“Chúa Kitô đã trở nên nghèo vì anh chị em” (2Cor 8:9)

 

ĐTC Biển Đức XVI Sứ Điệp Mùa Chay 2008 

 

Anh Chị Em thân mến!

 

1.       Mỗi năm, Mùa Chay cống hiến cho chúng ta một cơ hội thuận lợi để đào sâu ý nghĩa và giá trị của đời sống Kitô hữu, và nó kích thích chúng ta trong việc tái nhận thức tình thương của Thiên Chúa, nhờ đó, về phần mình, chúng ta trở nên thương cảm đối với những người anh chị em của chúng ta. Trong thời đoạn Mùa Chay, Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm phải nêu lên một vài việc đặc biệt cụ thể giúp cho tín hữu trong tiến trình canh tân nội tâm này: những việc ấy là cầu nguyện, chay tịnhlàm phúc. Về Sứ Điệp Mùa Chay cho năm nay, tôi muốn giành chút thời gian để suy niệm về việc làm phúc, một việc đặc biệt tiêu biểu cho việc hỗ trợ những ai thiếu thốn, đồng thời là một việc thực hành bỏ mình để chúng ta thoát khỏi bị ràng buộc dính bén với các sản vật trần thế. Chúa Giêsu đã dứt khoát khẳng định đối với mãnh lực thu hút vào những thứ giầu sang vật chất cũng như đối với cách thức chúng ta thẳng thắn quyết định không được làm cho chúng trở thành một thứ ngẫu tượng rằng: “Các người không được phục vụ Thiên Chúa lẫn tiền bạc” (Lk 16:13). Việc làm phúc giúp cho chúng ta thắng vượt được xu hướng liên lỉ này, dạy chúng ta hãy đáp ứng các nhu cầu nơi thành phần tha nhân của chúng ta, và chia sẻ với người khác những gì chúng ta sở hữu nhờ lòng lành thần linh ban cho. Đó là mục đích của những quyên góp đặc biệt cho người nghèo, những quyên góp được phát động trong Mùa Chay ở nhiều nơi trên thế giới. Nhờ đó, việc thanh tẩy nội tâm mới được kèm theo bằng cử chỉ hiệp thông của Giáo Hội, phản ảnh những gì đã xẩy ra vào thời Giáo Hội sơ khai. Trong các bức Thư của mình, Thánh Phaolô nói về điều này liên quan tới việc quyên góp cho cộng đồng Gia Liêm (xem 2Cor 9-9; Rm 15:25-27).

 

2.       Theo giáo huấn của Phúc Âm thì chúng ta không phải là thành phần sở hữu chủ mà là thành phần điều hành những sản vật chúng ta có được mà thôi: bởi thế, những thứ sản vật ấy không được coi như hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của chúng ta, song là phương tiện  nhờ đó Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta hãy tác hành như một người quản lý cho việc quan phòng của Ngài đối với tha nhân của chúng ta. Như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở chúng ta,  những sản vật thể chất mang một giá trị về xã hội, theo nguyên tắc nhắm đến mục đích chung của chúng (xem số 2404).

 

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu minh nhiên khiển trách thành phần sở hữu và sử dụng những thứ giầu sang trần thế của mình cho riêng bản thân mình mà thôi. Trước những đám đông dân chúng, thành phần, thiếu thốn hết mọi sự, đang đói khổ, những lời của Thánh Gioan mang một giọng điệu khiển trách vang vọng: “Làm thế nào tình yêu của Thiên Chúa lại ở nơi một kẻ có được những sản vật trần gian này mà khi thấy anh chị em mình thiếu thốn lại chối từ giúp đáp chứ? (1Jn 3:17). Ở những quốc gia mà đa số là Kitô hữu thì tiếng gọi chia sẻ lại càng khẩn trương hơn nữa, vì trách nhiệm của họ đối với nhiều người bị nghèo khổ và bị bỏ rơi lại càng hệ trọng hơn nữa. Thực hiện việc trợ giúp họ là một nhiệm vụ công bằng còn đi trước cả tác động bác ái nữa.

