy vọng rằng chúng ta, bằng việc đoàn kết với nhau, sẽ cống hiến việc chăm sóc cần thiết cho những người anh chị em nhỏ bé nhất của chúng ta, thành phần thường bị bỏ mặc. Đó là một cách thức đặc biệt theo chiều hướng nỗ lực sống Mùa Chay vậy.

Anh Chị Em thân mến, với những cảm thức như thế, chúng ta bắt đầu Mùa Chay, một cuộc hành trình nguyện cầu, thống hối và khổ hạnh theo tinh thần Kitô giáo đích thực. Xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô, đồng hành với chúng ta. Chớ gì mẫu gương của Mẹ và lời chuyển cầu của Mẹ giúp chúng ta hân hoan tiến đến Lễ Phục Sinh.

Sau bài giảng của ĐTC là lễ nghi xức tro, trong khi các tín hữu nhận tro từ các vị linh mục thì ĐTC nhận tro từ ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, dịch từ tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến ngày 25/2/2004
 

ĐTC với Huấn Từ Truyền Tin về Trẻ Em theo Sứ Điệp Mùa Chay

1.     Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, Tôi đã xin các cộng đồng Kitô hữu chú trọng đến trẻ em. Nhiều em đã trở thành nạn nhân của các thứ bệnh tật trầm trọng, kể cả bệnh lao phổi và hội chứng liệt kháng. Các em không được hướng dẫn và chịu đói khổ. Nhiều em nhỏ này hằng ngày tiếp tục bị chết vì thiếu dinh dưỡng và bị hoại dưỡng, thậm chí không có cả những gì tối thiểu bất khả thiếu để sống còn, làm tăng phát những nhu cầu sức khỏe đáng lo ngại.

2.     Ở một số phần đất trên thế giới, nhất là ở những xứ nghèo, có những trẻ em và vị thành niên trở thành những nạn nhân của một hình thức bạo lực kinh khiếp. Họ được chiêu mộ để chiến đấu trong những cuộc xung đột được gọi là vô danh. Thật vậy, các em trở thành một thứ hung hăng tàn hại lưỡng diện, ở chỗ các em vừa là nạn nhân vừa là những vai chính của chiến cuộc, đẩy các em vào mối hận thù của thành phần người lớn. Bị hụt hẫng tất cả mọi sự, các em thấy tương lai của các em bị đe dọa bởi một cơn ác mộng khó có thể tan biến.

3.     Những người anh em nhỏ bé nhất của chúng ta ấy, thành phần chịu đói khổ, chiến tranh và bệnh tật, đang thảm thiết kêu gọi thế giới người lớn. Chớ gì tiếng kêu gào âm thầm của nỗi đớn đau của họ được lắng nghe! Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: ‘Ai tiếp nhận một trẻ nào như em nhỏ này là tiếp nhận Thày” (Mt 18:5).

Thời đoạn Mùa Chay kêu gọi Kitô hữu sốt sắng đáp ứng những lời Phúc Âm ấy, bằng cách mang những lời này ra thực hành đối với những em nhỏ đang gặp nguy hiểm và bị bỏ rơi.

Xin Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa hộ giúp các em trong cơn khốn khó và làm sinh hoa kết trái cho những nỗ lực của tất cả những ai yêu thương tìm cách làm dịu bớt những nỗi khổ đau của các em.

Căn cứ vào những lời của ĐTC trên đây liên quan đến vấn đề lực lượng trẻ em chiến đấu, thì theo tường trình của cơ quan truyền giáo của Tòa Thánh là Fides, có 300 ngàn trẻ em, tuổi từ 7 đến 17, đã được sử dụng vào 36 cuộc chiến, nhất là ở Colombia, Myanmar (Burma), Sri Lanka, Afghanistan, Somalia, Burundi và Congo. Nguyên ở Congo có 150 ngàn lính trẻ em. Theo tường trình của Liên Hiệp Quốc thì trong thập niên vừa qua có 2 triệu trẻ em đã chết trong các trận chiến và 4 triệu trẻ em bị tàn tật trầm trọng.