 

3.       Phúc Âm nhấn mạnh đến một tính chất mẫu mực nơi việc làm phúc của Kitô giáo đó là phải kín đáo. Chúa Giêsu dạy rằng “Đừng để tay trái của các con biết việc tay phải của các con làm để việc làm phúc của các con được thực hiện cách âm thầm” (Mt 6:3-4). Ngay trước đó một chút, Người đã nói là đừng có khoa trương về các việc lành của mình kẻo có nguy cơ bị mất phần thưởng trên trời (xem Mt 6:1-2). Thành phần môn đệ này cần phải quan tâm tới vinh quang của Thiên Chúa hơn chứ không phải vinh hiển của chúng ta. Anh chị em thân mến, ý thức này cần phải gắn liền với hết mọi cử chỉ giúp đáp tha nhân của chúng ta, tránh làm cho nó thành phương tiện biến chúng ta trở nên tâm điểm được chú ý tới. Nếu, trong việc hoàn thành một việc thiện, chúng ta không nhắm đến vinh quang của Thiên Chúa và phúc hạnh thực sự của anh chị em chúng ta, trái lại tìm kiếm một thứ bù đắp lợi lộc riêng tư hay được hoan hô khen ngợi, là chúng ta vượt ra ngoài nhãn quan của Phúc Âm. Nơi thế giới đủ thứ hình ảnh ngày nay thì cần  phải tỉnh táo chú trọng vì khuynh hướng này là những gì sâu nặng. Theo Phúc Âm thì việc làm phúc không phải chỉ là một việc thuần nhân ái, mà là một thể hiện cụ thể đức bác ái, một thần đức đòi phải thực hiện việc qui hướng nội tâm về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, theo gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng, khi chết trên cây thập giá, đã hiến trọn bản thân mình cho chúng ta. Làm sao chúng ta lại không tạ ơn Thiên Chúa về nhiều con người âm thầm, xa khỏi tầm mắt của thế giới truyền thông, đã hoàn tất theo tinh thần này các hoạt động quảng đại trong việc nâng đỡ tha nhân khốn khó của mình? Chẳng có lợi là bao khi ban tặng sản vật tư riêng của mình cho người khác với một con tim đầy những tham muốn được vinh hiển: đó là lý do, một con người, vì biết rằng Thiên Chúa là Đấng “thấy nơi kín đáo” và sẽ âm thầm tưởng thưởng cho, sẽ không mong muốn được trần gian nhận biết về các việc làm của tình thương.

 

4.       Trong việc mời gọi chúng ta hãy coi việc làm phúc bằng một ánh mắt sâu xa hơn, vượt lên trên chiều kích thuần vật chất, Thánh Kinh dạy chúng ta rằng cho đi thì vui hơn là lãnh nhận (xem Acts 20:35). Khi chúng ta làm những gì vì yêu thương là chúng ta thể hiện sự thật về con người của chúng ta; thật vậy, chúng ta đã được dựng nên không phải cho chúng ta mà là cho Thiên Chúa và cho anh chị em của chúng ta (xem 2Cor 5:15). Mỗi khi, vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta chia sẻ các sản vật của mình cho anh chị em tha nhân  thiếu thốn của chúng ta, là chúng ta khám phá ra rằng tầm vóc trọn vẹn của đời sống xuất phát từ yêu thương và tất cả những gì được hoàn lại cho chúng ta đều là một phúc lành theo thể thức của niềm bình an, của nỗi mãn nguyện nội tâm và niềm vui trong lòng. Cha của chúng ta ở trên trời tưởng thưởng cho việc làm phúc của chúng ta niềm vui của Ngài. Còn nữa, Thánh Phêrô bao gồm trong số những hoa trái thiêng liêng của việc làm phúc ơn tha thứ tội lỗi nữa: Ngài viết “đức bác ái bù đắp nhiều tội lỗi” (1Pt 4:8). Như phụng vụ Mùa Chay thường lập lại là Thiên Chúa cống hiến cho thành phần tội nhân chúng ta cơ hội để được thứ tha. Sự kiện chia sẻ với người nghèo khổ những gì chúng ta có là việc sửa soạn cho chúng ta lãnh nhận một tặng ân như thế. Vào lúc này đây, tôi đang nghĩ tới những ai đang ý thức được gánh nặng sự dữ họ đã vấp phạm, và chính vì thế, họ cảm thấy xa Thiên Chúa, cảm thấy sợ hãi và hầu như không thể quay về với Ngài. Bằng việc đến gần với những người khác qua việc làm phúc là chúng ta đến gần với Thiên Chúa; nó có thể trở thành một dụng cụ cho việc thực tình hoán cải và hòa giải với Ngài cũng như với anh chị em của chúng ta.

 

5.       Việc làm phúc dạy chúng ta sống quảng đại yêu thương. Thánh Giuse Biển Đức Cottolengo đã thẳng thắn khuyên rằng: “Đừng bao giờ biên chép về những đồng bạc cắc anh chị em trao tặng, vì đó là những gì tôi luôn nói là, nếu trong việc làm phúc mà tay trái không biết được việc tay phải làm thì cả tay phải nữa cũng không được biết tới những gì chính nó làm” (Detti e pensieri, Edilibri, n. 201). Về vấn đề này, lại càng thấm thía hơn với câu truyện trong Phúc Âm về người đàn bà góa đã bỏ vào hòm tiến của Đền Thánh từ cái nghèo khổ của mình “tất cả những gì bà có để sống còn” (Mk 12:44). Đồng bạc cắc tí xíu chẳng là gì của bà đã trở thành một biểu hiệu hùng hồn ở chỗ bà góa này đã dâng hiến lên Thiên Chúa không phải bởi cái dồi dào phong phú của mình, không phải bởi những gì bà có cho bằng những gì bà là. Tất cả bản thân  của bà.

 

Chúng ta thấy nơi đoạn phúc âm cảm động này, được xen kẻ vào việc diễn tả về những ngày ngay trước cuộc khổ nạn và tử nạn của Người, Đấng như Thánh Phaolô viết, đã biến Mình thành nghèo khổ để làm cho chúng ta được giầu sang bởi cái nghèo khổ của Người (xem 2Cor 8:9); Người đã ban tặng tất cả bản thân của Người cho chúng ta. Mùa Chay, cũng nhờ việc thực hành vấn đề làm phúc này, tác động chúng ta hãy theo gương của Người. Nơi học đường của Người, chúng ta có thể học biết biến cuộc đời mình thành một tặng ân hoàn toàn; khi noi gương bắt chước Người, chúng ta mới có thể làm cho mình thành sẵn sàng, không phải ở chỗ cho đi một phần nào những gì chúng ta có mà là chính bản thân của chúng ta. Không phải toàn thể Phúc Âm có thể được tóm lại trong giới răn duy nhất về yêu thương hay sao? Việc làm phúc trong Mùa Chay như thế trở thành một phương tiện để đào sâu vào ơn gọi của Kitô hữu chúng ta. Trong việc tự động cống hiến bản thân mình Kitô hữu làm chứng rằng chính yêu thương chứ không phải là cái giầu sang về vật chất mới làm nên luật sống của họ. Bởi thế, tình yêu cống hiến cho việc làm phúc giá trị của nó; nó tác động những hình thức khác nhau của việc ban tặng, tùy theo những khả năng và điều kiện của từn g người.

 

6.       Anh chị em thân mến, Mùa Chay mời gọi chúng ta “hãy luyện thân” về phương diện thiêng liêng, cũng nhờ việc thực hành vấn đề làm phúc, để tăng trưởng trong đức ái và nhận ra chính Chúa Kitô nơi kẻ nghèo khổ. Trong Sách Tông Vụ, chúng ta đọc thấy rằng Tông Đồ Phêrô đã nói với người què ăn xin ở cổng Đền Thờ rằng: “Tôi không có vàng bạc, song tôi cho anh những gì tôi có; nhân danh Chúa Giêsu Kitô Nazarét, anh hãy bước đi” (Acts 3:6). Trong việc làm phúc, chúng ta cống hiến một điều gì đó vật chất, một dấu hiệu của một tặng ân cao cả hơn được chúng ta trao cho người khác qua việc loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô là Đấng mang danh hiệu chất chứa sự sống thực sự. Bởi vậy, xin hãy làm cho thời điểm này được đánh dấu bằng một nỗ lực gắn bó chung riêng với Chúa Kitô, để chúng ta trở thành những chứng nhân cho tình yêu của Người. Chớ gì Mẹ Maria, Mẹ của Chúa và là Người Tôi trung của Chúa, giúp cho tín hữu tiến vào “trận chiến thiêng liêng” của Mùa Chay, được trang bị bằng việc nguyện cầu, chay tịnh và làm phúc, trong khi tiến đến việc cử hành Lễ Phục Sinh với tinh thần mới. Với những ước nguyện ấy, tôi hân hoan ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả anh chị em.

 

Vatican ngày 30/10/2007

 

Biển Đức XVI

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/lent/documents/hf_ben-xvi_mes_20071030_lent-2008_en.html

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)